Sunday, January 13, 2019

ĐÔI KHI NẮNG LÊN PHỐ XƯA LÀM TÔI NHỚ


Lương Lệ Huyền Chiêu

Bãi biển Nha Trang. Hình: Internet

Nha Trang của tôi thuở ấy nhỏ bé, yên tĩnh, nằm lọt thỏm vào một vùng mênh mông cát trắng. Nha Trang thật đẹp nhưng đó không phải là vẻ đẹp của một cô thôn nữ.
Dầu nằm ngay khúc eo khô cằn của miền Trung, Nha Trang không là quê hương của:
“Xứ dân gầy
Ôi bông lúa
Con sông xưa
Thành phố cũ”
(Về Miền Trung – Phạm Duy)

Nha Trang là một thành phố mới, rất mới. Đó là một thành phố không có lũy tre làng bao quanh. Thành phố ấy không có tiếng ếch, nhái kêu khi đêm về. Nha Trang kỳ lạ như được thần đèn, một đêm nào đó, mang từ châu Âu về đặt trên bãi biển đẹp nhất miền Trung.

Nha Trang rất “Tây”. Tây từ cái nhà ga xe lửa đến cái nhà thờ nằm chênh vênh trên vách đá. Tây từ Viện Pasteur đến nhà hàng Fregate, Tây trên những mái nhà, trên những ô cửa theo kiến trúc Gô-tích, trên những cánh cổng có màu hồng của hoa ti gôn khép hờ trước những căn nhà ấm cúng.

Nha Trang Tây nhưng không ồn ào, bởi người Nha Trang thuở ấy biết yêu quý thành phố của mình và họ rất sợ bất cứ sự thay đổi nào làm mất đi vẻ nhã nhặn, duyên dáng của một thành phố thanh lịch. Biển Nha Trang, linh hồn của thành phố này là niềm hãnh diện thầm kín của người dân nơi đây. Biển Nha Trang mang màu xanh kỳ ảo tuyệt đẹp. Có ai quên được những giây phút ngồi trên bãi biển ngắm những con sóng bạc đầu xô vào bờ cát, ngắm cánh chim hải âu bay vút về hướng những ngọn đảo ngoài khơi xa. Con đường Duy Tân trải dài theo bờ biển thật yên tĩnh. Khép nép nhìn ra biển sau khu vườn cây cỏ, hoa lá xinh tươi có ngôi nhà ai sao quá bình yên.

Nha Trang Tây trong ngôn ngữ. Bán cho tôi ký đậu “vert”, ký cà “tomate”, hộp” beur Bretaigne...” Rạp xi nê treo bảng bằng tiếng Tây: Tant Qu’Il Y Aura Des Hommes”, “Les Trois Mousquetaires”, “Giant”…

Đường phố Nha Trang như dành riêng cho người đi bộ. Một vài chiếc vespa chạy thong dong, một vài chiếc xích lô chậm rãi lăn bánh. Đi dạo phố thời đó là một thói quen thú vị, nhàn nhã của người Nha Trang, dù chỉ ghé tiệm vải của người Ấn xem qua một vài khúc vải đẹp, dù chỉ bước vào tiệm sách giả vờ xem vài tờ báo để có cớ nhìn trộm cô hàng sách, dù đi lên, đi xuống con phố Độc Lập, Phan Bội Châu chỉ để mong gặp được một ai đó. Người Nha Trang luôn thấy lòng bâng khuâng khi bước chân xuống phố. Đang bước đi vô định, lòng bỗng bồi hồi nghe có tiếng hát rất chậm, rất khẽ từ chiếc radio nhà ai:

“Phố chiều bao tà áo trắng
Lượn trên hè phố nắng
Những cô nàng xuân tròn trăng.
…………………………..
Có chàng đi tìm quá khứ
Lần theo đường phố vắng
Nắng hanh vàng đan chiều mơ
(Phố Chiều – Hoàng Thi Thơ)

Nha Trang thuở ấy là như thế. Không giàu có nhưng cuộc sống thật lãng mạn, yên bình và quý phái.

Còn bọn trẻ chúng tôi, con đường thân quen nhất cũng mang một cái tên rất Tây, đường “Bá Đa Lộc”. Trường Võ Tánh nằm trên con đường ấy. Đó là một ngôi trường có vẻ bề ngoài rất uy nghiêm với mái ngói rêu phong, tường vàng, cửa sổ màu nâu sậm nhưng lại chứa bên trong một lũ học trò trẻ trung, vui nhộn, nghịch ngợm, phá như quỷ. (Ở lớp Đệ Nhất C, nữ sinh Nữ Trung Học được học gửi chung với nam sinh Võ Tánh).

Bọn chúng tôi thuở ấy sao vô tình quá.
Mãi đến khi xa tất cả, mất tất cả mới thấy lòng bồi hồi thương yêu quá đỗi.

Mười tám tuổi, rời trường đi học xa, sắp phải làm người lớn rồi, cuộc sống bộn bề âu lo phía trước làm tôi ra đi không nhiều lưu luyến.
Tôi bỏ lại Nha Trang những ngày áo dài trắng đến trường, bỏ lại chàng trai lóc cóc xe đạp theo sau, bỏ lại những lần hồn nhiên vui mừng nghe tin thầy bệnh được nghỉ học kéo nhau ra biển ngồi chơi, bỏ lại tiệm sách hình ngũ giác nằm giữa chợ Đầm, bỏ lại rạp Tân Tân những lần đi ngang ngước nhìn tấm bảng quảng cáo phim đang chiếu, thèm lắm mà không có tiền mua vé.

Ở một nơi rất xa Nha Trang, thoáng chốc nghe trong tim có chút gì thổn thức khi nghe tiếng ai hát:

“Nha Trang, ngày về
Mình tôi, trên bãi khuya
… Khóc người tình”
(Nha Trang Ngày Về – Phạm Duy)

Xa Nha Trang nhưng không mất Nha Trang.
Cho đến ngày ngôi trường Võ Tánh bị bức tử.
Cho đến ngày đường Bá Đa Lộc biến thành đường Lý Tự Trọng.
Cho đến ngày đường biển Duy Tân, linh hồn của Nha Trang, biến thành đường Trần Phú.
Có đôi khi tôi thấy lòng quặn đau, nhưng đó là những cái chết đẹp và đúng lúc.

Cũng có khi trở lại Nha Trang.

Cầu Xóm Bóng vẫn còn, Tháp Bà vẫn còn, Cầu Đá vẫn còn và biển vẫn xanh nhưng tất cả đều trở nên phô trương, huyên náo, lòe loẹt.

Còn đâu Nha Trang xưa!

HUYỀN CHIÊU



No comments:

Post a Comment