Monday, September 5, 2022

KIẾM TÌM THỜi GIAN ĐÃ MẤT

Tố Nghi
 
Bánh Madeleine
 
Marcel Proust xực bánh madeleine đậng kiếm tìm thời gian đã mất. Madeleine hẳn phải super ngon nên thời gian vòng lợi ào ào cho ông tha hồ viết, xong gom thành bộ sách dày cộm, và được bưng xếp liền vô dòng văn chương kinh điển phú lãng xa. Anh cu cũng tính ăn madeleine mần màn hồi ức kỷ niệm.. Và anh kêu bánh madeleine nọ là bánh con sò, chắc do cái bề ngoài của miếng bánh sò hến y chang.
 
độc giả ruồi bu kia nghe rồi ý kiến tấp lự : Sò đâu mà sò, sò rộng bề ngang chớ đâu hẹp dậy. Bánh madeleine là mái tóc dợn sóng của Madeleine đã qùi xuống rửa chơn đức Giê-su trên đoạn đường thập tự giá của ngài. Thời nọ chỉ có dép bện thôi hè, coi phim la mã thấy đám giác đấu đã đành, mà ngay cả đám vương tôn qúi tộc chỉ trần xì đôi dép bện chớ cũng chưa có giày mang nữa cà, và mang dép dĩ nhiên là dễ lấm chơn. Rửa chơn do đó là thái độ tôn kính, Madeleine rửa chân xong còn dùng tóc lau cho khô (ngộ heng, sao hổng kéo áo kéo khăn lau) nên rồi tượng chúa đóng đinh trên thập tự giá chân cẳng mới đen thùi lùi. Từ chuyện rửa chơn nọ ta mới có bánh ăn cầm hơi trong cữ uống trà giữa giờ - còn cô Madeleine được giáo hội công giáo tôn lên hàng hiển thánh, cho dù CV hổng mấy sáng sủa. Sau cùng thì... cái bánh nọ là hình ảnh mái tóc của người nữ ấy, và nó có tên là la petite madeleine.
Con quý nữ nghe rồi ức lòng "phản hồi" đáp lễ : Anh cu nếu không đạo phật thì cũng đạo ông bà, sức đâu đọc kinh thánh tìm hiểu rốt ráo. Bánh madeleine ngó giống vỏ sò nên ảnh kêu bánh con sò, đứa mô hổng ưng cứ việc thưa phú lít !
 
Nhưng chuyện anh cu tỉnh bơ xếp madeleine vô chủng loại bánh gateau thì có muốn cũng binh hổng nổi. Gateau là bánh ngọt sốp mướt nên mềm, thường khi có trét  kem bơ và luôn luôn bự khổ, được cắt thành miếng nhỏ đãi khách nhâm nhi.
Madeleine cũng sốp nhưng khô dòn, nên xếp vô dòng dõi bánh biscuit, anh em thúc bá của bánh champagne và các loại biscuits khác - nổi tiếng nhứt VN là bánh LU, cắn cái cách, nhai rào rào giữa hai hàm răng, chừng thấm đủ nước miếng nghe vị bơ béo bùi ngọt lịm, nuốt ực cái nó tọt liền xuống củ tỉ.
Bánh ngọt là nghề riêng của đám phú lang xa. Bánh nào cũng nổi tiếng thế giới ráo nạo. Khoảng vài chục năm đổ lợi, tây cho chào đời bánh Macaron, làm bằng bột hạnh nhơn trộn trứng uýnh nổi, thêm gia vị bắt mùi, rồi nặn bột ra từng viên lên giấy sáp đật trên khay, xong dọng khay nhè nhẹ xuống cho viên bột xẹp lại, bè ra, rồi mới bỏ lò nướng dòn để cho nguội. Xong úp chồng hai cái lên nhau, sau khi đã trét giữa chúng một lớp kem chantilly (tròng trắng trứng trộn hương vị tùy hỉ, chocolat, dâu, mè, ...). Chantilly khô dần nhưng vẫn giữ độ mềm sốp giữa hai lần bánh dòm rụm. Macaron tới nay vẫn đứng top list bánh ngọt pháp chưa bị soán ngôi.
Gọi macaron là gateau hay biscuit còn tùy góc đứng ngó vào, giả như dòng họ bánh muốn tranh cãi với nhau. Nó sẽ là gateau do có kem trét giữa, sẽ là biscuit vì độ khô dòn và dạng nhỏ đúng tiêu chuẩn phân loại, bla bla bla... Cãi nhầu một chập gần nửa thế kỷ chưa phân thắng bại. Bánh giới hy vọng đây rồi sẽ có một loại bánh mới được chế ra, vọt thẳng lên đầu list, đẩy lùi macaron, mần màn tái lập trật tự !
 
