Sunday, June 14, 2020

COVID 19. TỪ NHỮNG GÓC ĐỜI

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Coronavirus. Pray for our world

Lời tác giả: Cảm tác từ những điều đã trải qua hoặc học hỏi được qua dịch bệnh COVID-19, Cam Li xin phép không nêu tên người thật và địa điểm thật trong những “truyện rất ngắn” sau đây, bởi nó chỉ bằng một phần trăm hay một phần ngàn chuyện trong đời thật.

Chỉ là cảm cúm?
      Đây không phải là câu chuyện mà tôi muốn kể, và cũng không mong đó là chuyện của chính tôi để mà kể. Nhưng tôi quyết định kể để mong các bạn hãy suy nghĩ hai lần trước khi định đi đâu đó không cần thiết, hoặc ra phố mà không mang mask hay không muốn giữ khoảng cách xã hội.
      Tôi nghi là mình đã nhiễm virus từ ngày 7 tháng Ba, trong một cuộc họp mặt đông người, trước cả khi tình hình tại Washington trở xấu trong lúc phần còn lại của đất nước này hầu như chẳng có ai quan tâm đến loại virus ấy. Tôi không có một triệu chứng nào cả, cho đến ngày 17 tháng Ba, tức 10 ngày sau, xuất hiện những triệu chứng nhẹ là hắt hơi và sổ mũi, giống như bị dị ứng hoặc cảm lạnh thông thường, rất dễ lờ đi. Rổi thì đến ngày thứ ba, tôi bắt đầu sốt nhẹ, ớn lạnh, mệt mỏi, đau nhức, quặn bụng, chóng mặt dữ dội, ho khan, đau thắt giữa ngực và lan thấu ra sau lưng. Ghê gớm nhất là khó thở. Tôi nằm thẳng trên giường, chỉ tập trung vào việc thở, cố gắng hít thở thật sâu, và cố gắng không để mình hoảng sợ.
      Tôi gọi cho bác sĩ để xin hẹn. Họ không muốn bệnh nhân đến phòng mạch nên hẹn một cuộc “virtual visit”- khám bệnh ảo, qua đó bác sĩ bảo rằng tôi đã có đủ các triệu chứng để được xét nghiệm. Ngày 20 tháng Ba, tôi lái xe đến Urgent Care và đậu xe phía sau tòa nhà, ngồi yên trong xe. Một y tá và một kỹ thuật viên trong trang phục bảo vệ (PPE) (1) đến gần, chỉ dẫn cho tôi giữ khoảng cách, rồi người kỹ thuật viên lấy mẫu phết mũi của tôi. Họ nói sẽ có kết quả trong vòng từ ba đến năm ngày. Tôi lái xe về.
Các triệu chứng của tôi trồi sụt trong mấy ngày này. Tôi không mấy khi rời khỏi giường. Tôi cứ gọi hỏi thăm kết quả. Phòng xét nghiệm lại hẹn thêm dăm ba ngày nữa. Thôi thì cứ yên tâm là mình chỉ bị cảm cúm thông thường. Còn cái gì gọi là COVID-19 ư? Chắc không đâu!
     Vào ngày 1 tháng Tư, khi cảm giác thở hụt hơi và những cơn đau ngực lại đến, tôi bắt điện thoại lên gọi và phải chờ một lát, được báo kết quả dương tính. Là positive! Ôi Trời ơi, trong những ngày qua tôi đã không “cách ly” triệt để với chồng và hai con nhỏ của mình! Tôi căm ghét tôi quá! Tôi muốn quỵ xuống.
      Với những triệu chứng đó, tôi hẹn được với bệnh viện trong cùng ngày để kiểm tra oxygen và phổi. Tại khoa hô hấp của Multicare, tôi được sự chăm sóc ân cần của đội ngũ nhân viên y tế. Họ quá tốt, quá chu đáo. Họ quả là những vị anh hùng của tôi, giúp tôi vượt qua những ngày khó khăn ghê gớm.
      Tôi nghĩ đây không chỉ là chuyện của tôi hay gia đình tôi, mà là chuyện của tất cả chúng ta phải nghĩ tới. Ai cũng biết “shelter in place” là buồn chán, là căng thẳng, là khó chịu vô cùng, nhưng chúng ta hãy xem đó là bổn phận chúng ta phải làm trong mùa dịch bệnh này.

