Sunday, June 12, 2011

TẢn mẠn
Bên tách cà phê

Nguyễn Xuân Thiệp

Bên biển Destin,
đọc lại vài trang văn Võ Đình

Mùa hè này, Nguyễn cùng với gia đình lại về chơi vùng biển Destin, Florida. Đứng trên khách sạn nhìn ra, lại nhớ đến mấy câu thơ đã viết hồi năm rồi khi có Nguyên Nhi, Phạm Chi Lan, Nhật Hoàng, Đinh Yên Thảo ngồi uống rượu ở balcon, ngắm pháo bông đêm July 4 bay sáng ngời mặt biển. Ấy là thời gian tiền Thế Vận Hội Mùa Hè Bắc Kinh.
Chiều
destin
nghe chim biển kêu
và mưa rơi
mưa. rơi
trên ngọn trúc đào

ảo ảnh. ôi. cánh buồm lermontov
ngoài khơi xa
tìm bình yên trong bão tố

và đêm
đêm
anh nhìn pháo bông. rực sáng. đầy trời
thấy vạn lý trường thành trong mây
thấy con đường tơ lụa
thấy thiên an môn. gạch và máu
thấy em là cánh chim bay ngang…

                  Bông trúc đào -. images.alobacsi.vn
   Trở lại Destin lần này, chỉ có gia đình, không có bằng hữu. Vẫn bờ cát trắng và nước biển xanh màu emerald ngọc bích. Vẫn con đường bờ biển với hoa trúc đào nở đỏ màu áo ai trong chiều. Vẫn những con diều giấy của trẻ bay lượn dưới trời. Và cánh buồm màu trắng ngoài khơi, xa. Và chim biển mà cháu Nguyệt Quỳnh cứ nhất định cãi với ông là chim nhà.
   Trở lại Destin lần này, đặc biệt Nguyễn tôi có mang theo hai cuốn sách của Võ Đình. Lầu Xép với lời ký tặng của tác giả và Huyệt Tuyết. Ôi, Võ Đình vừa mới ra đi! Nguyễn với anh vốn là đồng hương. Có quen biết nhau nhưng chưa bao giờ gặp mặt. Chị Trần Thị Lai Hồng -vợ của Võ Đình- cùng học ở Quốc Học ngày xưa, trên Nguyễn hai, ba lớp. Nhớ hồi năm 1999 đến Orlando, Florida để giới thiệu tập thơ Tôi Cùng Gió Mùa vừa ấn hành, có hẹn với Võ Đình sẽ đến thăm anh chị, và Triều Hoa Đại đã hứa chở đi. Võ Đình nói sẽ cho ăn những món đặc biệt “cây nhà lá vườn”. Nhưng rồi Triều Hoa Đại ngại đường xa không đưa tới, làm anh Võ Đình giận cành hông. Không tới thăm Võ Đình được, Nguyễn tôi lấy làm tiếc lắm. Bây giờ anh không còn nữa, nhìn mây biển lớp lớp xây thành, lòng không khỏi chạnh buồn.

