Wednesday, November 27, 2024

ẢO ẢO

Hoàng Xuân Sơn
 
Tranh Phan Nguyên
 
Tôi lồng lộng vào giấc mơ em
Bắt gặp một tràng thiên sử ngọc
Màu trăng hoang dã rớt bên thềm
Ta bắt đầu làm chiếc cột mốc
Có lẽ từ tiếng vọng thiên thu
Ngày em sớm bắt đầu diễm lệ
Tôi còn là gã khờ lơ mơ
Trước chuyển động cuộc trình kể lể
Bước đi hoài không tới nghìn năm
Những bàn chân bắt đầu lấm bụi
Mặt trăng. những dây thất huyền cầm
Dưới luống cày rối bù tóc rối
Ví thử nhạc nồng lên hương mai
Miệt xưa vóc nhung lụa thu hồi
Ta biết làm gì khúc cẩm đoạn
Áo chéo khăn buông một cõi rời
Như ánh chớp mùa yêu rụng xuống
Tôi và em trong buổi sấm rền
Trú sở có những lúc trầm lắng
Rồi dậy lên cuồng nhiệt đảo điên
Trong ống quyển thiên hà sao chấm
Ba ngôi ba dự phóng hồi âm
Nhặt khoan em. tôi chờ. rất đậm
Giữa phương hoa vàng khúc nguyệt cầm
Làm sao quên sao quên được hằng số
Phút giây trong tất tả có mình
Em trao tôi lớp tầng dinh thự
Rồi lún dần địa tạng thiên kinh
)(
H O À N G X U Â N S Ơ N
Cuối tháng 10, 2024
 

TUYẾT & HƯƠNG TRÀ

nguyễnxuânthiệp
 
Tuyết ở Amarillo
 
Mùa đông về rồi đó. Xin mời các bạn đọc lại bài viết trong một ngày mùa đông của năm 2012
Những ngày này tuyết phủ trắng nhiều nơi trên nước Mỹ. Như ở Amarillo, Texas. Trong cảnh tuyết phủ mênh mông ấy, người ta mơ tới những ngọn nến trắng được thắp lên và tỏa ấm như trong thơ của Pasternak. Cũng như nó được thắp lên một đêm tuyết rơi thoảng mùi hương trà trong câu chuyện của nhà văn Nga nổi tiếng Konstantin Paustovsky. Chuyện xảy ra như sau. NXT
 
