Sunday, July 1, 2012


KHI XA SÀI GÒN
Lưu Na



                                          Chim thiên di 

1.

Chiều mát, anh Tư rủ Mây đi bộ.  Đi chỗ nào?  Bolsa Chica há?  Ok.  Hai đứa mang giầy nón áo rồi ra xe.  Bữa nay Mây đã nhớ đường đến nơi ấy, không cần phải đi đến cuối đường Beach để ra Pacific Coast Highway rồi mới quẹo xuống Bolsa Chica.  Đi như vậy thì như mình đi 2 cạnh dài của cái tam giác cân.  Mây bật cười thầm cho sự so sánh ấy cũng như khả năng đi đường của mình. 

Trong lúc đi vòng để vào bãi đậu xe Mây thấy đông người tụ tập nơi một hồ nước sát mặt đường.  Thấy gần nhưng cũng như lúc vào bãi đậu xe, hai đứa phải đi một đỗi xa mới đến nơi.  Mặt hồ xao động, nơi người ta tụ đông nhất có cái gì chuyển động dưới làn nước theo vòng tròn.  Thì ra là một chú cá heo nhỏ, độ hơn một thước, bị lạc từ biển bên kia đại lộ theo kinh đào vào khu đất đầm lầy này.  Khu sinh thái được bảo tồn rất rộng và là nơi gầy tổ giữ giống cho sinh vật của vùng đất đặc biệt ấy.  Chú cá heo cứ mỗi vòng nhỏ lại nhào lên một lần lấy hơi, không biết nước trong hồ là nước mặn như ngoài biển kia hay chỉ là nước lợ.  Tội nghiệp, hình như chú bị stressed vì lạc bầy.  Ai bị lạc mà không hoang mang lo sợ.  Lạc mất nơi sinh sống, cái ấy nguy, Mây thầm liên tưởng. 

Hai đứa xem một lúc chán, rủ nhau đi tiếp.  Cả một vùng đất mênh mông, sáng lòa dưới ánh chiều tà.  Đó đây rải rác những dáng người nhỏ như kiến với quần áo đủ màu sắc, bò chầm chậm từ từ trên những con đê dài nối liền bao bọc khuôn viên_ chỗ dẫn lên đồi cao, chỗ lài xuống vũng hồ, chỗ song song theo lạch nước.  Lác đác những tấm bảng cấm nho nhỏ, ngăn việc bước trệch lối đi gây nguy hại cho những gì đang được gieo giữ bảo tồn.  Nơi hoang dã đây người ta quí thiên nhiên, quí từ con sâu cái kiến, và ngoài phố thị kia thì cũng là người ta tàn hại nhau theo cách riêng. “Nơi đây thành phố mới xa lạ, con chim rừng lạ cây nhớ cành…” Mây nhớ câu hát ca tụng việc đến vùng kinh tế mới để xây đắp tương lai (!) mà anh bạn cùng lớp đã hát năm nào, không biết bây giờ anh ở đâu.  Mây ráng mà không nhớ tên, bước tới bước tới, rồi quên nhau khi nào không ai rõ. 

Bước đều chậm trên đê Mây như mê mẩn với sắc trời bãng lãng trong gió.  Chỉ một khoảng thiên nhiên mở rộng là cảm ngay cái nhỏ bé của mình và cái vô nghĩa của cuộc sống đua chen.  Những lúc ấy Mây thường tần ngần ngẫm nghĩ dù miệng vẫn nói chuyện đều đều với anh Tư.  Cảm nghĩ nhiều khi không phải là điều dễ chia sẻ, nhất là nó thành hình và biến đổi như mây trời.  Chợt anh Tư níu tay Mây giữ lại, miệng nói “coi chừng.”  Mây nhìn quanh ngơ ngác.  Anh Tư cằn nhằn 

_Mây đi phải ngó chứ, vấp té mấy lần rồi mà vẫn cứ không để ý.  

Mây cười trừ, giả lả nói chuyện khác cho qua.  Chốc sau thì Mây đã lại ngó lên trời.  Đê, từ nhỏ tới giờ Mây chưa đi trên đê.  Những con đê Việt Nam, nó có rộng dài bát ngát như ở đây?  Những con đê, nó có phải là xương sống của cuộc đời, nó có mang thần khí của ai không?  Của người dân của đất nước, của con sông dòng nước theo dưới chân?  Bước chân Mây lạo xạo trên đất khô và đá sỏi vặt vãnh.  Nơi đây dù là văn minh rất mực người ta cũng không tráng nhựa con đê, Mây tẩn mẩn ngẫm nghĩ và cười vu vơ.  Anh Tư liếc Mây nhưng làm thinh.  Anh Tư đã quen cái sự vơ vẩn ấy, nhưng Mây vẫn thấy hơi ngượng, Mây bàn với anh Tư chuyến đi sắp tới.  Bên cái nôn nao được về thăm quê còn là cái nôn nao được ra Bắc.  Ở ngay trong nước Mây còn chưa biết hết quận 3 Sài Gòn.  Bây giờ được đi thì bao nhiêu ít nhiều gì cũng đều là chuyện đáng bàn !!!  Những năm tháng cũ khi Ba còn sống Mây thăm nhà mỗi năm, và mỗi lần đi là mỗi lần thấy lạc.  Sài Gòn, quê hương, quả nó chỉ còn là bóng dáng héo mòn, lắt lay trong hồn…  lại cứ mãi thấy nợ nần. 

2.

