Saturday, December 18, 2021

VUI BUỒN CÙNG ĐẶNG MAI LAN VÀ TẠP VĂN ‘NGƯỜI LẠ, NGƯỜI QUEN‘

Ngô Nguyên Dũng



Nhà văn Đặng Mai Lan & Tác phẩm

Đặng Mai Lan viết không nhiều. Tạp văn "Người Lạ, Người Quen" là tác phẩm thứ ba của chị, Văn Học Press ấn hành năm 2018, sau hai tập truyện "Phòng 111", Văn xuất bản năm00, và "Tập Sống", Văn Mới ấn hành năm 2009. Quyển này cách quyển kia đúng 9 năm.
Tôi không có cơ hội đọc nhiều những sáng tác của chị, bởi một lẽ rất dễ hiểu, chúng tôi viết cho những tạp chí văn chương khác nhau, ngoại trừ nguyệt san Văn Học trước đó, thuở cố nhà văn Nguyễn Mộng Giác còn làm chủ bút. Tôi chỉ nhớ, đã đọc qua một vài truyện ngắn của chị trong Văn Học: Những dòng văn chương buồn bã, mênh mang tâm sự, gần như ảm đạm, chuyên chở những phiền muộn, mất mát trong đời sống của nhân vật chính. Văn phong của Đặng Mai Lan đẹp như những bức họa ngôn ngữ nhiều sắc lạnh. Giữa những dòng chữ là một chuỗi nốt trầm, gợi lên trong tâm tư người đọc những âm thanh vĩ cầm thê thiết.
Chỉ vậy thôi.
Cho tới vài năm trước đây, sau khi tôi tạo trang Facebook cá nhân và có dịp được kết bạn với chị. Thỉnh thoảng chúng tôi nhắn tin hỏi thăm nhau và gởi sách cho nhau đọc. Không hiểu sao, Đặng Mai Lan đã cho tôi cảm tưởng, cuộc sống tâm tình của chị đã có nhiều thay đổi lạc quan. "Người Lạ, Người Quen", có lẽ, là quyển sách được viết cho một khởi đầu khác của ngòi bút Đặng Mai Lan.
 
*
 
"Người Lạ, Người Quen" gồm 143 trang sách với 15 đoản văn, Đặng Mai Lan viết về những "người quen" là những khuôn mặt văn nghệ thân quen hay bạn bè của chị và những "người lạ", mà chị đã tình cờ gặp gỡ hay đã được chị tìm hiểu qua các phương tiện truyền thông.
Quyển sách được mở đầu bằng một chuyến đi xa của nhân vật xưng "tôi" với "Chuyến tàu cuối năm":
"Ga nằm cách trung tâm phố cả hơn ba mươi cây số. Mùa đông, ngoại ô vắng vẻ, thị trấn thưa thớt dân cư. Hầu như bao nhiêu băng giá, sương sa đều đổ xuống chốn này. Tất cả mọi vật bên ngoài như chìm trong một màn sữa loãng." (Tr. 9)
Nhân vật "tôi" kể tiếp: "Trong khi chờ những nhân viên hỏa xa xếp đặt chỗ ngồi. Tôi đứng nép vào một nơi có thể nhìn thấy phía ngoài. Những ngọn đèn vàng trong sương hiu hắt, ánh sáng lan man huyễn hoặc, không đủ soi tỏ hết cảnh vật hai bên đường. Ga lạ, tất nhiên hướng đi cũng phải lạ. Tôi không biết tàu sẽ đi về hướng nào, nhưng chắc chắn đường xa, tàu sẽ băng qua làng mạc, đồng cỏ, rừng cây." (Tr. 11)
Và "tôi" trong bài viết suy tư miên man về một quá khứ lãng đãng những hình bóng đã khuất, trong một đoản văn đã đọc qua của một tác giả khác, được kết thúc bằng: "Phải, rừng trong tôi là một nỗi buồn." (Tr. 12) Và, về một lần gặp gỡ tình cờ một "người lạ".
"Chỉ mới vừa đêm qua, nhưng nếu tả từng nét trên gương mặt người đàn ông này thì không thể nào tôi nhớ rõ. Có lẽ hoàn cảnh cấp bách lúc đó không cho phép ông trò chuyện lâu hơn để tôi nhìn rõ ông. Và thực ra, tôi cũng chẳng còn đầu óc nào để quan sát người đối diện.
Người đàn ông đưa tay lên che nửa mặt. Oh mon dieu! Ông nhìn tôi với một vẻ đau khổ khi tôi chìa tấm vé. Còn tôi không biết phải cười hay khóc?
