Friday, January 13, 2012


đêm thắp nến

nguyễn thị thảo an




  Chiều cuối năm, chúng tôi hẹn nhau trong một bữa tiệc trà tất niên ở Việt Family Center.
  Bạn cũ lâu ngày chuyện trò rôm rả. Chúng tôi lan man bàn về sách vở, về những công tác từ thiện, rồi sa đà qua chuyện cộng đồng. Chuyện này thì gay go đây. Năm nào cũng vậy, cứ trước bầu cử vài tuần, hai bên Cộng Đồng đều khủng hoảng nhân sự. Không phải Atlanta có những trái tim nhiệt thành, nhưng ở một nơi có hai tổ chức Cộng Đồng mới thấy khó xử. Sinh hoạt bên này thì lập tức bị bên kia coi như thù nghịch. Như thể, người Việt ở đây chỉ thấy được hai màu: không trắng thì đen. Người ta không biết đến sự tồn tại của vàng cam hồng tím,... Có lẽ cái đặc tính chia rẽ đã bắt rễ trong tận cùng xương cốt của người Việt lâu ngày?
  Mãi đến khi chúng tôi ra về, câu chuyện cũng chưa kết thúc. Anh bạn tôi nói, cộng đồng ở đây ví như một sân  banh không có đồng đội - mạnh ai nấy đá. Đôi khi tôi cũng nghĩ đùa, “Người ta nói, cứ mười ông đánh giày thì bằng một ông Khổng Minh. Mà Cộng Đồng ở đây thì chắc cần tới mười ông Khổng Minh lận.” Nhưng điều này tôi không nói với hai người bạn. Hai anh này có hai trái tim vàng, nói thật quá sẽ “nhụt chí” họ chăng? Tôi không muốn thổi tắt ngọn lửa nhiệt tình đang có mòi tàn lụi.
   Nghĩ vậy thôi, chứ tôi không “ke”. Nước Mỹ chẳng có hai đảng đó sao? Cộng Hòa hay Dân Chủ, đường lối có khác nhưng mục tiêu vẫn là phục vụ cho nước Mỹ.  