Phi cơ xuống Hà Nội cỡ 8 giờ tối.  Xếp hàng lần lượt đến trình giấy thông hành thì Mây tưởng như mình đã thở ngay bầu không khí cũ dầu đã 8 năm qua rồi mới trở lại Việt Nam.  Công ty du lịch làm việc rất cẩn thận.  Vài ngày trước khi lên đường có một buổi gặp mặt để dặn dò.  Những gì cần làm khi xuống phi trường, lịch trình chi tiết, giới thiệu hướng dẫn viên, đề nghị hành lý v.v…  Ngày ra phi trường nhân viên công ty cũng ra phi trường để giúp chuyện check-in và tiễn khách lên đường.  Bây giờ chưa ra khỏi khu kiểm soát thì chưa có hướng dẫn viên, mọi người chỉ có nhau và tự động ai nấy im lặng chăm chú với những khuôn mặt lạnh như tiền của nhân viên hải quan. 

Qua một cửa, thoát một ải.  Bên ngoài, anh Hiển tour guide đã chờ sẵn.  Anh rất khôn ngoan lanh lẹ, mọi người yên lòng.  Gió đêm của trời Hà nội cuối tháng Mười nhè nhẹ và hơi khô, Mây không thấy chút hơi Thu hay chút gì gọi là se lạnh của mùa màng nơi cái xứ huyền mơ mà mấy mươi năm nay thường nghe thiên hạ nhắc.  Xe lăn êm trong ánh đèn vàng vọt và lặng im của phố phường đi vào giấc ngủ.  Chỉ đến khi về lại Sài Gòn Mây mới nhận ra cái khác biệt của lúc 10 giờ tối giữa hai nơi.  Trước khi vào phòng thì mọi người đã mau mắn dồn hết vào tay Hiển những cái phone của mình: người cần unlock người cần sim Việt Nam để gọi.  Mây cười thầm tội nghiệp anh chàng phải ở đợ cho mọi người. 

5 giờ sáng, chuông điện thoại gọi mọi người thức dậy.  Xuống phòng ăn Mây mới có dịp nhìn rõ mọi người trong đoàn.  Bắt đầu thăm hỏi.  Cô luật sư này nói tiếng Việt không rành, hóa ra ở New York bay thẳng về đây gặp Bố Mẹ bay từ Los Angeles sang, để cùng đi một chuyến vacation với nhau.  Cặp Hùng Thảo mới cưới, Bố Mẹ dắt về chào họ hàng; một nhóm nhỏ vài người Việt gốc Hoa đi chơi chung; Thư và Tiếu lấy nhau mấy năm nhưng còn muốn đi chơi cho đã trước khi có con; và còn 2 cặp nữa mà Mây chưa có dịp làm quen.  Mây và anh Tư đi cùng vợ chồng Châu Donn.  Đây là một kỳ công của Châu.  Anh Tư không chịu đi đâu bao giờ.  Một ngày, Châu nói sẽ đi với Donn 2 tuần, rủ Mây và anh Tư cùng đi.  Vậy, mà anh Tư ừ cái rụp.  Mây đóng tiền vé ngay sợ anh Tư đổi ý thối lui.   

Lên xe bus ra hồ.  Hồ gì ngẫm nghĩ mãi mà không nhớ tên được, có cầu Thê Húc màu đỏ, vào đền Ngọc Sơn?  Anh Tư hỏi sao Mây biết nhiều tên thế, nhưng Mây chỉ là con vẹt lập lại những gì đã đọc, Mây không dám chắc mình đúng.  Châu luôn phải dẫn giải cùng Donn những gì xảy ra chung quanh.  Lạng qua bên đường, hình như đi vào chợ.  Mây loay hoay chụp hình loạn xạ, hướng dẫn viên nói gì cũng không nghe, để anh Tư nghe rồi lát hỏi lại cũng đâu có sao.  Nhưng hóa ra anh Tư phải coi chừng Mây chậy lung tung không theo đoàn sẽ bị lạc nên cũng chả nghe được gì.  Mây đứng giữa lòng phố cổ, lắng nghe trong lòng mình một nhịp cảm thông tìm trong óc mình chút thân quen của cái gọi là quê hương mà dường như vô vọng.  Mây ngơ ngác, người cũng người, phố cũng phố… không thấy mừng như mấy mươi năm trước lên Kuala Lumpur bên Mã Lai.  Đường đi từ trại tỵ nạn lên thủ đô phải qua một cái hầm dài cả nửa tiếng đồng hồ, băng qua nhiều ruộng nương nhà sàn.  Những cái nhà sàn mái lá không giống nhà sàn của Việt Nam, nhưng sao cái hương quê như cảm hoài, cái khó nghèo như quấn quyện.  Vào thủ đô, thấy một góc phố giống hệt Chợ Lớn_lúc đó Mây muốn khóc, Mây tưởng mình ngộ cố tri…  Anh Tư lại phải lôi Mây đi cho kịp đoàn, cứ ngớ ngẩn như vầy thì ô hô. 

Lăn lóc đến 2 giờ trưa thì về lại khách sạn để ăn trưa và lấy hành lý đi vịnh Hạ Long.  Có phải em mùa Thu Hà Nội, phải, mùa Thu Hà Nội nóng xém chết.  Mây thấy má mình cứ đỏ bừng lên và phấn son cứ trôi đi tuồn tuột người cứ rã ra vì mồ hôi.  Anh Tư bình chân như vại.  Anh thấy thường làm Mây càng ấm ức.  Thư cười khanh khách, dậy cho Mây một chiêu mới: mỗi sáng xếp sẵn 2 bộ để có dịp tắm là thay, tối về khách sạn thay tiếp.  Tiếu chỉ biết tiếng Hoa nên phải nói chuyện với vợ bằng tiếng Anh vì Thư cũng chỉ biết tiếng Việt.  Tiếu đứng đó, nghe lỗ mỗ mà không cần dịch lại vẫn biết “nó” đang nói cái gì, tình quê? 

