Monday, March 27, 2017

MÀU XANH TRONG THƠ SIÊU THỰC HẢI PHƯƠNG


Lâm Văn Sang

Tác phẩm của Hải Phương

Hải Phương & Nguyên Minh

Ngoài bãi đậu xe thênh thang gió lộng của một buổi chiều cứu lụt miền Trung được tổ chức ở khu Lion, San Jose, tôi gặp hải Phương đứng co ro một mình trong đám đông hướng mắt nhìn lên sân khấu phía trước. Chào hỏi đôi câu, ông bảo tôi đứng yên tại chỗ để ông chạy ra xe lấy tập thơ. Lại một tập thơ nữa cho thế giới toàn người làm thơ ở San Jose. Tôi ái ngại. Thương cho tập thơ thì ít mà lo ông phải chạy đi chạy lại giữa trời giông gió vì tập thơ thì nhiều. Ông bảo đảm xe đậu gần đây thôi và biến biến mất vào đám đông, đi ngược về phía chợ.

Tập thơ Cám Ơn Tháng Giêng Biêng Biếc Ngực Em Cười (CƠTGBBNEC, Queen, 2006 của Hải Phương đã đến với tôi như thế, trong túi áo mùa đông.
Từ lâu lắm rồi tôi mới đọc được một tập thơ như CƠTGBBNEC của Hải Phương. Những người làm thơ khác ở San Jose (và một phần khác ở hải ngoại, những người có dịp ghé qua thành phố này ra mắt sách của họ), những thi tập khác (cá nhân hay tập thể) vẫn tạo cho tôi cảm giác bất ổn. Chúng ta vẫn tự hào một cách chung chung về chuyện đã mang cả sinh hoạt văn hóa (văn học nghệ thuật) của miền Nam ra hải ngoại và từ đó đã tiếp tục phát triển sinh hoạt này theo chiều hướng tự do hơn, phù hợp với điều kiện dân chủ ở đất nước này. Tin tưởng như thế và tiếp tục bịt mắt mình, chúng ta đã đi một đoạn đường khá dài, hơn 30 năm.

Nhà văn Ba Lan Witold Gombrowicz cho rằng văn chương không phải là một xí nghiệp, cũng không phải là một sản phẩm xí nghiệp. Ông đúng. Không phải mọi thứ được in ra đều là tuyệt phẩm. Thế giới chỉ có một số ít nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. (Tôi cũng không biết Gombrowicz là ai trong trường hợp này nếu tên không được một nhà thơ Ba Lan nổi tiếng khác, ông Czelaw Milosz nhắc đến). Dường như, liều thuốc ngủ Gombrowicz đã giúp một số người sáng tác nhắm mắt tiếp tục đi tới.
Kế thừa là chuyện dễ nói hơn dễ làm trong văn chương nhắm và bịt mắt. Thế giới thơ ở San Jose đã không tiếp nối trào lưu sáng tác thơ đa dạng ở miền Nam trước năm 1975. Đọc thơ ở đây, người ta sẽ kinh hoàng chợt nhận ra thế giới thơ từ 1975 cho đến trước đó, năm 1954, đã bị xóa trắng một cách oan uổng. Người ta (tôi) có thể tin theo nhà thơ lưu vong Milosz trong nhận xét:
“Những người làm thơ lưu vong thù ghét hiện tại và tương lai; họ hướng mắt về quá khứ.”

Quá khứ của người làm thơ ở San Jose là trước 1954, hay đúng hơn là của quá khứ thời tiền chiến. Người ta tiếp tục trở về với chuyện thơ vần hay thơ không vần và tạo cảm tưởng những gì có vần tức phải là thơ. San Jose từ lâu nay đã trở thành một xí nghiệp thơ, sản xuất ra những vần điệu nghiêm chỉnh đóng thành tập.

Hải Phương trong CƠTGBBNEC đã phá cái tập quán thơ xí nghiệp đó.
Ông làm thơ lâu lắm rồi. (Nhiều người khác ở đây cũngmóc gan ruột ra tuyên bố tương tự như một nhãn hiệu cầu chứng cho những gì phát xuất từ 1954 cho đấn 1975 mới là chính hiệu). Ông in tập thơ đầu tiên Tuổi Tình yêu (1962), rồi một tập thơ khác, Con Đường Tình Nhân (1964), và một tập truyện Giấc Ngủ Của Biển (1964). Ông không còn tập truyện nhưng còn giữ được hai tập thơ. Trên những trang giấy đã úa vàng đó, tôi đã bắt gặp được một hải Phương gần nửa thế kỷ trước. Ông là một nhà mô phạm, có bằng cấp cử nhân văn chương Việt Hán, cử nhân triết, viết tiểu luận về Martin Heidegger. Ông đi dạy học khắp nơi ở miền Nam, đi lính, trở về ngồi Bộ Giáo Dục VNCH, đi tù rồi đi Mỹ cuối năm 1990. Đọc Tuổi Tình Yêu, Con Đường Tình Nhân, người đọc (tôi) bỗng tìm thấy lại tuổi trẻ mình qua ngôn ngữ thơ của một thời (vàng son) quá khứ. Vâng, đã có một thời người làm thơ trở đi, trở lại với những chữa hữu hạn như: Đông phương huyền nhiệm, tuổi tôi, căn phần, vong thân, ngựa, giọt buồn, tồn lưu, thế kỷ, ăn năn, cô độc, tuổi trẻ.

Nói như nhà thơ Octavio Paz: “Con người là hữu thể tự tạo ra chính mình trong việc tạo ra ngôn ngữ. Bằng phương tiện chữ, con người là ẩn dụ của chính hắn.” Đã có một thời những chữ nói trên là ẩn dụ của thơ miền Nam.
Ở những trang cuối của tập Con Đường Tình Nhân, trong bài thơ xuôi Khi Tình Yêu Trở Giấc, người đọc được một Hải Phương lãng mạn:
“Sao em không khóc sao em không khóc cho tình yêu lớn lên trên tâm hồn anh cô độc chiếc hôn mềm như thuở mới yêu nhau sao em không khóc đòi hẹn hò như thuở mới quen tên.”(tr.69)

Giòng chảy đó ngừng lại từ năm 1964 ? Và bây giờ, năm 2006, tại sao.
CƠTGBBNEC, tại sao cái khoảng cách ghê hồn đó ? Ông bắt đầu lại từ bao giờ? Những bài thơ không ngày tháng trong CƠTGBBNEC không cho chúng ta biết gì nhiều hơn ngoại trừ ở một số nơi, tác giả nhắc đến chuyện bước vào năm 2000 (bài Thơ Ta Năm Hai Ngàn Năm, bài Mùa Xuân Năm Hai Ngàn Gấp Lề Trang Thế Kỷ).
Đọc Hải Phương là đụng đầu với triết học. Triết học trong thơ, tại sao không? Đọc Czeslaw Miloz, người thấy càng về sau, thơ ông càng nhuốm màu sắc Triết. Hải Phương khác hơn, ông xác định điều này ngay từ đầu. Bài Ca Tụng trong tập thơ đầu tiên Tuổi Tình yêu, ông đã viết: “Tôi cúi đầu nghe ngôn ngữ hiện hình và TRIẾT HỌC với TÌNH YÊU huyền nhiệm.” (tr. 11)

Với Milosz là triết học của Simone Weil. Với Hải Phương là: “từ Platon dến Aristote từ Kant đến Husserl từ Gabriel Marcel đến Marleau Ponty từ Karl Jasper đến Nietzsche từ Holderlin đến Jean Paul Sartre từ William Faulkner đến Apollinaire từ Socrate đến Khổng Tử từ Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn đến Mùa Thu Lá Bay từ Thích Ca đến Christ từ hiện tượng đến siêu hình từ Marxism đến hiện sinh truồng chạy từ ta đến em vong thân.” (CƠTGBBNEC, tr. 20)
Đọc Hải Phương là đọc thơ siêu thực. Phong trào siêu thực chính thức chết ở Paris từ năm 1969, ba năm sau cái chết của Andre Breton. Nhưng siêu thực không chết trên thế giới và ở miền Nam Việt Nam trước kia. (Tương tự thơ Đường không chết theo nhà Đường, không chết theo Bà Huyện Thanh Quan). Andre Breton, Paul Eluard là hai nhà thơ siêu thực được thế giới biết đến, được Việt Nam mến mộ. CƠTGBBNEC là bằng chứng thơ siêu thực vẫn sống còn qua thơ Hải Phương, bây giờ. Người có thể vẫn còn lo ngại đến chuyện thơ siêu thực khó hiểu, không thể giải thích mặc dù người ta có thể đồng ý với cách giải thích của Breton, “Thơ? Thơ không ở nơi người ta tin là nó hiện hữu} . Thơ hiện hữu ở ngoài chữ nghĩa, ngoài văn phong .” (Poesie? Elle n'est pas  où on la croit. Elle existe en dehors des mots, du style, etc...)”

Octavio Paz không tin vào thơ siêu thực nhưng ông tin rằng người làm thơ phải vượt lên trên ngôn ngữ. Thói thường vẫn nghĩ rằng: “Mọi thứ đều có ý nghĩa bởi vì đó là một phần của ngôn ngữ”. Ông gợi ý khác hơn: “Không có điều gì có ý nghĩa bởi vì mọi thứ đều là ngôn ngữ”. Chữ (ký hiệu) và nghĩa (găùn cho ký hiệu, gắn vào ký hiệu) là câu chuyện dài. CƠTGBBNEC của Hải Phương là nỗ lực như Paz đã viết về thơ như : “ một điều gì đó chưa được nghe qua bao giờ, chưa được diễn tả trước đây, một điều gì đó vừa là ngôn ngữ vừa là chối từ ngôn ngữ và đi xa hơn ngôn ngữ:. (poetry, something never before heard, never before expressed, something that is language and at the same time something that denies language and goes beyond it). Trong một chừng mực nào đó, Hải Phương đang làm sống lại ngôn ngữ thơ Việt Nam qua CƠTGBBNEC.

Trên lộ trình đó, Hải Phương một mình, một cõi. Hành trình của CƠTGBBNEC mang Hải Phương trở lại quê nhà (Nha Trang) bằng trí nhớ. Ông gọi tên Le Beau Rivage nhiều lần tha thiết (Le Beau Rivage ơi/ con sóng vỗ hóa thân ta/ Le Beau Rivage ơi/ cát biển lẫn trong thơ những buổi sáng mai vỡ lòng ta vào lớp học) khiến người ta phải đặt dấu hỏi. Câu hỏi chỉ được trả lời ở trang 115 bằng chú thích là tên bãi biển Nha Trang trên bản đồ Đông Dương thời Pháp thuộc. Ông mở ra những chân trời xa lạ như :sinh nhật 115 năm cô đơn của Martin Heidegger, như trái tim ta nỗi buồn chưa kịp cũ, như ta giấu ta trong ngực em cơn mưa nhiệt đới, như đêm đọc ngữ vựng của thượng đế vắng mặt. Còn ai nhớ Le Beau Rivage, Martin Heidegger, Gabriel Marcel trong ký ức xa xôi đó bây giờ và sau này?. Người đọc (tôi) có thể sẽ còn nhớ mãi một Hải Phương mang màu xanh vào tháng giêng, vào cỏ biếc, vào trăng, vào biển, vào bóng mát và trên lá trùng điệp như nỗi ám ảnh ngập tràn trên 200 trang thơ củ CƠTGBBNEC.

Ông không quên màu xanh đó từ Con Đường Tình Nhân, tập thơ thứ hai xuất bản ở Sàigòn năm 1964. Ông cũng không quên màu xanh đó bây giờ. Màu xanh của quá khứ trên quê nhà vẫn chưa phai.
Tuần qua, Hải Phương gọi điện thoại. Gặp nhau ở Coffee Lovers, lần này ông mang đến một tập thơ khác, Một Thiên Thu Với Rộng Tà Áo bay vừa in xong (Queen, 2007). Lần này, tập thơ toàn lục bát với những bài nhạc phổ thơ ông của Lê Thương, Châu Kỳ, Lâm Tuyền, Đức Quỳnh. Ông cười rạng rỡ.


LÂM VĂN SANG
(V.Times số 31, ngày 29 tháng 12 năm 2006) 


2 comments:

  1. Chúc Chú Lâm Văn Sang và Chú Hải Phương sức khoẻ! Mong hồi âm của Chú.

    ReplyDelete