Sunday, September 4, 2022

TIẾNG TRĂM NĂM

Đặng Mai Lan
 
Đặng Mai Lan. Photo by Hà Minh, Cali tháng 7/2022

    Chỉ là tưởng tượng, cùng những cảm xúc mù mờ… Nhưng tôi vẫn nói với Minh, cuối cùng rồi tôi cũng về lại nơi đây. Tự thân, "về" dẫu một mình, với ai, về đâu? Dù vui, dù buồn thường là một sum vầy. Nhưng phải dùng chữ "tìm về" mới đúng với hoàn cảnh, tâm tư của tôi hiện tại. Bởi vì, đây là lần thứ hai tôi có mặt ở thị xã này. Khoảng cách giữa hai lần là thời gian lê thê của một đời người. Tất cả chẳng ăn nhập gì với nhau từ nơi chốn, tuổi tác giữa một đứa trẻ và một người đàn bà mà ngày tháng đã vắt cạn thanh xuân. Nếu có, chỉ là hơi thở, lượng máu hồng còn ấm áp chảy từ tim luân lưu lên trí não.

     Minh à, em nhớ như in ngày đó, những buổi trưa, những ngày hè của một con bé lên mười ở một ngôi nhà cổ trong một khu vườn um tùm cây lá. Vườn có cả một con lạch cạn, hai bên lạch là những bờ đất nhão mềm đầy những lỗ trũng, mà đám con nít thường tìm những chiếc que dài chọc vào cho những con cua đất ẩn trú bên trong phải bò ra. Những con cua tội nghiệp, hoảng hốt bò lổn ngổn với tiếng reo đùa nghịch ngợm của lũ trẻ.
    Vườn có nhiều loại cây ăn trái, có cây tầm ruột, cao vừa đủ cho một đứa trẻ leo lên, vặt những trái giòn tươi. Trái có những ngấn xẻ tượng hình như một bông hoa vàng mũm mĩm bám cứng thân cành. Tới bây giờ em vẫn chưa quên cái vị chua xé đầu lưỡi khi đưa quả tầm ruột vào miệng cắn.
 
    Ngôi nhà rộng được chia ra thành nhiều gian phòng để cho thuê. Người thuê là những cặp vợ chồng trẻ mà những người đàn ông đa số là lính nên họ thường vắng nhà. Bà chị của tôi là một trong số những cặp vợ chồng này. Mùa hè tôi về chơi với chị. Buổi tối sau giờ cơm, chị thường dẫn tôi cùng với đứa con nhỏ của chị ra khu công viên hóng mát, nơi có đặt máy vô tuyến truyền hình. Tôi không nhớ đó là một màn hình tivi to lớn, hay một tấm màn vải trắng để chiếu hình ảnh lên. Chỉ nhớ hai chị em đã cùng với bao người khác ngồi trên những băng ghế, những bậc thềm xi măng ven đường để coi phim. Những buổi tối như thế chị thường mua cho tôi một cái bánh bao nóng hổi, hay gói đậu phụng da cá giòn rụm được bán từ những người Tàu đẩy xe bán dạo.
     Ký ức tuổi thơ tôi chỉ có chừng ấy. Nhưng tôi lại nói với Minh biết đâu nơi này chẳng phải là ngôi nhà tôi đã chơi đùa những ngày hè, và Minh là một trong những cậu bé ngày nọ.
     - Lúc ấy anh đứng ở đâu, làm gì trong đám trẻ ngày ấy hả Minh?
     Minh chỉ cười những khi nghe tôi hỏi, tôi nói. Nụ cười u ẩn đượm nét buồn. Tôi ngắm nụ cười của anh, và rất nhiều lần tôi đưa những ngón tay mơn man bờ môi ấy.
     Chiến tranh qua rồi, mọi thứ đã được bôi xóa. Nơi đây không còn con lạch cạn, bờ đất ướt. Không có mảnh sân với những tàu gạch đỏ và những chậu kiểng bằng sứ chạm trổ long-lân. Nhà nào cũng có lầu cao. Kiến trúc từa tựa nhau, không có gì cá biệt. Nhưng có lẽ mọi thứ đã vượt quá đà tiến triển theo mô hình "đô thị hóa nông thôn", nên thôn làng và khoảng đời thơ ấu, nhếch nhác bụi bờ của chúng tôi dường như đã là cổ tích. May mà gia đình Minh còn giữ được đất vườn. May mà cuộc đời còn lại những nhiệm mầu, ngẫu nhiên. Để bây giờ, tôi được ngồi đây với Minh. Chuyện xảy ra ngoài sức tưởng tượng, tất cả không hề nằm trong niềm mơ, nỗi tưởng của chính mình.
 