Xe gập ghềnh đi xa Hà Nội.  Mây đâu ngờ Hạ Long ở xa Hà Nội đến vậy.  Mãi tối mới check in và ăn tối.  Cả bọn rủ nhau ra phố mua bóp cầm tay, sắc đeo vai về làm quà tặng.  Thư rất sành sõi giá cả, giỏi trả giá.  Cái bằng dược sĩ không làm hoen mờ khả năng của “cô gái Việt” !!!  Trên đường về, cả lũ đi xe giống như xe lôi về khách sạn.  Mây há hốc khi thấy một chiếc xe đạp bán hàng rong rao hàng bằng loa.  Nhưng không thấy loa, Mây hỏi anh Tư nhìn cho rõ.  Thì ra có cái máy như radio casette hay CD gì đó, thâu sẵn lời rao hàng treo ở ghi đông.  Cả bọn cười vui với sáng kiến đó.  

Sáng dậy lên tàu ra Hạ Long.  Mây sung sướng hít cái trong lành của buổi sáng, nhìn cái mờ sương của biển đảo.  Vịnh Hạ Long quả là đẹp, quả là bao la.  Mây cảm động nghĩ mình đang được biết quê hương.  Quê hương, cái tiếng mơ hồ đó không mang một hình ảnh gì cụ thể cố định trong óc Mây.  Mây thường tra gạn tìm tòi trong lòng mình trong ký ức mình mà phải đành nhập nhằng trộn nó vào với kỷ niệm với quá khứ của bản thân.  Quê hương của những người khác chắc rồi cũng có lúc chung với quê hương của Mây một góc nào đó, như cái ngõ hàng quà chả hạn.  Nhưng như vậy phải chăng chúng ta chạy vòng quanh đi tìm một quê hương không thật?  Vịnh Hạ Long đang được thu nạp vào óc Mây để thành quê hương dĩ vãng.  Chỉ hiềm bên trong hang động lắp đầy những đèn màu sắc.  Mây bắt đầu thấy hoang mang không rõ mình bất mãn điều gì với màu sắc mà cứ thấy như nó tước đi cái cần được bảo tồn. 

Hôm nay trở lại Hà Nội, Mây được đi Văn Miếu, đi coi bia tiến sĩ.  Mây thấy hú vía không có ai đục bia xóa bỏ tàn tích của bọn phong kiến!  Bên trong có một vở hát chèo (?), các cô gái mặc áo tứ thân xòe quạt múa hát trông thật đẹp, nhưng dường như màu sắc hơi quá rực rỡ hơi quá thắm tươi?  Khi xưa người mình có rực rỡ chói chang vậy không?  Tấm áo nâu và cái thắt lưng màu hoa thiên lý ra sao, có sặc sỡ như tấm áo 7, 8 màu mà các cô đang mặc?  Cái quê hương mà Mây đang thấy có thực là quê hương?  Mây thấy như mình lạc, ra ngoài đứng.  Bên ngoài là một sân vuông thật rộng, rộng đã con mắt.  Sân trường dù rộng cũng vướng víu bờ cỏ cội cây lối đi  băng đá.  Đây chỉ một cái sân gạch vuông, bát ngát.  Mây nghĩ ngay đến bức hình Thiên An Môn.  Nhưng một cái gì như thân mật đầm ấm đến với Mây, như thể hồn đất có chỗ vươn lên tỏa ra bao bọc những con người nhỏ nhoi lúc nhúc đi lại trên mình đất.  Mây loay hoay chụp hình, không biết làm sao để thu vào ống kính cái bao la cái âm thầm. 

Trước khi về lại khách sạn cả bọn được vào tiệm ăn cơm gia đình.  Mây chan húp liền liền món canh cua rau gì không rõ.  Món ốc nữa, cái gì anh Tư không dám ăn Mây đều ăn luôn phần của anh.  Riêng Donn thì xơi tuốt luốt mọi thứ.  Donn ăn món cuốn rất thành thạo, chấm mắm nêm mắm tôm đúng điệu và dùng đũa rất nhuyễn.  Còn Mây, có lẽ quê hương của Mây lấp ló nơi bàn ăn, Mây đang xơi quê hương.   

Về đến khách sạn thấy còn sáng và mát, Mây rủ anh Tư đi chơi một vòng.  Quẩn quanh mấy góc đường thì Mây quành về vì bắt đầu sẩm tối.  Ngang mấy chỗ bán hoa Mây còn muốn lấn quấn chụp hình nhưng anh Tư lắc đầu.  Hoa thì có gì mà chụp (!!!)  Đêm Hà Nội, Mây không có thổ công dẫn đường nên không biết đêm Hà Nội thực ra sao.  Trong lòng đêm, Mây đứng trên đỉnh hotel nhìn xuống chỉ thấy một giấc ngủ êm đềm im lắng.  Đằng sau những cao ốc dịch vụ, những căn nhà mái tròn kiểu ngàn lẻ một đêm của Ba tư hay của Nga, đằng sau những góc nhà Tây phương màu tường đậm có một thành phố chầm chậm buồn buồn, tựa như dòng nước sông Hồng vẫn lặng lờ trôi dưới cầu dẫu có muôn ngàn bánh xe và bước chân hối hả đi bên trên.  Cái chầm chậm hững hờ đó như vẫn đều đều bền bỉ ngày qua ngày, đã chạm vào tà áo Mây khi đặt chân xuống lòng phố mà rồi bợt bạt trôi đi theo nhịp chân của du khách, và  cư dân thành phố lại âm thầm mang về cất vào sau cánh cửa khép lúc về đêm.  Chỉ về đêm, lúc này, Mây mới mơ hồ nghe tiếng âm thầm chầm chậm ấy khẽ cựa quậy, khẽ kêu vang.  Hà Nội, đâu là Hà Nội? 

