Wednesday, July 31, 2013

KÝ CỦA Ý NHI



một khoảng không tinh khiết




                                    

                                                       Họa sĩ Thái Tuấn

1. Mùa thu 1995, Orleans, trong căn nhà nhỏ, đơn sơ, họa sĩ Thái Tuấn (1918-2007) tiếp những người bạn từ Việt Nam sang, từ Paris đến. Ông ra tận cổng ngoài đón khách. Dáng ông cao, gầy, trang nhã trong chiếc áo len màu xám nhạt. Trong số khách, có người ông đã quen, có người ông mới gặp lần đầu mà tất cả đều được hưởng sự ân cần, tin cậy nơi ông.
   Ông dẫn khách đi vòng vòng quanh căn phòng nhỏ như đi xem một cuộc triển lãm với những bức sơn dầu của chính ông. Có lúc, người ta như quên rằng mình đang ở trên đất Pháp, bởi cuộc hội ngộ kỳ lạ cùng những người phụ nữ thuần Việt, áo tứ thân, thắt lưng bao, yếm sồi, khăn vành dây, với đôi bồ, chiếc lu đựng nước, chiếc gáo dừa, chiếc chõng tre… Việt Nam, vâng, Việt Nam từ tận đáy tâm hồn. Có người đã nhận xét rằng cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong tranh Thái Tuấn không phải là cái đẹp của từng phần thân thể như khuôn mặt, đôi môi, bộ ngực… mà là một cái đẹp toàn thể, đẹp trong cái vẻ thùy mỵ, trong ngần riêng tư của mình.

   Mọi người trở lại phòng khách, lặng im như chưa ra khỏi cảm giác bàng hoàng trước một vẻ đẹp, một nỗi nhớ, một nỗi thiết tha nhường ấy. Chính vợ họa sĩ, người phụ nữ có khuôn mặt thuần hậu, mái tóc bạc búi lại sau gáy, giản dị trong chiếc áo cánh trắng, là người đã “đánh thức” mọi người. Bà đã bày lên bàn ăn bữa cơm có rau cải nấu thịt nạc, nem rán, thịt rim mặn. Một bữa cơm thuần Việt.

   2. Sinh năm 1918 tại Hà Nội, khoảng lên năm, lên sáu, có lúc Thái Tuấn đã cùng bố mẹ ở trong một căn nhà nhỏ giữa vườn Bách Thảo. Bố ông là một kỹ sư canh nông, nhận chăm lo vườn cây ăn quả và rau tươi cho người Pháp tại đây. Thế rồi một tai họa xảy đến. Bố ông có cuộc tranh cãi với một người Pháp, bị phạt và bị điều lên Tuyên Quang. Có thể đây là bước đầu tiên cho cuộc di chuyển rày đây mai đó của Thái Tuấn. Thái Tuấn được gửi về Thanh Hóa, theo học tại trường nội trú. Ông yêu những bức tranh trong sách giáo khoa, yêu những căn phòng xinh xắn, yêu những tủ giường, bàn ghế được bày biện đẹp đẽ của ngôi trường. Ông vẽ những bức tranh đầu tiên vào lúc này. Lên mười, ông theo bố về Tuyên Quang. Núi rừng, sông suối, những cậu bé Mường mộc mạc là những gì đẹp đẽ nhất của tuổi thơ còn lưu lại trong tâm hồn ông.

   Rồi Thanh Hóa, Nam Định, Sài Gòn. Rồi lại Nam Định, Sài Gòn, Paris… Trên chặng đường dài hơn tám mươi năm, mọi cuộc gặp gỡ với ông đều tốt đẹp. Ông có thể đón nhận những con người rất khác nhau và rất khác ông, miễn là họ có một tấm lòng, một tài năng. Hồ Dzếnh, Đặng Thế Phong, Bùi Xuân Phái, Thanh Châu, Đái Đức Tuấn, Quang Dũng, Lê Tài Điển, Cù Nguyễn… Ông nhắc đến họ, nhớ thói quen của từng người, cả những câu chuyện tình duyên, những buồn lo của họ, từ những tháng năm nào. Sau gần ba mươi năm ở Pháp, lúc về Việt Nam, ông mang cho người này chiếc mũ bêrê, người kia chiếc tẩu thuốc, người nọ chiếc khăn màu xám… những thứ mà ông nhớ rằng họ đã từng yêu thích. Nghe ông, ta dễ nhớ đến câu nói của một nhà văn Pháp nổi tiếng: kỷ niệm không có mưa. Dường như, ông đã lọc hết bụi bặm, gai góc để chỉ giữ lại những gì sáng trong, tinh khiết.

