Monday, February 25, 2013

Bụi từng ngày

Lưu Na
  
    

               
    Mây thức giấc vì tiếng chim. Chả biết mấy giờ, nhưng chắc còn sớm vì ánh sáng tràn ngập phòng mà không chói mắt, và cái êm ả của bầu không khí như lâng lâng chứ không trì nặng tựa lúc chiều buông. Không gian dường trong rỗng quanh Mây, không có cành lá cọ quẹt mà tưởng như nghe được tiếng gió nhẹ thổi qua, chưa ra cửa Mây đã nghĩ rằng trời quang đãng ấm mát. Con chim nhẩn nha kêu cu cu cu..u u, chỉ ba tiếng mỗi lần. Mây nhớ có ai đó bảo nó có thể kêu 4 tiếng, và đó là tiếng gọi mái gọi bồ… hay là tiếng xác nhận chủ quyền lãnh thổ (!!!) thì Mây đã quên ngay lúc ấy. Cu cu cu..u..u, tiếng kêu bình thản đều đều một note nhạc chứ không trầm bổng thành điệu như những tiếng chim khác. Lạ sao Mây thấy êm ả trong lòng với cái nhàn nhạt không xúc cảm ấy. Đây có phải là điều mà bác sĩ nhắm tới khi đề nghị Mây lên ở chốn khoảng khoát vắng im này?

    Mây chợt nhận ra đêm qua đã ngủ được dễ dàng và thẳng một giấc không thức dậy nửa chừng, cái tật lâu dài đã đóng thêm phần vào sự suy nhược không rõ nguyên do. Đêm hằng đêm Mây chờ giấc ngủ bằng một quyển sách, rồi khi mắt muốn sụp xuống thì Mây vẫn ráng đọc tiếp cho hết chương, như tiếc nuối phút sống còn. Ngủ được vài tiếng Mây lại giật mình thức giấc rồi thao thức với bóng đen. Mây thèm ngủ, nhưng Mây cũng tiếc đêm, như thể khép mắt thì sẽ đi vào cõi chết. Mây thích ngủ ngày như thể ngủ ngày thì quên được niềm đau nhân thế, và đêm vắng là chốn trú ẩn an toàn của sự sống. Mây sợ chết mà cũng “không muốn sống,” có thể nào như vậy không? Ngó những lọ thuốc nơi đầu giường, Mây quay mặt và bước xuống, ra phòng ngoài. Những lọ thuốc đó không biết có chữa được gì không nhưng nó khẳng định cái bất an nơi Mây.

     Hôm nay weekend, lối xóm như tưng bừng hơn một chút. Người dưới phố cũng lên thăm nhau. Nhà bên phải, bà Maddy đã ra vườn sau ngồi dưới cội cam xum xuê hút thuốc, mùi khói thuốc nhè nhẹ phất vào mũi khi Mây đi vòng vòng mở cửa sổ trong nhà. Hàng xóm bên trái sát vách _ “Tả quân” _ đã bắt đầu có bạn hiền ghé thăm. Ông Thẩm phán xéo góc trước mặt hình như đi vắng, thấy cửa sổ buông màn. Mây vào pha cà phê, đẩy cửa sổ kéo tấm màn dầy ra hai bên, chỉ chừa lại tấm voan trắng lay phất phơ mỗi khi có gió nhẹ. Ra đa của Mây đó !!!
    Nhiều ngày nằm bịnh, những tấm màn voan trắng mỏng như nhìn dùm Mây ra cuộc sống bên ngoài và nói cùng Mây những lời thầm thì an ủi. Nếu Mây tỉnh giấc vào lúc sáng sẽ thấy cái màn trắng tinh khôi đứng nhẹ lay và như có lớp bụi trong lắng đọng trong không gian bao bọc nó. Mây tưởng nghe được bướm vỗ cánh đuổi nhau trên những đóa hoa, tiếng ong vo ve dzì dzì ở bụi hồng nơi sân trước. Vào buổi trưa thì cái bóng đổ trên tấm màn sẽ nói cho Mây biết Mây đang được trú mát khỏi ánh vàng gay gắt đang ập xuống triền đồi. Nhưng một hôm Mây thức lúc trời tim tím, không biết là rạng đông hay hoàng hôn thì chính cái màu trắng lạnh im biếc chút ánh xanh tím ấy cho Mây biết ngày đã hết. Những ngày ấy, lúc tỉnh lúc mơ trong mồ hôi râm rấp của cơn sốt trong cái ngầy ngật của thuốc, Mây nhìn tấm màn để biết thời tiết gió mưa ấm lạnh, giờ giấc sáng trưa. Bây giờ khá hơn thì nó thành lá mộc cho Mây rình hàng xóm!