Sớm tinh sương Mây chạy vội lên sân thượng khi ánh mặt trời mới ló.  Trên cao nhìn xuống, Mây chụp được phân nửa hồ Tây viền quanh nhà cửa phố xá đủ màu sắc thành nửa cánh sao trong sương mờ.  Bên kia là một tháp màu đỏ nằm chen với lùm cây xanh bên một kiểng chùa.  Chạy vội xuống lầu ăn sáng, Mây hối hả kéo anh Tư ra đường tìm nếp chùa thấy từ trên cao.  Băng ngang đường Mây bắt gặp một cái hồ mênh mông, xa xa là building hay hotel nhà hàng gì đó trên biển nước xanh và mây trắng lóa.  Bên kia là hồ, bên này cũng là hồ, đi tới cũng là một cái hồ nhỏ với một cảnh chùa.  Mây ngửa cổ, chùa Trấn Quốc.  Vậy ra, cái hồ mênh mông đó là hồ Trúc Bạch, với bên kia đường chỗ Sofitel là hồ Tây.  Và như vậy con đường Mây đang đi là đê Yên Phụ thuở xưa.  Mây lần dò tìm hồn thiêng sông núi, cảm nghĩ “nó” đang bị hotel và dịch vụ du lịch lấn đè!  Chỉ có bia đá ghi kỳ công của “bộ đội ta anh hùng bắn hạ máy bay Mỹ nơi này” là còn nguyên sừng sững.  Quay trở lại đi dọc theo bờ hồ Tây Mây phải vờ như không thấy những ông mặc xà lỏn tập thể dục bên bờ hồ, loại xà lỏn tựa như boxer mà đàn ông Việt Nam vẫn mặc khi Mây còn bé tí.  Anh Tư xà xuống một gánh hàng.  Bà bán rau cười hỉ hả có một người khách tuy không mua nhưng gieo chút thân tình.  Anh Tư thích thú hỏi thăm, bà hân hoan đáp chuyện, chút êm đềm len vào lòng Mây, Mây tưởng như nặn bài cào được chín nút.  A ha, quê hương không rõ dáng hình của Mây vẫn chưa mất bóng!  

Cả bọn ra phi trường vào Huế.  Lên được máy bay dường như cũng là một kỳ công ngoại giao dịch vụ của tour guide Hiển.  Hình như nếu không có “quan hệ” nào đó thì khó có thể đi trót lọt cả một nhóm, cho dù vé có đặt trước, cho dù đã confirm.  Hình như, hình như.  Tôi đi từ ải Nam Quan sau vài  ngàn năm lẻ, cái đó có vẻ chắc hơn tất cả mọi thứ bây giờ…  Mây là ngáo ộp, là ngố, là Cai lậy.  Mây là đồ ngu chả biết gì.  Hình như vậy. 

Vào đến Huế cả bọn đổ xuống thăm lăng Khải định, rồi đi ăn trưa.  Về khách sạn tắm rửa xong, lại vào hoàng thành.  Mây có cảm nghĩ như người ta tô đậm thêm những sắc màu có sẵn của thành nội xưa.  Ngoại trừ màu vàng là cố hữu, là đương nhiên, những mầu ngũ sắc khác hình như là thêm thắt cho vui mắt du khách.  Một góc tường thành nội đang phá sập để xây lại, Mây tự hỏi, gạch xưa tường cũ đập rồi sao giữ lại được hồn, và cái mới chắc gì hơn…  Anh Tư hỏi Mây, sao mấy cái đầu mái hay trên nóc thường có chạm hình con dơi.  Mây thày lay trả lời: con dơi chữ là Phức, đọc lên đồng âm với phúc đức nên trổ hình dơi tượng trưng chữ Phúc.  Thấy anh Tư gật gù Mây hả hê cái điều mình giỏi, nhưng hơi chột dạ, biết đâu?  Đến tối về khách sạn, cả bọn sửa soạn ăn cơm vua !!!  Bước chân ra ngoài, trẻ em bắt chuyện tán dóc, xích lô mời chào đi dạo cầu Tràng Tiền.  Nghe nói ăn cơm vua, các em nói ngay_đi bộ hả, gần đây thôi, còn một loại ăn cơm vua trên thuyền theo sông Hương nữa nha.  Tự dưng thấy ngượng, cả lũ xúng xính tưởng điều mới lạ, hóa ra phường tuồng.  Thôi, cho qua lúc khó khăn.

Sáng ngày lên đường vào Hội An, anh Hiển tour guide thả cho ra chợ Đông Ba chơi.  Cả lũ hí hửng mua trái cây về phòng ăn.  Thư kể chuyện, hồi nãy em đi một vòng, gặp quầy bán một trái gì ngộ lắm em không biết.  Tiếu hỏi em what’s that, em nói I don’t know.  Tự dưng bà bán hàng cao giọng: ai đông nô ai đông nô, người Việt thì nói tiếng Việt, còn bầy đặt.  Tiếu không hiểu tiếng Việt nhưng biết bà đang mắng tụi em, anh cười lôi em đi chỗ khác.  Cả bọn được một dịp cười thỏa thích.

