Monday, October 24, 2016

NGUYÊN MINH. CHÂN KIẾN DẶM TRƯỜNG


nguyễn thị khánh minh

Tác phẩm của Nguyên Minh

Trước khi nói dài hơn, tôi xin tặng Nhà Văn Nguyên Minh ba câu trong bài thơ này,

Nỗi đường trường ứa lệ
Bước chân tôi con kiến bé u buồn
Đêm vực sâu ngày dồn sóng bể
Bước chân mù con kiến bé tăm phương
(Chân Kiến, 2008)

Nguyên đây là bài thơ tôi viết cho mình. Nay thấy ba câu đầu lọt vào hình ảnh nhà văn Nguyên Minh (NM), nên xin tặng anh, sao chỉ ba câu trên thôi, vì, tôi thì thấy cái nỗi sương khói mù tăm của đường trường, chứ với anh thì không dám đâu. Anh lạc quan có thể là thấy mặt trời đang mọc lên ở phương đông kia. Mà tại sao khi nói đến nhà văn NM thì tôi lại kết nỗi miệt mài theo đuổi việc văn chương vào những bước kiến chăm chỉ, kiên khổ? Ẩn dụ này thật đúng với anh, để hình dung được nỗi đam mê văn chương báo chí thách thức đường dài như thế.

Trong bài tựa tác phẩm Tưởng Chừng Đã Quên (TCĐQ), Nhà văn Kim Quy đã vẽ một chân dung với những nét sắc nhất của Nguyên Minh. Chị Kim Quy viết hay như thế có phải chị đã cảm xúc sâu sắc về mối bằng hữu chân tình, hiếm quý? Xin góp vui với anh trong niềm hạnh phúc ấy. Có được bạn hữu đồng cam cộng khổ, xây dựng nương tựa nhau, đúng như người xưa nói, Mây phản chiếu ánh sáng mặt trời mà thành ráng, suối treo vào bờ đá mà thành thác. Cũng là một vật nhưng nương vào vật khác thì tên gọi cũng nhân đó mà khác đi. Đạo bạn bè sở dĩ quý là vì vậy. (Trương Trào, Huỳnh Ngọc Chiến dịch)
Nhà Văn Nguyên Minh cùng vòng tròn bạn văn nghệ sĩ của anh, đã cho người ta thấy được cái Đạo Bạn Bè ấy. Như tôi đã từng đề cập trong bài viết về Lữ Quỳnh, Lữ Kiều, là bạn thiết của anh. Đã dễ thường có ở đời hay sao? Nên nói gì thì nói, tôi vẫn cho anh là một người hạnh phúc, cho dẫu có râu ria của truân chuyên. Vì ngoài ân sủng trên, trong cuộc đời, anh đã dám sống cho niềm đam mê của mình. Đó là áng văn Nguyên Minh luôn tỏa hết sức mình vẻ đẹp của Chân Thiện Mỹ. Còn mong gì nữa? Ơi hạt bụi long lanh…

… Chính trong những cuộc họp mặt bàn tròn ấy, tôi khám phá ra người “trẻ” nhất và sôi nổi nhất bàn lại chính là Nguyên Minh, … Tôi tưởng như anh đang mải sống trong thế giới tĩnh lặng của riêng anh, không quan tâm gì đến nhân tình thế thái… Anh chỉ thực sự là anh khi ai đó bắt đầu nhắc đến chuyện văn chương… cắp mắt sáng lên nỗi đam mê, giọng nói tiếng cười tràn đầy phấn kích, anh lại trở thành chàng thanh niên ngày nào đang hăm hở khám phá mảnh đất văn chương mới xới…Thế nhưng nếu ai đó chuyển hướng câu chuyện sang đề tài khác, lập tức anh lại rút vào thế giới của riêng mình. Có vẻ như đối với anh, không có gì là quan trọng và  đáng để tâm ngoài chuyện viết văn làm báo… (Kim Quy, Ngày Ấy Bây Giờ, tựa sách TCĐQ)

Đọc qua các bài của thân hữu viết về anh, mới thấy cái dặm trường chân kiến anh đi. Đầy thách thức, gian truân mà vẫn chân cứng đá mềm. Có được là bởi đâu? -Đam mê- Tôi tự hỏi nếu không có niềm đam mê để tượng nên một NM như thế thì anh đã sống thế nào để kinh qua dặm trường 50 năm với hai vai chĩu khổ nạn? Thế mà khuôn mặt ấy khi tôi về Sài Gòn năm 2009, tôi vẫn thấy vẻ nhu hòa trong nụ cười mỉm, ánh tinh nghịch trong đuôi mắt nheo nheo, đấy là nét khiến khuôn mặt tư lự như vụt sáng lên. Và giọng nói thật tình nhất trên đời (theo tôi), tập thơ mới của em hay quá. NM đấy, luôn hân thưởng những cái hay của bạn hữu, giúp đỡ in ấn một cách tận tình thích thú. Nhân việc in tập thơ Bùa Hương mà tôi có dịp lên căn gác nhỏ của anh, một cửa sổ, có vẻ cô đơn, vì ở đó chỉ có mỗi mình nó nhìn ra ngoài bãi đất trống, chủ nó thì cặm cặm cụi cụi trên bàn trong căn gác rất đông đúc các thứ cho việc in sách, có lẽ ban đêm thì cả hai mới cùng nhìn ánh đèn pha phía xa? Tôi nhìn cái cảnh cô đơn bộn bề ấy mà thấy thương cảm. Nếu không có lý tưởng làm chiếc rễ cái nuôi nấng thì làm sao anh vững bước trên nẻo hun hút của đường dài? May mà trời thương, bên cạnh anh là hơi tiếp sức của một tổ ấm.
Ngoài chữ nghĩa, bản thân cuộc đời anh cho đến giờ, đã là một tác phẩm truyện dài chưa có hồi kết. Hai mảnh ấy xen lẫn nhau, chập chùng nhau để tạo nên Văn và Người -Nguyên Minh-

… Năm 18 tuổi, anh đã cùng bạn bè làm tờ Gió Mai ở Huế… Ở Phan Rang anh lại cùng Ngy Hữu và bạn bè ra tờ Ý Thức, tờ báo in ronéo đẹp nhất miền Nam thời bấy giờ và cũng tập trung đông đảo người viết trẻ nhất… Thời in ronéo chấm dứt, có lúc Nguyên Minh thẫn thờ như kẻ mất hồn giữa thị trấn tràn gió và cát bay… (Nguyễn Lệ Uyên, Nguyên Minh Và Những Khúc Hoài Niệm, Màu Tím Hoa Mua, tr.265)

… những người bạn này đã gắn bó suốt cả cuộc đời tôi bằng một nỗi say mê. Đó là văn chương. Dạo ấy ở Huế thường có những nhóm văn thơ… những đêm đọc thơ, những tờ báo viết tay… Cả nhóm chúng tôi: Gió Mai. Những chàng học sinh tuổi mười sáu mười bảy, đang theo học lớp đệ tam trường Quốc Học Huế… (Những Linh Hồn Đứng, TCĐQ, tr.164)

Gió Mai, xem như mối tình đầu với văn chương, báo chí của người tình Nguyên Minh. Đáng yêu thật cái niềm say mê thơ dại -báo viết tay- ấy. Rồi Ý Thức, mối tình thứ 2. Giờ là Quán Văn: thứ 3? (nếu tôi biết đúng). Nghiệp từ muôn kiếp nào đặt để? Đi trùng trùng kiếp rồi thì cũng vận vào chàng. Xen vào những mối tình ấy còn có một mối tình rất đẹp và rất không may, T.

… bây giờ tuổi đã già, tôi lại bắt đầu cuộc chơi đã bỏ dở thời thanh xuân. Lại viết văn làm báo. Người yêu tôi đã đánh mất, hiện tại lại ngồi cạnh tôi. Cuộc đời bể dâu… Những ngày còn lại, trước lúc mắt nhắm tay xuôi. Tôi phải trả nợ. Nợ tình. Nợ đời. Nợ văn chương… (Loanh Quanh Lòng Phố Cũ, TCĐQ, tr.68)… Sau 25 năm, giờ tôi viết như trả nợ, món nợ mà tôi đã mang nặng trong lòng về những người đã đi vào đời tôi. (A, chắc tôi cũng có chút nợ phải đòi đấy nhỉ?)

