Thời gian. Tranh Bửu Chỉ
Nguyễn Anh Khiêm
16.
Trước 1975 tôi không quen Trần Công
Nghị. Nói ngay tôi có biết anh học sau tôi vài lớp tại lò Trần Quí Cáp nhưng
không có dịp gặp. Ai đó chỉ tôi tiệm thuốc bắc của gia đình anh ở Ái nghĩa. Mỗi
lần chạy xe đạp từ trường về quê, tôi đều nhìn vào nhà anh, nghĩ anh thuộc hạng
khá giả, có thể là giàu nữa, theo xét đoán của tôi. Giữa một thị trấn nghèo khó
mà tọa lạc một cửa hàng thuốc bắc tươm tất vậy thì lúc đó là “đại gia” rồi.
Sau 75, buổi sáng tôi đang ngồi chỗ văn
phòng trường trung học Văn Lang thì Ngô Thi dắt Nghị tới. Nói chuyện một hồi
Ngô Thi mới vào đề nhờ tôi giới thiệu với người quen ở sở giáo dục xét cho anh
“chuyển công tác” từ miền Tây về Sài gòn hay xin dạy giờ gì đó tôi quên mất.
Hồi này mới mẻ, các qui định này nọ chưa rõ ràng nên chuyện chuyển đổi hoặc dạy
giờ đều còn có thể. Tất nhiên tôi vội vã làm ngay. Vụ đó không biết anh còn
chạy chọt gì nữa không, hình như may mắn thành công, nay tôi không còn nhớ anh
về trường nào.
Từ đó tôi thường xuyên gặp Nghị ở cơ sở
sản xuất bột nuôi trẻ Đông Phương của nhóm Ngô Thi, Phan Xuân Sinh… Tôi không
rõ Nghị có cổ phần ở đó không, chỉ thấy anh hay đến chơi vào buổi chiều, ngồi
chơi một lúc là không tránh khỏi màn chót rủ mọi người “làm vài chai”. Chuyện
này thường xuyên tới nỗi hình như có lúc anh mang biệt danh làm vài chai. Những
ngày trống trải, thưa vắng bạn bè, tôi cũng hay la cà ở đó nói chuyện tào lao
thiên địa, thấy anh Tường Linh, Đinh Trầm Ca cũng làm việc cho nhóm Đông Phương
nữa. Tôi luôn được đi theo băng này không phải để làm vài chai vì tôi chỉ làm
một ly là đủ té ngửa, mặt đỏ gay không giống ai, trông khá thô bỉ , tôi đi theo
chỉ để phá mồi mà không bị phàn nàn gì nên cũng siêng đi. Những năm cả nước
điêu đứng vì cơm gạo thì mấy anh này tiền xu rủng rỉnh, ăn nhậu tưng bừng bởi
những đồng tiền kiếm được một cách lương thiện, gần như trúng mối vì sản xuất
được thứ bột nuôi trẻ khá tốt trong tình cảnh đất nước “bế quan tỏa cảng” ngặt
nghèo. Anh nào cũng nhà cửa tử tế, xe Honda mới cáu xếp cả dọc dài trước phòng
giao dịch, lúc đó như vậy thật đáng nể và oai lắm.
Trần Công Nghị và Nguyễn Tịnh Đông làm rể
một gia đình giàu có, chủ nhà máy xay lúa ở Cai lậy, nghe đâu hai anh đều có
đất vườn ở Phương lâm ông già vợ chia cho. Không rõ còn nguồn lợi gì khác không
mà tôi thấy lúc nào anh cũng sống thong thả. Phải thừa nhận Nghị là tay rong
chơi thứ thiệt, nói hào hoa phong nhã thì hơi quá nhưng đúng là anh ta có tính
tình rộng rãi, luôn đóng vai chính chuyện chi trả trong những cuộc vui và ít để
người nào chịu thiệt. Ai cũng rõ không thể nói vì có tiền nên rộng, tất cả chỉ
là đặc trưng của tính cách thôi.
Năm 78 tôi dự một lớp “tập huấn” trong
chiến dịch đánh tư sản đợt 2 ở Chợ lớn, gần nhà Nghị. Anh bảo tôi:
- Này, đừng có mà ăn cơm tập thể chi cho
cực, toi ghé nhà moi ăn cơm trưa nói chuyện bậy bạ cho vui đi!
Thế là tôi ở lại nhà anh ăn bữa trưa hơn
tuần nhựt. Chị Kim Anh, bà xã Nghị hiền hậu, dịu dàng, mấy đứa nhỏ con anh thật
ngoan, (nghe đâu nay rất thành đạt bên Canada , cũng là tự nhiên). Dịp này tôi
được biết anh định vượt biên, mang theo cả nhà.Tôi nghĩ bụng, lại một ông Quảng
nam liều mạng! Gia đình đang bình an no đủ, nhà cửa đàng hoàng thế mà vẫn đánh
đổi tất trong một canh bạc hoàn toàn phiêu lưu may rủi. Nghe như Nghị là tay
đánh phé cao kỳ, nay anh đánh phé với cả định mệnh mình, thế mà anh lại được,
có đáng nể không chớ.
Thấy tôi cứ bán dần đồ đạt để tồn tại
một cách thô bỉ, sự bất lực được phô bày lộ liễu, Nghị ái ngại:
- Còn cái gì (không cần thiết) muốn bán
thì cho biết nghe!
