Monday, April 27, 2015

CHIỀU THƠ NHẠC HÀN MẠC TỬ & GIỚI THIỆU TÁC PHẨM 'LÁ TRÚC CHE NGANG'


hoàng thị quỳnh hoa




Hồng Thủy . tác giQuỳnh Hoa. Phương Thúy

Tôi chờ xem có bạn văn nào cao hứng viết về buổi Chiều Thơ Nhạc ngày 21 tháng 3 năm 2015 tại Virginia mà không thấy nên đành ngồi nhớ lại viết bài tường thuật cho các bạn ở xa đọc.

Chiều Thơ Nhạc với một cử tọa chọn lọc, những người yêu thích văn chương -- nhất là yêu những dòng thơ Hàn Mạc Tử -- đã có mặt khá đúng giờ. Rất cảm động với sự hiện diện của cô Hương, 94 tuổi, cựu nữ sinh Đồng Khánh là hậu duệ của giòng giõi Tuy Lý Vương ở Thôn Vỹ, cô Đệ, từng học ở Đồng Khánh, 93 tuổi, chị Minh Đức, người bạn cùng lớp với tôi từ Tiểu học ở Trường Đồng Khánh, năm nay cũng 80 ngoài, là những nữ lưu trí thức cao niên của Huế. Cũng rất trìu mến sự hiện diện của chị Rene Bùi Quang Chiêu, cựu nữ sinh Gia Long Áo Tím đã 94 tuổi, lúc nào cũng sát cánh với đàn em Gia Long Áo Trắng. Các bạn xóm trên xóm dưới của Thôn Vỹ cũng đủ mặt cùng nhiều bạn khác của Đồng Khánh, Quốc Học. Cám ơn các bạn. Cũng xin trân trọng cám ơn các chị Trưng Vương đã ưu ái đáp lời mời của chị Hồng Thủy đến ủng hộ rất đông mà tôi không biết mặt nên không đến chào hỏi. Trân quý sự hiện diện của Nhóm Cô Gái Việt cũng đáp lời mời của Phương Thúy tham dự đông đảo, và những vị trong cộng đồng. Còn có mấy người bạn của tôi nữa, gọi điện lại chúc mừng mà tôi không thấy ở hội trường, xin thứ lỗi đã không đến chào. Tôi đã có ghi vào giấy muốn cám ơn sự hiện diện quý báu của một cử tọa chọn lọc, đã hy sinh một buổi chiều thứ Bảy đầu xuân bắt đầu có nắng ấm để đến với Chiều Thơ Nhạc mà rồi sơ sót không đọc câu đó. Một sơ sót nữa là quên không cám ơn anh Ngô Phi Đạm, người đã dành cho thiệp mời tham dự Chiều Thơ Nhạc một trang đặc biệt trong tờ Saigon Nhỏ suốt mấy tuần liền và không quản ngại đến sớm xếp bàn ghế, về muộn dọn dẹp bàn ghế cùng với Ngọc, bà xã của anh. Xin ghi nhớ tấm lòng của anh chị.  Dĩ nhiên là không quên cám ơn sự hiện diện đông đủ của các bạn giáo sư Gia Long & các chị em Gia Long cùng các anh rể.