Đây một ông bạn thắm thiết của Tả đại ca, ít ghé nhưng chắc thân, thấy chủ nhà dẫn ra sân sau chứ không đàn đúm nơi sân trước. Khác với chủ nhà _ cao lớn và lúc nào cũng cười cười, ông này chỉ thấp nhỏ và mặt ít thấy vui. Đại ca hàng xóm dù lúc đi đứng hay ngồi luôn hơi ngửa người ra sau, thái độ cười cợt, chút hời hợt như bàn tay xòe sẵn sàng phẩy đi những chuyện vớ vấn. Ông bạn này thì ngược lại, anh ta chắc như một cái nắm tay, lúc nào cũng như hơi chúi ra phía trước, như sẵn sàng trả đũa bất cứ ai bằng một cái thoi. Có nhạc sư nói người lớn thì tiếng lớn, e không đúng với bạn hiền đây. Khi anh cất tiếng, giọng rõ và trong nhưng vang ấm áp, trong khi ông chủ nhà giọng trầm, cũng ấm nhưng hơi ồm ồm thuốc lào. Anh hút pipe chứ không phì phèo thuốc lá như chủ nhà. Nhìn hai người Mây không hiểu họ thân nhau vì lẽ gì. Hai người ngồi ở sân sau im lặng nhả khói, dường như ngắm trời mây nhưng thực ra ông nào cũng hơi nhìn xuống đất. Lâu lâu nghe được một tiếng gì đó, như thể nói cho có âm thanh để ma đừng bắt. Mây áng chừng họ không có chuyện gì nói với nhau nhưng thích ngồi cạnh nhau để những sợi khói mỏng manh buộc tình bạn bền chắc lại.
    Cái tình hữu nghị lặng im ấy bị xé rách. Lần lượt thêm ba ông ghé vào. Tả đại ca ra mở cửa gọi với vào trong đâu đó một câu Ngọc ơi, cô nấu dùm tôi ấm nước. Không phải cô ở đâu. Mấy tháng trước Mây ngỡ vậy, sau vỡ ra chính là Tả phu nhân. Buồn cười, đại ca này hơn Mây 10 tuổi chứ mấy, mà xưng hô như Ba của Mây hằng gọi Má: cô với tôi. Tại sao Ba gọi Má là cô mà không kêu em? Má vẫn gọi Ba là anh đó thôi? Tới khi nhắm mắt Ba vẫn không giải thích cho Mây.
    Bây giờ 5 người đứng quanh nhau trên thềm gỗ trước cửa. Trong vài giây họ định xong chỗ ngồi thích hợp với vóc người. Từ Hải đầu đinh và nhà thơ tràng giang đại hải ngự ở 2 ghế xô pha mây lót nệm. Chủ nhà và bạn hiền ngồi ở xích đu. Ông khách từ miền Bắc xuống cao nhất, ngồi lan can dựa cột; ông đội kết vàng áo mơ mi quần khaki oxford, một thứ ăn mặc tươm tất ngầm. Cái băng ghế gỗ lúc khác để ngồi, bây giờ làm bàn.