Nợ tình. Nợ đời. Nợ văn chương. Cái món nợ thứ ba kia dường như anh đang dần dần trả, cả vốn lẫn lời, này nhé, Đám Tang Đa Đa, 1971 - Căn Nhà Hoang,1975 - Những Linh Hồn Đứng, 2004 - Tưởng Chừng Đã Quên, 2006 - Nhập Vai, 2007 - Ngôi Nhà số 11, 2009 - Màu Tím Hoa Mua, 2014. Có ba dấu chấm ở đây.
Nhà Văn ơi, nếu những tác phẩm là coi như anh trả nợ văn chương, thì, hình ảnh một Nguyên Minh ngồi bên cửa sổ thắp đèn khuya thủ thỉ cùng chữ, bên cánh đồng sim nở tím mở ký ức đi theo một nụ cười xưa, bên ly cà phê sắt se mưa ngoài trời mà đoạn trường theo tiếng guitar người bạn Vô Thường, bên bức tranh ý tại ngôn ngoại của một nữ họa sĩ, cùng người tri âm nghe ra tiếng chuông dội về từ quá khứ hư ảo Chùa Xưa, và trong thẳm sâu giấc mộng kia vẫn âm vang mơ hồ tiếng gà gáy canh hai… Theo tôi, đó là một Nguyên Minh trả nợ đời nợ tình, qua lối sống kiểu tận hiến của mình, rất văn chương, bởi thế vô cùng lãng mạn. Nói con người anh là văn chả là đúng ư?

… Gần ba mươi năm hầu như tôi không còn viết văn nữa… trong khoảng thời gian dài đằng đẵng, cả nửa đời người, tôi đã sống thế nào để lấp đi nỗi đam mê như một phần cuộc sống như da thịt mình. Sáng nay tôi ngồi trên căn gác gỗ ở vùng cao nguyên, nhìn những dãy đồi thông trước mặt, đang thay đổi màu sắc từng giây phút theo tia nắng ban mai… Tôi theo hai người bạn họa sĩ già lên Đà Lạt nghỉ ngơi. Họ cầm cọ vẽ, còn tôi tìm cho mình một chỗ yên tĩnh để viết lách… bao nhiêu năm tháng như những cơn sóng biển cả dâng cao và ồ ạt vỗ vào bờ làm tôi ngợp ngàng… (TCĐQ, tr.9)

Anh không viết bằng chữ gần 30 năm, nhưng con người anh vẫn viết bằng tất cả cung cách sống ở đời, và thời gian lặng lẽ kia là lúc hàm dưỡng nội lực để bứt phá cho lúc trở lại với những tác phẩm mới gần đây chăng? Đúng như vậy, NM đã đưa người đọc đi theo những sự kiện thăng trầm của đời mình và vận nước của quãng thời gian 15, 20 năm, bằng một lối viết bình thường giản dị như người đang kể chuyện cho bạn bên cạnh nghe. Đó là bút pháp của nhà văn Nguyên Minh.
Viết, bởi nuôi mãi cái thôi thúc luôn cảm thấy rằng mình nợ nhiều nhiều lắm, nên cứ chân kiến miệt mài tha về từng con chữ tri ân những ân tình. Hãy đi theo những tri ngộ thơ mộng của nhà văn trên dặm trường này, để thấy cái đẹp của một tâm hồn đa cảm, chân thành, nhân hậu và cũng quyết liệt.

Con gái hỏi: … ba may cái gì vậy?/ tôi trả lời nhát gừng: Sách/ - hồi giờ con không thấy ba may. Bộ ba biết đóng sách hả?/ -đừng hỏi, để ba yên… (TCĐQ, tr.10)
Rồi tới phiên vợ hỏi: sao anh không đưa thợ dán gáy cho?/.-Anh thích tự làm lấy (TCĐQ, tr.11)
Tiếp tới con trai góp ý: -Ba đưa thợ làm vừa nhanh vừa đẹp mà ba đỡ mệt/ … mày biết gì. Tao thích vậy… (TCĐQ, tr.11)

Nếu tôi đứng đó tôi sẽ nói nhỏ, con trai con gái và vợ ơi, người đang lọt vào không khí xưa để ngắm lại, sờ tay lên món đồ cổ: sách chưa kịp khô hồ, tôi đã cầm lên ngắm nghía. Lật từng trang, mùi mực in còn thoang thoảng. Và để người sống lại cái háo hức: Tôi vội vàng thay quần áo và bỏ mấy tập thơ vưa in xong… đến nhà Lữ, gặp bạn bè. Vừa bước xuống cầu thang vừa hát nho nhỏ vài câu trong miệng… tôi như một đứa trẻ, bước lên ngồi lên xe, ôm chặt vào bụng thằng con trai… (TCĐQ, tr.11). Nên chỉ có nước im lặng thôi. Không thể không xúc động trước Người Văn này. Ra liều thuốc trẻ cũng chẳng khó khăn là mấy, cứ xem cách nhà văn kéo ngược thời gian để sống với cảm xúc cũ như thế nào, hẳn là một ấn tượng khó phai, để bất cứ lúc nào cũng có thể mở cánh cửa cho người về?

