Friday, December 13, 2013

ĐỖ HỒNG NGỌC & THƠ ĐỖ NGHÊ







Đỗ Nghê là bút danh của Đỗ Hồng Ngọc khi làm thơ hồi còn trẻ.
Ông sinh năm 1940 tại Phan Thiết. Quê nhà: Lagi-Hàm Tân- Bình Thuận.
Tốt nghiệp Tiến sĩ y khoa quốc gia, Y khoa đại học đường Saigon, 1969
Bác sĩ chuyên khoa Nhi
Tu nghiệp Y tế công cộng tại Đại học Harvard Hoa Kỳ (1993) và Giáo dục sức khỏe tại CFES, Pháp (1997).

Đã cộng tác với các báo: Bách khoa, Mai, Văn, Ý thức, Tuổi Ngọc, Mây Hồng
Tuổi trẻ, Phụ nữ, Thanh niên, Mực Tím, Áo trắng, Doanh nhân Saigon cuối tuần, Sài gòn Tiếp thị, Văn hóa Phật giáo, Giác Ngộ, Kiến thức ngày nay.

Tác phẩm đã xuất bản:
Tạp văn, tùy bút: Gió heo may đã về (1997) / Già ơi.Chào bạn! (1999) / Nghĩ từ trái tim (2003) / Những người trẻ lạ lùng (2001) / Thầy thuốc & Bệnh nhân (2001) / Như ngàn thang thuốc bổ (2001) / Cành mai sân trước (tuyển tập, 2003) / Thư gởi người bận rộn (2005) / Khi người ta lớn (2007) / Như thị (2007) / Chẳng cũng khoái rủ (2008) / Gươm báu trao tay (2008) / Nhớ đến một người (2011) / Thư gởi người bận rộn 2 (2011)
Thơ: Tình Người (1967) / Thơ Đỗ Nghê (1973) / Giữa hoàng hôn xưa (1993) / Vòng quanh (1997) / Biển của một thời (in chung, 1999) / Sương mù một thuở (in chung, 2001) / Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác (2010)
Viết cho Tuổi Mới Lớn: Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò (1972) / Nói chuyện sức khỏe với tuổi mới lớn (1989) / Bệnh ở tuổi hoc trò (1990) / Viết cho Tuổi mới lớn (1995) / Với tuổi mười lăm (1997) / Bỗng nhiên mà họ lớn (2000) / Bác sĩ và những câu hỏi của tuổi mới lớn (2003) / Tuổi mới lớn (tuyển tập, 2005) / Viết cho các bà mẹ sinh con ?ầu lòng (1974) / Săn sóc con em nơi xa thầy thuốc (1986)/ Nuôi con (1988).


Ở đây, trước hết chúng ta muốn nhìn Đỗ Hồng Ngọc như một nhà thơ. Nhà thơ Đỗ Nghê.
    Nhà văn/bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc -người vừa trình làng hai tác phẩm mới Thư cho bé sơ sinh và những bài thơ khác (NXB Hội Nhà văn), Thiền và sức khỏe (NXB Thời Đại -được biết đến với tư cách nhà thơ từ trước 1975 khi dùng bút danh Đỗ Nghê cho các sáng tác của mình.
    Nhà thơ Đỗ Nghê xuất hiện lần đầu trên tạp chí uy tín Bách Khoa từ năm 1960. Trước 1975, ông ấn hành hai tập thơ Tình người (1967) và Thơ Đỗ Nghê (1974). Sau này ông in Giữa hoàng hôn xưa (1993) và Vòng quanh (1997). Với bốn tập thơ trong khoảng nửa thế kỷ chứng tỏ ông làm thơ không nhiều như “gà đẻ trứng”. Nhưng trong nhìn nhận của đồng nghiệp, Đỗ Nghê hay bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc lại là một thi sĩ thứ thiệt.
    Thật vậy, nhà thơ Đỗ Trung Quân viết lời tựa cho “sự trở lại” của Đỗ Nghê trong tập Giữa hoàng hôn xưa vào năm 1993, nhận xét: “Có một chàng thi sĩ một hôm vì lẽ gì đó bỏ đi làm thầy thuốc. Mười năm… hai mươi năm… anh cặm cụi chăm sóc, chữa lành, làm dịu nỗi đau của trẻ thơ; anh buồn vui cùng nỗi buồn vui của những người làm cha mẹ. (…). Tôi xác tín. Ta đang có trong tay một thứ thơ đích thực. Không cố buồn khi chưa đủ buồn. Không cố vui khi chưa đủ vui. Không cố nhớ khi chưa đủ nhớ! Thứ thơ mọc từ cội rễ tâm hồn, tự nhiên và giản dị như lời nói. Nhưng, là thứ lời nói đủ để làm giật mình”.
   Như vậy đó. Đỗ Hồng Ngọc đến với đời đầu tiên như một nhà thơ. Ah! les premières fleurs, qu'elles sont parfumées! (Th ơ Paul Verlaine - Ôi, những bông hoa đ ầu tiên thơm biết bao nhiêu) Thế nhưng, cuộc đời này vẫn biết đến Đỗ Hồng Ngọc với tư cách một bác sĩ nhiều hơn là thi sĩ. GS, nhà nghiên cứu văn học Huỳnh Như Phương phân tích nguyên nhân này: “Đỗ Hồng Ngọc gây cho chúng ta cảm tưởng ông là một nhà thơ thoắt ẩn, thoắt hiện, ẩn mà hiện, hiện mà ẩn. Có phải vì cái tên Đỗ Hồng Ngọc đã quá nổi tiếng với tư cách một tiến sĩ y khoa đã phần nào che mờ tác giả như một nhà thơ? Hay là vì chính những tác phẩm bàn về y học, thiền học của ông, với chất thơ bàng bạc trong đó, cũng mang đủ những phẩm chất thi ca, cho nên người đọc không còn phân biệt ở ông đâu là nhà thơ, đâu là thiền giả và đâu là bác sĩ của tuổi thơ?”.

    Nhưng làm con người trong quy luật “sinh tử”, Đỗ Hồng Ngọc hay những bác sĩ giỏi nhất thế gian này, cũng không thể níu giữ lại một con người đã đến lúc phải chia xa cuộc đời. Đau đớn hơn, người phải chia xa mãi mãi đó lại là người thương yêu của mình.
    Tuyển thơ Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác ở phần thứ ba có 11 bài thì đến 9 bài nhà thơ viết về người con gái đã khuất của ông. Đây có lẽ là phần xúc động nhất của tuyển thơ này.
Trong bài Tình yêu, ông viết: “Trước mộ con còn ướt/ Ba nói với bạn ba rằng/ Từ nay hãy yêu con mình cách khác/ Đừng như ba/ Giấu kín trong lòng/ Bởi tình yêu/ Có bao giờ cho đủ/ Có đâu sợ dư thừa/ Như ba đã sai lầm bao nhiêu”.
    Tình yêu của người đàn ông dành cho con cái thường âm thầm, đôi khi tưởng chừng lạnh lẽo, bất động như “núi Thái Sơn” chứ không réo rắt như “nước trong nguồn” của người phụ nữ. Để rồi khi mất đi người con mình yêu, nhà thơ mới nhận ra rằng: “Hãy tỏ bày đi/ Vồ vập đi/ Âu yếm ồn ào đi/ Tình yêu/ Có bao giờ cho đủ/ Có đâu sợ dư thừa…”.  Tâm trạng này của nhà thơ đã chạm vào tâm trạng chung của nhiều người làm cha khác.

Thư cho bé sơ sinh

Khi em cất tiếng khóc chào đời
Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười
Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc
Trong cùng một cảnh ngộ nghe em

Anh nhỏ vào mắt em thứ thuốc màu nâu
Nói là để ngừa đau mắt
Ngay lúc đó em đã không nhìn đời qua mắt thực
Nhớ đừng hỏi vì sao đời tối đen

Khi anh cắt rún cho em
Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé
Vì từ nay em đã phải cô đơn
Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ

 Em là gái là trai anh chẳng quan tâm
Nhưng khi em biết thẹn thùng
Sẽ biết thế nào là nước mắt trong đêm
Khi tình yêu tìm đến

Anh đã không quên buộc étiquette vào tay em
Em được dán nhãn hiệu từ giây phút đó
Nhớ đừng tự hỏi tôi là ai khi lớn khôn
Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu

Khi em mở mắt ngỡ ngàng nhìn anh
Anh cũng ngỡ ngàng nhìn qua khung kính cửa
Một ngày đã thức giấc với vội vàng, với hoang mang,
Với những danh từ đao to búa lớn
Để bịp lừa để đổ máu đó em

Thôi trân trọng chào em
Mời em nhập cuộc
Chúng mình cùng chung
Số phận
Con người.

Đỗ Nghê
(Bv Từ Dũ, 1965)

NGUYỄN XUÂN THIỆP

No comments:

Post a Comment