Sunday, March 13, 2011

Tản mạn bên tách cà phê

Bay đi những cơn mưa phùn
Nguyễn Xuân Thiệp

Sáng nay, một buổi sáng mưa phùn ở phố Ga. Bỗng nhớ cà phê Tùng Đà Lạt và những cơn mưa phùn bay bay trên hàng thông, mái phố. Và nghĩ tới Phạm Công Thiện. Không hiểu sao nói tới Đà Lạt và mưa phùn lại nghĩ đến Phạm Công Thiện. Có phải vì câu thơ "xa việt nam đà lạt và cà phê tùng cuối năm / tôi cúi đầu trong hầm cà phê figaro nữu ước" hay cái tựa đề một cuốn sách  của người thi sĩ / triết gia này chăng. Bay Đi Những Cơn Mưa Phùn.
  
   Thật ra, Nguyễn không quen Phạm Công Thiện. Chỉ thoáng thấy ông một đôi lần ở đâu đó, trong nhà sách Khai Trí, ở Quán Chùa hay một phòng triển lãm tranh... Sang Mỹ, lần duy nhất được gặp ông là ở quán cà phê Lup Studio của Lê Uyên trên đường Brookhurst, cách đây cũng   đã dăm bảy năm rồi. Đêm đó, Nguyễn được bạn văn Ninh Hạ mời uống rượu ở ngoài hàng hiên. Bên trong quán, ca sĩ Thu Phương - từ Việt Nam qua - đang hát. Một lát, Lê Uyên ra xin rượu cho Ý Lan và Phạm Công Thiện. Trước khi tàn cuộc hát của người ca sĩ, Phạm Công Thiện từ biệt ra về, giọng nói có vẻ hơi say. Lúc này, tóc ông đã bạc.
   Chỉ có thế. Những cuộc gặp gỡ thưa thớt không để lại gì và cũng chẳng nói lên điều gì cả. Về tác phẩm của Phạm Công Thiện, Nguyễn có đọc Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ & Triết Học, và loáng thoáng một vài trang thơ. Trong đó, Nguyễn thích nhất là bài thơ được Lê Uyên Phương phổ nhạc và hát trong CD Tình Như Mây Cõi Lạ. Bài Tôi Đứng Trên Đồi Mây Trổ Bông:
mười năm qua gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây
gió thổi đồi tây hay đồi đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông
gió thổi đồi thu qua đồi thông
mưa hạ ly hương nước ngược dòng
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa đông

 Phố Đà Lạt mưa bay

Tôi Đứng Trên Đồi Mây Trổ Bông. Một lúc nào đó, trong một sáng mây xưa kéo về đầy trời hay một chiều mưa phùn trên khu rừng Dogwood, em nghe lại bài hát. Lời thơ, tiếng đàn thùng và tiếng hát rất mâle - đầy chất đàn ông của Lộc, ôi tuyệt vời!... Và Nguyễn vẫn nghĩ, Phạm Công Thiện đúng là một thi sĩ. Thế nhưng, có người đã nghĩ khác. Điều đó Nguyễn được biết qua một đoạn văn Quỳnh Thi chuyển đến hồi còn tờ Phố Văn. Sau đây là những lời trong bài viết:
   "Đọc bài viết của Phan tấn Hải về nhà thơ Thiền sư Phạm Công Thiện, tất cả tôi hoàn toàn đồng ý. Chỉ duy một điều ông Phan Tấn Hải tôn vinh Phạm Công Thiện là một vị Bồ Tát hiện còn tại thế, tôi cho rằng ông Hải tâng bốc hơi quá đáng có phần lố lăng, và tôi cũng nghĩ rằng điều đó sẽ làm cho nhà thơ Phạm Công Thiện thêm phần bối rối.
   "Những sinh viên học sinh ở miềân Nam Việt Nam vào thập niên 60 và 70, hầu hết ai cũng đều đọc hoặc nghe danh Giáo sư Phạm công Thiện không nhiều thì ít. Ai cũng phải công nhận Phạm Công Thiện là một người hết sức thông minh hay là một thần đồng của văn học Việt Nam. Nhưng danh tiếng thì lẫy lừng, đồng thời tai tiếng về đời tư cũng không phải là ít. Thí dụ như ông là một người rất là kiêu ngạo. 

