Saturday, January 18, 2014

TRUYỆN NGẮN HOÀNG NGA



Người đàn bà muốn lên đỉnh núi

  


                                                       Tranh Nguyễn Trung

Có lần Khê nói với tôi ước gì được lên đến tận trên đỉnh núi.
   Cái đỉnh núi thật ra không cao gì lắm, cũng không cheo leo hiểm trở hay dốc đứng để có thể phải dùng chữ ước ao, nhưng Khê chưa lên đến tận nơi nên ước ao. Tôi rủ Khê bao giờ tôi về quê nội, sẽ nói ba tôi xin phép cho Khê đi cùng. Tôi vẽ vời hai đứa sẽ ra đứng ở nơi cao nhất của đỉnh đèo, đưa tay hái mây trời, ngó xuống cuối vực thẳm để biết mình đang ở chót vót như tôi vẫn thường vòi vĩnh bắt ba phải cho tôi được làm.  Tôi nói lên đến nơi ấy là có thể tưởng tượng đã leo tới đỉnh núi Khê mơ ước. Khê lắc đầu:
   - Tau không muốn đi bằng xe hơi. Khi tau nói là lên tới đỉnh, có nghĩa là phải leo bằng hai chưn.
    Leo bằng hai chân. Ở một nơi đang xảy ra chiến trận mỗi ngày. Ở một nơi đạn bom không biết của phe nào sẽ rót vào mình lúc nào đó. Ở một nơi ngay cả người đang phải tham dự vào những trận đánh nhau cũng thấy lắng lo. Ở một nơi Khê không được phép tới.
   Con nhỏ lạ đời. Nhất là cái lứa tuổi ngây dại của chúng tôi thời đó. Tôi lắc đầu, nói thôi đợi bao giờ hết chiến tranh, hay sau này học xong đại học, đi làm có tiền rồi qua Ấn Độ leo lên Hy Mã Lạp Sơn cho tiện thể. Khê đáp đi Ấn Độ thì còn có thể làm được, chớ quê hương mình biết tới chừng mô mới hết chiến tranh. Tôi trêu Khê, biểu ông Quân đánh trận giỏi giỏi là hoà bình, là hết chiến tranh. Khê im.