  Lúc tôi lái xe ra về, chiều cuối năm úa vàng, tàn tạ. Trên cao, một chiếc lá khô còn chấp chới trôi mình trong nắng. Bật radio, giọng ca khàn đục trữ tình của Ray Charles mượt mà cất cao. Georgia On My Mind, bài ca đẹp như một bài ca dao.
“Georgia,.. Georgia...
The whole day through... Just an old sweet song... Keep Georgia on my mind...
Georgia,... A song of you... Come as sweet and clear... as moonlight through the pines...
Other arms reach out to me... Other eyes smile tenderly...”
   Làn hơi quyện theo lời ca vút cao như những cánh diều lồng lộng rồi bất chợt là đà xuống thấp. Lãng đãng như trời đất còn vướng hơi Thu. Ca từ nồng nàn, trong sáng như bóng trăng xuyên qua những hàng thông. Georgia, đất dang tay rộng mở... Ôi, những mắt cười êm dịu ngọt ngào...
   Người của Georgia, không ai là không yêu bài này. Mà phải nghe với chính giọng Ray Charles của ngày xưa mới thấm. Người ta không chỉ yêu giọng ca tuyệt vời mà còn ngưỡng mộ nghệ thuật sáng tác của người nhạc sĩ da đen mù lòa này. Bởi, ông có khả năng biến những câu chuyện đời thường thành âm nhạc. Đời sống là âm nhạc, âm nhạc là đời sống. Khi có người yêu, ông viết I got a woman. Người yêu bỏ đi, ông hát I can’t stop loving you. Có khi cao hứng, ông vừa sáng tác vừa trình diễn. Tài năng như thế, lẫy lừng như thế, lưu diễn khắp thế giới nhưng ông lại bị cấm hát trên chính quê hương mình. Chì vì có lần vào năm 1961, ông đã từ chối hát trên sân khấu kỳ thị màu da ở Georgia. Thời đó sàn nhảy chỉ ưu tiên cho người da trắng. Khu vực khán giả cũng bị phân chia theo mỗi màu da. Người Georgia lúc đó chỉ thấy được có hai màu đen trắng. Trong khoảng 17 năm Georgia cũng đã từng hất hủi đứa con thiên tài của họ. Mãi đến năm 1979, chính quyền mới công nhận bài hát là bài ca biểu tượng của tiểu bang và bãi bỏ lệnh cấm. Mười bảy năm, thời gian quá dài cho một đời người.
  Khi bản nhạc dứt, một người bạn gọi rủ tham dự Đêm Thắp Nến Cho Thái Hà. Mấy tuần nay trên internet tràn ngập tin tức Thái Hà. Tôi sực nhớ hình ảnh đoàn biểu tình mới đây tuần hành quanh công viên Hà Nội. Một cuộc biểu tình mà làm mọi người thót tim. Người ta sợ cho các ông Cha trẻ bị bắt bớ, bị nhục hình. Ở hải ngoại, từ California, Texas, đến Canada, đến Úc,... đều tổ chức những đêm thắp nến hiệp thông với Thái Hà. Chỉ riêng Atlanta, tiếng là có hai Cộng Đồng nhưng cái gì cũng chậm hơn thiên hạ. Thôi thì an ủi, có còn hơn không. Trong nước, ngoài nước, phải đồng thanh lên tiếng. Mặc dù ai cũng biết chính sách của Đảng là triệt tiêu tôn giáo. Điều ngạc nhiên là lúc này họ dùng những phương cách thô bạo công khai hơn, nhất là đối với Công giáo. Bởi có lần, sau ngày 30 tháng 4, chính quyền đã phổ biến những chính sách về tôn giáo tới tận tổ dân phố. Điều làm tôi nhớ nhất là trong buổi họp tổ, một ông đảng viên chi bộ phường tuyên bố rằng, “Tôn giáo chính là thuốc phiện ru ngủ con người,... Đức Phật Thích Ca thật ra chính là kẻ phản động Số Một của nhân loại,...”
  Nghe tới đây thì cả tổ dân phố đều tái mặt.
  Chưa hết, ông đắc ý, hỏi đố. “Trong ba tôn giáo lớn, đạo nào nguy hiểm nhất?”
  Buổi họp đột nhiên im lặng như tờ. Thời khắc lúc đó trôi qua rất chậm. Tôi mường tượng như nghe được những tiếng nuốt trỏng khó khăn trong cổ họng của người hàng xóm.
  Thấy không ai trả lời, ông cán bộ đảo mắt nhìn quanh. Nhìn tới ai, người đó cúi mặt... né.
  Cán bộ nghiêm giọng, “Đạo Công Giáo có tổ chức, có lãnh đạo, có nhà thờ,... Chúng ta bắt linh mục, tịch thu nhà thờ, tổ chức tan ngay. Triệt Công Giáo: dễ. Còn Lương giáo, thờ cúng ông bà, tổ tiên, đúng ra là một tập tục –Lương giáo cũng không nguy hiểm.” Tới đây, đột nhiên ông cao giọng, “Đạo nguy hiểm nhất chính là đạo Phật. Phật dạy rằng, Phật tại tâm. Có tâm thì có Phật.”
  Thấy mọi người ngơ ngác nhìn nhau. Ông cán bộ ngưng lại một chút để gây sự chú ý, rồi vội vàng giải thích.
  “Cái câu này là phản động nhất đây. Vì Phật tại tâm nên người phật tử không đến cần chùa, không cần đọc kinh, không cần tăng lữ,... Cứ hai tay chắp lại thì người ta có Phật. Phật ở đâu? Phật tại tâm. Chúng ta tịch thu chùa chiền, bắt nhốt tăng lữ: cũng không sao. Vì Phật tại tâm nên tâm người ta thành chùa. Phật tại tâm nên chỉ cần chắp tay, người ta biến thành tăng lữ. Phật dạy con người diệt Tham Sân Si, từ bỏ Thất Tình Lục Dục,... Thế thì lấy đâu ra động cơ đấu tranh? Động cơ thi đua? Thiếu động cơ thì làm sao để phê bình kiểm điểm?... Phật dạy con người an nhiên tự tại, chấp nhận hiện thực để hóa giải những đau khổ, bất công,... Đó là thái độ tiêu cực với cuộc đời. Mà tiêu cực lả kẻ thù nguy hiểm nhất của chế độ. Đó là hình thức chống đối, bất hợp tác với chế độ mà ta không thể vin vào đó để bắt bớ, giam cầm được.”
  Từ đó về sau thì hình ảnh Đức Phật và Tên Phản Động Số Một Không Có Mặt Mũi cứ bám chặt tâm trí tôi không rời, kể cả những lúc tôi vượt biên, lôi trôi trên biển cả hay đã thu mình yên phận trong một góc nhỏ nhoi nào đó nơi xứ người. Ôi, cơ khổ cho Đấng Từ Bi!

