Sunday, May 5, 2024

QUỲNH LIÊU

Lê Chiều Giang
 
Nhà văn Ngô Thế Vinh
 
Tình bạn. Tiếng nói của ngàn năm
         Ngô Thế Vinh. Nghiêu Đề
 
 Cứ theo cách suy nghĩ thông thường, khi một Ca sĩ luống tuổi được các Show tổ chức vội vàng để mời đến trình diễn, nói đôi lời bóng bẩy trong buổi ca nhạc trên sân khấu. Một Nhà văn cho in, viết thêm hồi ký. Hoặc một Thi sĩ luôn được bạn bè réo gọi họp mặt, trong nuối tiếc... Ngay lập tức, thiên hạ đoán già đoán non, đưa ra kết luận toàn những điều tai ương, hay các chứng bịnh nan y khó chữa… Nghe mà sợ hãi.
Nhưng tôi biết anh Ngô Thế Vinh không bị ai “tưởng” gì hết. Anh vẫn say sưa, chìm đắm viết về, nói đến dòng sông gần khô cạn rất tội nghiệp của quê hương. Anh vẫn có ngàn ngàn bệnh nhân xếp hàng chờ khám để nhận được những toa thuốc… Mát tay. Dù tạp chí Ngôn Ngữ đang chuẩn bị số đặc biệt về anh, Nhà văn Ngô Thế Vinh.
 
Thuở Nghiêu Đề lúc cạn tiền, túi hết, anh hay lang thang ra ngồi Café góc phố. Nhưng nếu bán được tranh, coi như tiền có từ trên trời rơi xuống, anh thích ngồi La Pagode. Anh gọi hết bè bạn ra café thuốc lá, kên đời và để huyên thuyên cười nói… Riêng anh Ngô Thế Vinh đã chẳng bao giờ sống bạt mạng như thế. Anh thích ngồi trang trọng chỉ riêng với vài bạn thân ở quán Thanh Bạch. Anh quen biết rất đông giới văn nghệ, nhưng lại ít tham dự cách vui chơi huyên náo của những văn nhân, thi sĩ. Anh rất hòa nhã nhưng dè dặt, lặng lẽ và kín đáo. Sẽ chẳng bạn bè nào hiểu Ngô Thế Vinh đang nghĩ gì…
Nhưng nếu chúng ta còn thắc mắc Ngô Thế Vinh nghĩ gì, chắc đã là điều vô cùng thừa thãi. Bởi chẳng phải anh đã dàn trải bao nỗi niềm, tỉ tê nói hết ra trong “Mây Bão” [Sông Mã 1963] hoặc “Bóng đêm” [Khai Trí 1964] rồi đó sao?
Những tác phẩm xuất bản ở Sài Gòn khi tôi mới vừa biết đánh vần, nên chỉ duy nhất chính tôi mới là người không hiểu gì về anh Ngô Thế. Vinh, người bạn của Nghiêu Đề đã từ lâu lắm.
 
Năm 1992, trong một tối họp mặt tại căn nhà rất đẹp của anh Trang Châu ở Montréal, trong dịp anh Kiệt Tấn đến từ Paris và chúng tôi từ California qua thăm gia đình anh Luân Hoán, và anh chị Hoàng Xuân Sơn. Nơi nào có Kiệt Tấn nơi đó phải có “rượu đổ đầy máng xối”. Thiên hạ rót rượu như suối và bàn toàn những chuyện trên trời. Chán rồi các vị cũng phải tán về những chuyện ngay dưới đất. Chiến tranh. Một cuộc chiến dai dẳng mà như vừa mới xảy ra rồi chấm dứt hôm qua. Để khi tàn cuộc thì tất cả chúng tôi đã phải chạy thoát khỏi quê hương, sống tản mát khắp mọi nơi như bây giờ…
 