     Trên danh nghĩa, Hưng chỉ biết tôi là bạn của những người thân trong gia đình cậu. Tôi về đây thăm viếng, thắp hương cho những người quá cố. Nghỉ ngơi vài ngày, tìm lại chút "hương quê" sau nhiều năm tháng biền biệt quê người. Một lý do hợp lý, đầy tình cảm. Nhưng thực sự chúng tôi là hai đối thủ đang gườm nhau. Cái gườm rất dịu dàng, bí ẩn. Chưa người nào để lộ cho người kia biết mình nghĩ gì. Tôi đoán như vậy.
     Tôi hay nhìn lén Hưng. Lưng dài, vai rộng. Những ngọn tóc tua tủa. Và tôi lẩn trốn ánh mắt tinh anh khi Hưng nhìn tôi dò xét, đôi tai như nuốt từng câu từng chữ khi tôi nói ra. Trong lúc này, dây mơ rễ má thế nào chẳng còn quan trọng nữa. Cái chính là tình cảm tồn tại nơi mỗi người. Nhưng tôi vẫn e dè, thận trọng trong mọi đối đáp.
     Vợ Hưng nghĩ gì về tôi? Tôi không biết. Cô bận chăm sóc thằng con trai lên sáu của họ. Bận đi chợ tìm mua cho tôi những thứ trái cây đặc sản. Cô nấu cho tôi những món ăn dân dã. Giải thích cho tôi biết những loại rau mọc như thế nào, sống ra sao. Những loại rau tôi chưa hề nghe tên và đã được chế biến thành những món ngon trong thực đơn của những nhà hàng sang trọng dành cho những thực khách như chúng tôi, những con người đói khát quê hương, rau quả quê nhà. Mỗi ngày cô mua cho tôi một loại trái cây. Cô thích thú khi nhìn tôi ăn. Cô đề nghị đưa tôi đi chợ quận, chợ tỉnh cho biết. Nhưng tôi chưa nhận lời. Tôi không biết sẽ từ chối như thế nào để khỏi buồn lòng cô. Vì tôi nào tha thiết với những phồn vinh hiện đại. Những thứ tôi muốn biết thì nay đã mất dấu.
     Lâu lâu tôi nhìn thằng bé. Tôi chỉ có thể nhìn ngắm nó mà không sợ nó nhìn lại tìm hiểu, dò xét tôi như cha nó.
     Tôi nói với vợ Hưng:
     - Thằng bé giống bố quá!
     Vợ Hưng cười tươi:
     - Không có nét nào của cháu hả cô?
     - Con trai đầu lòng, giống cha là tốt rồi.
     May mà tôi không nói thêm. Giống cha là giống ông nội. Và tôi đã tìm một câu nói khác để chận lại khoảng cách ậm ừ với lời chưa được thốt ra.
     - Thêm đứa con gái giống mẹ nữa là nhất đó cháu ạ.
     Nụ cười của người thiếu phụ long lanh hạnh phúc, đẹp như những giọt nắng đong đưa trên hàng cây lá sau vườn. Tôi yêu những ngọn cây biết dường nào! Hãy tưởng tượng thành phố chúng ta đã ở, những nơi chúng ta đến và đi sẽ tẻ nhạt biết ngần nào nếu không có lấy một bóng cây? Ở Sài Gòn, tôi nghe được tiếng ve kêu. Nhưng nơi này, tôi nghe lá trên đầu trò chuyện. Những câu chuyện rì rào trong vòm cây, lan man như những chuyện tôi kể lể, thủ thỉ với Minh tràn lan không dứt.
     Ngồi bên anh, tôi không còn ngửi thấy mùi mồ hôi nắng bụi, thứ mùi mệt nhọc gian khổ của chiến trường. Tôi cũng không tìm thấy những vết sẹo sâu hoắm. Những vết sâu đen khoét trên mặt, trên cổ, trên thân thể anh ngày đó.
     Khoa học thiên nhiên đang lên tiếng, báo động sự thay đổi của mùa màng, thời tiết. Nhưng tôi vẫn tìm ra thứ nắng, mưa, gió, bụi của một thời. Như đêm qua tôi đã kể với Minh, một lần khi ngang qua vườn cũ. Nơi, tôi đã từng e ấp đến tìm anh trong số bao người lính được đưa về trú đóng, gìn giữ thủ đô. Đã bao nhiêu mùa lá rụng? Những chiếc lá khô còn sót lại của một mùa rơi nào đó vẫn vật vờ tản mạn trên hè đường. Cây cao ngất, lá lao xao chia cắt bầu trời thành từng mảng mây mênh mông gió, nắng. Tôi đứng ngắm những thân cây nhăn nheo khô khốc đầy những vết rạn của thời gian. Những thân cây biết chịu đựng bao nghiệt ngã nắng mưa và cây muôn đời như một "vật chứng" của thời thế, con người.  Tôi nhìn những người bán dạo quanh tôi. Cũng chẳng khác gì người muôn năm cũ, hay khuôn mặt của sự lao lung nhọc nhằn kiếp người ở đất nước này muôn đời không thay đổi. Ngoài tiếng ve râm ran phát ra từ những lùm cây thấp, tôi còn nghe cả tiếng guốc của ai đó vừa đi qua, hay của chính mình thời thanh xuân ngút mắt. Chỉ là những rặng cây cao, cơn gió thoảng nhưng tôi thực sự tìm lại được "cố hương" trong bao mất mát đổi thay.
 
     Những vòng khói, mùi trầm hương lan man trong không gian thanh tịnh nhắc tôi nhớ về một đêm xuân.
… Chắc chẳng bao giờ anh quên được phải không Minh? Tối đó con ngõ nhà em thơm lừng mùi thuốc pháo. Đêm thanh bình, pháo nở bung như những đài hoa. Hoa ngập dưới đôi giày bụi bặm bùn đất của một người từ rừng núi trở về. Áo quần xốc xếch, gương mặt đỏ gay vì mệt hay vì lúng túng trước một con bé ngu ngơ. Hoa pháo chỉ nở một lần cho đời anh và đời em. Nhưng mưa thì triền miên. Mưa nơi ngõ vắng, mưa trên thềm nhà. Mưa ngày muộn, đẫm ướt tàn cây trước khu thương xá, có rạp chiếu bóng mà chúng ta vừa từ đó bước ra… Và mưa thành nước mắt.
     Nhớ đến những cơn mưa lòng tôi chùng xuống.
     Anh Minh, bây giờ tất cả mọi thứ đều trở thành vô nghĩa. Nhưng em muốn biết có bao giờ anh hiểu những giọt nước mắt nhỏ ra từ nỗi oan khiên của em ngày đó? Mưa và nước mắt trong buổi chiều anh bỏ đi không ngoảnh lại. Anh bỏ đi không chỉ duy nhất một lần. Và có hình ảnh nào của em anh đã mang theo trong chuyến chia lìa lần cuối?
     Đó là những điều tôi tự hỏi trong suốt một thời gian dài bây giờ mới được thốt ra. Tôi chờ đợi một điều gì đó từ Minh, chứng tỏ anh đang nghe tôi nói, nhưng Minh trước mặt tôi vô cảm, lạnh lùng. Như thể anh không còn nghe thấy gì nữa. Như thể anh không có mặt ở đây. Tôi cảm thấy lạc loài, tủi thân và chỉ muốn rời bỏ ngôi nhà này ngay tức khắc. Nhưng làm sao tôi có thể giận hờn, oán trách một người... như Minh.
 