Vào tới Hội An, cả bọn gặp một đám cưới.  Mây lăn quay ra chụp hình_chả ai mướn mà mình cũng chả quen ai, rõ điên.  Đứng ở chợ Hội An với phố đèn lồng với con đường đất vàng ệch tự dưng Mây thương phố thương người.  Chẳng phải là nghèo khổ, chẳng phải là thô sơ, nhưng chính cái im vắng của con đường đất, cái màu vàng nguyên sơ của đất, mang cho Mây cảm nghĩ mình đang đứng trên quê hương với những nét đơn sơ trơ trụi.  Mây tự hỏi, lẽ nào quê hương chỉ hiện ra  trên những tiêu điều quạnh quẽ?

Rồi lại lên đường.  Thật dài_con đường từ ải Nam Quan, nhưng cả lũ không được qua đèo Hải Vân vì mất thì giờ mà phải chui qua hầm xuyên núi.  Trên xe, cặp Hùng Thảo vẫn thu mình trầm lặng, hiếm thấy nói chuyện vui đùa lộ liễu.  Thì ra Thảo bị say xe, Bố luôn chú ý chăm sóc Thảo làm Mây cứ tưởng con gái rượu nhưng khi vào đến Nha Trang thì Mây mới biết ra Thảo là dâu!!!

Vào đến mũi Né cả bọn mừng rơn thấy biển xanh.  Mây và anh Tư rủ rê, vậy là cùng Thư Tiếu Châu Donn 6 đứa hè nhau thuê thuyền thúng ra tàu đánh cá dạo một vòng.  Chủ thuyền nói chứa được 6 người 1 thúng, nhưng ngắm nghía lũ Mây xong anh ta nói đi 2 chuyến cho chắc.  Mỗi chuyến có 3 khách thì 2 tay chèo (một lũ lớ quớ, không khéo thì lật chứ chơi sao !!!)  Mây cười hể hả dù Mây chả biết bơi.  Cả lũ đi biển quanh mình, lo gì nó không cứu.  Anh Tư thì lộ vẻ lo ngay ngáy, anh biết bơi nhưng nhỏ con ốm yếu vậy thì đâu cứu nổi Mây mập ù, anh cứ dòm chừng lom lom sợ Mây thò đầu lộn cổ xuống ao.

Trở lại bờ, cả lũ lệt bệt lên đồi cát vàng.  Không quen leo không nổi.  Bất chợt ở đâu một lũ trẻ chạy ra đẩy phụ sau lưng.  Lên tới đỉnh đồi, mỗi đứa móc ra một tấm cao su cứng hình dạng như surfboards nhưng nhỏ hơn.  Mây còn đang ngắm nghía thì một con bé đến dạy Mây ngồi lên rồi nó sẽ kéo xuống dốc.  Mây biết nó là con gái trong đám 7 đứa trẻ này vì nó đeo bông tai chứ trông thì không khác lũ trai chung quanh.  Một trò vui của trẻ thơ, nhưng là cách kiếm sống của nhóc tì ở vùng gió cát này.  Anh Tư thương, cho Chúc anh Đài nhiều tiền hơn cho bọn Lương sơn Bá, chúng nó tị nạnh tùm lum.  Mây phải hăm he, đứa nào muốn thêm tiền thì đeo bông tai đi rồi sẽ được_bọn chúng im thít !!!

Mây quày quả về phòng, không ra ngoài khách sạn nữa.  Mây sợ gặp lại những đứa trẻ đó, thấy mình tội lỗi khi ăn một miếng ăn, uống một chén nước.  Ở khách sạn, ông Thời nói với vợ và bọn Mây, tôi rõ ràng là Việt Nam, mà mấy cô dọn phòng cứ nhìn mặt tôi rồi hỏi “you want a change?” làm tôi sợ quá phải chạy ra ngoài.  Anh Tư ngoác miệng cười tán vào, sao chú không ừ.  Ối giời, nó đè mình ra thay quần áo thì tiêu đời. 

Đường vào Nha Trang, cả đoàn như đà thấm mệt.  Bước chân không còn dồn dập náo nức như những ngày đầu.  Phụ tour guide là em Phước phải tách đoàn, nhảy xe khác qua tuyến Phan Thiết vì bên đó cần, xe thấy vắng đi dù chỉ vắng một người.  Mây đã lên được 4 pounds nhờ ăn ngày ba bữa buffet đính kèm bánh kẹo dọc đường.  Mây tròn ú, nước da ngăm ngăm nay thành đen mun, không khác dân địa phương mà còn thua nữa kia, vì rất nhiều cô da trắng hồng không ăn nắng như Mây.  Nhưng ba cái chuyện đó là vặt vãnh, anh Tư không hiểu sao Mây lại xăm soi?

Rồi Mây đã về đến Sài Gòn.  Sài gòn nắng đổ, Sài gòn mưa cuối mùa.  Trong làn gió mát cuối mùa mưa, Mây và anh Tư đã gặp lại anh chị em, cùng đi ăn với nhau mấy bữa cơm, ngồi trước hè tán dóc như cái thuở thanh bình xưa mỗi chiều nhà nhà ra trước sân hóng mát chuyện vãn.  Có lẽ phải nói rằng “chốn xó nhà là đẹp nhất.” 