    Khê lớn hơn tôi vài tháng. Con nhỏ nói mi con nít dễ sợ. Tôi cãi lại mi già khú đế. Tôi đọc thơ, em giấu trong sách vở một chút gì hắt hiu, nhiều khi hồn bỡ ngỡ, hình như là tình yêu,  rồi đọc, thuở em còn sợ sang đường áo bay, thì Khê nói thơ Bắc Sơn đọc ngậm ngùi, mai ta đụng trận ta còn sống. Về ghé Sông mao phá phách chơi.
   Thời chúng tôi mới bắt đầu để ý con trai, hầu hết đứa nào cũng mơ tưởng tới bạn bè của mấy ông anh học đại học ở Sàigòn thỉnh thoảng về thăm nhà những dịp Tết, dịp hè, -những chàng tuổi trẻ tóc bay, mơ màng thả khói thuốc bên ly cà phê đắng, nghe nhạc Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, kể chuyện phòng trà ở thủ đô, thì Sơn Khê chọn một ông lính làm người yêu. Một ông lính. Tôi đã không thể nào hiểu nổi tình yêu đầy nước mắt của con nhỏ. Yêu lính, yêu người không biết sống chết khi nào, yêu người lớn hơn mình năm bảy tuổi, chẳng đẹp trai cũng không oai hùng gì mấy vì chức không lớn, phận không cao, mà lại phải chịu những trận đòn của cha mẹ khi trốn nhà đi chơi những lần người ấy về phép, thì quả thật phải nói là con nhỏ gan cùng mình. Vào những ngày chúng tôi nghỉ Tết, cuối tuần nhởn nhơ phố xá, Khê theo đoàn đoàn văn nghệ trường đi tiền đồn, đi hát ủy lạo thương bịnh binh. Con nhỏ nói có nhìn thấy lính ở những nơi như thế mới thấy thương lính. Nghe vậy, tôi thử đi theo Khê một đôi lần, xót xa thì có xót xa, nhưng không thể thương như con nhỏ đã thương. Tôi nói với Khê, tới những nơi đó, về nhà tôi không ngủ được. Hình ảnh thương tích và chết chóc ám ảnh tôi. Khê bảo, khi mô mi có người yêu, mà người yêu là lính nữa thì mi sẽ hiểu.
   Thời thiếu nữ, tôi chẳng quen người con trai nào đi chiến đấu, ra trận mạc, tôi không có cơ hội thấu hiểu được những tình cảm của Khê dành cho người yêu, dành cho những người lính. Đến lúc nước mất, và người yêu cũng không còn, nhưng Khê thì vẫn vậy, vẫn tràn trề những tình cảm ngày còn có Quân, càng khiến tôi ngạc nhiên hơn. Tôi nói, mi sống chi lạ Khê nờ. Khê không trả lời, chỉ lặp lại câu nói khi mô mi có người yêu rồi sẽ hiểu được tau. Và Khê nhấn mạnh thêm, có một mối tình ra một mối tình.
   Một mối tình ra một một mối tình, cái kiểu nói của Khê nghe có vẻ đơn giản, có vẻ dễ hiểu như hằng ngày nói chuyện ăn cơm uống nước, nhưng lớn lên thêm vài tuổi, có người yêu, và rồi lấy chồng, tôi cũng chỉ lờ mờ hiểu điều Khê muốn nói.
   Ngày gia đình tôi lẫn Khê dọn vào miền nam sinh sống, buổi chiều hôm trước khi đi, Khê lên nhà tôi đứng tần ngần trong khung cửa sổ nhìn về phía ngọn núi mờ mờ mây bay. Khi quay lại thấy tôi nhìn, Khê bảo nghe nói miền nam hiếm núi cao. Tôi nhìn theo, nghĩ đến câu ca dao mà buồn trong bụng. Núi cao chi lắm núi ơi, núi che mặt trời không thấy người thương…
   Núi che mặt trời, mây khuất vầng trăng. Quân của Khê xa, xa vời bên kia núi bên kia đồi. Khê nói với tôi, tau nghĩ chắc anh Quân đã tử trận. Và Khê xót xa xác anh đã không được mang về trong quan tài phủ cờ vàng, không được tiễn anh đi trong tiếng quân nhạc vĩnh biệt, không được một lần sờ soạng trên tấm poncho gói hình hài anh ngày anh trở về đất mẹ. Và không được nói với anh lời giã từ.
   Quân xa vời. Người yêu xa vời, bạn tôi còn lại một mình giữa cõi nhân gian, không còn nhắc đến ước mơ.