   3. Đã có nhiều họa sĩ, nhiều nhà phê bình mỹ thuật nói đến màu xanh của Thái Tuấn. Đó là màu xanh rêu, xanh biển, xanh xám tạo nên một không khí nhẹ nhàng, đạm bạc nhưng trang nhã, tinh tế. Đó là cái không khí “Qua làn ánh sáng mờ của những buổi sáng sớm hoặc chiều hôm” (Huỳnh Hữu Ủy).

   Các bức tranh của Thái Tuấn ít màu, ít nét và thường chỉ có một người, một vật. Đó là một thiếu phụ đang vấn tóc, một cô gái đội quả dưa hấu, một thiếu nữ tựa tay lên cây đàn, một thiếu nữ đứng trước gió với chiếc khăn quàng hoặc một người đàn ông khoác chiếc guitar ngang ngực, một người đàn ông khác cầm trong tay chùm bóng màu… Và, một con chim đậu trên nhánh xương rồng, một chiếc khăn mắc lại trên nhành cây… Thái Tuấn dành phần còn lại của bức tranh cho một không gian rộng rãi, thanh tĩnh. Tưởng như không có gì có thể ảnh hưởng, có thể xáo trộn không khí riêng biệt đó của Thái Tuấn. Ông đã tạo nên một vẻ đẹp nằm ngoài mọi giải pháp kỹ thuật. Ông thích nhắc đến câu nói của Charles Trenet: “Tôi không theo mốt nào cả nên không sợ lỗi mốt”. Tất nhiên, đó chỉ là một cách nói, một cách giải thích. Điều chính yếu là ông đã tạo nên một thế giới - một thế giới không bị ràng buộc bởi bất luận điều gì, một vẻ đẹp không phôi pha theo năm tháng, qua những miền đất, qua những thăng trầm của chính cuộc đời ông.


 


   4. Và, Thái Tuấn còn là một họa sĩ hiếm hoi viết lý luận, phê bình mỹ thuật. Vựng tập của ông xuất bản năm 1996 có tên Tuyển tập tranh và tiểu luận. Lý luận, suy nghĩ về nghề của Thái Tuấn được rút ra từ chính lao động sáng tạo của ông. Vì lẽ đó, nó có một sức hấp dẫn riêng, một hơi thở riêng, mạnh mẽ và uyển chuyển.

   Thật thú vị khi đọc những dòng viết về trách nhiệm của nghệ sĩ: “… Nghệ sĩ không làm gì khác hơn, mới lạ hơn là nhờ tác phẩm để hàn gắn lại cuộc đời đã quá tả tơi, rách nát bởi những phân chia. Hắn phải vượt khỏi những khoảng cách mới có thể xóa bỏ được những khoảng cách. Khoảng cách giữa nghệ thuật và kỹ thuật, giữa con người và thiên nhiên, giữa con người và con người…” và: “Nghệ sĩ như một tên hề trong trò chơi ảo thuật, làm thế nào hắn có thể từ cái không lấy ra một bông hoa thật”.

   Thật thú vị khi đọc những dòng ông viết về tính dân chủ của màu sắc: “… Không thể kỳ thị màu sắc, không thể chỉ lựa chọn lấy những màu sắc sáng chói nhất, rực rỡ nhất mà phải đặt mọi màu sắc, hình nét trên cùng thang giá trị… khi nằm trên bức tranh, mọi màu mọi vẻ đều bình đẳng, bình quyền”.

   Thật thú vị khi đọc những dòng ông viết về lao động sáng tạo nghệ thuật: “Hình ảnh và màu sắc, ý tưởng và tình cảm, mọi sự chợt đến chợt đi nhanh chóng, đột ngột đến nỗi dù trí óc có thông tuệ, minh mẫn tới đâu cũng khó mà điều khiển nổi cây cọ”.

   Và, thật cảm động khi đọc những dòng này: “Người làm nghệ thuật đã ước mong đem hết ánh sáng của cuộc sống vào trong họa phẩm, có lẽ tác phẩm nghệ thuật cũng đã le lói được chút ánh sáng, song tất cả ánh sáng của họa phẩm có gom lại cũng không bao giờ có thể châm nổi một điếu thuốc, như ánh sáng của những vị hành tinh trong cõi xa xăm vô tận.”

   Với ông: “Tất cả những chủ thuyết, trường phái nghệ thuật, tất cả những khám phá kỹ thuật, những phong cách khác nhau để tạo tác hình thể, màu sắc, chẳng qua cũng chỉ là những thử thách dò dẫm luôn luôn thay đổi và đều lồng trong sở thích của từng cá nhân và thời đại”. Với ông: “Tác phẩm nghệ thuật không là một phương tiện, nó chính là cái đích đã đạt tới”.

   5. Trong bức thư gửi cho một người bạn ở Việt Nam, Thái Tuấn viết: “Ở Sài Gòn nửa năm, tôi đã quen với khí hậu nóng bức, với những sinh hoạt thân ái của bạn bè. Trở lại Pháp, rất nhớ cái không khí sinh hoạt đầm ấm quen thuộc của miền Nam đất nước. Bên này trời đang còn rất lạnh, cả bên ngoài lẫn bên trong. Từ tháng sáu là lại phải dọn sang nhà mới. Đứa con gái mới mua lại. Đúng ra là một biệt thự lớn, không phải như căn nhà xinh xắn mà chị đã có dịp đến thăm tôi. Nhà có rộng, càng thêm sự trống vắng. Tôi nghĩ có lẽ, tôi nên trở về sống ở Sài Gòn”.

   Và rồi, một buổi sớm se lạnh của tháng 12 năm 2004, Thái Tuấn về lại Sài Gòn. Ông nói với người bạn ra đón ông ở sân bay: “Lần này tôi về hẳn”.

   Ông lại trở về ngôi nhà cũ, nơi ông ở khi vừa đặt chân lên đất Sài Gòn, năm 1954. Ông bảo, hồi đó người ta gọi vùng này là bến Tắm Ngựa. Trong căn nhà ở chung với con trai và cháu nội, ông “thiết kế” cho mình gian phòng khoảng 10m2 trên gác. Căn phòng này là nơi ông đặt bàn thờ vợ, bà Hà Nguyệt Lan, nơi ông ngủ và cũng là nơi ông vẽ. Hàng ngày ông ra công viên Lê Văn Tám đi bộ, đến quán cà phê bên lề đường Lê Chân (bên hông chợ Tân Định) để uống cà phê và ngắm nhìn phố xá, ngắm nhìn người qua lại. Ông bảo, nơi vẽ tranh của ông ở Paris cũng nhỏ. Có họa sĩ đến thăm, đùa vui gọi là bàn thờ ông địa.

   Chính trong căn phòng chật chội ở 150/31/5 đường Lý Chính Thắng, Thái Tuấn đã lại vẽ những bức sơn dầu lớn cho cuộc triển lãm cá nhân tại Gallery Tự Do. Một lần nữa, những người phụ nữ Việt Nam của Thái Tuấn lại làm rung động tâm hồn người yêu nghệ thuật. Những người phụ nữ vẫn trẻ. Thái Tuấn vẫn trẻ.

   Tháng 7/2007, Sài Gòn mưa gió liên miên. Họa sĩ Thái Tuấn bị ốm. Khi có bạn đến thăm, ông gắng ngồi dậy đón khách. Vẻ xanh xao, mệt mỏi, giọng nói khàn đục, ông vẫn còn muốn tiếp tục câu chuyện hội họa. Ông bảo, có những kỹ thuật không cần cho hội họa, ví như luật viễn - cận. Ông bảo, tôi đã chín mươi tuổi, không còn ham muốn bất cứ điều gì, chỉ tiếc chưa có nhiều dịp trò chuyện với các họa sĩ trẻ về hội họa.

   Trên đầu giường của ông treo một bức sơn dầu lớn. Ông bảo, đó là bức tranh dành tặng Kim, cháu đích tôn của ông. Người phụ nữ trong tranh mặc váy đen, áo cánh trắng, thắt lưng xanh, đi guốc gỗ, tay khoác nón, mặt nghiêng nghiêng như đang lắng nghe điều gì. Phía sau cô là dãy núi xanh thẳm. Họ sĩ kể, lúc vẽ không để ý, khi xong rồi mới nhận ra dãy núi ấy là cảnh ở Thanh Hóa, nơi ông sống thời trẻ. Im lặng một lúc, ông nói nhỏ như thì thầm: “Hội họa của tôi là hội họa của hoài niệm”.

 2004-2007
Ý NHI

No comments:

Post a Comment