Chị Ba cho Mây hay Tân đã gọi hỏi xem Mây về tới Sài Gòn chưa.  Mây gọi rủ Tân ghé chơi, nhưng chờ vài bữa anh Tư về lại Mỹ rồi Mây sẽ đi với Tân sau.  Mây lên lịch những ngày còn lại, dán tờ giấy ngay cửa phòng tắm!!! 

3.
Mây còn đi cùng gia đình lên Đà Lạt vài bữa, rồi trở về mới bắt đầu dang ca với Tân cho hết hai tuần còn lại.  Lúc Tân đi làm thì Mây đi tìm anh Do, đi lang thang vào các thương xá, vào siêu thị xem hàng hóa bán buôn.  Chiều mát Mây ghé Tân, hai đứa rủ rỉ ăn uống nói chuyện đến khuya.  Có hôm Mây ngủ lại, hai đứa chỉ nói chỉ toàn những chuyện trời ơi.

Mỗi sáng Mây dậy sớm, đạp xe đạp một vòng, rồi tắm rửa đi chợ.  Không biết sao Mây ưa đi chợ.  Thoạt đầu Mây tưởng vì mình thích chụp hình.  Sau rồi Mây nhận ra chính vì cái gì thân quen nơi chợ búa.  Nói ra bảo đảm sẽ bị bêu riếu, Mây nghĩ thầm.  Chợ Vườn chuối, chợ Bến Thành, chợ Trương minh Giảng, Mây đi hết.  Đầu chợ vẫn là dẫy hàng trái cây, một vài sạp bán hoa.  Bên trong, qua hàng ăn quà sẽ tới hàng thịt.  Cuối chợ thường là những tiệm tạp phô tôm khô lạp xưởng của người Hoa.  Song song dãy hàng thịt là những cửa hàng xén của người Việt Nam, với đủ thứ hàng gia dụng.  Đồ nhôm sáng loáng, đồ đồng vàng cam, thau rổ xanh đỏ lòe loẹt, và bao ny lông đồ nhựa thì cứ là nhẩy vào mắt mình.  Mầu sắc tùm lum tóa lỏa, mà sao Mây không thấy rợ, mà sao Mây thấy yên tâm, chả như những sắc mầu tươi đẹp ở Hạ Long, ở Văn Miếu, ở Hoàng Thành, ở cầu Tràng tiền cứ làm Mây thấy ngượng ngùng lấn cấn.  Dường như Mây tìm được người cũ, tìm được hồn xưa nơi những nếp chợ.  Những gì đã buồn đã cũ thì cứ để nó buồn nó cũ, những gì lau nhau kịch cỡm rẻ tiền thì cứ để nó rẻ tiền kịch cỡm.  Sao người ta phải nâng cấp mọi thứ cho nó không còn là nó để hồn người phiêu bạt không tìm được nơi mồ cũ, mà kẻ giữ mồ cũng thất lạc mùi hương…  Mây nghĩ, còn về lại đất này Mây sẽ còn đi chợ. 

Tân rủ Mây lên Thủ Đức với Xuân Lan, rồi lại cùng Xuân Lan lên Kontum thăm quê của Tân, thăm Ba Má Tân.   

Những ngày êm đềm rồi phải hết.  Chiều Mây đến ngủ nhà Tân thêm một buổi.  Hai đứa ngồi trên lầu ngó xuống quán cơm dưới nhà, của chị em Tân.  

Mây hỏi
_Tân với Tạo sao rồi
_Cũng vậy thôi
_Có tính gì không?
_Gì là gì?
_Thì…
_Không đâu
_Không yêu nhau?
_Yêu

Câu trả lời dứt khoát và rõ ràng đó làm Mây chưng hửng và bâng khuâng.  Mây nhớ những năm tháng xưa kia, những khi Mây đang yêu một người thì hình như chưa bao giờ Mây có câu trả lời dứt khoát rằng mình có yêu người và người có yêu mình.  Chỉ khi đã thực xa, thực là chẳng có nhau, khi nhớ lại quãng đời đó thì Mây mới có thể minh định loại tình cảm quan hệ đó là gì, và có khi nó vẫn là một câu hỏi mở ngõ.  Tình yêu, nó giống như quê hương.  Những khi mình sống trong nó với nó mình không bao giờ ý thức được nó, ý thức nó trở thành mình như thế nào.  Xa rồi, khi nhớ về quê hương Mây thường nhớ về những cảm xúc kỷ niệm nơi chốn con người mà Mây có mặt tham dự hay Mây là nhân vật chính.  Rồi Mây trở thành người ấy, kẻ xa lạ ấy_là Mây bây giờ ở một nơi nào khác.  Và rồi Mây không thấy cái đất nước mà Mây đã sống 30 năm nay là quê hương.  Mây cho rằng quê hương là miền đất nơi tâm trí và thực thể người ta được hình thành, cho đến khi người ta phải xa nó, phải chuyển qua một tâm trí khác, một thực thể con người khác.  Còn sống trong nó thì nó chưa là quê hương, và xa nó rồi thì nó sẽ có bộ mặt của bất cứ cái gì bất cứ nơi nào mà tâm trí cõi lòng mình hòa nhập được khi đến nơi chốn ấy.  Như cái góc phố Chợ Lớn ở Mã Lai, như ruộng lúa Cao Bằng, như con bò nằm nhơi cỏ sau rào kẽm gai ở Kontum, như chậu nước rửa bát của người bán quà rong.  Quê hương, nó là chốn mình thương nhớ nghĩ về, và khi mình nghĩ đến hai chữ quê hương, nó luôn bao gồm một cái tôi quá khứ, rõ mặt hay chỉ là một bóng âm thầm quan sát chung quanh.  Quê hương phải chăng là dĩ vãng hình thành của một người? 