 Phạm Công Thiện, Thế Phong, Đinh Cường

   "Vài ba mươi năm trở lại đây chưa thấy Phạm Công Thiện có một công trình nghiên cứu hay quyển sách nào tầm cỡ viết suy luận về triết lý Phật giáo. Nếu tôi không lầm thì ông chỉ in có một quyển tùy bút "Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất". Điều đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên, vì phần nhiều những tài năng của văn nghệ sĩ, nếu họ phát rộ ra sớm thì thường lụi tàn sớm thế thôi. Có điều nếu đã được coi là một vi Đạo sư minh triết của Phật giáo thì không thể chỉ có một vài quyển sách mà đủ! Huống chi lại được gọi là vị Bồ Tát! (Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một vị học giả danh tiếng Thế Giới, dù có tôn kính cách mấy cũng chưa ai dám xưng tụng ông là Bồ Tát)
   "Được gọi là vị Bồ Tát của Đức Phật phải là một  người hay một Thiền sư đã Giác Ngộ. Theo triết lý đạo Phật thì người nào chưa đạt được kinh nghiệm Giác Ngộ thì người đó chưa thể gọi được là Bồ Tát, mặc dù người đó là Đức Đạt Lai Lạt Ma, Suzuki hay Krishnamurti đi chăng nữa." (Houston 14 - 11 - 2006)
   Theo Nguyễn nghĩ, sở dĩ người ta gọi Phạm Công Thiện là Bố Tát chẳng qua vì ông có một  thời khoác áo làm tu sĩ và có viết một số sách về Phật Giáo. Thế nhưng, đi tu chỉ là một thời, về sau chính ông từ bỏ: anh không còn làm tu sĩ / anh chỉ còn hương trong giấc ngủ - Ngày Sinh Của Rắn). Vả lại, chúng ta từng biết ngày xưa, trước 1975, có nhiều người cạo trọc đầu, mặc lên mình chiếc áo tu chẳng qua là "lánh việc quan, đi ở chùa". Thế thôi.  
   Trở lại với Phạm Công Thiện. Vậy chân dung đích thực của ông như thế nào? Như trên đã nói, Nguyễn  nghĩ  ông là một thi sĩ đích thực. Còn ngoài ra, những từ xưng tụng đao to búa lớn như thần đồng, triết gia, đại giáo sư, bồ tát v.v… chỉ là lời tâng bốc. Phạm Công Thiện là một thi sĩ - với nghĩa đẹp đẽ của từ này. Cũng si mê những cuộc tình với người nữ (như Hương trong Ngày Sinh Của Rắn, chẳng hạn), cũng say sưa và đắm chìm trong men rượu ở những quán giang hồ dọc trên hành trình của kiếp nhân sinh, và có những bài thơ xuất sắc. Cao Đông Khánh, lúc sinh thời, cũng phác họa chân dung Phạm Công Thiện như vậy. Ngoài ra, Khánh còn kể đã có lần Phạm Công Thiện đụng độ với Mai Thảo vì một mỹ nhân nào đó. Nguyễn Ngọc Tuấn gần đây cũng phát biểu trên website Tiền Vệ: Phạm Công Thiện ao ước trở thành một nghệ sĩ lớn, như Rimbaud, trong khi nhiều người cầm bút khác lại ca tụng Phạm Công Thiện như là một triết gia. Tôi thì tôi coi Phạm Công Thiện chủ yếu là một nhà thơ và một nhà tuỳ bút."


 Thơ Phạm Công Thiện

   Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc cũng yêu hình ảnh một Phạm Công Thiện thi sĩ. Ông viết: "Tôi yêu biết bao cái hình ảnh của thanh niên Phạm Công Thiện, của chàng thi sĩ mơ mộng 23, 24 tuổi ngày nào cùng với người bạn trẻ trạc tuổi, Eduardo Zalamea -một thi sĩ Mỹ châu La Tinh- đi lang thang trong khu phố Greenwich Village tại thành phố New York để bán những bài thơ mình làm trong các quán cà phê  từ công trường Washington Square đến Sheridan Square. Ôi, mỗi bài thơ bán chỉ có một dollar cốt đủ tiền để mua sữa tươi và gà nướng ăn qua đêm. Vậy mà nhiều lúc không ai thèm mua thơ, để hai kẻ đắm đuối thơ mộng phải ngồi run lạnh dưới đèn đường. Và rồi "hai thằng bán thơ bước đi lầy lội trong những con đường khuya tuyết rã!" (Đêm và ngày và Phạm Công Thiện…)
   Tới đây, có lẽ ta đã có được chân dung đích thực của Phạm Công Thiện: Ông là một thi sĩ và chính ông lấy làm hãnh diện về điều ấy. Bây giờ thì Nguyễn mời quý độc giả đọc một đoạn thơ của Phạm Công Thiện trong bài Ngày Sinh Của Rắn:
trời mưa nữu ước cây mọc
nhớ hương trời mưa ngày tháng
nhớ hương đường hoang mái vắng
nữu ước chỉ còn hương trong giấc ngủ
tim anh tràn máu
con chim đã bay về rừng đạn
anh không còn làm tu sĩ
anh chỉ còn hương trong giấc ngủ
anh chỉ còn máu để đổ vào tim hương
đổ vào tám tách cà phê đen
anh uống mỗi đêm
tại greenwich village
tại làng thi sĩ
tại đường khói bay
tại hương trong giấc ngủ
tại chiều ba mươi tết ở việt nam
bây giờ anh xa hương đến
mấy đại dương xanh
mấy phương trời cỏ mọc
mấy phương trời hương khóc
hương còn ca hát
hương còn phơi áo giữa phố buồn
hương còn cười
mười năm rồi cây quế
vẫn mọc trên đời anh
Cuối cùng, xin cảm ơn thi sĩ. Bay đi những cơn mưa phùn...
(Tổng hợp)


NXT

No comments:

Post a Comment