Monday, April 12, 2021

QUÁN SÁCH CŨ

Ngô Nguyên Dũng
 

Sách cũ. Hình Internet
 
Sau tập truyện “Die Insel der Feuerkrabben” (2013, được tôi chuyển dịch từ truyện ngắn “Hòn Còng Lửa” dùng làm tựa), và truyện dài Tausend Jahre im Augenblick (2019, Ngàn Năm Trong Khoảnh Khắc, truyện dài được tôi viết bằng Đức ngữ), vào cuối năm 2020 tôi đã chấp bút khởi đầu một truyện dài khác, cũng bằng Đức ngữ: Das Antiquariat (Quán Sách Cũ).
Khác với truyện dài “Tausend Jahre im Augenblick” có bối cảnh thời Pháp thuộc và những xung đột văn hóa, tín ngưỡng, bản sắc giữa người Việt và người Pháp, truyện “Das Antiquariat” là một câu chuyện tình hiện đại giữa một thiếu phụ tỵ nạn Việt nam và một người đàn ông tương đối cao niên, chủ nhân một Quán Sách Cũ.
Duyên tình đến từ một tập cổ thi nổi tiếng bậc nhất của văn chương Việt Nam: Truyện Kiều của Nguyễn Du.
“Tausend Jahre im Augenblick” phải ròng rã gần 6 năm mới được hoàn tất, “Das  Antiquariat” (Quán Sách Cũ) chỉ mới được tôi mậy mọ khoảng hơn 50 trang MS-word. Chưa biết bao giờ sẽ xong.
Xin mời quý Anh Chị và quý Bạn đọc thử chương đầu được tôi chuyển sang Việt ngữ.
Trân trọng
Ngô Nguyên Dũng
 
