Thursday, March 14, 2013

Sổ tay văn học



XUÂN VĂN NGHỆ & THÂN HỮU  



     
                                  Bạn văn ở Atlanta

    Bây giờ là đầu tháng Ba, gió cuối Đông trở nên lạnh buốt, buổi sáng ở một vài nơi tuyết lất phất rơi. Giữa lúc thời tiết khắc nghiệt như thế thì như một ngọn gió ấm bất chợt thổi về, một số anh em văn nghệ từ phương xa vì lý do riêng tình cờ lại đến Atlanta.
    Danh ngôn xưa có câu “Tình bạn là ngọn lửa hồng trong đêm đông giá lạnh”.”
    Cơ duyên như vậy đã khiến một số anh em văn nghệ và tuần báo Trẻ nhân dịp này tổ chức một buổi họp mặt văn nghệ nho nhỏ vào ngày Chúa Nhật 3 tháng 3 vừa qua lúc 4 giờ chiều tại tiệm Cafe Happy Cup trên đường Jimmy Carter Blvd.
     Những vị khách từ phương xa tới được giới thiệu gồm có nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp từ Dallas, nhà thơ Phan Xuân Sinh từ Houston, nhà thơ Đức Phổ từ Savanah. Đáng lẽ chương trình còn có hai vị khách nữa là nhà thơ Trần Phù Thế và nhà văn Trà Nguyễn ở Carolina, nhưng rất đáng tiếc hai vị khách này vì chuyện bất ngờ nên đã rời Atlanta trước giờ họp mặt.
    Tiếp theo là nhà văn Nguyễn Ngọc Châu, ông là một người văn nghệ rất yêu mến văn chương và rất nhiệt thành trong các hoạt động văn nghệ tại địa phương đã lên giới thiệu các vị văn nghệ sĩ tại địa phương hiện diện như chị Đặng Mỹ Dung tác giả Ngàn Giọt lệ Rơi, ông bà nhà thơ Dương Ngọc Ánh và Mai Thanh Tuyền, nhà văn Hoàng Thanh Nga, nhà thơ Lý Nguyệt Vân, nhà thơ Hoài Quốc Lê Văn Dương, ông bà nhà văn, nhà thơ  Văn Lang,và các nhà thơ trong Vườn Thơ Atlanta.
    Nhân dịp này quý vị đã chụp một bức hình lưu niệm rất vui. Đây sẽ là một kỷ niệm khó quên.



                                     Nhà văn Nguyễn Thị Thảo An
     
     Sau đó để giới thiệu chi tiết hơn, nhà văn Thảo An, người điều phối chương trình đã giới thiệu chi tiết hơn về các vị khác phương xa. Chị nói,
   “Tôi hân hạnh được quen biết với Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp từ thời năm 2000 qua lời giới thiệu của anh Lâm Chương.  Tôi không biết ông sinh năm nào, bao nhiêu tuổi. Ông nói, chính ông cũng  không muốn biết ông bao nhiêu tuổi. Người ta thường nói, nhà thơ không có tuổi. Vậy kính thơ, nên tạm gọi ông là Anh vậy. Một bậc đàn anh trong làng văn nghệ.
    Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp là người gốc Huế.
    Ông làm thơ rất sớm, bài thơ đăng báo đầu tiên là bài Nhịp Bước Mùa Thu được đăng báo với những câu:
em đi. nhịp bước dạo đôi mùa
áo biếc chìm trong dáng núi xa
trống lẻ. trường bên. hờ hững điểm
hoàng thành vừa chợp giấc mơ trưa

thời đại xây trên lòng quá khứ
tiếng mùa hốt gió. rắc ly tan
này em. nhìn lại nương cày cũ
mặt đất âm u bặt tiếng đàn