Ông nói, tôi đã đi nhầm xe." (Tr. 12)
Người đàn ông này, một nhân viên hỏa xa, không phải chỉ giúp "tôi" một mà tới hai lần trong chuyến tàu lạc lối một khuya cuối năm. Ông có mặt như "Một người lạ nhưng quen, quen lắm. Người, tôi đã gặp thường xuyên ở những sân ga, những chuyến tàu và đôi khi trong những giấc mơ." (Tr. 15). "Người lạ nhưng quen, quen lắm" ấy là ai? Hãy đọc tiếp:
"Những hình ảnh còn lại trong album lưu niệm của gia đình, tôi thấy cha tôi là một người lúc nào cũng ăn mặc lịch sự, tươm tất. Âu phục complet, mũ nỉ trên đầu và thường mang một chiếc gậy ngắn gọi là ba-toong khi ra đường. Thứ trang phục của những người lịch thiệp vào thập niên bốn mươi, năm mươi. Những người làm việc cho Pháp, ảnh hưởng nhiều văn hóa của xứ sở này.
Là một nhân viên của sở Hỏa xa…" (Tr. 15-16), và: "Ông mất khi tôi chỉ vừa được bốn tháng tuổi… Khi nhớ về cha, nhớ về cái chết thảm khốc của ông, chị cả luôn nhắc đến hai chữ Việt Minh với lòng căm thù, dù ngày ấy tuổi chị chỉ mới mười ba." (Tr. 15)
Thắc mắc đã được "tôi" giải thích qua những dòng hoài niệm quá khứ.
"Chuyến tàu cuối năm" là một đoản văn đặc sắc của Đặng Mai Lan, từ văn phong lẫn cốt chuyện. Từ một lần đi nhầm xe và được một nhân viên sở Hỏa xa Pháp quốc tận tình giúp đỡ, nhân vật "tôi" nhớ về người cha ruột, cũng là nhân viên Hỏa xa xứ Nam kỳ thời Pháp thuộc, và cái chết bi thảm của ông. Hai nhân vật có thật, một Tây một Ta, một lạ một quen nhưng coi như lạ vì đã tử nạn lúc tác giả chỉ mới bốn tháng tuổi. Mặc dù họ sống ở hai khoảng thời gian và không gian khác nhau, nhưng được Đặng Mai Lan khéo léo nối kết thành một, qua những dòng hồi tưởng ngập tràn xúc cảm, khiến cho người đọc là tôi có cảm tưởng như tác giả gián tiếp gợi ý cho người đọc hiểu rằng, người này là hóa thân của người kia trở về giúp đỡ cô trong hoàn cảnh khó khăn khuya ấy:
"Có thể nào như thế! Những gì tôi vừa nghe thấy thật không tin nổi. Người đàn ông lúc đó đang ở đâu tôi không biết, nhưng khi tôi ngoái lại thì nhận ra ông đã đứng sau lưng tôi. Hành khách xuống ga này thì gần như đã đi khuất vào sảnh ga. Người lên tàu cũng đã lên hết rồi. Ga vắng chỉ có hai chúng tôi."
Và cũng với khuôn văn như trên, Đặng Mai Lan viết về một khuôn mặt quen thuộc của cộng đồng Việt Nam lưu vong tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, chị Hoàng Thị Bích Ti, trong "Buổi sáng nghe kinh":
"Tôi không hiểu những từ ngữ, âm thanh nghe được vào buổi sáng, khi còn nằm cuộn mình ngái ngủ trong lớp chăn ấm áp ấy là gì? Nó không vút cao hay trầm thấp. Nó có một tiết tấu đều đặn, nhưng lại cho người nghe thấy cả một cung bậc của sự thánh thót. Nghe, trong một cảm giác lam man thú vị. Nghe, bỗng nghĩ đến những dòng mưa đẹp đang rào rào rơi ngoài vườn. Những vạt sương như lụa mỏng bay phơ phất trong không gian. Mưa sương trên những cành sen, khóm trúc." (Tr. 31)
Những âm thanh kinh tụng này, tại một nơi không phải quê nhà, trong ngôi nhà của cô bạn thân. "Nhà không có trẻ con. Trừ một căn phòng luôn đóng cửa. Mọi tranh ảnh, đồ vật trang trí rất Tây…
Mỗi sáng nằm nghe kinh vọng ra từ căn phòng luôn đóng cửa. Căn phòng có cửa sổ ngó ra khoảng sân vườn trước mà tôi chỉ đặt chân vào một lần duy nhất trong dăm ngày lưu lại nơi này, chợt làm tôi nhớ đến một căn phòng ở một nơi khác. Nơi của tuổi thơ." (Tr. 32-33)
Trong đoản văn này, với vỏn vẹn tám trang sách, khởi duyên từ những buổi sáng nằm nghe kinh, Đặng Mai Lan đã hồi tưởng tới nhiều khuôn mặt và những trải nghiệm trong những năm ấu thơ và tuổi lớn của cô ở quê nhà. Nghe lời kinh tôn giáo này, nghĩ tới lời kinh tôn giáo khác. Nằm trong ngôi nhà người bạn này, nhớ lại cảnh nhà người bạn trẻ thơ. Với bút pháp rực rỡ ảnh sắc, chị vẽ ra những bức tranh sống động, lột tả trọn vẹn những chân dung và những mảng tối sáng tuyệt vời. Của mệ, bà nội cô bạn nhỏ:
"Bà nội ngồi im trong lòng ghế, lim dim như đang ngủ. Tay bà mân mê một chuỗi hạt màu xanh da trời. Trên bức tường trước mặt bà có treo một bức tranh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp như được thêu bằng gấm và các loại chỉ kim nhũ ...