Chị Hồng Thủy, Phó Hội Trưởng Hội Văn Bút Miền Đông, và Gia Long Phương Thúy, chủ biên Diễn Đàn Cô Gái Việt, mở đầu chương trình với mục đàm thoại rất hào hứng.  Phương Thúy đặt câu hỏi vì lý do gì mà tác giả chờ đến 100 năm sinh của cô Kim Cúc mới cho tác phẩm ra đời. Tác giả tóm tắt những lý do được giải bày trong sách. Khi chị Hồng Thủy nêu lên một giả thuyết chắc hắn là cô Kim Cúc phải có đáp trả tình yêu của Hàn Mạc Tử qua sự việc Cô nhất định cải chính là không có vấn đề “không xứng mặt đông sàng” thì cử tọa thích thú vỗ tay vang rần. Theo chị Hồng Thủy, thì xưa nay những mối duyên không thành đều do không môn đăng hộ đối. Trường hợp của chị cũng vậy. Khi chị đến tuổi cập kê cũng có nhiều đám muốn xin bàn tay nhưng vì không môn đăng hộ đối nên ba mẹ chị khước từ mà chị cũng không cho là quan trọng. Cô Kim Cúc thì lo lắng thi sĩ sẽ mất mặt, gia đình thi sĩ sẽ buồn phiền nên nhất định viết thư phiền trách Quách Tấn (năm 1971) khi ông này đưa giả thuyết không môn đăng nên hôn sự bất thành. Cả nhiều chục năm trước đó đã có nhiều bài viết về Cô & Hàn không đúng sự thật nhưng Cô vẫn làm thinh cho đến khi thi sĩ Quách Tấn viết về vụ không xứng mặt đông sàng thì Cô lên tiếng ngay. Chị Hồng Thủy khẳng định rằng nếu không có tình ý gì thì Cô đã bỏ qua chuyện thị phi về môn đăng hộ đối như nhiều người khác, vì đó cũng chỉ là chuyện thường tình của thời đại. Lý do thứ hai làm Hồng Thủy tin chắc là cô Kim Cúc có tình ý khi Cô chọn gởi một bức ảnh phong cảnh có chiếc thuyền, tượng trưng cho một sự đợi chờ làm thi nhân hy vọng. Chị nhất định buộc tác giả phải cho ý kiến. Cử tọa vỗ tay tán thưởng rất vui. Tác giả cũng thấy thú vị với giả thuyết mới mẻ này nhưng thưa là Cô có cảm tình với Hàn Mạc Tử thì rõ ràng rồi, nhưng không thể khẳng định là Cô cũng yêu. Cô nhớ ngày thi sĩ đón đường muốn tặng sách, tặng thơ trong bài Bóng Mây Qua, bài thơ 10 khổ Cô làm 4 năm sau khi thi sĩ qua đời có mấy câu:
            Bữa ấy xuân qua mới nửa ngày
            Ngập ngừng chàng muốn nói chi đây
            Long lanh cặp mắt tình chan chứa
            Biểu lộ một tâm hồn đắm say.
Cô vẫn nhớ mãi cái ngày thi sĩ chận cô trên đường cái và ngập ngừng lý nhí mấy câu không ra lời. Nhưng mà nói rằng cô đã đáp trả tình yêu lúc ấy thì ta không thể kết luận chắc nịch như vậy được. Tác giả giải thích không thể quả quyết rằng Cô cố tình chọn tấm hình có chiếc thuyền. Có thể là Cô ghé tiệm hình Tăng Vinh chơi, vì chủ tiệm hình là bà con bạn dì với Cô, rồi mua cái phiến ảnh ở đó. Chắc hồi đó chỉ có tiệm hình là có bán carte postale nhưng cũng không có nhiều để chọn lựa! Phương Thúy thì nói rằng thi sĩ úp úp, mở mở, mơ mơ, hồ hồ trong câu mở đầu của bài thơ thi sĩ tặng Cô: Sao anh không về chơi Thôn Vỹ”, không biết ai mời ai, nên sau này có nghi vấn câu ấy có thể là lời mời của cô Kim Cúc. Nếu Phương Thúy là nhà thơ thì em sẽ nói rõ ra: “Sao em không mời về Thôn Vỹ” rồi em cao hứng phóng bút viết bài thơ như sau:
           
Ước Về Thôn Vỹ
Bài thơ Thôn Vỹ tặng nàng,
Ước nhìn nắng mới lên hàng cây cau.
Vườn ai xanh mướt một màu,
Trúc xinh che mặt dạ sầu ngẩn ngơ.
Thuyền ai đậu bến sông xưa,
Trăng đơn, nước lặng, gió lùa đường mây.
Hoàng Hoa hởi! thấu dạ này?
Để Hàn Mạc Tử đêm ngày thở than.
Đường về Thôn Vỹ dặm xa,
Tình ta ai biết đậm đà ra sao?


Phương Thúy mời chị Bạch Mai ngâm bài Ước Về Thôn Vỹ cho mọi người cùng thưởng thức.