Tôi nhận ra trong tiếng mưa rơi văng vẳng tiếng đàn guitar… những ca khúc của một thời đã làm tôi say mê. Hoài Cảm. Đêm Đông. Buồn Tàn Thu. Tôi sững sờ, bàng hoàng nhận ra tiếng đàn này rất quen thuộc với tôi, từ thời niên thiếu… Đúng rồi, tiếng đàn của bạn tôi. Của bốn mươi năm về trước. Một khoảng thời gian dài bỗng rút ngắn lại trong tích tắc, trong từng âm thanh dồn dập xô đẩy tôi vào một không gian khác, một thời gian khác… Đúng là hắn… Vô Thường… (Hình Như Trời Đang Mưa, TCĐQ tr.31)

Trong truyện này tôi cảm động vì những lần khóc khi nghe Vô Thường đàn, bởi nó nhắc anh nhớ tới những kỷ niệm với người cha và cô bạn nhỏ. Đó là can cớ khiến cho tiếng đàn Vô Thường đã vốn dĩ đau rồi còn đẩy anh tới nát tan hơn.

Ba tôi mới hỏi: “- Bộ thằng Thường bệnh hả… sao tao không nghe nó đàn? ... nghe nó đàn tao buồn nhưng vắng tiếng đàn của nó tao lại đau khổ hơn…Tao chờ đợi. Tao lắng tai. Tao thao thức. Tao thấy trong tâm hồn tao thiếu vắng cái gì đó. Té ra tiếng đàn. Nó dẫn dắt tao tìm thấy mẹ mày trong một cõi xa vời khác.”… Đêm đó Thường đàn cho ba tôi nghe bài Dạ Lai Hương. Sáng mai thân xác ba tôi đã cứng lạnh. Dưới gối có một ống thuốc ngủ trống trơn… (Hình Như Trời Đang Mưa, TCĐQ tr.41)
… Chẳng lẽ em đã nghe tiếng đàn ghi-ta này… bản Ướt Mi… một buổi chiều mưa … Có lần Thường hỏi anh có biết vì sao hắn có hứng thú để đánh đàn ghi-ta… “chỉ một hình ảnh khuôn mặt ngây thơ và trong trắng của một người con gái bên kia khung cửa sổ, lờ mờ qua màn mưa…tao cũng nhận ra được những giọt nước mắt của nàng đang nhỏ xuống… dù sao tao cũng cám ơn cô bé ấy” … bây giờ tình cờ anh mới biết cô bé ấy là ai rồi. T. (Hình Như Trời Đang Mưa, TCĐQ tr.41)

Bẵng một hồi chàng mới biết được hình ảnh cô bé mà Vô Thường biết ơn lại chính là cô bạn nhỏ của chàng, thế nên tiếng đàn người bạn mới khuấy động chàng đến thế! Nhà văn của chúng ta như ghiền nhớ lắm, để rồi sầu buồn trong hoài niệm, một kiểu thú đau thương? Mở một ngoặc để cằn nhằn nhà văn chút xíu, hoài niệm kéo anh dồn dập quá nên người đọc hơi bị rối, cứ phải quay lui lại để tìm cái gút ban đầu. Như ở truyện này tôi cứ phải tới lui tìm cái không khí nơi hai nhân vật “tôi và T.” hội ngộ và đang ngồi nghe đàn. Cũng dễ hiểu. Người Văn đang trong cõi phi thời gian, cái gì cũng Tưởng Chừng… Hình Như… Loanh Quanh… Cõi Mù Tăm… Mây Trôi… Dưới Trăng (Những tựa đề trong TCĐQ). Chìm lỉm ngật ngừ trong giấc mơ. Phiêu bồng bay trên dòng ký ức. Nhìn và nghe kiểu đó, ừ cuộc đời hiện tại kia, giả vờ quên chút có sao… để sống thêm một lần những điều Tưởng Chùng Đã Quên. Người Văn thiệt dám sống.

Cả nỗi thiết tha với bạn: … tôi nghĩ là hội họa đã chiếm hết tâm hồn Trọng… không còn chỗ cho Trọng viết văn làm thơ viết kịch như tôi đã từng hy vọng nơi Trọng… Năm 1975, tôi đã làm mất bản thảo vở kịch Bờm Cười mà anh giao tôi xuất bản. Tập kịch gồm nhiều vở đã đăng trên những số báo Ý Thức… anh giao tôi bản chính, thế mà tôi không giữ được. Mỗi lần anh em nhắc đến… tôi đau nhói cả tâm can… (TCĐQ tr.195)

Họ đấy. Họ trần tình rất chi là quân-tử-nghệ-sĩ thế này: - Ông là bác sĩ tim mạch… quả tim tôi như thế nào? Trọng cười: Quả tim có bốn ngăn. Ngăn thứ nhất ông dành cho cha mẹ. Ngăn thứ hai ông dành cho vợ con. Ngăn thứ ba ông dành cho tình yêu, mà T. đã chiếm hết chỗ. Ngăn thứ tư là của bạn bè.” –“Còn văn chương?” –“Cái bọc bao quanh bốn ngăn của quả tim chính là niềm đam mê của ông về văn chương.” Nghe cũng khá ổn thỏa, chỉ hiềm một nỗi như vầy, quí vị phụ nữ lại hay mất tự tin bởi sự giãn nở của những đường biên giới kia. Có điều nhà văn NM được may mắn là tình yêu đã nhượng bộ để anh được sống toàn ý cho cái bọc bao quanh bốn ngăn kia, chính vì thế mà ngăn thứ 3 luôn yên vị đẹp trong anh, ngẫm ra may mắn không chỉ riêng anh mà là Nàng nữa, dù là … cuộc chơi cay nghiệt của thời tuổi trẻ đã từng làm tôi đam mê đến nỗi đã đánh mất đoạn kết tốt của một mối tình… (TCĐQ, tr.15)
Cái ngăn thứ 3 ấy là một ngăn lộng lẫy trong ký ức nhà văn, nơi anh đã sống là một nhà thơ, bởi cái quá lãng đãng của mình. … Mây bay trên trời. Sương phủ dưới đất. Tôi như đang đứng giữa, ngay ranh giới giữa trời với đất. Lãng đãng trong cõi mênh mông. (Loanh Quanh Lòng Phố Cũ, TCĐQ, tr.54) Tôi muốn bỏ chữ như.
Ai đời, … tôi đã bỏ T. bên lề đường, núp dưới mái hiên gần cột đèn, cùng chiếc xe gắn máy hết xăng, còn tôi thì ôm trong lòng mấy tập báo Ý Thức đầu tiên, đón taxi đến nhà Ngân, nơi bạn bè văn nghệ đang chờ… (TCĐQ, tr.12)
Và khi người bạn hỏi nàng ở đâu để đón về hộ, thì câu trả lời: - Khúc nào đó trên đường Phan Thanh Giản/…- tóc thề hay tóc uốn, mặc áo màu gì?/ - hình như tóc thề, áo dài màu vàng/
Sao lại hình như, bữa đó Ông có đi với Nàng không, thưa nhà thơ đang ở trên mây? Không, chàng đang lặn vào mùi mực in giấy mới và con chữ trong tờ Ý Thức kia, vì khi nghe hỏi, -chữ Ý Thức của tờ báo số 1 màu gì?- Thì không đầy một giây chàng đáp ngay -màu đỏ bầm- Thật là phải phê theo kiểu con trẻ, bó tay! Hôm ấy nàng mặc áo tím chứ không phải vàng như chàng mơ! Mà nghe đâu, không phải một lần như thế, hóa cho nên ngăn số 3 của chàng hình như là nơi để chàng quay về, hoài niệm, chuộc tội. Và chỉ nơi đó, Người và Văn đồng hóa nhau để chữ được hồn nhiên tỏa hết năng lực của nó.
Tôi muốn kết bài này nơi cõi thơ mộng, cõi Hình Như của chàng.

