Wednesday, December 18, 2013

TÙY BÚT BAN MAI

Huế, ngày mưa

 
                                                                   Huế mưa



                                         Ban Mai & Siphani ở phòng tranh Đinh Cường
                                                       trên Gác Trịnh tháng 11. 2013

   Huế đón tôi dưới cơn mưa phùn, bầu trời xám đục. Chị Hiền xuýt xoa vì gió lạnh tạt vào mặt, tôi vòng tay ôm, dụi mặt vào lưng chị tìm chút hơi ấm, xe len lỏi dưới những con đường rợp bóng cây. Huế khác nhiều so với ngày xưa tôi đến.

    Con đường yên tĩnh nhà chị, với những căn biệt thự xưa cũ, nay trở thành hotel gia đình đèn neon xanh đỏ nhấp nháy, những bảng hiệu choáng hết lề đường. Bên trái, bên phải, trước mặt đều là hotel, chỉ còn ngôi nhà chị lọt thỏm sau cánh cổng. Tôi nói lạy trời, Huế kỳ này đừng làm em thất vọng, như 10 năm trước tìm về thôn Vỹ.

    Bé Bon mở rộng cánh cổng đón tôi, cô bé chút xíu ngày xưa giờ đây là một nữ sinh với mái tóc quăn tự nhiên, đôi mắt đậm nét Trung Đông làm tôi thích thú. Tôi đùa, chị Hiền mua ngay con chó Berger giữ nhà đi chị. Chị bật cười khanh khách, tiếng cười phóng khoáng như tâm hồn của chị. 

    Buổi tối, nhà văn Lữ Quỳnh đón tôi và chị Hiền đến nhà hàng, vợ chồng anh Nguyên Minh, TC Quán Văn, anh chị Trương văn Dân – Elena, em gái và người bạn gái anh Nguyên Minh từ Mỹ về đã đến trước. Nhóm bạn nghệ sĩ ở Huế của anh Đinh Cường đến cùng lúc với anh Bửu Ý và chị Tường Vy (vợ cố họa sĩ Bửu Chỉ). Anh Đinh Cường chiêu đãi các loại bánh Huế. Trời lạnh, ngồi trong căn phòng ấm không gì thú bằng nhâm nhi ly trà nóng, nghe các anh chị kể giai thoại văn chương và thưởng thức những chiếc bánh nhỏ bé, tinh tế của xứ này: nào là bánh nậm, bánh bột lọc, bánh rán, bánh khoái, chả tôm, chả giò và các loại chè cung đình nữa. Ôi trời tôi thích món chả tôm ở nhà hàng này quá, ngon chưa từng thấy. Anh Lữ Quỳnh tặng tập sách mới xuất bản: “Những giấc mơ tôi”, tập nhạc “Thành phố Mùa Đông”;  anh Đinh Cường gửi tặng cuốn “Cũng cần có nhau” của Hoàng Xuân Sơn. Tôi xúc động khi nhận được cuốn sách viết về nhà văn Nguyễn Mộng Giác, kỷ niệm 1 năm ngày mất của ông “Nguyễn Mộng Giác và bằng hữu”. Cuốn sách quý vì có hai trang chữ ký tên tuổi của các nhà văn Miền Nam trước 1975 mà tôi ngưỡng mộ, họ ký tặng anh Lữ Quỳnh làm kỷ niệm, anh mang về tặng lại cho tôi.

    Nhà sưu tầm tranh xứ Huế, mời đến quán cà phê của ông trên đường Nguyễn Huệ. Với khuôn viên rộng, xây kiểu Tây, ông để một mảng sân vườn làm quán. Bài trí trang nhã. Cô vợ trẻ đài các mời chúng tôi vào phòng khách. Ông tiếp đón nồng hậu, chỉ cho chúng tôi xem các bức tranh ông mua vào những năm 60. Nghe anh Bửu Ý nói, ông là một trong những người đầu tiên dấy lên phong trào mua tranh ở Huế. Ông cởi mở kể vanh vách lịch sử các bức tranh mà ông mua, thời nào, bao nhiêu tiền và lý do. Tôi thích ngắm chị Tường Vy nói chuyện, chị duyên dáng, nền nếp đúng chất e ấp của các cô gái Huế xưa.

    Buổi sáng, chị Hiền gọi đi tập thể dục với chị bên bờ sông Hương, nhìn đồng hồ 5h15 nhưng trời vẫn còn mờ mịt tối, tôi làm biếng, lạnh quá chị ơi. Chút xíu nữa bé Bon đi học, đi ăn sáng rồi dạo bờ sông nghen chị. Trùm chăn, tôi ngủ nướng. 

    6h30  bầu trời vẫn xám đục, mưa bay lất phất, sông Hương mờ sương, những con đò trôi lững lờ trên khói sóng. Mặt nước yên tĩnh như lòng tôi yên tĩnh.
   Tự nhiên, chị Hiền nhắc, em còn nhớ QY không? năm thứ tư QY vượt biên bây giờ không biết trôi dạt nơi nào.  QY tay guitar nổi tiếng của Đại học tổng hợp Huế? Em nhớ mà.

    Tôi đến Huế lần đầu tiên khi là sinh viên năm thứ ba. Ngày ấy tôi trong đội văn nghệ trường tham dự Festival các trường Đại học. Ban tổ chức, cho các Trường Đại học tập trung tại khách sạn trên đường Lê Lợi để dễ sinh hoạt. Hôm đầu tiên ráp nhạc, QY phong trần, lãng tử, tự nhận mình bị sét đánh khi gặp tôi. QY theo tôi mải miết suốt thời gian tôi ở Huế. Đêm dạ vũ, Ban tổ chức tổng kết ở hội trường, QY xin phép thầy Tùng cho phép đưa tôi về trước. Hai đứa đi bộ, lang thang khắp các con đường ngập ánh trăng. Huế ngày ấy thơ mộng, không gian thật yên tĩnh, thỉnh thoảng vài chiếc xe đạp lướt qua. Trên con đường rợp bóng cây, chỉ có tiếng bước chân của chúng tôi và tiếng xào xạc của gió. Ngày ấy, tôi biết QY có tình cảm với mình, nhưng tôi lại xem QY như một người anh. Ngày xưa, tâm hồn chúng tôi thật trong sáng. Tôi biết QY thật lòng, khi sáng hôm sau đoàn tôi về Quy Nhơn, anh đã đứng đợi ngoài cổng từ sớm. Và những ngày tháng sau thư từ Huế tới tấp bay về Trường tôi. Rồi một hôm QY viết sẽ ra Quy Nhơn thăm. Tôi sợ, tôi nói tôi đang đi học, và anh đừng ra. Ngày ấy, tôi cũng không ngờ cuối năm thứ ba tôi lại đính hôn.  Và cuộc đời tôi rẻ sang một con đường khác. Năm thứ tư, tôi nghe tin QY vượt biển. 

    Tô bún bò Huế thơm lừng bên bờ sông Hương, với những lát ớt cay nồng làm mắt tôi ướt, tôi vừa ăn vừa xuýt xoa, ngoài hiên mưa đang rơi,  những giọt mưa tí tách bung vỡ trên nền gạch hắt vào người tôi lạnh buốt. Bà chủ quán nói, mưa mây đó mấy cô nì, răng mà mưa suốt mấy tuần ni.  

    Đường Trịnh Công Sơn dọc bờ sông Hương vắng lặng, con đường nhỏ, ngắn với những hàng quán im lìm. Tôi đến nhà sách Phương Nam tìm xem có sách gì mới, thăm phòng tranh Lê Bá Đảng để biết Không gian Lê Bá Đảng là gì? khi đọc bài phê bình của chị Thụy Khuê, để cảm nhận: “ ...Nghệ thuật của ông như muốn “thoát hài”, đập vỡ cổ kính để tạo ra không gian phi thời gian, gồm thâu quá khứ, vị lai, địa tầng, địa chất, cõi này, cõi khác trong khoảnh khắc một cái nhìn. Độc đáo, cô đơn. … Đó là sự gặp gỡ giữa nhiều ngành nghệ thuật: Kiến trúc, điêu khắc, hội họa, Lê Bá Đảng không chỉ vẽ mà ông tạo hình. Đó là mối tương quan giữa người, vật và vũ trụ” (1) 

    Huế, đầu thập kỷ 60 thời kỳ nở rộ của chủ nghĩa hiện sinh Phương tây với Jean Paul Sartre, Albert Camus gây ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ của một tầng lớp thanh niên. Trịnh Công Sơn hợp cùng với Đinh Cường, Trịnh Cung, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lữ Quỳnh, Bửu Ý, Bửu Chỉ…lập thành một nhóm văn nghệ trẻ rất có thế giá. Nói như Hoàng Xuân Sơn: Họ ăn bận theo lối Tây, đội mũ nồi, ngậm pipe, khăn quàng cổ hoa hoè, thong thả dạo chơi dưới trời xám lạnh. Đinh Cường, Trịnh Cung đem những nét mới mẻ Tây Phương vào hội họa, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường là những giáo sư dạy Triết có tiếng ở học đường trung học, Bửu Ý uyên bác, giỏi ngoại ngữ giáo sư dạy Pháp văn thuộc type ăn bận đàng hoàng, cổ điển. Huế của thời Diễm xưa, Lời buồn thánh…nhạc Trịnh Công Sơn ngôn ngữ trừu tượng, siêu hình… những ca từ như…dài tay em mấy thuở mắt xanh xao… hát nghêu ngao mà không hiểu tác giả muốn nói gì. Chỉ hát vậy thôi (2). Nhóm bạn khởi từ Huế, sau đó thành danh khắp Miền Nam. Qua bao bể dâu, tứ tán khắp bốn phương trời, người còn người mất, nay tất cả đều ở lứa tuổi xế chiều, nên họ rất trân quý thời gian. Lần này anh Đinh Cường về Huế bày tranh trên căn gác Trịnh cũng là nhớ đến bạn mình và mong gặp lại bạn xưa. 

    Buổi chiều trời nắng đẹp. Tôi đến dự khai mạc phòng tranh Đinh Cường - Phan Ngọc Minh trên căn gác nhỏ đường Nguyễn Trường Tộ. Không gian nhỏ, ấm áp với những bạn bè cũ của anh. Có lẽ đây là sự kiện văn hóa của thành phố. Gác Trịnh đông kín khách viếng thăm và phóng viên báo đài đưa tin…khó khăn lắm tôi và chị Tường Vy, Siphani, Bửu Ý, Lữ Quỳnh mới chụp chung được một tấm ảnh kỷ niệm. Từ lan can căn gác Trịnh, tôi ngắm nhìn các cô gái thướt tha đi lễ nhà thờ Phú Cam. Có lẽ ngày xưa, Trịnh Công Sơn và các bạn ông cũng đã từng xao xuyến bước chân giai nhân đi dưới hàng cây long não lá li ti này. 

     Buổi tối, anh Bửu Ý mời đến nhà dùng cơm muối. Trong một email trước đây, tôi tưởng anh Đinh Cường đùa khi hứa kỳ này đến Huế anh sẽ đãi món cơm vắt muối sả. Đọc lại tài liệu ẩm thực xứ Huế, tôi bất ngờ vì món cơm muối lại là món ăn cầu kỳ, tinh tế, chế biến công phu của các gia đình hoàng tộc Huế xưa.
    Đêm lạnh, ngồi quanh mâm cơm thân tình, tôi nghe các anh kể chuyện bạn bè ngày cũ. Lần gặp ở Đà Lạt anh Bửu Ý thâm trầm, kiệm lời. Lần này anh cởi mở, nói cười dí dỏm, có lẽ lâu rồi từ ngày cô Lợi mất, hôm nay bạn bè cũ về đông nên anh vui đến vậy.

    Chị Siphani từ Pháp về, chị là bạn của Trịnh Công Sơn và các anh thời trai trẻ. Mới nhìn trông chị bình dị, nhưng anh Bửu Ý nói, chị giả dạng đó em. Chị Siphani lấy người chồng tên Gérard trong dòng Hầu tước, sở hữu một tòa lâu đài ở Pháp, chị than đây là di sản quốc gia nên gia đình chị muốn bán cũng không được, bảo quản trùng tu thì lại quá tốn kém. Anh Bửu Ý đùa đặt cho chị biệt danh là “người mở cửa”, vì anh nói nếu tính thời gian mở tất cả các cánh cửa sổ của tòa lâu đài, cũng là lúc phải đóng các cánh cửa. Nội một việc đóng và mở cửa sổ thôi là đúng một ngày. Anh nói, anh đã đến ngủ ở tòa lâu đài đó một đêm, và hôm sau các anh đi ngay không ngủ lại nữa. Tòa lâu đài của chị tọa lạc ở một nơi hoang vắng, đêm nghe gió hú, và tiếng đập cánh của bầy dơi, tiếng cào cửa của những con sóc, giống tiếng chân người. Chị Siphani cười, kể tiếp. Có lần mấy người bạn Miên đến thăm chơi, chị bố trí mỗi người một phòng ngủ. Sáng dậy chị đến gõ cửa thấy tất cả tập trung một phòng, người nào cũng xanh xao, thì ra nửa đêm họ sợ quá chui vào một phòng ngủ chung. Tôi nghe mà cười ngất, chẳng gì đến họ, em cũng sợ ma kinh hoàng. Các con chị đều ở Paris, không đứa nào chịu về tòa lâu đài sống, tụi nó than buồn. Anh Đinh Cường lúc nào cũng hiền lành, im lặng ngồi nghe anh Bửu Ý và chị Siphani kể chuyện.

   Món muối sả nhà anh Bứu Ý ngon tuyệt, đến nỗi chị Siphani xin đem về Pháp.
   Nói là cơm vắt với muối, nhưng thực chất không phải vậy. Ngoài món chủ đạo muối sả làm bằng thịt nạc băm với sả, với ruốc, với mè, xáo cho đến tơi khô là một kỳ công, còn có món thịt tôm kho riêu, canh thơm cá mó, chả giò, chả tôm. Cơm trắng vắt tròn, xắt thành miếng mỏng, từng lát cơm vắt dẻo thơm chấm với muối sả ăn thật đậm đà, húp một thìa canh thơm cá mó vị ngọt thanh ở đầu lưỡi, đó là bữa cơm ngon ý nhị nhất mà tôi từng ăn. Chị Tường Vy đem đến món bánh ít Huế và món khoai lang luộc anh Đinh Cường nói thèm quá muốn ăn.

    Chị Vy khoe tôi xem cuốn “Bửu Chỉ đường bay nghệ thuật và ký ức trần gian” gia đình và bạn bè mới xuất bản, để tưởng nhớ 10 năm ngày mất chồng chị. Cuốn sách tập hợp các bài viết, tranh ảnh Bửu Chỉ, tự tay chị biên tập, nó là tình yêu của chị dành cho anh. Những ngày làm luận văn, sưu tầm tư liệu tôi đã từng xem hai bức tranh sơn dầu Bửu Chỉ vẽ Trịnh Công Sơn “Tuổi đá buồn” và “Trăng thiên cổ”, nên tôi rất ấn tượng người họa sĩ này. Anh Bửu Ý tặng tôi 3 cuốn sách anh mới vừa in: “Tâm tình với Trịnh Công Sơn”; “Ngày tháng thênh thang”, “Nước chảy qua cầu” tập hợp tất cả những bài viết tản mạn của anh từ trước đến nay. Sách bìa cứng, giấy trắng in đẹp, trang nhã. Cầm trên tay những cuốn sách nặng  tình nghĩa những bậc đàn anh mà tôi kính trọng,  tôi biết mình thật may mắn, bao giờ họ cũng cưng chìu tôi, xem tôi như cô em gái nhỏ.
    Huế, những ngày mưa lạnh buồn bã với tôi đã trở nên ấm áp bởi tình cảm nồng ấm của bạn bè, nó giúp tôi hiểu hơn ý nghĩa tình bạn trong cuộc đời phù du này.

    Xin cho tôi tạ ơn đời, tạ ơn những người bạn mà tôi có hạnh ngộ gặp gỡ trên đường đời. Rồi một ngày nào đó, tất cả rồi cũng sẽ chìm trôi, nhưng tôi tin tình bạn mãi trường tồn, nó là báu vật trần gian mà cuộc đời mang tặng chúng ta. Bạn ơi, hãy yêu thương, tận hưởng và sống như là giây phút cuối. 

BAN MAI
14/12/2013
(Hình & bài Ban Mai gởi)

-----------------
(1)   Họa trường Lê Bá Đảng – Sóng từ trường III – Thụy Khuê, NXB Văn Mới (tr 181)
(2)   Cũng cần Có Nhau – Hoàng Xuân Sơn, NXB Nhân Ảnh (tr 16)

No comments:

Post a Comment