   Mới 15, 16 mà ông đã có những suy tưởng, chiêm nghiệm như thế thì bẩm sinh đúng là cốt cách, tâm hồn của một nhà thơ.
    Mang một tâm hồn thi sĩ nhưng sống với một cuộc đời rất đỗi bình thường. Thời niên thiếu ông đi học ở Huế, rồi vào Sài Gòn. Về sau, ông dạy học Mỹ Tho. Nhập ngũ năm 1963, rồi phụ trách chương trình phát thanh Quân Đội ở Pleiku, ở Đà lạt, và ở Sàigòn.
    Tháng 5/1975 bị cầm tù và lưu đày qua đày những trại tù Miền Bắc tới năm 1982.
    Tới năm 1995, sang Mỹ. Ông bắt đầu in thi phẩm Tôi Cùng Gío Mùa (do Văn Học, Cali, xuất bản)
    Từ năm 2000- chủ biên tạp chí Phố Văn, và chủ trương Phố Văn online cho tới nay.
Hiện ông định cư cùng gia đình ở Dallas, và phụ trách biên tập với báo Trẻ.
Mới đây, ông cho tái bản thi tập Tôi Cùng Gió Mùa và in thêm hai tác phẩm mới là Thơ Nguyễn Xuân Thiệp (gồm những bài thơ sáng tác sau năm 1975) và tập tạp bút Tản mạn bên tách cà phê. Năm ngoái ông đi một vòng qua nhiều tiểu bang và ra mắt sách ở các tiểu bang Houston, Cali, Virginia,  Thơ ông được giới thiệu trên truyền hình Việt Nam ở Cali, và trên đài VOA trong chương trình văn học nghệ thuật.
     Dù là thơ hay văn, ông cũng viết với tâm hồn của một thi sĩ. Những bài viết trên tạp chí Phố Văn do ông chủ trương là những tùy bút đi gần với cuộc sống hiện tại qua những ý nghĩ lãng mạn và thú vị của một người tìm được ý nghĩa của cuộc nhân sinh.
    Thơ của ông trầm lắng, như  những giọt nước thuần khiết nhỏ xuống từ những mạch ngầm tưởng như thinh lặng mà ngầm chứa những xao động như sóng cuộn ở tâm tư.
     Đọc thơ về thời kỳ tù ngục lưu đầy của Nguyễn Xuân Thiệp người ta thấy  được sự nâng niu nghệ thuật và thái độ, phong cách, tâm hồn của một kẻ sĩ Việt Nam trong cơn biến động của lịch sử.
Hãy đọc những lời thơ trong tù của ông:
đêm đưa ta lên miền bắc
với những chấm đèn trong mưa
một đi. bóng nhà xa khuất
còn nghe đôi ngọn gió thu

khi ta đi lên miền bắc
nụ cười quên dưới trời xưa
trái tim đeo ngoài ngực áo
như chuông. trước cổ ngựa thồ

lưu thân đi trong trời đất
áo quần như gã hề điên
tóc râu dưng bờm cổ thụ
cõi người chợt lạ. chợt quen

chân ta đi trên miền Bắc
qua dăm thôn xóm buồn teo
buổi chiều. trắng bông chẩu rụng
rắc lên quán chợ quê nghèo

ta đi. đi lên miền bắc
bóng ngày. treo ngọn cây cao
buổi trưa tiếng gà hiu hắt
nhớ đầy dăm vạt áo nâu

có đêm. sụp trời mưa lớn
nghe trăm cỗ ngựa qua cầu
tưởng như những loài nấm đỏ
mọc trên thớ gỗ mục sầu.