Tôi liền chở lên nhà
anh cái máy quay đĩa 33 tua và mấy đĩa dân ca của Joan Baez, mấy đĩa nhạc cổ
điển của tay vĩ cầm Leonid Kogan… tôi mua được lúc mới đứt phim ở chợ trời
Huỳnh Thúc Kháng. Tất nhiên anh trả tôi món tiền kha khá vượt xa giá trị một đồ
vật phù phiếm trong thời gạo châu củi quế bấy giờ. Thời gian ngắn sau, gặp anh
chỗ Đông Phương, anh nói nhỏ vào tai tôi:
- Moi sắp đi xa, toi ghé nhà chở cái máy
quay đĩa về có dịp nghe nhạc nhiếc cho đỡ buồn.
Tôi nấn ná vì bận vài việc linh tinh,
định ít hôm sẽ đi thì một buổi chiều ông xe thồ kêu cửa:
- Tôi ở xóm với anh Nghị, ảnh nhờ tôi chở
tới địa chỉ anh cái này.
Tôi trả tiền công nhưng anh ta bảo anh
Nghị trả rồi. Hôm sau tôi ghé qua nhà thì thấy cửa khóa trái, không dám hỏi lôi
thôi, tôi ân hận tự trách mình nấn ná, nghĩ Nghị đã đi. Tôi thẫn thờ quay trở
về, đạp xe ngang qua cổng trường ĐHSP Saigon đường Cộng Hòa, thấy “cây xưa vẫn
gầy phơi nghiêng ráng đỏ”, tự nhiên nhớ đến se lòng bạn bè chung lớp nay tan
lạc mười phương trong cơn địa chấn đổi đời “long trời lở đất”, thót tim buồn lo
về cuộc phiêu lưu hiễm nghèo cùa vợ chồng Nghị cùng lũ con thơ.
Hôm nghe tin Trần Công Nghị qua đời, tôi
ngồi café quán cóc với Ngô Thi và Trần Công Chín, Thi nói chuyện về Nghị suốt
buổi. Theo anh, Nghị là tay chơi rất dễ mến, coi sự đời nhẹ tênh, không phải
người chăm chỉ nhưng thông minh, có óc tổ chức, học nhẹ nhàng, thi cử dễ dàng.
Ngoài ra, rất lạ, Nghị thành công còn nhờ luôn gặp may. Ví như lúc thi chứng
chỉ Văn chương quốc âm hay Văn minh Việt nam gì đó ở trường Đại học Văn khoa,
anh ta đi chơi và đánh phé suốt đêm ở nhà Phạm Phú Lợi, (không ngờ ông này về
sau tình cờ sui gia với tôi), mờ sáng chạy về rửa mặt, liếc qua vài chương giáo
trình nghi ngờ có thể ra đề thi. Thế mà trúng ngay chóc, đậu bình thứ nữa! Thi
còn kể, nhiều lần gia đình gởi tiền cho anh mua cours để học, anh đem nướng hết
trong mấy canh xì phé. Tàn cuộc, anh “đề nghị” tên nào ăn nhiều bạc phải dẫn ra
quán nhậu. Mọi người ngạc nhiên thấy anh không chịu ăn gì ngoài mấy món cua
rang, cua hấp. Gặn hỏi, anh tỉnh bơ giải đáp thắc mắc:
- Nhà tau gởi tiền cho tau mua cours,
không mua được cours, chừ tau gỡ gạc ăn cua cho trúng mục đích chút ít, cua chi
cũng cua.
Kỳ về VN lần cuối (có ai ngờ!), tôi có
dịp mời anh cùng mấy bạn nhóm Đông Phương (Rất tiếc Ngô Thi ăn chay nên không
đến, tôi nói với Thi đó là kỳ chay đáng tiếc nhất). Sau này, ai cũng công nhận
bữa đó ăn ngon nhờ món cà ri dê độc chiêu cùng với cháo nghêu kiểu Mỹ tôi học
lóm ông Việt kiều chủ trường Anh ngữ Quốc tế khi làm thuê cho ông. Bữa đó ai
cũng tranh nhau nói, tôi kể chuyện một anh chàng giáo viên ba gay liều mạng xỏ
lá ba que trong trường tôi từng là hiệu phó, mọi người cười vui hể hả, vui tới
nỗi tôi linh cảm điều gì đó không lành một cách mông lung, không cơ sở, nhưng
có thật trong tôi, rồi tự nhiên đâm lo, nghĩ rằng rất khó lặp lại một ngày vui
như thế. ( Tôi nhớ ông lão đánh cá Santiago của Hemingway lẩm bẩm khi con cá to
đùng vừa câu đươc chẳng bao lâu chỉ còn trơ bộ xương: “Vậy đó, cái gì mà tốt
đẹp quá rồi thì cũng qua mau thôi”). Và quả thật, chẳng có sai, còn lần nào như thế nữa đâu, Nghị ơi!
Mấy bữa sau, tôi có dịp đèo anh sau xe
gắn máy từ Bình thạnh về nhà ông anh của Nghị ở Nhà bè. Nghị bảo ghé vào quán
nhỏ ven sông… làm vài chai. Tôi nói chuyện thơ Tô Thùy Yên với anh, anh bảo:
- Toa viết tất cả cái đó ra đi, đừng có
lo không hay, mạnh dạn lên, đừng tưởng mình làm không được, uổng lắm, hết thì
giờ rồi.