… Và thật lạ lùng, ánh sáng buổi trưa như một chuỗi hào quang rót vào phòng làm sáng ngời những hạt ngọc bích trong xâu chuỗi trên tay bà mệ. Ánh sáng rọi lên bức tranh, trên gương mặt người phụ nữ đội khăn trong tranh. Chiếc khăn quàng kín đầu, rủ trên vai áo cùng một màu xanh như xâu chuỗi mà bà mệ đang mân mê trên năm ngón tay. Và trên tay người đàn bà trong tranh ấy còn có một đứa trẻ đang bị tuột một chiếc dép ra khỏi bàn chân. Trên vai bà là hai thiên thần với đôi cánh màu xanh như đang bay lượn …
… Mệ đang đọc kinh. Ngày nào mệ cũng ngồi trong chiếc ghế ấy, đọc kinh say sưa …" (Tr. 34-35).
Bằng tấm lòng mẫn cảm và một văn phong sắc sảo nữ tính, Đặng Mai Lan thuật chuyện những người quen thời quá khứ và hiện tại. Với những khuôn mặt, những khung cảnh, sắc màu và ánh sáng của những mảnh trời hoài niệm, chị đã lay động mãnh liệt cảm xúc của người đọc, đồng thời mở ra cánh cửa dẫn vào cảnh giới tâm linh. Khi chị bắt được một thời kinh sáng rầm rì vang ra từ "căn phòng luôn đóng cửa" ở một xứ tha hương. Lúc chị nhớ lại những lời kinh thầm thì của mệ ngồi trong ghế, trước một khung tranh nắng rọi sáng rực, trong gian phòng một trưa nào chốn quê nhà xa lắc. Từ đó chị liên kết tới cái chết của một người mà chị chưa hề gặp mặt, xui chị nhớ tới những lần lỡ hẹn với một người bạn khác … Để rồi, không còn dịp nào gặp gỡ nhau nữa.  
Đặng Mai Lan kết thúc đoản văn này như sau:
"Thượng đế đã mang đi của tôi một người thân và gửi người phụ nữ này đến như một đền trả. Tôi tin như thế." (Tr. 38.)
Thượng đế đã không mang đến cho Đặng Mai Lan chỉ mỗi "người phụ nữ này", mà còn thêm vài người phụ nữ bản lĩnh khác nữa. "Bản lĩnh" được hiểu theo nghĩa: thích ứng và vượt qua mọi chướng ngại như những thách đố của đời sống, của "thượng đế" đặt bày. Và đôi khi, vai trò của người đàn bà trong tấn tuồng đời của chính họ là một vai diễn đòi hỏi nhiều kỹ năng và nghị lực phi thường. Như trong chuyện kể về một cô bạn thân của tác giả thời mới lớn ở Sài Gòn. Cô là một người: "Đẹp, điệu đàng số một. Nhảy đầm cũng số một. Mê tài tử xi nê cả Tây lẫn Tàu, từ Alain Delon đến Khương Đại Vệ, mê luôn mấy anh nghệ sĩ cải lương trong những vai tuồng dã sử." (Tr. 51)
Nhưng, Đặng Mai Lan đã không viết về chuyện đời của cô bạn này, mà về người con gái đầu lòng của cô, qua đoản văn "Nguyễn Ngô Cung Tưởng, con bé ngày xưa". Cô gái mang cái tên cúng cơm rất "thời thượng" này không những biết nấu ăn ngon, mà còn thông minh, ý tứ và rất mực thương mẹ. Cô đã ngỏ lời cùng tác giả, trước khi chị lên máy bay về Pháp:
"- Dì ơi, dì cho con xin đôi giầy của dì được không?
Tôi đã tròn mắt ngạc nhiên, không hiểu sao con bé lại có thể đề nghị táo bạo như vậy.
- Con xin cho mẹ, con thấy mẹ con khen đôi giầy êm chân, mẹ thích lắm!
