Saturday, October 1, 2016

49 NGÀY DƯƠNG NGHIỄM MẬU


Nam Dao

Dương Nghiễm Mậu. Đinh Cường vẽ

Tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu

Nhà văn Nam Dao. Photo Người Việt

Lạnh chưa?
Rồi
Thế thì tốt!
     Du nhắm mắt, cười mỉm trước vô tận. Bấc đèn dầu sắp lụi chập chờn hiu hắt. Mưa rả rich. Cả một cuộc đời bỗng thoắt biến thoắt hiện. Đầy ngẫu nhiên. Cứ tạm gọi là số mệnh. Hay nghiệp, đã mang lấy nghiệp vào thân.

Tự Truyện Nguyễn Du, Nghiễm cười, bắt đầu như thế.
Hay gần như thế!

      Chúng tôi bước lên lầu 2 một cái quán bia vắng người khu nhà thờ Ba Chuông. Ông chủ quán đon đả, quen mặt Nghiễm, chưa  gọi đã mang bia ra.
      -Anh đến đây thường?
      -Không, đôi ba tháng  một lần, khi có bạn và cần chỗ vắng vẻ  dễ chuyện trò. Nghiễm cười, bạn thì cực hiếm, thời này!
      Thời này? Hẳn là vậy. Khi niềm tin rã nát, tương lai nào cũng mang hình dạng ảo vọng, lếch thếch quần chằng áo đụp, bôi mặt phường chèo xưng ta là đấng quân vương, giữa ngã tư đường chỉ trỏ xe chạy ngược xuôi kiểu một Bùi Giáng giả điên?
      Nghiễm nhếch môi, tôi hẹn uống với nhau sau khi nhận hai tập Bể Dâu* bạn gửi tặng, nay xin mời. Nâng ly, Nghiễm tiếp, uống rồi tôi hỏi bạn vài câu, mặc dầu thế là tôi phá lệ, chẳng bao giờ bàn về văn chương người khác.

      Nghiễm cũng lật ngược lịch sử truyền tụng để đặt lại những vấn đề về con người, xã hội, thể chế chính trị ...Trong tác phẩm Nhan Sắc, anh không cho Từ Hải chết đứng, trốn được và tiếp tục làm một kẻ nổi loạn chống lại bạo quyền. Anh để Kinh Kha cầm dao trủy thủ, nhưng không giết Tần Thủy Hoàng, vì nó chết thì lại có một bạo chúa khác, và chẳng có gì thật sự đổi thay.   Anh đứng trước hai con đường, một đến vùng cứ tạm gọi là tự do, còn đường kia là đến vùng giải phóng. Một bên giam hãm đày đọa. Một bên là cái chết. Nghiễm thở ra : ‘’ ... giờ đâu phải là thời của Kinh Kha...nhiều đất Tần bất trắc, nhiều Tần Thủy Hoàng, nhiều sông Dịch phải vượt qua...’’.  Bây giờ lựa chọn con đường nào?  Nghiễm cứng cỏi: ‘’ Tôi từ chối chọn lựa cả hai con đường ấy. Ai buộc chúng ta phải chấp nhận con đường có sẵn? ...’’
      Nhưng con đường nào? Vào thập niên 60 thế kỷ trước, những người trí thức có ý thức trách nhiệm chắc hẳn có  đi tìm, nhưng kết quả thì hầu như tất cả đều bị trói  buộc vào những sơị nhợ kiểu một bên là tiền đồn thế giới tự do, bên kia là đỉnh cao của nhân loại. Có kẻ nhơn nhơn phát ngôn ta  đánh Mỹ là đánh  cho Liên Xô và Trung Quốc. Có kẻ há mồm gào thét hô hào Bắc tiến, lấy máu tô cho ngọn cờ tự do  dân chủ...Chiến tranh vây bủa dân tộc mình như một  lời nguyền truyền kiếp, và anh Nghiễm ơi, có thực sự là anh được lựa chọn gì không?