Tôi kể với anh đã hỏi được Tô Thùy Yên
lai lịch, bối cảnh mấy bài thơ quan trọng như Trường Sa Hành, Góa phụ…Nghị nói:
- Hỏi gì thì hỏi lẹ đi, hỏi thêm nữa
đi, viết nhanh đi kẻo không còn thì giờ.
Anh lo lắng không còn dịp gặp người cao
tuổi hơn thế hệ mình, không ngờ nỗi lo đó lại vận vào anh. Nghị tỏ ra nhạy bén
trong thưởng thức thi ca không kém ai. Anh khoái câu thơ của Nguyễn Bắc Sơn:
Về đâu, đâu cũng là đâu đó
Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ
Anh cho câu thơ sau là một tiên cảm
thiên tài của thi sĩ. Đất Hán Hồ, đa nghĩa quá! Đâu cũng đất Hán Hồ mà thôi.
Chúng tôi cũng nhắc tới câu “Đất ta ta dẫm mà ghê chân” của Tô Thùy Yên. Tô
quân còn có câu:
Cuộc cờ kỳ lạ không bày tướng
Ăn sạch quân trừ tính được
thua
Phải chăng, thi sĩ, từ
cách nhìn kiểu chiến tranh khủng bố (đặt mìn bừa bãi, pháo kích cẩu thả…miễn có
nổ có chết, ai chết cũng được) nay ứng vào kiểu chiến tranh đánh bom tự sát làm
kinh hoàng nhân loại, nổ càng to càng tốt, chết càng nhiều càng hay, bất luận
ai chết, thi sĩ chính là đấng tiên tri?
Sau này tôi khởi sự viết Ký Ức Sơ
Sài, Nghị là người đầu tiên tôi chuyển qua mail cho anh đọc trước, sửa lỗi
chính tả, cái tôi vốn rất bất cẩn. Anh vui mừng ra mặt nói:
- Thấy chua, moi nói đâu có sai, toa
viết dễ dàng mà, tới lắm. Anh chuyển cho tôi mấy chục cái mail khen ngợi,
khuyến khích tận tới ngày đau bệnh.
Bữa đó là lần cuối tôi gặp Trần Công
Nghị trên đời. Thật không thể tin được. Dẫu biết ai rồi cũng ra đi, sớm muộn
thật ra chẳng có gì khác biệt lắm, muộn cũng chỉ là triễn hạn chút đỉnh mà
thôi. Biết vậy nhưng mỗi lúc nghĩ tới người đàn ông tử tế đó vẫn còn tráng
kiện, nụ cười vẫn còn tươi, ánh mắt vẫn tinh nghịch…mà bất ngờ phải giã biệt
cõi đời vui, thật không khỏi không đau lòng. Thôi thì đành xin mượn mấy câu thơ
của bác Việt Trang như nén nhang vĩnh biệt bạn hiền:
Câu thơ bạn cũ tìm trong mộng
Tiếng ngọc người xưa biệt giữa
đời
Đốt nén tâm hương xin bái vọng
Theo niềm thương tiếc lệ châu rơi.
17.
Đọc những tranh luận đủ khuynh hướng
trên mạng về cái chết của Gaddafi mới thấy nhân vật nầy gây chú ý nhiều trong
dư luận hơn người ta tưởng.
Mà cũng chẳng ngạc nhiên gì. Những năm
tôi còn ở đại học, Mubarak, Gaddafi lên cầm quyền sau những cuộc lật đổ vô cùng
ngoạn mục bọn vua chúa tham tàn, đã tận hưởng lạc thú đế vương đời đời kiếp
kiếp trên những mỏ dầu châu báu và trên sự thống khổ của nhân dân. Những tuyên
ngôn đầy nhiệt huyết và thiện chí của các tướng tá trẻ gieo niềm hy vọng lớn
nơi đám thanh niên e ngại chế độ CS vì trực giác con đường này lắm chông gai và
cạm bẫy. Không phải chỉ bọn trẻ chúng tôi tin, nhiều tác giả danh tiếng trên
báo chí thế giới cũng lạc quan tin tưởng, không tiếc lời ca ngợi với giọng vô
cùng hoan hỉ. Học giả Nguyễn Hiến Lê viết một bài đầy phấn khích về Gaddafi
trên tờ Bách Khoa. Bài báo thuật lại tuyên bố lẫy lừng của ông ta: Bao giờ toàn
dân Lybia có nhà ở rồi thì cha tôi mới có nhà. Mà thật. Mấy năm đầu, ông đưa ra
thi hành những cải cách ngoạn mục về an
sinh xã hội, về giáo dục, y tế…khiến thiên hạ ngạc nhiên cảm phục và không khỏi
mừng cho dân tộc Lybia phước đức vừa trải qua cuộc cách mạng thay đổi tận gốc
rễ tương đối nhẹ nhàng, ít hao tốn máu xương, không đến nỗi phải đốt cháy cả
dãy Trường sơn chẳng hạn.. Chúng tôi ngưỡng mộ ông cũng như lúc bấy giờ cảm
phục các nhà trí thức, linh mục, thượng tọa…xứ sở mình lìa bỏ lợi danh nơi thị
thành hoa lệ vào bưng biền theo MTGPMN. Vài năm sau, thiên hạ yên tâm theo dõi
những biến cố chính trị dồn dập khác trên thế giới, không rõ cuộc cách mạng nhà
binh đi tới đâu và viên đại tá đầy cá tính xứ Bắc Phi đó đã xây được bao nhiêu
nhà cho dân, bao nhiêu nhà thương thí cho kẻ nghèo…Thế rồi chẳng mấy lâu sau,
người ta ái ngại vì nghe toàn tin tức không mấy tốt lành, cách trị dân không
khác gì, có khi còn nghiệt ngã hơn bọn quý tộc phong kiến. Lòng tin vơi cạn dần
cho tới lúc xảy ra vụ đánh bom máy bay dân dụng trên không phận Ái Nhĩ Lan thì
lòi ra viên sĩ quan này chỉ là tay quân phiệt kiêm trùm khủng bố, cai trị Lybia
ngày càng bạo liệt toàn bằng biện pháp hạ sách, mị dân. Tất cả tuyên ngôn,
tuyên bố nức lòng người ngày trước nay chỉ là khẩu hiệu. Rõ ràng, đâu có lâu la
gì, các giếng dầu tốt nhất thế giới của Lybia đã lại trở nên tài sản riêng của
gia đình dòng họ và đám bộ hạ đầu trộm đuôi cướp quanh ông.
Không ai ngờ được mọi chuyện trở nên tệ
hại dễ dàng như vậy. Nhất định lúc đầu ông phải tin vào ước vọng và lời hứa của
chính mình, không thể nào ông nói dối và gạt dân chỉ vì tham vọng của cải và
quyền hành, bởi lẽ ông đã khởi sự đầy
hảo ý. Phải chăng ma quỷ xui khiến ông hay sự yếu đuối của tinh thần con người
trước vật chất xa hoa cùng những cám dỗ của quyền lực vô biên khiến ông ngày
càng lộ rõ chỉ là tên bạo chúa tham tàn ham giết chóc. Ông ăn mặc đồng bóng như
kẻ tâm thần phân liệt, những ngày cuối của bi kịch lãnh đạo, ông tin tưởng vu
vơ nông nổi, tuyên bố nhảm nhí trong bấn loạn, cử chỉ lố bịch kệch cỡm y chang
Saddam Hussein, để rồi màn chót giống hệt nhau, chạy trốn như chuột chui xuống
cống, chết trong nhục nhã ê chề. Nhà thơ Thiếu Khanh có nói với tôi rằng thần
dân các nước bị cai trị độc đoán nên rút
kinh nghiệm qua chuyện này, để ý lấp bớt các lỗ cống không cần thiết hầu đỡ mất
công trò săn đuổi trốn kiếm về sau!
Hồi trẻ, tôi không thích ý kiến của Will
Durant (hay Toynbee?) có bảo rằng, xem ra, các cuộc cách mạng hầu hết có hại
cho nhân loại vì sự tàn phá mù lòa và cuồng loạn không thể kiểm soát khiến các
nền văn minh không bị phá hủy thì cũng chựng lại. (Chẳng hạn, như học giả
Nguyễn Hiến Lê nói, văn minh Trung Hoa phải mấy ngàn năm xây dựng lao khổ, chỉ
vài năm cách mạng văn hóa thời Mao là tiêu tan sạch bách- tương tự như một
thời, đình chùa Bắc Việt trở thành kho
chứa thóc của hợp tác xã). Nói gì thì nói, thế hệ tôi, người có thiện chí vẫn
tin phải có cách mạng để làm lại đất nước. Đọc cuốn Guồng Máy của Jean Paul
Sartre do Trần Phong Giao dịch, hay thì hay thật nhưng tôi cũng không thích ý
tưởng cho rằng bọn cầm quyền nào cũng chỉ được lúc đầu thôi, chẳng phải đợi
lâu, có khi ngay sau đó, quyền và tiền làm hư họ chóng vánh, họ chỉ biết có mỗi
cách “lãnh đạo” là đàn áp kịch liệt. Buồn thay, hình như hiếm có phương cách
nào khác thỏa mãn dục vọng người ta dễ dàng, đơn giản cho bằng trấn áp. Kẻ đến
sau có khi tệ hơn bọn cầm quyền trước đó. Tôi không mấy thích ý này vì đang cảm
phục Gaddafi, Mubarak; đầy thiện cảm với
MTDTGP cũng còn vì “tâm đắc” những phân tích độc đáo của Marx được giảng giải
trong sách vở của thầy Nguyễn văn Trung, Trần văn Toàn, dường như cả linh mục
Thanh Lãng cũng không tỏ chút ghét bỏ nàò khi đề cập tới phong trào CS. Như vậy
thì các thầy nổi tiếng nhất ở Đại Học Văn Khoa đều tả khuynh hết còn gì! Mấy
chương sách hấp dẫn nhất là vấn đề bóc lột nhân công, giá trị thặng dư... nhất
là chỗ giá trị thặng dư này, vô phương bác bỏ vì lý lẽ thâm sâu, tình cảm nhân
hậu quá chừng đỗi! Lại nữa, sống giữa miền Nam hỗn quân hỗn quan mà đọc cuốn
“Hai Mươi Lăm Năm Xây Dựng CNXH Miền Bắc” nói toàn chuyện tốt đẹp của linh mục
Trương Bá Cần (Hai mươi lăm năm mà giá gạo chỉ ở mức mấy hào một ký chẳng hạn,
nay có dư luận lúc đó ông đã là đảng viên CS(!), không biết sao) được phát hành
công khai, mua đâu cũng có thì hỏi với tuổi đôi mươi non xợt cùng trí khôn dưới trung bình như
tôi, làm sao mà không ngưỡng mộ Marx, không thích Mặt Trận được. ( Khi tuổi đời
chồng chất, tôi bẽ bàng nhận ra mình chỉ là kẻ ngu phu, Bill Gates và một trăm
nhà tư bản giàu có khác nhờ cái đầu siêu phàm, đâu phải tại giá trị thặng dư!
Cũng như ông tôi khá giả hơn đám nông dân cùng làng nhờ ông làm ruộng giỏi hơn,
nhận định thời tiết chính xác hơn và biết để dành hơn chớ lấy quyền gì mà bóc
lột ai để làm giàu. Nói thế mấy “đại gia” ở VN hiện nay chẳng nên vội lạc quan
mừng tưởng mình cũng thuộc loại..cái đầu có cỡ chớ không phải tại dựa hơi, mua
quyền bán chức cùng buôn lậu, phá rừng các thứ).
Chao ôi, Gần nửa thế kỷ giữ chặt quyền
lực với lợi lộc bất tận, lúc thế hệ chúng tôi gần xuống lỗ mới thẫn thờ nhận
biết họ là ai. Tất cả bày ra cảnh tượng “Bãi bùn trơ trẽn thủy triều lui”.* Làm
gì có cái gọi là cách mạng. Và cuộc cách mạng nào sau lúc khởi hành, đi lòng
vòng tốn hao máu xương giờ giấc, sớm muộn gì rồi cũng quay về đường cũ. Nói cho
cùng, thật không có lý do để nghi ngờ thiện chí của các lãnh tụ cách mạng trong
buổi đầu khởi xướng. Chẳng qua họ mất tinh thần một cách đáng kinh ngạc trước
vật chất nên phải điên cuồng dùng quyền lực cách mù quáng để giữ chặt vĩnh
viễn. Đâu rồi bệnh viện miễn phí, đâu rồi nhà cửa gratuite của dân Ai Cập,
Lybia? Rồi “…ai cũng có cơm ăn áo mặc, cũng được học hành”. Nhưng bao giờ thì
học trò cấp một khỏi phải đóng cả chục thứ phí tiền mặt, mỗi môn học phải mua
và khòm lưng mang vài ba thứ sách ăn theo biên soạn vô bổ nhảm nhí. Mọi việc
tiến tới một cách tự nhiên theo chiều ngược lại lời hứa nguyện, lặng im thở dài
mà chấp nhận, như câu chuyện nhỏ sau đây. Cháu nội gái tôi chạy chơi trên sân
trường vấp bể chậu cây cảnh, ba mẹ nó bị gọi vào đóng tiền đền, không nghe nói
gì chân cháu bị đổ máu sưng vù mà phải hiểu sân dùng để bày chậu bông, không
được chạy giỡn. Trẻ con khó ngồi yên, sân trường bằng cái mũi, giờ chơi không
có chỗ chạy, chúng bày trò ném cầu nhẹ bằng lông gà, bà hiệu trưởng tình cờ đi
qua, rủi bị ném trúng, tức thì ra thông báo cấm học sinh ném cầu. Trẻ thơ con cháu chúng ta được quý yêu như
thế đó. Tất nhiên không kẻ cầm quyền nào “chỉ đạo” kiểu vậy nhưng nội cái việc
mặc kệ bọn cấp dưới dốt nát muốn làm gì tùy ý thích thì không phải là tội lỗi
sao? Tôi không khỏi thấy mình nhảm nhí cứ lẩn quẩn ba cái chuyện linh tinh lạt
nhách mà nhật báo lề phải cũng nói tới nhưng làm sao khác, ba chuyện nhỏ đó cứ
đeo bám hằng ngày trong óc.
Nghe như nhà thương thí hồi thuộc Pháp
dân nghèo không phải đóng một đồng một cắc. Nay, đất nước độc lập, nghèo mà lâm
trọng bệnh thì yên tâm chết cho rảnh nợ đời. Nói cho khách quan, cùng với dân
số phình to gấp bốn năm lần, bệnh viện thời nay cũng lớn rộng hơn nhiều hồi
tiền bán thế kỷ hai mươi và gần đây, dân chúng cũng được an ủi phần nào nếu có
tiền mua bảo hiễm. Nhưng quái đản nhất là chuyện phân cấp bệnh viện, thuốc men
theo tầng lớp xã hội. (Chắc “nghiên cứu khoa học” thấy vi trùng tấn công tùy
theo chúc vụ, cấp bậc xã hội nên mới “triển khai” như vậy). Tiện đây, xin kể
chuyện nhỏ tạm gọi là vui dây dưa tới thuốc men, y đức. Chú em họ tôi đi khám
mắt ở bệnh viện thị xã nọ. Trước khi
đi, chú đã nghe người ta nói nhiều chuyện không hay về ông bác sĩ trưởng khoa,
chẳng hạn khám qua loa để bệnh nhân đến phòng khám tư của chính y, tại đó, ông
bỗng trở thành “y dược sĩ”, tức vừa khám vừa bán thuốc, thuốc thì, giúp thuận
tiện cho bệnh nhân, ông bỏ công bóc ra khỏi bao bì hoặc bẻ đôi. Có người kể
ngoài chuyên khoa mắt, ông còn chuyên môn viết toa theo lối “chữ bác sĩ”, không
ai đọc ra chữ gì, bệnh nhân ra ngoài mua
không có, phải trở lại nhà thuốc của bệnh viện, nhân viên ở đó thì rành! Người
bệnh nhà quê nọ mang thuốc mua từ bệnh viện quay trở ra nhà thuốc bên ngoài
theo lời dặn của cô bán thuốc không đọc được toa; cô thở dài cho bà ta biết
thuốc đó rẻ nhất trong các loại chữa
mắt, tiệm cô chỉ bán mười nghìn, trong khi người bệnh nọ bị tính gần ba chục
nghìn! Người đàn bà quê mùa đứng lặng giây lát rồi thốt lên với giọng “tiếng
kêu của tâm hồn”:
- Ối Trời ơi, quân ăn cướp chớ bác sĩ
chi lạ rứa Trời!
