Friday, January 21, 2022

NHƠN CHUYỆN HALLEY

Tố Nghi
 
Sao chổi Halley dẫn đường Ba Vua
 
Tuồng Kouzina Politica, chiếu tại Phố Văn dạo nọ, kể chuyện cụ chủ tiệm tạp hóa hương liệu dạy khôn thằng cháu "nếu buộc phải nói, cứ nói về những chuyện không nhìn thấy, bị chúng hấp dẫn nhiều lần hơn những cái nhìn ra và nhìn rất rõ" - Qua tuổi teen, thằng cu còn được gái khuyên thêm "đừng nói với em ánh sao đang tỏa sáng trên bầu trời kia thực ra chỉ là dư âm của một thiên hà đã tắt" - Có lẽ vậy nên chuyện vũ trụ luôn là chuyện mơ huyền thiếu mạch lạc, nghe nó rồi sanh thắc thỏm, cùng lúc lại tò mò muốn nghe thêm. Thế là khởi đầu màn hấp dẫn phấn kích!
 
Bữa 6 tây tháng giêng, tui đớp Galettes des rois lấy sức hạ thông và đồ trang trí giáng sanh mang cất. Galettes des Rois là bánh truyền thống ăn trong dịp lễ Ba vua. Chuyện kể rằng... Ba vua được sao giáng sanh dẫn đường tới hang Bethlehem thờ lạy chúa hài đồng trong máng cỏ. Ngoài vàng hương mộc dược... nấu phở, ba ông còn mang theo cả bánh ngọt galette... tráng miệng. Ai ăn galette thì kinh thánh làm lơ, nhưng bảo đảm Hài đồng Jesus còn bú sữa, không ăn được vì răng cỏ chưa có. Còn chuyện sao chổi Halley dẫn đường ba vua thiệt hư hổng tường, biểu vậy biết vậy, chớ chắc thì hổng chắc.
Khi thiên văn học trở nên một ngành của khoa vật lý, chăm chỉ hướng viễn vọng kính lên trời ngó sao đặng tường trình khai báo cùng thế giới, thì “sao chổi học” biến thành nhánh riêng cho các thiên văn gia thích xách chổi chà quét nhà tìm... rác vũ trụ. Rồi đám sao kiếm ra được định danh định vị trong bảng phong thần theo thời điểm phát hiện đặng khỏi có màn lẫn lộn, sao nọ dẫm chơn lên sao kia, y chang kiểu “siêu sao nghệ thuật”. Chỉ thấy ở trái đất, sao nghệ thuật khác sao vũ trụ vì đã tiến hóa nên đực cái  phân miêng. Ngộ cái, sao nghệ thuật chỉ tuyền sao cái thôi nha, còn sao vũ trụ là sao trời nên chưa kịp... phân giống !
 
Sao trong hiểu biết bình thường của chúng ta là những điểm lấp lánh khi tối trời và tốt trời.
Sao theo định nghĩa thiên văn học, là định tinh phát ra ánh sáng, trung tâm của "hành tinh hệ - planetery system". Planets (hành tinh) có qũi đạo quay quanh mặt trời.
Thái dương hệ của chúng ta có sao mặt trời.
Trái đất là hành tinh trong Thái dương hệ.
Satellite (vệ tinh) có qũi đạo quay quanh hành tinh. Mật trăng là vệ tinh của trái đất.
Thái dương hệ ngoài hành tinh vệ tinh, còn hằng hà sa số các vật thể khác nhỏ hơn, asteroids, comets, meteroid... v.v, đếm hổng hết.
 
Thái dương hệ chia thành hai vùng : Vùng trong, inner space, gần mặt trời nên sáng và nóng, với 8 planets, trong đó chỉ Earth là có nước và có sự sống. Vùng ngoài, outer space, xa mật trời, tối và lạnh với 3 planets lùn, dwart planets vì kích thước nhỏ.
Comets, asterois, meteroids từ đám bụi đất tạp nhạp dư thừa tụ lại sau khi các planets đã thành hình, chúng cũng di chuyển trong qũi đạo riêng y chang planets. 
 