      Khề khà.
      Tôi hiểu cái thảm kịch của Nguyễn Trãi trong Đất Trời* của bạn. ‘’ Xét như nước Đại Việt ta/ Thực là một nước văn hiến/ Cõi bờ sông núi đã riêng/ Phong tục Bắc – Nam cũng khác’’. Tuyên ngôn độc lập đã có từ 4 thế kỷ trước, đâu có cần đợi đến ngày 2/09 năm 1945. Nhưng rồi tổ chức thể chế thế nào, xã hội ra sao? Trãi trăn trở, và mặc dầu trước tác Quốc Âm thi tập bằng chữ Nôm, người cũng đành buộc phải theo vết Hồ Quí Ly, du nhập hệ Tống nho phong kiến, kiểu quân quân thần thần phụ phụ tử tử, tức vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha cho ra cha, con cho ra con. Thắng giặc Minh trên mặt quân sự, nhưng thiếu một ý thức hệ khu biệt, Trãi đành phải du nhập văn hóa chính trị xã hội của giặc. Và thế, kết cục là thua.
       Tiếp tục khề khà, thế còn Gió Lửa*?  Gió Lửa  viết trong bối cảnh Trịnh -Nguyễn phân tranh, Tây Sơn khởi nghiệp và cuộc xâm lăng của nhà Thanh.  Nhưng điểm chính là thuật lại cuộc nhỡ tàu canh tân cách đây hơn 200 năm trong khi  Nhật Bản đã kịp vươn mình thoát khỏi  cái ách văn hoá Khổng-Mạnh  Trung Quốc, du nhập kỹ thuật Tây phương, kiến tạo ra một mô hình chính trị xã hội bắt kịp đà tiến bộ của nhân loại. Tại sao Đại Việt lại trì trệ bỏ vuột thời cơ và đắm chìm trong chém giết?  Xin đọc Lời Nguyền của Chế Mân trong đoạn chót [1]. Thứ nhất, ý thức của người Đại Việt về việc chung không nhiều, thường quan tâm đế chuyện bòn rút của riêng,  chỉ biết một  hiện tại phù hư mà không biết lựa lọc quá khứ rút ra những bài học lịch sử, vì thế chẳng thể tìm ra được một tương lai xứng tầm.  Thứ nhì, sự đắm đuối vào vực sâu quyền lực và danh lợi. Trong bất cứ triều đại nào, chỉ 1,2 đời là Vua, Quan hoá ra rắn rít, thành đĩ bợm đi đánh lừa dân gian, và  rồi  đi với ma  mặc áo giấy, dân gian cũng đĩ bợm, chia rẽ, hằn thù, phản phúc, chém giết lẫn nhau...  Đã thế, thảm kịch nội chiến được tô vẽ bằng những mỹ từ như tiền đồn cái này, đỉnh cao cái nọ, và tuy chỉ láu vặt nhưng bọn nắm thế quyền lại hợm hĩnh hô ta là một dân tộc anh hùng,  anh hùng đông đến mức cứ ra ngõ là gặp. Nhưng chúng không hiểu một  dân tộc hạnh phúc tiến bộ cần hiền triết hơn cần anh hùng.  Nhiều anh hùng nên máu đổ, tiếp tục nghèo, tiếp tục u mê, say máu...vì thế tương lai  có khả năng cứ lại là những đổ nát khó hàn gắn được.  Thứ ba, là lớp sĩ phu. Bọn này phần đông dùng chữ nghĩa kiếm lợi, phò chính thống, đánh đĩ lương tâm qua những mỹ từ lung lạc lòng người. Chúng mang cái bệnh chỉ nhìn thấy chóp mũi, nhưng đại ngôn đao to búa lớn, mặc dầu rỗng ruột, và chất hèn ngấm vào sống lưng khiến chúng không bao giờ đứng thẳng được ... Đám sĩ phu chính trực có, nhưng thời nào cũng hiếm, không thay đổi được thế cuộc, xưa thì cuối cùng về ở ẩn, dạy học, nhẫn nhục chịu cái thế bó chân bó tay....

