Sunday, June 19, 2011

EM GÁI HẬU PHƯƠNG DẠ LAN

Văn Quang

Bạn đọc hỏi nhà văn Văn Quang:
Xin ông cho biết ai là người đã có sáng kiến lập ra Chương trình Dạ Lan? Nghe nói hình như người có giọng nói hớp hồn chiến sĩ và sau này cô Dạ Lan đã trở thành bà Văn Quang một thời gian khá lâu?
(Vu Thị Nhung -Fairfield)

Trả lời:
Về đề tài này đã có vài cuộc tranh cãi qua internet. Dường như mỗi người phát biểu theo nhận xét riêng của mình. Người nhìn ở góc độ tham gia sáng lập Chương trình Dạ Lan, người nhìn theo góc độ điều hành chương trình. Ở đây, tôi trả lời bạn về những gì tôi biết.

Tôi không nhớ rõ năm đó là năm nào, có lẽ là những năm 1960. Khi đó, Đại tá Trần Ngọc Huyến làm Giám đốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý trực thuộc Bộ Quốc Phòng. Sau mới đổi tên là Cục Tâm Lý Chiến (TLC) thuộc Bộ Tổng Tham Mưu. Có thể nhận định vị đại tá này là một vị Cục Trưởng trí thức, sáng giá nhất. Chính ông là người có sáng kiến làm ra Chương trình Dạ Lan trên Đài Phát Thanh Quân Đội (PTQĐ) và lập tức được hầu hết quân nhân yêu thích. Trước đó, ông đã họp Bộ Tham Mưu của Cục TLC để thảo luận về chương trình này. Ông cũng nói đây là một mô hình theo chương trình địch vận và đồng minh vận của Nhật Bản trong thế chiến. Và cũng dựa theo chương trình binh vận của Đài Loan. Những nữ xướng ngôn viên của quân đội Nhật và Đài Loan đã rất thành công với giọng nói thánh thót, êm đềm và những bản nhạc quốc tế rất hay.

Hồi đó trong cuộc họp tham mưu của Cục TLC thường mỗi tuần 1 lần, có các trưởng khối và trưởng phòng tham dự. Lúc đó, tôi còn là Trưởng phòng Báo Chí nên thường xuyên tham dự các cuộc họp này. Tất cả đều nhận thấy chương trình đó rất hay và sau đó giao cho Thiếu Tá Nguyễn Văn Nam tìm xướng ngôn viên. Trong số một vài xướng ngôn viên (XNV) được đưa ra thử giọng qua máy ghi âm, một nữ XNV của Đài Phát thanh Đông Hà được chọn và được điều chuyển về Sài Gòn. Chương trình Dạ Lan từ đó bắt đầu. Hai tiếng Dạ Lan có thể hiểu đó là một loại hương thơm quyến rũ về đêm (chương trình này được phát vào buổi tối vào lúc 19g). Cũng có một sự trùng hợp, tên nữ XNV đó cũng lại là Lan, nhưng là Hoàng Thị Xuân Lan nên có thể hiểu là một tên chung và cũng là tên riêng.

                            Hoàng Thị Xuân Lan 

                        Hồng Phương Lan, tức Mỹ Linh

Tất nhiên, chương trình của Đài Phát thanh Quân Đội thì do đài này phụ trách phần nội dung. Tất cả bài vở, cách chọn nhạc, chọn tin do tiểu ban Chương Trìnnh Đặc Biệt của Đài này chịu trách nhiệm, tiểu ban này do Đại Úy Nguyễn Thiệu Hùng tức nhà thơ Mai Trung Tĩnh phụ trách.
Nhưng hơn một năm sau, vì lý do riêng, nữ xướng ngôn viên Xuân Lan nghỉ việc. Đài Phát thanh Quân Đội chọn một nữ XNV khác có giọng nói y hệt XNV cũ khiến thính giả không thể phân biệt được đâu là người mới đâu là người cũ. Người tiếp tục chương trình Dạ Lan, cũng do một sự tình cờ, lại vẫn có tên thật là Lan, Hồng Phương Lan, tức Mỹ Linh. Chị Mỹ Linh làm việc tại Đài PTQĐ cho đến phút chót. Như thế, thời gian chị Mỹ Linh làm XNV Chương trình Dạ Lan khoảng 6-7 năm. Năm 1969, khi tôi về làm Quản Đốc Đài PTQĐ thì chị Mỹ Linh đã làm ở đây rồi. Sau đó anh Mai Trung Tĩnh giải ngũ, Đại Úy Dương Ngọc Hoán làm trưởng ban chương trình và là người phụ trách Chương trình Dạ Lan cũng như Chương trình Đồng Minh Vận. Chị Mỹ Linh hiện đang sống tại Mỹ và thường làm XNV cho các chương trình ca nhạc.

Nhưng theo tôi thì Chương trình Dạ Lan còn âm vang mãi trong lòng các "anh trai tiền tuyến và em gái hậu phương" mới là quan trọng. Cả hai nữ XNV đều đáng được ghi nhận thành tích như nhau. Còn rất nhiều văn nghệ sĩ cũng đã từng góp công góp sức cho chương trình này như nhạc sĩ Ngọc Bích, Đan Thọ, Anh Ngọc, Xuân Tiên, Xuân Lôi, Canh Thân, Nguyễn Đức, Văn Đô, Trần Thiện Thanh, Trần Trịnh, Đào Duy, Thục Vũ... Các nhà văn, nhà thơ như Huy Phương, Nguyễn Triệu Nam, Nhất Tuấn, Nguyễn Quốc Hùng (thầy khóa Tư), Dương Phục, Phạm Huấn, Châu Trị, Lâm Tường Dũ, Nguyễn Xuân Thiệp, Tô Kiều Ngân... Tôi không thể nhớ hết.

- Về vế thứ hai trong câu hỏi của Bà/Cô có nhiều điều tế nhị trong cuộc sống và nay thì mỗi người đã có cuộc sống và gia đình riêng nên xin phép tôi không nhắc lại.

Văn Quang - từ Sài Gòn
(Nguồn: Tô Thẩm Huy gởi)

No comments:

Post a Comment