   Trong Thế Chiến II, ở nước Nga nhiều người phải rời thành phố về miền quê sống tạm. Tatyana Petrovna là một trong số những người ấy. Cô là một ca sĩ trẻ người Moscow cùng với con gái Varvara, tản cư về một thành phố nhỏ và ngụ tại nhà một người đàn ông già tên Potapov. Một tháng sau khi Tayana đến, ông Potavov qua đời.
   Lúc đầu cô không ưa cái thị trấn này, và cảm thấy hối tiếc rằng đã rời bỏ nhà hát ở Moscow để về đây. Nhất là vào những sáng những chiều, lúc thời tiết xấu, lũ quạ kêu quang quác, miệng đầy họng máu, bay thành từng đám mây đen trên những ngọn cây trụi lá. Nhưng rồi ngày tháng trôi qua, cô dần quen với ngọn đồi bạch dương và dòng sông uốn lượn bên đồi. Cô cũng đã bắt đầu đi trình diễn ở các trạm quân y trong vùng. Cuối cùng thì cô đâm ra thích cái thị trấn nhỏ bé và êm đềm này, nhất là khi tuyết phủ. Và cô bắt đầu quen sống trong ngôi nhà của một người lạ với những đồ vật lạ. Potapov có một người con trai hiện đang phục vụ trên một chiến hạm trong vùng Hắc Hải. Tatyana ngắm nhìn tấm ảnh của anh treo trên tường, cảm thấy đã gặp chàng trai này ở đâu, dường như đã lâu lắm trước cuộc hôn nhân thất bại của cô, nhưng cô không thể nào nhớ ra được.
   Những bức thư tiếp tục gởi về cho Potapov, tất cả đều cùng một người viết. Tatyana xếp những cái thư ấy trên bàn viết của gia chủ. Một đêm, khi trời đổ tuyết, Tatyana không thể nào ngủ được. Tò mò, cô mở một cái thư ra xem. Người con trai của Potapov là Nikolai cho biết rằng anh vừa hồi phục sức khỏe trong bệnh viện sau khi bị thương nhẹ. Anh ta hy vọng rằng khi rời khỏi bệnh viện anh sẽ có thể xin nghỉ phép về thăm cha già. Người con hình dung ra cảnh vật lúc anh trở về: Tuyết rơi trên những con đường đi tới vườn cây chỗ đình phong ngày nào sẽ được dọn sạch, chiếc đàn dương cầm cũ xưa sẽ được lên dây lại, và trên mặt đàn vẫn còn bản nhạc lúc anh rời nhà ra đi -đó là khúc mở đầu (overture) của tác phẩm “The Queen of the Spades” của Tchaikovsky, và những ngọn nến cháy dở vẫn còn trong giá nến. Anh ta còn tỏ ý thắc mắc không biết cái chuông treo trên cửa có còn ngân vang như ngày xưa.
   Tatyana cảm nhận được rằng một ngày nào đó người con sẽ trở về. Thật là khó cho anh ta khi thấy rằng những người ở trong ngôi nhà và mọi vật không còn như anh mong đợi. Tuy vậy, sáng hôm sau Tatyana cũng ra dọn sạch tuyết trên lối đi tới vườn cây. Cô cũng sửa lại cái chuông treo ở cửa và mướn người đến lên dây đàn. Cô tìm lại những mẩu nến cháy dở và đem cắm vào giá nến. Varvara nhìn mẹ lăng xăng làm việc, lấy làm ngạc nhiên vui thích.
   Và rồi Nikholai được xuất viện. Anh đã về đến ga xe lửa, mong gặp lại cha mình. Anh chỉ có thể ở lại nhà 24 tiếng đồng hồ. Và anh buồn biết mấy khi người trưởng ga báo cho anh biết cha anh đã qua đời. Nikholai dạo bước lang thang, nhưng không có ý định về lại ngôi nhà của cha mình. Anh chỉ đến thăm vườn cây và cái đình phong ngày xưa nơi lối đi đã được dọn sạch. Đang đứng trầm tư trong tuyết thì một thiếu phụ trẻ bước đến -đó là Tatyana. Cô thân ái mời anh vào nhà.
   Trong nhà, chuông cửa vẫn hoạt động, những ngọn nến và cây đàn dương cầm vẫn ở đó -mọi vật trước mắt đúng như anh tưởng tượng. Nikholai cùng ngồi dùng trà với Tatyana. Cô nói dường như cô đã có gặp anh ở đâu đó một lần.
   Đêm hôm ấy, Nikholai nằm ở sopha không chợp mắt. Anh cố thức tận hưởng từng phút giây trong ngôi nhà xưa.
   Sáng hôm sau, Tatyana đưa anh ra ga xe lửa. Trước khi anh bước lên tàu, cô bảo anh là hãy viết thư về. Sau cùng, cô nói, cô và anh đã là người một nhà.
   Vài hôm sau, Tatyana nhận được thư của Nikholai. Anh nói anh nhớ ra rồi nơi họ đã gặp nhau. Đó là vào năm 1929, trên vùng Crimea. Hôm ấy, Nikholai đang đi dạo trong công viên. Gần đó, một thiếu nữ đang ngồi trên ghế đá với cuốn sách trên tay. Cô đứng dậy và đi ngang qua mặt anh. Anh dừng lại, nhìn theo cô, nghĩ rằng cô sẽ là người thay đổi cuộc đời anh và mang đến cho anh niềm hạnh phúc tuyệt vời. Anh có cảm tưởng số mệnh đã đưa cô đến với anh, nhưng hồi ấy cô không theo anh. Và số mệnh một lần nữa lại mang cô, ôi Tatyana, về lại với anh. Và nếu quả cô cần có anh thì anh nguyện sẽ hiến dâng cuộc đời anh cho cô.
   Tatyana gấp bức thư lại đặt xuống bàn và cô tự nghĩ: Mình chưa bao giờ sống ở Crimea. Nhưng điều đó có quan trọng gì đâu?
 
Lời cuối của người chuyển ngữ:
     Vâng, đâu có gì là quan trọng bạn nhỉ. Chỉ cần hai người yêu nhau. Xin mời các bạn uống với Tatyana một chung trà khi tuyết đang rơi ngoài khung cửa và tiếng cái chuông gió đang reo.
(theo Konstantin Paustovsky)
NXT

  

Sunday, November 24, 2024

KÝ ỨC TỪ GIẤC MƠ EM TÔI

Vương Ngọc Minh
 
 Thời gian. Tranh Bửu Chỉ.
 
tháng tư, coi như chấm dứt chiến tranh
lẳng lặng ả trao tôi
tấm bưu thiếp
mặt trước in hình một buổi chiều đỏ
nghiêng ngửa
-ở đâu đó
 
thực khó nghĩ, và
mặt sau
vẽ hai con khỉ so găng, trên đường kiến đi
sẽ đấu tay đôi
nét vẽ điêu luyện..
nhưng vẫn không phải các ước muốn
từ tôi tạo ra
 
khi gấp tấm bưu thiếp
làm tư, đút túi
từng đứa nhỏ tròn trịa tựa quả dừa
từ mép giấy rơi ra
 
ả phát chửi chúng té tát
nào con hoang
nào mất dạy
bỗng chốc, tôi hóa thành con bò tót
cầm cây dao găm lấp lánh
mồm hộc búng
búng
máu bầm
 
danh vị bồ tát khoác trên thân ả
bao lâu nay, bị tước đoạt bởi những kẻ làm thơ giả
nhìn có vẻ
bất hợp pháp
 
yah, theo cách của con bò tót
hộc búng
búng-máu bầm
tôi từng băng qua hai biên giới-thái lan
cam-pu-chia
đột nhập gia đình ả
từng hỏi bố ả “ông này.. tại sao ông khóc?”
hỏi má ả “bà kia.. tại sao bà khóc?”
 