Tôi là con người, không phải là “bất khả xâm phạm”
      Tôi 27 tuổi, sinh viên Y khoa năm thứ Tư, là một nam thanh niên khỏe mạnh, không hề có bệnh gì cả. Sức khỏe của tôi dồi dào, nếu không muốn nói là vô cùng khỏe. Giống như tôi sinh ra là để khỏe thôi! Tôi siêng năng tập thể thao, đạt được “6 múi” nhờ vậy. Vâng, tôi trẻ, khỏe, tôi như là miễn nhiễm với con coronavirus mới này.
      Nhưng tôi đã sai!
      Đầu tháng Ba, bắt đầu thấy những báo cáo về sự lây lan loại virus mới này tại Hoa Kỳ. Tôi biết về chuyện xảy ra ở một nursing home tại Seattle, rồi thì ở một giáo đường Do Thái tại New Rochelle, New York. Khởi đầu là như thế, rồi thì sức lây lan của virus này trong cộng đồng đã rộng lớn không ngờ.
Tôi tự nhủ: “Ừ thì mình sẽ rửa tay thật đúng cách, sẽ giữ khoảng cách ít nhất 6 feet khi đến nơi có nhiều người.” Nhìn lại thời gian qua, đã có rất nhiều dịp tôi có thể tiếp xúc với virus này. Sau hai tháng làm việc ở Phi châu, tôi bay về trên những chuyến bay đầy ắp, lang thang trong các phi trường Nairobi và JFK nhộn nhịp, rồi thì ở lại Florida một tuần, dự một buổi tiệc ở bãi biển trước khi bay về Indiana để hoàn tất học kỳ cuối. Tôi đã không cẩn thận. Bởi tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể bị bệnh.
        Một ngày sau khi về đến Indiana, ngày 12 tháng Ba, tôi thức dậy với cảm giác bị sốt, ớn lạnh, hơi đau cơ và khớp. Không ho, không khó thở, không buồn nôn, không tiêu chảy. Chắc là bị cảm cúm gì đây? Tôi uống thuốc hạ sốt rồi nằm nghỉ. Hôm sau, tôi sốt 101 độ Fahrenheit. Tôi hẹn bác sĩ. Đến phòng mạch, tôi được đưa vào một phòng biệt lập. Bác sĩ của tôi, trang bị PPE cẩn thận, cho tôi làm flu test, kết quả âm tính (negative) trong cùng ngày, cộng thêm xét nghiệm COVID-19 mà tôi phải chờ kết quả trong 7 ngày. Trong thời gian này, sức khỏe của tôi xấu dần. Sốt không ngừng. Mất vị giác. Sụt 10 pounds. Đến sáng ngày thứ tám, tôi thức dậy với mồ hôi đầm đìa từ cả đêm trước, nhưng không còn nghe sốt và ớn lạnh. Tôi đã khỏi bệnh chăng? Cầu Trời cho tôi chấm dứt thời gian địa ngục này. Ngay lúc đó, tôi nhận được kết quả xét nghiệm: positive (dương tính) với COVID-19! Thôi rồi, phải tự cách ly thêm bảy ngày nữa!
        Chia sẻ chuyện này, tôi muốn kêu gọi mọi người hãy góp phần của mình vào việc kiểm soát dịch bệnh. Xin đừng mắc sai lầm như tôi. Đừng nghĩ mình trẻ khỏe. Tôi khá may mắn nên chống chọi được ở nhà, nhưng khoảng thời gian “cách ly” đó đối với tôi như là địa ngục.
       Xin hãy ở nhà, bởi vì các nhân viên y tế của chúng ta đang thiếu mask cho chính họ và thiếu máy thở cho bệnh nhân. Xin hãy ở nhà, bởi các nhân viên y tế của chúng ta đang hy sinh ở tuyến đầu để bảo đảm rằng bệnh nhân của họ được sống.
       Xin hãy ở nhà, dù bạn đang tự tin là mình trẻ, khỏe. Bạn có biết, 1 trong 5 người mắc bệnh COVID-19 nguy kịch phải nằm bệnh viện là thanh niên trẻ khỏe tuổi từ 20 đến 44? Và bạn có biết, có đến 35 phần trăm người nhiễm coronavirus hoàn toàn không có triệu chứng, cho nên họ có thể làm lây virus cho những người thân của mình mà không hay.
       Tôi là sinh viên y khoa. Tôi phải bỏ hai dịp đặc biệt quan trọng của mình là Match Day và lễ tốt nghiệp. Nhưng cho dù đang hoàn toàn khỏe mạnh, đây cũng không phải là lúc chúng ta đi dự hội, dự tiệc, gặp gỡ bạn bè, ra công viên hay bãi biển. Tôi hứa với bạn, những dịp vui ấy có thể chờ chúng ta.
Tôi tên là John, 27 tuổi, trẻ, khỏe, nhưng không phải là bất khả xâm phạm. Bạn cũng vậy.

