Saturday, February 6, 2021

HƯƠNG VẠN THỌ

Tạp bút: Lê Ký Thương
 
Cúc vạn thọ. Hình Internet
 
1
Khi tôi đủ khôn lớn, biết đỡ đần công việc nhà giúp cha giúp mẹ, thì mỗi năm, sau 23 tháng Chạp đưa Ông Táo về trời, là tôi phụ trách lau sạch toàn bộ đồ thờ trong nhà; từ bộ chân đèn, lư hương, chân đế chưng tách trà, đến tủ thờ xưa cẩn xà cừ, bộ ván ngựa gỗ gõ, bàn tròn chân tiện… Tính cha tôi vốn cẩn trọng, người giao việc cho tôi làm, thế nào cũng kiểm tra lại, nên tôi phải cố lau sạch boong từng khe từng mộng đồ thờ đồ gỗ ở nhà trên…
 
 Riêng bình bông vạn thọ thì do cha tôi lo.
 
Trước giờ đón giao thừa hai hôm, cha tôi tuyển chọn cây bông tốt nhứt trong vườn, mà phải là vạn thọ mâm xôi -  còn vạn thọ tàn ô là “thứ dân”, bông nở đều, cành cứng, y như tuyển chọn “hoa hậu” để dâng cúng ông bà tổ tiên trong ba ngày Tết. Năm nào, trong vườn bông vạn thọ nhà trồng bán Tết, nhắm không có cây nào vừa ý thì cỡ rằm tháng Chạp, cha tôi đi rảo khắp xóm, tìm mua trước một cây vừa ý rồi cột dây làm dấu để đó đợi ngày đem về chưng.
 
Tôi thích đứng nhìn cha đơm cây vạn thọ lên bàn thờ tổ tiên. Thoạt tiên, cha sai tôi ra giếng rửa lại chiếc độc bình cổ men xanh có in hình bát tiên do ông nội tôi để lại, mặc dầu tôi đã chùi rửa cách đó một hai bữa, và múc nước đổ vô chừng hai phần ba bình. Kế đến, cha tôi đặt chiếc độc bình lên mép bộ ván rồi nhẹ nhàng và từ từ nhấc cây bông lên đặt chính giữa bình, như thể người sợ lay mạnh thì mất giấc ngủ của bông! Lúc bình bông đã yên vị lên ghế thờ, người vừa ngắm nghía bông vừa xoay nhẹ chiếc bình sao cho nó thích hợp với vị trí mà người hài lòng.
 
Bông vạn thọ Tết nhà vườn thường bứng vào buổi chiều tắt nắng và để lại phần rễ một ít đất càng tốt, rồi bó lại cỡ năm sáu bụi bằng lá chuối tươi và tưới nước để giữa trời, đợi sáng tinh mơ mang ra chợ.
 
Đêm tịnh yên, bình hoa vạn thọ trên bàn thờ tổ tiên tỏa ra một mùi hương nồng thơm dịu ngọt, một mùi hương vương vấn theo chân kẻ lữ hành suốt đời, dù cho ở góc biển chân trời nào, mỗi lần Tết đến.
 
Cô bạn thân của vợ chồng tôi, trong câu chuyện kể lại kỷ niệm xưa, thời học sinh trung học, cô cùng bạn trai – sau này là hôn phu, mỗi dịp Tết từ phố lên quê thăm nhà tôi, cô nhớ nhứt là mùi hương vạn thọ, một mùi hương dân dã, kín đáo, không lẫn vào đâu được, dẫu có ai nói mình là “nhà quê”, sao không thích hoa mai ở miền Nam hoa đào nơi xứ Bắc, thì cũng đành chịu lời mang tiếng “nhà quê”. Mai đào chỉ thấy sắc chớ không nghe hương.
 
Cha tôi rất hãnh diện về bình bông. Mười lần như chục, mỗi khi có khách đến viếng thăm chúc Tết, sau khi khách dâng nhang lên bàn thờ gia tiên, cha tôi mời trà nơi chiếc bàn vuông kê bên bộ ván ngựa chân tiện, rồi cùng khách bàn quanh chuyện bình bông một cách say sưa. Đối với cha, ngày Tết chưng bông vạn thọ không những ngụ ý cầu vạn thọ mà còn cầu vạn phước, vạn lộc. 
 
