Monday, June 4, 2012

trần thị nguyệt mai

Giới thiệu Thư Quán Bản Thảo số 52
Sự im lặng của cát bụi




Cầm cuốn TQBT số 52 trên tay, tôi thật sự cảm động. Tôi hiểu anh chị đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc và công sức để thực hiện những số báo rất quý giá này. Giữa thời buổi mà báo mạng hầu như đã chiếm ưu thế trong mọi gia đình Việt Nam, báo giấy đương nhiên càng gặp khó khăn với tình hình kinh tế hiện nay. Như gần đây tạp chí Hợp Lưu đã thông báo sẽ đổi thời gian phát hành từ hai sang ba tháng, thì Thư Quán Bản Thảo lúc sau này đã ra báo đều đặn hai tháng một lần. Một tờ tạp chí thuần túy văn học với những chủ đề rất hiếm có, đặc trưng như giới thiệu nhà thơ Lâm Vị Thủy với tập thơ Sao em không về làm chim thành phố, nhà văn Nguyễn thị Thanh Sâm với tác phẩm Cõi Đá Vàng, v.v… Báo in thật đẹp, đẹp từ nội dung đến hình thức, không bán, chỉ để tặng cho bạn bè và thân hữu hoặc những ai có yêu cầu. Không có lấy một trang quảng cáo. Vậy thì cái gì đã khiến anh chị làm như vậy? Nếu không vì lòng yêu mến văn chương, muốn giúp các bạn trẻ tìm hiểu thêm về tác giả và tác phẩm, là nơi để anh và bạn bè có thể trải lòng viết lách mà không sợ bất cứ một thế lực hoặc một cơ quan kiểm duyệt nào, cũng không sợ bị hacker phá hoại. Như gần đây chúng đã phá hoại một trang văn chương mạng trong nước và người chủ mạng cũng gặp khó khăn với chánh quyền sở tại (bị kêu lên “hầu” ít nhất là ba lần vì đã đưa lên những bài vở quá “nhạy cảm”). Và nhất là để chứng tỏ với mọi người rằng văn chương miền Nam không chết, nó vẫn đang được những người cầm bút, cũ và mới, viết tiếp ở hải ngoại và ngay cả trong nước. Như trường hợp nhà thơ Khoa Hữu. Khi còn tại thế, anh vẫn âm thầm sáng tác những bài thơ vinh danh người lính đã bị bức tử oan nghiệt sau tháng 4-1975.  Thơ của anh đã được đưa ra ngoài và đăng trên những tạp chí hải ngoại.

Còn nhớ sau khi thực hiện xong số báo 50 (tháng 2 - 2012), chủ đề Nguyễn Đức Sơn và thơ văn mùa Tết, anh nói với tôi: “Số tới 51 (tháng 4 – 2012), mình sẽ giới thiệu về nhà thơ Giang Hữu Tuyên.  Anh sẽ cố gắng tập trung cho số báo này và chắc sẽ lâu lắm mới ra số báo tới…”  Nghe anh nói như vậy, tôi rất buồn. Vì tôi biết anh không được khỏe trong người. Gần đây, bệnh Gout và bệnh Joint hành hạ anh không ít. Chân anh đi cà nhắc, không vững, phải dựa vào chị. Thêm trận cúm nặng, anh đã ho suốt đêm, người mệt không chịu nổi. Tôi hiểu nếu anh không làm thì ai sẽ làm đây? Sẽ không có một người nào chịu bỏ ra 10 tiếng lái xe cho mỗi lần đi đến thư viện đại học Cornell để sưu tầm bài vở. Không phải chỉ đến đó một lần mà rất nhiều lần, kể cả khi trời mưa tuyết bão bùng. Anh chị đã cố gắng vực dậy một nền văn học miền Nam một thời đã bị hủy diệt. Ngày đó người ta đã ném chúng vào đống lửa không thương tiếc thì ngày nay anh chị đi tìm lại những đứa con thất tán đó mang về, để trả lại danh dự cho những người cầm bút và để giới thiệu với độc giả - những người bạn, những người em - những tác phẩm thật hay và quý giá của một thời huy hoàng ngắn ngủi. Anh chị rất vui khi nhận được những chia sẻ chân thành của độc giả yêu mến những tạp chí, những đầu sách do Thư Ấn Quán phát hành. Tuy nói là như thế, nhưng anh vẫn cố gắng, vẫn cho ra báo đều đặn hai tháng một kỳ, như bạn đã thấy số báo này ra sau số 51 đúng 2 tháng. Đó là chưa kể có lúc anh chơi sang, ngoài TQBT anh còn tặng cho độc giả một tác phẩm đi kèm. Như số 47 giới thiệu nhà thơ Luân Hoán, anh tặng cuốn thơ Thanh Thi, số 48 nói về tạp chí Bách Khoa, anh tặng tập Truyện từ Bách Khoa của anh. Có thể nói chưa có tạp chí nào dám làm như vậy.
Mời bạn hãy cùng tôi mở số báo 52, số báo mới nhất ra xem. Tranh bìa là bức Xúc Địa Ấn, tranh sơn dầu của họa sĩ Đinh Cường. Phần Sống và Viết của các tác giả Trần Hoài Thư, Phạm Cao Hoàng, Phạm văn Nhàn, Đào Anh Dũng, Vương Thúy Nga, Trần thị Nguyệt Mai. Phần Sáng tác mới với những truyện ngắn của Trần Bang Thạch, Đặng Kim Côn, Nguyễn Lệ Uyên, Nguyễn thị Hải Hà, Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh, truyện dịch do Nguyễn thị Hải Hà và Trương văn Dân chuyển ngữ, kịch của Đặng Đình Túy, thơ của Hồ Ngạc Ngữ, Nguyễn Xuân Thiệp, Đinh Cường, Đặng Kim Côn, Nguyễn Dương Quang, Hoài Ziang Duy, Tuyết Linh, Đinh Thắng, Trần thị Nguyệt Mai. Phần chính là tưởng niệm nhà thơ Khoa Hữu và Nh. Tay Ngàn, với những sưu tầm văn thơ rất quý của hai tác giả này cùng những đóng góp của Nguyễn Mộng Giác, Trần Doãn Nho, Diễm Châu, Nguyễn Thùy Song Thanh, Thi Vũ, Phạm Công Thiện, Lê thị Huệ, Chân Phương, Trần văn Nam. Bài vở phong phú, tài liệu quý giá. Tôi có thể nói nó không thua gì, nếu không nói là hơn hẳn, một tạp chí bán. Vì nó đã được làm từ tim óc và tấm lòng của những người yêu mến văn chương, muốn vinh danh văn chương miền Nam. Ngoài hai người bạn ẩn danh ở Hà Nội và Sài Gòn, anh còn có những người bạn văn thơ giúp phần tài liệu, đánh máy. Thêm nữa, anh cũng lên mạng tìm kiếm, chọn lọc, đánh máy những bài hay để giới thiệu với độc giả. Xong phần bài vở, anh đưa tôi dò lỗi chánh tả. Sau đó, anh layout, trang trí, in ấn, đóng sách, cắt xén, cho vào bao thơ, và khuân sách mang ra bưu điện gởi cho độc giả. Anh làm mọi việc từ A đến Z, từ trí óc đến chân tay. Không có khâu nào mà anh không nhúng tay vào.

“Hữu xạ tự nhiên hương”. Tôi viết ra những điều này không phải để PR anh, vì anh không cần tới. Nhưng bạn hãy cầm một cuốn báo trong tay và đọc. Để hiểu được tấm lòng của anh chị và các bạn của anh. Để biết được công sức đã bỏ ra rất nhiều khi thực hiện số báo quý giá này. Và để thấm thía với lời thơ của Khoa Hữu:

Đất ấy của ta, ta còn hiểu
đồng đội của ta, ta còn đau
giấy mực đời chép ra, ví thiếu
lấy da này viết để tạ nhau…
(Sự yên lặng của cát bụi)

Muốn có báo xin bạn liên lạc với nhà văn Trần Hoài Thư ở địa chỉ email: tranhoaithu@verizon.net

TTNM

No comments:

Post a Comment