    Ông nhà thơ e hèm hỏi thăm sức khỏe hết nửa giờ; Từ Hải đầu đinh _ gọi vậy vì tay này vai năm thước rộng lưng mười lăm thước cao, tóc cúp sát, mày rậm mắt lồi tiếng nói rổn rảng _ cũng lễ độ thân mật vấn an. Mọi người như ân cần quan tâm mà cái người được vấn an lại cứ cười cợt vẩn vơ như thể người ta hỏi ai chứ chẳng phải nói với mình. Và bạn hiền thì vẫn lừ lừ như cá vàng trong chậu. Mây vểnh tai nghe xem họ có gì để nói với nhau ở buổi sáng gặp mặt này. Từ Hải làm nhà báo, rủ chủ nhà hình như cũng chủ nguyệt san gì đó tới ăn Tết ở tòa báo. Bạn hiền đẩy đưa, ông đi đi, hôm đó tôi còn phải thu xếp chút việc. Ông kết vàng cũng phán với chủ nhà: mày đi đi, tao vòng vòng “trả nợ” rồi sẽ ra sau, chấm câu, thằng này lười chết mẹ !!!. “Để coi,” chủ nhà vắn gọn, hấp háy ngó bạn, “mày uống cái gì đó?” Nước loo ọc, cũng nheo mắt nhưng mặt lạnh như tiền. Nhà thơ, đứng ngoài những cọ quẹt cà khịa, long trọng giới thiệu bài mới viết dài 15 trang trên báo nhà. Thì tràng giang đại hải mà, nhiều chữ quá không viết để làm gì. Quay sang bạn hiền kèo nài phân bua _ ông nói tôi biết, tôi có làm gì ông buồn không mà hôm nọ thấy ông có vẻ quạu, hồi nãy gặp nhau ngoài phố ông cũng làm như xa lạ. Bạn hiền vắn tắt, chắc lúc đó tôi lu bu đó thôi. Tả quân và bạn hiền chỉ khẽ liếc mắt nhìn nhau. Mây ngắm họ bao nhiêu lần để thấy cái cười không nhếch mép hở răng của họ.

   Một chiếc xe vào ngõ, quanh theo đường vòng rồi dừng lại xéo góc bên kia. A ha, con gái chở Thẩm phán về, thả bố xuống rồi đi luôn. Nhưng ông chưa vào nhà, bước thẳng qua bên Mây đứng trước hiên gọi với vào trong: Mây qua uống trà ăn bánh. Mây không ngờ ông bước tới nên không lùi kịp, đành vâng dạ. Không qua có mà yên. Mây khoác áo xỏ dép lụi đụi theo sau.
   Bà mở cửa đón ông vào, cười tươi khi thấy Mây đứng sau lưng. Ông tháo giầy quay vào thay ngay bộ đồ mát rồi mới trở ra tiếp Mây. Bánh này là của ông v.v… trước làm v.v…, để yên tôi nói hết cho mà nghe, bla bla bla…. Rồi ông kể lể chuyện ra mắt sách hôm trước. Cực khổ lắm chứ Mây tưởng dễ à. Nào là lấy sách ở nhà in về, rồi phải book chỗ ra mắt ba chăm dưởi không bớt một cắc, anh keyboard nể mặt người quen chỉ lấy chăm dưởi. Chú phải tự pha trà sắp mấy hộp bánh sẵn. Tại sao? Giời ạ, thì ra mắt sách cũng có chút trà bánh đãi quan khách chứ. Đây này, danh sách khách mời, 9 giám khảo, 15 nhà văn, 8 nhà thơ vân vân… tất cả là ba trang. Lần này tên nào không đến thì gạch hẳn, khỏi có mời lần tới. Ở đây chứ trước ở Việt Nam có mà dám không đến. Mà nếu ai cũng va ca xông với lại bớt đây thì nhà văn nó sống bằng gì. Mây im thít chúi đầu vào computer trốn cái tội đi birthday party không dự buổi ra mắt sách đó. Ông thẩm phán ngưng nói, cằn nhằn, lúc nào thấy Mây đều thấy ôm máy. Cười, biết sao giờ. Mây ra cửa sổ nhìn xuống triền đồi. Mé bên nhà ông cỏ xanh hơn bên dốc nhà Mây và có nhiều cây cao. Ông ngồi vào máy lôi ra mớ hình bè bạn ngày cũ mới gửi cho. Đây cô họa sĩ bên Pháp, nọ cô nhà thơ ngoài Bắc vào. Chỗ này là gặp nhau ở cà phê, đó là quán nhạc của ai đó miền cao. Mây im nhìn những bức hình, không cần hỏi cũng biết không bao giờ có mặt bà, người vợ mà ông hằng yêu dấu ngợi khen. Tóc. Tóc. Có ai đó gọi chat. Lạch cạch lách cách lắc cắc. Ông gõ như mưa. Bà ngồi im như tượng, ngó ra cửa sổ nét mặt thản nhiên. Sao Mây thấy đau buốt trong lòng. Ông đã thôi chat, ra ghế dựa ngồi ngó mông vạt nắng. Chép miệng, đời quá buồn. (Thì gõ cho ai đó cho hết buồn). Đứng lên, Mây lật đật ra về e mình chết chìm trong biển đắng.

