Friday, April 30, 2021

CHIỀU QUA NGÕ BLUES

nguyễnxuânthiệp
 
Blues Jazz Alley
 
Chiều
georgetown
chiều của mây biển. tháng tư. và những cánh bướm
                              monarch. bay về trong trí nhớ
cùng với đinh cường
đi qua ngõ blues & jazz alley. gõ nhịp tim trên đá
tôi muốn nói. tôi muốn nói. với người nhạc công da
                   đen. đến từ new orleans
hãy thổi lên
trên chiếc kèn đồng
một tấu khúc
cho quê hương tôi một ngày của tháng tư
của đọa đày
nước mắt
của bông hướng dương tàn phai
người không dám nói với người
tiếng hàng cây kêu. bóng quạ
rạng đông. mặt trời bị treo cổ. trên bức tường nhà
                                                             hát lớn
người ca sỹ bỏ đi
người thi sỹ bỏ đi
vỉa hè đầy lá rụng
hãy tấu lên
khúc ly biệt
cho những người không về
giờ này
khóc trong quán cà phê la ruche
trên cầu longfellow
ở quảng trường times square
điệu kèn. của khúc elegy
cho tôi. cho nhiều người
 
chiều qua ngõ blues. hồn xanh xao
2012
NXT
  
Điệu Blues Tháng Tư. By Quang Ngọc

PHỐ. THƠ

Nguyễn Thị Khánh Minh
 
Phố xưa
 
C PH
 
Bỗng rất đỏ một mùa hoa
Bỗng rất trắng rác trên đường phố
Bỗng rất nhiều màu rác bay trên đường phố
Bỗng rất khác. Âm thanh vang trên đường phố
Rất ồn. Và rất lặng.
Nghìn mảnh vỡ trong mưa
 
Phố thảng thốt
Phố tới lui. Sấp Ngửa
Phố vẫy tay. Đưa. Đón
Người đến, phố-là
Người đi, phố-lạ
 
Phố hội họp
Phố đàn ca
Phố hớn hở ngày cửa mở
Phố len lén đêm cài then
Phố tung hê nụ cười
Phố che nhau nước mắt
Phố rộng chân người tới
Phố co cụm vòng ôm
Phố bay mắt nắng hồng
Phố vùi lòng lụa bạch
Phố ngửng đầu lên. Phố tung hô
Phố cúi mặt đằm. Phố co ro lệ
 
Ôi lòng phố ơi
Phố hát phố hỏng
Phố cờ phố xí
Phố mang người đi
Dặm lòng thương hải
Ôi tình phố ơi
Phố ngùi phố ngậm
Phố tang phố thương
Một lòng nhau luống…
 
4.2013
 
 
MÕ PH
 
Mõ phố rao buồn
Ngọng nghịu hồi chuông
Ù con gió chướng
Áy cỏ tai ương
 
Buồn rao mõ phố
Dựng mồ khói sương
Người ma nhí nhố
Cám cảnh âm dương
 
Vọng rao hồn phố
Tai nghe rất rõ
Nước mắt đang tan
Cười ran như vỡ
 
Chân người thấp cao
Rừng sâu hút bóng
Tượng đá chờ nhau
Buồn rao mõ vọng
 
Vọng phố lưu vong
Mất tên mất tuổi
Nhớ biển lưu thân
Hạt sông ngậm muối
 
Hạt buồn rao mưa
Phố kim phố cổ…
Chuyện kể. Đời xưa
Sài Gòn nức nở…
 
4.2014
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH

 

 

  

Thursday, April 29, 2021

HẢI ĐIỂU

Nguyễm Đức Cường

Hải điểu. Hình tác giả gởi
 
Một bài thơ cho mỗi tháng Tư…
 
Ta về đây, mặt trời xoay nắng chói,
Xa lạ đời, ta đứng ngắm tan hoang.
Buồn se sắt, nỗi buồn không thể nói,
Ngày lại ngày, hiu hắt nhớ quan san!
 
Ta về đây, ngỡ ngàng như đất khách,
Lạnh thời gian và lạnh cả không gian.
Cát bụi đó, hỡi trăm ngàn thành quách,
Hãy nằm yên trong giấc ngủ phai tàn.
 
Khi những ngày Thu quắt quay nắng Hạ,
Khi những ngày Xuân tê tái ngày Đông,
Có phải chăng, bốn mùa không có thật,
Và mệnh ta là mệnh của hư không?
 
Ta sẽ về đâu?
Sẽ về đâu!
Ai thấu dùm ta,
Nỗi lòng hải điểu?
 
Sẽ về đâu khi Trời kia ngã gục,
Dưới muôn đường đao kiếm của thần linh.
Giữ riêng ta những buồn đau thế tục,
Hỗn mang rồi, thương nhớ mãi hành tinh...
           
NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG           
Thi tập Chân Dung
Tháng 4/1975
 
 

Wednesday, April 28, 2021

KHOẢNG TRỐNG THÁNG TƯ

Ngô Nguyên Dũng
 
Bên đường. Hình tác giả gởi
 
tháng tư!
tôi gọi cho đỡ nhớ
bạn vong niên tôi. một quãng đời
sài gòn!
tên em. nghìn trăn trở
năm thập niên dài tiễn đưa tôi
 
khoảng trống mười hai còn gặm nhắm
trầm cảm đầy vơi. rượu rót năm
tháng tư!
giọt đọng. buồn chưa cạn.
men đời chạm khẽ tiếng vọng âm.
 
tờ lịch thẫn thờ gầy guộc mỏng.
chỗ ghế bàn tôi. cõi rất riêng
giấy khuya vượt biển trùng vây sóng
đêm lắng nghe trời lẫn đất nghiêng
 
bật máu thời gian. thương tích gọi
bụi bám già nua. chữ rã rời
từ dạo nắng đoạn đành bóng tối
rách rưới từ đây. viễn xứ tôi
 
mỗi năm khoảng trống chợt ngoi dậy
muối xát bi kịch. thuở đại dương
lớn không đủ chứa niềm đau ấy.
gió bão ba mươi.
mỗi tháng tư!  
 
(04.2021)
NNN

  

Tuesday, April 27, 2021

HÀI CÚ LẬP XUÂN

Vũ Hoàng Thư
 
“Gái Xuân Bẻ Mận - Beauty Breaking An Ume Branch”
Tranh Suzuki Harunobu (1725-1770)
(https://www.masterpiece-of-japanese-
culture.com/paintings/beauty-breaking-ume-branch-
suzuki-harunobu)
 
 
Hoa anh đào
 
          Ngày Xuân Phân là ngày chính giữa của mùa Xuân theo âm lịch và cũng là ngày đầu tiên của mùa Xuân ở Bắc bán cầu theo dương lịch (Vernal Equinox). Trong ngày này, thời gian của ban ngày và ban đêm bằng nhau, nói cách khác là âm dương cân bằng. Nhờ thế vạn vật bắt đầu sinh sôi nảy nở, hoa sẽ dâng hương cho niệm xuân tình.
 
          Trong một ngày lập xuân nhiều thế kỷ trước, Sư Huyền Quang [?] ngẫu nhiên bắt gặp hình ảnh một thiếu nữ bên song liền viết bài “Xuân Nhật Tức Sự”. Bài thơ tả người thiếu nữ đang thêu thùa, bỗng chim hoàng oanh líu lo từ lùm tử kinh bên ngoài khiến nàng ngừng mũi kim. Không tiếng lời vì xuân tràn trong ngỏ ý, ngoại cảnh cũng như tâm tư. Nói lời gì cũng bằng thừa khi mạch mới tràn dâng. Nụ đang chúm, không chỉ hoa, nụ còn là môi bung cánh sen, đỏ hường xuân thắm. Bởi vì bây giờ đã sang xuân. Xuân đang thì...
 
          Trong một bài thơ khác, “Xuân Cảnh” của Trần Nhân Tôn, nhà vua và khách cùng im lặng trước sự diệu kỳ của núi lam xuân thì trước mặt.
         
          Khách lai bất vấn nhân gian sự,
          Cộng ỷ lan can khán thuý vi.
          
          Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,
          Cùng tựa lan can nhìn núi mây.
          (Bản dịch của Huệ Chi)
 
          Hai bài thơ cùng nói đến Xuân, mượn ý Xuân và sự im lặng khi đối mặt như một ẩn dụ về chân lý không thể nghĩ bàn?  Cùng một cảm ứng, Mizuhara Shuoshi, nhà thơ Nhật Bản cuối thế kỷ 19, “chạm mặt” xuân khi hé nhẹ cửa chùa, lặng người trước giàn hoa xuân phơi phới bên ngoài. Kỳ thú ở chỗ phản ứng không lời của họ, người ngừng thêu, vua quan thôi nói, kẻ chạm khẽ cửa chùa, không hẹn mà cùng giao thoa một ý. Niềm thinh lặng và tròn đầy của vô ngôn trong giờ sáng tạo – Xuân. Mênh mông bất tận nằm ở phía sau những cái không thấy được, không nói được, mênh mông ấy nào thiết đến ngôn ngữ. 
          
          Ashibi saku/ Kondo no to ni/ Waga furenu
         
          The Japanese andromeda blooms.
          The door of the kondo
          I touched.
          - Mizuhara Shuoshi
 
          nhành đinh lăng mở sắc phơi.
          cửa thềm chánh điện
          một tôi chạm mành. (*)
                   
          Mấy thế kỷ sau, bên cạnh “cành lê trắng điểm”, một người con gái đọc thư dưới trăng, một hình ảnh thơ mộng như chưa từng thơ mộng. Trăng đêm ấy nhất định phải sáng lắm, rạt rào như tiếng lòng em rộn rã, “Hoa lá ngây tình không muốn động / Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi” (Hàn Mặc Tử). Đó là thư tình với nhiều hẹn hứa, lời khêu mở khát dâng hay chỉ là một lá thư thường tình? Đố ai biết, có thể là một ẩn tình, một dấu hỏi trong đêm xuân, chỉ có trăng làm chứng, nhưng thật sự có cần nên biết? Buson kể lại như thế này,
           
          nashi no hana tsuki ni fumi yomu onna ari
                   
          Pear trees in flower
          a woman reads a letter
          by moonlight
          - Buson
         
          lê trổ bông
          gái hong thư
          trăng ngời giấy chữ thốt thưa xuân tình (*)
         
          Thôi thì ta cứ giả thuyết như vầy, “rồi một hai ba năm... với em anh chăn tằm, với em anh dệt vải...” (Nguyễn Bính)
                
          Một trong những đặc tính của thơ hài cú ví như chiếc máy ảnh, thu nhiếp khoảnh khắc đang biến dịch, khi thời gian là sự vận hành liên tục từ quá khứ qua hiện tại và tiến vào tương lai trong từng sát na, đơn vị đo lường thời gian nhỏ nhất trong Phật giáo. Theo lý thuyết nhà Phật, dòng thời gian là một chuỗi vô thủy vô chung, không thể phân định được đâu là quá khứ, hiện tại và tương lai, nên cả ba thời đều có chung một tướng, đó là vô tướng. Luận sư Vô Trước quan niệm thời gian là sự tiếp nối tương tục của nhân và quả. Ánh sáng chuyền lan ánh sáng, thái dương đi xuống tiếp tay làm cuộc hôn phối ngày đêm. Ánh sáng không tắt, chỉ chuyển ngôi, như thời gian, làm sao phân định trước/sau? Chiều chưa hề chấm dứt bước đi khi nắng hóa sinh đơm ánh nguyệt lộng đêm huyền, tấu bản giao hưởng diệu kỳ nhất của một hoàng hôn mùa xuân. Buson ví tiến trình đó như hai ngọn nến luân lưu nguồn sáng, giữa mặt trời và mặt trăng, từ mùa đông đến mùa xuân, một sự liên tục của thời gian không dứt. Vi diệu thay cái đang đi không thể bắt gặp lại lần nữa...  
         
          shokunohiwo shokuni utsusuya harunoyuu
                    
          The light of a candle
          Is transferred to another candle —
          Spring twilight
          - Buson
         
          lửa hồng lạp
          nến chuyền luân
          lung linh thắp vòm đêm xuân giao mùa (*)
         
          Xuân đến không chỉ báo tin bằng hoa mà còn bằng hương, hương mận và trăng lụa. Mận là mơ, là cô gái đôi tám bẽn lẽn bên vườn mang hương trinh gọi mời ong bướm. Không nồng nàn như dạ lý hay quyến rũ của ngọc lan, mận mang hơi hướm bưởi nhưng nhẹ hơn, tỏa hương về khuya nhắc nhở đôi tình nhân thời gian hẹn hò chẳng còn bao nhiêu, “Hoa bưởi thơm rồi: đêm đã khuya...” (Xuân Diệu). 
         
          Haru moya ya/ Keshiki totonou/ Tsuki to ume
                    
          The spring haze.
          The scent already in the air.
          The moon and ume.
          - Basho
         
          làn sương xuân
          trời lựng hương
          nguyệt soi nhánh lặng treo vườn mơ đêm
         
          Theo thông thường ước lệ, hoa nở sẽ gọi niềm vui, và hoa rụng nhắc điều mất mát. Những bài hài cú thăng hoa không chỉ diễn tả sự đến đi của xuân nhưng vượt lên trên sự đến/đi, có/không để nhắm đến chân lý hàm ngụ phía sau. Thơ tạo khí hậu an nhiên khi kể chuyện nở/tàn như sự chuyển biến của dòng sống luân lưu không ngừng, cái mất đi mở đường sinh hóa cho cái khác tồn tại. Điểm đỉnh là sự hồn nhiên vô hạn, vượt lên trên mọi ràng buộc, bình yên khi ngắm hoa bung, thản nhiên khi chứng kiến hoa mất. Basho vào cảnh giới ấy khi ông viết,
         
          Toshi doshi ya / sakura o koyasu / hana no chiri.
         
          Year after year,
          falling blossoms
          nourish the cherry tree.
          - Basho
         
          năm tháng trôi tuế nguyệt bào,
          hoa phôi pha
          tụ cội đào luân sinh.
         
          Những mùa xuân đi qua, những bài hài cú ở lại, những hạt sỏi trắng lóng lánh bắt gặp đâu đó ở tuổi thơ, những chùm hoa dại khiêm nhường hé cánh vệ đường, lời hát Phạm Duy không dưng trở về gõ những nốt trầm, “Làm sao mà quên được / Đời qua vút như tên / Dăm ba hạnh phúc ngắn / Sao quên được mà quên... Người hay cười e thẹn / Miệng như trái mơ ngon / Đôi môi màu sắc pháo / Thơm như là quê hương...” Không trách Buson đăm chiêu khi mùa xuân “ấy” đi qua, “ấy” sẽ về đâu bây giờ?
         
          arukiaruki monoomou haruno yukuekana
         
          With pensive steps
          I muse over
          Spring's whereabouts.
          - Buson
         
          trầm ngâm bước
          tư lự tôi
          mùa xuân đi một tiếng hồi vô tăm. (*)
         
VŨ HOÀNG THƯ
Tháng 3, 2021
 
 
(*) Vũ Hoàng Thư phỏng dịch haiku từ Anh ngữ. Các bài haiku trên đây được trích từ https://www.masterpiece-of-japanese-culture.com
 

 

NHỮNG BÀI THƠ XUÂN

Trần Yên Hòa
 
Hoa thủy tiên
 
XUÂN THÌ ĐÊM
 
Gởi Phượng
 
Mùa xuân về bên gối thơm
em tô môi màu mận chín
ơi ngát nồng hương thủy tiên
anh trườn mình lên. lính quýnh
 
Cũng là hương da ngày cũ
mà sao anh thấy mùi say
ngất ngư cơn mơ tháng chạp
thơm nồng dạ hương giêng hai
 
Làn da nâu như khô hạn
tuôn tràn qua hồng thủy đêm
ơi em quách thành xiêu tán
say khướt trong đêm gió mềm
 
Tưởng em về với xuân ca
tưởng em ra giêng ngày cũ
tưởng em dạo phố cùng hoa
mà sao hoa còn trổ nụ
 
Anh đón mùa xuân tưởng em
năm xưa qua căn nhà đó
 
nay ôm giấc mộng cũ mèm
chỉ còn mình anh đứng ngó
 
Em qua chưa tuổi xuân tươi
có cơn dậy thì réo gọi
rồi như gió hú cùng người
em vẫn im lìm tiếng nói
 
 
XUÂN MƠ
 
Em ơi cơn mộng dữ qua chưa
từ khi người bỏ đi biệt xứ
bỏ lại ta cùng cơn gió dữ
mái nhà tranh run bật giữa mùa
 
Cơn gió xuân tình chao nghiêng em
cành xanh sà thấp xuống bên mình
là lúc trời mưa dầm tháng chạp
mưa chập chùng theo bước tháng năm
 
Gió giật mùa xuân em đi qua
Anh quờ quạng tưởng chừng em đến
Mùa tháng giêng anh đang nhớ nắng
Có em về bên bến hoàng hoa
 
Nghĩa là xuân anh đang mơ tưởng
Gió đưa em về cùng anh lưu vong
Không ngờ anh qua ngày mưa nắng
Gió một chiều sao bỗng rỗng không
 
 
XUÂN TƯỞNG
 
Em đi biệt một chỗ nằm
Ngàn năm ngó mãi dáng trầm hương xưa
Cúc tần nở muộn ngày mưa
Quan san xưa cũ giao mùa chợt qua
 
Mùa xuân rụng rớt quanh ta
Đóa hoa thương nhớ cũng xa nghìn trùng
Phượng rơi ngoài cõi mịt mùng
Em đi đâu mất lạnh lùng hở em
 
Mai về gói kín hương đêm
Ủ hong giấc mộng bên thềm nhớ nhau
Rửa tay gác mộng xuân nhàu
Về ôm cổ độ "thương hoài ngàn năm"
 
TRẦN YÊN HÒA
(Đón giao thừa Kỷ Hợi, 2019,
Anaheim, Cali, USA)

Monday, April 26, 2021

CẢM XÚC. TỪ 'NHỮNG CÁNH DẦU BAY' VÀ 'CÁNH DẦU THUỞ NỌ'

 Nguyễn Sĩ Đẩu
 

 
Trong Phố Văn Blog có hai bài thơ gợi cho tôi nhớ lại thuở xa xưa: Cánh Dầu thuở nọ ( Trần thị Nguyệt Mai)Thơ và những cánh dầu bay( Nguyễn Xuân Thiệp).
 
          Năm 1953,mẹ tôi và bốn con quay lưng gạt lệ rời tỉnh Hải Dương để bay vào miền Nam.
          Gia đình sống tại đường Nguyễn văn Thành/ Gia Định.Ở lề đường trước nhà có một gốc cây dầu cổ thụ,thân lớn bằng ba người ôm cao mấy chục mét.Năm đó tôi lên 7 tuổi.
          Rồi khi trưởng thành 26 tuổi,ở cùng người bạn học Kim Trâm tại đường Bà Triệu/ quận 5 Sàigòn.Khu nhà nằm yên tĩnh,cách khoảng hai chục thước là đường Hùng Vương,ngay đầu đường Bà Triệu góc Hùng Vương có cây dầu cổ thụ tương đương với cây bên Gia Định.
          Tôi và Kim Trâm làm việc hai nơi khác nhau.KT làm Ngân Hàng ở góc đường Hàm Nghi,còn tôi làm Ngân Hàng tại quận 6 SG.Một ngày trong năm 1974,mưa gió kinh hồn
khiến gốc cây dầu cổ thụ ở gần nhà lay động tưởng chừng như muốn gẫy đổ.Đứng ở mái hiên lầu một,nhìn ngọn cây đong đưa qua lại ước chừng 5 m cách khoảng,những cánh hoa dầu quay lượn tròn rơi lả tả phiêu bạt  theo cơn mưa gió.
          Mưa gió nặng hột vẫn kéo dài hung bạo,đường đã lên đèn,tôi lo lắng cho bạn nên đứng ngồi không yên,nơi tôi làm việc cách nhà 2 km nên tôi đã về nhà ,sở KT xa tới 5 km,nàng chỉ mặc áo dài không dự phòng áo mưa.Tâm trạng lo lắng,tôi lên xe lái đi trên những con đường quen thuộc nàng hay đi làm để tìm,quay kính xe xuống để mặc cho mưa theo gió hắt vào người,
hai mắt chăm chú nhìn vào hàng hiên của các dẫy phố trong ánh đèn chập choạng của Sàigòn.
          Tìm mãi không thấy,tôi quay về nhà.Khoảng sau 8 pm KT mới xuất hiện trước nhà bình an .
          Viết lại,góp thêm vài dòng hồi ức về: Những  cánh dầu bay,nhân đọc trong Phố Văn Blog của anh Nguyễn Xuân Thiệp.Trân trọng cám ơn anh đã cho chúng tôi còn được dịp đọc tờ Phố Văn.
NSĐ
 
 

Sunday, April 25, 2021

C Ô N G Á N L Ò N G V Ò N G

Hoàng Xuân Sơn
 
Tranh Đinh Trường Chinh
 
S   V I T
 
Tôi viết cho vui cửa vui nhà
viết tàm xàm
chân đất
 
Tôi không run rẩy linh thần
không huy hoàng rực rỡ
tôi không sứ mệnh
 
Xin đừng thẩy tôi lên
tôi không bong bóng
tôi thường dân không siêu bay
 
Ở mãi cùng đất
tôi đứng trên đất
lùn tịt
 
 
S   Đ C
 
Tôi không đọc bạn từ những thương hiệu
tôi đọc bạn bên ngoài các tước hiệu
 
Tôi đọc bạn cái đang là
không phải cái sẽ là
 
Tôi thích đọc bạn
từ cái chưa là
 
 
S   N G H E
 
Hôm.
          run lẩy bẩy
                              tự vì
bom tấn mà nổ
còn chi là đời
 
 
S Á N G  T O
 
Hắn kiên trì kéo đá lên đỉnh
có đứa chơi khăm dùng hủ lô rị lại
chẳng bao lâu dằng co
đường độc đạo hõm thành thung lũng
hoa dại mọc vàng
 
H O À N G  X U Â N  S Ơ N
( tháng 2&3 năm 2021)
 
Kéo đá lên đồi