Lúc chú em tới bệnh viện, đã tám giờ
sáng, phòng khám còn vắng, mới chừng năm bảy người ngồi trên ghế đợi. Thấy bà y
công đang lui cui chùi rửa với cây giẻ lau và xô nước đen sì, chú em tôi hỏi
tìm bác sĩ, bà làm thinh chỉ tay về cuối hành lang. Dưới bóng cây bàng, người
đàn ông bận blouse trắng đang chăm chú đọc báo. Chú em tôi tới gần, chưa kịp
nói gì, ông ta đã gay gắt bảo:
- Đợi làm vệ sinh phòng chút đi!
Ngay lúc đó, bà lao công thu dọn vật
dụng ra khỏi phòng. Chú em tôi lặng lẽ lại ngồi băng ghế chờ. Viên bác sĩ ngẩng
lên đưa mắt nhìn quanh rồi cúi xuống lật trang báo tìm bài đọc tiếp. Đọc chừng
mười lăm phút, ông ta móc điện thoại ra bắc đầu say sưa trò chuyện một hồi lâu
nữa, không một dấu hiệu hứa hẹn chấm dứt. Lúc gần hết kiên nhẫn thì chú em thở
phào nhẹ nhõm thấy y cất điện thoại vào túi. Nhưng bi kịch chưa dứt, ông ta lại
giở báo ra tìm bài đọc tiếp. Chú em đứng dậy, đi nhanh về phía tay bác sĩ.
Thoáng nhìn thấy, chắc cũng hơi chột dạ, y đứng vội dậy:
- Đau cái chi mà nôn nóng hung rứa ông,
rài rài (từ từ) chút không được na?
Chú em đi theo vào
phòng, ngồi xuống ghế, không kìm được cơn bất bình:
- Tôi không đau chi hết, cũng không khám
nữa, muốn biết tên ông thôi.
- Chi rứa? Để báo cáo công an hả? Cứ tự
nhiên!
- Tức cười chưa, không biết tên thì báo
cho ma à? Hỏi chơi chớ thị xã bằng cái mũi, ông đặc biệt tiếng tăm, ai chẳng
biết tên ông.
Câu chuyện rồi cũng tới tai viên giám
đốc nhà thương. Nghe đâu ông ta đã chỉ “giải quyết” đoạn đầu của sự việc bằng
cách “nghiêm khắc” khiển trách...bà lao công về tội... làm vệ sinh phòng ốc
trong giờ bác sĩ làm việc. Rõ ràng ông này không thuộc bài, chẳng những không
chút tôn trọng mà còn ngang nhiên đàn áp thô bạo người phụ nữ thuộc giai cấp
công nhân tiên tiến của ông Lénine một cách oan ức.
*
Tôi về Hội an thăm má nhằm ngày mưa lụt.
Má tôi bị té gãy xương khớp háng gần một năm trước. Người ta dùng dụng cụ giữ
yên chân để hai đầu xương gãy tiếp cận nhau hầu có thể lành nhưng bà cụ quyết
liệt từ chối, nghĩa là đêm khuya chờ mọi người ngủ quên, cụ lén ngồi dậy - đó
là nỗ lực kinh khủng vì hẳn phải đau đớn lắm – không hiểu lấy sức đâu và cách
gì khom người tháo tung mọi thứ băng bó vứt xuống gầm giường. Chúng tôi xúm lại
thuyết phục, thậm chí đe dọa, cụ làm thinh để cho băng lại nhưng khuya hôm sau
lại diễn ra kịch bản cũ. Cả tuần như thế. Chúng tôi chịu thua, để cụ tự đặt
chân thoải mái theo ý muốn, miễn chân lành kiểu gì cũng được, tất nhiên, không
lành cũng được, chứ biết làm sao.
Ông ngoại tôi được kể là giàu có so với
nông thôn ngày trước, có súng săn, xe đạp như tôi đã thuật, chỉ sinh được hai người
con gái, má và dì tôi được tiếng đẹp nhất vùng, má có phần sắc sảo hơn dì khiến
thiên hạ liên tưởng bảo rằng ông có cặp Kiều. Ông tôi không khỏi ngầm hãnh diện
về lời bình phẩm này. Cưới má xong, ba tôi dẫn má xuống ga Trà kiệu, nghe đâu
bạn bè công chức của ông nhìn thấy, bảo thằng Diêu về làng cưới được nàng tiên.
Được thong thả đâu mấy năm thì xảy ra đại biến cố 1945, bỏ công chức Tây, ba
dắt má và anh em tôi trở về làng, giao cho má xoay xở nuôi con, phần ông mang
xăc-côt lên đường đi kháng chiến. Hồng nhan đa truân, không kiểu này thì cũng
cách khác, dân gian quả đúng. (mà hình như không hồng nhan thì... còn đa truân
hơn!). Má tôi lăn lộn với ruộng nương, cấy, gặt, khom lưng quào cỏ bằng tay đến
móng cũng không mọc được, lá lúa cứa vào cổ trong nắng nung và gió Lào rát mặt, chiều tối nào trở về cũng
mang vết máu chảy thành dòng đã khô nâu ở bắp chân bị đỉa cắn. Xong vụ lúa thì
trồng dâu nuôi tằm, làm đất khô trồng đậu, trồng mè, ngày trống lên rừng đốn
củi...đầu tắt mặt tối không thua người phụ nữ nông dân nào lao khổ nhất làng.
Má còn nổi tiếng người bắt cá bộng nhanh nhẹn tài giỏi. Vùng Đại Lộc có thứ
nông cụ tôi không thấy trong Nam, cái bộng. Đó là thanh gỗ dài hình dáng như
máng xối lật úp xuống, đặt ngang, nông phu đứng lên trên điều khiển trâu kéo đi
làm tơi đất bùn trước khi cấy mạ. Cá rô cá tràu túa ra hai bên theo dòng nước
ruộng đục ngầu, phải tinh mắt và kinh nghiệm mới thấy được gợn nước con cá lóc
đi, lấy rổ múc hoặc dùng nơm. Nơm thì phải dừng lại mò bắt lâu lắc nên má tôi
dùng rổ, bà bắt giỏi tới mức lúc nào cũng thu hoạch gấp đôi gấp ba đám người bì
bõm theo sau cái bộng.
Má học hành, thưở đó, quá lắm thì cũng
hết tiểu học là cùng nhưng chuyện đọc sách của bà cũng rất đáng nói. Thời con
gái, lúc ba tôi học ở Huế, mỗi lần về nhà, ông đưa sách Tự Lực Văn Đoàn cho má
“mượn”, bà đọc gần hết tác phẩm của văn đoàn này trước kháng chiến. Khi tôi
lớn, sách vở thất lạc gần hết nhưng may mắm (hay rủi ro?), trong mớ sách long
gáy sứt bìa đó, tôi còn đọc được cuốn “Hận Ngày Xanh” do thi sĩ Hoàng Cầm dịch
cuốn Graziella của Lamartine bằng một thứ văn xuôi đầy hình ảnh và nhạc điệu
như thi ca, giống như ông đã phóng tác chứ không phải dịch. Sau này tôi nghe
đâu ông dịch cuốn sách năm mới mười mấy tuổi. Chuyện tình lãng mạng, biệt ly
đầy nước mắt đó lay động tâm hồn yếu đuối vớ vẩn của tôi cả một thời mới lớn.
Đọc xong bỗng thấy núi sông mây gió trăng sao...gợi buồn quá thể khiến cả ngày
mơ mộng lem nhem. Lên trung học, tôi đã phải xa nhà, không nhớ những năm đó má
tôi đọc những gì để giải trí nơi quê mùa hẻo lánh đó. Em tôi kể, sau ngày ba
mất, ngày đi làm ruộng khuây khỏa, đêm đến, má ra trước hiên nhà ngồi khóc, khi
thút thít, khi thành tiếng nghe như lời kể lể nhưng không rõ. Không biết ngoài
nỗi tiếc thương, bà có điều gì ân hận trong cư xử hay lời ăn tiếng nói không
phải với ba lúc sinh thời khiến nỗi đau càng vò xé hay sao, đến nỗi ba bốn
tháng ròng đêm nào cũng nghe tiếng khóc đứt ruột như vậy. Ông bà và em tôi an
ủi gì thì chuyện cũng tiếp tục như một thói quen khiến tê xót lòng người. Tình
thế buồn thảm quá khiến em tôi nảy ra ý đi mượn sách cho bà đọc may ra quên bớt
hiện thực bất hạnh. Em vất vả đội nón lá đi bộ hết làng này tới làng nọ tìm nhà
bạn cũ của ba má có sách báo này khác mượn về, má chong đèn đọc, quả thật ngơi
dần tiếng khóc não nuột hằng đêm. Bữa nào mượn không được sách, bà thất vọng ra
mặt.
Chiến tranh ngày càng khốc liệt. Bom đạn
Mỹ cùng thuốc khai quang hủy diệt sạch trơn làng Non Tiên, má và em tôi chạy
xuống Hội An tá túc. Cách mạng đến, ông và má trở về làng nhưng ruộng đất bị
trưng thu, không sống nổi, phải quay lại phố sống nhờ đồng lương giáo viên của
em tôi. Đây là thời “tiến nhanh tiến mạnh” (tiến lảo đảo) khiến ai cũng đói,
huống chi thân phận thoát chạy tan tát của nhà tôi. Ở gần đường, em tôi sắm cho
má cái tủ con kê bên gốc cây bán kẹo đậu phộng, bánh tráng nướng cùng mấy thứ
linh tinh, có cả thuốc lá lẻ. Em tôi mộ đạo Tin Lành, đúng ra thì không được
tiếp tay cho tội lỗi, đạo Tin Lành VN coi đơn giản, ít lễ nghi rườm rà như
Thiên Chúa Giáo La Mã nhưng ngầm khắt khe gần như thứ Thanh giáo, thuốc lá là
xấu, (họ đi trước thời đại đó chớ). Vì túng quẩn quá, em tôi ái ngại chấp nhận,
có lẽ đêm đêm cô cầu nguyện xin lỗi Chúa không chừng. Lúc đầu má kiếm được tiền
tính ra nhiều hơn lương giáo viên, mọi người mừng rỡ không tin nổi, nhưng rồi
mỗi ngày mỗi kém đi. Ngồi ngó ruồi má ngượng nên em tôi, sẵn giữ thư viện
trường, bắt đầu đem sách về cho bà đọc. Giai đoạn này không còn mang kiếng lão
nữa, mắt bà vẫn trong như mắt mèo, có vẻ sáng hơn mới lạ. Lạ nhất không hề bao
giờ than mỏi mắt. Không ngờ được bà đọc xong Chiến Tranh Và Hòa Bình chỉ trong
mấy ngày. Thư viện nhỏ, đọc hết tiểu thuyết cổ điển Nga, em tôi lôi về truyện
của lớp nhà văn Hiện Thực XHCN, Sông Đông Êm Đềm, Đất Vở Hoang, Thép Đã Tôi,
Ruồi Trâu...đọc tuốt luốt. Nghe như bà khoái nhất mấy cuốn truyện của Aimatov.
Cứ cúi gằm xuống đọc cả ngày không bao giờ nghe nói mỏi mắt thì hàng bán ế là
tự nhiên. Từ bao giờ, người trong xóm gọi má bà già đọc sách. Cứ tưởng Trời cho
đôi mắt vô địch như vậy thì khỏi lo gì trắc trở nhưng không, một hôm ngủ dậy,
cụ than đau nhức, chảy nước mắt, nhìn xa hình dáng sự vật một hóa hai. Em tôi
hoảng kinh dẫn đi khám, bác sĩ không nói rõ thế nào, chỉ cho toa mua thuốc.
Phải công nhận BS Việt nam phần nhiều rất ít lời, không hiểu họ “phục vụ” quá
nhiệt tình đâm mất sức hay vì lương bổng thù lao thấp, họ không “ba hoa” giải
thích quá nhiều như thầy thuốc ngày trước. Một tuần trôi qua không thuyên giảm
lại có vẻ nặng hơn, em tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên nghe bà bảo:
- Má mới đọc hết tập một cuốn Oliver
Twist, con ráng kiếm cho má tập hai, nhìn gần còn rõ, lỡ mai mốt má bị đui rồi
không đọc đươc.
Chưa kịp tái khám thì
tình cờ, em tôi nghe phổ biến phương pháp tập thể dục cho mắt của bác sĩ Nguyễn
Khắc Viện trên radio, bèn thử áp dụng cho má. Như một phép lạ, chỉ tập nửa
tháng là bà khỏi hẳn. Thế là màn đọc sách tái diễn cho đến khi em tôi nói với
má không còn sách nào ở thư viện trường thích hợp cho má nữa thì cũng là lúc
giẹp luôn trò bán kẹo và thuốc lá lẻ.
Tôi chưa hết ngạc nhiên về sự đổi thay
nhanh chóng của tinh thần người ta. Trước khi bị té, cụ vẫn đọc nhật trình, gặp
những cảnh báo về sức khỏe, cụ gọi đứa này, kêu đứa khác bảo phải đọc để hiểu
nên ăn gì, nên làm, nên tránh cái này cái nọ có lợi có hại cho sức khỏe...Thế
mà, vừa bị tai nạn hôm trước, ngay hôm sau đã hoàn toàn suy sụp. Chẳng hạn:
- Dẫn má xuống nhà tắm má đi cầu đi con!
- Má té gãy chân rồi, đi răng được?
- Bậy mà, má té hồi nào, té chỗ mô, gãy
chỗ mô chỉ má coi!
Cụ không thể tin mình không bước đi được
nữa, nhất định không chịu đi vệ sinh ngay trên giường vì “đi chi chướng rứa”.
Cụ bắt đầu lẫn lộn, vừa nói nghe rất hợp lý điều này xong lại toong ngay một
câu trật lất không đâu vào đâu. Một buổi chiều ngủ dậy, má hỏi:
-
Ông bà ngoại đâu rồi con?
Em tôi nói:
- Ông bà trên thiên đàng nớ.
Má bảo:
- Bậy nà, ông bà chết hết rồi na?
Chúng tôi chuẩn bị cho một ngày cụ quên
hết, chắc chẳng còn lâu. Tôi ở xa với vợ con, công việc, chỉ mỗi mình cô em ốm
yếu chăm sóc bà. Sự nhọc nhằn rồi cũng sẽ chất nặng bội phần trên vai gầy của
cô. Cô bảo sự hy sinh của má nay đáng cho con cháu đền đáp hơn lúc nào. Phải,
nhưng con cháu thì làm ăn ở xa, gia đình đùm túm, còn tôi, con trai, cũng đâu
sống gần nên chỉ lãnh phần nhẹ hều.
(còn tiếp)
NAK
No comments:
Post a Comment