Monday, December 9, 2024

BÁO CHÍ VIỆT NAM CŨ.

Tố Nghi
Bào Sài Gòn xưa
 
Đây là chiệng nhựt báo bán tại những sạp ở lề đường thời VNCH trước.
Sạp lúc nào cũng ở ngay sát vệ đường, để giờ tan làm, khách có thể dừng xe mua báo dễ dàng.
Y chang xe hủ tiếu của các chú, sạp báo nhỏ hìu, là một quầy trống thiếu vách, một cái hộp gỗ 6 mặt vuông trên có mái che. Mái dựa trên 4 cột nhỏ ở 4 góc sạp.
Mặt trên hộp tức mặt sạp báo là chỗ bày báo, rộng ngót ngét cỡ thước vuông rưỡi là cùng. Mặt này mở lên được vì có bản lề. Lòng sạp dưới nó là cái hộp, có khóa để khóa lợi. Mái che hẳn để tránh mưa nắng, nhưng vì thiếu vách, nên khi cần ông bà chủ sạp trải lên trên đống báo bày ấy mội tấm bạt nylon trong (...trẻo) đặng có thể thò tay vô rút đúng tờ nhựt báo cho khách hàng.
Lúc dẹp tiệm thì đám báo dư được chủ sạp bỏ hết vô "hộp sạp" khóa lợi trước khi ra dìa. Đám báo dư nọ sẽ hoàn trả cho toà soạn, rồi thanh toán tiền nong trên số báo đã bán ra.
 
Nhà tui trên đường Lê văn Duyệt khu Hoà hưng. Sạp báo nằm ngay trước tiệm giặt ủi Quang Trung, gần ngã ba giao thoa với hẻm Hoàng đạo. Sạp nằm sát lề lòng đường đối diện với nhà, và sát bên cột đèn đường
 - Cột điện ấy là chỗ thỉnh thoảng đám nít trai lối xóm chung quanh lui tới giấc tối, trong đó có một thị mẹt duy nhứt, đứa lận lưng dàn ná và đám sỏi sạn, rồi cùng nhắm bóng đèn đường mà thi đua xạ tiễn -
Chủ sạp báo là 1 cặp bắc kỳ trẻ, vui vẻ lễ phép, cần cù chí thú làm ăn. Ngoài nhựt báo, họ không bán thứ nào khác nữa.
 
Vì các tờ báo chỉ xuất bản vào giấc xế chiều, nên rồi đâu khoảng 2 giờ thì ông bà chủ ra sạp trống mần màn quét dọn, móc giây thép vô đám đinh đóng sẵn quanh 4 góc cột, để khi cần có chỗ sẵn treo báo lên. Đâu đó lối 2 giờ rưỡi hay 3 giờ thì báo mới về tới. Báo được cột thành từng bó từng chồng cốt dễ dàng chuyển vận. Lâu quá tui hổng nhớ rõ, đám báo nớ được người bỏ mối từ hãng in mang tới, hay chính ông chủ sạp tới hãng khiêng về nữa lận. Rồi hai ông bà chủ mới cởi giây, gấp đôi từng trang báo lợi, xong lồng các trang ấy vào nhau theo thứ tự số trang, xong bưng bày xếp lớp trên mặt sạp, chuẩn bị... mậu dịch bán buôn.
 
Báo bán lẻ do bà phụ trách. Phần ông thì đi giao báo tận nhà, ông bỏ các tờ báo vô cái túi đeo sau lưng, tới thẳng nhà khách hàng mua báo tháng, nghĩa là trả trước, để giao báo. Thỉnh thoảng cũng có những khách hàng quen, mua báo lẻ đòi giao ở nhà - hổng rõ báo lẻ giao tận nhà giá có nhỉnh hơn không - Tía đặt báo giao theo lối tháng này. Ông chủ tới tận cửa nhà, nhét tờ báo cho lọt thẳng qua ngạch cửa.
Hai ông bà bán báo giao báo vậy, đâu lối 8 giờ tối thì đóng cửa sạp, bởi sau giờ này khách hàng hầu như không còn nữa, vì giờ tan làm hoàn toàn đã qua.
 