  Tôi đến hội trường Đêm Thắp Nến khá sớm. Buổi lễ được tổ chức vào chiều thứ Sáu cuối năm. Lễ đài được chuẩn bị chu đáo và trang trọng. Số người tham dự khoảng 200. Tôi đi loanh hoanh tìm kiếm. Không thấy bạn bè và những khuôn mặt thuộc phía Cộng Đồng bên kia. Điều đáng buồn là đứng trước vấn nạn lớn của đồng bào trong nước mà người Việt ở đây vẫn còn chia rẽ. Không lẽ người ta coi cái tự ái riêng lớn hơn cái áp lực đang đè nặng lên cả một dân tộc của mình? Với cái đà này, giả sử nếu phải đứng chung trong một hội trường, có lẽ người ta phải vẽ một lằn ranh phân chia, người Việt của Cộng Đồng này và người Việt của Cộng Đồng kia. Sự chia rẽ làm người Việt bao giờ cũng mất đi một nửa sức mạnh. Giống như người lực sĩ cử tạ chỉ có thể dùng được một tay. Nhưng với một tay thì chẳng bao giờ người ta cử nổi tạ. Sự chia rẽ làm chúng ta lúc nào cũng ở thế yếu, thế thua. Lần trước, Đêm Thắp Nến Cho Cồn Dầu được khoảng 300. Suốt buổi hôm đó, đầu óc tôi lẩn quẩn nghĩ tới con số 300. Không biết ba trăm người đã từng cầu nguyện thắp nến cho Cồn Dầu đêm đó, họ đang làm gì?
   Vào phần lễ chính, tôi không thể không chú ý tới hai vị diễn giả chính: Linh mục Đinh Xuân Long và Mục sư Lê Trung Hậu. Cả hai vị đều là những vị diễn thuyết hay, hùng hồn và truyền cảm. Theo các vị, vấn nạn không phải ở chỗ đất đai. Bởi nhiều năm qua, Thái Hà đã nhượng hết lần này đến lần khác. Hiện 75% đã nằm trong tay nhà nước. Tu viện, chủng viện thành nhà thương, thành địa điểm kinh doanh, thành chỗ ăn chơi trụy lạc. Vấn đề không còn là sự nhường nhịn, mà là khả năng sẽ nhịn tới khi nào? Mà không phải chỉ có ở Thái Hà, vụ chính quyền ủi nhà giáo dân ở Cồn Dầu, ở Con Cuông vẫn còn đó. Hình như họ muốn dồn giáo dân tới sát chân tường? Hay bắt buộc họ phải tử thủ dưới chân thánh giá?
  Điều tôi thấy lạ là sự vắng mặt của các Cha địa phương và phần đông giáo dân của hai giáo xứ lớn hai phía Nam Bắc của Atlanta. Không lẽ đứng trước vấn nạn của Công giáo mà các Cha không hiệp thông? Lẽ nào người ta lại ngoảnh mặt quay lưng trước tội ác để mưu cầu  sự bình an cho riêng mình? Điều này làm tôi nhớ đến cuốn phim The Passion Of The Christ quá đỗi. Những khúc phim ngày xưa lại quay về trong ký ức.