đoạn, ngậm dụng cụ cạo mủ cao su
đứng ra phân giải ông nội ả
xin ông đừng bảo vệ, chuyện yêu đương
chuyện thường tình
..
tôi đi bộ hàng vạn dặm
từ hà tiên
dắt theo con ngựa bịt mắt, ưa cười rạng rỡ
mới đột nhập được
vô đây
 
hỏi em gái ả, khi đấy đang bỏ kẹo vô miệng
“cô ơi.. tại sao cô khóc?”
quái quá, chả ai chịu trả lời, như thể trong tâm trí bọn họ
tôi hiện hữu tợ một thực tế
thành, bọn họ chỉ biết khóc thôi..
 
suốt năm, tháng sống nhăn
như một bài thơ
thì cuộc đời ấy-ôi, thực lẫm liệt
nhưng biết chừng nào tôi biết, mình đã sống đủ..
 
đã chép miệng, vô số lần
lần nào cũng hô "vụt tốc bất đạt"
với ý
muốn nói tới sự tước đoạt
danh vị bồ tát của ả, từ bọn chuyên làm thơ giả
điều khiến cho
- kìa
em bây giờ đã giống màu lam của tấm áo nâu sòng, trên thân thầy Quảng Đức
đà hiển hiện
trong mồm con bò tót
 
quan trọng hơn
có nhẽ
tôi sống không thể thiếu thơ
dù cái bụng phệ, càng ngày càng phệ thêm
dù ở phía sau mặt trời
 
đứt bóng.
..
VNM

  

Friday, November 22, 2024

RỜI RẠC

Kc Nguyễn
 
 
Tranh Chagall
 
Một người che lồng ngực trống
trái tim rơi trên đường, dẫm nhiều lần
một người gập mình chịu đựng
những tế bào nổi loạn
lời van nài và nguyền rủa như nhau
tôi dán mắt vào chiếc áo lụa mượt mà
đã giảm giá, hợp thời trang, nhìn đắt tiền, ấn tượng trên người lạ lẫn người quen
tự họa chân dung
chiều sâu không thể đo bằng trang giấy, nhưng bề mặt là hỗn hợp của bột tre và bột gỗ
tôi sẽ tìm ai, ở bên kia
những người hùng của thời niên thiếu
hay người đổ bộ Normandy
tìm sự cân bằng giữa bức tranh thuỷ mặc và hiện thực
tôi tìm ai, ở bên này
người dâng cuộc đời cho cuốn sách viết nhiều ngàn năm trước
hay người thắp ngọn đèn cho thuyền buồm rách nát
tìm xác suất đúng sai của niềm tin
sẽ trở về, trái tim
nó không thể chết ngoài lồng ngực
anh, người sở hữu
có thể bóp nghẹt mà thôi
cho những tuyệt lộ, cuối đường
câu nói nào chưa trở thành nhàm chán
lời an ủi nào không sượng
tôi nghĩ đến hàng phong gầy giữa các tòa nhà sừng sững, tiếng xe cứu thương dưới bầu trời
mùa đông thấp và ướt sũng, tôi nghĩ tới những cơn đau không cách nào cầm được, nghĩ tới sự
hài hoà của mùa màng, sự vô tình của đất
nghĩ tới chiếc áo lụa
nghĩ tới chiếc kén, con tằm, nước nóng
nghĩ tới viên thuốc giúp tất cả ngủ yên
kc Nguyễn

  

Thursday, November 21, 2024

MỘT CHÚT KỶ NIỆM VỚI NGHIÊU ĐỀ

Nguyễn Xuân Hoàng

 


Chân dung Nghiêu Đề và Nguyễn Xuân Hoàng
 
Nghiêu Đề là họa sĩ tên tuổi của Miền Nam. Ông là thành viên Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam; Huy chương Bạc Hội họa mùa Xuân 1961, từng tham dự triển lãm tại nhiều quốc gia. Ngoài hội họa, Nghiêu Đề còn viết văn, làm thơ. Tác phẩm đã xuất bản: Ngọn Tóc Trăm Năm (Sài Gòn 1965.) Nghiêu Đề cùng gia đình đến Hoa Kỳ năm 1985. Ông qua đời ngày 09 Tháng Mười Một, 1998 tại San Diego, California khi chưa tới tuổi 60, để lại nhiều thương tiếc cho vợ là nhà thơ Lê Chiều Giang và bạn bè ở nhiều nơi. Vốn là người vui vẻ, hoạt bát và có tấm lòng rộng mở với mọi người, Nghiêu Đề để lại nhiều kỷ niệm với bạn bè. Sau đây mời các bạn đọc trang viết của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng để nhận định rõ tài năng và tâm tư của bạn mình. PV
 