Và tình yêu, những năm tháng quấn quít bên Các, Mây có bao giờ biết bộ mặt của tình yêu.  Những đôi bông tai Các mua cho Mây_đầy một hộp, và Mây cuối cùng đã cho đi_chính là hơi thở tình yêu.  Bàn tay Các vo ống quần cho Mây, chính là ve vuốt của tình yêu.  Và những lúc nằm bên nhau, trở thành những ray rứt đau lòng dài lâu khi đã xa nhau, cuối cùng lại cho Mây biết điều gì quan trọng trong tình yêu.  Mây đã từng yêu trong mơ mộng.  Mây đã từng sống trong xúc chạm đê mê.  Nhưng thực ra với Mây bây giờ, nếu Mây không thể hôn ai và nếu người ấy không thể cho Mây một cảm xúc trong nụ hôn thì chắc chắn điều gì đó giữa Mây với người chưa là tình yêu.

Tân im lặng bên cái ngẩn ngơ của Mây.  Không nói với nhau, mà hai đứa cùng hiểu, cái gì đó giữa Tân và Tạo không hẳn là, chưa hẳn là tình yêu.  Nó là một thứ tình nào đó, khác với tình yêu.  Trước khi Mây kịp nói lời gì, Tân lên tiếng:

_Mây biết không, Tạo như sông lớn như nước lũ như thác đổ xuôi dòng.  Tân chỉ là con suối nhỏ tình cờ chẩy song song.  Nhưng sông hay thác hay nước đổ gềnh, tất cả cũng chỉ là nước, cũng chỉ bằng một giọt nước mà thôi.  Và rồi giọt nước ấy cũng sẽ đổ ra biển cả.  Có lúc dòng suối lẻ loi bị nhập vào sông lớn và Tân thấy mình mất hút, nhưng cũng có lúc sông lớn phải thu mình hẹp lại thành giọt nước nhỏ nhoi chứa trong dòng suối lẻ.  Những lúc đó, Tạo và Tân hòa với nhau, trên cả tình yêu, và nó đến mình không từ chối được, không chọn lựa được.  Nó đến, cho mình một ý niệm giao hòa bên ngoài thể xác.  Tân không thấy cần một vai trò rõ rệt, Tân không thấy thèm muốn một quan hệ xác thân, dù quan hệ xác thân là điều đẹp đẽ cần thiết cho tình yêu mà Tân không ngại bước vào. 

Giọng Tân đều đều, chợt Mây nhớ sông Cát Lái, nhớ thành Tuy Hạ.

Hồi nhỏ có một lần cả nhà cùng đi thành Tuy Hạ thăm Chú Dì.  Đi xích lô ra bến đò Thủ Thiêm, qua đò, rồi đi xe lam tới bến phà Cát Lái, rồi phải đi xe gì nữa quên rồi mới tới được trạm canh.  Ông lính đứng trên trạm canh phải gọi điện thoại vào trong trại gia binh.  Một lát sau sẽ có Chú, vóc cao cao đi hơi ngửa ra sau vì xuống dốc, ra đón cả nhà.  “Chị, anh chị và cháu xuống chơi…”  hình như Chú luôn chào như vậy.  Lớn hơn nữa, Má thường chỉ chở Mây đi bằng xe honda qua thăm Dì.  Bến đò Thủ Thiêm vui nhộn nhịp, đò như cái xe bus nổi trên sông.  Mỗi khi đò cập bến, anh tài công phụ nhẩy lên phao nổi quấn 2, 3 vòng dây vào trụ để neo đò.  Đò dập dềnh va vào phao nổi lại dội ra nhờ những bánh xe không dọc mạn đò.  Tấm bửng hạ xuống, xe đạp người đi bộ đổ ra.  Kẻ lên người xuống, mất hút mỗi chuyến mỗi ngày mỗi năm mỗi tháng.  Một lúc Mây nhìn anh tài công phụ đứng ngó dòng sông.  Mắt anh trong veo màu nâu buồn ngơ ngác, bắt gặp mắt của Mây dường như anh bối rối, dường như Mây bị chìm sâu vào đáy mắt trong.  Mây lúng túng quay đi.

Hình như chỉ có một con đường từ Thủ Thiêm đến sông Cát Lái?  Mây không biết được.  Những năm tháng đó ngồi sau xe honda của Má, Mây tha hồ sống với riêng mình.  Gió lùa tóc, lồng vào áo thật dễ chịu.  Những cánh lúa mạ cong rợp lui theo chiều xe qua.  Có chỗ sao chỉ thấy khô cằn lác đác vài cành khô trơ trụi.  Rồi sông hiện ra, sừng sững tràn trụa bao la.  Nơi bến phà, xe nhà binh xe hàng xe lam xe gắn máy…  Người đứng ngồi tha thẩn, kẻ úp báo lên mặt dựa đại vào một chỗ nào đó chờ phà.  Xe nhà binh ưu tiên xuống trước, rồi mới tới dân.  Phà, như cầu phao nổi trên mặt nước với một cái chòi làm buồng lái.  Mây đi phà không biết bao lần mà không biết máy nằm ở chỗ nào.  Những khi nhiều xe nhà binh, phà như muốn khẳm xuống mặt nước.  Những cánh lục bình bợt bạt băng băng trôi ngang.  Nó nhẹ nên nhanh, phà nặng nên chậm?  Trên con nước mênh mông lặng lờ đó Mây không biết đâu là sự sống.  Bờ xa bên kia không với tới được rặng dừa bên này.  Chỉ cách một con sông mà đôi trời xa lạ, con nước lạnh lùng như bất kể nắng mưa.  Mây tưởng chừng như nó xóa nhòa mọi lẽ sống, mọi kỷ niệm của cuộc đời.  Mây và lũ người lố nhố trên phà tựa như một đám lưu lạc theo ông Nô Ê đi tìm chân trời mới.  Đứng trên con nước bao la đó Mây chợt thấy màu da sậm của mình trong lại, nhờ nhờ nâu nâu, Mây tưởng nếm được chính mình, cái mùi lờ lợ tanh tanh, Mây cảm như không còn biên giới thịt da, cảm như Mây đang tan vào nước, chỉ còn bộ quần áo là thực, là hiện hữu dưới ánh chói lòa trên mặt sông, nơi xa xa không bến không bờ.  Mây thấy mình mất hút.