Trở lợi chuyện anh cu. Anh được đám độc giả thầm lặng xếp vào dòng văn học hồi ức. Y hình dòng nọ hổng mấy đông. người ta thích viết truyện làm thơ chớ hổng ưng ngồi tẩn mẩn hoài niệm quá khứ.
Marcel Proust viết trường thiên "kiếm tìm thời gian đã mất', tiếng tăm lên thẳng đỉnh thiên hà. Trường thiên nớ hay dở tui hổng tường, bị cứ vừa đọc nó là y phép sanh ngủ gục. Trời thần ơi, dòng văn học kinh điển mà câu cú lủng củng tới lần gỡ hổng ra. Rồi con ngu nọ (ai còn hỏi) phải chiếu kiếng lúp ngó vô kiếm tìm, thời gian đánh mất trên trang giấy có hơi bộn.
Trước tiên phải nhìn cho ra mệnh đề chánh (principale) xong nhìn những mệnh đề phụ subbordonnée cho mệnh đề chánh này, có vậy mới hiểu rốt ráo chuyện chánh phụ câu văn để hiểu cho ra ý tứ tác giả.
Xui cái, ông Proust có tật luông tuồng nên văn phong tràng giang đại hải, câu cú dài thòng, chấm phảy thiếu vắng. Thành ra... và rất thường khi... mệnh đề phụ của câu trước ấm ớ chưa xong, ông đã tỉnh bơ biến nó thành ngay mệnh đề chánh của câu sau mà hổng thèm hụ còi nhấp thắng báo động cùng độc giả. Chữ nghĩa câu văn dưng không thậm thà thậm thượt, ý tưởng tối hù, chiếu đèn halogen cũng cứ mờ mịt.. Rồi ta mở mắt hết lên.
 