Tiếp theo là GS Nguyễn Ngọc Bích--ngược lại với chiều hướng suy nghĩ của chị Hồng Thủy nhất định tìm cho ra chứng cớ cô Kim Cúc cũng có đáp trả tình yêu của Hàn Mạc Tử--thì cho rằng tình yêu hai chiều hay một chiều cũng là một mối tình, mà đôi khi tình yêu một chiều lại thơ mộng hơn, đẹp hơn làm tôi nhớ câu: “Đời mất vui khi đã vẹn câu thề.” GS Bích thì lúc nào ăn nói cũng hùng hồn, lưu loát, dứt khoát. Anh nhận xét Hàn Mạc Tử là nhà thơ tương đối mới đây mà cũng bị hiều lầm khá nhiều. Anh không muốn nói đến những mối tình lớn, tình con của ông  mà chỉ muốn nói đến chất thơ rất đặc biệt của nhà thơ đa tài, đa lụy có một không hai của Việt Nam. Chất thơ với nhiều ý tứ lạ, với cách dùng chữ rất bạo, rất mới, rất hay. Tả ánh trăng, làn gió giữa đêm khuya với những cụm từ: sờ sm gối, cọ mài chăn làm người đọc rùng mình tưởng chừng như ánh trăng len lỏi lọt vào phòng the, đưa đường cho cơn gió thoảng chạm vào da thịt người nằm trên gối:
Bóng nguyệt leo song sờ sm gối,
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn. (Thức Khuya còn có tên Đêm Không Ngủ)
Không khí thật sôi động, thật vui, không ai buồn ngủ cả. Anh Bích nghĩ rằng cuốn Lá Trúc sẽ là một đóng góp giá trị, giúp giải mã những huyền thoại về mối tình Hàn Mạc Tử + Kim Cúc mà hơn nửa thế kỷ qua không ai biết thực hư thế nào.
Về nhà rồi, tôi tiếc đã không tiếp lời anh Bích mà thưa rằng Hàn Mạc Tử cũng dùng những từ rất bình dân của Huế một cách tài tình làm súc tích thêm chất thơ đặc biệt của riêng ông.  Chữ rứa thì nay nhiều người biết [mô tê răng rứa] mà ta thường thấy trong thơ Hàn như bài Gái Ở Chùa có câu: “Khuê các trâm anh cũng rứa à”. Còn nhiều chữ nhà quê khác mà không phải gốc Huế thì khó mà hiểu được, nhưng vào thơ Hàn Mạc Tử thì nghe không quê tí nào như hai câu:
Họ đã đi rồi khôn níu lại,
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa. (Những Giọt Lệ)
Khôn (không) là một chữ người nhà quê thường dùng. Đã & bưa là trạng từ có nghĩa là đủ.  Hai câu tiếp theo mà thiếu niên thiếu nữ mới lớn của thập niên 50, 60 đều thuộc lòng:
            Người đi một nửa hồn tôi mất,
            Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.
mà ngày trước tôi cứ tưởng là thơ Xuân Diệu hay Vũ Hoàng Chương. Tôi nghĩ trong chúng ta ai cũng có một thời cứ tưởng rằng một nửa hồn của mình đã ‘bay đi trớt’, những chữ rất Huế của Hàn Mạc Tử trong câu: “Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt” (Buồn Thu). Chữ “trớt” rất quê có nghĩa là mất tiêu rồi, là cánh nhạn bay đi mất tiêu rồi. Và đây nữa, Hàn thi sĩ dùng tiếng Huế dân dã rất tự nhiên: “Hỏi chơ mấy tuổi? Đáp mười lăm” (Đàn Nguyệt). Chữ chơ chỉ có người Huế dùng thôi, và dùng để nói thôi.
Phần thơ nhạc được các anh chị ngâm sĩ, ca sĩ tài tử trình diễn thật hay không thua gì các nghệ sĩ nhà nghề với tiếng sáo Vũ Phương, nhạc đệm Phạm Tuân và GS Kim Oanh, anh Phạm Duy Lý điều khiển dàn âm thanh. Những bài hát được chọn là thơ Hàn Mạc Tử phổ nhạc: Trăng Vàng Trăng Ngọc, Âm Thầm, Thôn Vỹ và bài hát về xứ Huế: Đêm Tàn Bến Ngự, Tà Áo Tím. Chỉ riêng bài Bên Kia Sông kết thúc chương trình là ngoài chủ đề, do tác giả yêu cầu, vì muốn được nghe một bài thơ (phổ nhạc) nói lên một tình yêu có đoạn kết dễ thương, không như những mối tình dở dang của Hàn Mạc Tử.

Rất cám ơn các anh chị đã hoan hỉ giúp cho chương trình Chiều Thơ Nhạc thêm đa dạng, phong phú. Tôi hơi lo lắng khi chị Bạch Cúc vào bài Đêm Tàn Bến Ngự hơi cao theo tiếng sáo. Tôi chỉ sợ chị lên không nổi. Nhưng chị đã hát được trọn bài. Khi tôi bày tỏ sự lo lắng này thì chị cho biết chị cũng lo lắm khi bắt giọng cao hơn thường, nhưng cho biết thầy dạy hát ở trường nói chị có giọng soprano nên lên cao được, thật là giọng trời cho, chúc mừng chị.
Cuối cùng tôi muốn cám ơn chị Thanh Trúc, bị bắt cóc làm MC vào giờ chót mà điều hợp chương trình rất linh động, rất suông sẻ. Chị lại biết nhiều về cuộc đời và sự nghiệp của Hàn Mạc Tử nên khán thính giả cũng thú vị được nghe những lời bình của chị về thơ Hàn.
Một lần nữa phải ghi công của Phương Thúy đã nghĩ ra phương pháp giới thiệu nội dung sách qua cuộc đàm thoại với tác giả và mời chị Hồng Thủy vào cuộc. Nhà văn của Kỷ Nguyên Mới  thật tài tình với những câu hỏi ‘hóc búa’ làm không khí thật sôi nổi, thật sống động, thật vui, lôi kéo cử tọa chú ý theo dõi từng câu hỏi với nhiều tràng pháo tay khen ngợi thích thú.
Xin cám ơn các bạn và mấy chị Gia Long đã lo phần ẩm thực rất chu đáo khiến ai nấy ra về đều cảm thấy ấm lòng và chắc sẽ còn nhớ dư âm của không khí văn nghệ Chiều Thơ Nhạc thật ấm áp, thân tình. Cám ơn GS Kim Oanh đã đọc bản thảo, bắt ‘chí rận’ giùm.

Hoàng thị Quỳnh Hoa

No comments:

Post a Comment