       Nghiễm thở dài, thốt, thời nay thì cũng vậy thôi!
       Chúng tôi trầm ngâm chiêu một  ngụm bia nuốt  xuống nỗi buồn chỉ chực trào ra.  Quán không còn khách nào khác. Tiếng xe cũng ngơi dần.  Ông chủ quán ngáp dài, bảo hai vị cứ tự nhiên, khi đi thì rung chuông để quán mở cửa cho khách về. 
       Bây giờ mình hỏi bạn về Bể Dâu nhé!
       Quyển I, viết về  Cải Cách Ruộng Đất, rồi Cải Tạo Công Thương Nghiệp và Nhân Văn Giai Phẩm là cần, và hay, rất cảm động. Nhưng quyển I I, mình có vài thắc mắc. Tại sao bạn khởi đi từ 1973 với mặt trận Quảng Trị ?
       Vì tôi muốn nhấn mạnh đến tính cách nội chiến, một điều mà tôi  bị ám ảnh ngay trong cuốn Gió Lửa. Tuy nội chiến chỉ là một  khía cạnh,  nhưng tôi lại cho đó là khía cạnh quan trọng nhất khi chúng ta nhìn vào tương lai của đất nước sau này. Dẫu có đề cập nhưng tôi không nhấn mạnh đến lính Mỹ. Chính sách thay màu da trên xác chết của Nixon-Kissinger khiến giai đoạn cuối của chiến tranh ủy nhiệm mang nặng màu sắc một  cuộc nội chiến. Hận thù lại chồng chất, và điều gọi là hòa hợp hòa giải dân tộc sau chiến tranh chỉ thuần là đầu môi chót lưỡi. Trước hết, phải hóa giải hận thù, nhưng chẳng dễ!
       Khởi đi từ 1973  là vì tôi không  muốn nhắc đến cuộc thảm sát Mậu Thân ở Huế. Câu chuyện kinh hoàng này đã có Giải Khăn Xô cho Huế của Nhã Ca rồi, nhắc lại thì chỉ khoét cho thêm sâu  những cái chết lẽ ra không cần! 
       Trong Bể Dâu II,  tôi viết  về thân phận 2 người lính, một Nam một Bắc, vốn là anh em ruột thịt song sinh, hòa bình rồi mà nào tìm được thấy nhau đâu. Sự chia cắt này không phải đến từ bất cứ ý thức chính trị’’ nào. Người từ miền Nam vượt biển, đi tìm  tự do trong cái  thập tử nhất sinh của kẻ lên thuyền máy liều mạng vượt đại dương bất chấp những con sóng dữ . Người từ miền Bắc cụt chân, đẻ con thì con là quái thai vì chất  độc da cam,  phát điên, và trở thành thi sĩ như nghiệp định. Buồn, nhưng sinh ly tử biệt là ...bất khả tư nghì!   Ngoài ra,  sự tàn khốc của chiến tranh thì đã có Đại Lộ Kinh Hoàng của Phan Nhật Nam. Và tính hài hước của  lính sinh Bắc tử Nam anh hùng thì phải kể Hòn Đất của nhà văn ăn lương Đảng  là ông Anh Đức,  khơi khơi  cho 1 tiểu đội du kích đánh tan nát cả một Trung đoàn lính Mỹ - Ngụy!
       Kể anh nghe, năm 2007 anh Nguyễn Mộng Giác đọc rồi bảo phải hai mươi năm nữa Bể Dâu mới trở về quê hương được! Tức là  phải đợi đến năm 2027,  nhưng  lúc ấy chắc mộ  tôi xanh cỏ rồi!
      Nghiễm cười buồn, nốc một ngụm bia, nhìn lên con thạch sùng chạy trên kèo quán, không đáp.

