Thursday, December 23, 2021

TỪ CHUYỆN CHÚA GIÁNG SANH

Tố Nghi


Giáng Sanh nhằm ngày 25 December, nhưng theo các nhà nghiên cứu văn học sử thì đức Jesus thiệt sự hổng sanh vào ngày này. Jesus sanh bữa nào hổng ai biết, bị tục lệ kỷ niệm giáng sanh chỉ bắt đầu từ thế kỷ thứ mười, mười một chi đó.
 
Chuyện kể là...  Đức Maria đang bầu bì thì vua Herode ra chiếu chỉ kiểm tra dân số, ai quê quán đâu phải trở về đó đặng... đăng ký hộ khẩu. Bác thợ mộc Giu-se mới bưng vợ đặt trên lưng lừa mần màn hồi hương, chẳng may giữa đường bà bầu chuyển bụng, thế là có màn... teng teng teng tèng... ‘đêm đông lạnh lẽo chúa sanh ra đời'.  Mà rồi đám nghiên cứu nọ lật sách ngó chừng, xong lòi ra chuyện kiểm tra dân số thời Herode hổng xảy ra vào tiết đông nhưng (y hình) tiết xuân. Rồi để lợi dụng thời cơ chào đón tết dương lịch năm mới, đám xã hội nhơn văn bèn đẩy Maria vô hang Bethlehem bắt bà bể bầu sớm đậng chúng được nghỉ đông sớm thêm mấy bữa.
Cũng nghe nói (hổng chắc heng) thiệt sự năm nay hổng phải 2021 mà là 2025 lận. Thì người ta lục lọi sách vở tra cứu đối chiếu chi đó chuyện vua Herode kiểm tra dân số (cốt tìm ra hài nhi mà giết đi) vào năm có sao chổi Haley. Các chuyên gia thiên văn biểu ánh sao dẫn đường 3 vua tới hang Bethlehem chính là sao Haley không khác, và sao nọ xuất hiện ở thời điểm -5 năm trước công nguyên, nghĩa là khi tây lịch khởi đầu thì đức Jesus đã tròn trịa 5 tuổi.
Epiphany tức Lễ Ba Vua nhằm chúa nhựt đầu tiên của năm mới. Ba vua ni thiệt ra là 3 ông già có của, ở không hổng biết làm chi nên dở sách thiên văn đoán điềm trời, biết đấng cứu tinh đã xuống thế, bèn rủ nhau sửa soạn lễ vật vàng hương, mộc dược - nghĩa là trong ấy có hương liệu nấu phở đó nha - rồi leo lên lạc đà, theo hướng sao lạ, tìm hài nhi vừa được sanh ra mà chiêm bái.
Giáng sanh và năm mới dương lịch kết thúc cùng với lễ ba vua. Ăn bánh Galette des rois xong thì người ta gỡ đèn, hạ thông, dẹp cất đồ trang trí. Lễ Epiphany trong dân gian còn có tên là Lễ ánh sáng. Đông chí, winter solstice, cuối tháng 12 là thời điểm có ngày ngắn nhứt và đêm dài nhứt, sau lễ ánh sáng ngày từ từ dài ra. Tới xuân phân, spring equinox cuối tháng năm, ngày và đêm sẽ dài bằng nhau.
Bài đọc 1 trong lễ ba vua thường khi trích từ sách Isaie hay Esaie (tiếng anh là Isaiah), một trong 4 tiên tri quan trọng nhứt của cựu ước, cổ sử Do Thái.  Isaie trong tiếng hebrew hàm nghĩa (Trời) cứu độ. Sách Isaie cả thày 66 chương, phân thành 4 đoạn chánh, tiên tri việc Trời sẽ ban cho dân tộc Do thái một đấng cứu tinh. Cũng bởi ăn ở mất lòng Trời nên rồi bị quở phạt, Do thái mất nước trong hàng ngàn năm dài. Qua miệng tiên tri Isaie, Trời bỏ nhỏ cho cái đám cà chớn nớ biết, rằng một bé trai thuộc dòng dõi David sẽ được sanh ra từ một người nữ để cứu độ dân người
... Hỡi Jerusalem hãy đứng lên. Ánh sáng của ngươi đã tới và hào quang của Trời sẽ chiếu trên     ngươi. Bóng đêm che phủ mặt đất và tối ám bao trùm muôn dân. Nhưng Trời sẽ ngự trị trên ngươi và hào quang của người sẽ chiếu sáng ngươi. Ngươi hãy mở mắt nhìn quanh mình. Các dân tộc đang hướng về ánh sáng ngươi và các vua chúa hướng về hào quang ngươi. Các con trai ngươi từ xa sẽ trở về, và các con gái ngươi sẽ được nâng dậy …
Đã có tới 3 tôn giáo cùng đọc chung quyển cựu ước ấy: Do thái giáo, thiên chúa giáo và hồi giáo. Lời tiên tri này được giải thích trong tín lý thiên chúa giáo, rằng người nữ mà Isaie nhắc tới ấy là đức trinh nữ Maria và đấng cứu độ chính là Jesus con bà. Hồi giáo không đá đụng chi tới việc cứu độ, họ chỉ coi Jesus là một vị tiên tri y chang giáo chủ Mahomed. Còn Do thái giáo thì không coi Jesus là tiên tri, lại càng không phải đấng cứu độ mà Trời đã hứa.
 
