Thursday, May 16, 2013

KÝ ỨC SƠ SÀI


Nguyễn Anh Khiêm

 

                                 Tranh Duy Thanh

22

       Mục mới “Ngôn Ngữ Của Đảng CS Việt Nam” được tập hợp thành từ điển trên trang Vietstudies của giáo sư Trần Hữu Dũng chắc được độc giả theo dõi với nhiều thích thú. Từ ngữ ở đó đương nhiên là cũ, tức vẫn thuộc vốn từ của dân tộc Việt nhưng rõ ràng ngữ nghĩa thì khác nhiều với nghĩa truyền thống chúng vốn có. Đặc biệt chúng được liên tục dùng theo “thời vụ”, đầy tính công thức nên mau chóng trở thành sáo ngữ và chắng mấy chốc ngầm chứa  hài hước, không nhiều thì ít, đối với người không hứng thú mấy với chế độ Bắc kỳ toàn trị. Chẳng hạn từ “bọn xấu” nay không còn nghĩa bọn ác độc chuyên giết người cướp của, tham lam lừa gạt…mà có nghĩa phổ biến chỉ “bọn” hay phê bình hoặc bày tỏ ý kiến bất lợi cho chính sách cai trị của Đảng. Trị dân càng độc đoán thì càng phải vận dụng chữ nghĩa, chữ mang nghĩa mới càng phát triển vì nhu cầu biện minh, giải thích lòng vòng. Tỉ như xưa nay vẫn nói quốc kỳ hoặc cờ nước, nếu muốn dùng chữ Nôm, nay thì phải là “cờ tổ quốc”, tức phải hiểu cờ đó đã có từ thời ông cố ông tổ xa lắc xa lơ. Mọi người đều biết sự thật không phải vậy nhưng vẫn…OK nói như vậy vì truyền thông, báo chí dạy nói vậy. Tự nhiên như… người Hà Nội! Người ta không thể đặt thêm từ nên đành dùng từ cũ để cấu tạo nhóm từ tạo nghĩa khác, nghĩa đôi khi chung chung, khá mơ hồ. Chẳng hạn “diễn biến hòa bình”, theo nghĩa thông thường phải là tốt nhưng ở đây phải hiểu có nghĩa vô cùng xấu xa chứa đầy âm mưu đen tối, chống Đảng, tức là chống “tổ quốc”! Rõ ràng chưa có thời nào ntừ tiếng Việt lại biến nghĩa rầm rộ tràn ngập như ngày nay.