Có ai đó hỏi Bác Sĩ Trang Châu về Ngô Thế Vinh, luôn tiện nhắc lại Vòng Đai Xanh. Tác phẩm anh Vinh khởi viết từ giữa thập niên 60 và hoàn tất năm 1969 khi anh đang là Bác Sĩ trưởng Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù. Tôi nhớ Vòng Đai Xanh có bức tranh bìa anh Nghiêu Đề vẽ với cách trình bày rất tân kỳ, xuất bản năm 1970. Tuy không mặn mà lắm với những tác phẩm viết về chiến tranh, nhưng tôi đọc Vòng Đai Xanh chỉ vì tác phẩm này đã đoạt giải văn chương năm 1971.
Năm ngoái anh có ý định nhờ tôi đọc Audio Vòng Đai Xanh. Đây là lúc tôi “chịu khó” đọc lại sách của anh Ngô Thế Vinh nhất.
Đọc để hiểu và thẩm thấu hết những điều anh viết về những người hùng của Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, đã dồn hết nỗ lực bảo vệ những người Thượng trên miền đất cao nguyên, nơi rừng sâu thâm u, ngã ba Việt Miên Lào. Vùng Biên Trấn.
Nhưng sau khi đọc lại Vòng Đai Xanh, tôi mới biết rằng, giọng đọc của tôi không cách nào lột tả ra hết sự hùng tráng, kiên cường của những người lính anh dũng trong quân lực VNCH. Và làm thế nào để tôi diễn đạt tới nơi tới chốn những tai ương, bi thảm đầy phi lý của chiến tranh, cộng thêm với biết bao chi tiết tàn bạo đến kinh hoàng? Quá lắm chắc tôi chỉ có thể… “Hỡi em yêu dấu...”, như anh Nguyễn Đình Toàn đọc trên đài phát thanh mỗi chiều thứ năm thời xa xưa ở Sài Gòn.
Cuối cùng cả anh Vinh và tôi đều quên mất chuyện Audio cho Vòng Đai Xanh.
--------------
Khi biết anh Ngô Thế Vinh đang bị tù giam tại Suối Máu, chúng tôi tới thăm Bà. Mẹ anh Vinh nắm tay anh Nghiêu Đề như tìm lại hơi ấm từ đôi bàn tay người con đang bị giam cầm nơi xa xôi. Bà nhìn Cu Bi con trai của chúng tôi đi lẫm đẫm quanh nhà rồi nhắc nhớ đến Quỳnh Liêu, cô cháu nội mà Bà biết sẽ chẳng còn có bao giờ được gặp lại. Quỳnh Liêu đã đi với mẹ trên chuyến bay di tản. Nước mắt Bà rơi khi nghẹn ngào kể chuyện. Trước ngày Dương văn Minh đầu hàng, anh Vinh đã dự tính ra đi, nhưng cuối cùng anh quyết ở lại. Anh muốn ở lại nhà, nơi còn có Mẹ già cần anh chăm sóc.
 
Quyết định này của anh cũng làm tôi nhớ đến thời gian mà cuộc chiến đang vô cùng khốc liệt, Anh không đi tìm cho mình những thăng tiến an lành, khi mà còn rất nhiều những chiến binh kiêu hùng cần đến bàn tay nhân ái của anh. Anh phải ở lại để cùng hy sinh và chiến đấu. Như người bạn thân, Bác sĩ Lê Thành Ý có một lần đã liều chết để mổ khẩn cấp, quyết tâm cứu một người lính trẻ 28 tuổi gốc thiểu số trong một Trạm Xá Dã Chiến trên vùng cao nguyên. Người lính Biệt Động Quân này bị một trái M79 ghim sâu vào bắp chân khi chiến đấu tại Pleime. Tiểu đoàn đã không dám tải thương về Quân y viện Pleiku, bởi sợ trái đạn phát nổ bất cứ lúc nào trong khi di chuyển. Và nó cũng có thể nổ tung, tiếng nổ sẽ làm chết nhiều người, những phụ tá và cả anh Lê Thành Ý trong lúc đang loay hoay giải phẫu…
Cuối cùng Bác Sĩ Lê Thành Ý đã hoàn tất ca mổ như một phép lạ ngay giữa núi rừng thâm u trong một đêm đầy lửa đạn.
—--------
Tôi thích tựa bài viết như thích tên mà anh Ngô Thế Vinh đã đặt cho cô con gái của anh chị: Quỳnh Liêu.
Cái tên đẹp và thơ mộng như thời anh Ngô Thế Vinh và anh Nghiêu Đề đã cùng nhau thực hiện Tạp chí “Tình Thương”, và cùng lập ra Nhà xuất bản “Sông Mã” từ những năm rất xa xưa ở Sài Gòn.
 
LÊ CHIỀU GIANG
2023

No comments:

Post a Comment