Friday, August 14, 2020

CƠN MƯA

Đặng Mai Lan

Rain. Source : Internet

            Vì nhu cầu công việc, thỉnh thoảng ông ta vẫn đi xa một hai ngày, lần này ông lại vắng nhà suốt một tuần lễ. Tôi không chắc đây là một tình cờ trùng hợp, tuy nhiên đó cũng là một điều tốt. Chỉ còn hai mẹ con, tôi sẽ được tự nhiên thoải mái hơn và thay vì ở hai hôm, tôi sẽ lưu lại với mẹ thêm vài ngày nữa.
Vài năm, khoảng thời gian không dài lắm nhưng tôi nghĩ đã đủ để tâm hồn tôi tịnh lắng, tất cả mọi chuyện trở thành bình thường, và kể như tôi đang trở về sau một chuyến đi xa. Vậy mà khi đặt chân trên thềm nhà tôi vẫn không tin là mình trở về. Khi tôi đi, cây hồng đào chỉ vừa trổ nhánh ngang tầm cửa sổ, bây giờ nó đã vươn những thân dài muốn vượt cao hơn cả mái nhà. Đã gần hết mùa hoa, hoa rụng đầy sân. Trước khi tìm chiếc chìa khóa mẹ dấu dưới chân ghế ngoài vườn, mở cửa vào nhà, tôi đã đứng lặng thinh vài phút... Nhìn những cánh phấn mỏng manh tơi tả như những chiếc pháo đã nổ tung, vụn vỡ vãi đầy xác giấy trên mặt đất, nhìn khoảng đất nhỏ, giang sơn của riêng tôi ngày trước, một bức họa thiên nhiên với những màu sắc linh động của mọi loại  hoa giờ chỉ thấy toàn cỏ dại. Hình ảnh buồn bã làm sao! Đó là dấu vết đầu tiên nhắc nhở rằng nơi chốn này không còn gì thuộc về tôi nữa. Tôi đã bỏ đi lâu lắm. Tôi là một đứa con gái hư hỏng.
Mọi người đều nói tôi giống mẹ ở đôi mắt. Đôi mắt ướt rượt nỗi buồn khi buồn, biết cười khi vui. Đôi mắt biết nghe và nói. Tóm lại tôi có đôi mắt đẹp, có sự thu hút những ai ngắm nhìn nó. Đó là những miêu tả tương đối đẹp. Nhưng người ta còn nói thêm rằng, với đôi mắt linh động ướt át, đầy dấu hiệu của những bất trắc trong đời sống tình cảm, đời tôi rồi cũng chẳng khác nào mẹ… Tệ hơn nữa, kẻ khác cho là đôi mắt tôi gợi tình, lẳng lơ… Tôi sẽ có hai ba đời chồng.
 Không cần những giải thích, phê phán, khen chê của thiên hạ, tôi tự biết mình giống mẹ lắm, không phải chỉ đôi mắt. Và tôi hiểu đó là một bất hạnh. Giá như tôi xấu hơn mẹ, hoặc đẹp hơn mẹ, kiểu cây đắng sinh trái ngọt hay cây ngọt sinh quả đắng có lẽ đời sống sẽ suông sẻ, êm đềm hơn.
Trước tiên là tôi tìm vào căn phòng nhỏ của mình, căn phòng có cửa sổ nhìn ra vườn sau, thấy con đường mòn và cả một khoảng đồng cỏ phía xa. Nơi này mỗi chiều xưa, tôi thường ngồi vắt vẻo trên bệ cửa, nhìn ông ta chạy bộ từ sân Tennis trở về nhà, bộ đồ thể thao trắng và dáng đi thoăn thoắt  của ông đậm rõ trong nắng, trong màu xanh biêng biếc cỏ cây. Siêng năng tập thể dục nên đã có tuổi mà thân thể ông không chảy phì, to béo. Ông có làn da nâu rám nắng, bụng ngực ông phẳng lì, rắn chắc không thua những thanh niên trẻ... Kỳ cục quá! Tại sao tôi nghĩ đến điều này? Phải chăng tôi đã là đàn bà? Tôi vất cái túi xách nhỏ xuống nền thảm, như vừa cố đuổi đi một ám ảnh nặng nề.