Comets được chia thành 2 nhóm theo độ lớn qũi đạo : Short periode có orbit dưới 200 năm, long periode có orbit trên 200 năm. Qũi đạo comets hầu như rộng, trài dài từ inner ra luôn tới sát bờ outer space, nơi tận cùng của vụ trụ. Do rộng vậy nên trên đường đi, comets còn bị ảnh hưởng bởi sức hút của các planets dọc đường.
Số lượng tìm ra tăng dần và tăng lẹ, hơn 5,200 comets được nhận diện. Nhiều vậy nên tên tuổi hẳn là khó nhớ. Rồi để đơn giản hóa, comet được nhận diện bằng mã code theo số thứ tự lúc làm khai sanh, Halley1P, Wirtanen 46P, Chouriomov-Guerassimenko 67P vv.. P viết tắt từ period hay periodic, hàm nghĩa theo chu kỳ, xài riêng cho short periode comets. Năm chu kỳ của 1P là 75, của 67P 6.5, của 46P 5.4 .v.v.
 
Khác asteroid, comet có thêm gaz và nước. Khi comet xa mặt trời (trong outer space) gaz và nước hoàn toàn ở thể rắn, comet như một trái banh tuyết bụi bặm, a dirty snowball. Chừng tiến gần tới mặt trời thì trái banh ấy nóng lên như núi lửa hoạt động, gaz và nước đang ở thể cứng bổng “thăng hoa” biến thẳng thành hơi. Đám hơi ấy bao quanh comet, kêu bằng vòng “coma”. Khi comet di chuyển, coma bị kéo dài thành cái đuôi phía sau như cán chổi - nên được người mình định danh là "sao chổi"
 
Rất có thể chỉ trái đất mới có nước và có sự sống, vậy sự sống trái đất ở đâu ra và bắt đầu từ lúc nào ?
Hỏi xong, đám khoa học (thiên văn, vật lý, sinh học, sinh hóa...) mới chụm đầu bàn bạc, rằng nếu  comets cũng có nước như trái đất, thì có lẽ comets là phần tử của solar system còn sơ khai chưa kịp tiến hóa như các planets chăng? Thành ra... nghiên cứu comets rất có thể sẽ là chìa khóa để mở ra cánh cửa bí mật của sự sống và vũ trụ.
Rồi nhơn loại dùng hoả tiễn mang phi thuyền (tức vệ tinh nhơn tạo) chứa máy móc kỹ thuật (và cả người) lên không gian để quan sát chụp hình gởi về trái đất. Chương trình thám hiểm không gian trở thành cuộc chạy đua của các đại cường nhằm khẳng định đẳng cấp và vị trí với toàn thế giới.
 
*
 
Rosetta - Mission Impossible.
Năm 1993, thành hình Cơ quan không gian liên hiệp âu châu ESA với 17 quốc gia do 5 nước lớn dẫn đầu (tính theo khả năng góp nhân lực và vật lực) pháp, đức, anh, ý, tây ban nha (không có nga xô).
ESA đưa phi thuyền lên không gian bằng hoả tiến Ariane của pháp, phóng từ trung tâm không gian Guiana ở Kourou, trong vùng French Guiana, lảnh thổ liên hiệp pháp tại nam mỹ
 
Rosetta thám hiểm 67P, phi vụ sao chổi đầu tiên của nhơn loại, do tổ chức khoa học không gian âu châu ESA chủ xướng. Là một phòng thí nghiệm cao cấp, hoạt động bằng năng lượng mật trời với 11 máy móc tối tân, Rosetta sẽ bay quanh comet, chụp hình thu lượm phân chất tổng hợp những dữ kiện khoa học và các thay đổi hoạt động của 67P khi tiến gần mặt trời để gởi về tổng hành dinh ESA dười đất.
Đặc biệt Rosetta còn thả xuống Philae và để luôn lại trên mật 67P. Philae là một phòng thí nghiệm nhỏ, cũng hoạt động bằng năng lượng mật trời. Tại chỗ, Philae đào đất đá và hít thở "khí trời", phân chất lượng phẩm rồi gởi lên Rosetta đang bay lòng vòng bên trên. Philae còn sẽ đi cùng với 67P tới gần mật trời, để ghi nhận những thay đổi hoạt động của comet dưới sức nóng mật trời  v.v. Tất cả các dữ liệu thu thập được sẽ gởi cho Rosetta chuyển về tổng hành dinh ESA dười đất.
 