                       Nhà văn Võ Đình - Nguồn: Gió-o
    Dẫu không được như Đinh Cường, Trương Vũ, Nguyễn Thị Hoàng Bắc… thường xuyên lui tới viếng thăm, Nguyễn cũng có lòng yêu mến và kính trọng Võ Đình. Ngoài tình đồng hương, Nguyễn tìm thấy ở anh những điểm hợp với mình trong suy nghĩ và cách viết. Chẳng hạn cái tựa đề Xứ Sấm Sét của một tập truyện của anh. Nguyễn đã mượn cụm từ này để gọi xứ Texas nơi mình ở bởi đây là một vùng thường xuyên có thunderstorm và đôi khi có báo động màu da cam về một trận tornado gào thét qua đồng cỏ. Hơn nữa, Oklahoma Texas Kansas Arkansas Mississippi… cùng nằm trên hành lang bão tố. Mặt khác, Võ Đình yêu cỏ cây, Nguyễn cũng vậy, nhưng Nguyễn không được như Võ Đình bỏ công chăm sóc và trồng cả một vườn cây xanh tốt. Cũng như Võ Đình, Nguyễn có kỷ niệm về một cây bàng và đặc biệt yêu bài văn Nhặt Lá Bàng của Nhất Linh. Cây bàng của Nguyễn ở Vương Phủ, Vỹ Dạ và Nguyễn xa nó đã bốn mươi tám năm, có thể còn lâu hơn Võ Đình xa cây bàng của anh. Và có lẽ chẳng bao giờ Nguyễn tôi còn có cơ hội gặp lại nó trong đời. Sau đây là đoạn văn Võ Đình viết về cây bàng của anh:
   “Xe vừa rẽ vào đường hẻm, tôi đã nhận ra ngay cây bàng. Tức thì nhớ lại “Nhặt Lá Bàng” của ông Nhất Linh. Như vậy là hơn bốn mươi năm rồi tôi mới lại thấy cây bàng. Nó đứng lơ láo  giữa khúc quẹo ngã ba của con hẻm nhỏ. Rễ trơ trụi, trồi lên mặt đất. Thân gầy gò, cành xác xơ. Lá úa vàng. Trời nóng đổ mồ hôi hột nhưng tôi kịp nhớ ra rằng đang ở tháng chạp dương lịch, giữa mùa đông Sài Gòn.
   “Chuyến bay từ Singapore về đúng giờ. Nhưng cũng mất gần hai tiếng đồng hồ mới ra khỏi hải quan. Trên đường về nhà từ phi trường Tân Sơn Nhứt, tôi thấy một ngôi nhà lớn, mặt tiền căng biểu ngữ “Người Về Từ Nghìn Trùng”. Người về từ nghìn trùng thật. Tôi bàng hoàng xúc động trong niềm vui thấy mặt những người ruột thịt thân yêu. Tôi choáng váng trong nắng, gió và bụi Sài Gòn. Nhưng cây bàng trong hẻm đã cứu lấy tôi. Nó bốc tôi ra khỏi nỗi bàng hoàng, choáng váng đó. Nó làm tôi nhớ lại cái vị chua chua chát chát của những trái bàng còn xanh của thời thơ ấu.”(Chuyện Cây Bàng. Lầu Xép)