   Vào miền nam, tôi và Khê đi học lại. Đi học dưới sự quản trị của những con người hô hào chủ nghĩa bách chiến bách thắng, những ngày nghỉ hè không còn phố xá thị thành, không còn nhởn nhơ chân sáo. Chúng tôi đi đào kinh, vét mương, trồng đậu trồng bắp, tưới tắm bằng mồ hôi và sức lực mình trong tủi cực. Thanh xuân trôi mất theo tháng ngày. Khê hỏi tôi:
   - Hồi xưa đi ủy lạo thương bịnh binh, về nhà mi đau lòng không ngủ được. Chừ đi lao động khổ sai về nhà mi đau gân cốt rồi có ngủ được không?
   Tối hai đứa nằm cạnh nhau trong lán tre, gió luồn qua vách lá mỏng manh, lạnh vai gầy, lạnh ê cả chân răng. Tôi nhức mỏi trở trăn. Khê phì cười. Lào xào nhắc chuyện ngày xưa đi văn nghệ tiền đồn được nhà trường cưng, được chiến sĩ cưng. Tôi khe khẽ nhắc Khê coi chừng mấy con nhỏ chi đoàn, mấy con đang muốn lập công sẽ đem chuyện Khê nói tâu lên “trên“. Khê lại cười:
   - Mấy con cốt đột nớ nghe giọng Huế không ra mô.
   Khê chừng không ngán con nào. Con nhỏ bảo cùng lắm tụi hắn bắt tau nghỉ học. Mà nghỉ học kiểu nớ tau có dịp khỏi phải đi học mà không sợ bị ba mạ tau la. Tôi cãi:
   - Ông bà già bắt mình tới trường để khỏi bị bắt đi những thứ khác.
   Những thứ, bộ đội, thanh niên xung phong chẳng hạn. Khê thở dài. Tôi nhớ ngày xưa trốn học đi chơi với người yêu, bị đòn, nhưng chưa bao giờ bạn tôi thở dài.
   Lần đi đào kinh vét mương cuối cùng, tình cờ gần chỗ những người lính thất trận chịu đòn thù, vừa kịp nhận ra những bộ quần áo tù xanh tai tái từ xa xa, Khê đã sững người rồi bật khóc. Khê nói với tôi, họ đang đổ nước mắt, máu, và mồ hôi cho những mỹ từ cải tạo, lao động. Con nhỏ hỏi tôi, can chi mà cải tạo, mắc mớ chi mà cải tạo chớ. Tôi không biết nói gì để làm con nhỏ dịu xuống. Tối, Khê nhịn phần khoai củ của mình, lấy tờ giấy báo mang theo gói kỹ rồi đặt cạnh bên. Con nhỏ dặn tôi:
   - Mi phải canh chừng giùm tau. Mấy con cốt đột đói triền miên, biết được tau chưa ăn, dám ăn cắp của tau lắm.
   Thật ra đâu chỉ mấy con cà chớn cốt đột mới biết đói. Nằm cạnh tôi, bụng Khê reo như tiếng sóng. Khoai củ tầm thường khi không có thức gì trong bụng, cũng dậy mùi. Nằm một lát, Khê trở dậy ôm gói giấy báo vô lòng. Lúc chiều con nhỏ nói với tôi, ngày mai tau mang ra chỗ lao động, kiếm chỗ để cho mấy anh. Tôi đã thở dài. Đáp có mấy củ khoai, ai ăn ai nhịn, và nhắc lỡ bị thầy cô bắt gặp thì phiền. Con nhỏ lắc đầu:
   - Tau không sợ phiền toái chi hết. Làm chi được thì làm mi ơi.
   Làm chi được thì làm. Lời Khê nói khiến tôi chột dạ. Tôi đã chẳng làm, cũng không đủ can đảm ủng hộ bạn. Lời Khê nói khiến lòng tôi bứt rứt không yên. Tôi thấy mình vừa tầm thường, vừa hờ hững. Và thấy tấm lòng bạn mênh mông như biển, chập chùng như núi cao.
Ở miền nam vài năm, một lần bè bạn rủ nhau đi núi Bửu Long ở Biên Hòa cho biết. Đến nơi, đứa nào cũng khen phong cảnh đẹp, nên thơ và trữ tình. Khê leo lên ngồi trên một phiến đá ngó đông ngó tây rồi nói với tôi:
   - Hồ là hồ nhân tạo, núi là núi thấp, có chi mô mà khen.
   Và rồi Khê chậc lưỡi, nhớ núi non xứ mình không. Chỗ mô cũng đẹp dễ sợ. Lẽ ra nghe câu nói ấy tôi phải cười con nhỏ địa phương tính, nhưng ngược lại dưng không tôi bỗng nhớ đến chuyện cũ. Nhớ đến ước mơ của Khê. Tôi vặn hỏi Khê có còn muốn về thị xã, leo lên đỉnh núi ngày xưa hay không. Tôi nói:
   - Chừ hết đánh nhau, leo núi không còn sợ bị lạc đạn nữa.
   Khê quay lại nhìn tôi. Cười. Cái nụ cười buồn hiu tôi chưa bao giờ thấy. Cái tia nhìn sưng sững làm tôi bối rối không biết nhìn đi đâu để tránh né. Tôi chớp mắt, đành lòng chờ một cái gật, một cái lắc đầu. Nhưng không, cười và nhìn tôi một lát rồi Khê quay đi, đưa mắt loanh quanh trên những tảng đá rồi Khê nói bâng quơ:
   - Ông bà già tau đặt chi cái tên Sơn Khê nghe buồn dễ sợ.