        Mà không chỉ từ và ngữ, những thay đổi về cách diễn đạt tức các kiểu câu mới đáng chú ý. Xem một trận đá banh trên TV, tôi chỉ biết thở dài thườn thượt kiểu nói của mấy tay bình luận. Trăm lần nói chỉ một kiểu câu: Cú đá vừa rồi là của…Cản phá vừa rồi là của…Cuộc thoát xuống là của…Phạm lỗi là của…Người bị phạm lỗi là…(Lúc nào cũng chăm bẳm danh từ hóa động từ tất chỉ còn cách dùng LÀ làm trung gian câu và chỉ độc một kiểu câu này suốt buổi, tại sao “kiên định” quá vậy?). Thay vì nói “rất cần thay đổi chiến thuật” thì lại nói “đa sự”, “những sự thay đổi chiến thuật là rất cần”. Thay vì nói “thủ thành lao ra bắt dính banh” thì lại nói rất chữ nghĩa “thủ môn có cuộc lao ra để có cuộc xử lý bóng chính xác”. Chỉ cần nói “phải chi anh đá nhanh hơn may ra thắng bàn” thì nói “anh không thể có được cú đá nhanh hơn để xử lý tốt tình huống”. Thay vì nói “đội chủ nhà không thể phản công” thì bảo “không có giải pháp phản công cho đội chủ nhà”. Mệt tai thiệt chớ. Câu này nữa, mới khổ: “Đội X với tình trạng hiện nay là rất là khó khăn”. Sao không nói “đội X đang gặp khó khăn lớn”, từ chỉ hơn phân nửa, câu dễ nói, ý rõ hơn. Thay đổi cách nói thì cũng được nhưng sao thay đổi một trăm kiểu câu phong phú của Việt ngữ bằng mỗi kiểu từ LÀ làm trung gian? Mà đâu phải một anh nói, anh nào cũng nói một kiểu như thế, lúc đầu là cái nôi “văn hóa” VTV, nay thì mọi TV, HTV còn bắt chước kỹ hơn. Thường vẫn vậy, học trò luôn thực hành nghiêm hơn thầy! Xin hỏi quí ông bà anh chị một lần, nói thế thì được cái dài hơn, chữ Hán cầu kỳ hơn, nhĩa tối hơn, còn hay hơn là hay chỗ nào xin “chỉ đạo” một lần cho kẻ kém cỏi như tôi được quán triệt! Nghe mãi kiểu tường thuật dài dòng, cầu kỳ và lạt nhách như vậy tự nhiên nhớ tới se lòng chuyên gia tường thuật túc cầu Huyền Vũ của đài phát thanh Sài Gòn thuở trước. Ông này không biết học ở đâu hay thiên tài tự phát mà làm mê mẩn hàng triệu con tim tín đồ túc cầu giáo của miền Nam một thời đá banh , hân hoan vui vẻ. Không cần đến sân Cộng Hòa- nay gọi sân Thống Nhất- xa xôi nắng nôi tốn tiền, nằm nhà ôm cái radio transistor cũng đủ “thấy” quả da lăn tưng bừng trên sân cỏ. Thậm chí thiên hạ mê ông tới nỗi đến sân trực diện trái banh rồi vẫn phải mang theo radio để được nghe ông nói. Thỉnh thoảng ông nhắc oang oang trên máy:
       - Xin quí vị ngồi gần chỗ chúng tôi vặn nhỏ radio  lại hầu đỡ gây trở ngại cho chúng tôi trong việc tường thuật, xin đa tạ.
       Nói tường thuật nhưng thật ra ông miêu tả cụ thể, lời tường thuật phong phú, diễn tả sự việc hết sức sống động, hoạt cảnh như hiện ra trước mắt, đôi khi đưa ra những nhận xét riêng độc đáo với ngôn ngữ văn vẻ rất thú vị. Chẳng hạn:
       “Anh dùng mũi giày hãm đà banh, lắt léo thần tình thoát ra sự truy cản của hai chiếc áo đỏ, đem banh xuống, xuống nữa…anh trả ngược lại sát mép cột dọc lọt qua cả rừng chân…Thưa quí vị, Ngôn- chân- trái vừa dứt tung lưới đội Quan Thuế, đóng thêm cái đinh trên thảm bại của đội này. Bóng chiều đã ngã dài trên sân cỏ Cộng Hòa, trận cầu chỉ còn 5 phút phù du, khán giả quanh chúng tôi đã lục tục ra về…”
       Tôi ghi lại theo ký ức hao mòn, không đủ tài diễn được sự hào hứng không cùng khi nghe Huyền Vũ tường thuật đá banh. Tôi tin những cái tape tài liệu đó vẫn còn lưu ở đài phát thanh Sài Gòn, ước gì các biên tập viên thể thao của “bên thắng cuộc” chịu khó nghe, may ra họ nghĩ lại cách nói của mình sao cho đỡ phần nào hư hao Việt ngữ.