Món Quà Cho Người Phát Thư
      Làm người đưa thư đã ngót mười năm, tôi vẫn thường nhận được những tấm thiệp, hoặc đơn giản là những mẩu giấy ghi lời cám ơn mà các khách hàng của mình để trong thùng thư. Có khi, như vào dịp Giáng Sinh, họ gửi cho tôi một túi kẹo hay hộp bánh, đó là chuyện thường.
      Nhưng hôm nay, tôi nhận được một món quà kỳ lạ: một cuộn giấy vệ sinh. Mảnh giấy kèm theo đó ghi: “Chúng tôi hy vọng cô có một ngày không tệ. Trong khi chúng tôi được ở nhà thì cô phải ra ngoài, thật là không an toàn. Chúng tôi cám ơn cô lắm!”
      Tôi bật cười. Đúng là từ những ngày đầu tháng Ba đã có những cuộc săn hàng thậm chí dẫn đến hỗn loạn tại các siêu thị. Người ta kéo nhau đi mua mọi thứ, lo sợ dịch bệnh sẽ làm cho mọi người phải ở trong nhà, các ngành sản xuất nhưng hoạt động, rồi thì sẽ thiếu đủ thứ, từ thực phẩm, nước uống, gel rửa tay, giấy khử trùng, cho đến… giấy vệ sinh. Đúng là đã xảy ra cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh, khó tin nhưng có thật. Chuyện này thật ra không phải là mới mẻ, bởi tôi cũng đã nghe đâu đó, qua những trận động đất, sóng thần ở Nhật Bản, cái khan hiếm nhất chính là giấy vệ sinh. Bây giờ chính mình đang sống trong đại dịch, chuyện đó xảy ra trước mắt.
      Ngày hôm đó với tôi thật vui. Đảo một vòng trên internet, tôi thở ra nhẹ nhõm: Chúng ta có vài xưởng làm ra giấy vệ sinh tại Hoa Kỳ, ít ra cũng có một xưởng ở ngay tại xứ Georgia của tôi!
Anh bạn của tôi, ở Florida, cũng làm nhân viên phát thư, chia sẻ một bức hình vui: Những chiếc giỏ xách to chứa đầy giấy vệ sinh và giấy lau tay, đặt ở một thềm nhà, với mảnh giấy ghi hàng chữ: “Xin lấy đủ số bạn cần. Nhớ để giỏ lại đặng dùng cho lần sau.”
      Còn người em trai rất trẻ của tôi ở Ohio, 23 tuổi, thì làm điều ngược lại. Em đánh máy và in những mẩu giấy, bỏ vào mỗi thùng thư trong khu vực em phụ trách. Mảnh giấy ghi: “Nếu quý vị yếu đuối và cần mua các thứ thiết yếu, xin cho tôi biết, tôi sẽ giúp.” Em ký tên và ghi số điện thoại của mình.
Thật vui, mỗi tờ giấy như vậy nhận được một câu cám ơn. Và có khoảng 50 người nhờ em mua giúp hàng mỗi ngày. Thế là ngoài giờ làm việc, em đến các siêu thị để mua những món được yêu cầu. Ngày hôm sau, chiếc xe màu trắng của em không chỉ dùng để phát thư mà còn như một tiệm tạp hóa lưu động. Em vui với chuyện em đã “go the extra mile” để làm một cái gì đó giúp được cho những người già yếu, bệnh tật.
       Ôi, những tấm lòng! Những món quà vui này có thể giúp người ta thêm tin tưởng vào tình người!

Tóm tắt một ngày làm việc của một bác sĩ ER (2)
6 giờ rưỡi sáng thức dậy. 8 giờ bắt đầu làm việc. Bước vào phòng cấp cứu. Một bản đồng ca nhiều bè của những tiếng ho. Hầu hết các bệnh nhân, trẻ hay già, đều có những triệu chứng như nhau: ho, khó thở và sốt. Gần 10 giờ sáng, có hai bệnh nhân đã phải dùng máy thở.
       Trước khi về: lau chùi sạch sẽ mọi thứ, bỏ vào nơi khử trùng.
       Về đến nhà: cởi bỏ mọi thứ ngoài hành lang, bỏ hết vào một giỏ giặt riêng. Hy vọng hàng xóm có nhìn thấy cũng thông cảm. Vợ bồng con nhỏ đi tránh không cho gặp. Ôi, chưa có gì thảm bằng! Nhớ lắm!
Nhưng đi tắm cái đã! Hạnh phúc nhất là lúc này. Mong con Cô Vi trôi hết. Ngày mai lại tiếp!

Xin hãy ở nhà!
      Chưa bao giờ “stay home” lại là một hành động nghĩa hiệp. Tin hay không?
      Thông điệp của một nữ bác sĩ trên Facebook ngày 23 tháng Ba:
      “Phòng cấp cứu của chúng tôi càng ngày càng bận rộn. Tôi, các y tá và các kỹ thuật viên đều cảm thấy có một thứ năng lượng đáng sợ đang tăng cao lên.
      Xin quý vị có những triệu chứng nhẹ hãy ở nhà và giữ sức khỏe trong lúc tự cách ly. Xin đừng cho phép mình lơ là chuyện rửa tay kỹ lưỡng và theo dõi bệnh trạng của mình. Đặc biệt hãy tránh xa những người cao niên vì họ rất dễ nhiễm bệnh. Quý vị chỉ nên đến phòng cấp cứu khi bị khó thở hoặc quá yếu sức.
      Chúng tôi ở đây vì quý vị, xin quý vị hãy ở nhà vì chúng tôi!”

Thư gửi con còn nhỏ
      “Con yêu, con còn quá nhỏ chưa thể đọc những dòng này. Mỗi ngày mẹ đều đóng khung trong PPE, từ đầu tới chân. Nếu con gặp mẹ, con sẽ không nhận ra mẹ đâu! Nhưng nếu COVID-19 có cướp mẹ đi, mẹ chỉ mong con hiểu rằng mẹ đã cố gắng làm tròn công việc của một nhân viên y tế!”

