Monday, November 2, 2020

‘NHỮNG TÙY BÚT CUỐI CÙNG’: DƯ VANG MỘT ĐỜI THƠ DU TỬ LÊ

Huỳnh Trọng Khang
 
Còn nhớ lần đầu tiên tôi “chào sân” Người Đô Thị chính bằng bài viết Những lần gặp Du Tử Lê năm 2017, kể về những lần “diện kiến” nhà thơ Du Tử Lê trên trang thơ, trang sách. Từ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, bao nhiêu bài viết nối tiếp nhau xuất hiện trên Người Đô Thị, có thể nói đó là nhờ cái “duyên” của nhà thơ Du Tử Lê nối kết người viết vào tờ báo. Bẵng đi một thời gian, nhận tin nhà thơ qua đời đột ngột ở tuổi 77 - năm 2019, để lại tập bản thảo dở dang chưa thành sách.
Gần một năm sau ngày nhà thơ từ thế, những di cảo ấy cuối cùng cũng đến tay bạn đọc trong hình hài một tập sách mang tên Những tùy bút cuối cùng (Phanbook và NXB. Đà Nẵng, tháng 9.2020) gửi đến bạn đọc. Vì từ đấy, muốn “gặp” nhà thơ chỉ còn có thể tìm đến những trang sách, thơ ca và tùy bút, những tác phẩm không chỉ cho ta thấy một chân dung Du Tử Lê mà còn cả con người Du Tử Lê, hòa ái và thanh thản với cuộc đời, thời cuộc.  
 
Du Tử Lê . Phan Nguyên vẽ
 
Với Những tuỳ bút cuối cùng, ta có thể “hội ngộ” một Du Tử Lê thênh thang bước đi giữa những hồi ức, những kỷ niệm, trong một thời văn nghệ miền Nam, trong văn chương và trong cuộc đời. Không gian mà Du Tử Lê vạch ra, dẫu đã bị phủ bụi thời gian mà vẫn hôi hổi như chuyện mới hôm qua với những khuôn mặt văn nghệ hợp nhau thành bức tranh sinh hoạt văn hóa sôi động. Đó là Mai Thảo, là Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Tô Thùy Yên; là Trịnh Công Sơn, Lê Thương, Thái Thanh…
Những bạn bè một thuở, những kỷ niệm tuổi hoa niên lần đầu bước vào cái thế giới lạ lẫm của phòng trà như trong tùy bút Phòng trà ca nhạc Sài Gòn và tôi hay Những “địa đạo” của đêm Sài Gòn xưa như đưa người đọc về lại chốn đô hội Sài Gòn nhiều năm về trước. Một Sài Gòn liêu trai diễm ảo, tưởng thuộc về quá vãng mà như đồng hiện cùng Sài Gòn hôm nay. 
 
Trong bộ phim Midnight in Paris của đạo diễn Woody Allen, anh chàng nhà văn lạc giữa Paris, chỉ cần rẽ vào góc phố là ngược thời gian trở về kinh đô ánh sáng hoa lệ đầu thế kỷ XX, nơi tụ hội của văn nghệ sĩ thế giới như Salvador Dalí, F. Scott Fitzgerald, Hemingway… Đọc những tùy bút cuối cùng cũng có cảm giác lên cỗ xe về miền quá khứ đó. Như khi ông viết về giọng hát Thanh Thúy, ta như nghe vang ngân bên tai một điệu nhạc buồn, tận hưởng cái không khí của một đêm vũ trường, trò chuyện với một khuôn mặt văn nghệ như tâm tình với một cố nhân. “Thậm chí, có thể ai đó, cũng đã là những cột đèn lẻ loi, cúi xuống kiếm tìm hồn mình hay, chiếc bóng của chính họ giữa Sài Gòn, một thuở, dù lâu rồi đã không có hiện hữu”. Bởi ta đã dự phần vào một đại mệnh, một khí quyển chung, bởi “Như đất nước, Sài Gòn không của riêng ai. Sài Gòn, cũng không của một thời kỳ, một giai đoạn mà Sài Gòn, là ký ức tập thể. Là một phần trái tim của Tổ quốc”. 
Và chính thi nhân Du Tử Lê cũng là một phần của trái tim ấy, đã rung cảm theo từng nhịp của nó, những nhịp đập thôi thúc ông trở về để một lần chứng kiến cuộc đổi thịt thay da, để hoài niệm nơi ông nối kết được với thực tại sôi động của Sài Gòn hôm nay. 
Ta có cảm tưởng như Việt Nam với cả đất và người đã trở thành một thứ không-thời-gian mà Du Tử Lê không thể nào vượt thoát được. Như bài thơ ông làm năm 1969 ở Indiana, Hoa Kỳ:
 
không bao giờ đâu Donna, Donna 
dù anh có yêu em hơn bất cứ thứ gì có trên đất Mỹ 
thì anh cũng vẫn trở về 
anh vẫn phải trở về quê hương anh 
cái dải đất nóng khô cong hình chữ S
(Vỡ lòng cho một người con gái Mỹ)
 
Chính sự gắn bó mà dầu thời gian có cách xa đến đâu, dẫu những bài tùy bút viết thuở mới tha hương đến những bài cuối cùng viết vào độ tuổi “xưa nay hiếm”, nhà thơ Du Tử Lê vẫn dành những lời lẽ trân trọng nhất cho bè bạn, cho những kỷ niệm về Sài Gòn. Yêu thương mà không thiên vị, nồng ấm nhưng không thù tạc, như cách ông nói về âm nhạc Trịnh Công Sơn, về thơ Tô Thùy Yên, minh tinh Kiều Chinh, nhạc sĩ Phạm Đình Chương… Họ trở thành “những hạt kim cương bất hoại” (như tên một bài tùy bút trong tập sách này), vẫn sáng lấp lánh dù có bao lớp phế hưng đã qua đây. 
 
Những Tùy Bút Cuối Cùng. DTL
 
Vì lẽ đó, Những tùy bút cuối cùng như cuộc hành hương về phương Nam, về tận cùng của nỗi nhớ trong ông. Nhà thơ viết về dòng văn học Nam bộ, viết về thơ lục bát truyền thống. Ở đó, ta thấy được sự chiêm nghiệm, đúc kết qua nhiều năm, của một người đã sống và đã viết trong không gian văn chương miền Nam, trong phong thổ của một vùng đất sẵn sàng dung dưỡng và độ lượng với những dị biệt. 
Cho nên đọc Những tùy bút cuối cùng là đọc một thời, một thời dài như một đời, được chắt chiu bởi một người đã biết hết vinh quang và cay đắng. Tuy mang danh những bài tùy bút cuối cùng nhưng dưới ngòi bút Du Tử Lê, không điều gì là kết thúc, chúng cứ luôn trượt khỏi trang sách, buộc chúng ta đọc lại, nghe lại một bài hát và xem lại một bức tranh, để thấy được những chuyện xa xưa thuộc về thời quá vãng vẫn tiếp tục làm ta kinh ngạc lẫn bồi hồi. 
Những tùy bút cuối cùng là tác phẩm ra đời sau khi nhà thơ Du Tử Lê “về bên kia thế giới”. Tác phẩm để cho ta thấy rằng cuộc đời không chỉ “ngoài trống vắng mà thôi” như nhà thơ viết trong bài Khúc Thụy Du, mà ở bên kia cái chết, tâm tình thi sĩ vẫn còn đó dư vang của một đời người, một đời thơ Du Tử Lê. 
Huỳnh Trọng Khang
25/10/2020 
 
*Nguồn: Người Đô Thị

1 comment: