Monday, June 29, 2015

HƯƠNG OẢI HƯƠNG



Nguyễn Thị Huế Xưa


Nguyễn Thị Huế Xưa trên cánh đồng Lavender

Cuối tháng sáu mưa rỉ rả từng ngày, những cơn mưa nhỏ ­­­­­­­­­­­­­vào giữa mùa hè không những làm  xanh thêm màu xanh cỏ cây mà còn làm tăng thêm mùi hương nồng nàn từ những cụm hoa lavender quanh nhà. Từ thuở nhỏ tôi đã yêu những  cụm cây với cành lá dài đầy hoa li ti màu tím. Lavender hay còn gọi là Oải Hương đối với tôi là kỷ niệm, là tình cảm, tình yêu, và cũng là nỗi nhớ  tuyệt vời trong tâm tưởng.
Một ngày nào rất xa xưa trong trí nhớ, anh đã đến với tôi với nhánh Oải Hương trong tấm thiệp tím ngọt ngào lời chúc mừng tuổi hai mươi, rồi tuổi ba mươi, và những ngày tháng êm đềm tiếp tục với màu tím ngát hoa hương trong đời sống. Hương Oải Hương trầm mắt, mặn môi trong hạnh phúc lứa đôi. Tưởng rằng sẽ vĩnh viễn có nhau trong đời, nhưng tình yêu đã là một dấu chấm rất nhẹ nhàng trong câu văn ở trang sách cuối cùng. Với tôi, dẫu hạnh phúc đã xa bay nhưng hương Oải vẫn còn thơm mãi chăn chiếu âm thầm. Bạn bè tôi biết tôi mê mùi Oải hương nên bất cứ sinh nhật nào tôi cũng nhận đầy ắp quà là những linen spray, candles mùi lavender, và nhánh Oải hương khô trong tấm thiệp như ngày nào. Ôi, đẹp làm sao tình bạn, thương sao những kỷ niệm quấn quanh mùi Oải Hương ngây ngất.

Nguyễn Thị Huế Xưa trên cánh đồng Lavender

Tôi nhớ năm đi Pháp với phái đoàn trong sở làm, lúc đến thăm một ngôi nhà thờ  ở miền Nam nước Pháp, trái tim tôi đã rộn ràng khi thấy bụi hoa lavender mọc bên ven nhà thờ.  Steve, người bạn đi chung có lẽ đã thấy được sự mừng rỡ khác thường trong ánh mắt của tôi nên anh đã ân cần chụp cho tôi một tấm hình bên bụi hoa dễ thương đó. Đối với tôi, tấm hình đó trở thành bất hủ vì không có hình ảnh nào đẹp bằng sự yên lành, thánh thoát từ màu tím tinh khiết của cụm hoa lavender bên cạnh nét đẹp cổ kính, trang nghiêm của ngôi nhà thờ cổ. Khi ngồi viết bài này, tôi chợt nhớ tới một bài thơ lãng mạn viết vào một đêm mùa đông.
đêm nay
anh ngồi viết cho em
bản tin thời tiết nói tuyết sẽ rơi vào lúc 2 giờ sáng
những mái nhà lặng thinh...
hình như giờ này những bụi hoa lavender trước ngôi nhà thờ cổ vẫn còn thức*

Hoa lavender, mùi Oải hương còn thức mãi trong tôi như hương vị tình yêu tôi trân quí dành cho một quá khứ dù đã chôn vùi nhưng lúc nào cũng vẫn là tình yêu không thể chối bỏ. Một thời, một đời, một mảnh tình nguyên vẹn, vĩnh cữu. Có lẽ vì thế mà từ đó tôi không thể yêu ai vì những mạch máu trong trái tim đã ngưng luân chuyển ở một thời điểm xưa tích, bất tận với nhánh Oải Hương là dấu ấn của một cuộc tình.

Tiếp tục trong chuyến đi dài 12 ngày ở Pháp, bất cứ nơi chốn nào chúng tôi đặt chân đến Steve cũng cố tìm kiếm cho được bụi lavender cho tôi. Steve và tôi có một tình thân rất đặc biệt, anh lớn tuổi hơn tôi và cả hai chúng tôi đều làm việc chung với nhau đã gần ba thập niên. Trên chuyến đi này, chúng tôi có dịp ngồi chung trên xe lửa đi qua những miền thôn dã với những cánh windmill xoay xoay thanh bình trong gió, những thác nước đẹp mê hồn trên triền núi cao hùng vĩ. Xe lửa lướt êm, trong khung cảnh yên lành đó, với ly rượu vang trong tay, Steve đã chia xẻ với tôi về tình thương yêu anh dành cho bà mẹ, người đang mang bệnh lãng trí Alzheimer, bà đang ở trong viện dưỡng lão ở một tiểu bang miền bắc. Steve là con một nên rất gần gũi với mẹ. Mỗi ngôi nhà thờ chúng tôi viếng thăm, Steve đều rủ tôi vào gift shop để mua về cho mẹ những chui hạt thánh giá. Anh cho biết mẹ anh rất ngoan đạo, dù bị ln nhưng không tối nào bà quên lần chuổi hạt rosery và đọc kinh cầu nguyện. Bên Pháp cách ch mẹ anh ở 8 tiếng cho nên Steve phải canh chừng giờ giấc và mỗi ngày đều gọi về hỏi thăm mẹ. Có hôm, sau khi nói chuyện với mẹ xong Steve rưng rưng nước mắt, anh nói với tôi “ cô biết không, sau khi chuyện trò với tôi xong, tôi chúc mẹ ngủ ngon thì bà lại hỏi tôi ...ông là ai? ”. Ôi xót xa quá.

Cũng nhờ chuyến hành trình đó mà tình bạn giữa tôi và Steve càng thắm thiết hơn bao giờ hết. Trong chuyến đi tôi còn có thêm một người bạn mới, Father Luis,người với vóc dáng to lớn, bề ngoài có vẻ nghiêm nghị nhưng thật sự ông rất nhu hòa, hiền lành. Có những buổi được rảnh rỗi, tôi cùng Steve và cha Luis rủ nhau đi lang thang giữa trời Paris. Chúng tôi đi dưới những hàng cây marron mướt lá xanh, đi qua những cơn mưa phùn giữa lòng thành phố lãng mạn với những căn nhà xây theo lối cổ, chúng tôi  hít thở hương cafe thơm ngát thoảng qua từ những quán nhỏ bên vỉa hè.  Trong khoảng thời gian ngắn rong chơi đó, Father Luis đã dừng lại ở những kiosk mua cho tôi những món bánh làm với hương vị oải hương.  Tháng sáu, Paris còn sắt se lạnh và mưa phùn bay lất phất. Đi giữa thành phố lãng mạn đó, tôi đã  hát nho nhỏ cho cả Steve và cha Luis nghe bài hát mà tôi rất yêu thích mỗi lần nghe Ella Fitzgeral hát:

That I love Paris in the spring time
I love Paris in the fall
I love Paris in the winter when it drizzles
I love Paris in the summer when it sizzles
I love Paris every moment
Every moment of the year

I love Paris, why oh, why do I love Paris?
Because my love is near
*

Phải rồi, tôi đã yêu Paris từ lần đầu tiên đến cách đó 10 năm bây giờ trở lại tình yêu còn nồng nàn hơn mặc dù.... my love is no longer near...người năm cũ đã xa thật xa.
Vì mải mê rong chơi nên chúng tôi bị lạc đường. Trong ba người chỉ có tôi là biết được chút ngôn ngữ Pháp. Thế là  với vốn liếng ít ỏi của những năm học sinh ngữ hai, tôi đã bập bẹ hỏi thăm được đường về. Khi về tới nơi chúng tôi mệt rã rời vì tính ra chúng tôi đã phải đi bộ tất cả là 10 miles mới tới được Gare de Lyon để về tới khách sạn nơi chúng tôi ở. Trong cơn mỏi mệt đó, có lẽ giây phút đẹp tuyệt vời nhất là giây phút đứng trong bóng chiều tà trên “Plat B” chờ chuyến xe lửa kế tiếp đến, tôi lại cảm hứng hát  “Ga Lyon đèn vàng, cầm tay em muốn khóc, nói chi cũng muộn màng...”, sau khi tôi ngưng tiếng hát thì cả bọn ngẩn ngơ nghe tiếng đàn guitar vọng từ một cột đèn gần đó. Chúng tôi quay nhìn thì mới nhận ra trên bến ga chiều vắng, ngoài ba đứa tôi ra chỉ vỏn vẹn có mỗi một người khách chờ chuyến xe lửa cuối cùng là một ông tây già hippy tóc dài, râu ria xồm xoàm đang gảy một khúc nhạc nghe rất quen thuộc, Comme d’habitute mà tôi đã từng nghe Claude Francoi hát hay là My Way qua giọng ca  trầm ấm của Paul Ankar. Âm thanh từ tiếng đàn cũng tuyệt vời như buổi chiều tà trên ga vắng. Steve hát theo điệu đàn trong khi Father Luis gật gù tán thưởng.

I've loved, I've laughed and cried
I've had my fill, my share of losing
And now, as tears subside, I find it all so amusing
To think I did all that
And may I say, not in a shy way,
"Oh, no, oh, no, not me, I did it my way"

Khi tiếng đàn dứt, cả bốn đứa tôi đều vỗ tay, ông tây già dở chiếc beret, nghiêng đầu chào vừa lúc chuyến xe lửa cuối ngày đến. Trong toa xe dài vắng vặng đó, dù chưa rời Paris, tôi đã cảm thấy nhớ và buồn. Phải chăng mỗi người trong chúng ta đều có một chừng mực, một thói quen, một khuôn thước mà chính chúng ta tạo cho cá nhân mình trong cuộc sống, rồi tự hào chấp nhận những điều vui buồn hay hạnh phúc sẽ đến trên đường đời? Comme d’habitute, I did it my way.

Ngày giã từ nước Pháp, hành lý của tôi nặng chĩu souvenir làm từ lavender. Nào là potpourri, nào là soap, nào là lotion, và ngay cả những chiếc khăn thêu nhánh Oải Hương. Tôi thích nhất là chiếc khăn quàng lụa màu tím nhạt, vì là lụa cho nên chiếc khăn rất đắt, tôi đắn đo rồi không mua, khi về đến khách sạn thì lại tiếc nuối. Thế là Steve và tôi chạy như bay từ khách sạn trở lại tiệm bán để tôi mua cho được chiếc khăn quàng êm ái, nhã nhặn đó. Sỡ dĩ chúng tôi phải chạy vì chỉ có 40 phút để chuẩn bị đi ăn với ông xếp lớn. Khi đi ăn tối Steve báo cho tôi hay là ngay dưới phòng ngủ của tôi có những cụm lavender đang trổ hoa. Tối đó tôi mở tung cửa sổ và ngủ thật yên giấc trong cái lạnh êm ái còn sót lại của mùa đông và mùi Oải Hương man mác trong đêm cuối cùng thở hơi thở của Paris.

Ngày chúng tôi trở về nước, Steve nhận được tin mẹ mất. Tôi gửi anh một chuỗi hạt thánh giá để đặt trên mộ bà. Steve và tôi dù làm chung một công ty nhưng hai chi nhánh bệnh viện khác nhau. Chúng tôi gặp nhau mỗi tháng, đi ăn trưa và để tôi chỉ cho Steve về cách làm tường trình hành chánh dùng Excel program. Steve rất d về nghành vi tính, tôi chỉ vài lần anh vẫn không nhớ, cuối cùng tôi phải gửi sẵn bản nháp của tôi để  anh chỉ cần điền vào những con số thuộc về nhóm của anh. Chỉ vài tháng sau, tôi nhận thấy một thay đổi đột ngột từ Steve. Anh xuống cân nhiều, áo quần xốc xếch và dường như anh hay quên. Tôi nghĩ tại anh buồn bã sau khi mẹ mất nhưng càng ngày tôi càng lo lắng vì mặc dù tôi bắt anh ghi xuống những gì tôi vừa giải thích cho anh về ngân khoản tài chánh, lần sau gặp lại anh không nhớ và chỉ biết bẽn lẽ n cười. Tôi khuyên anh chỉnh đốn lại cách ăn mặc, dù không nói với anh điều này nhưng trông anh rất ...bệ rạc, khác hẳn với một Steve mà tôi biết từ bao năm qua. Tội nghiệp Steve, ngày hôm sau anh điện thoại khoe với tôi là vừa đi sắm một mớ áo quần mới rất “chic”.

Sự lo lắng của tôi có duyên cớ, chỉ sáu tháng sau, cái tin anh phải về hưu non làm tôi sửng sốt. Bác sĩ vừa chuẩn bệnh là Steve bị Alzheimer nhưng chỉ mới ở thời điểm bắt đầu. Tôi bắt gặp nỗi lo âu trong đôi mắt xanh buồn của anh, có lẽ anh đang nhớ tới mẹ và nỗi đau khi chứng kiến sự lãng trí của bà trong những năm cuối của cuộc đời. Ngày trong sở tổ chức buổi tiệc về hưu cho Steve, tôi đã cố ý không đến dự. Lần cuối tôi gặp anh, anh đã cười buồn và nói với tôi “ Lần sau gặp lại tôi sẽ hỏi...cô là ai”. Tôi nghe trái tim mình nhức nhối. Liệu anh sẽ còn nhớ những cụm lavender bên ngôi nhà thờ cổ? Anh có còn tìm được trong tiềm thức ngày tháng rong chơi bên xứ người với mùi Oải Hương làm đậm đà tình bạn thân thiết?
Tôi may mắn có những người bạn thân lâu năm, ngoài Steve ra một người bạn chí thân khác là Cydney. Cũng như Steve, Cydney lớn tuổi hơn tôi nên trong đám bạn tôi rất được chìu chuộng vì tôi là người nhỏ nhất, từ tuổi tác đến vóc dáng.  Cydney chia xẻ những buồn vui với tôi từ bao nhiêu thập niên qua, cô săn sóc tôi như một người em nhỏ. Mỗi lần đi chơi đâu hay chỉ đi ăn với nhau Cydney là  “designated driver” của tôi vỉ cô biết tôi không thích lái xe.  Cảm động nhất là lần Cydney lái tàu mời cả gia đình  tôi ra hồ Travis, chạy vòng quanh bờ hồ với lá cờ tung bay trong nắng, trong gió để mừng tôi vừa  đạt đến cái mốc đẹp nhất trong đời là ngày sinh nhật bốn mươi. Cách đây mấy tuần tôi đi ăn tối với Cydney, tình cờ chúng tôi nhắc đến Steve và tôi kể cho Cydney nghe về kỷ niệm của chuyến đi Pháp cách đây mấy năm cùng sự nhớ nhung mùi Oải Hương trong dĩ vãng. Cydney nghe tôi nói thì cười duyên dáng “ hai tuần nữa tôi sẽ đưa bạn đến vùng lavender mơ ước”.  Trời ơi, sao tôi ngớ ngẩn quá, một vùng trại hoa lavender chỉ cách chỗ tôi ở một tiếng đồng hồ lái xe, thế mà tôi nào có hay. Quả thật, năm nay là năm thứ mười một của Blanco Lavender Festival, từ ngày 12 tới 14 tháng sáu.

Sáng sớm ngày 13, chúng tôi có mặt ở hội hoa Lavender. Một ngày đẹp trời, nắng reo vui trên những gian hàng màu tím. Dĩ nhiên tôi đã không bỏ lỡ cơ hội, mua tất cả những chai fragrance mùi lavender cho chính tôi và cho cả Reese và Jazz, hai con chó nhỏ tối đó cũng thơm mướt mùi Oải Hương sau khi được tắm với Lavender shampoo. Con gái tôi bảo là “ mẹ crazy vể lavender” và tự hỏi là sao tên con đã không là Oải Hương nhỉ?

Nguyễn Thị Huế Xưa trên cánh đồng Lavender

Nguyễn Thị Huế Xưa trong shop Lavender

Sau khi rời hội chợ, Cydney đưa tôi đến nông trại Lavender. Chao ơi, những bụi hoa tím và mùi Oải Hương ôm kín bầu trời làm tôi lao đao. Tôi đi chầm chậm giữa những hàng cây hoa tím nhỏ, nhớ đến một hạnh phúc với người, tiếc cho những yêu thương vô tình đã vuột khỏi tầm tay. Dường như mùi Oải Hương bất chợt làm ướt rèm mi.

Hôm qua, một cô bạn làm chung trong nhóm phải nhập viện vì sưng phổi. Nhờ những cơn mưa muộn mùa hè mà cụm hoa lavender quanh nhà vẫn còn tươi tốt. Buổi sáng trước khi đi làm, tôi ngừng xe cắt một bó Oải Hương đặt vào bình thủy tinh, thắt thêm chiếc nơ tím mang vào thăm. Khi nhận bình hoa cô bạn tôi đã khóc nức nở “oh lavender, so touching, so healing”. Cô bạn ôm tôi, hôn lên  những ngón tay còn vương vấn mùi Oải Hương. Phải chăng Oải Hương xoa dịu những vết thương, dù là vết cắt nhỏ hay một ngấn sâu làm nghiêng ngả một đời?

* Thơ Nguyễn Xuân Thiệp

Nguyễn Thị Huế Xưa
June 28, 2015

No comments:

Post a Comment