    Đọc những lời thơ trên không ai không tự hỏi.Làm sao người ta có thể bắt giam một người có tâm hồn như vậy?
    Với thời gian, những lời thơ nhân bản của những người ở tù, những kẻ sĩ miền Nam đã dần thấm nhuần được tâm hồn của kẻ cai tù. Có một lúc nào đó người ta sẽ tự hỏi họ đã giam cầm những ai? Chế độ của ta đã bắt bớ những ai?
Văn chương như nước.
Thi ca như mưa
Mưa lâu thấm đất.
    Năm 1975 bằng sức mạnh súng đạn, một chế độ man đi, mọi rợ đã thắng một chế độ văn minh. Năm 2013, những ngọn gió quê hương đang đổi mùa. Bằng chân lý, chế độ man di nay mai rồi sẽ bị thổi đi tan tác
    Sức mạnh của ngòi bút chính là ở chỗ này.
   Giới thiệu nhà thơ NXT mà không nói đến những mảng văn chương khác của ông là một sự thiếu sót.
    Vì ngoài thơ, ông còn viết văn. Tản mạn bên tách cà phê của ông xuất hiện thường xuyên trên tuần báo TRẺ hàng tuần. Với đề tài của những bài viết thay đổi tùy theo ngẫu hứng của tác giả. Có những chuyện trọng đại như nội chiến Hoa Kỳ, chiến tranh Việt Nam, Cách mạng văn hóa Trung Quốc, cách mạng nhung ở Tiệp Khắc, hay câu chuyện về mái nhà thế giới. Cũng có những câu chuyện đẹp của tình người trên đất khách, cũng có chuyện về những sinh vật hèn mọn như con ve, con dế, bầy chim én, con hải âu, hay những vật tưởng như tầm thường - cánh diều, cái chong chóng, hòn đá, chiếc lá vàng, ngọn rau con cá trong vàm, cái nhẫn cỏ. Lại có cả những bài viết về các món ăn hấp dẫn: thịt chó và phở, rau càng cua, bát canh hoa lý, món giả cầy ăn trong một chiều trở lạnh, măng hầm chân giò và miến xào lươn, món crawfish ăn ở tiệm Golden Corral cùng với cô ca sĩ một đêm mưa lái xe lạc đường… Mà ông hình như  đi đâu cũng bị lạc đường. Những con đường lạc chính là những con đường mới. Những con đường mới đều mang cho người ta cái cảm giác trẻ trung, mới lạ. Đó mới chính là con đường của những thi sĩ phải đi.
Để giới thiệu con người nhà thơ NXT, không gì bằng trích dẫn những câu thơ của chính ông,
“Nhưng thôi. Nhân loại vui vầy cả
Yêu cuộc đời trong lẽ bất toàn
Chút nghĩa thủy chung ta giữ vẹn
Lòng ơi trải rộng gió nhân gian”
   Lẽ bất toàn mà ông nói đó là gì? Đó là cái phần xấu trong một con người. Và những khổ nạn mà đời người phải trải. Nhưng nhân bất thập toàn, đời người là bể khổ. Yêu đời, yêu người. Tình yêu chính là kim chỉ nam để ông sống trên đời, sống với người trong cuộc hành trình dài đăng đẳng.
   Xin giới thiệu với quý vị nhà thơ NXT, một nhà thơ hiền nhất trong các nhà thơ Việt Nam mà tôi từng gặp… “
   Sau đó nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp bước lên, ông rất xúc động và khiêm tốn cho rằng mình chưa được như thế, nhưng ông rất cảm ơn giới văn nghệ ở Atlanta đã cho ông một cơ hội để gặp gỡ các bạn bè văn nghệ nơi đây.
   Nhân đó ông nói sơ qua về hoàn cảnh làm thơ trong tù. Và ông cũng giới thiệu hai nhà thơ khác là nhà thơ Phan Xuân Sinh và nhà thơ Đức Phổ.



                     Nhà thơ Phan Xuân Sinh và nhà thơ Đức Phổ.
   

    Nhà thơ Phan Xuân Sinh bước lên sân khấu và đọc một bài thơ của anh như để tạ lòng với mọi người.
   Tiếp theo là phần văn nghệ. Hầu như không có buổi văn nghệ nào ở đây thiếu tiếng sáo của anh Lê Văn Dương, giọng ngâm thơ của anh Đỗ Xuân Quang. Sau đó chị Lý Nguyệt Vân, nhà thơ Dương Ngọc Ánh diễn ngâm những sáng tác của mình.
   Đặc biệt nhất là giọng ngâm thơ của chị Phan Thị Châu (phu nhân của anh Khiêm) qua bài Giấc Mơ Nhỏ của tôi. Một chất giọng rất truyền cảm. Không khí sân khấu còn vui nhộn với bài I love You More Than I Can Say của bác Phùng Quang Chiêu. Có lẽ ở đây không mấy ai mà không biết bác Phùng Quang Chiêu, một người của thập niên 80, 90, bác đã từng đại diện cho Hội IRC trong chương trình định cư giúp đỡ rất nhiều đồng bào tại địa phương.
Tiếng “ye, yé” của bác mang nhiều sức sống vui nhộn mang đến nụ cười cho mọi người.
Sự bất ngờ là phần trình diễn của hai cô gái Disney Nguyên và Marchell Peter cũng đến đàn và hát bài Sunday Morning, The Love When You First Met.
   Nhưng điều làm tất cả mọi người ngạc nhiên và cảm động nhất là giọng ca của Vũ Thắng.  Anh sinh trưởng ở Miền Bắc, mà hát nhạc lính với sự thiết tha chân tình. Từ nét mặt, ánh mắt của anh đã mang cho mọi người những xúc động, và vui mừng. Chúng tôi hy vọng giọng ca này sẽ đến với cộng đồng Atlanta trong nay mai.
   Sau cùng, nhân bài viết này, chúng tôi gửi lời cảm ơn chân thành đến quý vị văn nghệ sĩ và thân hữu đã dành thời giờ đến tham dự. Và cũng xin gửi lời xin lỗi đến quý vị vì thời gian cấp bách nên không có thời giờ để chuẩn bị chu đáo hơn.
    Xin cáo lỗi và đa tạ.
3/4/2013
TRẺ MAGAZINES

2 comments:

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete
  2. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete