Monday, May 18, 2015

ĐỖ HỒNG NGỌC, LANG THANG NGHÌN DẶM TRÁI TIM




nguyễn thị khánh minh


Tác phẩm Đỗ Hồng Ngọc

Bài viết này như một chia vui cùng Nhà Văn Đỗ Hồng Ngọc với tác phẩm vừa xuất bản, Có Một Con Mọt Sách.

Trong Lời Ngỏ sách Nghĩ Từ Trái Tim, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (ĐHN) có nói, tôi viết bằng cảm xúc, bằng sự thể nghiệm đời sống chứ không phải bằng suy luận lý trí. Theo tôi, không chỉ với cuốn Nghĩ Từ Trái Tim, mà tất cả tác phẩm của ông từ thơ, văn, bàn về kinh sách, hay những đề tài có vẻ chuyên khoa (tôi nói có vẻ vì ngay trong những đề tài ấy, ông viết không đơn thuần là khô khan của khoa học, mà đầy tính văn chương), đều được chữ ông chuyên chở những cảm xúc thực từ trái tim.

Tôi hình dung một chiếc xe -chữ- lọc cọc trên con đường đất nâu quê nhà thơm ngấu mùi bùn cỏ nắng trưa, chở đầy hoa đồng nội -cảm xúc-, trên con đường đi cứ tỏa hương tỏa hương… Đấy, nghìn dặm lang thang của một chàng lãng tử rất đỗi nghệ sĩ, mộng mơ… Và Con Đường mà chàng miệt mài đi, nghe ngóng, kiếm tìm ấy là Trái Tim. Nơi khởi đầu và chung cuộc để con người nhìn ra nhau nhân ái yêu thương. Những điều chàng chắt chiu được trên con đường ấy lại làm quà tặng cho chúng ta -những tác phẩm-. Người nghĩ và sống được như ý nghĩ mình đầy thiện tâm như thế, thật là không dễ. Và không nhiều. Nên chính ông, cũng là một tặng phẩm cho cuộc đời này.

Cũng khởi đi từ nhiệm mầu ấy cộng thêm những trải nghiệm cảnh ngộ trong cuộc đời mà ông đã được người đọc, người nghe, tin cậy. Nếu đọc ông một cách tuần tự rất dễ nhận ra được những tình cảm, kinh nghiệm ấy được nuôi dưỡng, lớn lên, giàu thêm theo thời gian. Giàu thêm chứ không già đi -Cảm Xúc-. Điều lạ ở ĐHN đấy. Kinh nghiệm càng nhiều, càng nghịch cảnh thì cảm xúc càng trẻ trung, cái nhìn về cuộc sống càng giản dị, tình dành cho tha nhân càng thông hiểu bao dung. Phải chăng là một đền đáp của Cảm Xúc cho người biết lắng nghe nó?

Đó là điều tôi cảm nhận về phong cách cùng văn chương của Đỗ Hồng Ngọc.

Tôi cũng có được duyên may để quen và được xem ông như một người anh. Có một ngẫu nhiên, tôi là người thích những ngẫu nhiên đem lại cho mình may mắn bất ngờ, hồi tháng 4. 2014, tôi qua một cuộc mổ cột sống khá nặng, vào ngày phải tập đi thì tôi đã không thể bước được, nằm trên giường sợ và khóc, rồi vào mạng tìm nghe đây đó thì tình cờ tôi nghe được buổi nói chuyện của Bác Sĩ ĐHN trên Hoa Mặt Trời, nói về niềm hạnh phúc khi ông bước đi những bước đầu tiên sau cuộc mổ sinh tử, nghe xong tôi thấy mình bình tĩnh hơn, và sáng hôm sau tôi tập đi được 2 phút, trong niềm vui, càng thấy thấm thía những điều ông nói, hạnh phúc hóa ra là những điều rất giản dị, sáng mở mắt tai nghe được tiếng chim hót, biết được nỗi tuyệt vời của thiên nhiên muôn loài. Bước được bằng hai chân, cảm được hạnh phúc của một thân thể lành lặn. Phone reo nghe tiếng bạn hỏi thăm, nghe được nỗi ấm áp sẻ chia, từ đó thấu được nỗi đau của những mất mát quanh ta… Vậy đó, từ cảm ngộ của người vừa nhảy qua bờ tử kia đã khiến tôi biết tận hưởng, trước hết, là hơi thở của mình. Cái kho báu đang-là ấy chẳng bao giờ vơi. Càng lấy nó cứ càng đầy. Đó là duyên tôi có được sau khi chỉ nghe một buổi ĐHN nói chuyện trên Hoa Mặt Trời. Tôi biết đóa hướng dương ấy luôn cười và chỉ cho anh em, kia mặt trời đang mọc, xin hãy nở...

Đúng như nhà thơ Duyên nói trong một e-mail cho anh em, Đỗ Hồng Ngọc ảnh hưởng tới mọi tầng lớp và mọi lứa tuổi, khi họ tìm đến thơ văn ông để tùy hoàn cảnh mà rút ra được những cần thiết cho mình. Chính vì có trải nghiệm và tu tập chiến thắng nghịch cảnh, bịnh tật, ông mới có được phong thái giản dị và nói lời trầm tĩnh khiến văn chương ông có sức hút lạ kỳ. Ông hóa giải những điều buồn khổ bằng sự hóm hỉnh duyên dáng khiến nó trở nên nhẹ tênh. Rất rất nhiều người đã viết về ông, đều cảm nhận như thế, và người đọc ông cũng không phủ nhận được sức quyến rũ, thuyết phục từ những áng văn uyên áo mà dung dị ấy.

Tôi chỉ muốn góp thêm chút cảm xúc của mình khi nghe nhịp đập lang thang của một thời tuổi trẻ phập phồng cùng chiến cuộc. Thời mà tôi gọi các anh là những chàng lãng tử, của Bi Thương và Mơ Mộng. Mỗi người một cách thế để sống và tồn tại trong quãng thời gian khắc nghiệt ấy. Với ĐHN ngày ấy, là Thơ.

Một tập thơ in cách nay gần nửa thế kỷ (1967) có tên Tình Người, với bút hiệu Đỗ Nghê*, ông nói về một ước mơ,

Súng dòn
Ánh sáng lóe lên
Đạn đan trên nền trời
Thành hai chữ Việt Nam
Những kẻ tử thù nhìn rõ mặt nhau
Khóc vì mừng

Anh em
(Ước Mơ)

Định mệnh một cuộc chiến... Đã biết bao gia đình, trong một nhà anh cầm súng vì bên này, em ra chiến trường cho bên kia. Hai phía ngỡ ngàng khi súng đạn lóe sáng nhìn ra nhau anh em... Người thơ ước sao cho đường đi của súng đạn đan thành hai chữ Việt Nam, để thức tỉnh nhau còn khóc được vì mừng... Và dường như có một đau lòng, nỗi chia cắt đất nước, nỗi phân ly ý thức hệ,

Khi ta đưa các con 50 người xuống biển
Và vợ ta đưa 50 đứa lên rừng
Lòng ta đã rất đỗi băn khoăn
Có một điều gì khiến ta linh cảm...
...
Các con sẽ không bao giờ quên
Đã cùng sinh ra trong một bọc
Một trăm trứng
Một trăm con
Các con sẽ không bao giờ quên...
...
Hãy tha thứ cho nhau- tha thứ hết
Rồi nắm tay cùng gầy dựng lại quê hương...
(Tâm Sự Lạc Long Quân)

Bạn ơi, lời ước nguyện này trải qua mấy mươi năm vẫn tươi rói hiện thực tình cảnh quê hương chúng ta. Mảnh sao băng kia đã thành bụi hư vô rồi mà chưa thành tựu được một ước mơ tưởng là rất dễ dàng đối với những đứa con sinh cùng một bọc Việt Nam này! Trái tim người thơ ấy đã thổn thức gần nửa thế kỷ, và vẫn còn theo thời gian,

... Lịch sử sẽ ghi bằng những lời nói dối
Mặc kệ - chúng mình thương nhau
...
Cho anh, tôi dám nhìn vào mắt nhau
Không một ai cúi mặt

Nếu anh vẫn một mực chối từ
Và nhất định đòi cho tổ quốc một chiếc áo màu -dù xanh dù đỏ-
Hay khoác một định nghĩa -dù trắng dù đen-
Tôi đành nhặt một cọng cỏ rất xưa về làm tổ
Rồi khóc trên đó
Loài chim bỏ đi
(Tổ Quốc)

Nhân bản làm sao và thương cảm làm sao nỗi bé mọn trước tình yêu được gói vào tựa đề là Tổ Quốc. Thân phận khốn khổ nên lớn mãi mộng mơ, ước nguyện. Nên mới có Tình Người. Tác phẩm này theo tôi là một dấn thân của tác giả vào thời cuộc, biểu lộ một thái độ, nhân danh Con Người. Trong đó tôi thích nhất bài này,

Tôi cho mấy người mượn
Con đường độc nhất về quê nội
Để thử những quả mìn mới

Tôi cho mấy người mượn
Những nhà hàng phố xá đông đúc
Để thử lựu đạn, plastic,

Tôi cho mấy người mượn
Cửa nhà vườn tược ruộng nương
Để thử sức tàn phá của bom

Tôi cho mấy người mượn
Tuổi trẻ căng đầy nhựa sống
Làm bia thử vũ khí cá nhân

Tôi cho mấy người mượn
Ông già bà lão con nít thiếu niên
Để thử các chính sách chăn dân cai trị

Tôi cho mấy người mượn
Khối óc linh hồn
Để thử thuốc nhuộm đen nhuộm đỏ

Tôi cho mấy người mượn hết rồi đó
Xin dành lại cho tôi
Những nỗi căm hờn
Và tấm lòng độ lượng rất đông phương
(Cho Mượn)

Tôi trích trọn bài này để thấy được tất tật vốn liếng của người đã cắn răng cho mượn. Rộng lòng hay cam chịu hàm nỗi bất lực? Hỏi tức trả lời. Trước những mất mát và bi phẫn đến nỗi, tự an ủi, thôi thì coi như cho mượn! Và lịch sử cho chúng ta thấy, không lạ gì thói quịt nợ của những tên phú hộ. Và chàng, và chúng ta chỉ còn, chí ít, nỗi căm hờn thường tình. Nhưng, diệu kỳ thay, lại không thường tình chút nào, một tấm lòng độ lượng rất đông phương! Đúng là Đỗ Hồng Ngọc mà ta thấy trong những tác phẩm sau này lấp lánh bóng một thiền giả. Khởi đi từ thời gian viết bài thơ này mới hiểu vì sao mỗi ngày ĐHN mỗi cống hiến những tác phẩm đầy lòng nhân ái, vì người và thương người đến vậy. Và tôi đã nghĩ, cho đến ngày hôm nay thì chắc chắn trong ông không còn “nỗi căm hờn” nào nữa mà lồng lộng cái Đông Phương nhân bản kia. Mặc kệ tất cả, miễn là chúng mình thương nhau, ơi anh em ngọt bùi một bọc... Tôi muốn nói lại lời mà ông đã viết gần nửa thế kỷ trước, Hãy tha thứ cho nhau- tha thứ hết / Rồi nắm tay cùng gầy dựng lại quê huong... ... Chợt nghe tiếng thì thầm sâu ý nghĩ / Bàn tay gầy làm dấu quê hương /...

Nhưng để kiếm một tha thứ, để quên đi, sao khó đến vậy? Hết nghiệt ngã này đến khác buộc vào cái quang gánh ốm o chữ S những oan cừu. Nên chàng và những ai kia, cứ mãi lang thang trên nghìn dặm trái tim để nhặt nhạnh những nhịp yêu thương…

Trong tập này còn có một bài thơ khác của ông, rất nổi tiếng, Thư Cho Bé Sơ Sinh, được trích dẫn và nói đến rất nhiều, mỗi người nói một chút, niềm hân thưởng của mình về nó, khiến bây giờ tôi nói một chữ nào thêm nữa thì cũng lọt vào một ý đã nói rồi, thế nên, chỉ biết nói, a, tôi cũng thích bài đó như bạn vậy. Tôi thích hình ảnh tiếng khóc của bé sơ sinh và cái cười của ông mụ (xin lỗi bác sĩ) “Vì từ nay em đã phải cô đơn. Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ…” Tôi thấy ở đây ẩn trong tình cảm thiêng liêng -qua những việc làm đón em bé ra đời- là nét nhìn dí dỏm về thân phận con người. Một tâm hồn mẫn cảm và lạc quan. Nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương khi viết về bài thơ này đã nói “Thật kỳ lạ, ở tuổi 25, Đỗ Hồng Ngọc tự đặt cho mình một cột mốc thơ ca mà chính ông không dễ gì vượt qua. Ni sư Giải Nghiêm có lý khi cho rằng nhiều bài thơ và bài viết của Đỗ Hồng Ngọc về sau này dường như là một sự nối dài Thư Cho Bé Sơ Sinh”** Tới đây thì xin thưa với Nhà Thơ Lữ Kiều, ông nói về bạn ông, ĐHN là một người nghiêm túc, tôi muốn thêm, một người mơ mộng nghiêm túc, một người yêu đời nghiêm túc. Một cây viết nghiêm túc giản dị. Thế cho nên, mỗi khi nói chuyện, email với ông hay nghe ông trên những diễn đàn, cái nghiêm túc ấy không làm nặng nề mà luôn đem đến những tiếng cười thoải mái ý nhị, những vui vẻ nhẹ nhàng.

Trên nghìn dặm trái tim ấy, tôi sững sờ đến đau mênh mang, khi nghe bật lên những tiếng đập như từng tiếng đàn đang dồn dập bỗng đứt phựt. Đó là những bài thơ về La Ngà, đứa con gái yểu mệnh,

Con đã lớn lúc nào mà ba má không hay
… Ba dạy con ca dao trước khi học chữ
Con làm thơ trước khi biết nói
… Ba má nhìn con lớn lên
Thấy mình nhỏ lại
… Con đã lớn lúc nào mà ba má không hay
Cứ tưởng con còn nhỏ xíu
Đến khi con mất đi rồi
Mới biết con đã lớn
(Con Đã Lớn)

Trước mộ con còn ướt
Ba nói với bè bạn ba rằng
Từ nay hãy yêu con mình cách khác
Đừng như ba
Giấu kín trong lòng
Bởi tình yêu có bao giờ cho đủ
Có đâu sợ dư thừa…
(Tình Yêu)

Ba viết trăm lần lý lịch
Cứ mỗi lần viết đến tên con
Ba lại ngẩn ngơ
Như một kẻ mất hồn
Biết trả lời sao
Câu hỏi
Hiện con đang làm gì?
Ở đâu?
(La Ngà 2)

Ba dạy con
Mỗi ngày
Một chút
Không bài học nào
Như ba đã học
Từ con:
Nỗi mất
(La Ngà 5)

Hồi đó khi đọc xong những bài thơ này, tôi nhìn hai con mình như nhìn vào kho báu. Tôi biểu lộ một cách sôi nổi hơn tình yêu ấy, với chồng, với con, với gia đình bạn hữu quanh mình, như thể, họ hay chính mình sẽ mất đi bất cứ lúc nào, trước khi kịp làm điều gì đó cho nhịp tim nhau biết được niềm thiết tha, trọn vẹn.

Dường như tôi đã nói được điều tôi muốn nói từ lâu, với Nhà Thơ Đỗ Nghê. Điều đó nếu nói gọn, là hai chữ Hàm Ơn, những cảm xúc tôi có được khi đọc văn thơ ông.
Và ngay lúc này, khi tuổi đang vào lúc đi xuống đồi ngắm mặt trời hoàng hôn, qua những đớn đau bệnh tật, tôi tập tành tu dưỡng, đến với Thiền Và Sức Khỏe***, để học biết được Thiền định qua cách thở. Đến với Nghĩ Từ Trái Tim***, xem thiền giả kia lắng nghe mình ra sao sau khi qua đường ranh sống chết, và trái tim đã mở con đường dẫn người đến Tâm Kinh Bát Nhã. Ngẫm nghĩ rồi nghe ngóng. Nghiền ngẫm rồi ngập ngừng.**** Tôi hình dung được nỗi miệt mài tìm hiểu nghiêm túc này. Và đó là điều cần để đi vào hành trình gian nan ấy. Cái gian nan tủm tỉm một mình… thiền hành mỗi phút mỗi giây. Cũng như những lúc say đọc Gươm Báu Trao Tay. Viết, luận về kinh với một văn phong như thế thật đã kéo được người đọc ngồi lại với mình để nghe như to nhỏ chuyện trò. Ông dùng hình ảnh trong Chinh Phụ Ngâm, Chín tầng gươm báu trao tay / Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh… ví von thanh gươm báu Kim Cương trao cho người thiện tâm để truyền bá đạo giải thoát chặt đứt mọi khổ nạn kiếp người *****. Với những sách như thế đâu chỉ đọc một lần.

Có một ngẫu nhiên hết sức vui, vừa mới đây, vợ chồng em gái Khanh Minh & Wayne mời vợ chồng tôi một chuyến cruise nhân tôi vừa khỏi bệnh, em gái viết, chị nhớ đem quần áo đẹp, rực rỡ để ăn tối. Tôi tần ngần trước tủ áo, rực rỡ là thế nào đây. Chọn bộ cánh để đi dạo công viên, đi ra ngồi quán cà phê với bạn văn chương thì dễ, mình sao mặc vậy rất không suy nghĩ gì, nay nhỏ em bảo phải rực rỡ, thiệt tình… suốt buổi sáng không quyết định được gì, lúc nằm nghỉ,  thường theo thói quen, khi nằm xuống giường tôi hay lấy không định một cái gì đó để đọc, tôi vớ tình cờ ra cuốn  Những Người Trẻ Lạ Lùng***, và lật ngẫu nhiên, trang 58, có những dòng này, …Ở cái tuổi chín muồi đó, người ta không chỉ biết quan tâm đến mình, mà quan tâm đến những xung quanh, đến tại sao, ai đó, ở đâu, lúc nào…, nghĩa là đến phần hồn kia, người ta biết tìm cái vượt trội hơn những phù phiếm tàn phai…

…Chính cái tuổi chông chênh đó của người phụ nữ, cái tuổi có những cột mốc thì thầm, tuổi chuyển mùa như lá trên cành, từ cái bồng bột sôi nổi, sang cái nền nã dịu dàng, giản dị mà sang trọng…

Tôi bật cười la lên A! Ngẫu nhiên như thể, tôi đang thắc mắc, và có người anh ở cùng nhà, vừa kêu anh ơi, là đã nghe được cách đối phó. Vấn đề của tôi lúc ấy chẳng có gì là đao to búa lớn, chỉ là… và tôi đã biết cách chọn những bộ nào, phải rồi, chỉ có “nền nã” mới trụ được bên cạnh “rực rỡ”. Ông Đỗ Hồng Ngọc này! nói đủ khía cạnh trong cuộc sống mà ta phải chạm đến, ngoài thơ, kinh sách, y học, tâm tình chuyện đời, còn có cả, Thời Trang.

Có phải lang thang qua nghìn dặm Trái Tim mà chàng có được cái lịch duyệt đôn hậu đến thế?

Nguyễn Thị Khánh Minh
Santa Ana, Tháng 4. 2015
(bắt đầu viết sau khi mổ tháng 4. 2014, cách một thời gian viết tiếp)


*Năm 2013, tôi được Nhà Thơ ĐHN tặng một tập thơ được chúp lại, tập Tình Người- Thơ Đỗ Nghê- Bìa 4 có những dòng in: Tác giả trình bày. Bìa Lữ Kiều. Hình Cocteau. Ấn hành giới hạn dành cho bạn bè và anh em. Năm 1967.
**Huỳnh Như Phương- Thơ Đỗ Hồng Ngọc: Ẩn Hiện Giữa Cuộc Đời (Trong phần Phụ Lục tập thơ Thư cho Bé Sơ Sinh Và Những Bài Thơ Khác…)
*** Tên những tác phẩm của Đỗ Hồng Ngọc
**** trích trong Lời Ngỏ, Nghĩ Từ Trái Tim
***** trích trong trang 5, Gươm Báu Trao Tay

  

No comments:

Post a Comment