  Các bạn nào đã từng xem phim The Passion of The Christ của tài tử Mel Gibson trước đây có nhớ. Cuốn phim thành công ở chỗ nhà làm phim đã dựng được những đoạn rất thực với cảnh Chúa chịu nhục hình. Cảnh tra tấn. Cảnh đánh bằng roi, quất bằng xích. Những lằn roi quất xuống, da tróc, thịt rơi. Những xích sắt tung lên tứa máu... Tôi hồi tưởng lại đoạn Chúa đội mũ gai, mặc áo điều, vác cây thập tự, lê lết trên đoạn đường đi lên đồi Golgotha. Thân thể Ngài tiều tụy. Cây thập tự nặng nề đè ngang làm Ngài lảo đảo rồi khụy xuống. Chúa đi chân trần. Bàn chân tím tái, lýnh quýnh lật đật để bấu đất đứng lên. Một ngón bị bật móng, máu rỉ ra từ bên khóe. Chúa lại đứng lên. Rồi lại ngã. Rồi lại đứng lên. Rồi đi. Đi ráo riết để lên tới ngọn đồi khô khốc.
  Từ dưới dốc đồi, người ta đứng đầy hai bên con đường thập tự. Có người cười khoái trá. Có người trêu. Có người quăng đá, có người chọi vu vơ. Người ta lãnh đạm như người đi xem xiếc. Cũng có một hai người khóc. Nhưng những giọt nước mắt lẻ loi không đủ để tiếc thương cho cái chết của loài người.
  Đoạn phim này đã làm tôi rơi nước mắt.
  Ngồi ở hội trường đêm hôm đó nhưng tâm trí tôi lại để đâu đâu.
  Muôn ngàn câu hỏi vu vơ cứ quyện lấy tôi không rời.
  Ai trong chúng ta xem khúc đó mà không tự hỏi mình. Nếu có dịp tình cờ trông thấy Chúa trên con đường thập tự ngày xưa, thì ai sẽ là người ghé vai để chung sức với Chúa?
 Tôi sực nhớ câu truyện trong dụ ngôn ngày xưa.
 Truyện rằng, có một người thương buôn giàu có đi tới kinh thành. Khi ngang qua một thị trấn nọ, ông ta tìm gặp một người họa sĩ tài danh. Người lái buôn dừng lại và thuê người họa sĩ vẽ một bức tượng Chúa Jesus để ông thờ phượng.
 Nửa năm sau, người lái buôn trở về. Khi đi ngang qua thị trấn nọ, ông ghé nhà ông họa sĩ.
 Khi người họa sĩ đem tranh ra, ông liền mở ra xem. Xem xong, đột nhiên người lái buôn đùng đùng nổi giận, mắng.
“Bớ ông họa sĩ kia. Sao ông dám vẽ mặt mày Chúa giống như một tên hung bạo thế hả?”
Người họa sĩ ôn tồn đáp, “Này, trên đời có ai thấy mặt Chúa đâu? Ông thờ phượng Chúa, nên tôi cứ dựa vào con cái Chúa mà vẽ nên Ngài.”

  Tôi là một người ngoại đạo. Và tôi biết Chúa cũng chỉ qua những con cái của Ngài.n
  ntta
  Atlanta, Jan. 2/2012                                           
   

No comments:

Post a Comment