2 
Sau biến cố lịch sử 75, tôi trở về quê thay cha già yếu chăm sóc mảnh vườn xưa. Hàng năm theo lệ, cứ tới khoảng cuối tháng chín đầu tháng mười âm lịch là gieo hột bông vạn thọ, giống bông này đã tuyển chọn kỹ từ mùa trước - những bông mâm xôi nở đều, đẹp cánh. Rồi đợi qua cây lụt chót trong năm qua đi như câu nói dân gian “ông tha mà bà không tha, làm cho cây lụt hăm ba tháng mười”, mới bứng ra đất trồng vào lúc chiều tắt nắng. Bắt đầu từ thời điểm này, người làm vườn phải nhọc công. Lũ ốc sên ban ngày ẩn núp dưới lớp lá mục trong vườn, đến chạng vạng chúng đánh hơi được mùi hăng đặc biệt của cây vạn thọ non tơ, bèn kéo nhau thành đàn tìm tới. Cách tốt nhứt và hiệu quả nhứt để diệt chúng, trước khi chúng ồ ạt tấn công cây bông còn non yếu, là rải muối hầm xung quanh vườn. Gặp muối là chúng tiêu ra nước và chết liền! Kế tới là chuyện nước chuyện phân. Nhà nông nói chung và người làm vườn nói riêng có câu cửa miệng: nhứt nước, nhì phân, tam cần, tứ giống; nếu thiếu một trong bốn yếu tố đó thì có nước … húp cháo loãng! Nhưng thời buổi sau 75 thì thiếu thốn trăm bề.
 
Muốn có nước thì phải khiêng gánh từng thùng. Muốn có phân thì chiều chiều tay xách bị lát tay cầm cái bay, đi rảo khắp làng khắp xóm góp nhặt từng bãi phân bò khô tươi mang về dồn xuống hố ủ. Bỏ công bỏ sức chăm sóc từng cây, hồi hộp chờ khi kết nụ ra bông, thì may nhờ rủi chịu, có khi giống thì vạn thọ mâm xôi nhưng cả vườn nở toàn vạn thọ tàn ô! Đành chịu thua. Không biết giải thích do đâu mà nên nỗi. Hỏi ra, thì nhiều nhà vườn có kinh nghiệm trả lời: tại ông Trời!
 
3 
Trồng bông vạn thọ bán Tết, nhà tôi cũng có năm lâm vô tình cảnh oái oăm dở khóc dở cười này. Vì bông xấu, nên chờ tới rạng sáng 28 tháng Chạp, anh em tôi mới mượn xe cải tiến kéo từ nhà xuống chợ Đầm (Nha Trang) – chặng đường dài hơn 6 cây số, chọn một góc chợ bày ra để chờ và nuôi… hy vọng. Tôi nhận ra kẻ bán người mua đều là những người cùng khổ và cùng cảnh ngộ như anh em chúng tôi. Có người cầm bụi bông lên săm soi, lắc đầu, bỉu môi, hoặc im lặng bỏ đi; có người trả giá rẻ như bèo; cũng có người mua dùm “vì thấy tội nghiệp” cho hai anh em chúng tôi, dù chỉ bỏ ra hai ba đồng để mua một bụi cắm trên trang thờ Ông Địa hoặc Thần Tài để được phước… Đến 10 giờ sáng ngày 30 tháng Chạp thì loa phát thanh của Ban Quản lý chợ ra rả hối thúc người buôn kẻ bán dẹp chợ để công nhân vệ sinh dọn dẹp. Vậy là tan buổi chợ Tết, đồng thời cũng tiêu luôn niềm ao ước của anh em tôi có được một xoong thịt heo ba chỉ hầm với đậu khuôn và măng! Thôi đành bỏ của chạy lấy người mà trong tiếc nuối. Những người bán bông Tết ngồi dọc theo lề đường quanh chợ cũng lục đục tan hàng… Rồi những người mặc đồng phục xanh xuất hiện, người cầm chổi người kéo xe hốt rác hối hả thu gom tất tần tật những thứ người bán đã bỏ lại bên lề đường. Tôi còn kịp nhìn thấy một số những người làm vệ sinh chợ lui cui lựa những bụi bông vạn thọ bỏ lại bên đường đem về để chưng Tết. Tự nhiên tôi nghĩ đến hai câu thơ của Trung niên Thi sĩ Bùi Giáng: Anh cứ tưởng đầu đường thương xó chợ. Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau. 
 
LKT
 

No comments:

Post a Comment