Mây nghe tiếng nguệch ngoạc trên bàn, Tân đang loay hoay vẽ một cái gì đó.  Mây kể cho Tân đã gặp Tạo ngoài quán cà phê với “bạn.”  Tân nhìn xuống trước mặt rồi ngửng lên nửa như cam chịu, nửa như muốn nói “mặc kệ.”  Trên nét mặt trong sáng thoáng chút bâng khuâng chút ngây ngô, ánh mắt hoang dại.

_Mày có biết  những quan hệ bao quanh Tạo?
_Có chứ
_Nhưng…
_Không những biết, tao còn tài khôn nhảy ra đón tiếp “ bạn” của Tạo nữa kìa.
_Rồi sao?
_Chả sao hết, thoạt tiên tao nghĩ Tạo cần tao giúp nên phụ đón tiếp, gạt cái cảm nghĩ lấn cấn qua một bên.  Khi thong thả nghĩ lại mới biết mình ngố.  Núi rừng chưa bao giờ gạt tao.  Mỗi khi thấy Tạo ân cần với ai đó, tao buồn biết rằng mình không là người quan trọng duy nhất trong lòng Tạo.  Tao buồn nghĩ trong tấm gương đời Tạo không có mình.  Tao thường tự hỏi tao đứng chỗ nào trong lòng Tạo, nhưng rồi cảm nghĩ hờn ghen qua đi.  Khi thấy “cái mình không là”  thì cũng rõ “cái mình là,” tao không hề muốn chiếm hữu Tạo cho riêng mình. 
_ Tân nghĩ mình thiếu khả năng?
_Có thể, nhưng tao nghĩ là Tạo không thể thấy đủ.  Khi mình luôn làm cho người đối diện nghĩ rằng họ là quan trọng nhất thì tức là không có ai quan trọng nhất.  Trong một cách thế nào đó, mình dối người và tự cô lập mình.  Sẽ có lúc không có ai nhớ nghĩ tới mình, so với những lúc có nhiều bóng người_quá nhiều bóng người, thì huyệt của mình quá lớn quá sâu…
_Nhưng sao mày biết chắc, vì biết đâu là Tạo quan tâm tới tất cả mọi người chung quanh một cách chân thành, vậy thôi?
_Tao biết.  Núi rừng dậy tao biết.  Tạo đâu có ân cần với người không yêu ái tôn vinh Tạo. 

_Lẽ thường tình?
_Ừ.  Dầu sao, sự thật đã làm tao tổn thương thì cũng đã giải thoát tao khỏi nỗi băn khoăn, tao biết mình không kham nổi vai trò là người quan trọng hơn cả trong đời Tạo vì Tạo là một tâm hồn quá lãng mạn quá tự do.  Nhu cầu của Tạo là được chú ý, được tôn vinh, và bao nhiêu cũng là thiếu.   

Mỗi khi Tân nói, cái mênh mang của núi rừng như hiển hiện như phô bày.  Trong cái đơn sơ của Tân có gì như khó hiểu như bí mật, như Tân lắng nghe tiếng thì thầm của suối của gió để tìm câu trả lời, như Tân nhìn cái huơ tay hay nụ cười của những người dân Thượng mà biết lòng thiên hạ.  Những suy nghĩ mạnh mẽ thẳng thắn thường đi kèm với những thái độ như hững hờ.  Ánh mắt Tân ngơ ngác như nai, đôi khi lại đưa ra suy nghĩ sắc bén như báo, lạ lẫm như những cánh hoa dại của núi rừng.  Và Tân còn như cọng cỏ rỗng bên đường…  Mây chịu, không thể hiểu hết tâm hồn Tân.  Mây chỉ biết, Mây và Tân như đã quí nhau từ cái buổi xa lạ ban đầu gặp mặt dù chưa kịp quen nhau.  Những năm tháng qua đi, tình bạn cũng chỉ đơn sơ mà lại như sâu đậm bứt không đứt không rời.  Tân luôn cho Mây cảm nghĩ tin cậy, rằng Tân có thể hiểu hết những điều tế nhị mà lòng Mây có thể có.  Nhưng Mây luôn ở cách xa Tân, và bây giờ Mây cũng lại sắp xa Tân, xa cái Sài Gòn mà Mây luôn tưởng nhớ.  Mây thấy thấm đọng buồn khi câu hỏi đến trong óc, rồi Mây có về thăm lại quê hương, gặp lại Tân?
(xem tiếp kỳ tới)
LN

No comments:

Post a Comment