Proust là ai, tác phẩm văn học tên chi thì... dám ai cũng biết, nhưng biểu nói về nó thì... chịu, chỉ biết nó là miếng bánh madeleine theo ý anh cu ví von. Chấm hết.
Ai khen Marcel Proust cứ khen, còn tui thỉ xổ tẹc ổng, bị tui vốn giản dị thiệt thà. Trời thần ơi, viết vậy mà cũng nổi tiếng thế giới! Nhưng tưởng vậy mà có thể không vậy chưa chừng, cũng bởi chiệng trời tây của ông tui ấm ớ, hổng biết hổng hiểu nên hổng thấm ý, thành đã khó thẩm thấu...chăng?
Marcel Proust thua xa Võ Phiến mình là cái chắc. Võ Phiến cũng tẩn mẩn tỉ mỉ dây nhợ dài thòng, nhưng chuyện ông nói tui hiểu liền, hổng cần rị mọ văn cảnh ngữ cảnh chi ráo. Đọc ông, chữ nghĩa chạy tuồn tuột vô mắt, chạy thẳng lên đỉnh đầu, hình ảnh cứ thế như những thước phim, thong thả sắp hàng ra trình diện, từ ngữ văn phạm ra chỗ khác chơi. Hai đứa tui là độc giả trung thành của nhà văn Võ phiến tới độ sách nào của ông cũng là sách gối đầu giường. Tối tối vô giường, đứa đọc đứa nghe, đồng khí tương cầu rất mực.
Một bữa, thinh không đọc trúng bài viết của một nữ dzăng hào hổng nhớ tên. Trời thần ơi, nàng chê ông tắt bếp, kể tội ông ra cho bàn dân thiên hạ nghe chút, rằng coi vậy chớ ông sợ vợ dám hổng ai qua mặt nổi, sợ tới độ hổng dám thong thả gặp nàng - hổng biết vụ đụng đầu nọ chỉ tình cờ hay chủ ý - 
Kể ra rồi hổng biết có vơi bớt nỗi uẩn ức trong lòng, nhưng người nghe nàng nói (ai vô đây nữa) ngạc nhiên quá cỡ. Ủa, vợ ông, ông sợ, ống có sợ vợ lối xóm đâu nào. Sợ vợ là đức tánh phải có  nên có của bực trượng phu quân tử, vì từ đó giờ, đờn bà vốn là mẹ của đờn ông - tội nghiệp Adam, có chúa mà không mẹ thành mới sa ngã phạm tội tổ tông rồi phải dọn nhà ra khỏi địa đàng -  Thành ra sợ vợ là chuyện tự nhiên đất trời, mắc mớ chi phải la làng méc bu thiên hạ kia chớ ! Nhảm quá nhảm! Mà rồi la làng thế ngó chừng thiếu khôn ngoan, chưa kể là dại dột. Mơi kia mốt nọ, cơm cháo hổng có ăn vì đám bạn hàng cạch mặt, không thèm khuyến mãi chào hàng mời ăn mời uống chi nữa!
 
Sách Võ Phiến tụi tui đọc hết rồi, còn lay hoay chưa biết đọc sang cái chi thì một bữa tóm ngay được Cu. Khi này cu còn nhỏ hìu, đang chơn đất cuốc bộ từ Vương phủ tới trường mỗi bữa - té ra vương phủ hổng phải nơi cư trú hoàng triều, nhưng là xóm nhà lá cu ở, thiệt là bé cái lầm trong mấy chục năm dài - Hồi lớn dọng dọng (cu lớn thôi, chớ tụi tui già ngắt rồi) theo anh cu vào chiến tranh, chập sau theo anh cu đi học tập trên núi rừng Việt bắc. Chừ thì theo anh tới đất tạm dung. Anh cu đi đâu, hai đứa tui lẽo đẽo theo tới đó không rời, kiên nhẫn chăm chỉ chờ anh kiếm tìm thời gian đã mất.
Marcel Proust ăn bánh madeleine kiếm tìm thời gian đã mất, anh cu hổng rõ có chi ăn không, nhưng vẫn kiếm tìm ra thời gian đã mất... à la vietnamienne. Chuyện anh cu kể có nỗi vui đầm thắm nỗi buồn dịu dàng, và bao giờ cũng lấp lánh niềm hy vọng tương lai, làm hưng phấn xác hồn, positive lắm lận. Tụi tui hồ nghi anh uống dừa xiêm và đớp chè táo xọn. Cũng bởi thực phẩm tráng miệng VN nên hạp khẩu vị VN, lá dứa nước dừa vừa thơm hương vừa ngậy vị, nên rồi ký ức của anh dễ thẩm thấu hơn chăng, ai mà biết cho đặng.
Anh cu, anh có thức ăn dư cứ cất tủ lanh để dành, đừng mang khuyến mãi bừa bãi heng. Gặp đứa hiền lành viết rì pọc khai anh sợ vợ anh nên hoan hỉ cám ơn. Đụng đứa xí xọng, đổi giọng bố cáo, rằng món tráng miệng anh đãi lạt lẽo thiếu hương vị, anh cu cũng phải cám ơn luôn, rằng bác sĩ nô có dặn chừng nấu nướng phải bớt đường muối mỡ lợi, đề phòng bịnh tai biến mạch máu não, Anh cu nhớ heng.
TN
 

No comments:

Post a Comment