Nghiêu Đề đến với chúng tôi như một người viết những chữ vui đầy âm thanh và màu sắc xuống một trang giấy chi chít những dòng chữ đen buồn bã của đời sống. Anh làm cho cuộc đời những người gần anh có ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn. Những câu nói, những suy nghĩ bình thường của mọi người khi đến với anh đều bị anh lật ngược. Và người nghe ngỡ ngàng khi khám phá ra bên kia cái nghĩa bình thường còn có một ý nghĩa “khác thường hơn”, “thích thú hơn” mà trước đó chưa ai nghĩ ra.
 
Nghiêu Đề có khuôn mặt, vóc dáng của một kẻ sĩ bất mãn với cuộc đời, nhưng là một kẻ sĩ lạc quan. Anh đặt cho người nghe vào một trạng thái hụt hẫng, mất thăng bằng, và bật cười khi khám phá ra ý nghĩa của điều anh muốn nói.
Tôi gọi Nghiêu Đề là một người bạn thật trong một vài người bạn thật của tôi, bởi có những người bạn tưởng là bạn nhưng là bạn giả, giống như bạc giả vậy. Không nên xài bạc giả, nguy hiểm lắm! Trong những cuộc họp mặt vào cuối tuần ở nhà anh, dưới San Diego, hoặc ở nhà Nguyễn Mộng Giác ở Quận Cam, bao giờ bạn bè cũng bật cười khi nghe anh kể chuyện. Anh nói chậm rải, giọng miền Trung, phát âm rõ, với một nụ cười kín đáo. Nhưng điều anh nói bao giờ cũng khiến chúng tôi giật mình.
 
Những chiều thứ Bảy nào hẹn nhau ở Quận Cam, mặc dù con đường từ nhà anh đến nhà bọn tôi dài khoảng hai giờ lái xe, và vào những tháng mùa đông con đường còn bị chìm trong một vùng sương mù dày đặc, thế nhưng Nghiêu Đề không bao giờ vắng mặt. Có anh, không khí buổi họp bạn vui, ấm và sáng hẳn lên.
 
Giữa năm 1998, khi Nghiêu Đề bắt đầu trở bệnh, bọn tôi không còn gặp nhau thường xuyên như trước, nhưng mỗi lần có dịp họp mặt, Nghiêu Đề vẫn luôn mang đến cho chúng tôi tiếng cười. Có lần anh bảo tôi: “Cậu thân ông Mai Thảo hơn tôi phải không?” Tôi không trả lời ngay, vì chưa biết bạn tôi định gài bẫy gì, thì anh tiếp: “Ông ấy muốn sponsor thì cứ việc sponsor cậu trước đi chứ việc gì sponsor tôi?” Anh chưa muốn đi theo Mai Thảo.
 
Nghiêu Đề những ngày sau đó thường nói bệnh như là một phần của đời sống anh. “Mà nói đến chuyện hưởng đời thì tại sao không hưởng luôn cái bệnh của đời.” Bệnh tật có làm anh đau đớn nhưng quả tình anh cũng đã nhìn nó bằng một con mắt đùa cợt nhẹ nhàng như không.
 
Nghiêu Đề là một trong những họa sĩ đã hình thành nền hội họa đầy tính năng động và sáng tạo Việt Nam trong những năm đầu thập niên 60. Trong một bài viết về Nghiêu Đề* nhà phê bình hội họa Huỳnh Hữu Ủy nhận định “Trong bầu không khí nồng nhiệt đổi mới và khao khát sáng tạo của những thập niên 50 và đầu 60, Nghiêu Đề xuất hiện như một khuôn mặt trẻ trung, phấn chấn tiến đến với nền nghệ thuật mới.” … “Và chính trong không khí rạo rực đầy hứa hẹn ấy, Nghiêu Đề đã góp một tay vào việc thiết kế căn nhà mới của nền nghệ thuật mới.
Anh được tặng thưởng huy chương bạc Hội Hoạ Mùa Xuân năm 1961 với tác phẩm Chân dung sáng tác một năm trước đó, vẽ khuôn mặt một thiếu nữ đầy chất cách tân, vì khuôn mặt của thiếu nữ có thể nói là hơi nhỏ, không cân bằng trên một thân hình khá lớn, lại còn cái cổ áo dựng cao lên làm chúng ta nhớ đến kiểu áo dài của phụ nữ thời đó, vậy mà tất cả lại trở nên rất hoà hợp khi tất cả đều như chìm vào trên một nền sơn dầu mạnh mẽ xanh xám như đá tảng.”*
 
Biết anh là tác giả tập truyện Ngọn Tóc Trăm Năm tôi hỏi xin anh nột truyện ngắn cho Văn, nhưng anh chỉ cười. Thỉnh thoảng Nghiêu Đề gửi lên cho Văn một bài thơ và tuyệt nhiên không thấy một truyện ngắn mới nào. Tại sao? Nhiều lần tôi hỏi anh và anh nói “màu sắc đủ rồi, thơ cũng là quá một bước, truyện ngắn là lỡ bước thứ hai. Cậu đừng xúi dại tôi mãi như vậy!”
 