Ừ nhỉ. Sao lại hình như? (TCĐQ, tr.12) … lúc ấy tôi chỉ là một nhà giáo ngày hai buổi đến trường, về nhà âm thầm sống trên căn gác nhỏ… những chiều mưa T. đến với tôi. Tiếng chân người con gái gõ nhẹ lên từng bậc tam cấp, gõ đều từng tiếng như tiếng mưa rơi tí tách, nhỏ từng giọt vào lòng tôi. T. hay khóc... (TCĐQ, tr.16)

Lạ ghê, vào thời đó, sao con gái khi yêu lại hay khóc thế nhỉ, mấy ông anh họ lớn của tôi cũng hay than, khóc quá trời. Vì con trai thời ấy vụng về hay con gái thời nọ còn cái kiểu “mai cốt cách tuyết tinh thần” nên nước mắt là phụ tùng thiết yếu? Đây: … tôi vụng về luống cuống chỉ biết lấy khăn tay chậm nhẹ lên những giọt nước mắt như những giọt sương long lanh còn đọng lại nơi cánh hoa hồng mong manh trong khu vườn của một buổi sớm mai… (TCĐQ, tr.16). Ca tụng kiểu ấy biểu sao không khóc cho đành!

... T. nói rất khẽ như tự nhủ với lòng mình: tụi mình gặp nhau lúc nào trời cũng mưa… Nước mắt T. bỗng chảy dài. Tiếng đàn đã dứt… Nàng thảng thốt hỏi tôi: Hình như trời đang mưa phải không anh? (Hình Như Trời Đang Mưa, TCĐQ tr.49, 53)

Và. Tôi thích nhất câu này trong Loanh Quanh Lòng Phố Cũ, trang 71, đoạn kể gặp lại người xưa, câu của chàng, thời gian như lùi lại ở thời điểm đẹp nhất của một đời người. Và nó dừng lại… Nghe rất xót, rất ngậm ngùi. Và nó dừng lại. Nó chỉ dừng lại phút ấy thôi. Người ơi. Khi Người Văn thức giấc.

… Một cơn gió thoảng, quyện vào đó giọng nói phụ nữ… bẵng đi ba mươi năm tôi mới nghe lại được. (TCĐQ, tr.26) … Mặt trời lặn dần sau chân đồi. Rừng thông trước mặt tôi cũng đã đổi màu. Xám lại. Một màu lãng đãng không còn phân biệt, đâu là cành lá… thân cây, đâu là màu tia nắng vàng óng ánh… Đâu đó còn một vài điểm chấm nhỏ li ti đỏ bầm của những mái nhà ngói đỏ bên kia đồi… Màu khói lam chiều ai đốt lửa xa xa dưới thung lũng… Tất cả những màu sắc đó đã hòa lẫn với nhau thành một màu duy nhất. Màu của bóng đêm. Cảnh vật đã chìm mất. (TCĐQ, tr.25)

Hình ảnh Cơn gió thoảng, Màu của bóng đêm. Cảnh vật đã chìm mất ở đây rất đắt. Tại sao trên kia tôi nói Nó chỉ dừng lại phút ấy thôi, vì ở đây, tác giả gợi lên ý niệm, tất cả rồi cũng thế, những hình ảnh vừa được hoài niệm dấy lên rồi cũng sẽ tan. Cơn gió thoảng qua lay động ký ức một âm thanh, một mùi hương. Vừa đủ để pha chút men ảo vào ly rượu cuộc đời, để người đi tiếp con đường dài cho đến mút cuối, sẽ vẫn là một Nguyên Minh thuần hậu, giản dị, có tình.
Nghe như anh có tâm sự cùng bạn hữu rằng, rồi sẽ có những con chữ kim chỉ tạ ơn một cõi đá vàng, nơi có một cô Tấm ngày ngày hiện ra từ trái thị dọn cho chàng những bữa cơm để chàng kính cẩn Thưa Em, hạt cơm hồng tấm mẳn bát canh rau… (thơ ntkm)

Santa Ana, tháng 10.2016
ntkm

Ghi chú:
Nguyên Minh: Sinh năm 1941 tại Phan Rang, Ninh Thuận. Nguyên quán: Huế. Bắt đầu viết từ năm 1959. Chủ trương tạp chí văn học Ý Thức, Nhà Xuất Bản Ý Thức, Tiếng Việt (Saigon 1969-1975). Từ năm 1972 đến nay đã xuất bản trên dưới 10 tác phẩm gồm những tập truyện ngắn (như đã giới thiệu trong bài viết). Hiện sống và viết tại Sài Gòn.

No comments:

Post a Comment