Lênh đênh qua cửa  Thần Phù
Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm
       Nghiễm in dưới cái tên Lênh Đênh Qua Cửa Thần Phù một tập 3  truyện ngắn và vừa, có truyện dưới dạng du ký, một dạng tôi rất đắc ý. Tôi đã viết Trăng Nguyên SơGhềnh V  dưới dạng này, một  dạng  cho phép tha hồ nghêu ngao, tâm tình, và tha hồ hư  cấu, ẩn dụ.  Nhưng đó là  truyện đã viết. Giọng bí mật, Nghiễm bảo, mình đang viết Nguyễn Du tự truyện. Anh hỏi, bạn có biết những giây phút cuối cùng Du hành xử ra sao. Thưa anh biết. Hỏi lại,  anh biết Du cũng từng dấy quân phù Lê đánh lại nhà Tây Sơn chứ. Ờ, chàng kiếm sĩ Toàn Nhật trong Gió Lửa bắt huyện quan Tây Sơn mang đến nhà Du và thúc, Du chém nó đi. Đến cắt tiết gà cũng ghê tay, Du chẳng dám, lắc đầu.  Nhật bảo Du,  đệ là một nghệ sĩ, sinh ra cho cái đẹp, chớ can vào những chuyện tranh chấp vấy máu, làm bẩn tâm hồn mình!
       Nghiễm trầm ngâm, Du là con Quận Công Nguyễn Nghiễm, em quan Chánh dường Nguyễn Khản lo toan chính quyền trong phủ Chúa Trịnh, hẳn thừa biết mình mang ân huệ triều đình vua  Lê-chúa Trịnh,  không thể phủi tay theo về nhà Tây Sơn như những danh gia như Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Huy Tự...  mặc dầu cũng hiểu là vận nhà Lê đã đến lúc cáo chung. Dùng dằng cho đến khi Nguyễn Ánh triệt hạ được nhà Tây Sơn, Du xuất (ra) thì không cam lòng,  nhưng xử  (ẩn) thì Ánh cho người đến tận làng ‘’ vời’’ ra. Làm thế nào đây hả Trời? Rồi thì cũng gặp thời thế thế thời phải thế, đành vào Phú Xuân, rồi nhận đi xứ sang Tàu xin cầu phong, nhưng thường là ‘’ không ý kiến’’ khiến Ánh có lần nạt: ta gây dựng cho, sao ngươi cứ ngậm tăm im thin thít là làm sao?
       Nhưng Du có lựa chọn nào? ‘’Ai buộc chúng ta phải chấp nhận con đường có sẵn? ...’’ Nghiễm từng hỏi. Ai? ai? Đời bắt vậy, và ta đành nhượng bộ?  Thành thợ sơn mài 2 năm sau 75, làm tới 1990 thì hết việc, Nghiễm vui vẻ về nhà nấu cơm rửa bát  phục vụ vợ con, vẫn cứ tự tại, hồn nhiên như chẳng có chuyện gì quan trọng hơn thế. Chẳng biết chính quyền ‘’ cách mạng’’ có o ép Nghiễm làm gì không, nhưng nếu có thì cũng như không, và chẳng đi sứ xin cầu phong, chắc chắn Nghiễm tránh được cái thế của Du phải phủ định Lê-Trịnh là cái chế độ từng cưu mang mình!  Phải chăng  chính khác biệt này khiến Nghiễm cảm được cái thảm kịch của Du, nên viết Nguyễn Du Tự Truyện như một sự đồng cảm, một chia xẻ tâm tư  trước  những  dâu bể tang thương  dẫu rằng họ sống cách nhau gần hai thế kỷ. Chỉ mới được đọc một đoạn, tôi quả tình không biết Nguyễn Du Tự Truyện như thế nào. Nhưng xin một lời với chị Trang,  nay là bà quả phụ của nhà văn Dương Nghiễm Mậu, là nếu có bản thảo thì xin chị chớ thất lạc hầu để lại thêm chút vốn liếng cho văn học và cho những đời sau.
      Phút cuối, Du  bảo người nhà sờ chân và hỏi : Lạnh chưa? Dạ, rồi! Thế thì tốt! Cái lạnh đi từ chân, lên bụng, ngực, và cuối cùng  là đầu. Tốt, từ nay không còn vấn vương gì! Thôi suy tư, nghi hoặc. Và nhất là chẳng cần chọn lựa gì nữa!
Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Ba trăm năm sau ai khóc Tố Như? Hai trăm năm, nay hẳn đã có Nghiễm.
Còn một trăm năm nữa cho đủ số ba trăm, sẽ là ai?