        Nhớ hồi Thanh Tâm Tuyền còn sống, ảnh cứ cười kiểu nói “trời có khả năng mưa”, anh không ngờ ngày nay người ta không còn nói…giản dị (!) vậy nữa mà phát triển thành “khả năng trời mưa là rất lớn”. Câu nào cũng phải LÀ, hình như không là …là sai pháp lệnh. Từ thuở hình thành đất nước, tổ tiên ta vẫn dạy tiếng Việt không bao giờ cần đặt LÀ trước tính từ làm vị ngữ câu. Đóa hoa rất đẹp, bài hát quá hay, anh chị tử tế lắm chứ chẳng ai nói cái hoa rất là đẹp, bài hát rất là hay, anh chị rất là tốt…nó thừa và dở tệ. Nay thì văn nói và viết như nhau, không trực tiếp dùng động từ, tính từ nữa mà gần như tuyệt đối nói, viết theo cách biến động từ tính từ thành danh từ, đặt lên đầu câu làm chủ ngữ, thế rồi phải có LÀ tiếp theo…tỉ như « khả năng thất bại của công ty là rất lớn »,  « khả năng được hỗ trợ của đơn vị là rất nhỏ », « khả năng giải thể công ty là rất lớn », « tình cảnh  khó khăn của làng nghề là rất nghiêm trọng»…Sao không nói dễ nghe hơn : công ty rất có thể thất bại, đơn vị khó tìm được nguồn tài trợ, công ty có nguy cơ bị giải tán, tình cảnh làng nghề quả thật khó khăn…
       Ngôn ngữ nào cũng vậy, tệ nhất cũng phải đủ lời đủ ý rồi làm sao ít lời đủ ý, cuối cùng ít lời nhiều ý là các văn bản nghệ thuật, thơ chẳng hạn. Hồi nhỏ có lần tôi nghe ông bác họ tuy ít học nói với một anh chàng người làng có tật ba hoa : « mi nói cả buổi mà tau cô lại không được chén nhỏ ». Bác mà còn sống chắc ông không khỏi ngạc nhiên nghe nhiều vị tiến sĩ, nhiều ông quan lớn phát biểu chỉ đạo trên TV hoặc qua phỏng vấn các thứ khiến thính giả phát bịnh : dài, dai, tránh trớ, câu hỏi và câu trả lời không ăn nhậu gì tới nhau và có vẻ chính họ đôi khi chắc cũng không biết mình muốn nói gì. Sao lại có một thời thổ tả lạ lùng cùng những loại tiến sĩ dỏm và giả ngập tràn trên đất nước khốn cùng về văn hóa quá mức chịu đựng như vậy.
      Vào được fb, thỉnh thoảng thấy có người than phiền về âm nhạc, ca khúc VN hiện đại, tôi cũng muốn xía vào đôi chút lãnh vực mình không đủ thẩm quyền, nhưng thây kệ, chẳng hạn mình đâu có làm thơ hoặc có làm thơ… dở nhưng vẫn chõ miệng nói chuyện thơ, có hề gì đâu!
       Tôi cũng nghĩ như mấy ông, chưa từng có hiện tượng “văn hóa” nào quái đản bằng cái gọi là âm nhạc, ca khúc VN hiện nay. Nhạc thì đích thị chẳng dây dưa gì tới thứ xưa nay nhân loại vẫn gọi là âm nhạc, tìm đỏ mắt chẳng ra bài nào gọi là có chút giai điệu, còn lời ca thì thô lậu, ngô nghê thua hẳn lời nói bình thường và tầm thường nhất. Nhưng, lạ lùng thay, mấy người viết ra thứ ca nhạc đó vẫn được gọi nhạc sĩ một cách trang trọng, người la hét mấy bài đó vẫn là ca sĩ. (Có người nói lái kiểu Bùi Giáng, họ là “ca sĩ của đảng” tức ca sãng của…). Đặc biệt hơn hết, họ giàu chưa từng thấy, nhất là đám ca hét, uốn éo trong ánh đèn màu chớp nháng quáng mắt. Đã đành, VN bây giờ  là xứ sở của nghịch lý. Nghịch lý gần như tất cả mọi lãnh vực khác, tuy phải tìm nguyên nhân xa gần mệt mỏi, nhưng vẫn có thể hiểu ra. Riêng cái kiểu đờn ca đang thịnh hành là một sản phẩm tinh thần quái dị, không cách gì hiểu được vì sao nó phát  triển và được đông đảo người trẻ hưởng ứng, do đó đem đến giàu có khiếp đảm cho bao nhiêu người làm thứ “nghệ thuật” kinh hoảng đó.
      Nhận xét về lời ca, sau khi bỏ qua phần nhạc điệu, Nguyễn Hưng Quốc cho rằng nghe những ca khúc VN khiến ông phát bịnh vì lời ca dễ dãi, sáo mòn và cũ mèm. Đây có thể  ông chỉ nói tới nhạc VN tiền chiến và miền nam thời nội chiến. Ông trích mấy đoản ngữ như «dòng suối lững lờ”, “mối sầu vạn cổ”, “tim rạn vỡ”…để mà ớn. Theo tôi, nếu ông công bình hơn thì hẳn thông cảm các nhạc sĩ tiền chiến. Họ viết các ca khúc đó cùng thời với sự phát triển của thơ mới. Ca từ của họ mang hơi hám của thơ mới mà nay ai cũng biết không còn mới và những mỹ cảm lãng mạng kiểu đó nay đà lạc hậu.Thật ra, không hẳn tất cả chúng đều quá tệ. Lời trong nhạc Văn Cao cũng rất sang trọng:

Thiên Thai, ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian
Ái ân tiên thiên em ngờ phút mê cuồng có một lần.
Thiên Thai, chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian
Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần…

Sông Lô, sóng ngàn Việt bắc bãi dài ngô lau, núi rừng âm u
Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu
Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa…

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về…
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông…
       
       Lê Thương cũng viết nên những lời ca lộng lẫy, đầy hình tượng:

Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng,
Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng
Vui ra đi rồi không ước hẹn ngày về
Ai quên ghi vào gan đã bao nguyện thề
Nhìn chân trời xanh biếc bao la
Người mong chờ vẫn nhớ nơi xa

Đường chiều mịt mù cát bay tỏa bước ngựa phi
Đường trường nếp tàn y hùng cường vẫn còn bay trong gió
Bóng từ xa sắp dần qua bóng chàng chập chùng vượt núi qua khe
Với hành lương độ đường, chiếc hùng gươm danh tướng
Dưới tà huy đếm nhịp đi vó ngựa phi
Dấn bước tang bồng giữa nơi núi rừng
Bên nợ tình thâm, bên nợ giang san
Bên đồi ai oán, bên rừng đa đoan, tiễn đưa bóng chàng…

       Tứ thơ dồi dào, chữ nghĩa có vẻ sáo nhưng vô cùng thích nghi với nội dung chuyện kể. Thậm chí nếu không có mấy từ ngữ “dưới tà huy”, “nếp tàn y”, “bước tang bồng”, “hành lương độ đường”, “hùng gươm danh tướng”…thì…hết hay. Và tuyệt vời biết bao: “Đồi ai oán, rừng đa đoan tiễn đưa bóng chàng”
       Khi nhạc cần đến thơ thì hầu như phải thơ…dễ một chút. Hình như Phan Xuân Sinh có lần hỏi Phạm Duy sao không phổ nhạc thơ Tô Thùy Yên, ông bảo thơ đó “trí tuệ” quá, khó lắm! Không tưởng tượng được đem thơ vắt dòng đi phổ nhạc. Chẳng lẽ:

Nàng có ba người anh đi bộ
đội những đứa em nàng…

       Còn thơ “hậu hiện đại” các thứ thì…vô phương, phải không? Muốn thoát ra khỏi không khí thơ mới cũng như các ca khúc ướt át miền nam, Trịnh Công Sơn có vẻ là người nỗ lực cách tân lời ca nhất. Tuy vậy, nhờ giai điệu dịu dàng nâng đỡ ta lướt qua chớ chữ nghĩa của ông cũng nhiều chỗ…làm khó người nghe không ít. Ví như : vết lăn, vết lăn trầm, hằn lên phiến đá nâu thêm ưu phiền, như có lần chim muông…hằn dấu chân người đi phiêu du từ đó…Rõ ràng lời thì đẹp nhưng tìm liên kết các ý với nhau… mệt nghỉ! Câu này nữa: em đi về cầu mưa ướt áo, phải nói lại em đi cầu về mưa ướt áo thì mới đúng…ngữ pháp! (xin lỗi nhạc sĩ nơi vĩnh hằng, tôi đùa giỡn chút, đời buồn quá!).
       Nhạc Phạm Duy có vẻ cần đến thơ lung lắm. Có người nói rằng nhiều thi sĩ nhờ Phạm Duy mà được đời biết đến. Nếu quả thế thì mấy nhà thơ đó không phải thứ thiệt hoặc quần chúng đợi phổ nhạc mới đọc tới thơ họ thì cũng chẳng biết phải nói gì. Ở đây quả thật không biết ông thần cậy cây đa hay cây đa cậy ông thần. Cung Trầm Tưởng có lần nói đúng, thơ tự nó đã có nhạc nên phổ nhạc thêm cho nó chỉ là chuyện vẽ rắn thêm chân, (mặc dù Phạm Duy đã viết nhạc cho thơ của ông). Thật ra, nhạc cổ điển tây phương đâu cần tới thơ. Beethoven viết nhạc cho thơ Schiller trong Huynh Đệ Giao Hưởng Khúc là một chuyện hiếm. Nhân đây cũng nói luôn chuyện ngâm thơ. Tôi vô cùng ngại nghe ngâm thơ theo tiếng sáo tiếng đàn uốn éo dặt dìu. (cũng như hồi còn đi dạy sợ xem giáo viên trường này trường kia múa, lạnh lạnh sống lưng, về bịnh). Những ngân nga kéo dài lời thơ ê a ư ử làm khổ đôi tai phải kỳ khu nhận ra từ để hiểu nghĩa. Mấy điệu ngâm ẻo lả đó phải hay ho gì cho cam mà làm khổ thiên hạ như tra tấn không bằng. Thơ phải chăng chỉ nên đọc lên theo cảm xúc của mình mà sách vở gọi đọc diễn cảm (xin khẳng định không phải đọc diễn cảm bằng cách nhấn giọng tùy tiện rất nhảm nhí của phần lớn giáo viên tiểu học và mẫu giáo dạy cho trẻ nhỏ hiện nay, nghe các em thiếu nhi kể chuyện trên TV, tôi ngượng ngùng vì thấy rằng kiểu diễn cảm đó không dây dưa gì tới tiếng Việt. Chẳng hiểu ai bày đặt thứ ngữ điệu bằng cách nhấn mạnh từ, đụng đâu nhấn đó theo chủ quan người dạy, chướng tai kỳ quặc bao nhiêu năm rồi, Việt ngữ thật ra rất ít trường hợp nhấn từ, Cao Xuân Hạo không nói sai. Không hiểu do đâu mà xứ ta, chỗ nào cũng thấy sai, tại người có quyền chỉ đạo ngồi không đúng ghế chăng? (tự nhiên nhớ tiếng Việt vui của Phan Khôi: sai thì sửa, sai đâu sửa đó, sửa đâu sai đó, sai đó sửa đâu? Tiếng Việt thú vị, có lần mấy đứa nhỏ trong nhà nói chuyện. Một đứa bảo: “cô nớ đàng hoàng lắm, cái nào ra cái đó”. Đứa khác nói: “làm gì cái nào ra…cái đó được, cái nào ra cái nào, cái đó là cái đó, “ngữ điệu” của nó khiến ai cũng cảm được cái đó là cái gì!).