*
Trong ngõ cụt phố chính toạ lạc một quán sách cũ. Trên mặt kính dán một tấm nhựa trong in hàng chữ kiểu gô-tích: “Quán sách cũ Con Chuột Sách”.
Mỗi ngày, trên đường đến chỗ làm, Kim Lan đều đi ngang đấy. Bữa nọ, không hiểu vì cớ gì, cô dừng chân lại, tò mò ngắm nhìn cửa tiệm.
Hôm ấy là một sáng sớm mùa đông. Bụi tuyết bám dịu dàng trên những mái nhà và những nẻo đường quạnh vắng. Quán sách còn đóng cửa. Trong vùng nhá nhem buổi tinh sương cô thấy vô số mặt sách được chưng bày ngăn nắp sau khung kính. Chúng trông cũ kỹ và hao mòn, nhưng toả ra một ma lực hút lấy cô. Như thể chúng sinh động. Như thể mỗi quyển sở hữu một linh mệnh và những dòng chữ đang tìm cách thoát ly cõi chật hẹp đè nén bởi những trang giấy. Cô cảm nhận ra, dường như chúng muốn phát tán những thông điệp nối kết quá khứ và hiện tại. Chúng khiến cho Kim Lan liên tưởng những mộ bia trong nghĩa trang. Cô hình dung ra một nghĩa trang sách, với hàng ngàn quyển sách, nơi chôn cất những tác giả cùng chữ nghĩa của họ.
Tho-mas Mann. Gia tộc Bu-den-brooks. Tiểu-thuyết. Her-mann Hes-se. Tất-đạt-đa. Tiểu- thuyết. Tự-điển-bách-khoa Văn-chương-thế-giới. Đất lành. Pearl S. Buck. Thời Suy-tàn của Văn-hoá Ma-ya. Một Hành-trình ngược về Quá-khứ. Kim Lan lẩm nhẩm, từng chữ một. Và kìa, cô không tin ở mắt mình, được dựng khép nép phía sau, một bìa sách úa vàng đề tựa Truyện Kiều và cái tên thi hào Nguyễn Du quen thuộc. Cô nghe nhịp tim bấn loạn. Những kỷ niệm quê nhà và chuyến vượt biển nhiều thập niên trước trở nên linh động và chồm lên những triền sóng vỗ bờ đau buốt. Những nghiệm trải nhú mầm khô khát trong tâm thức cô.
Màn diễn đọc một thi phẩm danh tiếng qua giọng ngâm của cụ già giữa đêm trăng đầy trong hành trình vượt biên. Giọng cụ, yếu ớt vì đói khát, chấp chới đó đây, như những nhịp cánh đập của một con ó biển trúng thương đang lật từng trang thi phẩm, bỗng rách tơi tả trong cơn bão tố bất ngờ thốc lên và bị miệng vực đen ngòm vô tận nuốt chửng.   
Nhìn kìa! Cô lấy lại bình tĩnh. Cố thi hào nổi tiếng và được yêu chuộng bậc nhất của “lục bát” truyền thống, một thể thơ sáu tám thuần Việt, và câu chuyện được viết bằng chữ Nôm thuật lại nghịch cảnh của thiếu nữ tên Kiều. Quyển sách ấy đang hiện diện lúc-này và tại-đây, lạc lõng giữa rừng sách của những tác giả lừng danh thế giới trong một hiệu sách Đức. Quyển sách tìm gì nơi này? Từ đâu ông hay bà chủ tiệm sở hữu nó? Cô ngạc nhiên thầm hỏi, cùng lúc nhớ lại những gì đã học trong nhiều năm trước, lúc cô còn là một đứa trẻ con, trong khoá học sinh ngữ.
Tiểu thuyết là một thể truyện viết, cô giáo giải thích, thường được một tác giả nam hoặc nữ tự nghĩ ra, vì vậy còn được gọi là hư cấu. Và danh từ “Reise” ( [1] ) có mạo từ giống cái, tiếng Đức gọi là giới tính mạo từ. Đừng lầm lẫn với từ “Reis” ( [2] ) không có e ở cuối, cô giáo nheo mắt thêm vào.
Với con bé Kim Lan, những quy luật ngữ pháp ấy hoàn toàn mới lạ và khó hiểu, bởi lẽ cớ sao một từ lại có giới tính. Ngay cả mạo từ trung tính cũng có nốt. Hỏi tại sao như vậy, cô giáo chỉ trả lời qua loa, thì tại vậy, ngay cả những nhà ngôn ngữ học cũng không thể lý giải rành mạch. Có đôi lúc, khi học một từ mới kèm theo mạo từ, con bé chán nản tới độ đâm thắc mắc về đời sống tình dục của từ ngữ? Nếu có, động tác tính dục của chúng ra sao, và những từ giống cái có khả năng mang thai và sinh ra những từ ngữ mới hay không?
Tại quán ăn nhanh Á đông “Chiếc Bánh May Mắn”, chỗ Kim Lan hành nghề phụ bếp, cô và vợ chồng chủ quán là những người thông thạo tiếng Đức. Kỹ năng từ vựng của cô đủ để nhận điện thoại của thực khách gọi đến đặt món ăn và có thể giải thích cho họ hiểu, nhân chả giò gồm những gì và đông-cô là loại thực phẩm nào. Tuy vậy, mỗi khi có khách hàng gọi tới than phiền về phẩm chất món ăn đã được giao tận nhà, cô chỉ có thể lắp bắp xin lỗi cho tính lơ đãng của đầu bếp.
Hôm ấy, sau khi cô tình cờ tìm thấy thi phẩm của Nguyễn Du bày bán trong quán sách cũ, công việc tại quán ăn nhanh tiến hành tốt đẹp. Hân, người đầu bếp 42 tuổi, thần sắc tươi tắn khác thường và kháo chuyện, khuya qua anh ta thắng một mẻ lớn tại sòng bạc thành phố. Tay này, mặc dù đã lập gia đình và có hai con, vẫn không ngớt ve vãn Kim Lan.
Cô chỉ vừa tám tuổi, khi cô cùng lớp người tị nạn đặt chân tới đây vào những năm một chin tám mươi. Được sinh ra tại một làng quê châu thổ sông Cửu long miền nam Việt. Đường học vấn dở dang. Vượt thoát cùng người anh hơn cô năm tuổi. Sau mười lăm ngày lạc hướng trong Thái bình dương, chiếc ghe đánh cá với hơn hai trăm thuyền nhân được tàu cứu người vượt biên Cap Anamur tìm thấy và cứu kịp, vừa lúc thuyền sắp sửa chìm. Hai mươi bảy người tử nạn, trong số đó có anh của cô. Khi cô đặt chân tới Đức, sau khoảng thời gian ngắn tạm cư trong trại tị nạn, cô được một cặp vợ chồng không con nhận làm con nuôi. Cô được theo học tại một viện sinh ngữ và sau đó tại một trường phổ thông. Cô không phải là một học sinh giỏi, dẫu những hỗ trợ kiên trì và ưu ái của cha mẹ nuôi. Cô trở nên khép kín và thường xuyên dằn vặt về cái chết của người anh. Khi cô đến tuổi trưởng thành, cô giã từ cha mẹ nuôi và tìm cho
mình một chỗ trọ hai phòng tại một khu phố sinh động, chỗ nhiều di dân cư ngụ.
Lúc mười giờ tối quán ăn nhanh đóng cửa. Kim Lan mang về vài món ăn nhẹ. Ngang qua quán sách cũ, cô dừng chân bên kia đường ngập tràn bóng tối, khi thoáng thấy ánh đèn hắt yếu ớt bên trong quán. Cô bước lại gần hơn. Trong gian phòng sau, một người đàn ông tuổi trung niên đang chậm chân qua lại với mớ sách cầm trên tay. Ông khoác trên người chiếc áo len không cài khuy, bên dưới là áo sơ-mi màu sẫm. Tóc ông cắt ngắn và bạc trắng. Cặp mắt kính và bộ râu quai hàm cũng trắng xoá toát ra một vẻ ấm áp trí thức. Có vẻ như ông đang sắp soạn lại sách. Động tác của ông nhẩn nha, gần như nâng niu khi va chạm với những quyển sách, như thể chúng là những món vật dễ vỡ.
 
