Wednesday, November 25, 2020

MỘT PHIM ĐÃ CŨ. LA PIANISTE

 Tố Nghi


 
          “...vì chính trong cơn tuyệt vọng, con người tìm thấy niềm sảng khoái tột đỉnh,
                                             nhất là khi họ biết rằng sẽ không còn lối nào thoát ra được nữa...”
                                                                                                                              Dostoievsky.
 
La Pianiste là tự truyện (auto-biography) của nhà văn Elfiede Jelinex viết năm 1983, chuyển thể thành phim cùng tên của điện ảnh pháp, năm 2001. Truyện bợ về cho tác giả giải Nobel văn chương 2004.
La Pianiste thuật chuyện xáo trộn tâm lý tình dục ngập trời máu lửa của một cô (đang hay đã) sồn sồn. Một tình huống xi-cô phi-lô thứ thiệt làm khán giả có tâm lý bình thường nhảy nhỏm, rồi sanh mơ hồ sợ sệt cái thế giới đang sống, không rõ chung quanh ta có bao nhiêu mống điên điên bất thường. Ớn quá xá ớn !
Cấu tạo con người khác nhau nên tánh tình khác nhau ngay từ trong bụng mẹ. Nhơn chi sơ tánh bản thiện vs bản ác thì... tới nay ngó chừng đám đạo đức học vẫn còn cãi cọ, chưa "nhứt trí" rốt ráo, nhưng đã có đồng thuận chuyện khi lọt lòng và lớn lên, tánh tình này sẽ bị ảnh hưởng uốn nắn theo tiêu chuẩn xã hội, cái kiểu hoa trái chua ngọc tùy phong thổ đất đai.
 
Điên khùng hàm ý rối loạn tâm lý. Khùng ngó bộ chưa tới mức đủ nguy hiểm để gây thiệt hại cho mình và tha nhơn, nhưng điên thì đã nặng lắm rồi. Mà điên lại có nhiều dạng, lộ diện và tiềm ẩn. Lộ diện ngó cái biết liền, nên dễ đề phòng. Tiềm ẩn thì khỏi, hổng ai hay biết, chừng nó "acting out" cái mình (và cả thế giới) té ngửa !
Tuyệt vọng đương nhiên phải buồn ! Nhưng cái đứa tuyệt vọng nớ hẳn còn nung nấu chút ít hy vọng mong manh, thành nó héo hon sầu thảm vì stress. Ngộ cái là lúc nhận ra cuối đường hầm hổng cách chi loé nổi miếng ánh sáng, đèn đứt bóng, bình ắc qui hết điện, máy đã tắt luôn, thế là nó nhẩy cẫng vui mừng và phởn tới bớ tới bến. Kỳ cục quá xá ! Lý giải thì có lẽ... khi tới chơn tường rồi, do đã hết lối nên người ta bèn ngồi phịch xuống làm màn ù lì khoẻ ru, cái kiểu quẳng gánh lo đi rồi vui sống và an hưởng thái bình. Vậy nên mới phởn.
Nhưng hổng chừng đã vậy, chưa chắc đã vậy. Phởn kiểu này là phởn ngoại khổ, đi ra ngoài lề lối bình thường của nhơn loại, và có tên gọi... teng teng teng tèng... thú đau thương. Đau là đau đớn, chỉ cái thể chất. Thương là thương tâm, chỉ cái tinh thần. Thú là thích, là ưa. Thú đau thương là ưa thích tới si mê chuyện đau thương. Đây là một bất ổn tâm lý, trong tâm lý học có tên masochism. Mức độ masochism nặng nhẹ tùy thuộc trạng thái lệch lạc bất ổn nhiều ít khác nhau. Và... y hình người bình thường như chúng ta cũng có thể dính chấu chút xíu, nhưng không đủ, chưa đủ, để trở thành lệch lạc. Câu "thân lừa ưa nặng" trong tiếng bình dân dziệc nam mình (y hình) mang hơi hám masochism. Masochist là đứa tìm lối đoạn trường mà đi, càng đau càng rát chừng mô càng phởn chừng nớ, và thường khi nó còn tà tà màn auto-mutilation để tự phởn.
 
Mà y hinh chuyện bất thường lóng rày có hơi bộn, ảnh hưởng sức ép nặng nề từ các tiêu chuẩn xã hội đương đại, về mức độ thành công, về nhu cầu giải trí hưởng thụ v.v... Sức ép ấy, cùng với sự quảng bá ồn ào liên tục của truyền thanh truyền hình báo chí, đã làm cuộc sống lối sống của xã hội loài người thinh không sanh gia tốc, vội vã mãnh liệt tới độ nhiều người theo hổng kịp rồi mất thăng bằng. Sương sương thì tìm cách hóa giải nếu đặng (nói ra cho bớt nặng bụng). Lỡ lỡ thì kiếm "chiên-da" mần màn tâm lý trị liệu thuốc men cầm chừng. Nặng nặng thì a lê hấp hủy hoại mình, và tệ hơn nữa, hủy hoại người khác, càng nhiều càng tốt.
Bởi vậy vì thế cho nên... lóng rày thế giới lên cơn sốt vì chuyện giết người, và khủng khiếp hơn nữa, giết người tập thể ! Chời ơi chời... thế giới đang điên tới độ sảng. Những người tạm gọi là bình thường như chúng ta, nghe tin tức mỗi bữa mà ruột gan lộn tùng phèo, hổng biết đám con cháu mình sáng nay ra khỏi nhà nhưng chiều tối chúng có về lại bằng an không nữa lận !
 
Lòng dòng trước để giải stress covid (đang trĩu nặng tâm tư), sau để mào đầu tán phét chuyện rối loạn tình dục của cô pianiste. Rối loạn kiểu trong phim có vẻ là khùng nhiều chút và điên ít chút, nó lỡ lỡ và nó tiềm ẩn. Rồi tại sao ra tới nổng nỗi ấy ?
*

Erika là con độc nhứt. Tía cô loáng thoáng nghe nói đang nghỉ hè dài hạn ở dưỡng trí viện Biên Hoà (hay đã chết trong trỏng rồi hổng chừng). Cô giáo sống với má. Giao tình mẹ con giữa họ ngập trời giông tố. Cô bị mẹ kềm kẹp tới độ ngộp thở, phần nhỏ vì mẫu tử tình thâm, phần lớn vì bà mẹ độc đoán kiểm soát trong ngoài, power hunger thứ thiệt thứ dữ. Đại khái, bà coi con là vật sở hữu, uốn nắn thế nào, phải theo thế ấy.
Ngoài tánh possession, và như tất cả các bà mẹ khó khăn khác trên thế giới, bà còn manipulation rất mực - tới khi đạt được mục đích mới thôi - Con giun xéo mãi cũng oằn, chuyện kiểm soát thỉnh thoảng làm cô con điên tiết, rồi hai mẹ con xáp trận uýnh nhầu, uýnh xong, cả hai xoa dầu khuynh diệp bác sĩ Tín và band-aide vết thương lẫn nhau, cho tới... trận đấu kế tiếp ! Bị mẹ nhồi nắn chèn ép như rứa nên tâm lý Erika sanh trục trặc, cô độc lạnh lùng và thường khi tàn nhẫn. Cô hổng tới gần ai và cũng chẳng ai tới gần cô.
 
Âm nhạc đã là một cách giải toả nội tâm. Erika "kết bạn" với Schubert và Schumann, kết ngay từ hồi còn teen lận. Bà mẹ approve chuyện này, bà dõng dạc tuyên ngôn, rằng Schubert và Schumann là lãnh vực sở trường của con bà, hổng ai có thể - đừng hòng - lấn đất dành sân cho đặng. Erika dạy đờn xuất sắc nhưng trình diễn chỉ thường thường bậc trung, nên cuộc sống vật chất thường nhựt của cả hai mẹ con có hơi chật vật.
Rồi cả Schubert lẫn Schumann cũng hổng đáp ứng đủ, hết còn đủ nữa ! Khuynh hướng tình dục bắt đầu trổi dậy la làng đòi quyền sống. Và những "khắc khoải dục tình" không có đáp ứng này đã dẫn tới những lệch lạc bất thường tới độ bệnh hoạn, do đã vượt xa quá cái giới hạn còn có thể chấp nhận được. Cô khùng nhiều điên ít, bình thường bên ngoài nhưng bất thường bên trong, triền miên đắm chìm trong ẩn ức tình dục nặng nề, đầy tánh fetish, voyeurism, fantasm và masochism (self-mutilation).
 
Bánh tí thình lình xuất hiện, một kỹ sư trẻ, đẹp trai nhà giàu, BT tìm cách trở thành học trò của cô ở nhạc viện vì nó kết cô. Tại sao kết ? Có thể vì nó và cô cùng yêu chung một người: Schubert. Có thể vì cái lạnh lùng thờ ơ của cô gợi trí tò mò nơi nó. Có thể vì nó cần tình mẫu tử v.v... Ai mà biết cho đặng.
Erika rủ bánh tí nhập cuộc, chơi chung trò theo luật chơi riêng của mình. Thoạt tiên thằng nhỏ hết hồn, khi dể cô ra và mặt và bỏ chạy (cô muốn em đập vỡ mặt cô hở, còn khuya, uýnh cô chỉ tổ dơ tay em thôi).
Nhưng... rồi vì cô níu kéo nên bánh tí nổi hung, nó đạp cửa xông vào nhà, nhốt má cô lợi và thẳng tay đục cô một trận nhừ tử trước khi rót cà phê cho cô uống bớt khát, xong việc nó dũ áo đi luôn ! Erika thương tích đầm đìa, cả tâm hồn lẫn thể xác.
Màn cuối phim suspense quá thể: Erika xách dao vào nhạc viện, hổng rõ tính rửa hận bằng cách giết bánh tí hay tính níu kéo người tình nhỏ bằng cái chết trước mặt hù cho nó sợ chơi. Cả hai việc đều đã không xảy ra, Erika tà tà xách dao rạch ngực, self mutilation và auto-destruction y chang trước.
 
*
 
La Pianiste mở ra cái cánh cửa dục tình tabou thứ thiệt cho khán giả chưng hửng và hết hồn chơi. Chời ơi chời... lệch lạc tình dục ta nghe hoài chớ, và nếu có dịp chứng kiến thì cũng chỉ nhìn được vài vết dao kéo lưỡi lam trên tay chơn cần cổ đã hoá sẹo. Chớ nguyên con từ khởi đầu tới kết thúc như vầy thì... đây dám mới là lần thứ nhứt. Rồi khán giả bứt lông tóc (thì tui nè) "động não" tưng bừng, cốt nhìn ra lý do. Bất thường do trời sanh voi nên đã sanh cỏ, xí lộn sanh tánh, hay do môi trường sống kỳ quặc xung quanh ảnh hưởng vào ? Hay cả hai?
 