   Mây vào nhà đóng cửa trước kéo kín màn. Xuống bếp ngó sang cửa sổ nhà Tả quân. Mây thích đứng chỗ này nhất, nơi cửa sổ bếp của Mây ngó sang cửa sổ bàn ăn bên ấy theo góc vuông. Mây nhớ căn nhà ở hẻm Vạn Hạnh. Dẫy nhà Mây ở nhà nào cũng bắc ra sông đen ngòm. Bếp nhà Mây cũng vuông góc với bếp nhà cu Sen. Hồi đó mỗi lần rửa chén Mây đều ngó thấy cu Sen đứng chống nạnh ngó mấy con heo, dù không thấy nhưng Mây biết chuồng heo nằm ngay xế bên cửa sổ chỗ cu Sen đang đứng. Nó thường đứng chống nạnh vô tư, nhưng sau vài phút thì cũng quay sang bắt gặp Mây đang ngó. Trực giác hay cái gì có thánh mới biết. Thôi cứ thà chỉ ngó nhau qua cửa sổ còn hơn…

    “Tụ hiền trang” đã rã đám, chỉ còn đại ca chủ nhà ngồi im vơ vẩn nơi bàn ăn. Trời xế chiều, nắng hắt xiên lên những cái hoa cỏ may tròn tròn làm chúng ánh lên như tơ trước ánh sáng. Hoa dại vàng, cam, cũng sáng lên với những tiếng chim ríu rít. Một lát khi ánh mặt trời tắt chúng cũng sẽ xếp cánh lại ngủ. Người khách cuối của tụ hiền trang là nhạc sĩ anh gầy như que củi phơi áo dưới tàn Đông. Bộ xương khô ấy ghé vào, tiếng hơi Quảng hơi Trung, môi dầy khô _ sao, nhậu? Gật đầu, khoác áo đi ngay. Mây quay nhìn xuống dốc đồi.

   Bà Maddy chắc đang ăn bữa chiều, lúc nẫy Mây thấy xe đỗ trước cửa và người đưa thức ăn trong bao giấy nâu bấm chuông nhà bà. Bà Maddy còn được bao lâu? Mây lại bắt đầu hâm hấp sốt. Vào giường Mây nghĩ, có lẽ đã tới lúc phải làm bucket list.*

Lưu Na  
02/17/2013

*Bucket list : Bản danh sách liệt kê những điều cần làm, muốn làm của một người trước khi nhắm mắt lìa trần.




No comments:

Post a Comment