   Tôi lặng người làm thinh. Lòng nhói lên nỗi ân hận vì biết mình đã lỡ lời. Biết mình đang gợi lại những điều Khê không muốn nhắc đến. Tôi ngó Khê chăm chăm. Nhưng con nhỏ làm như đang bận bịu ngắm nghía gì đó dẫu mới vừa chê phong cảnh không đẹp, đã không hề quay nhìn lại tôi lần nữa. Tự dưng buổi đi chơi hôm ấy bỗng trở nên buồn bã mặc dù Khê vẫn cười vẫn như không có chuyện gì. Buổi tối về đến nhà nằm vắt tay lên trán, tôi cứ muốn khóc. Cứ muốn tung chăn chạy đến nhà con nhỏ nói lời xin lỗi nhưng ngập ngừng mãi mà không dám đi. Bởi tôi biết nếu tôi có tìm đến nơi, cũng chỉ nghe được câu nói, có chi mô mà mi xin lỗi, mà mi để trong lòng.
    Những ngày sau đó, cả những tháng năm sau đó, bao giờ gặp nhau, tôi cũng ước ao thầm Khê sẽ bật ra một lời trách móc nào đó cho tôi nhẹ lòng. Nhưng cũng như hôm ở núi Bửu Long, con nhỏ chẳng nói gì cả.   Cũng chẳng khi nào nhắc lại chuyện cũ, nhắc lại ước mơ năm xưa. Mãi mấy năm sau, trước ngày tôi lấy chồng, khi Khê đến nhà tôi, hai đứa nằm nói chuyện tào lao, con nhỏ mới bảo:
    - Lấy chồng… Thiệt tình là tau không tưởng tượng ra được cái đời sống có hai người ra răng, nhưng mà nghĩ tới mai mốt đây, mi với tau khó có dịp nằm tâm sự tủn mủn như ri là đủ buồn.
   Tôi nói tau lấy chồng ở ngay đây chớ có phải qua Tần qua Sở, hay cống Hồ cống Xiêm chi mà mi nói mấy chữ không có dịp nghe buồn. Khê không trả lời, nhưng đột ngột con nhỏ bỗng chuyển sang giọng ngậm ngùi  tâm sự:
   - Mi biết răng không, giả tỉ hồi nớ ông bà già tau cho phép, thì dám tau cũng lấy anh Quân mất rồi…
   Con nhỏ úp hai tay lên ngực, ngửa mặt nhìn lên trần nhà, tiếp:
   - Nghĩ lại hồi nớ mới mười sáu mười bảy, chưa biết làm vợ, nhứt là làm vợ lính ra răng, chỉ mới làm người yêu của lính đã mòn mỏi đợi chờ, mòn mỏi thương nhớ, đâu có biết làm vợ lính, làm mẹ trong cái hoàn cảnh binh biến nớ còn khổ thêm biết bao nhiêu lần, rứa mà không hiểu răng tau không thấy sợ. Hoàn toàn không sợ chút mô hết mới lạ. Cứ như tau thấy mình là bông hoa, là cây cỏ cần nắng ấm, còn anh Quân là mặt trời, là ánh dương chiếu rọi xuống đời tau. Tau chỉ muốn lao về phía có người tau yêu. Rứa thôi.
Rứa thôi. Vậy thôi. Đơn giản, hoàn toàn đơn giản như câu Khê từng nói với tôi, khi mô có một mối tình ra một mối tình, mi sẽ hiểu tau. Nằm im bên cạnh tôi một hồi rồi Khê chép miệng:
   - Tình yêu thời mười sáu, mười bảy ngó rứa mà dữ dội ghê.
Ngó vậy mà dữ dội đến nỗi bè bạn đứa nào rồi cũng sang ngang, còn Khê thì cứ ở vậy. Con nhỏ không muốn có chồng, không muốn lấy ai dẫu cũng có một đôi cuộc tình, một đôi hò hẹn ngắn ngủi, đến nhanh rồi bay nhanh đi như mây trời với con nhỏ. Nhiều khi thấy Khê vào ra một mình, tôi nửa đùa nửa thật bảo:
    - Mi hay nói đời sống chừ là đời sống tạm bợ, tầm gửi và tầm thường, nhưng mi thấy đó, không muốn mà mình vẫn phải sống vì không thể chết được như ý muốn, và rồi cũng chẳng biết tới khi mô mới được chết, nên tau cứ tự hỏi không biết mi có nghĩ tới lúc mô đó mi sẽ thay đổi kiểu sống của mình hay không?
Khê bật cười. Cười dòn dã. Và Khê hỏi lại tôi, như vậy thì theo tôi, Khê nên đi ra nước ngoài hay lấy chồng để thay đổi đời sống. Khê làm tôi im. Thật tình im vì chẳng biết trả lời sao nên đành im. Bởi một trong hai điều vừa nói ra với Khê ấy, tôi đã thực hiện, và đã thấy rõ ràng chẳng những đời sống tôi hoàn toàn không thay đổi được điều gì cho riêng mình đã đành mà chừng như còn đang tự gánh thêm những phiền muộn, u ám. Tôi chậc lưỡi:
    - Tau cũng không mong chi chuyện mi lấy đại một người như bao nhiêu đứa tới tuổi lập gia đình đã làm, nhưng tau xót ruột vì mi cứ ra vô không màng tới chung quanh.
   Tôi không dám nói tôi thấy Khê như u ẩn, như khuất tất quá. Khê nhìn tôi, cười:
   - Bộ mi sợ tau bị điên vì cô đơn hả?
    Tôi lại im. Khê lắc đầu:
- Thiệt ra thì mi cũng thấy, những người tới với tau chẳng phải không có đủ những điều kiện thích hợp với nhu cầu tầm tầm hằng ngày của tau, cũng chẳng phải vì họ không yêu tau đủ, nhưng chỉ bởi một cái lý do giản dị nhứt ở phía tau là tau yêu không được nữa. Không thể. Y như có cái chi đó chắn ngang, đè nặng trong tâm tư tau làm tau không thấy hào hứng trong chuyện bắt đầu lại một mối tình, bắt đầu một cuộc sống khác.

   Khê nói với tôi, tàn chinh chiến rồi, nhưng chỉ có nghĩa là không còn những trận đánh bằng vũ khí, bằng súng đạn, còn lòng của con người thì tan tác hơn chiến tranh. Lòng con người, như một mảnh trăng vụn, một phiến đá mòn trơ trọi dưới chân đồi. Lòng của bạn tôi không còn chỗ để có thể chứa đựng thêm một bóng hình.
   Những ngày chúng tôi sống vật vờ loanh quanh trong thành phố ấy, kề cạnh bên nhau mấy con đường, nhưng rất khó gặp nhau, rồi tôi rời xa. Xa tít xa. Mấy dặm sơn khê như Khê thường hay đùa. Khê ở lại cái thành phố không còn tên ấy một mình. Ngày qua ngày, bình thường, tầm thường, như lời Khê viết. Những lá thư Khê gửi cho tôi, có nhiều lúc dài đến mấy trang giấy, nhưng chừng như chỉ vài ba câu nói đến cuộc sống thường nhật của mình, hầu hết Khê nhắc đến những kỷ niệm thời còn đi học ở thị xã. Trong đó có những kỷ niệm mà nếu như Khê không kể tỉ mỉ từng chút một, dễ chừng tôi đã quên mất. Hay có nhớ, cũng chỉ là lót sót những chi tiết thật mập mờ.
   Nhiều năm xa nhau, lần nào đọc thư Khê, tôi cũng khóc. Lần nào tôi cũng buồn. Buồn đến nỗi một hôm nhận được lá thư Khê nói, sầu nơi đây cạn lòng mi ơi, tôi đã vội vã, lật đật chạy ra văn phòng du lịch mua cái vé đi về mà không cần hỏi con nhỏ sầu vì sao.
   Tôi về, ngồi với Khê trong quán cà phê, lang thang với Khê qua những con phố từng có thời hai đứa học chung với nhau ở thủ đô. Rồi tôi về nhà Khê, nằm ngửa mặt nhìn lên trần, như ngày tôi sắp lấy chồng, ngày tôi sắp rời quê nhà, Khê đến để giã từ. Khê kể cho tôi nghe chuyện Khê đi du lịch. Đi Ankor wat, đi vạn lý trường thành. Và đi Ấn độ. Khê bảo:
   - Mi có thể tưởng tượng được không, là tới chỗ mô rồi cũng thấy giống như nhau. Cũng thấy ngùi ngùi ở trong lòng những thứ tình cảm kỳ lạ. Nhớ có lần mi nói với tau, mai mốt lớn đi làm có tiền, leo Hy Mã Lạp Sơn để tưởng leo lên ngọn núi tau mơ ước. Nhiều năm trời mà chẳng biết răng tau không quên câu nói nớ. Tau đi chỗ nọ chỗ tê. Bữa tới Hy Mã, tau nghĩ mình nên leo lên ngọn núi nớ cho thấy mình ngút cao. Ngút cao, chót vót… Nhưng ngút cao thiệt, mà rồi, sau đó là chi?
   Tôi nhìn tấm hình Khê chỗ cắm trại, thấy con nhỏ thật nhỏ bé dưới núi non hùng vĩ của Ấn Độ. Khê cười một mình rồi tiếp:
   - Là chi? Là chẳng có chi. Thiệt tình không là chi. Bởi vì chỉ có mình, với trời. Chỉ có mình với mây. Chỉ có mình với sỏi đá ở dưới chân. Tau dù không lên tới tận đỉnh Hy Mã như tau từng không lên tới đỉnh núi anh Quân có mặt, nhưng tau leo cao, cao lắm. Đứng ở một chỗ mô đó ngó xuống vực, như ngó xuống cuối cuộc đời, tau cứ nghĩ hoài tới anh Quân, và tới mi. Thấy đời buồn chi lạ mi nờ… Ngày trước nghe anh Quân kể chuyện lội suối băng rừng, chuyện hành quân gian khổ, mi biết không, tau chỉ ước ao có một điều là được đi cùng với nhau. Tới chân trời góc bể. Cuối đất cùng trời… Tau đã muốn leo lên đỉnh ngọn núi vì tau nghĩ anh Quân đang ở đó, chiến đấu với quân thù, chiến đấu với cô đơn, và chiến đấu với nỗi buồn. Tau chỉ muốn có mặt bên cạnh anh, dù núi non hiểm trở, dù chót vót, dù cheo leo. Tau chỉ muốn được cùng chia với anh giọt nước mắt, tiếng thở dài.
   Tôi dời hai bàn tay từ dưới ngực, đặt lên mặt. Tiếng Khê thở dài và tiếng nói đều đặn vang bên tai tôi:
   - Đỉnh núi không cao, như cuộc đời có nhiều khi tầm thường, nhưng leo hoài, leo mãi vẫn không cách chi tới được, mi nghĩ có đau đớn không?

