Wednesday, January 16, 2019

MÁI NHÀ NĂM XƯA


Huyền Chiêu
     
Minh họa của Huyền Chiêu

     Tôi thích nhìn ngắm các pho tượng. Chúng dạy tôi vẻ đẹp của sự im lặng.
     Mỗi khi có dịp ngồi trên xe lửa tôi luôn thích ngắm nhìn những ngôi nhà nhỏ xíu đứng giữa những vạt rừng quạnh quẽ. Những ngôi nhà ấy thường chỉ có bốn tấm vách ván, mái lợp tôn, không có hàng rào và thỉnh thoảng có một đứa bé áo quần rách rưới, mặt mũi lấm lem, đứng trước nhà nhìn theo đoàn tàu lao qua vun vút. Có lẽ đoàn tàu chạy ngang nhà là điều thú vị lạ lùng nhất đối với nó.
    Nếu phải sống giữa vạt rừng này, trong ngôi nhà quạnh hiu kia, có lẽ tôi không chịu nổi quá ba ngày và nếu mang đứa bé kia về thành phố cho nó sống trong một chung cư cao ngất thì chắc chắn đó là điều ác độc nhất.
    Tôi biết đứa bé ấy rất hạnh phúc bên cha mẹ dưới mái nhà bé xíu. Nó không có ý niệm về sự chật chội, nghèo nàn khi khu rừng chung quanh thật mênh mông, khi những đám mì cho nó cảm giác no đủ và những đoàn tàu mang đến niềm vui.
    Hai chữ “mái nhà” luôn mang đến cho tôi cảm giác êm đềm và dịu dàng.

    Mái nhà thì không thể cao như nhà chọc trời, không lộng lẫy, thênh thang như biệt thự nhưng mái nhà như ôm trọn những con người yêu thương nhau trong những ngày giá rét và mát rượi như chiếc nón lá trong những ngày hè oi bức.
    Mái tóc nhà lưu luyến vạt trăng xanh. (1)
    Không biết Come Back To Sorrento lời Ý như thế nào nhưng lời Việt của Phạm Duy thì hay không tưởng tượng được…
    “Người xa vắng biết đâu nấm nhà buồn.” (1)
     Chao ôi, mái nhà mà cũng biết “ lưu luyến”, mái nhà mà cũng biết “buồn”?

    Chúc mừng anh em ông Curtis khi ca khúc của các ông đã trở nên vô cùng gợi cảm khi đến Việt Nam.
    Ông Phạm Duy cũng giống như… tôi khi rất ưa thích mái nhà.

    Có khi “mái nhà sàn thở khói âm u” (7), có khi mái nhà là “bóng mát dưới cầu” của “anh làm công, em gánh rong”(2), có khi mái nhà là “những mái tranh im lìm” trong những “lối ngõ không tên”. (3)

    Mái nhà thuở ấy nghèo mà vui.
    Trước nhà luôn có sân nhà ấm cúng.

    “Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một màu
    Có đàn, có đàn gà con nương náu” (4)

    Vườn rau là hình ảnh thân thiết, cảm động biết bao cho người về:
    “Ngày trở về anh bước lê trên quãng đường đê đến bên lũy tre
    Nắng vàng hoe vườn rau trước hè cười đón người về” (5)  

    Sân nhà có khi là nơi để:
    “gánh, gánh, gánh, gánh thóc về…” (6)

     Chao ơi hạnh phúc thay khi sau những ngày nhọc nhằn trên đồng lúa ta được gánh thóc về nhà chứ không phải gánh vào kho hợp tác xã.

    Mà sao tôi thích những mái tranh nghèo đến vậy. “Nhà anh Vọi”, “Nhà Mẹ Lê” là những bài tập đọc tôi đọc hoài không chán.
    Hôm nay tôi lan man nhiều vì tôi rất hạnh phúc, rất vui vừa tìm ra thêm một người cũng yêu mái nhà, dù mái nhà mà ông nói tới có ý nghĩa rộng lớn hơn: “mái nhà của nhân loại”.
    Người đó là nhà vật lý lỗi lạc Stephen Hawking.

Stephen Hawking
(8 January 1942 – 14 March 2018)
Source: Internet

     Có lẽ không nhiều người hiểu gì về “Thuyết Vụ Nổ Vũ Trụ The Big Bang” hay “Lược Sử Thời Gian” của ông. Nhưng khi ông qua đời, mọi người đều bày tỏ lòng thương tiếc, kính trọng, cảm phục một con người thân xác tật nguyền mà tâm hồn thật vỹ đại với câu nói vô cùng dễ hiểu:
    “Vũ trụ không còn là vũ trụ nếu nó không thể là căn nhà cho những người bạn yêu thương”.
    Cám ơn nhà vật lý Stephen Hawking. Cám ơn nhạc sĩ Phạm Duy. Cám ơn những mái nhà nhỏ bé ở đất nước tôi. Cám ơn mái nhà bao la huyền bí của Vũ Trụ. Cám ơn tình yêu thương dưới những mái nhà.  

    Làm sao mà ta sống nổi nếu không có một mái nhà?

HC    

    (1) Trở Về Mái Nhà Xưa – Ernesto De Curtis, lời Việt Phạm Duy (PD).
    (2) Tình Nghèo- PD
    (3) Phố Buồn – PD
    (4) Bà Mẹ Quê – PD
    (5) Ngày Trở Về – PD
    (6) Gánh Lúa – PD
    (7) Nương Chiều – PD

No comments:

Post a Comment