Bất chợt người đàn ông dừng tay, chừng như cảm thấy đang có người dòm ngó. Ông bước lại ngưỡng cửa dẫn ra gian ngoài, phóng mắt nhìn ra. Kim Lan khom lưng bước đi, không ngoảnh lại.
Tôi thấy mình ngồi, thêm một lần nữa, trong khoang ghe đánh cá nhỏ bé. Ghe trôi giạt trong mênh mông biển đã nhiều ngày nay. Người anh bên cạnh tôi. Những kẻ lạ nằm lăn lóc quanh tôi, như những thây người trong nấm mồ tập thể. Hơi người, mùi xú uế và nôn mửa ngập ngụa không gian. Tôi thấy đói và khát. Máy ghe đã im tiếng từ khi nào? Tôi chỉ nhận biết, một nỗi im lặng hãi hùng đang bao trùm lấy tôi. Quanh đây vang tiếng ho khan và nhịp thở khò khè. Không còn nghe tiếng trẻ con la khóc. Hầu như tất cả đều đã qua đời, nhưng vẫn được
cha mẹ và chị ôm giữ trong tay. Nằm trên ngực anh, tôi mở mắt nhìn lên khung trời. Như thể vô tận. Vầng trăng, sáng vằng vặc như chiếc dĩa bạc, chiếu xuống. Dửng dưng và kiêu hãnh. Trăng có nhận thấy chiếc ghe đang trôi vật vờ với hơn hai trăm linh hồn chờ được giải thoát?
Đột nhiên tôi nghe tiếng ai cất lên. Một giọng đàn ông ngân nga yếu ớt và run rẩy chọc thủng màn tĩnh lặng bủa vây.    
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Tôi rướn người quay nhìn về hướng phát ra tiếng người, và thấy ông, một cụ già tóc dài trắng như chỉ. Không, không ai xa lạ, mà chính là ông tôi. Đúng vậy, ông tôi đang ngồi đó và ngâm nga những câu thơ đầu tiên trong Truyện Kiều, thuật chuyện người con gái tên Kiều, như thuở xưa, lúc tôi còn bé, để ru tôi ngủ. Tôi nằm trên ngực ông trong chiếc võng mắc giữa hai cột hiên nhà vạm vỡ, trong một trưa nóng ngột ngạt vào mùa khô. Đỗi sau giọng ngâm ngưng bặt. Chiếc ghe đang đâm vào một vùng sương mù. Tôi há miệng uống lấy bụi sương và nỗi tĩnh lặng của biển cả. Khi màn sương tan biến, cụ già với giọng ngâm phấn chấn cũng không thấy đâu, tưởng như ông đã bị sương mù nuốt chửng.
Bấy giờ tôi mới nhận ra, mọi chuyện chỉ là ảo tưởng một đêm trăng đầy. Khi tôi hoàn hồn, nhịp tim anh tôi đã ngưng đập từ bao giờ. Tôi ói mửa thốc tháo tiếng thét dã thú trên thi thể anh mất sự sống.
 
Kim Lan tỉnh giấc. Chiếc đồng hồ tích tắc khẽ. Đau lòng thay những nghiệm trải quá khứ, cô thầm nghĩ, cùng lúc quyển Truyện Kiều trong quán sách cũ hiện về trong tâm trí. Cô quyết định, sẽ hỏi mua nó vào lần tới.
(Bản dịch chương đầu từ nguyên bản Đức ngữ “Das Antiquariat”, cùng tác giả)
NND
[1] Reise: chuyến du lịch.
[2] Reis: gạo.

  

No comments:

Post a Comment