Thực sự con bé làm tôi kinh ngạc, tôi chưa thấy đứa con nào săn sóc thương yêu mẹ một cách ý tứ đến thế." (Tr. 52-53)
Trong đoản văn này, tác giả Đặng Mai Lan đã sử dụng kỹ thuật "cách tân chủ thể": "Tôi" vừa là chính tác giả ở đoạn đầu, vừa là "con bé ngày xưa" ở những trang sau kể lại chuyện đời tha hương của cô sau khi sang Hoa Kỳ định cư. Và sau nhiều năm, "con bé ngày xưa" ấy tái ngộ cái "tôi" tác giả. Cô tâm sự:
"Thời thơ ấu của tôi là thời của những đứa bé con nhà nghèo. Ít nhiều gì hẳn những học trò nghèo cũng mơ có được một chiếc cặp đẹp xách đi học. Chiếc cặp phồng to, ngoài những cái ngăn rộng bên trong đựng sách vở, bên ngoài còn có những chiếc túi con con để cất những đồ vật nho nhỏ như bao bút chì màu, gôm, phấn … Hay niềm ước ao nhỏ hơn là có cái bóp đựng viết tựa như cái hộp hình chữ nhật …
Những chiếc cặp và những chiếc bóp đựng viết đủ mẫu mã màu sắc được trưng bày trong tủ kính đẹp lắm. Vậy mà tôi chẳng bao giờ để mắt đến những thứ ấy. Tôi không dám nghĩ đến thì đúng hơn, vì nó quá to tát đối với tôi. Tôi chỉ hay nhìn chiếc tủ kính nhỏ trên chiếc xe bán quà vặt ngay đầu ngõ mỗi bữa chiều. Vì tôi thèm được ăn một cái bánh bao …" (Tr. 56-57)
Những ước mơ nhỏ nhoi của "con bé ngày xưa" thuở ấu thời ở quê nhà, giờ đây nơi đất khách, sau khi học thành tài, có được một việc làm ổn định, đã có nhiều thay đổi. Cô không còn mơ có một chiếc cặp đẹp, một chiếc bóp đựng viết hay thèm ăn một cái bánh bao, mà để "Làm sao cho mẹ và các em tôi có một mái nhà. Chúng tôi không phải đi thuê nhà. Đám em tôi không phải thua thiệt với những bạn bè đồng trang lứa. Mẹ phải có những gì như những người bạn của mẹ đã có …" (Tr. 58)
Hãy nghe cô Cung Tưởng kể cho tác giả nghe về mẹ mình:
"Có thể gọi mẹ tôi là một người đàn bà nhan sắc. Thứ nhan sắc đi kèm với đa truân như người đời thường nói. Thanh xuân của mẹ, chỉ lẩn quẩn trong những vòng vây tình cảm đeo bám. Mẹ lại quá yếu mềm, không đủ bản lãnh để bứt rời. Là một người sống nhiều với tình cảm mơ mộng, hẳn nhiên là không tham vọng. Đối với mẹ, có nhiều tiền hay ít tiền cũng chẳng sao, miễn sống được. Đời sống mẹ là những trang tiểu thuyết hư cấu, những bài thơ lãng mạn, những bài hát, những câu ca. Tất cả đưa mẹ tôi vào một thứ hạnh phúc hư hư thực thực mà cái đầu khoa học của tôi rất khó khăn để chấp nhận …" (Tr. 59)
Người mẹ và người con gái đầu lòng, hai mẫu phụ nữ với hai cá tính trái ngược nhau, không hẳn tiêu biểu cho nữ giới Việt, nhưng là một đề tài nói về lòng hiếu đễ và phấn đấu của một cô gái nơi xứ người đã được ngòi bút Đặng Mai Lan diễn tả một cách linh hoạt và tài tình, biến chuyển theo mỗi tình huống của chủ thể "tôi". Tôi nghĩ, "Nguyễn Ngô Cung Tưởng, cô bé ngày xưa" có lẽ là một trong vài câu chuyện đời đã gây ấn tượng mạnh mẽ và nhiều xúc động trong tâm tư tác giả, đã bắt cô ghi lại cho chúng ta đọc.
Câu chuyện có một kết thúc vuông tròn cho đời sống tình cảm và vật chất của chủ thể "tôi" Nguyễn Ngô Cung Tưởng. Cô đã tìm thấy cho mình lòng vị tha, buông bỏ tất cả những buồn bực nhờ vào tình yêu của người bạn đời không cùng màu da và ngôn ngữ. Hơn thế nữa:
"Năm tháng trôi qua, dường như chưa đủ dài để làm lành những vết thương. Hay cá tính mạnh mẽ, tự tin mà sự thất bại, trốn chạy như một kẻ đào ngũ ngày đó, cùng với những phiền não… tất cả như dìm tôi vào một thứ mặc cảm. Mọi thứ kết tụ, như một vết mực đậm đặc, lỡ tay làm lấm lem trên một tấm áo đẹp, chưa hề mặc. Vết mực chỉ có thể làm phai đi, nhưng không thể nào tẩy xóa.
Cho dù khoảng cách giữa tôi và mẹ bây giờ đã gần hơn. Tôi đã lo cho gia đình nhiều thứ hơn điều tôi mơ ước, thuở mới bước vào đời …" (Tr. 64)
Đó là chuyện kể của Đặng Mai Lan về một phụ nữ, tuy trẻ nhưng có đủ bản lĩnh để vượt qua những phiền toái và cuối cùng tìm được bến bờ hạnh phúc trong đời sống. Những "người quen" khác được chị nhắc tới trong quyển tạp văn này đều là những nhân vật sáng giá trong lãnh vực nghệ thuật, trong số đó có họa sĩ Lê Tài Điển, một người bạn vong niên của chị, qua 7 trang tản văn "Chân dung của biển".  
Lê Tài Điển, một cái tên chỉ cần thốt ra là đã thấy chất ngất sắc màu tài hoa và dáng dấp lãng tử.
"Khi nghĩ về anh, trong tôi hiện lên ngay hình ảnh một nghệ sĩ mang cả một đời lận đận, cô độc, toát ra từ nét mặt trầm tư, vóc dáng gầy gò, mệt mỏi. Nói điều này, xin đừng nghĩ đến một người đàn ông ăn mặc luộm thuộm, nhếch nhác, phong cách của những nghệ sĩ lập dị, bụi đời. Không đâu! Lê Tài Điển là người sành ăn mặc. Không chải chuốt mà lại rất có goût!" (Tr. 75)
Đó là dáng vẻ bề ngoài của họa sĩ Lê Tài Điển, một người được giới văn nghệ sĩ Việt ngoài nước tôn trọng và quý mến, đặc biệt tại Pháp, bởi vì:
"Trong sự giao tiếp của anh với giới văn nghệ sĩ Paris, anh không chọn chiếu để ngồi, không phân biệt 'chiếu trên, chiếu dưới'. Văn nghệ cổ thụ, văn nghệ cỏ non, với anh là bạn tất. Anh không hề chê bai, phê phán một ai, anh sánh vai vui vẻ và mở lòng với họ khi cần thiết.
Từ Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định qua đến Cao đẳng Mỹ thuật Paris, là một trong những sáng lập viên hội Họa sĩ Trẻ ngay khi còn ở Pháp. Nói về hành trình văn nghệ của Lê Tài Điển thì nhiều lắm. Anh là một nghệ sĩ sáng tạo đa năng. Anh không chỉ vẽ tranh, làm tượng mà còn làm thơ, làm báo, viết văn. Anh lại quá khiêm nhường, thầm lặng trong cõi vẽ-viết của mình." (Tr. 76)
Qua những trang chữ sắc nét và tràn đầy cảm tình của Đặng Mai Lan dành cho "người bạn vong niên" này, độc giả có thể mường tượng ra ngay một Lê Tài Điển "hiền khô", bình dị, rất giàu cảm xúc, cả đời phiêu bạt đây đó, luôn lận đận và buồn phiền những khi cọ xát cùng đời sống vật chất. Như thể ông là một con rùa biển thảnh thơi lang thang hết đại dương này tới đại dương kia, chợt một ngày, đại dương khô cạn, con rùa nghệ sĩ Lê Tài Điển lê từng bước mệt nhọc trên hành trình đất liền cằn cỗi, trên lưng khuân nặng những hành trang sáng tạo. Chị viết: 
"Tôi hiểu thêm rằng con người chậm chạp, lặng lờ ấy không chỉ đắm mình trong nghệ thuật, mà suốt quãng đời trai trẻ nơi quê nhà, quê người, đi rồi về, về rồi đi, nặng lòng. Lê Tài Điển đã mang theo anh cả một quê hương khốn khổ. Một nhân chứng dấn thân qua bao hành trình    bể dâu của đất nước." (Tr. 77)
Và, như lời chị tự nhận: "Tôi không biết chút gì về hội họa. Tôi chỉ biết một điều là chớ dại mà hỏi một họa sĩ rằng anh ta vẽ gì? Nhìn bức tranh có vẻ thế này, thế khác là hỏng …" (Tr. 77). Nói vậy, nhưng: "Cuối cùng thì tôi cũng đã nhìn thấy một chân dung. Bức tranh làm tôi rất đỗi ngạc nhiên vì nó bát ngát một màu xanh có thể nói là rất tươi. Dù đậm hay nhạt, sáng hay tối. Màu xanh này không phải là loại màu thường thấy trong tranh của Lê Tài Điển." (Tr. 78). Bức tranh mang tên Nostalgie (Hoài niệm). Tranh không những mang một màu xanh, theo tác giả Đặng Mai Lan "… không phải là loại màu thường thấy trong tranh của Lê Tài Điển", mà theo nhận xét của tôi khi nhìn bức ảnh in kèm cho bài viết (Tr. 79), cũng không phải là khuynh hướng hội họa tiêu biểu của ông họa sĩ. Tranh vẽ "… Chân dung một người đàn bà xõa tóc. Tóc không đen, tóc mang màu xanh của biển khi chiều xuống, đậm đặc, bí ẩn. Tóc bát ngát như mây trời uốn lượn bập bềnh như sóng vỗ. Hình ảnh hốt nhiên làm tôi nghĩ đến Biển. Biển phẫn nộ, biển của những giông bão. Biển của người chết thân chìm thủy mộ quan ([i]) …" (Tr. 78)
Đó là cảm nhận của tác giả "Người Lạ, Người Quen" khi nhìn ngắm bức tranh này của họa sĩ Lê Tài Điển vẽ vào năm 1978: "Thời điểm mà những người Việt ào ạt tìm đủ mọi phương tiện bỏ nước ra đi. Đi đâu, ở đâu cũng nghe thầm thì hai tiếng vượt biên!" (Tr. 79), vì vậy mà chị tuy là "… một kẻ chẳng biết gì về hội họa nhưng xin họa sĩ cho phép tôi được đổi Nostalgie của anh là Chân dung của biển nhé. Đọc đến đây, tôi tin chắc Lê Tài Điển cũng sẽ cười hì hì …!"  (Tr. 80.)
Ngoài họa sĩ Lê Tài Điển ra, ở Paris còn có thêm một khuôn mặt đúng nghĩa "kỳ tài" khác đã được Đặng Mai Lan chọn làm nhân vật chính cho hai đoản văn trong "Người Lạ, Người Quen": Nhà văn Kiệt Tấn.
Kiệt Tấn, một bút danh đình đám trong thời cực thịnh của diễn đàn văn chương ngoài nước suốt hai thập niên 1980, 1990. Ông sở hữu một văn phong "Nam kỳ tính" vô cùng quyến rũ, tựa như một món nhậu miền Tây thuần túy, đưa cay cùng Rémy Martin XO.
Trong "Ông điên Kiệt Tấn", Đặng Mai Lan khởi đầu bằng:
"Trước khi quen Kiệt Tấn, có một cô nhà báo ở Paris nói với tôi: Ông Kiệt Tấn lúc này điên nặng, ông ngồi ở công viên ăn kem, cây kem chảy giàn giụa trên tay ông mà ông không hề biết. Tôi tin răm rắp vì ai nói còn nghi ngờ, không tin, chứ nhà báo nói thì phải tin. Lý do rất đơn giản là cô nhà báo này rất gần gũi thân thiết với nhà văn mới biết rõ như thế. Lúc đó tôi chưa đọc Em điên xõa tóc." (Tr. 83)
Trong hai đoản văn dành cho "người quen" là nhà văn Kiệt Tấn, Đặng Mai Lan không có tham vọng luận bàn hay phê bình văn chương ông, vì việc này đã có nhiều nhà phê bình văn học làm rồi, mà chị muốn viết về dăm ba kỷ niệm đậm nét giữa hai người.
"Có một lần bàn về chuyện văn chương của ông qua điện thoại. Tôi đề cập ngay đến truyện Em điên xõa tóc. Tôi hỏi:
- Em điên xõa tóc mà một hồi tưởng của anh, anh vận dụng trí nhớ để viết lại hay dựa vào những dòng nhật ký? Mà anh có viết nhật ký thật không hay chỉ là những tiểu tiết để anh dựng truyện?
Hỏi rồi tôi mới thấy mình hụt hẫng, vớ vẩn. Tôi đâm ra lo sợ vì cả vài phút không nghe ông đối đáp gì cả. Sau đó, tôi biết mình vừa chạm vào một nỗi đau nào đó nơi những vết thương trong tâm tưởng của ông …
Dạo sau đến nhà ông chơi, ông tự ý mở tủ sách lấy ra cho tôi xem một cuốn tập vở, những trang giấy úa vàng chi chít những dòng chữ của ông. Tôi không đọc, chỉ nhìn thoáng những nét lượn lờ như vân, như vẽ.
- Em điên đây!
… Tối đó về nhà, đọc lại truyện Em điên xõa tóc, nhớ tới khuôn mặt ông lúc cho tôi xem cuốn sổ địa chỉ. Nhớ tới cơn nghẹn ngào của ông thuở nọ. Tưởng như nghe ông than thở: Evelyne! Giờ này anh đang ngồi trên băng đá, nước mắt lưng tròng. Còn em ở đâu? Em đã bớt điên hay có còn sống sót?( [ii]) (Tr. 84-85)
Những truyện ngắn của Kiệt Tấn là những dòng hoài niệm của tác giả về những trải nghiệm thời thơ ấu, thuở trai tân hừng hực sinh lực yêu đương, kéo dài từ quê nhà qua tới Canada là nơi ông du học, về sau định cư làm việc tại Pháp. Gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong tâm tưởng độc giả là những Đêm cỏ Tuyết, Em điên xõa tóc, Người em xóm học, Nụ cười tre trúc, … với văn phong rạo rực dục tính và những rung động chân thật bất ngờ của nhân vật tôi. Đó là "Kiệt Tấn văn chương", còn "Kiệt Tấn đời thường" thì sao? Đặng Mai Lan viết:
"Ông sống thật, viết thật. Điều này ai cũng biết. Thật quá nên chân dung của ông trong lòng độc giả, nhất là những độc giả nữ, ông là một con yêu râu xanh. Chữ 'yêu râu xanh' cũng do chính ông hay dùng khi trò chuyện. Hồi chưa gặp ông, tôi cũng nghĩ ông này ghê lắm. Thuộc loại dê cụ, tổ sư sàm sỡ đây. Quen thân với ông rồi thấy ông vui, hào sảng, một công tử Bạc Liêu thứ thiệt …" (Tr. 87)
Có vẻ như, văn chương Kiệt Tấn được độc giả nam ưa chuộng hơn độc giả nữ. Ngược lại với ngoài đời, hình như những bạn văn thân thiết nhất của ông đa số lại là phái nữ. Đặng Mai Lan là một trong số những nhà văn nữ ấy, bởi vì:
"Trong những người bạn văn của tôi, phải nói Kiệt Tấn là một người rất đặc biệt. Ông luôn làm tôi cười. Điều này tôi cũng đã viết trong bài Ông điên Kiệt Tấn, một bài viết mà theo ông thì có rất nhiều người thích nên ông đã lấy làm 'bạt' cho tuyển tập Em điên xõa tóc của ông. Lúc nghe ông nói, tôi chỉ cười cười. Tôi nói với ông, bài viết đó chưa đủ đâu, Kiệt Tấn còn nhiều điều chưa kể hết! Đợi đấy!... Chuyện do chị Ánh, vợ ông, kể lại. Điều này ông không hề biết." (Tr. 93)
Chuyện gì vậy?
"Đó là một buổi tối chị gọi tôi, giọng đẫm nước mắt:
- Em ơi, anh Kiệt say quá rồi. Ảnh đang quậy phá tùm lum. Chị sợ quá!
… Chưa kịp kêu anh Lê Tài Điển thì chị Ánh gọi lại cho tôi, nghẹn ngào hơn nữa:
- Em ơi, cảnh sát tới bắt ảnh đi rồi. Không hiểu họ giữ ảnh mấy ngày?" (Tr. 94)
Ông nhà văn chỉ bị giữ lại một đêm ở bót cảnh sát. Sau đó, về nhà, ông "… đã mua một bó hoa đẹp, không cho vợ, mà lại tặng cho bà hàng xóm. Người đã nghe những xô xát vọng ra từ nhà ông và gọi cảnh sát đến can thiệp." (Tr. 95)
Chuyện kể về người văn sĩ tài hoa, bộc trực, nhưng tính khí bốc đồng này được Đặng Mai Lan kết thúc bằng câu:
"Nhưng sự biết ơn, hành xử một cách nhân văn như thế thì có mấy người như Kiệt Tấn?" (Tr. 95)
Đó là những tản văn của Đặng Mai Lan viết về đời sống tình cảm của người khác. Còn chuyện tình cảm của cá nhân chị thì sao? Hãy đọc "Nỗi buồn của lá":
"Nhà đông anh chị em, nhỏ nhất nhà, nên những chuyện vặt vãnh đều dành cho Lá. Vì vậy, mỗi lần anh đến, Lá luôn là người ra mở cửa tiếp anh nếu như người anh muốn gặp đi vắng. Lần nào Lá cũng trả lời qua loa và chỉ chực quay đi. Chẳng bao giờ Lá mời anh vào nhà. Mà nếu như Lá có mời thì anh sẽ lúng túng, cả hai chắc chắn sẽ chẳng biết nói gì với nhau. Bởi anh nào có lớn hơn cô là bao lúc ấy.