       Khuya  không còn taxi, xe ôm  nên Nghiễm bảo đợi sáng rồi hẵng về. Trời tờ mờ thì tôi lên đường, phải cuốc bộ từ nhà thờ Ba Chuông về nơi tôi cư trú ở gần chợ Trương Minh Giảng. Tôi nói anh khỏi đưa, cả đêm không ngủ, chắc ai cũng mệt. Đi, anh đứng nhìn theo, vẫy. Vừa bước, tôi vừa ngẫm nghĩ. Du hẳn phải tự tin vô cùng khi ra cái hạn ba trăm năm. Tài mọn, chúng tôi cầu chỉ 30 năm cũng khó. Nhưng Nghiễm thì quá cái hạn này rồi. Chẳng hạn Nhan Sắc in năm 1966. Năm nay là năm 2011 mà tôi còn nhớ, tức là đã chẵn  45 năm. Mới đây, khi tái bản 4 cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn của Nghiễm ở Sài Gòn, Vũ Hạnh và lũ văn nô ồn ào lăng nhăng chống đối. Ấy thế thì đối với người đời văn chương anh lại càng đáng nhớ! Ôi, có những nghịch lý thật đáng yêu như thế đó!

       Tết năm Ngọ, chúng tôi ăn tất niên với nhau. Nhà hàng nào cũng đông như kiến. Không tìm ra chỗ, anh rủ  đến cái câu lạc bộ nằm cạnh nơi sản xuất sơn mài mà anh  đã làm ngày trước. Anh đi trước, dáng thanh thanh, bước thăn thoắt. Nga và Trang theo sau, bị bỏ tuốt đàng sau. Tôi chạy theo, anh Nghiễm ơi, đi đâu mà vội mà vàng, các bà hụt hơi theo anh không kịp.  Anh cười, điềm nhiên, à một tiếng rồi đứng lại chờ. Ấy thế mà đã gần ba năm rồi. Anh vốn mạnh khoẻ, sáng nào cũng đi bộ hàng giờ, và  nhất là anh chẳng bao giờ lộ vẻ bi quan, lúc nào cũng tươi cười, hồn nhiên, lịch lãm. Đùng một cái, anh đột ngột ra đi. Như một vì sao sa. Dấu vết là ánh lửa xẹt ngang trời trong một chớp mắt.
        Hôm nay, 49 ngày từ khi anh bỏ đi xa. Cũng là ngày anh thoát kiếp và sẽ tái sinh, theo truyền thuyết.  Anh Nghiễm, cụ Nguyễn Công Trứ thì xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo. Còn anh? Anh định làm gì? Anh có reo với trời cao không? Anh  định nói thêm gì nữa? Tôi thì nghĩ, từ tro than, anh sẽ bay lên thật cao như  một  đốm lửa tìm cách soi những con  đường mới,  những con đường do chính anh chọn lựa.
Kính viếng.

ND
18/09/2016
19-09-2016

(Nguồn: Amvc)


[1]  Chế Mân vua Champa lấy Huyền Trân Công Chúa, quà cưới hai Châu Ô, Châu Rí  cắt đất dâng cho Vua nhà Trần.  Mân chết, theo tục lệ Chàm thì phải hỏa thiêu Huyền Trân chết theo, nhưng Vua Trần phái Khắc Chung vào cướp Huyền Trân đưa về. Hai anh chị này thông dâm, về đến Thăng Long sau 2 tháng trăng mật trên biển. 

*Bể Dâu, Đất Trời, Gió Lửa - tác phẩm của Nam Dao. Chú thích của Phố Văn  

No comments:

Post a Comment