*
Nói chuyện ni cái nhớ chú Tư em tía. Chú Tư có cầm bút viết lách chút đỉnh, nhưng vì duyên nợ văn chương thi phú của chú hổng hạp thổ ngơi thành ánh sao tối thui tới độ sách vở của chú thường khi được thím tư xé ra làm mồi châm bếp. Hồi ở VN, đám con chú đã hổng rớ vào tác phẩm của tía chúng, sang đây chúng gài số de còn lẹ dữ nữa. Sau cùng thì… coi như số phận an bài, chú tư đành lòng hổng xuất bản thêm chi cho tốn kém, bù lợi bữa nào tâm hồn văn chương lai láng, chú Tư gởi đứa con tinh thần qua bưu điện cho cháu gái chú đọc cầm hơi (khi nớ chưa có internet heng) Dĩ nhiên là tui hổng thể, phần hổng có giờ, phần thỉnh thoảng có ý tốt nhưng lại kiếm hổng ra vì đã nhét chúng quanh quẩn đâu đó – chưa chừng được lối xóm cho vào thùng recycle hổng chừng nha.
Văn phong văn mạch của chú tui thiệt sự bí lù, hướng đi trong sáng tác của chú tui cũng bí luôn! Vậy chớ mỗi lần được chú Tư gọi phôn hỏi ý kiến, tui đều khen “rất được” hoặc ngon lành hơn “rất hay”, cốt giúp vui chú giây lát. Lối xóm tui nói, chừng chết em sẽ vào vực dầu sôi, bị kẹp lưỡi rút lưỡi vì tội nói dối. Tui hổng nghĩ mình sẽ bị phạt về vụ này, nói dối vì “compassion” là một lời nói dối nhơn từ và chơn chánh - y chang mấy kép độc, thề yêu em tới hơi thở sau cùng - nhứt là với người đang gần đất và rất xa trời như chú Tư.
Tui nói xa trời là xa thiệt ha, vì niềm tin tôn giáo chú Tư không hề có. Chú theo đạo ông bà, nhưng cũng hổng thấy chú nhang đèn cúng vái ông bà nội chi dzáo. Chú biểu chú ráng ăn ngay ở lành là đủ, vì rằng… tất cả các tôn giáo đều là mê tín dị đoan, do người bịa đặt ra với mục đích cầu lợi. Dĩ nhiên đây là ý kiến riêng cần phải được tôn trọng. Nhớ có lần trong bàn tiệc, chú nói về thiên chúa giáo như sau, và đã gây tranh cãi cùng đám anh em bên thím: Tại sao người việt nam mình lại phải thờ phụng ông Phật
ông Jesus, nghĩa là người ở những đẩu những đâu. Chưa kể đọc kinh sách thiên chúa giáo, toàn nghe đám nọ hướng lòng thành kính cầu khẩn riêng cho dân Do thái và thành quách Jerusalem của chúng bla bla bla… Khi ấy tui còn nhỏ, đầu óc mới toanh như giấy trắng, sách vở giáo lý đọc đó nhưng thiệt sự hổng hiểu gì. Nghe chú Tư nói tui thấy sao chú đúng quá xá, và như thế thì chú giỏi quá xá luôn. Đạo chúa thiệt là kỳ cục!
 
Hơn nửa thế kỷ sau, chuyện đọc và hiểu kinh thánh của tui đã có khác. Trên nguyên tắc và theo cựu ước, Trời tạo ra loài người rồi cho sống ở vườn địa đàng. Chẳng may ra cái vườn này lại nằm ngay rẻo đất Do thái cổ đại. Thành ra rồi trong cựu ước, dân Do thái là dân chúa, và trong tân ước dân chúa bao gồm tất cả những ai biết đến Trời, đấng tạo lập vũ trụ. Thành quách Jerusalem là đền thờ để thờ cúng Trời, nó cũng hàm ý là tâm hồn của con người, phải giữ thánh thiện cho xứng với ơn phước Trời ban.
Vì thiên chúa giáo đọc chung cựu ước với Do thái giáo, nên vụ này nghe hà rằm trong thánh lễ. Mà chẳng riêng chi trong tế tụng, đất nước Anh với anh giáo cũng có một bản nhạc kinh điển, được hát lên trong các dịp lễ lớn của quốc gia, cốt khơi dậy lòng ái quốc, bản “Jerusalem” hay “Marche to Jerusalem”. Dân anh ơi ới rủ nhau về Jerusalem, Jerusalem ở đây hàm nghĩa thiên đường, đất hứa của Thượng đế - và đất này theo dân anh, chính là xứ sở mù sương không khác.
Mấy chục năm sau, hổng rõ ý kiến của chú Tư về tôn giáo đã thế nào ra sao, khi mà trời rất xa và đất lại ngay sát dưới chơn. Chú hết còn sáng tác và cũng hết còn chỉ trích tôn giáo. Mỗi lần gặp, toàn nghe chú than thở chuyện bịnh tật, chú biểu kiếp người chán quá xá chán!
Rồi thím tư bịnh nặng ra vào nhà thương như cơm bữa. Chú tư mỗi ngày ra vô bịnh viện ngó vợ chớ cũng hổng biết sao giúp. Thím tư có lấy xâu chuỗi ra lần hạt thì cũng làm mình ên vì kinh kệ chồng thím bù trất. Sau khi thím mất, chú tư y chang thuyền không bánh lái, mọi việc cậy nhờ đám con ở chung lối xóm gần nhà. Đám con chú chia nhau mang thức ăn tới lo lắng chu toàn. Khổ cái...  nay ở một mình thiếu người cãi cọ, xí lộn, đối thoại, cứ gặp đám con y phép chú tư mở máy cho chúng nghe mệt xỉu các bài học giáo dục, cả đức lẫn trí, đặng chúng đừng xao lãng bổn phận làm người. Sau thì chúng căn me, chờ chú ra làm vườn, hay đi ngoạn cảnh, mới lỉnh vô nhà dọn dẹp và bày sẵn thức ăn cho bố.
Một sáng, đứa con gái ở sát bên mang điểm tâm sang để trên bàn ăn rồi về, vì cha nó ngủ chưa dậy. Tới cữ ăn trưa nó sang thấy cha ngủ có hơi lâu bèn đánh thức, mới hay cha nó đang hôn mê vì stroke. Stroke không gây tử vong nhưng để lại di chứng trầm trọng, liệt nửa người, nhiễm trùng tới lui đường tiểu và đường hô hấp. Rồi nhà thương mở tùm lum ống cho chú (khí quản bao tử, đường niệu) xong chuyển chú qua longterm-care chờ chú... hồi phục.
Vợ chồng tui trên đường xuôi nam hướng nghiệp, trong khi chờ đổi máy bay bèn ghé thăm thúc phụ. Chú tư xìu rìu, nắm tay con cháu gái không buông. Chừng chào ra về, thấy chú ứa lệ thương cảm hết sức. Tui nói chú tư đừng lo, cháu sẽ trở lại lúc về, sẽ đổi vé máy bay ở chơi với chú vài bữa, chú tư ráng tịnh dưỡng cho lại sức.