       Phạm Duy còn nương vào dân ca để xây dựng sự nghiệp.Tôi không dám nói ca khúc ông không hay, không nghệ thuật, chỉ nói ông nương nhờ nhiều mấy điệu dân ca thôi. Hình như có lần Cung Tiến nói rằng tân nhạc là tân nhạc, pha trộn dân ca này nọ là không ổn hay không xứng đáng gì đó, tôi không chắc. Lúc bấy giờ Phạm Duy nổi tiếng quá, tôi nghĩ Cung Tiến hơi tị hiềm. Về già, tôi cho rằng Cung Tiến khách quan chứ không phải hiềm khích. Nghe mấy bài hát Hương Xưa, Hoài Cảm…với giai điệu đẹp đẽ sang trọng bàng bạc air nhạc cổ điển, mêng mang một nỗi u hoài của ông thì nghĩ không phải ông nhiều chuyện. Ông chỉ khen Phạm Duy vài bài, hình như Bên Cầu Biên Giới, Thuyền Viễn xứ…Theo tôi, Phạm Duy xuất sắc nhất khi viết lời Việt các ca khúc nổi tiếng phương Tây, trong đó có nhạc cổ điển. Dù sao thì tôi cũng, xin nói thật, ít thích thơ phổ nhạc. Muốn thơ thì đọc thơ, muốn nhạc thì nghe nhạc cổ điển. Không ai hơn ai trong chuyện này, tất cả do thói quen và sở thích. Một phần cũng do may mắn, hồi nhỏ có điều kiện tiếp xúc thánh ca Tin Lành, riết thành quen âm giai cổ điển tây phương, mê thích lúc nào không biết. Nói không thích thơ phổ nhạc còn do nhạc sĩ, vì nhu cầu phù hợp thanh âm trường độ này nọ, phải thêm bớt lời tai hại cho thơ. Nói vậy không phải phủ nhận sự liên tưởng và mối liên lạc thơ nhạc. Trong tập “Thơ Ở Đâu Xa” Thanh Tâm Tuyền dặn con gái ở phần notes cuổi một bài thơ xuôi: để đọc bài thơ trên, cô Th nên nghe đoạn Presto trong concerto Mùa Hạ của Vivaldi”. Ông tinh tế quá!
       Tôi không tin phải thấu đáo nhạc lý thì mới nghe được nhạc cổ điển. Tôi cũng không tin lắm chuyện phân tích giai điệu, nhịp điệu tường minh thì mới hiểu và cảm được thứ âm nhạc đó. Như vậy, phải rành phân tích thơ thì mới hiểu và cảm được thơ sao? Thật ra, chỉ bọn nhà giáo mắc chứng nghề nghiệp lọ mọ phân tích thơ cho học trò tạm hiểu các thứ để thi cử nhảm nhí chứ thơ, chỉ nên làm thinh mà đọc một mình. Cũng như âm nhạc, chỉ nên lặng lẽ nghe mà cảm nhận.
        Rõ ràng rằng cõi đời không mấy gì vui, người lương thiện miên viễn bị các thế lực tôn giáo, phong kiến ngày xưa đàn áp nên âm nhạc của họ buồn quá thể. Ngày nay quan lại còn đàn áp tàn độc vạn lần hơn (nhưng cứ bảo dân chủ triệu lần hơn) mà chỉ có nhạc tôn vinh và tụng ca, làm thế nào hiểu thấu!). Theo cảm nhận chủ quan, ví dụ mấy bài concerto cho đàn violin hay nhất của Beethoven, Chopin, Tchaikovsky, Bruch, Brahms, Sibelius, Mendelssohn…hầu như tất cả phần nhiều đều diễn tả nỗi buồn, khi thì u hoài man mác, lúc thê thiết não lòng. Nhất là mấy dòng đầu violin solo sau lúc dàn nhạc khai từ của mấy bản concerto đó, nghe mà muốn chết. Tiết điệu nhanh đầy kỹ thuật như Paganini vẫn thấy buồn, mới lạ.
       Tạ ơn các bậc thiên tài cho chúng sinh mọn hèn như tôi nghe những thanh âm tuyệt vời, nhận ra tâm hồn vĩ đại của những người văn minh thuở trước. Nhưng ngạc nhiên và đau lòng bao xiết kể khi vào youtube xem thử thì thấy Leonid Kogan chơi violin concerto của Mendelssohn được cả thảy 26,051 người nghe, Akiko Suwanai chơi violin concerto n.1 của Max Bruch thì được 184,836 trong khi Gangnam Style một tỷ bảy trăm triệu lượt người nghe! Nhờ vậy đâm ra bớt buồn bực cho văn hóa, ca nhạc xứ mình. Có lẽ “cái thời nó vậy”!

NAK

No comments:

Post a Comment