   Nghĩ, có điều nào đau đớn hơn điều bạn tôi từng trải. Nước mắt tôi rớt ra theo giọt nước mắt trào ra bên khóe mắt bạn tôi:
   - Biết không, người ta san bằng ngọn núi của tau rồi. Để làm khu du lịch. Thiệt ra không có anh Quân, tau hoàn toàn không muốn về lại đó, không muốn leo lên ngọn núi ngày xưa. Nhưng mi coi, ngay cả một chỗ nhỏ nhoi, một chỗ có thân xác người tau yêu đã nằm xuống, mà cuộc đời và con người cũng không dành lại nổi cho tau. Họ đào xới mọi thứ lên, họ làm đường, họ làm nhà ngủ trọ để khách du lịch tới coi ngày xưa họ tàn sát, họ chém giết những người bên ni chiến tuyến ra răng…

    Ngày cuối của Khê, tôi đã về bên này lục địa tiếp tục cái đời sống tầm tầm không biết rõ thế nào là một mối tình như bạn tôi từng có, từng nhắc đến. Tiếp tục kéo lê cái thân xác bụi bặm, ê chề giữa những đớn đau tâm hồn. Và Khê của tôi ra đi, ngày mười lăm tháng chín, giữa một cơn đau đớn đến kinh người. Nhưng nghe kể lại, bạn tôi đã mỉm cười rất hồn nhiên trước khi từ giã cõi đời.

HOÀNG NGA          

No comments:

Post a Comment