Tối ngày 9 tháng 11, 1998 đang ngồi ở tòa soạn xem lại phần tin trên trang nhất của số báo cuối cùng trước khi chia tay để nhận việc một tờ báo khác ở miền Bắc Cali thì nhận được điện thoại của nữ ca sĩ Quỳnh Giao báo tin Nghiêu Đề vừa ra đi lúc 6 giờ 25 [chiều], tại nhà anh ở San Diego. Tôi nhớ nụ cười của Nghiêu Đề khi hỏi tôi chuyện Mai Thảo sponsor. Tôi không nghĩ là anh ra đi nhanh như vậy. Một tuần sau, ngày các bạn tôi từ Quận Cam kéo nhau xuống phương nam tiễn Nghiêu Đề ra đi cũng là ngày tôi phải từ Quận Cam lên đường ngược chiều về phương bắc nhận việc làm trong một tờ báo mới ở San Jose. Đời sống không bao giờ dễ dãi với một ai. Tôi đã không đến thăm Nghiêu Đề lần cuối. Tôi đã chia tay anh trên một chuyến bay.
San Jose, 16.11, 1998 –11. 11, 2009
NXH
 
*Huỳnh Hữu Ủy, Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại, VAALA 2008, tr. 183.

Sunday, November 17, 2024

HƯ ẢO THU

Nguyễn Thị Khánh Minh

Mùa thu. Tranh của Duyên

1.
Dường như tôi nghe
Nhẹ như cơn gió thoảng
Anh đang chờ mùa thu…
Âm man mác buồn. Chờ
Vẽ ra trong nắng bỏng. Ánh mắt im, xa vắng
Chờ một người quen lâu lắm chưa về
Dường như đã lặng rồi, mùa cũ
Hôm nay ai đó quăng viên cuội xuống mặt hồ
Âm âm…
Lời thầm thì. Hư huyễn
Ảo ảnh một người. Có thể đã ngồi đấy. Và nói
Anh đang chờ mùa thu…
 
Mùa thu tràn dưới phố
Dường như ai gọi nhỏ
Cho tôi trở về
Mùa cúc quỳ hư ảo
Mầu vàng ngập hết chiêm bao
 
2.
Gió nấc lạnh
Lời chia tay còn ngậm
Sợi đàn căng. Một nốt nhạc chưa buông
Đêm dấu ánh nhìn
Nước mắt ơi đừng rơi
Lời chia tay thôi đừng nói
Con đường sẽ nặng những âm thanh
 
Gió sẽ thổi mùa thu cuối dốc sương
Anh còn thấy được không
Mầu áo em vàng và tóc em bay
Ngày mai anh ạ
Sẽ chỉ còn dư âm nhạc mưa thì thầm
Và dường như, cũng thế,
Lời nói yêu em
 
Cứ lặng lẽ, những ra đi
Tự nhiên như
Em luôn có một khoảng không
Đầy tay buồn bã
 
NTKM

Saturday, November 16, 2024

VỠ NỢ

Lê Chiều Giang

Nhà thơ Lê Chiều Giang
 
Thôi. Chán quá
Ta về làm thi sĩ
Ủ trong thơ là
Ánh lửa triền miên
Nếu chán hơn
Ta sẽ thành họa sĩ
Vẽ lên trời bóng tối của vầng trăng
 
Và. Sao nữa?
Ta ngàn năm vẫn thế
Cứ khơi khơi
Cứ bương bướng với đời
Buồn ngang xương. Để
Thất thoát niềm vui
Tìm nghĩa lý trong điều
Không ai hiểu.
 
Và như thế. Ta
Muôn đời vẫn thiếu
 
Nợ trần gian. Và
 
Nợ cả nhân gian
Nợ với người lời hứa:
Mãi thuỷ chung.
Thiếu cả chính ta
Một lời…
Nói thật
LCG
 

Monday, November 11, 2024

GIỮA SÁNG CHÚA NHẬT. MAI SAU!

Vương Ngọc Minh
 
Tranh Chagall
 
còn đương chập chờn, em bỏ ra ngoài
thả bộ trên con đường nhỏ, phía sau chúng cư
tối om
..chẳng nghĩ gì
do quá mệt, thì
ô-nguyên mảng trí nhớ
tuyền ruồi
và ruồi
thứ ruồi nhiệt đới, chúng dắm dẳng
buộc tôi ngẩng lên nhìn trộm qua khe cửa..
 
kìa, giữa hàng cột đèn thi thoảng lắm
mới có cột đèn sáng
em đi trong đấy, ánh mắt u uẩn
cứ như chực ập lên khổ đau tôi
-ôi cha
nỗi khổ đau vẫn sừng sững "i hate myself."
 
nom
cái cách em vừa rảo bước nhanh
vừa mường tượng
tiên tổ, mồ hôi nhễ nhại dựng nước
tôi khóc tức tưởi
hiện, vẫn chả một gắng sức
chỉ cốt muốn ngủ, dù giấc ngù đấy khá tuềnh toàng
 
-khi ấy
do đang vận quần đùi/áo thun ba lỗ
và nửa miếng dưa chuột
nghẹn ngang họng, phải công nhận-điều quả hiếm thấy
thì em lại tưởng tượng
lần này-tôi bị tùng xẻo, chẳng còn manh giáp..
 
cha chả
làm bắt nhớ cánh cửa sổ, gió thổi thốc
sút ra, và
lần cuối chúng ta nằm đè lên
làm tình
thằng quản lý chúng cư đã buộc vất đi/thay vào
cánh cửa mới
lúc nhấc cánh cửa sải bước
thằng quản lý chúng cư té sấp mặt..
 
em-trong thời khắc cấp bách này
của tôi, còn chẳng bao nhiêu
hãy để lại
nguyên các giây/phút, thật ấn tượng
những bận dưới gốc cây cọ, palm tree
ngoài công viên union square, nhìn
chúa lòng lành được tái hiện bởi nhóm ca đoàn
nhà thờ saint anthony
chúng ta hóa kiếp
 
..còn nữa
nơi chiếc ghế dài/góc phố
khuất
mắt em cháy rực ánh lửa dục vọng
tôi có nói "mình hình dung
em đã tìm thấy con đường nấc cụt
dẫn về mountain creek.."
..
trí nhớ
đang tự gỡ xuống
để như cái cách ân hận nhìn niềm vui
sướng
ùa ngập não bộ-yah
tôi luôn trân trọng, dẫu điều yêu cực tuềnh toàng
..ập xuống ngộp thở
 
nhắm hai mắt
một cách vội vã
tôi xua đi, chiếc bóng em bước trên con đường nhỏ
phía sau chúng cư, tối om
mặc
trí nhớ mọc đuôi sam dài ngoằn
 
-em ơi
hãy coi như, mọi thứ xương trong tôi
đương gãy răng rắc
nhá!
..
VNM
  

Wednesday, November 6, 2024

ĐỌC ‘ĐƯỜNG VỀ THỦY PHỦ’ CỦA TRỊNH Y THƯ

Doãn Cẩm Liên
 

Đọc Trịnh Y Thư là đọc một nghệ thuật viết tiểu thuyết vừa siêu hình vừa hiện thực. Nó thực thực hư hư đầy bất ngờ ở những bước ngoặt tình tiết. Độc giả thoạt thấy câu chuyện là như vầy, nhưng đoạn sau nó lại mở ra một cảnh mới, nhân vật cũ mà cảnh thì khác. Lối sắp xếp câu chuyện, dàn cảnh như trong phim trường. Tác giả dẫn dắt khán giả như đang xem một cuốn phim mà nhà đạo diễn đổi cảnh quay, đổi đề tài, đổi tâm tính mà vẫn luôn giữ khán giả ở lại với nhân vật của truyện, của con người Việt Nam trong suốt ba cuộc bể dâu.
 
Nhà văn Trịnh Y Thư thuộc nền văn học hiện đại, tại hải ngoại kể từ 1975. Nhìn dáng dấp, khuôn mặt, cách nói chuyện của ông, người ta thấy cái “cá tính” của ông hiện lên một cách rõ ràng. Những ai quen biết ông đều thấy cái gì ông đụng vào đều làm nó trở thành siêu! Làm nhân viên ngành điện tử viễn thông, viết văn, chơi classical guitar, sáng tác nhạc, ông đều làm tròn vai trò một cách xuất sắc.
 
Đường về thủy phủ là quyển sách gồm ba truyện vừa. Thoạt tiên độc giả cứ tưởng ba mẩu chuyện Ký ức của loài bò sát, Dưới những gốc nho biển và Đường về thủy phủ với tình tiết của những nhân vật khác nhau, ở những thời điểm khác nhau, chẳng liên hệ gì với nhau. Thế nhưng không! Trịnh Y Thư đã không tiết lộ gì cả ở hai truyện đầu, và chỉ dần mở ra rồi nối kết chúng lại ở truyện vừa thứ ba Đường về thủy phủ. Các nhân vật bác sĩ Mẫn trong Ký ức của loài bò sát, nhân vật “cô” trong Dưới những gốc nho biển, nhân vật “tôi” trong Đường về thủy phủ đều có dây mơ rễ má với nhau.
 
Đọc Trịnh Y Thư để thấy tính cách, lối suy nghĩ, hành xử của người Việt Nam, tạm đại diện bởi những nhân vật trong truyện của ông, ở ba thời đại. Thời kỳ Pháp thuộc, thời hậu chiến tranh 1975, và thời kỳ lưu vong nơi xứ người. Cả ba thế hệ tuy với số tuổi cách biệt nhau từ 80 năm đến 20 năm tuổi đều có những tình cảm, nỗi niềm, khổ sở, chấn động tâm lý chẳng khác nhau là mấy. Cái hay của tác giả là lịch sử đất nước, con người Việt Nam trải dài từ hậu bán thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21, tất cả đều rất đúng, đều có thực. Ông đã tiểu thuyết hóa các nhân vật, trong đó là đại diện cho một số người có thật ở từng thời và từng vùng.
 
Ở Ký ức của loài bò sát, những nhân vật ở độ tuổi thiếu niên niên lớn dần thành những thanh niên sống trong khung cảnh lịch sử của người Việt chống Pháp. Họ sống động và sống thực, nên họ khóc cười, nôn ọe… giống y tình huống thực của người đương thời ngày ấy. Những thiếu niên đùa phá rồi cười khúc khích khi xem trộm cảnh cô gái tắm bên giếng vườn sau nhà. Rồi thời gian trôi, người ngày lớn dần lên, cuộc chiến ngày càng khốc liệt, cách đối xử của hai phe Việt Minh và kẻ xâm lấn – người Pháp – ngày càng tàn khốc. Tác giả đã tả chân và thực đến nỗi độc giả cũng phải muốn ọe theo tình cảnh của truyện. Nhưng tác giả vẫn luôn giữ được tính nhân bản của người Việt Nam ở phần kết, ở lời ru bú mớm của nhân vật Xụ Phụn Phèn. Cô ru đứa con khi cả hai mẹ con đều không còn trên cõi đời nữa: “Yêu là gì, hả mẹ?” “Yêu là có thể hy sinh thân mình cho người mình yêu.” “Thế mẹ có yêu bố không” […] “Bố sẽ về với mẹ con mình mãi mãi…” “Bao giờ, hả mẹ?” “Bố hẹn với mẹ con mình ở thủy phủ…” […] “… Họ cùng về thủy phủ với mình, nơi không còn bom đạn hay hận thù, nơi mẹ con mình sẽ gặp bố, bố sẽ yêu thương bảo bọc mẹ con mình. Thôi con nhé, con hãy ngủ đi, khi nào mặt trời mọc là mình đến nơi.”
 
Trịnh Y Thư tài tình là vậy, ông chiếu cảnh người tàn sát người, người với bao nhiêu là tính xấu hành xử với người chân chất thật thà, nhưng ông vẫn lồng vào đấy “tình người”. Sự yêu thương giữa người và người có thật, cho dù thật hiếm hoi vì nó phải được che phủ dưới một lớp mặt lạnh lùng, vào thời điểm đó. Cái tài tình nhất là ông chấm dứt câu chuyện ở tình yêu thương của mẹ và con và người cha. Ông thuyết phục độc giả lấy lại niềm tin về con người. Con người có đốn mạt bao nhiêu vẫn không thể xóa hết những tính yêu thương chân thật trong lòng. Tính yêu thương của những người thật là “người”, không phải là “ngợm”!
 
Trong Dưới những gốc nho biển, nhân vật “cô” là nhân vật có thật đâu đó, trải dài suốt đất nước Việt Nam. Với tình huống chính trị đã qua thời chiến tranh, súng đạn của người miền Bắc – cộng sản xâm chiếm người miền Nam – Việt Nam Cộng Hòa, đã ngưng bặt. Nhưng người Việt ở cả hai miền Bắc-Nam nào được sống thanh bình trong yêu thương. Chế độ cộng sản và con người cộng sản vẫn còn tính hung tàn. Chẳng hiểu tại sao!? Nên, người miền Nam phải ra đi tìm tự do, cho dù họ quăng mình vào biển cả một mất một còn. Người vượt biển có thể thành công để đến bến bờ bên kia, ở một nước thứ ba. Hoặc họ thất bại thì lại tìm đường về Thủy Phủ, nơi không còn hận thù hay oán ghét. Nhân vật “cô” sống như ảo ảnh trên cõi đời vì thiếu tình thương mẫu tử. Mặc dù bên cạnh cô vẫn còn một bóng người yêu thương cô đấy, ông “bác sĩ bộ đội”. Có phải chăng nhân vật Mẫn trong truyện Ký ức của loài bò sát xuất hiện trở lại? Nhưng tình yêu của ông ta vẫn không thể thay thế được tình mẹ con mà cô đang tìm kiếm.
 
Và cuối cùng cô cũng tìm về Thủy Phủ!
 
Tiếp đến truyện thứ ba Đường về thủy phủ, độc giả cứ ngỡ và chờ nhân vật “tôi” cuối cùng cũng tìm đường về Thủy Phủ. Nhưng không! Tác giả không cho phép là vậy. Ông dùng kỹ thuật nghệ thuật viết tiểu thuyết tạo dựng nhân vật “tôi” bước ra từ trang sách của một nhà văn-giáo sư. “Tôi” như ảo ảnh dưới mắt độc giả. Nhân vật nữ mà giáo sư-nhà văn đã vẽ ra trong truyện để rồi cô sống thật. Mà chính nhân vật này đã nhiều lần “càm ràm” với giáo sư-nhà văn là mình quái đản cũng do vì ông đã tạo ra nó. Cả tác giả lẫn nhân vật sống quyện vào nhau, tạo ra những cảnh “thật” mà giống như “không thật” ở một xứ sở văn minh nhất trái đất. “Tôi” quay cuồng sống mà thẳm sâu trong tâm thức cô vẫn hỏi rằng “tôi là ai”, “bố mẹ tôi là ai?” Cô thiếu tình yêu thương máu mủ từ cha mẹ. Để rồi… “tôi” làm một chuyến trở về quê hương. Tìm kiếm lại gốc gác của mình với hy vọng mong manh là thấy lại được người mẹ ruột của mình. Và độc giả đã cùng “tôi” thấy được bao cảnh đời có thật mà người Việt phải chịu đựng trong cái gọi là “thời bình” đầy nhiễu nhương này.
 
“Tôi” không tìm ra được mẹ, nhưng ngược lại cô tìm được một ông “bố”. “Bố và con” rất tương đắc ở thời gian này. Bố-con chẳng có mảy may huyết thống nào, nhưng lại có được một tình thương yêu chân thật là nhờ vào cái gạch nối “mẹ” của cô. “Tôi” gần như sống trọn vẹn ở thời gian hiện tại, nơi “mẹ” cô từng ngồi. Và cuối cùng “tôi” quên khuấy cái chết cứu cánh mà cô đã từng nghĩ đến.
 
Thủy Phủ bị bỏ quên!
 
Màn từ từ hạ cùng với tiếng cười của hai “bố-con” ở nơi “mẹ” đã từng ngồi.
 
“Thủy Phủ” là chốn dành cho người có ước mơ mà không thành và cũng cho cả người đạt được ước mơ, nữa chứ. Ai mà chả chết! Thủy Phủ sẽ là thiên đường hay địa ngục tùy ở từng người. Người nào lúc ra đi với tâm hung ác thì Thủy Phủ chỉ có thể là địa ngục. Địa ngục ngay ở trần gian, ngay khi còn hít vào thở ra. Còn với người ra đi với tâm lành thiện, nhiều yêu thương thì Thủy Phủ sẽ trở thành thiên đường với đầy yêu thương, trở lại bản tính nguyên thủy của con người.
 
Thiện-ác, thiên đường-địa ngục là hai phạm trù mà con người khó tránh khỏi. Cái vấn đề ở đây là sống làm sao để ta có ngay thiên đường khi đang còn hít thở. Địa ngục-thiên đường nó nằm trong tâm. Cái tâm không ai nhìn thấy nó đang ở đâu, nhưng nó lại được nhận ra bởi sự yêu thương của người trao cho người. Nó còn được nhận ra bởi ánh mắt, tiếng cười và lời nói mà con người trao cho nhau.
 
Thủy Phủ sẽ tràn đầy lòng yêu thương và vang tiếng cười khi con người hiểu biết thế nào là tâm lành và tâm thiện!
 
DOÃN CẨM LIÊN
(California, ngày 30 tháng 10, 2024)


Sunday, November 3, 2024

LÒNG ANH NỞ MỘT BÔNG HOA CUỐI MÙA

Huỳnh Liễu Ngạn
 
Cành hoa trong gió. Tranh Khánh Vũ
em về hẹn với trăng xanh
mây trôi màu áo thiên thanh thuở đầu
lòng anh hoang dại từ lâu
mắt kia đã điểm lên màu lãng quên
 
em về xin nhớ gọi tên
mai kia mốt nọ lỡ quên ngọn ngành
em về cứ gọi tên anh
anh tên là ngạn bờ xanh liễu bờ
 
em về ép ướp bài thơ
nở trên mình mẩy đôi bờ sắc hương
em về thở nhẹ khói sương
mây bay đầu ngõ mười phương đầu thềm
 
em về hạnh ngộ trăng đêm
giữa ngàn sao lại tươi thêm sắc hồng
em về sải một vòng đông
phương đây anh đợi mông lung vỡ òa
 
nhé em nhé nhẹ xuýt xoa
lòng anh nở một bông hoa cuối mùa.
8.2.2020
HLN