Sunday, October 30, 2016

THƯƠNG EM MONG MANH NHƯ MỘT CÀNH LAN (1)


Huyền Chiêu

Hoa lan. Hình Internet

Hồi còn nhỏ, mỗi khi gần tết tôi vẫn thường thấy cảnh những cặp vợ chồng mới cưới ở thôn quê dẫn nhau về thăm cha mẹ vợ. Tôi hay ngắm nhìn họ bởi là vợ chồng nhưng họ không đi chung với nhau. Anh chồng ngượng ngùng đi trước, cô vợ bẽn lẽn theo sau cách chồng mươi bước chân, tay lóng cóng xách một giỏ quà. Từ đó tôi nhận ra một điều: đàn ông ngày xưa không muốn phụ nữ ngang hàng với mình.

Dân tộc Việt rất trọng văn thơ. Những khoa thi đều có mục đích chọn người có văn tài ra làm quan, giúp nước. Nhưng các vị trí thức khoa bảng ngày xưa khi rảnh rỗi thường cùng nhau ngâm vịnh những câu thơ ca ngợi phong cảnh thiên nhiên mai, lan, cúc, trúc chứ không làm thơ kể chuyện tình yêu. Vua Lê Thánh Tông có cả trăm bà vợ đẹp như tiên nhưng ông chỉ làm thơ tả cái chổi, cái cối xay, con cóc, con gà…

Có phải người đàn ông ngày xưa không biết tình yêu là gì?

Chắc không phải vậy. Đọc ca dao chúng ta nhận ra người đàn ông ngày xưa cũng biết nhớ nhung, thờ thẫn vì yêu:

“Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai”

Tâm trạng buồn bã khi yêu thời nào cũng vậy:

“Một mình mình một bơ thờ
Dựa cây cây ngã, dựa bờ bờ xiêu”

Và khi yêu, thời nào người ta cũng trở nên lẩn thẩn:

“Núi cao chi lắm núi ơi
Núi che mặt trời không thấy người thương”

Theo tôi người nông dân ít học không thể sáng tác được những câu thơ bay bướm đến thế. Tác giả của những câu ca dao trữ tình này chắc chắn là của các bậc văn nhân.

Nhưng họ không dám thú nhận tình yêu của mình với một người nữ nào đó và những câu thơ tình rất hay ấy mãi mãi là khuyết danh, được truyền khẩu và biến thành ca dao.

Yêu mà phải giấu giếm khốn khổ đến vậy? Có lẽ vì tình yêu sẽ làm cho người nữ trở thành ngang hàng với mình. Điều này là không thể được trong một xã hội phu xướng phụ tùy.

Ngoài truyện Bích Câu Kỳ Ngộ có anh chàng Tú Uyên chỉ gặp nàng một lần mà về ốm tương tư, chúng ta không có nhiều thơ tình trong kho tàng văn chương cổ.

Tội nghiệp cho người đàn bà ngày xưa. Chỉ đến khi họ chết oan ức như vợ chàng Trương hoặc chết trẻ như bà phi Thị Bằng dưới triều Tự Đức thì mới có được vài câu thơ thương tiếc.

Người Pháp đô hộ chúng ta nhưng cũng chính họ đã giải phóng cho con tim bị đè nén của thanh niên Việt Nam. Nền văn chương lãng mạn Pháp đã mang đến cho giới trẻ một làn gió mới.

Khi bài thơ “Tình Tuyệt Vọng” của Felix Arvers do Khái Hưng dịch xuất hiện, những quan niệm cổ lỗ sĩ về tình yêu bị tháo xiềng. Nỗi đau khổ vì yêu mà không được yêu bỗng trở nên một tâm trạng cần được la to lên cho mọi người biết:

“Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thu
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay”

(Un Secret
Mon âme a son secret, ma vie a son mystère
Un amour éternel en un moment conçu:
Le mal est sans espoir, aussi j’ai dû le taire,
Et celle qui l’a fait n’en a jamais rien su)

Các nhạc sĩ trẻ cũng bắt đầu mạnh dạn viết những ca khúc trữ tình hay không kém bài thơ Un Secret của Felix Arvers.

Nếu các bạn xem clip ca sĩ Bích Chiêu hát “Nỗi Lòng” của Nguyễn Văn Khánh các bạn sẽ thấy đâu phải đàn ông Việt Nam không biết đau khổ vì yêu.

Hạt mầm văn chương lãng mạn Pháp khi được gieo trồng ở Việt Nam đã lớn nhanh như cây đậu trong chuyện cổ tích “Jack và cây đậu thần”. Thơ tình lãng mạn mọc lên tươi tốt. Những Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Bích Khê… đã trở thành hoàng tử của một nền thơ văn lãng mạn.
Hàng loạt tình khúc tuyệt diệu của Văn Cao, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Tô Vũ, Hoàng Quý, Nguyễn Văn Khánh… đã đưa xã hội Việt Nam tiến một bước dài trong xu hướng công nhận người nữ là đối tượng làm cho đàn ông hạnh phúc nhất và cũng đau khổ nhất.

Không cần pháp luật thừa nhận, không cần phụ nữ đấu tranh, nhờ ảnh hưởng của nền văn chương lãng mạn Pháp, bình đẳng giới đã được thiết lập một cách ngoạn mục.

Người nữ thời gian này đã ngồi ngang hàng với người mình yêu:
“Mặt nhìn mặt, cầm tay bâng khuâng không nói một câu…” [2]

Trong ca khúc “Đường về Việt Bắc”, Đoàn Chuẩn đã gửi về cho vợ mình những lời âu yếm rất Tây:
“Nhớ nhau từng phút, yêu từng giây.”

Cứ tưởng hạnh phúc của tình yêu đôi lứa từ nay sẽ được cởi trói được tôn vinh được hít thở miễn phí như khí trời.

Nhưng sau khi đất nước bị chia đôi, tình yêu đôi lứa ở miền Bắc lại bị coi là điều cấm kỵ. Toàn dân, nam, phụ, lão, ấu đều chỉ có một tình yêu duy nhất dành cho lãnh tụ.

Nhà thơ Quang Dũng khốn khổ vì câu thơ “Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm”.

Và tất cả các ca khúc, các tác phẩm văn chương lãng mạn trước 1955 bị gọi tên là Nhạc Vàng, là thơ văn đồi trụy, bị cấm hát, cấm phổ biến.

Tội nghiệp nhất là số phận bi đát của bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan.

Trong Xã Hội Chủ Nghĩa, người ta chỉ được quyền sống với “niềm tin và hy vọng”. Không ai được đau khổ, than khóc dù rằng trước cái chết của người vợ trẻ mới cưới nhau tròn ba tháng.

Những đồi hoa sim …,
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt…

Cho nên bài thơ bị cấm phổ biến nhưng nó vẫn được chuyền tay, được cất giấu trong đáy ba lô của nhiều người. Và cuối cùng nó đưa tác giả của nó vào hoàn cảnh bị cách ly với chủ nghĩa và phải thồ đá kiếm sống qua ngày.

Trong khi đó nền văn chương lãng mạn tiếp tục nẩy nở tươi tốt ở miền Nam.

Sau dòng thơ như nhung như gấm của Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa xuất hiện như một ngôi sao đại diện cho dòng thơ văn minh, hiện đại.

Ông dám kêu đích danh người yêu của mình chứ không thèm gọi là “Nàng”, là “Người Ấy”…

“Sáng nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh…”

Tự do trong ngôn từ, tự do trong suy nghĩ và tự do trong thể hiện cũng được các nhạc sĩ noi theo.
Tên của các đối tượng lần lượt được các nhạc sĩ mạnh dạn đưa vào ca khúc.

Ấn tượng nhất hồi đó là “Thúy Đã Đi Rồi” của Y Vân. Khi ông Y Vân qua đời, có người hỏi ông Y Vũ (em của Y Vân) rằng Thúy có phải là người yêu của Y Vân. Ông Y Vũ nói “Không phải đâu. Hồi đó ông Nguyễn Long si mê ca sĩ Thanh Thúy và khi thấy bạn mình quá si tình, Y Vân cảm hứng viết ca khúc ấy”. Nghệ sĩ vốn đa đoan và hay gánh lấy những truân chuyên của cuộc đời!

“ Diễm Xưa” rất nổi tiếng của Trịnh Công Sơn không có câu nào có chữ Diễm nhưng ai cũng biết bài hát ấy dành cho một người con gái Huế tên Diễm.

Phần nhạc của “Diễm Xưa” khá hay nhưng với tôi lời bài hát trau chuốt quá hóa “điệu”…
“Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao”, “dài thêm nỗi đau” hay “chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa” nghe hơi sáo. Trong Diễm Xưa, Trịnh Công Sơn vừa yêu vừa suy tư, triết lý . Có lẽ “điệu” là thói tật của những người còn quá trẻ và đang cố làm cho mình già đi.

Tôi rất thích bài hát “Gọi Người Yêu Dấu” của Vũ Đức Nghiêm. Tình yêu “nghẹn ngào” trong ca khúc này nhẹ nhàng, giản dị, rất thật và dường như phần “thương” nhiều hơn phần “yêu”.
“Gọi người yêu dấu muôn đời.
Nghẹn ngào không nói thành lời.
Tình yêu xưa ngày tháng phai phôi
Biết bao giờ nguôi.”

Bài “Ngày Xưa Hoàng Thị” Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư muốn nhắc đến cô nữ sinh Hoàng Thị Ngọ. Bài hát này dành cho những cô cậu học trò tuổi teen nhưng nó lại được sáng tác bởi một nhạc sĩ già từ thơ của một nhà sư và nổi tiếng khi được hát bởi một ca sĩ đáng tuổi mẹ của tuổi teen. Tôi vô cùng thán phục giọng ca Thái Thanh và thật ngạc nhiên khi bài hát tuổi teen này không ai hát hay hơn bà.

Nhà thơ tuổi teen thứ thiệt Nguyễn Tất Nhiên cũng đã cùng Phạm Duy đi vào lịch sử những tình khúc hay nhất với “Thà Như Giọt Mưa”. Thật ra trong bài thơ được phổ nhạc của Nguyễn Tất Nhiên không có nhắc đến tên Duyên, nhưng có lẽ vì nhiều người biết nhờ cô Duyên mà chúng ta có được những bài thơ rất dễ thương của cậu học trò xứ Biên Hòa, vì vậy Phạm Duy đã ung dung đưa tên Duyên vào “Thà Như Giọt Mưa”.

Nhạc sĩ đa tình Hoàng Thi Thơ cũng khuấy đảo quần chúng với “Chuyện Tình Nàng Trinh Nữ Tên Thi”
“Thi ơi, Thi ơi Thi có biết biết không Thi?”

Có lẽ bài hát này chiếm giải quán quân với số lần nhắc lại nhiều nhất tên một người trong một bài hát.

“Chuyện Tình Nàng Trinh Nữ Tên Thi” cho đến nay vẫn là bài được hát nhiều nhất trong đám cưới, trong đám Karaoke… Người dân quê vẫn thích những bài hát có lời lẽ dễ hiểu kể lại một câu chuyện.

Nhưng “Mai” là bài hát tôi thích nghe. Bài hát được Quốc Dũng viết theo điệu valse nên tình cảm trong bài được thể hiện trẻ trung, nhẹ nhàng và dìu dặt không u sầu, ảm đạm như những tình khúc viết theo điệu slow.

Không hiểu sao bài Mai gợi nhớ cho tôi rất nhiều không khí rất dễ thương của Sài Gòn khoảng từ năm 1970. Khi ấy Sài Gòn vẫn còn yên tĩnh và lòng người còn vô tư trong sáng lắm.

Bây giờ hai miền Nam Bắc đã không còn chia cắt. Các nhạc sĩ cũng đã được tự do viết tình khúc nhưng xúc cảm của người Việt bây giờ có điều gì rất khác xưa, và có quá ít ca khúc để lại ấn tượng cho người nghe.

Nếu bảo rằng thơ nhạc thể hiện tâm trạng của một thế hệ thì thế hệ trẻ của ngày hôm nay yêu thương gì, khát vọng gì, mờ mịt quá tôi không hiểu nổi.

Huyền Chiêu
26-10-2016


[1] Trong ca khúc Gọi Người Yêu Dấu – Vũ Đức Nghiêm
[2] Trong Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa – Tô Vũ






No comments:

Post a Comment