Sunday, January 17, 2021

TIẾNG HÁT LÊN TRỜI

Đặng Mai Lan
 
Ca sỹ Lệ Thu. Đinh Trường Chinh vẽ
 
Có lần đến chơi nhà một người bạn, một nhạc sĩ sáng tác. Anh là một chân dung nghệ sĩ sáng ngời của cộng đồng vì biết chơi piano, đệm guitar và hát. Lúc chúng tôi đến thì anh đang ngồi xem tivi. Tôi mãi lo tay bắt mặt mừng, thăm hỏi cô vợ, nên cũng không để ý là anh đang xem gì ? Có lẽ là một chương trình ca nhạc. Bất chợt anh quay lại hỏi tôi, chị có nghe cô A hát bài  …abc…  bao giờ chưa ? Để mở chị coi thử nhe, hay lắm ! Tôi nhìn cậu và hỏi lại, bộ K hay nghe ca sĩ bên VN lắm hả ? Anh bạn nhìn tôi, ồ vậy chị không thích nghe ca sĩ VN hát sao?
 
Câu chuyện về âm nhạc của chúng tôi ngừng lúc đó, chuyển qua đề tài khác. Hình như anh bạn cũng tắt tivi.
 
Những câu trao đổi của tôi và người bạn hôm đó làm tôi lấn cấn mãi, dù tôi biết mình không có lỗi. Nếu có, đó là thứ lỗi lầm không biết gọi là gì? Cực đoan, khắt khe hay quá khích? Điều nào cũng oan cho tôi.
Vấn đề không phải là thích hay không thích, nhưng thật tình tôi ít theo dõi sinh hoạt sân khấu trong nước. Vì tôi ra khỏi Việt Nam mà chỉ ôm khư khư cái quá khứ, ôm một nửa đất nước của mình. Tôi ôm theo những tiếng hát mà tôi đã yêu mê, vì từ những tiếng hát đó cho tôi thấy lại một quê hương cũ, kỷ niệm và tuổi trẻ đã mất.
Những bản nhạc ngày xưa được hát lại bây giờ, với những đôi tai nhạc sĩ chuyên nghiệp thì họ hết lời khen ngợi. Bởi theo tiến trình văn minh của máy móc hiện đại, nghệ thuật cũng được bay cao, thăng hoa, mới mẻ. Vậy mà tôi luôn đi tìm cái xưa. Với tôi, chữ « xưa » đã là một điều gần gũi như hơi thở mỗi ngày còn nương náu trong tôi, ở đời sống này. Tôi lên internet tìm những bản nhạc thu thanh trước năm 1975, tải về cái dictaphone nhỏ xíu như chiếc hộp quẹt, để dành cho những đêm khó ngủ, những sáng thức sớm. Bao nhiêu giọng ca «vàng» của thời hoàng kim thuở đó, nghe tới nghe lui, chọn lựa. Cuối cùng, nhìn lại chỉ rải rác một vài giọng ca khác. Thái Thanh, Khánh Ly và Lệ Thu đã chiếm gần hết ngăn lưu trữ trong chiếc hộp quẹt gối đầu giường của tôi.
Ba giọng ca là ba cung bậc. Thái Thanh cao vút, những câu chữ tròn trịa như nghệ thuật luyến láy của cô, chuyển tải sâu sắc cái hồn của bản nhạc. Khánh Ly trầm ấm miên man, có chút liêu trai đê mê bàng bạc trong âm giọng. Riêng Lệ Thu, ấy là những cung trầm, nghẹn, dù âm điệu của bản nhạc buộc người ca sĩ phải chuyển giọng lên cao như « xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say » (1)… Cao mà vẫn chùng, trùng, một nỗi sâu lắng, rời rã. Tiếng hát như từ một đáy vực cất lên. Khi ấm áp như bếp lửa ngày đông, lúc nồng như men rượu cất, ủ đủ ngày. Đó là cái nhìn cảm tính của một người chẳng biết hát hò, không một tí căn bản nào về nhạc lý. Và sự suy nghĩ của cá nhân tôi, nói theo người Pháp : C’est irremplaçable (2).
 
Trong đời, không phải tôi chỉ khóc khi người thân yêu từ giã cõi đời. Tôi đã từng nhỏ lệ cho những người không hề quen biết như Việt Dzũng. Một người chỉ gặp, trò chuyện được dăm ba phút như anh nhà văn Cao Xuân Huy. Những giọt nước mắt cho một người lính, một nghệ sĩ đã xã thân vì quê hương và đại cuộc.
Khi hay tin danh ca Thái Thanh ra đi, tôi cũng bâng khuâng buồn. Có lẽ người ca sĩ ấy đã lớn tuổi, những ngày cuối đời trí nhớ của bà đã lẫn lộn, không còn biết mình là ai. Buồn, chỉ là buồn cho kiếp nhân sinh. Còn với Lệ Thu, tôi bàng hoàng nghe tin chị mất, dù biết chị đã nằm bệnh viện, đang từng ngày tranh dành hơi thở với tử thần Covid. Tôi không khóc, nhưng nỗi buồn này làm tôi kinh ngạc với chính mình.
Xưa, có một lần cùng với cô bạn lên nhà hàng Ritz uống cà phê với cố ký giả Trường Kỳ.
 
Buổi sáng, phòng trà im lìm vắng vẻ. Bất ngờ một người đàn bà trẻ không biết từ đâu bước ra. Người phụ nữ đơn giản với chiếc quần Tây đen, áo sơ mi hoa, gương mặt không một chút son phấn. Cô tiến đến bàn, nghiêng đầu chào chúng tôi. Cách chào điệu đàng nhưng mang theo một sự vui vẻ, cởi mở, không chút nào kịch tính. Thực tình tôi không biết người phụ nữ này là ai ? Cho đến khi cô đi khuất, ông vua nhạc trẻ mới cho chúng tôi biết đó là ca sĩ Lệ Thu. Theo cách nói của Trường Kỳ, thì tôi hiểu cô vừa rời khỏi một cuộc chơi, bài bạc với bạn bè trong gian phòng nào đó phía sau sân khấu. Tôi tiếc rẻ khi biết đó là thần tượng của mình. Nhưng thực ra, nếu cô có nán lại trò chuyện với Trường Kỳ, đứa con gái mới lớn, nhút nhát như tôi thuở đó chắc cũng chẳng dám hé môi nói một lời nào. Không nhớ hôm đó tôi đã nói gì về thần tượng của mình mà Trường Kỳ đã tặng tôi một tấm ảnh chụp khi cô đang hát. Tấm hình trong xấp hình tài liệu viết báo của anh.
 
Đó là những ngày tháng non nớt, ngây thơ. Sau này, qua những buổi văn nghệ Lệ Thu trình diễn ở Paris, gặp chị tôi cũng chẳng nói gì. Gần như là người nhà của ban nhạc, không có gì khó khăn, nếu tôi muốn trò chuyện riêng với chị. Nhưng tôi chỉ đứng xa nhìn ngắm những khán giả bao quanh chị xin chụp hình chung. Trừ những thanh niên trẻ, lớp khán giả thế hệ tôi, tôi nhìn thấy những nét hạnh phúc trên gương mặt họ. Hạnh phúc vì tìm lại được những vàng son một thời đã mất.
Chẳng có gì sai nếu nói rằng tuổi trẻ của chúng tôi được ấp ủ, nuôi dưỡng mộng mơ từ tiếng hát đó, dù với bất cứ một ca khúc nào, vui hay buồn. Tiếng hát đã được đánh giá là một thứ «vàng ròng», một vì sao lóng lánh trên bầu trời nghệ thuật của miền Nam, của Sài Gòn hoa lệ, dù chiến tranh tàn khốc đang diễn ra nhiều nơi.
Cả gần nửa thế kỷ, Tiếng hát vẫn còn vỗ về tôi từng đêm khuya, có khi làm tôi mất ngủ vì nhớ nhà. Nhớ những quán cà phê, những đêm mưa trong căn gác nhỏ học trò. Nhớ đường phố cây xanh, sân trường ngập nắng, Giáo đường đìu hiu chiều Chủ Nhật. Rồi hình dung cả cái nón sắt của người lính bỏ quên giữa bùn lầy, lau sậy. Nắng gió cao nguyên, quân trường, chiến trường mịt mù khói súng…Tất cả là tâm là tưởng qua những bài hát. Nhưng không phải chỉ từng ấy mớ kỷ niệm, quá khứ của chính mình và không thuộc về mình. Còn nhiều, nhiều lắm. Bao nhiêu hình ảnh, không gian, thời gian, nơi chốn, khí hậu của quê nhà.
Tôi đã tìm lại tất cả trong vô số bài hát, trong tiếng hát của chị.
Lời ca hay tiếng hát ? Với tôi, chính là tiếng hát. Tiếng hát đã thăng hoa những lời ca, lột tả trọn vẹn cảm xúc, tình cảm tâm tư của người nhạc sĩ. Những bài hát chị cất lên, thật là một hạnh phúc diễm tuyệt cho người nhạc sĩ đã làm ra tác phẩm.
Người mang tiếng hát ấy giờ đã thực sự bay cao, không phải chỉ bay trên những hàng phố bâng khuâng như chị đã hát. Tiếng hát bay lên trời, cái bầu trời thênh thang đã mất dấu chị.
Nhưng muôn thuở, vĩnh viễn tất cả vẫn còn đó. Tiếng hát tôi nghe, và gìn giữ như một di sản tinh thần. Nghe từ tuổi thanh xuân cho đến bây giờ và sẽ còn nghe mãi cho đến hết cuộc đời còn lại.
Chẳng bao giờ tôi nghĩ là có ngày tôi ngồi viết bài tưởng niệm một người ca sĩ vừa mới ra đi. Tôi cũng không ngờ là tôi buồn đến thế ! Buồn đến phải viết ra, phải nói một điều gì.
 
1- Tình khúc thứ nhất ( Nguyễn Đình Toàn- Vũ Thành An)
2- Không thể thay thế
 
ĐẶNG MAI LAN
( Paris 17/01/2021)
 

No comments:

Post a Comment