    Hôm nay là ngày thứ ba. Hai ngày trôi qua, hai ngày tôi chỉ quanh quẩn trong khu vườn vào những lúc nắng lên, quẩn quanh nơi những ngôi mộ. Tất cả được cẩn đá bóng ngời, tô vôi sạch sẽ nhưng có những thứ màu không hạp mắt tôi. Có lúc tôi tự hỏi, người nằm trong huyệt đất kia có muốn ngôi nhà cuối cùng của họ như thế không? Họ nằm xuống và tất cả là do sự định đoạt của người sống. Chết có thật là hết?
Tôi xin phép hai vợ chồng Hưng ra vườn. Chuyện ra vườn đã như một nghi lễ của riêng tôi mà cả hai chẳng cần tìm hiểu. Họ chỉ bước ra nhắc nhở tôi khi bóng tối đã đầy và những cơn gió lạnh đâu đó bất chợt ùa về.
    Tôi cần mẫn nhặt hết những chiếc lá, những cành khô rơi trên những nấm mộ, như dọn dẹp mọi góc khuất của căn nhà cho sạch sẽ tươm tất trước một chuyến đi xa. Mai tôi đi, ký ức không chỉ là những hàng cây cao ngất trời, ngạo nghễ chứng kiến niềm vui, nỗi buồn của tuổi hoa niên tôi trên những con đường Sài Gòn thời hoàng kim đã mất. Mà tiếng chim hót bâng quơ, tiếng gà trưa lạc loài, những vòm cây thấp cho đầy bóng mát trong khu vườn yên ắng này sẽ làm dày thêm ký ức đã hao hụt với thời gian.
 
    Ngày xưa, tôi áo lụa dài nghiêng người mềm mại, đôi chân khép nép trong đôi giày cao gót. Đầu tôi ngả vào lưng Minh như uống, như hít trọn thứ mùi nồng cháy toát ra nơi thân thể người lính từ biên giới trở về. Gió bay, tóc bay, những vòng xe lăn chở đầy niềm vui trên xa lộ thênh thang có những lều quán mang tên các loài cây cỏ hiền lành, thơ mộng. Bây giờ tôi ngồi sau lưng Hưng, như một gã đàn ông nhỏ thó. Tóc túm gọn giấu dưới vành nón kết. Quần jeans bạc màu, đôi giày vải lấm lem. Tôi đeo khẩu trang và găng tay vợ Hưng tặng để tránh bụi và nắng. Hai tay tôi rụt rè vịn vào hông bụng Hưng mỗi khi xe qua những khúc đường lồi lõm. Tôi tha thiết nhớ Minh. Minh ngày đó còn rất trẻ so với Hưng bây giờ.
Sáng nay, trước giờ chia tay, tôi và Hưng đã bắc ghế ngồi trước ngôi mộ của Minh.  Tôi lau những giọt sương đêm đọng trên má, trên môi anh. Việc mà tôi chỉ làm khi tôi một mình, không có ai bên cạnh. Nhưng lúc này, đó cũng là một cách cho Hưng biết tình cảm của tôi. Tôi đã yêu cha cậu như thế nào.
Hưng hỏi tôi:
    - Ở thành phố ồn ào, về đây cô có thấy thoải mái hơn không? Cô lặng lẽ ít nói quá, tụi con chỉ sợ không chu đáo với cô.
     - Cô nói nhiều lắm chứ, nói với linh hồn của ba con. Tại con không nghe thấy thôi.
     Hưng nhìn tôi bối rối:
     - Nhiều năm rồi, cô tin còn có linh hồn sao?
     - Cô không biết, nhưng đôi khi mình phải tin để an ủi chính mình.
     Tôi không nhớ mình đã nói thêm gì nữa với Hưng. Nhưng tôi đã tránh không nhắc đến người vũ nữ chưa bao giờ tôi gặp. Vì làm sao tôi có thể nói với Hưng về những người lính. Tính mạng của họ mong manh như đường tơ kẽ tóc nơi những chiến trường, nên họ cần phải sống vui, sống vội, sống cuồng phó thác cuộc đời trong mọi hoàn cảnh khả dĩ. Minh ngã xuống mà không hề biết rằng mình đã để lại cuộc đời này một sinh linh từ những cơn say, những thất vọng, chán chường mê muội.
     Tôi nhớ nét mặt đầy cảm động của Hưng khi nghe tôi nói:
     - Ngày đó, con là nỗi buồn của cô, nhưng bây giờ con là một niềm vui. Ba con ra đi mà vẫn còn những người ở lại chăm sóc chỗ nằm cuối đời mình đã là diễm phúc của một kiếp người.
      Câu nói này là sự suy nghĩ của tôi hôm qua, khi đứng ngắm những ngôi mộ sơn phết màu mè trong khu đất hương hỏa dòng họ của Minh.
 
     Hưng đưa tôi vào tận nơi có những hàng bia mộ, trước khi ghé vào một quán bên đường mua cho tôi một chai nước suối.
     - Cô đừng ngại, con vẫn có thể quay trở lại đón cô nếu như cô không tìm được phương tiện nào về phố.
     Tôi cười trấn an:
     - Không sao đâu con. Xe ôm, xe đò cô rành lắm rồi.
     - Mà cô vào thăm ai ở đây?
      Tôi trả lời Hưng như thể đang nói với Minh:
      - Trước khi đi, cô muốn thăm những đồng đội của ba con đã nằm lại nơi này.
     Trả lời với Hưng trơn tru, rành mạch nhưng trước đám người đang quét dọn, nhổ cỏ trong nghĩa trang, tôi lại lúng túng.
     - Chị tìm mộ ai, có cần tụi tôi giúp không?
     Tôi nói như mơ:
     - Nhiều người lắm, và đã lâu rồi tôi không còn nhớ đến tên của họ. Ai là ai? Tôi muốn thăm nghĩa trang…
     Cô gái nhìn tôi lạ lùng, nhưng không lộ thêm vẻ tò mò nào khác. Có lẽ tôi chẳng phải là người kỳ lạ duy nhất mà cô đã gặp. Tôi cầm chai nước lạnh cô vừa lấy ra từ một thùng đá cạnh đó sau khi đổi cho cô chai nước của Hưng đã mất đi hơi lạnh vì nắng nóng. Tôi cám ơn cô, cám ơn những tấm lòng đầy tính nhân bản còn lại sau cuộc bể dâu.
 
     Tôi ngồi bên một ngôi mộ, trên tấm bia có bức hình đã bị đập phá. Tôi cố gắng nhìn, nhưng vẫn không thể nào đọc được tên người tử sĩ. Đơn vị của anh đã anh dũng hào hùng như thế nào mới phải đón nhận những đòn thù hèn hạ của đám kiêu binh. Chiến tranh đã qua lâu rồi, nhưng hận thù thì còn mãi mãi.
      Tôi từng đến đây với những người bạn học ngày xưa. Với tôi, những dãy mộ đìu hiu trong nghĩa trang này, trong lúc này là một quê hương tìm lại.
      Gió lờn vờn ngọn cỏ dưới chân, lá lao chao như bướm lạc. Một cảm giác thật bình an, êm ả khi tôi thả tầm mắt lên cao. Từng mảng trời xanh mở ra sau những cụm lá dày xao xác gió. Cây đang hát cho những linh hồn yên nghỉ, cho người tìm đến ủi an.
      Mai tôi đi, mang theo lời cây, tiếng trăm năm kết nối cõi chia lìa sống-chết, như tôi đã cùng nghe với Minh sương khói, hôm qua. Lời cây, lời tôi, những tiếng nói buồn tủi cả nửa đời cất giấu. 
ĐẶNG MAI LAN
(tháng 8/2022) 

No comments:

Post a Comment