Sứ mệnh của Rosetta ngó chừng quá lớn.
Không như thiếu phụ Nam Xương đất việt hiền hòa ẵm con lẳng lặng chờ chồng. Thiếu phụ Nam Xương trời âu nai nịt gọn gàng, cõng thằng Philae vượt đường dài đúng kế hoạch bài bản : Trước tiên kiếm cho ra ông 67P để trao con, rồi dặn chừng thằng cu theo sát bố, nhứt cử nhứt động méc lợi cho mẹ đặng bà còn kịp thời... tạt át xít
ESA đưa Rosetta lên, cho dong ruổi 10 năm dằng dặc, vượt 6.4 tỉ cây số (billions kilometers) mới tóm được bạc tình lang 67P lúc chàng vào inner space, sửa soạn tới điểm hẹn gặp gỡ Thái dương thần nữ tình nương.
 
ESA dự thảo chương trình rất chu đáo. Khi ra ngoài không gian,  Rosetta thu năng lượng mặt trời, cắm cúi nhắm hướng chạy miết. Trên đoạn đường thiên lý ấy, trong những dịp "flyby" tới gần 1 thiên thể khác (trái đất, hoả tinh, asteroid...) ESA cho bà Rosetta làm màn "gravity assist", nghĩa là "trượt" trên lực hút của thiên thể ấy mà lấy đà, để hoặc gia tăng vận tốc hoăc điều chỉnh chánh xác hướng đi.
Chạy một chập 7 năm dài ngó chừng đâu đó ổn thoả, ESA theo đúng thảo chương, bật nút OFF cho Rosetta ngủ dưỡng sức bảo toàn năng lượng, một giấc ngủ dài hơn 2 năm, để bà cứ thế thong thả xuôi dòng trôi dần. Mãi khi tới gần qũi đạo 67P thì Rosetta thức dậy - tằng hằng một tiếng thị uy cho đám ESA dưới kia nhẩy cẫng reo hò -
 
Lọt vào qũi đạo 67P rồi, Rosetta trước tiên tiến gần bạc tình lang chụp hình túi bụi coi dung nhan long thể thế nào, xong lòng vòng tìm chỗ nắng ấm đặng thả thằng Philae xuống, nhờ nó hành nghề gián điệp thu thập tin tức.
Ngờ đâu, mưu sự tại nhơn mà thành sự tại thiên, bà Rosetta lúc thảy thằng Philae xuống, do stress quá xá stress nên sanh lọng cọng, thằng bé lăn kềnh ra, tưng lên vài bận, xong rớt xuống bất động, head trauma nặng nề, thế là nó lăn ra hấp hối !
Đây hẳn là ý trời - hoặc do thiên vị thần nữ Thái dương, hoặc muốn tránh trận uýnh ghen kinh thiên động địa có lẽ -  nên dzồi... cuộc gập gỡ trăng hoa giữa ông 67P và cô Thái Dương đã kín như bưng, không hé lộ mảy may dấu vết. Trong inner space sau đó, ESA vẫn để bà Nam Xương bay lòng vòng quanh bạc tình lang mần màn hy vọng.
 
Khi 67P rời inner để ra lại outer space 2 năm sau, thì mission Rosetta đi vào kết thúc, Rosetta theo đúng dự trù được khai tử, chấm dứt luôn mối tình vô vọng khổ đau.
Thoạt tiên ESA định cho Rosetta nổ cái đùng, cháy thành tro bụi ngoài không gian. Nhưng rồi có lẽ còn ấm ức và thương tiếc đứa con vắn số, nên họ tính toán để bà chết đoàn tụ cạnh con. Thiếu phụ Nam Xương tiến gần tới 67P, chụp hình ảnh gởi dzìa cho trái đất thấu đáo dung nhan đứa bạc tình sau cữ... coffee-intake. Tới đúng ngày giờ trợ tử, thay vì tắt máy "rơi tự do", bà Nam Xương thả thắng nhấp ga, mần màn "kamikaze" lao thẳng xuống, cốt để đo lường chuyện cọ sát - đằng nào cũng chết vì tình thì phải chết cách nào cho đứa bạc bẽo nọ không trầy cũng sứt... cả bình lẫn phin, một cú sứt ngoạn mục để nó khỏi cà phê cà pháo gì được sất nữa -
 
Trong lô hình ảnh gởi về trái đất chụp trước kamikaze, ESA nhìn ra được bia mộ của thằng Philae. Nó nằm lăn chiêng trong một hóc bà tó, tối thui thiếu ánh mặt trời. Thảo nào nó chẳng chết thảm sau 57 giờ hạ cánh. Trong 57 giờ ấy, Philae đã hoàn tất 80% sứ mệnh được giao phó, bằng năng lượng dự trữ sẵn trong bình ắc qui riêng, trong khi chờ bình sơ cua upload năng lượng mật trời từ đôi cánh thép. Chẳng may ra ánh mật trời đã không tới !
Bà Nam xương chết cái chết oanh liệt anh thư nữ kiệt. Những data thu thập từ sứ mệnh lịch sử của bà và thằng bé con sẽ được trung tâm không gian âu châu ESA khảo cứu tìm tòi, có thể là dài dài trong cả thập niên tới. Theo tin tức tiết lộ từ ESA, thì những data này là của chung nhơn loại. ESA chỉ giữ  nó trong 6 tháng, rồi sẽ mở kho cho thế giới thong thả xài chung
 
Phi vụ Rosetta kéo dài 12 năm (2004-2016) chưa kể thời gian tính toán, hoạch định, dự trù, soạn thảo chương trình trước đó. Chi phí tốn kém sau cùng lên tới 1.3 tỷ euro (1.8 tỷ mỹ kim), để tìm ra những kết quả sau đây về sao chổi 67P :
1. 67P có 2 thùy phình ra ở hai đầu, hình dạng giống trái đậu phọng.
2. Đất của nó mềm chớ hổng cứng.
3. Chứa  glycine và phosphorus, hai tiền chất của aminoacids. Aminoacids tổng hợp thành protein, chất cơ bổn của sanh vật.
4. Nhưng... nước của 67P là nước nặng deuterium H2O2, không như nước trái đất H2O.
 
Tới nay, không rõ, chưa rõ những khám phá này sẽ ứng dụng cách nào trong khoa học xã hội nhơn văn, nhưng chắc chắn 1.8 tỷ mỹ kim chi ra ấy sẽ giúp ích rất nhiều cho các nước đói nghèo của thế giới thứ ba.
Cuộc chạy đua vào không gian nay còn có thêm tàu cộng góp mặt - nghe nói chúng đã gởi lên để lại ở mặt trăng sau (khúc khuất chìm trong tối) một gói chi đó cốt... lấy tiếng -
Cao hơn và xa hơn, hoả tinh chừ là hướng nhắm của các chương trình thám hiểm không gian hiện nay trên thế giới.
 
*
 
Với bà Rosetta tui có chút tình riêng.
Năm 2004 tía trở bịnh nặng, mỗi bữa qúi nữ vào nhà thương đút ăn, mở TV entertain thân phụ, trùng lúc ESA sửa soạn phi vụ Rosetta. Đài âu châu chỉ toàn tin tức chi tiết đường đi nước bước của Rosetta thôi, vì nếu thành công sẽ là niềm tự hào chung của toàn Liên hiệp châu âu. Dĩ nhiên là tía không hiểu nếu không có phụ đề việt ngữ của qúi nữ.  Nghe là nghe vậy chớ thiệt sự hổng rõ ông có thích nghe và thấu đáo được bao nhiêu phần. Rosetta theo dự trù sẽ kết thúc 10 năm sau đó.
Nhớ có lần ông độ chừng "hồi Rosetta tới điểm hẹn chắc là tía không còn". Mà ông không còn thiệt. Tía mất năm 2007, khi bà Rosetta còn lơ lửng đẩu đâu, đang trượt tới trượt lui trên sức hút của các thiên thể đọc đường mần màn gia tốc và nhắm hướng.
 
Theo cùng cái chết của bà Rosetta, một chương đời với tía đóng lợi, và ngàn nỗi ngậm ngùi.
Tin Ariane 5 đưa James Webb vào vũ trụ ngay tối giáng sanh 2021 thinh không làm bùng dậy tro tàn quá khứ. Kỷ niệm với tía ào ạt trở về.
Cuộc sống vẫn trôi, nhưng kỷ niệm sẽ sống mãi. I miss you, daddy. I really do.... !
TỔ NGHI
  

No comments:

Post a Comment