             Nguyệt cầm. Tranh Võ Đình - Nguồn: Gió-o
    Đơn sơ mà hay, phải không các bạn?  Và sau đây là một đoạn tả tuyết rơi trong một đêm ở miền gần núi:
   “Tin tức mười giờ tối báo trước rằng nửa đêm sẽ có tuyết lớn. Khi tắt đèn đi ngủ, đồng hồ chỉ quá mười hai giờ rưỡi. Thế nhìn ra trời vẫn chưa thấy tuyết. Tuyết chưa rơi nhưng chàng cảm thấy có sự khác thường. Không gian im lìm, cỏ cây bất động, sững sờ. Từ xa, phía trên rừng, một tiếng hét đột ngột vang lên rồi tắt ngay. Thế tự nhủ, lại cái giống chim đêm kỳ quái, tiếng kêu ngắn, sắc, lanh lảnh như tiếng người.
   “Thế tỉnh giấc, nhìn đồng hồ dạ quang trên bàn nhỏ cạnh giường. Ba giờ sáng. Nghe có tiếng lao xao rì rào bên ngoài, đoán là tuyết đang rơi, rơi mạnh. Thế khẽ vén chăn, ngồi dậy, khuô chân kiếm dép, rón rén lần ra phía cửa sổ. Vườn sau đã trắng xóa. Mái nhà, thấp hơn từ mặt hậu nên dễ thấy, cũng trắng xóa. Cứ xét bề dày biết tuyết đã rơi mạnh liên tục, khá lâu. Thế nghĩ nếu cứ thế này thì đến khi mặt trời lên, tuyết có thể dày tới ba bốn chục phân. Nghĩ vậy, chợt thấy lo lắng, nhưng thế không nghĩ tiếp, quay trở lại giường chui vào chăn. Vợ chàng ú ớ mấy tiếng khẽ, rồi thở đều, coi bộ ngủ say.” (Huyệt Tuyết)  
  Và một đoạn ngắn nữa, cực ngắn, rất nổi tiếng của Võ Đình, tả về sự phục sinh của hồi ức qua hình ảnh một vũng nước trên đường:
  "Không hiểu tại sao, tôi liên tưởng đến vũng nước mưa vẩn bùn ở chân thành cửa Thượng Tứ.  Vũng nước đã thuỷ chung không biến dạng, đã chờ đợi tôi suốt một phần tư thế kỷ, để hôm ấy, rất tình cờ, tôi dừng chân cúi xuống, và vũng nước nhỏ ngước lên chào đón một kẻ quy cố hương.” (Chiếc Vòng)
   Hay khi anh tả cây chanh mà anh đã trồng trong chậu, giam nó trong nhà suốt hai mươi năm khiến nó héo hắt, bây giờ nó được đem ra trồng ngoài trời:
   “Tôi bước ra vườn sau thăm cây chanh lần nữa trước khi tắt đèn đi ngủ. Trăng sao vằng vặc. Tôi mân mê thật nhẹ mấy cái chồi non nhỏ xíu. Thế là cây chanh nó đã về đến nơi đáng ra nó đã trở về hơn hai mươi năm trước. Trên đầu có sao. Dưới chân có đất.
   “Tôi từng nghe nói: Không ai thương bằng cơm thương. Tôi nghĩ, thật ra, nên nói rằng: Không ai thương bằng trời đất thương.” (Cây Chanh)
   Chỉ mới đọc một vài đoạn ngắn cũng thấy được Võ Đình rất tinh tế trong cảm xúc, chữ nghĩa, viết lách. Tiếng Việt của anh, như Trương Vũ nói “… khi anh viết hay khi anh nói, nếu không biết không ai dám nghĩ rằng kể từ năm 17 tuổi cho đến quá tuổi tri thiên mệnh, cho đến những ngày cuối cùng, anh chỉ sống ở Việt Nam tổng cộng có vài tháng. Không phải chỉ hay thôi, nó đạt đến phần vi tế nhất của ngôn ngữ mà những nhà văn tài hoa và khó tánh nổi tiếng về cách dùng tiếng Việt cũng phải khâm phục.”
   Thật ra, Võ Đình yêu thơ văn và có năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ. Lúc thiếu niên, anh đã chịu khó đóng một cuốn tập để chép thơ. Và anh là người chịu khó sưu tập, gìn giữ những ấn phẩm thời xưa (in ở Hà Nội những năm 30-40). Nguyễn tôi tự thấy mình cũng giống anh, thời nhỏ ở Vương Phủ đêm đêm cũng cặm cụi chong đèn dầu chép thơ, rồi những năm đi học cũng chịu khó sưu tầm những sách của Tự Lực Văn Đoàn và các tác giả khác. Nhưng Nguyễn không làm được như Võ Đình là giữ những cuốn sách ấy cho đến bây giờ. Rồi trong những năm sống ở Pháp và ở Mỹ, Võ Đình cũng viết và theo dõi sinh hoạt văn học trong nước. Nghĩa là anh luôn sống trong không khí sách vở, chữ nghĩa, nghệ thuật của quê nhà. Là người yêu văn chương từ nhỏ, có tâm hồn, giàu xúc cảm, uyên bác, Võ Đình viết văn hay là phải.
Thượng tuần tháng 7.2009
(còn tiếp một kỳ)
NXT

No comments:

Post a Comment