Cũng tại thành phố Montreal cờ lá hiền hoà này, mấy năm trước đã xảy ra một vụ giết người nặng mùi sadic rùng rợn. Một du học sanh hiền lành 32 tuổi từ hoa lục sang, ấm ớ sao lại cặp bồ cặp bịch với một tên bản xứ 29 tuổi, đầu óc vốn lệch lạc nặng nề. Tình trai đã đứt chến rồi, nhưng ít lâu sau tên cà quê rủ người tình tàu cũ tới nhà trọ, dùng xà beng nhọn đâm chết, rồi dở trò necrophilia. Khiếp đảm cái là tất cả, dà tất cả, được tên sát nhơn thu hình xong thảy lên youtube - ngay cả việc xẻo béng bình cà phê nhậu nhẹt trước ống kính -
Tiếp đó... thân thể người chết được cưa ra thành đầu mình và tay chơn. Một cái tay và một cái chơn được nó gói trong hai gói gởi cho thủ lãnh hai đảng chánh trị ở miền đông, tay và chơn còn lợi gởi trường tiểu học tuốt miền tây, cái sọ mang ra dấu ngoài công viên, còn cái thân bỏ vào hoa li dục trong đám rác sau nhà. Manager của building thấy hoa li tốt bèn lượm về...
Nội vụ ra ánh sáng, tin tức rợn người. Rồi Interpol kiếm ra được tên sát nhơn tại một café-internet mãi ở Berlin dẫn độ về. Và theo tin tức điều tra, người ta tìm ra được cái đầu cả tháng sau đó. Chờ đủ đầu mình tay chơn rồi (vẫn thiếu cái bình ha) gia đình nạn nhơn mới mang nhục thể đi hoả táng.
Vụ sadic này nghe chưa kịp hoàn hồn thì nghe tiếp liền vụ xả súng trong rạp hát tai mỹ. Chời hỡi chời... thế giới ngày càng điên nặng, miết rồi sanh paranoid, hổng biết quanh mình đang và sẽ có bao nhiêu đứa lệch lạc nữa lận. Stress quá stress !
 
Thực tế về lệch lạc tình dục chúng ta ai cũng có nghe qua, che mắt bịt mũi quất roi vọt, niềng cổ xích chó, trói cột vào giường v.v. là những kích thích tình dục lệch lạc. Nặng là những rối loạn mang tánh sado-masochism, nhẹ là những cố tưởng fantasm thường khi không nguy hại - nhưng có thể bất ngờ hủy hoại thanh danh sự nghiệp như chơi, liệu hồn đó -
Các nhà tâm lý xã hội đạo đức nhơn sanh xúm lại cãi om xòm vẫn chưa nhứt trí. Cãi hoài hổng đi tới đâu thì người ta bèn thống nhứt quan điểm, rằng ngừa bịnh hơn chữa bịnh (khi nguyên do bịnh tìm chưa ra). Bị vậy, vì thế, cho nên... vệ sanh tâm thần đồng nghĩa với tìm cách thay đổi môi trường sống cho tốt hơn. Phải làm liền và làm liên tục, vì môi trường tốt sẽ làm bịnh tật khó có cơ hội phát sanh. Rồi các nhà tâm lý xã hội đạo đức nhơn sanh ấy mới bóp đầu bóp trán suy nghĩ để viết ra những cẩm nang về phương cách mục tiêu, để đám thường nhơn tục nhơn chúng ta rị mọ mình ên thay đổi môi trường sống cho thích hạp, trước để tự bảo vệ mình, sau bảo vệ đám nhơn loại chung quanh, vì ta vốn từ tâm nhơn đức
 
Nhơn chi sơ luôn luôn tánh bản thiện. Bản ác có lẽ phát sanh sau, từ kết quả thiếu sót bổn phận của giới hữu trách trong giáo dục và phát triển xã hội, đã coi nhẹ nên không đưa yếu tố nhơn bản cần phải có lên hàng đầu… chăng ? Ai mà biết cho đặng !
Tuyệt vọng mà còn ưu tư sầu não   thì nên ăn mừng. Tuyệt vọng rồi phởn thiệt sư phiêu quá phiêu ! Bổn rạp xin thú thiệt : La Pianiste là một phim nặng nề. Tò mò về việc rối loạn ẩn ức tình dục thì coi cho biết, chớ còn biểu coi lại chắc là không !
 
Youtube đã xoá phim La pianiste mất rồi, xin khán giả tự ên kiếm coi nơi khác, bổn rạp bị em covid hành hạ tới kiệt quệ xác hồn nên quên cách thức tìm lục cho ra. Lạng quạng rồi lại dính thêm vai rút nữa. Vai nào cũng rút ráo, vậy mới cẩn thận đề phòng, dính rồi tháo gỡ tốn kém lắm lận ! Kính cáo.
TN

No comments:

Post a Comment