Sunday, October 28, 2018

THƯ GỞI BẠN XA XÔI. VỀ MIỀN TÂY


Đỗ Hồng Ngọc

Buổi họp mặt bạn bè kỷ niệm Sinh nhật Quán Văn lên 7 (ngày 16.10.2018), đồng thời cũng là Sinh nhật của bán nguyệt san văn học nghệ thuật Ý Thức, ra đời cách đây 47 năm. Số Quán Văn 59 này giới thiệu một khuôn mặt văn học miền Tây là Trịnh Bửu Hoài ở Châu Đốc, vì thế ngày hôm sau, 17.10. 2018 bạn bè đã làm một chuyến Tây du, “về Long Xuyên Châu Đốc…” cùng Trịnh Bửu Hoài, không chỉ thăm bạn bè văn nghệ mà còn thăm vùng đất phương Nam mùa nước nổi xứ của Núi Sam, của rừng tràm Trà Sư, của Bà Chúa Xứ rồi còn ghé qua Cần Thơ, Trà Vinh, Bến Tre…

Không chỉ anh chị em Quán Văn mà còn có cả anh em Ý Thức, chuyến này chỉ có 5 bạn già có mặt, vắng những Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư… Dù sao thì cũng có Nguyên Minh, người chèo đò cho cả hai tờ báo văn nghệ này, có Thân Trọng Minh (Lữ Kiều), Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê), Châu Văn Thuận, Lê Ký Thương, năm anh em của “mùa thu cũ”, của “gió heo may”…


   Từ trái: Châu Văn Thuận, Nguyên Minh, Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê),  
Thân Trọng Minh (Lữ Kiều), Lê Ký Thương (cafe Vườn Hồng, Bến Tre 20.10.2018)

Chuyến đi khá đông, gần 50 người, toàn là những bạn bè và cộng tác viên thân thiết của Quán Văn, từ Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phan Thiết, Vũng Tàu… và Saigon. Đa số là những người “bạn trẻ”, những cây viết sung sức, rất hòa đồng, dễ thương. Phải nói thêm có “lạc” một người từ phương xa là Nguyễn Minh Nữu, từ Mỹ về, rất vui nhộn, hoạt bát, một MC bất ngờ!

Ghé qua Sadec cho mọi người thăm nhà “Người Tình” Huỳnh Thủy Lê một chút. Mình và mấy người bạn tạt qua thăm Kiến An Cung, ngôi chùa cổ gần đó. Không có nhiều thì giờ nên không ghé thăm chùa Kim Huê và thăm nhà ông Tư Khánh, nhân vật gắn bó với “Bột Bích Chi” nổi tiếng một thời, vừa qua đời.

Qua phà Vàm Cống thì đã vào Long Xuyên. Tưởng kỳ này được đi cầu mới bắc ngang sông Hậu, nhưng nghe nói cầu đang sửa, đành chờ kẹt phà cả tiếng đồng hồ!  Đến Long Xuyên rồi đây. Mới mấy năm mà xa lạ quá. Đường phố rộng rải, sầm uất, nhộn nhịp rồi. Mọi người ăn bún mắm đặc sản. Mình chỉ ăn cơm với cá linh rang mùa nước nổi… và dự định làm một chuyện riêng: thăm ngôi nhà cũ Nguyễn Hiến Lê. Cả đoàn chuẩn bị buổi giao lưu giữa anh chị em Quán Văn và bạn bè văn nghê An Giang Châu Đốc, còn nhóm mình tách riêng một lúc. Không ngờ mới nêu ý kiến đi thăm nhà cũ NHL với TTM, LKT, CVT (nhóm Ý Thức) thì đã được sự đồng tình của Hoàng Kim Oanh (Đại học Saigon); Nguyễn Thị Tịnh Thy (Đại học Sư phạm Huế); Ban Mai (Đại học Quy Nhơn) và cả nhà văn Hiếu Tân (Vũng Tàu), họa sĩ Thanh Hằng, và Pham Thành Hiền (An Giang)…

Trước phòng làm việc của học giả Nguyễn Hiến Lê,
92 Tôn Đức Thắng, Long Xuyên.

Đỗ Hồng Ngọc thắp nén nhang và đặt cuốn sách vừa tái bản “Nguyễn Hiến Lê,
con người và tác phẩm” của một nhóm tác giả gồm Trần văn Chánh, Đỗ Hồng Ngọc,
Lê Anh Dũng, Nguyễn Chấn Hùng… lên bàn thờ ông.

Các bạn dành một phút tưởng niệm NHL.
Các cô giáo Kim Oanh, Tinh Thy, Ban Mai… đều nói từ tuổi thơ đã đọc,
đã học nhiều từ NHL nên hôm nay như được đến thăm người thầy cũ của mình,
với nếp sống giản đơn, thanh thản, để lại đời nhiều bài học đáng quý trọng.

Sau đó nhóm bạn kịp thời về dự buổi giao lưu tại một quán cafe sân vườn rất đẹp
ở Long Xuyên. Cảm động vì các bạn trẻ trong Hội văn học nghệ thuật An Giang nói về
người đàn anh, người thầy đi trước của mình: nhà văn Trịnh Bửu Hoài.
Dịp này nhiều bài thơ, bài hát, vọng cổ đã được trình bày rất hay.
Trong đoàn Quán Văn có Elena, người Ý, vợ nhà văn Trương Văn Dân tiếng Việt
chưa rành mà điệu ca cổ nào cũng thuộc! Đáng khen TVD!

Kim Oanh nói đôi lời về việc vừa ghé thăm nhà cũ NHL.
Phạm Thành Hiền cho biết ở Long Xuyên cũng đã có
con đường mang tên Nguyễn Hiến Lê.
(còn tiếp)
ĐỖ HỒNG NGỌC

No comments:

Post a Comment