*
 
Hồi nhựt báo khởi sự đăng truyện dịch võ hiệp kỳ tình Kim Dung, tức truyện chưởng, thì thì thinh không các nhựt báo tăng số bán. Thế là sửa soạn tới hổng kịp. Mỗi bữa, tui từ đường bên này ngóng qua bên kia chờ báo về tới. Vừa thấy đống báo cái là tót liền sang, đứng chờ chủ sạp gấp xếp trao tận tay, rồi tót về đưa cho anh tư và chị năm đọc, bởi cả hai nóng lòng tới hổng thể chờ nổi báo giao tới nhà nữa. Tui còn nhỏ nên chưa biết đọc kiếm hiệp lúc này.
Khi nớ đèn sách đã học trước với má cả rồi, nên rảnh rang lêu lỏng theo đám con trai phá làng phá xóm (và bắn ná).
Hồi ở không hưỡn quá, tui bèn lần mò sang luôn bển phụ chủ sạp gấp báo xếp báo và đưa báo tới tận tay đám khách hàng đậu xe vô mua báo lẻ. Lần hồi 1 chập, chừng sạp bớt khách thì thợ phụ được quyền rút báo trên sạp đọc cầm hơi, chỉ đọc tên tờ báo, những tựa lớn ngay trang nhứt có kèm hình ảnh phụ đề. Đọc vì tò mò, chớ còn hiểu thì thường khi hổng hiểu rốt ráo.
 
Rồi... teng teng teng tèng... dẫn tới phong trào thuê báo
Thuê báo là mướn báo bữa đó đọc, qua bữa sau sẽ trả lợi để thuê tờ báo của ngày sau.
Thuê báo có hai điều lợi: hổng tốn tiền như mua báo, và hổng phải giữ lợi tờ báo cũ chi cho chật nhà.
Thuê báo như vậy, lợi cho người đọc báo và cho cả chủ sạp báo, nhưng lỗ lã cho chủ nhơn tờ nhựt trình, đứa con cưng thinh không biến thành gái thanh lâu. Báo làm ra, tiếng là đông bạn đọc nhưng tiền lại hổng vô. Khổ quá xá khổ!
 
Hổng rõ... chiệng thuê báo khởi sự từ khi nào, và do ai khởi xướng nữa cà.
Chỉ nhớ một bữa... thinh không ông chủ sạp ghé qua hỏi, vậy chớ tía có muốn đổi chương trình, từ mua báo tháng sang thuê báo tháng hay không? Ông nói: đọc xong tờ báo giữ lợi, qua bữa sau lúc giao tờ báo mới, ông sẽ lấy lợi tờ cũ rồi trả về cho toà soạn. Thảo nào... ông chủ vác túi báo tháng đi giao, chừng về báo vẫn đầy túi hổng suy suyển. Dĩ nhiên má hào hứng việc thuê báo - thì dzậy nên đờn bà mới... hổng cao hơn ngọn cỏ - nhưng tía và anh hai cực lực lắc, biểu ai cũng làm vậy rồi toà soạn trị sự sống làm sao?
 
Rồi làm chi với đống báo cũ nọ hử, cả báo thuê lẫn báo dư bữa trước giữ trong hộp sạp?
Thưa... bà chủ mang kéo cắt phần trên trang bìa trước, chỗ có tên tờ báo và ngày tháng xuất bản, bỏ vô bìa thư to đùng sau khi đếm số lượng, làm bằng chứng trong thanh toán tiền nong với hãng phát hành, đám giấy báo còn lại thàng rác, được trút vô cái thùng phuy to đùng - thời nớ chưa có tự ên recycle như bây giờ heng - mang bán ký cho các chú ve chai
Thành ra... báo Chính luận của chủ nhiệm Đặng văn Sung tiếng là đứng top list về số độc giả, nhưng thực tế lợi nhuận không nhiều.
 
Hồi quý nữ còn nhỏ hìu thì tía đọc Tự do. Tự do chú trọng thông tin chánh trị xã hội nặng nề. Khác với tờ Ngôn Luận và Tiếng chuông cùng thời, trọng tâm hướng sang những đề tài nhẹ nhàng giải trí (ca nhạc điện ảnh...).
Sau đó xuất hiện tờ Chính Luận của chủ nhiệm Đặng văn Sung (chủ bút là ai tui quên rồi).
 Đường hướng của Chính luận nằm giữa Tự do và Tiếng chuông, phù hạp thị hiếu của mọi giai từng xã hội.
Mặt trong có tranh hoạt hoạ cho thiếu nhi, và có mục Ao Thả Vịt của VIP-KK.cho người lớn
VIP viết tắt tiếng anh "very important person", và KK tức |"caca" tiếng lóng viết tắt của tiếng pháp. Vịt ám chỉ những chiệng có thiệt lẫn không có, được hài hước hóa để tránh lưỡi kéo kiểm duyệt của bộ thông tin. Và đám vịt lội trong ao nớ do bác VIP-KK thả vào, từng đàn từng đàn trong mỗi bài viết. Cả tía lẫn chú tư đều thích đọc mục này, độ trúng sai hổng cần biết, đọc rồi hể hả cười sảng khoái - bổ cả tì vị, lẫn bình cà phê và phin lọc - Nghe đồn y hình bác VIP-KK chính là nhà văn Chu Tử không khác.
 
Ông Đặng văn Sung sau thành thượng nghĩ sĩ, vô ngồi trong hội trường Diên hồng, đường Bến bạch đằng.
Cách đó không xa, cùng bên đường là ngân hàng trung ương của thống đốc Phạm quang Uyển.
Đối diện bên kia đường là một công viên lớn bên cạnh bờ sông, đầu tận cùng của kênh Nhiêu Lộc đổ ra sông Sài-Gòn thì phải (?). Dịp nghỉ hè, tối trời nóng nực, tui thường theo đám cousins con dì hai cuốc bộ dọc Trình Minh Thế ra đây - tránh công viên Bạch đằng náo nhiệt đông đúc  - nhẩn nha ghế đá công viên ngồi hóng gió, rồi mua mía ghim đớp cho bớt buồn cái miệng.
Nhớ mài mại là... nghe nói là... dịp loạn lạc trong ngày mất nước, bác VIP-KK sợ rằng hổng còn chỗ thả vịt sẽ thất chí buồn rầu.
Còn bác Chu tử thì lên tàu rời Sài gòn ngày 30 tháng tư đen sóng gió, bị tàu Việt cộng rượt theo bắn chết, xác phải thả xuống biển, theo hồi ký của Nhã ca.
 
Một anh bạn kể, thời sinh viên phải đi làm thêm kiếm tiền tiêu vặt, anh vào làm trong hãng in báo, đảm đương nhiệm vụ nhét mấy tờ flyers quảng cáo vô trang giữa. Theo lời xếp của anh lúc đó thì... đây là công việc quan trọng nhất trong ngành báo chí, tự vì đa số độc giả mua báo cốt để xé cúp-pông mua hàng được giảm giá từ tờ quảng cáo nọ. Tờ báo thời đó vẫn sống được nhờ tiền bán quảng cáo chớ tiền bán báo thì không đủ sở hụi.
Khi đó, mấy tờ nhật báo khổ to thường phải rọc mép trang mới mở ra coi được, làm vậy để khách khỏi coi ké rồi trả lại. Trong nhà in người ta xài cuộn giấy bự, bề ngang cỡ tấm phản, đưa vô máy in một lượt tất cả các trang, xong xếp lại làm tư hoặc tám, còn dính liền phần gáy và phần bìa ở trên, nếu để y nguyên hông cắt thì hông thể lật từng trang.
Tới 1990 kiosque bán báo còn thấy ở mấy góc đường bên Tây, bên Mỹ, bây giờ thì không có ai mua báo ngoài đường nữa. Sạp báo kiosques báo dẹp tiệm hết.
 
À... nhớ thêm chiệng này về nhật báo thời VNCH cũ:
Tui giữ nhiệm vụ đọc báo cho má nghe, đọc xong y phép hai tay đen thùi lùi, cũng bởi mực in hồi nớ hổng mấy tốt, nên sanh lấm lem tùm lum.
Rồi trước khi dô giường ngủ (và nghe la dô với tía má) thì y phép tía nhắc chừng quý nữ ra sàn nước rửa cả tay lẫn chơn cho sạch.
Sàn nước sau hè, tối tối anh hai ôm guitare ra ngoải xài chiêu song thủ hổ bác, vừa tremolo vừa đuổi muỗi - hổng hiểu sao muổi cứ thích chun vô tấn công cả bình lẫn phin lọc nữa cà. Riêng em quý nữ thì chúng tấn công mặt tai ót và da đầu.
Nghe xong bản Requierdos de la Alhambra, hồi dô giường y phép gãi lung tung - và được tía má gãi phụ -
 
Rồi một bữa, trang trong số báo cuối tuần, thinh không có ông (BS) bun-shịt gyneco la làng trong mục y tế, rằng mấy bà tới khám vì nhiễm trùng sanh dục, chừng hỏi tới y phép có chồng đọc báo trong giường giấc tối. Chiêng da bun-shịt hồ nghi chiệng vi trùng vi khuẩn đã từ đám mực in lọt vô do bất cẩn.
Tía nói thôi từ nay mình đừng sai nó đọc báo nữa. Má biểu đâu được nà, nó yếu ớt hổng dám cho tới trường, thành phải giáo dục dạy dỗ cách này - mình cố đừng quên, nhắc nó rửa tay chơn với xà bông là được -
Nói nào ngay, ra sàn nước tui chỉ nhúng tay chơn đầu cổ ướt làm kiểng thôi, đời nào mà rửa kia chớ.
Nhưng có lẽ mấy con vi trùng trong mực ớn tui, thành chúng tránh tui trước!
 
Thế kỷ 21, người ra hổng ôm báo nữa, nhưng ôm laptop dô giường, vậy cho hạp vệ sanh thường thức.
Chiệng laptop còm-piu-tưa tui ấm ớ hổng rành, đọc báo bằng laptop coi như hổng tưởng
Mà hổng lẽ... tới tuổi này rồi còn ghi danh ôm cặp học I.T, rồi học bao lâu mới ra trường đặng!
TỐ NGHI 

No comments:

Post a Comment