Những chiếc “khẩu trang”
       Gì mà khẩu trang? Nghe “khẩu trang” người ta nghĩ ngay đến Việt Nam. Chỉ ở Việt Nam mới mang khẩu trang. Người Việt hải ngoại thích nói “mask” nghe nhẹ nhàng hơn. Có người nói “mặt nạ” thì nghe có vẻ hơi… gồ ghề. Chắc tại vì chúng ta quen xem phim có những người mang một cái mặt giả, không giống chính họ, gọi là cái mặt nạ. Thì đúng như chữ dùng, “nạ” là cái mặt giả đeo bên ngoài mặt thật, theo định nghĩa trong Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản năm 1931.
       Có bao giờ người ta nghĩ đến thời trang năm 2020 là những chiếc mask? Loại thời trang này, bà con sống ở Việt Nam dù muốn hay không đều phải mang khi ra đường để tránh bớt khói bụi, vì không khí ở Việt Nam ô nhiễm nhiều lắm. Mang mãi thành quen, người dân mình không thấy khó chịu khi mang khẩu trang.
       Lúc dịch bệnh COVID-19 khởi phát, chưa có khuyến cáo mang mask. Bây giờ thì tất cả mọi người đều phải mang mask dù có bệnh hay không, bởi con virus này có thể theo những giọt li ti mọi người làm bắn ra khi ho, hắt hơi, nói chuyện, thậm chí thở, và nhiễm vào người khác. Mang mask là để bảo vệ cho chính mình và cho người xung quanh. Và nhường mask N95, mask y tế cho nhân viên y tế, người ta bảo nhau may mask bằng vải. Ra đường thì chỉ cần mang mask may bằng nhiều lớp vải là đủ rồi. May mask cho gia đình, cho bạn bè, gửi tặng cộng đồng, bán trên internet… Không hẹn nhau mà chuyện may mask trở thành nóng bỏng.
       2 giờ sáng ngày 9 tháng Năm, tại Kentucky, một đôi vợ chồng đến bệnh viện, chồng đưa vợ đi sinh. Vì lạ, họ đậu xe nhầm cổng nên không vào được đúng khu sản khoa. Vợ chuyển dạ, chồng gọi 911. Nhưng, ôi Trời, em bé đã lọt ra rồi! 911 hướng dẫn người chồng những gì cần làm trong khi chờ họ đến. Hai vợ chồng đã dùng hai chiếc mask họ đang mang để cột dây rốn cho em bé. Thành công! Chiếc mask có thêm một công dụng mới!
      Gọi là gì đi nữa, mask, mặt nạ hay khẩu trang, cũng đều thân quen, dễ thương trong mùa đại dịch. Cũng là thời trang số một. Thời trang của tình thương. Thời trang của tinh thần trách nhiệm.

Anh vẫn bên em
     “Anh không được theo vào cùng với em. Bệnh viện có lệnh cấm không cho người nhà đi theo bệnh nhân em à!”
      “Em hiểu. Mùa dịch bệnh COVID, mình phải chịu thôi!”
      “Em đừng sợ nhé!”
      “Em sẽ cố gắng.”
      “Lần nào em làm chemo (3), anh cũng có mặt.”
     “Không sao, em sẽ tự nhắc mình đừng sợ.”
     Không sợ, nhưng buồn. Giống như cảm giác cô đơn “đi biển một mình” ngày xưa.
     Điện thoại sáng lên.
     Text: “Em hãy nhờ cô y tá mở màn cửa sổ.”
     “Chi vậy anh?”
     “Nhìn ra cửa sổ đi!”
     Người chồng đứng trong khu đậu xe, hai tay giơ cao tấm bảng ghi dòng chữ viết thật lớn: “Anh không được ở bên em, nhưng anh có mặt nơi đây, cùng em. Anh yêu em.”

Gặp nhau trên không gian ảo
      Anh ở bên Mẹ những ngày cuối. Anh biết đó là những ngày cuối, vì bác sĩ đã báo trước như vậy. Ngưng việc bên Cali, bay qua ở với mẹ nơi thành phố nóng bức của Arizona. Thời dịch bệnh, anh khuyên bà con đừng ai đến thăm Mẹ. Mẹ cũng hiểu, nhưng Mẹ tỏ vẻ ray rứt lắm. Tính Mẹ phóng khoáng xưa nay, thích gặp bạn bè, người thân, cười nói hỉ hả. Mấy tháng nay nằm trên giường, Mẹ chỉ còn là chiếc lá úa. Mẹ đã chịu thua căn bệnh ung thư.
      Anh làm video call cho mọi người gọi thăm Mẹ. Mẹ có vẻ vui, nhưng nói được dăm ba câu lại mệt, Mẹ bảo thôi. Mẹ muốn nằm yên tĩnh, nhắm mắt lại. Có thể Mẹ đang hồi tưởng những quãng đời lúc an vui, lúc sóng gió của mình.
       Ngày Mẹ ra đi, anh cũng xin bà con đừng đến phúng viếng, chỉ xin mọi người nếu thương Mẹ thì đóng góp cho bệnh viện St. Jude chữa bệnh ung thư cho trẻ em, hoặc cho các nhân viên ở tuyến đầu chống dịch COVID.
      Một “virtual meeting” được tổ chức đơn sơ trên Zoom. Họp mặt trên không gian ảo. Chỉ có tám người trong gia đình hai người con của Mẹ, nhưng kết nối đến thân nhân và bạn hữu nhiều nơi, cũng tạm ấm lòng.
      Thời dịch bệnh, mọi thứ như được sắp xếp lại, thay đổi thật sâu sắc.
      Anh nói, khi ôm bình tro của Mẹ:
      “Mẹ đã về thế giới của Mẹ, ảo hay thật? Mẹ ơi, tro của Mẹ là thật. Thân thể ấm êm của Mẹ, hai anh em con sẽ “share” nhau.”

Tôi là người gốc Á châu
      Là một y tá tốt nghiệp ở Philadelphia, làm việc trong bệnh viện ở New York, tôi nhủ lòng rằng mình sẽ không mệt mỏi khi hàng ngày mặc PPE từ đầu đến chân, sẽ không mệt mỏi khi mỗi ngày lấy khoảng 150 mẫu xét nghiệm COVID-19 từ các bệnh nhân. Nhưng tôi mệt mỏi khi nghe những chuyện người gốc Á bị miệt thị hay bị tấn công ngay trên đường phố. Tôi mệt mỏi vì chồng tôi lo âu khi tôi phải đi xe lửa một mình đến bệnh viện, lo rằng ai đó sẽ tấn công những người có gương mặt Á châu, như tôi.
       Chúng tôi, những người Mỹ gốc Á châu đang làm việc trên tuyến đầu chống dịch. Chúng tôi đang bảo vệ sức khỏe của người dân Mỹ. Xin hãy bảo vệ chúng tôi, bởi vì chúng tôi cũng là con người như các bạn.

Dịch bệnh sẽ qua đi
       Dịch bệnh rồi sẽ qua đi như một cơn ác mộng sẽ tàn. Trong trận đại hồng thủy này, sống chết thật khó đoán. Mọi giá trị đều được suy xét lại. Trong dịch bệnh, có người tuyệt vọng, có người cảm thấy cô đơn vì phải sống cô lập. Có người tự dưng phát triển một thứ tâm lý kỳ lạ, hành động bất thường. Có những gia đình vì phải “ở yên trong nhà” nên đâm ra tù túng, cảm thấy chán ghét nhau, thậm chí gây bạo lực với nhau. Nhưng một mặt khác trong dịch bệnh, có những mối liên lạc được gắn kết. Tình gia đình được trân trọng hơn. Người ta, vì ở trong nhà, có dịp nói chuyện, hiểu được người thân của mình hơn. Người ta biết tiết kiệm, biết quý trọng thực phẩm, biết tự nấu nướng, biết ơn người chăn nuôi, người trồng trọt, người làm ra sản phẩm cho xã hội. Trong dịch bệnh, người ta tìm đến niềm tin tôn giáo nhiều hơn. Những lời cầu nguyện dù không ra tiếng, vẫn cộng hưởng và vang lên từ mọi góc của thế giới.
       Với lòng trân trọng, xin cám ơn những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch bệnh COVID-19. Các bạn là những vị anh hùng âm thầm trong bệnh viện, trong nhà thuốc, là cảnh sát, quân nhân, lính cứu hỏa, những nhân viện bưu điện, những người giao hàng, những người phục vụ các nhu cầu thiết yếu của xã hội… nói sao cho hết! Các bạn đã làm việc cho mọi người được sống và được an toàn.
       Cầu xin cho công cuộc nghiên cứu thuốc trị bệnh và vaccine ngừa COVID-19 sớm thành công. Dịch Cô Vi, chúng ta sẽ chiến thắng mi!

Tháng 5/2020
CAM LI NGUYN THị MỸ THANH


Thư Quán Bản Thảo số 89, tháng 6/2020- Thơ Văn Mùa Đại Dịch
 (1) PPE: personal protective equipment, trang bị bảo vệ cá nhân
(2) ER: emergency room, phòng cấp cứu
(3) chemo: chemotherapy, hóa trị liệu


1 comment:

  1. Covid là tên của virus với đặc thù tấn công hệ thống hô hấp ! Quy cho cùng tận chân tướng thì nó là Cổ Thần (nói theo phong cách của sự thờ bợ các vị Thần như ở Ai Cập) ! tất cả các loài động vật, thực vật đều từ virus, gặp duyên liên kết mà và tạo thành sinh vật như ngày nay ! nó đáng sợ vô cùng !

    ReplyDelete