 Mọi vật trong phòng tôi mẹ vẫn để nguyên không thay đổi. Tôi ngã người nằm xuống nệm giường thoảng thơm mùi thuốc giặt, có lẽ mẹ vừa mới thay khăn trải giường khi nghe tin tôi về. Và tôi nhận ra trên bàn viết của tôi có một bình hoa tươi thắm mà khi bước vào tôi không hề để ý, vì mãi lo nghĩ những chuyện đâu đâu. Ngắm nghía bình hoa có những nụ cẩm chướng màu trắng san hô, thân gầy guộc mong manh như nhánh cỏ chen lẫn giữa những đóa hồng vàng rực rỡ, tôi hiểu bó hoa này không phải của riêng tôi. Mẹ yêu hồng vàng kiêu sa, tôi thích cẩm chướng nhỏ nhoi trang nhã. Bó hoa này cho tôi và mẹ, chúc mừng ngày tôi lưu-lạc quay về, ngày đoàn- tụ của hai mẹ con tôi? Tôi không nghĩ người chọn mua hai thứ hoa này là mẹ. Có lẽ là ông. Tôi, mẹ, và những đóa hoa kia ... Tình cảm nào còn lại trong lòng ông ấy về tôi, bây giờ? ... Tôi không muốn nghĩ đến nữa.
Tôi nhắm mắt, đặt tay lên bụng. Quên hết đi, đời sống bây giờ là đây, điều để nghĩ đến là đây. Hai ba năm nữa, sẽ có một đứa bé kháu khỉnh thỉnh thoảng về nơi chốn này, ngôi nhà sẽ rộn rã tiếng bi bô cười nói của nó. Một đứa trẻ xinh đẹp và khoẻ mạnh. Nó sẽ chạy lăng quăng khắp cùng ngõ ngách trong nhà, có thể nó sẽ nhón đôi chân bé xíu với trèo lên bệ cửa kia… Và chỉ là một đứa bé con nên nó không dõi mắt mơ mộng nhìn ngắm vùng trời phía ngoài như mẹ nó, mà chỉ nghịch ngợm thả xuống đất những cái gì nó đang cầm trong tay. Nó là con trai hay con gái tôi không biết? Hình ảnh vẽ vời mường tượng trong đầu tôi luôn luôn là một chú bé con. Tôi hy vọng con đầu lòng của tôi sẽ là con trai. Nhưng nếu  là con gái... thì tôi mong rằng nó đừng giống tôi như tôi đã giống mẹ. Người ta bảo tôi có đôi mắt lẳng lơ, loang ướt những nỗi buồn, sẽ lắm truân chuyên về tình cảm. Tôi mong được sống mãi với Khoa. Coi như chúng tôi đã có nhiều năm thử thách. Lằn mức cuối cùng đã định đặt. Đừng có một biến cố nào đến trong đời sống chúng tôi. Khoa đừng bỏ tôi. Hãy không còn yêu tôi, xa tôi khi con chúng tôi đã trưởng thành, nếu như nó là con gái. Phải, nếu như nó là con gái!
Chuyến xe vượt cả hàng trăm cây số làm tôi thấm mệt. Tôi thiếp đi với một giấc ngủ nặng nhọc đầy những hình ảnh nhập nhằng chồng chéo giữa quá khứ, tương lai. Tôi đã là đàn bà, sắp làm mẹ. Người đàn bà đang trở về đối bóng mình trên chiếc giường thời con gái.

Không biết ông ấy bây giờ ra sao, nhưng mẹ thay đổi khá nhiều. Như bao nhiêu người đàn bà khác, những dấu vết phì nộn khó lòng tránh khỏi trên thân thể khi những chu kỳ không còn nữa. Mẹ nói tôi gầy, ý chừng tôi không được nhàn hạ hạnh phúc. Tôi tưởng tôi chì lắm, cứng rắn ương ngạnh như ngày tôi bỏ đi, mà  ngần ngừ loanh quanh mãi tôi mới dám nói với mẹ là tôi đang có mang.
Mẹ lặng người đi vì xúc động hay vì giận tôi không biết, nhưng rồi mẹ lại mỉa mai:
- Mẹ tưởng rằng thằng Khoa chỉ thích sống như thế với con.
Tôi chống chế:
- Anh ấy muốn có một đứa con từ lâu, chỉ có con chần chừ không quyết định.
- Thực tình cho tới bây giờ mẹ vẫn không thể hiểu con.
Tôi bỏ đi sau khi cãi vã với mẹ một trận kịch liệt. Những chuyện bất đồng giữa tôi và mẹ liên quan đến tình cảm của tôi với Khoa xảy ra như cơm bữa. Khoa chỉ hơn tôi một tuổi. Khoa còn trẻ lại nghệ sĩ quá, cái nghệ sĩ của Khoa không phải là một đặc điểm dưới mắt mẹ, mà là một thuộc tính phù phiếm. Bởi vì Khoa còn có thể học cao hơn nhưng anh bỏ ngang, đi làm việc như một công chức xoàng. Tôi hiểu Khoa, anh không kỳ vọng nhiều về công danh. Anh chỉ tìm một chỗ ngồi nhàn nhã để chạy đuổi theo nỗi khao khát khác. Anh yêu thích hội họa, anh dấn thân vào thế giới màu sắc đó đâu phải chỉ bằng năng khiếu với đam mê. Những nhu cầu cho bộ môn nghệ thuật này chiếm khá nhiều thời giờ và cả tiền bạc của Khoa... Mẹ không muốn tôi lấy một người đàn ông tầm thường, một anh công chức quèn, hoang phí, vì nếu đem so sánh có thể nói là tôi hơn Khoa về trình độ học thức.
Mẹ nói với tôi nhiều lần:
- Con còn trẻ, đừng tin rằng tình yêu mà con đang có là vĩnh cửu. Chẳng có người đàn ông nào gọi là số một trên đời này cả. Có thể tuần sau, vài ba tháng nữa hoặc vài năm sau nữa không biết được, con sẽ gặp một người khác. Rồi con sẽ hối tiếc. Tình yêu lâu bền là phải có sự nể trọng người mình yêu. Điều bi thảm là nhìn thấy sự tầm thường nơi người ấy, khi đam mê đã hết.
Tôi không rõ lắm ba tôi là người đàn ông thế nào? Là một người đàn bà đã qua nhiều bến bờ, tôi hiểu mẹ khuyên tôi bằng những kinh nghiệm phong ba của mình. Ý mẹ muốn tôi phải lấy một người lớn tuổi hơn tôi, kiến thức phải hơn tôi. Phải khâm phục thì mới có thể ăn đời ở kiếp. Khoa còn trẻ, tính tình bất thường và đôi lúc thật trẻ con, tôi vẫn nhận biết điều đó. Nhưng tôi cũng hãy còn trẻ, tôi yêu tuổi trẻ của anh. Tôi thích bước vào thế giới của Khoa, bước vào nếp sống bừa bãi phóng khoáng của anh, của những bạn bè anh mà tôi thấy đó mới là sự sống, chất sống. Khoa mê màu sắc hơn mê tôi. Tôi mê anh, mê luôn những mảng màu mà Khoa gửi cả linh hồn và những hơi thở hoang mang kỳ lạ của anh vào đó. Khoa không thích trói buộc, chưa muốn trói buộc. Tôi biết Khoa thích tôi sống với Khoa như những cặp tình nhân, hoặc là vợ chồng nhưng không phải vợ chồng, bằng một thứ giấy tờ chi chít điều luật và những con dấu. Thực sự tôi chưa muốn thoát ly và không muốn thoát ly bằng cách đó. Tôi cần mẹ, ông ta, tôi yêu mái nhà, đời sống êm đềm mà chúng tôi đang sống… Vậy mà chỉ một chuyện nhỏ với mẹ khi mẹ chỉ trích Khoa, tôi đã dùng cả hơi sức để thổi nó phồng to lên. Đúng lúc Khoa phải đi xa, thuyên chuyển về một nhiệm sở khác. Tôi đi theo anh. Khoa không ngờ tôi liều lĩnh. Mẹ cũng không ngờ tôi quyết liệt như vậy. Mẹ nghĩ là tôi đã lầm lỡ có mang với Khoa. Câu chuyện chỉ là một cái cớ tôi cãi mẹ để ra đi. Đúng là một cái cớ. Không ai hiểu hết. Tôi cuống quýt khi Khoa mở bật những cái nút áo của tôi. Tôi ứa nước mắt khi tôi với Khoa là một và tôi khóc sướt mướt sau đó. Khoa hiểu lờ mờ, suy diễn những giọt nước mắt của tôi bằng sự cảm động, tự mãn của một người đàn ông. Khoa còn trêu tôi, nhắc tôi nhớ là tôi đã hai mươi bốn tuổi.
- Con đã không cần mẹ từ ba năm nay. Bây giờ con muốn mẹ phải làm gì?
- Mẹ đừng nói như thế, con đã khổ tâm nhiều. Con về  thăm mẹ, cho mẹ biết là mẹ sắp có cháu. Tụi con sẽ làm đám cưới.
- Con đặt đâu thì mẹ ngồi đó, mẹ có muốn ngồi một nơi khác cũng không được.
Vẫn giọng điệu mai mỉa, nhưng mẹ nói một cách buồn rầu. Tôi buồn rầu hơn khi nghĩ rằng tôi đã đặt chính mình trên một chỗ ngồi mà hình như tôi không ao ước mấy.

Những lúc mẹ đi làm, tôi xuống phố rong chơi. Được hai ngày tôi chán ngấy và tôi lại quanh quẩn ở nhà, bếp núc cho hai mẹ con, dọn dẹp vặt vãnh. Tôi như một người lạ đâu đó đến trọ ngôi nhà này.  Hết ngồi nhìn chỗ này tôi lại đứng ngó chỗ kia. Tôi ngắm căn phòng ngủ tìm lại dấu vết của mình. Tôi đã rời bỏ cái thế giới ấm cúng thân quen này tự lúc nào? Tôi thấy tôi không là tôi nữa. Lâu lâu tôi lại đưa tay rờ bụng như để trấn an một nỗi bất ổn, nâng niu một cái gì vẫn còn, không thể mất. Ngày đầu mới về, mệt mỏi vì thức khuya trò chuyện với mẹ, tôi ngủ ngon lành, nhưng vài đêm sau là tôi bắt đầu trằn trọc. Và bao giờ tôi cũng thiếp vào giấc ngủ rồi thức dậy bằng một cơn mưa ào ạt trở về trong trí nhớ, dù bên ngoài nắng đã lên cao, tôi nghe rõ có tiếng chim hót líu lo ngoài cửa.
Mưa không ngừng, mưa rơi suốt trong giấc ngủ mệt mỏi bần thần của tôi. Tôi không nhớ gì hết ngoài những cơn mưa. Một cơn mưa dai dẳng trắng mù trời đất, mà qua khung kiếng nhìn ra, tôi cảm tưởng mình như con dế bị nhốt trong một chiếc hộp nhựa trắng đục, cũ mèm, không nhìn thấy gì cả phía ngoài. Tôi nhớ những ngày mưa khi tôi còn nhỏ ở nhà một mình chờ mẹ và ông ấy đi làm về... Và còn một cơn mưa khác, cơn mưa hung hãn đổ xuống một buổi chiều cùng với những giọt nước mắt của mẹ trước ngày tôi bỏ đi, là những dấu vết ẩm ướt đẫm trong trí nhớ tôi đã như tờ giấy rệu mục.
Không biết mẹ đã kể lể với ông ta từ lúc nào? Hôm qua ông điện thoại bảo tôi cố nán lại cho đến ngày ông về.
Ông nói, vẫn với giọng nói từ tốn điềm đạm. Giọng nói như luôn mang theo nó âm hưởng một nụ cười ấm áp.
- Bác cũng muốn gặp lại xem cô sắp làm mẹ, có người lớn được chút nào không?
- Hôm khác con cũng lại về cùng với anh ấy thôi mà!
Tôi ấp úng trong cổ họng và nghe một cảm giác lan man nóng bừng trên thân thể, thân thể đang bắt đầu có nhiều thay đổi.
Ông khác mẹ, ông không phản đối cuộc tình của tôi và Khoa. Ông cũng không bênh vực Khoa để chống lại quan niệm của mẹ, nhưng gần gần như vậy. Ông hay trò chuyện với Khoa. Đối với ông tuổi trẻ quý báu hơn tất cả những gì trên đời này. Hãy sống tận cùng với tuổi trẻ và những đam mê đẹp đẽ mà các con đang có. Tuổi trẻ làm được những điều mà tuổi già như chúng tôi chỉ còn ngồi nghĩ ngợi hối tiếc. Ông nói như thế và còn nhiều điều khác nữa về thời trẻ của ông. Khoa rất thích nghe những câu chuyện của ông, anh bảo tôi có một ông bố dượng tuyệt vời. Đối với Khoa ông không già, cái dáng dấp cương nghị, mực thước kia chỉ là tấm áo đổi màu theo thời gian, tấm áo bao che một tâm hồn rất trẻ. Chưa bao giờ tôi gọi ông bằng bố. Ông bước vào thế giới của mẹ con tôi từ bao giờ tôi không nhớ. Mẹ đã dạy tôi gọi ông bằng bác từ những ngày đầu.
Tôi ngẩn ngơ buồn buồn khi ông cúp máy. Tôi lại loanh quanh trong phòng nhìn ngắm những đồ vật của ông, của mẹ. Tôi ngồi trên chiếc ghế bành ông hay ngồi, tôi rờ cây vợt lưới dựng trong góc tủ, tôi cầm cây dù đen của ông xoay xoay trong tay. Đi xa sao ông lại không mang nó theo ông? Tôi tự hỏi và chợt nhớ rằng trời đất đang xuân. Tôi quên mất thời gian, mưa lúc nào cũng rơi trên trí tưởng... Tôi cứ đi tìm những điều gì đâu đâu không rõ. Tôi là người lạ trong quá khứ của mình. Và tôi chỉ tìm được sự thoải mái khi ngồi trên ngạch cửa sổ nhìn qua bên kia đồng cỏ. Đó là lúc tôi nghĩ đến đứa con sắp ra đời của Khoa, của tôi.
Mẹ cũng muốn tôi nán lại thêm một ngày nữa chờ ông ấy về.
- Bác vẫn mong ngày con về. Con không nghĩ là con vô lễ, con đã bỏ đi lâu lắm rồi sao?
- Mẹ biết là con chỉ được nghỉ có một tuần, con không biến mất nữa đâu. Tháng tới con sẽ cùng về với Khoa mà.
Tôi cười với mẹ, nhưng tôi không bỡn cợt hứa hão cho qua chuyện. Tôi nghĩ là sẽ cố thu xếp để về với Khoa. Mọi chuyện qua rồi, tôi đã sang sông và mưa thì ngừng rơi từ lâu lắm. Nhưng thế nào thì Khoa vẫn là điểm tựa bình yên nhất của tôi. Tôi muốn cùng ngồi với Khoa trò chuyện với ông ấy, như xưa.
Đêm cuối cùng mẹ muốn tôi ngủ với mẹ. Mẹ lục lọi những tư trang của mẹ để cho tôi. Tôi không muốn lấy một thứ gì cả. Lấy chỉ để cất một nơi nào khác thì lấy làm gì. Tôi không thích đeo nữ trang, thỉnh thoảng tôi mang một thứ gì đó trên tay, trên cổ mà chỉ toàn đồ giả, đeo cho vui và tôi vất lăn vất lóc. Mẹ đưa tôi một cái áo khoác còn mới toanh, không hiểu mẹ mua từ bao giờ? Chiếc áo vàng thẫm, màu vàng của những chiếc lá chết. Mẹ thích màu vàng, tôi cũng thích màu vàng.
Tôi hỏi :
- Sao mẹ không giữ để mặc?
- Mẹ mua cho con đó ! Mẹ biết có ngày con sẽ trở về. Tuổi mẹ bây giờ chắc không còn hạp với những màu này nữa.
Mẹ khoác cái áo lên người ngắm nghía rồi đưa lại cho tôi. Tôi mặc vào và ngó mình trong tấm gương tủ có mẹ đứng phía sau. Khoa vẫn khen mẹ tôi trẻ, nhìn tôi và mẹ đôi khi có thể lầm là hai chị em. Nhưng bây giờ tôi nhận thấy mẹ đã già đi, và tôi cũng thế. Tôi sắp có con và mẹ sắp có cháu còn gì. Tôi ngắm tôi, ngắm mẹ trong tấm gương. Sao tôi không giống ba tôi mà lại mang nhiều dáng nét của mẹ, ngay cả sở thích?

Trằn trọc mãi trong bóng tối, nhìn ngắm mọi vật nhập nhòa bằng hai con mắt mù đêm, tôi muốn quay trở lại phòng mình khi mẹ đã im tiếng và hơi thở thoát ra đều đặn chứng tỏ là mẹ đã ngủ say, nhưng tôi sợ khi thức giấc không thấy tôi có thể mẹ sẽ buồn bã, nghĩ ngợi. Hình như mẹ đã mất con thật rồi! Mẹ tôi đã nói thế vào buổi chiều khi chúng tôi ngồi trước hiên nhà, nhìn thấy một bà mẹ trẻ đi ngang qua cùng đứa con nhỏ của bà, người mẹ đang tập cho đứa bé đạp xe với chiếc xe đạp nhỏ. Câu nói của mẹ lấn cấn trong đầu tôi suốt buổi. Mẹ đã nhìn thấy, đã suy nghĩ gì khi thốt lên lời lẽ ấy?