Lúc đó Lá cầm trên tay một cuốn sách …" (Tr. 129)
Đọc tiếp thì biết ra cuốn sách là một quyển tiểu thuyết của tác giả Du Tử Lê, thuở ông còn viết văn xuôi, chưa nghiêng hẳn sang lãnh vực thi ca. Một quyển sách văn chương mà nhân vật có tên Lá đã đọc, và đã trả lời khi người con trai hỏi cô hỏi về nội dung quyển sách:
"Lá lúng túng… Em không hiểu, nhưng… em thấy hay và buồn lắm.
Lá chưa biết trả lời sao cho đúng, vì đó là một cuốn truyện Lá đọc khác hết những loại sách Lá đang đọc. Nó dẫn cô vào một vùng chữ nghĩa khác. Thứ chữ nghĩa làm Lá bay bổng, cuốn xoáy rồi rơi xuống đậu trên một nỗi buồn rất êm, rất mượt." (Tr. 129-130)
Phải rồi! Những quyển tiểu thuyết và triết học, những bài thơ tự do sử dụng thuật ngữ mới lạ, đôi khi kiểu cách của nền văn học miền Nam trong hai thập niên 1950-1960 đã tôn vinh và chịu ảnh hưởng sâu sắc dòng văn học hiện sinh và chủ nghĩa tân lãng mạn của những Marcel Proust, Simone de Beauvoir, Jean-Paul Sartre, Françoise Sagan, …
"Nỗi buồn của lá" là câu chuyện như thể vu vơ giữa một cô gái ở tuổi mới lớn với một người con trai đã trưởng thành, tại một đất nước trong thời chiến, và một quyển sách của một tác giả, về sau này, trở nên một tên tuổi lẫy lừng của thi ca Việt nam hiện đại: Du Tử Lê. Trong đoản văn này Đặng Mai Lan viết về hai "người quen": một vô danh và một nổi danh. Tôi ngờ rằng, chị viết và mượn danh một tác giả danh tiếng cốt để tâm sự cùng chúng ta về chuyện tình cảm của chị thời hoa niên. Những trang chữ như một cái cớ để chị giải tỏa nỗi buồn thời con gái.
"Buổi ấy, cuốn sách đã theo anh về đơn vị, theo anh ra chiến trường và cùng anh biến mất ở một cánh rừng nơi vùng Tây Nguyên." (Tr. 130)
"Nỗi buồn của lá" là một tản văn tuyệt vời, là hai mảng ký ức, hai khuôn mặt quá vãng chập chờn giao thoa cùng nhau trong tâm tưởng của chính tác giả qua nhân vật Lá. Đoản văn được chị kết thúc như sau:
"Có thể nói cuốn sách ấy đến và đi ra khỏi đời sống tôi, để lại một nỗi buồn từ ngày ấy.
Bonjour tristesse! Nỗi buồn 'Ngửa mặt', nỗi buồn của lá." (Tr. 136)
 
*
 
Mười lăm câu chuyện về mười lăm nhân vật, lạ cũng như quen, trong "Người lạ, Người quen" của Đặng Mai Lan không chỉ là những trăn trở của tác giả, mà còn là những mảnh đời sống động được vẽ lại bằng từ ngữ văn chương. Chuyện cô gái lưu vong tuy sống trốn tránh ở trong rừng, nhưng không quên dặm phấn, tô son tên Xuân. Chuyện một cuốn phim thuật lại cuộc đời Sœur Sourire, một nữ tu Thiên chúa giáo, bất ngờ thành công rực rỡ chỉ với ca khúc Dominique, bị những con buôn thương mại lường gạt, cuối cùng bà cởi áo dòng, sống đời đồng tính với một phụ nữ khác, và một kết thúc bi thảm. Chuyện sự nghiệp và đời tư của ca sĩ Carla Bruni, cũng là cựu đệ nhất phu nhân Pháp. Chuyện một cô bạn của tác giả và cũng là một nữ ca sĩ địa phương đã từ giã hào quang danh vọng, đêm đêm ngồi chẻ nỗi buồn là những cọng rau muống thành sợi nhỏ. Chuyện những "người quen" nổi danh khác như văn thi sĩ Nguyễn thị Thanh Bình, và ba người đã chia tay cùng chúng ta: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn,  nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng và nhà văn Phùng Nguyễn.
"Người lạ, Người quen" ( [iii]), một quyển tạp văn với những câu chuyện thú vị, nhiều xúc động qua một văn phong óng ả, rực rỡ cá tính của Đặng Mai Lan.
(12.2021)
NND      

[i] Thủy Mộ Quan, thơ Viên Linh.
[ii] Em điên xõa tóc, tuyển tập Kiệt Tấn (tr. 331), Văn Mới 2002.
[iii] Người lạ, Người quen, tạp văn Đặng Mai Lan, Văn Học Press 2018.
 

No comments:

Post a Comment