Tuần sau, hai đứa ghé thăm chú trên đường về. Đám bịnh nhơn già ngồi xe lăn cần theo sâu dõi sát được đẩy ra ngay trước poste y tá trại bịnh. Thấy thấp thoáng bóng chú tư ngồi bất động, đầu ngửa ra sau. Linh tánh chẳng lành... tới gần thấy da mặt chú xám quách, rờ vào người thì đám cơ đã cứng rồi, thức ăn vẫn nhỏ giọt trong ống nuôi, đám y tá y công bận rộn nhộn nhịp qua lợi ngay sát chiếc xe lăn, mà cũng hổng ai rảnh ghé mắt dòm chừng nên hổng hay chú tư đã lẳng lặng... giã từ võ khí!
Cháu gái chú kiếm bà y tá trưởng báo tin một con chim đã xa bầy, rồi được bà ban cho cú nhìn sắc lẻm, bà biểu đừng trứng dỡn chỗ làm việc nghiêm túc đặng khỏi phiền hà nhơn viên an ninh trật tự. Rồi bà thong thả thân hành đi rà soát, xong hốt hoảng báo tin chú tư chết thiệt rồi (you are right, chúng tôi xin chân thành chia buồn cùng tang quyến). Bà biểu... chắc ổng cũng vừa ra đi thôi, sáng nay lúc vệ sinh thay áo quần đặt lên xe lăn có thấy dấu hiệu chi đâu nào. Cháu gái chú vừa buồn vừa cười biểu : xếp ơi, các bắp thịt ổng đã cứng hết rồi, đâu xếp đi đọc lợi sách y khoa đoán chừng coi ổng trút hơi cuối hồi nào, rồi chị em mình tiếp tục chuyện… tử thần và lưỡi hái !
Dĩ nhiên tử thần gặt hái đã xong, chuyện kết thúc luôn cho gọn lẹ sổ sách, bươi móc ra cũng chẳng được gì. Tội nghiệp em y tá săn sóc chú tư khóc hù hụ, không vì thương tiếc người chết (mới vào trại 1 tuần chớ mấy) nhưng vì sợ kiện thưa. Hồi đám con chú được báo tin, chúng tràn vào trại bịnh, được cháu gái chú an ủi, rằng đau đớn thể xác đã xong, chừ tía má chúng sắp xum họp cùng nhau. Mà hổng chỉ động viên tinh thần đám cousins thôi heng, tui còn phải an ủi động viên cả em y tá nữa. Khổ biết nhiêu nói!
Hứa ở chơi với chú tư vài bữa, nhưng rồi phải ở thêm cả tuần đặng chờ chôn cất. Hồi sanh tiền chú tư có da có thịt và lớn con hơn tía rất nhiều, bữa ra nhà quàn, ngó chú tư nằm trong áo quan hổng dè chú giống tía in hệt - thì cũng vì đúc từ 1 khuôn ra. Sau tang lễ tụi tui ra về, hẹn đám giỗ sẽ qua. Dè đâu, tháng trước tháng sau, thằng hai con chú gọi sang báo tin, rằng bốn con em gái nó đang tranh chấp gấu ó chuyện căn nhà. Tui nói Hai mày ráng xử sao cho êm, vì mày là con trưởng. Thằng hai nói em tránh dạt ra xa, đám con trai tụi em không dự phần chia chác chi cho nhức đầu, cứ để mấy mệ thần nanh đỏ mỏ bày trận sống mái với nhau, được thua ráng chịu. Chừ thì đã có được nên đã có thua. Từ hồi chú thím tư qua đời, y hình... chưa nghe chuyện đám con 9 đứa xúm nhau tụ lợi làm chung đám giỗ cho cha mẹ chúng. Ai nói đông con là tốt, thà ít ít nhưng thuận thảo vậy mà vui hơn !
Chú tư... chừ trên trển chú theo đạo nào? Hổng thôi kiếm tía rồi xin vào đạo phở đi chú.  Giáo lý phở tía rành rọt, dạy hoài đứa tân tòng nọ mà nó cứ ì ra hổng thấm nhuần, chừ có chú tư theo tòng học chắc là tía ưng lắm.
TN

 

  

No comments:

Post a Comment