Cuối cùng tôi đã trở về phòng mình, sau khi đã vào nhà tắm, gục mặt xuống rất lâu trên bồn rửa mặt. Tôi đắp những vốc nước trên mặt, trên cổ mình, bằng đôi bàn tay run rẩy. Tôi ngó rất lâu gương mặt thất thần hoảng hốt của tôi trong tấm gương dưới ánh đèn lờ mờ. Tôi lại đắp thêm những vốc nước khác và tôi tấm tức khóc...
Tôi không rõ lắm trạng thái của tôi như thế nào trước đó? Như một vết thương chưa lành, bất cứ một gây động nhẹ nhàng nào cũng có thể làm nó nứt vỡ đau đớn. Tôi gần như tê dại với sự đau đớn bưng bít mơ hồ này. Và tôi bỗng rùng mình khi chợt nhớ ra là tôi đang nằm trên chỗ nằm của ông ta. Tôi vừa ấp mặt vào chiếc gối có hơi hướm của ông. Mùi Lotion Après Rasage, mùi râu lẫn tóc, đang toả lan khắp cùng tóc tai, mặt mũi của tôi. Làm sao tôi  xoá được cái mùi hương đầy kích thích ấy? Mùi hương nhẹ nhàng nhưng ào ạt vũ bão không thua cơn mưa trắng xóa chiều nào, nó dậy trong tôi những cảm giác ngây ngây ngày cũ. Cơn mưa phủ dụ cuốn tôi ngã vào ông với hai vạt  áo mở bung. Và ông đang cúi xuống thật gần, khuôn mặt rám nắng đẹp như một bức tượng đồng, một vẻ gì rất là hiền triết. Khuôn mặt đã làm tôi mê hoặc. Tôi không biết vì sao?  Động lực nào? Tiếng kêu quỷ ma đã có tự bao giờ,  ẩn náu đợi chờ trong phần hồn địa ngục của tôi và cả ông ấy cùng một lúc bật lên? Không thể giải thích được nhưng thật là ngược ngạo, với Khoa tôi đã ngượng ngùng lúng túng dấu che. Còn ông, ông không cưỡng bức tôi, tôi cũng không tự nguyện, nhưng sự im lìm nhận chịu ấy có khác nào một niềm dâng hiến.
Vậy mà lại bằng một sức mạnh, một tiếng gọi nào khác tôi cũng không biết nốt, nó bứt rời tôi ra khỏi vòng tay của ông ta một cách đột ngột lạnh lẽo. Tôi trở về phòng và khoá chặt cánh cửa. Cũng giống như lúc này thôi, khuôn mặt tôi sũng ướt nước mắt, tôi ngồi bệt xuống đất, dựa lưng vào một góc tường. Chỉ khác một điều là chung quanh tôi bây giờ là bóng tối, sự im lặng của đêm. Không có tiếng ông ta van xin khẩn khoản phía ngoài.
- Bác xin lỗi con, con hãy quên đi? Bác không hiểu được tại sao… Tại sao con lại giống mẹ con đến thế!     
Ông ta bỏ đi sau đó, giữa cơn mưa. Sáng hôm sau tôi là người đã gấp cây dù sũng ướt ông để ngoài hiên. Tôi đã gấp và xếp lại nhiều thứ mà tôi không biết gọi là gì. Tiếng gọi thân yêu Bác ơi hoặc Bác ấy...của ngày tháng vô tư và trong nghĩ tưởng thầm kín của tôi không còn nữa. Đó là thứ mà tôi xếp cất đầu tiên.
Tôi không có một mối tình nào khác mang theo trước khi lấy chồng. Tôi mang theo một cơn mưa. Mưa ướt đẫm trí nhớ, tháng ngày.. Nhưng không phải chỉ có một cơn mưa, còn bao nhiêu dấu vết khác tôi tìm thấy lại nơi căn nhà này, những dấu vết mà tôi sợ nhìn và nhớ.
Có lẽ mẹ đã mất tôi thật rồi. Lúc trước tôi đã ngồi bó gối chờ nghe tiếng chân ông ta rời khỏi nhà. Và bây giờ tôi ngồi chờ sáng để ra đi.

ĐẶNG MAI LAN




1 comment:

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete