Sunday, April 6, 2025

LÀ,

Vương Ngọc Minh
 
Tranh Vương Ngọc Minh
 
hiện tại, chẳng có thứ gì
đấy (đề dành!)
cho một cuộc cá
cược
với giấc chiêm bao/nhất là, với hư vô..
 
tôi trở thành
đứa trẻ (lãng xẹt!) luôn luôn
đeo trên người
nhiều bóng chữ quốc ngữ (hoàn toàn phi vật thể
khá nhỏ-nhưng đầy kịch tính!) hẳn nhiên
chịu đeo như thế, khá đau đớn
 
thi thoảng đặt
để
chúng, lên mặt..
 
-chà chà
khiến phải luôn đảo mắt tìm thơ
chẳng ai để ý đến tôi
thú thực, nỗi cô đơn
khiến tôi thêm vững tin
rằng, ta chưa bao giờ
sống
một cuộc sống tự giam cầm
 
-vâng
chả vẻ vang gì
để nói về nỗi cô đơn
 
nhá
(có nhẽ) tôi ưa những người nhiễu sự
do họ hay sưu tập
ghi chú
bình luận
hơn những người làm thơ
 
lắm lúc
có tự hỏi, phải chăng-ta cùng họ
một duộc chăng?
 
..do thường xuyên
trễ nãi
bởi bước cực chậm, nhưng
tình cờ
bắt gặp dòng chữ "kết cục ta biến mất" ôi
dòng chữ đó, đột ngột tỏa sáng
lấp lánh
trong tôi
 
vào giữa khuya tăm tối
tôi cứ ngỡ ban ngày
ban mặt
 
yah, chưa kể, việc bước chậm
sẽ khiến cho ta nghe được tiếng lá rơi "sột soạt"
nghe ra cả tiếng "ù ù
cạc cạc
của lũ ó diều(!)
 
tựu chung, tôi không thích
chính khuôn mặt mình
khi treo lên/trước chiếc gương soi
lớn
trong hiệu "goodwill"
hễ tay chạm vào gương
nhiều bộ quần áo cũ-kiểu đại cán
hiện ra
cùng nhiều tiếng động của súng máy
hạng nặng chuyển
 
dịch
 
cùng lúc
từng viên đạn (bằng cườm tay!)
từ mồm tôi khạc
liên tục
đường đạn bay nhanh đến độ chả ai kịp
thốt “quỉ thần thiên địa..”
..
VƯƠNG NGỌC MINH.
 

Friday, April 4, 2025

MỘT CHÚT TÔI & ‘CHUYỆN HỒI ĐÓ’

Đỗ Hồng Ngọc
 
Ghi Chú: “Chuyện Hồi Đó” là bản thảo mới của tôi, giống như Hồi Ký mà không phải Hồi Ký. Cô Minh Lê (NT) và Trần Thị Nguỵệt Mai (HK) là hai người “bạn xa xôi” mà thân thiết, gần gũi đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình hình thành “tác phẩm” này. Dịp này, gặp tôi ở Nha Trang (27.2.2025), nhân ngày Thầy Thuốc VN, Cô Minh Lê (NT) muốn có một chút trao đổi “bên lề” cho vui.
Xin gởi đến các bạn cùng xem.
Đỗ Hồng Ngọc

Bìa: Hs Hà Thảo
 
Điều gì khiến anh có cảm hứng viết Chuyện Hồi Đó?
   Nhiều bạn bè khuyên nên viết Hồi Ký, đặc biệt là anh Nguyễn Hiền Đức (5 Hiền).
Nguyễn Hiền Đức là một cư sĩ, thường gọi Anh 5 Hiền, trước 1975 từng có thời là Thư ký Tòa soạn của tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh, trưởng phòng Tu thư  Đại học Vạn Hạnh, thư ký riêng của HT Thích Minh Châu…
   Năm 2021 anh đã gởi tôi món quà sinh nhật:  Đỗ Hồng Ngọc- Tiếng gọi sâu thẳm của Y vương, ghi “Quà tặng mừng Sinh Nhật 81 của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc” thấy đã đăng trên Thư viện Hoa Sen, và trước đó, anh cũng đã có bài “ Phác thảo chân dung Đỗ Hồng Ngọc”...
   Năm 2014, Nguyễn Hiền Đứcđã viết (…) “ Năm nay bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã 75 tuổi ta rồi. Cái tuổi đã chín muồi, đã lịch lãm, đã trải nghiệm và chiêm nghiệm được nhiều điều về bản thân, gia đình, bè bạn, nghề nghiệp. Ông cũng đã trải qua những biến thiên dữ dội của thời cuộc. Ông lại có những mối quan hệ xã hội khá rộng rãi và hiểu biết tường tận về nhiều việc, nhiều người dưới cái nhìn, cái cảm của một người giàu Phật tính, thấm nhuần triết học Phật giáo. Vì vậy, tôi kính cẩn thưa trình với ông rằng tôi mong sớm được Hồi ký của ông. Nhớ lại, ông đã nhiều lần “thúc hối” thầy mình là Nguyễn Hiến Lê viết hồi ký như André Maurois đã từng làm với Un ami qui s’appelait moi vậy! (…) Trước nay tôi vốn thích đọc Hồi ký, và các cuốn hồi ký mà tôi thích nhất vẫn là cuốn của Nguyễn Hiến Lê, Đào Duy Anh, Quách Tấn, Trần Văn Khê…, và, chắc chắn sẽ rất thích Hồi ký Đỗ Hồng Ngọc. Tôi không dám nói sai lời và cũng như nhiều độc giả chí cốt của Đỗ Hồng Ngọc nóng lòng chờ đợi Hồi ký Đỗ Hồng Ngọc.
 
Tôi nghĩ bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có nhiều điều kiện thuận lợi, có nhiều cơ duyên tốt lành để khởi sự sớm hoàn thành tập hồi ký được nhiều người chờ đọc, đón đọc (…). Mong lắm thay, thưa bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc!”. Nguyễn Hiền-Đức (Santa Ana, tháng 3.2021)
 
Có thể gọi Chuyện Hồi Đó là Hồi ký của anh không?
   Không. Tôi không có khả năng viết “Hồi Ký”.
 
Phần khó nhất khi chuẩn bị bản thảo Chuyện Hồi Đó là gì?
   Là phân biệt "Hồi Ký" với “Chuyện Hồi Đó”
Hồi ký là một sáng tác văn chương, thể loại ký, do chính tác giả viết về mình, tự mình nhìn mình, bộc lộ, chia sẻ theo trình tự thời gian...
“Chuyện Hồi Đó” là những chuyện cũ, xưa, kể lại bởi một người có tuổi, già khú, có thể trong một buổi “trà dư tửu hậu” cùng bạn bè. Tôi viết lúc đã 86 tuổi (Tết Ất Tỵ,2025). 
Nó không phải là một sáng tác, một ghi chép (ký) theo thời gian.
Với tôi, nó không phải nói về “cái tôi”, chủ quan của mình.
Tôi nhìn mình một chút, rồi nhờ người khác nhìn tôi với “chủ quan” của họ.
Tôi chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, suy tư, học hỏi. Tôi tri ân con người, vùng đất...
Tôi muốn người đọc có lợi ích khi đọc, không chỉ vì tò mò.
Dĩ nhiên, cho tuổi già của chính tôi. Có thể cười mình.
 
Trang nhà Đỗ Hồng Ngọc (dohongngoc.com) có ý nghĩa gì đối với anh?
   “Ý nghĩa” rất lớn đó chớ! Nó gần như là một “kho tàng” lưu trữ để khi viết tôi chỉ cần tìm lại. Tôi phải cảm ơn Phùng Minh Bảo và Lê Thị Thuỳ Linh. Chính nhờ các em mà tôi có trang web dohongngoc.com này trên 15 năm nay. Cũng nhờ trang Web này, tôi có dịp học hỏi, giao lưu và tương tác với bạn đọc. Ngạc nhiên thấy thế giới nhỏ bé đáng kinh ngạc, càng ngạc nhiên thấy tình người lại gần gũi đáng kinh ngạc đến vậy.
 
Cái chất “công tử - nhà quê” mà anh nói được di truyền từ Ba-Má anh đã thể hiện trong văn và thơ anh ra sao?
   Nó thiệt thà, chơn chất, nhưng đôi khi cũng… bay bướm đó chớ phải không? Lá chín vàng/ lá rụng về cội/ Em chín vàng/ chắc rụng về anh…; hay Sóng quằn quại/ thét gào/ không nhớ/ mình là nước…
 
Người ta nói văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ nói chung đều rất đa tình vì yêu cái đẹp. Anh có nghĩ mình là người đa tình không?
   Có. Mà nhút nhát, rụt rè quá. Đáng tiếc!
 
Trong một bài phỏng vấn của nhà báo, anh có nói “Thà có một trái tim đau yếu vì tình yêu còn hơn một trái tim… lãnh cảm!”. Anh có thể giải thích và cho ví dụ không?
   Ví dụ người thất tình… sướng hơn người lãnh cảm.
 
Chuyện Hồi Đó cho biết mối tình đầu của anh là lúc anh 12 tuổi, và mấy năm sau gặp lại anh còn làm thơ cho người ấy nữa. Không biết “mối tình đầu” ngày ấy là đơn phương hay là cả hai…
   Đó là cô bạn cùng lớp… Nhứt (tức lớp 5 bây giờ!). “ Nghe nói người xưa chừng lỡ bước/ Nghe nói lòng ta chừng chưa nguôi…”. Thấy chưa? Lòng ta mà chỉ “nghe nói” thôi, chỉ nghe “đồn rằng” thôi đó nhe. Tuy vậy cũng đã có những bức thư bằng pelure màu xanh… thuở 15, 16.
 
Cũng theo Chuyện Hồi Đó, ngày anh gặp chị (vợ Bs ĐHN) anh trúng ngay “coup de foudre” phải không?
   Phải. Sau này tôi thường nói với vợ tôi: Anh có một người anh yêu hồi 12 tuổi, một người anh thương hồi 20 tuổi, nhưng em mới là người anh vừa yêu vừa thương. Vì vậy mà đã sống với nhau gần… 60 năm!
 
Có cuốn sách nào đã làm thay đổi cuộc đời anh không?
   Có. Cuốn Kim chỉ Nam của Học sinh của Nguyễn Hiến Lê (1951). Cả các cuốn Gương Danh Nhân, Gương Kiên Nhẫn… và Tự học để thành công (1954) của ông nữa.
 
Cuốn sách anh thích nhất lúc nhỏ là gì?
   Anh phải sống. Hai buổi chiều vàng. Tâm hồn cao thượng… Và một lô truyện Tam Quốc, Thuỷ Hử, Đông Châu Liệt Quốc… Sau này là Kiếm Hiệp Kim Dung. Có lần tôi tự chữa bệnh đau bao tử của mình nhờ kiếm hiệp Kim Dung đó.
 
Nếu anh có thể nói một điều với chính anh khi còn trẻ, anh sẽ nói điều gì?
   Nhắc “Tương lai trong tay ta”, đó là một tựa sách của Nguyến Hiến Lê.
 
Kỷ niệm nào anh nhớ nhất về tuổi học trò của anh ở Phan Thiết?
   Là xách guốc xuồng gỗ mỗi khi qua nhà người ta, dù người ta mới 11 tuổi. Và đặc biệt là bức thư trên giấy pelure màu xanh người ta gởi tôi khi mới 15…
 
Anh viết rằng người thầy thuốc “được làm nghề y vì cái nghiệp của mình”, có thể hiểu rằng phải đúng “nghiệp” mới làm bác sĩ được phải không?
   Cái “nghiệp” nó mang mình đi, nó đẩy mình tới. Còn gọi là cái “Vocation”. Cái “thiên hướng”.
 
Anh từng viết: “Nghề y là một nghề đặc biệt, muốn đào tạo người thầy thuốc vừa có năng lưc chuyên môn vừa có lòng nhân ái thì điều kiện tuyển chọn cũng phải đặc biệt.” Theo anh kỳ thi vào các trường Y Khoa còn cần yêu cầu nào khác ngoài điểm số các môn học?
   Mỗi nước, mỗi giai đoạn đều có cách đào tạo phù hợp. Thời tôi thi vào Y khoa, năm 1962, ngoài các môn học còn có 20 câu hỏi “Kiến thức tổng quát” vầ văn hoá, lịch sử, địa lý, âm nhạc, hội hoạ… và đặt biêt có 2 câu tôi nhớ mãi: Giá gạo trên thị trường bao nhiều một ký? Giá than trên thị trường bao nhiêu một ký. Chắc là muốn coi người bác sĩ tương lai có quan tâm đời sống xã hội đường thời không? Ở Singapore, ngoài bài thi viết còn có phỏng vấn. Nhóm phỏng vấn gồm một giáo sư, một bác sĩ, một điều dưỡng và một… bệnh nhân!
 
Có lý do nào đặc biệt khiến anh yêu ngành Nhi Khoa không?
   Nhi khoa, xưa gọi là Á khoa, khoa “câm”. Trẻ không biết nói mà! Khi khám bệnh cho trẻ, phải có óc “quan sát” tốt để tìm ra bệnh. Cẩn thận! Trẻ không biết nói nhưng có thể giựt văng kiếng cận của mình hoặc… tè vô mặt mình. Chẳng mấy chốc mà chú nhóc ngày nào đã trở thành cậu thanh niên cường tráng, cô nhóc ngày nào đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp... Rồi một hôm, họ mang một nhóc không biết nói khác tới kêu mình khám cho nó. Một  vòng đời, ngộ không?
 
Săn sóc sức khỏe ban đầu là gì?
   Primary Health Care, được dịch là Chăm sóc (hay Săn Sóc) Sức Khoẻ Ban Đầu. Một triết lý nhân bản trong Y khoa, sau Hội nghị quốc tế tại AlmaAta, năm 1978, lấy phòng bệnh làm chính, khẳng định “sức khoẻ” là sự sảng khoái (well- being) toàn diện về cả thể chất, tâm thần và xã hội của con người, gắn liền với sự phát triển của địa phương. PHC quan tâm môi trường sống, dinh dưỡng, phòng dịch bệnh... Giáo dục sức khoẻ, Nâng cao sức khoẻ là yếu tố rất quan trọng để tạo được sự “tham gia của cộng đồng”, sự “phối hợp liên ngành”. Bởi Y tế chủ yếu là chữa trị bệnh tật, còn “Sức khoẻ” là nhiệm vụ của toàn xã hội.
 
Điểm quan trọng nhất theo anh trong Y đức là gì?
   Là “Primum Non Nocere” . First Do No Harm. Trước hết, đừng làm hại.
 
Y nghiệp khác y đức chỗ nào? Cái nào quan trọng hơn?
   Y nghiệp là những nguyên tắc thực hành nghề y, đòi hỏi sự chuyên nghiệp, chính xác. Y đức là vấn đề “tâm hồn” của người thầy thuốc đối với bệnh nhân. AI phát triển thì Y nghiệp phát triển, nhưng Y đức thì chỉ có ở con người với con người.
 
Anh từng viết một bài có tựa “Bác sĩ mà cũng bệnh!” Dĩ nhiên bệnh tật không chừa ai, dù là… bác sĩ! Kinh nghiệm vượt qua bệnh tật hay thậm chí “sống chung với bệnh” của anh là gì?
   Là… đáng đời! Là ráng chịu! Ai biểu!
 
Ai mà chẳng phải bệnh. Trong cuốn “Quy luật của muôn đời”, tiểu thuyết của Nodar Dumbatze (Gruzia), tôi nhớ tác giả nói mỗi người ít nhất nên bệnh nặng một lần trong đời. Bệnh làm mình sáng mắt ra…
   Khi đỡ bệnh sau đợt mổ sọ não năm đó (1997), tôi viết bài thơ: “Xin cám ơn, cám ơn” là vậy.
 
Năm nào thì anh thực sự “rửa tay gác kiếm”?
   Không biết. Cứ lâu lâu lại “Rửa tay gác kiếm” một lần! Năm 1985, tôi rời Lâm sàng (Cấp Cứu, Bệnh Viện Nhi Đồng 1); năm 2005 rời Trung Tâm Truyền Thông & Giáo dục sức khoẻ; năm 2010, rời Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch; năm 2020 đóng cửa Phòng mạch…
 
Anh viết khá nhiều bài về Nhật. Nếu cần chọn ba từ để mô tả ấn tượng nước Nhật để lại trong anh, anh sẽ chọn những từ nào?
   Chút hương xưa!
 
Anh ấn tượng nhất điều gì ở Úc?
   Đó là lúc đến thăm The Twelve Apostles (12 vị Thánh tông đồ của Chúa), nay đã sụp đổ còn 8 vị… và sẽ sụp đổ tiếp nay mai. Chưa ở đâu liễu ngộ Vô Thường, Vô Ngã, Thực tướng Vô tướng như vậy. Tôi thấy ở đó các vị Bồ Tát, các vị Thánh tông đồ… giữa biển thức Lankavatara bèn chắp tay xá xá… tất cả!
Tôi còn ấn tượng với một bệnh viện Ung Thư ở Melbourne, ở đó, bác sĩ, y tá và bệnh nhân đều ăn mặc giống nhau để … không thể phân biệt!
 
Anh nhớ nhất kỷ niệm nào trong chuyến đi Nepal về thăm đất Phật?
   Lúc thăm Lumbini, nơi Phật đản sanh và thăm Kapilavastu (Ca-Tỳ-La-Vệ) nơi Phật vượt ra khỏi cổng thành.
 
Có ý nghĩa ẩn giấu hay biểu tượng nào trong các bài viết (thơ, văn) của anh chưa được nhận ra không?
   Làm sao biết? Người đọc là người “nhận ra” nhiều thứ mà mình đâu có ngờ tới!
 
Anh có bao giờ lấy cảm hứng từ âm nhạc hay hội họa không?
   Nhiều chứ. Nhất là ca từ của Trịnh Công Sơn. Nó giúp tôi viết Gió heo may đã về, và Về thu xếp lại…
 
Có khi nào một bài thơ hay bài viết thay đổi bất ngờ so với dự định của anh khi bắt đầu viết không?
   Thường khi không có “dự định” gì cả. Thơ nó đến bất chợt. Tuỳ bút cũng vậy. Ý này dẫn ý kia… Kệ nó.
 
Anh cân bằng giữa trải nghiệm cá nhân và trí tưởng tượng trong thơ anh như thế nào?
   Trí tưởng tượng mới là… cốt lõi. Trải nghiệm có khi chỉ là cái cớ, tình cờ. Chẳng hạn một hôm cà phê với người bạn trẻ dưới gốc cây cổ thụ ven đường, nhìn chiếc lá vàng rơi, tôi chợt viết “lá chín vàng lá rụng về cội… em chín vàng chắc rụng về anh…”! 
 
Nền tảng văn hóa và tri thức đóng vai trò gì trong việc hình thành thơ và văn của anh?
   Nền tảng văn hoá đóng vai trò quyết định.
 
Anh có thường viết vào một thời điểm cụ thể trong ngày không?
   Không. Tôi có phải là nhà văn “thứ thiệt” đâu. Nhưng ông Nguyễn Hiến Lê nói đúng. Cứ viết đi rồi hứng sẽ đến. Như “L’appetit vient en mangeant”! Ăn đi rồi thấy ngon.
 
Anh từng viết cho tuổi mới lớn, tuổi thanh niên, tuổi trung niên, tuổi già. Anh thấy viết cho tuổi nào khó nhất?
   Tôi phải sống qua tuổi đó rồi mới viết được. Viết như “nói chuyện” thân tình với nhau thôi mà, có phải “văn chương phú lục” gì đâu! Người đọc nói tôi viết như viết cho riêng họ, vì “đi guốc trong bụng” họ!
 
Anh đã viết tùy bút, tản văn, y học, Phật học… Thể loại nào được anh ưa thích nhất?
   Không có sự phân biệt nào trong lúc tôi viết. Tôi không định hình thể loại ở đây. Phật học thì tôi viết tuỳ bút. Tuỳ bút thì tôi viết… khoa học. Y học thì tôi… làm thơ! Ối trời, phải phân biệt rạch ròi nữa sao?
 
Anh có rất nhiều bạn văn, bạn thơ. Với ai anh cũng có một tình bạn dài lâu và rất đẹp. Bí quyết giữ gìn tình bạn của anh là gì?
   Không nhiều bạn văn thơ đâu! Nhưng đã là bạn thì luôn là dài lâu và rất đẹp nữa. Tôi nghĩ: sự chân thành.
 
Trong các bài viết về thơ văn anh, chỉ có Giáo sư Cao Huy Thuần bắt gặp “con người thứ ba” trong anh, con người “cười cười” một chút và rất nghịch… ngầm. Anh thấy có đúng không?
   Ông ấy tinh tế thật. Giấu ổng hổng nổi!
 
Trải nghiệm đầu tiên nào khiến anh nhận ra rằng ngôn ngữ có sức mạnh?
   Tôi nhà quê thứ thiệt, vẫn nghĩ ngôn ngữ là “phương tiện” thôi. Tôi không nghĩ cứ uốn éo ngôn ngữ thì thành văn chương. Trong thơ, tôi thấy cái “Tứ” mới là điều cốt lõi. Người ta có thể quên ngôn ngữ, nhưng cái “tứ” thì nhớ mãi. “Oan oan thư cưu/ tại hà tri châu/ yểu điệu thục nữ/ quân tử hảo cầu” ngàn năm trước… dịch qua ngôn ngữ nào cũng được!
 
Anh có nghĩ rằng ai đó có thể thành một thi sĩ hay văn sĩ giỏi mà không cần trải qua đau khổ không?
   Đau khổ nhiều khi là một chất liệu. “Rồi bị thương người ta giữ gươm đao/ Không muốn chữa không chịu lành thù độc” (Xuân Diệu).
 
Anh nghĩ thơ, văn và tranh tác động như thế nào đến sức khỏe tinh thần của một người?
   Nó làm cho con người mềm nhũn ra.
 
Những chuyến du lịch có ảnh hưởng đến hình ảnh trong thơ anh không?
   Nhiều chớ. Nhờ đi đây đi đó, tôi có cảm xúc để viết. Thí dụ những ngày ở Paris, tôi viết tập Vòng Quanh.
 
Làm sao để truyền tải một cảm xúc mãnh liệt vào thơ?
   Cố tình “truyền tải” thì có khi chẳng “truyền tải” được gì cả. Nó tự nảy ra ở người đọc. Thí dụ: “Ngoại  chờ bên kia sông” hay “Sao chẳng sớm mà thương nhau hơn?” … Người đọc tự mình “truyền tải” thì tốt hơn tác giả cố ý!
 
Anh thường chọn tựa đề của thơ anh ra sao?
   Không cần chọn. Nó hiện ra chình ình. Thí dụ Mũi Né. Thí dụ: Giả sử
 
Khi anh viết một bài thơ, điều gì xuất hiện với anh đầu tiên: chủ đề, từ ngữ hay hình ảnh?
   Ý tưởng. Cái tứ. Những “thứ khác” đến sau. Bài thơ Tình Già, chỉ cần “con mắt còn có đuôi” là đủ phải không?
 
Thơ một người vừa là bác sĩ vừa là thi sĩ có khác với thơ của người vừa là kỹ sư vừa là thi sĩ không, theo anh?
   Không. Huy Cận là một kỹ sư canh nông, Xuân Diệu làm nhân viên hải quan… Thơ không đến bằng nghề nghiệp!
 
Trong những nhận xét và cảm nhận của người khác về thơ anh, có ý tưởng nào làm anh hết sức ngạc nhiên không?
   Có một nữ độc giả không quen biết xác nhận tôi viết bài thơ đó là viết cho riêng cô!
 
Thơ anh được phổ nhạc khá nhiều, trong đó có bài nào làm anh rung động nhất không?
   Bài Bông Hồng Cho Mẹ viết về Mẹ tôi và bài Sông Ơi Cứ Chảy, viết cho La Ngà.
 
Anh thích nhất bức nào trong các tranh vẽ bằng bút sắt của anh?
   Đó là bức Harvard Square (ở Boston) và bức Sacre Coeur (Nhà thờ Thánh Tâm ở Paris)
 
Anh có “nghề” vẽ tranh bằng ngón tay. Tại sao anh thích vẽ bằng ngón tay?
   Vì kiếm “đồ nghề” không dễ lúc đó. Cao hứng thì sẵn có ngón tay. Tôi nhớ Phong Thanh Dương dạy "độc cô cửu kiếm" cho Lệnh Hồ Xung, lúc Lệnh Hồ Xung bị đánh văng kiếm lúng túng không biết làm sao, ông bào, sao ngu vậy, ngón tay cũng là… kiếm chứ!
 
Trong một bài phỏng vấn, anh nói “Tôi mừng vì vẫn giữ được cảm xúc để làm thơ”. Anh thường giữ cảm xúc bằng cách nào?
Bằng cách để cho cảm xúc nó tuôn trào. Kệ nó.
 
Anh có bao giờ nghĩ tới chuyện “làm mới” thơ hay văn của mình không?
   Không. Việc gì phải làm mới? Đọc cuốn Ý Cao Tình Đẹp của Nguyễn Hiến Lê (sách dịch), tôi thấy mình cũng rưng rưng muốn khóc. Làm mới, có thể gây ngạc nhiên nhưng khó làm cho khóc. Khi đọc Anh phải sống của Khái Hưng hồi 12 tuổi ở trong chùa, tôi cũng khóc. Nhạy cảm quá chăng. Vớ vẩn quá chăng?
 
Anh thường tìm cảm hứng cho thơ văn của mình từ đâu?
   Tôi không tìm. Nó tự đến.
 
Anh có cảm thấy văn phong của mình thay đổi theo thời gian không?
   Có. Hình như mình già thì văn nó cũng già theo. Nó run rẩy, nó lẩn thẩn, nó mít ướt.
 
Điều gì quan trọng nhất đối với anh khi viết về một nhân vật?
   Tôi muốn nhìn được trong sâu thẳm tấm lòng của họ. Nhiều người khen bài tôi viết về Trang Thế Hy.
 
Hai chân dung anh viết khá chi tiết là học giả Nguyễn Hiến Lê và thi sĩ Ngu Í Nguyễn Hữu Ngư. Một người uyên bác chân phương, một người phóng khoáng bay bổng. Anh cảm thấy anh giống ai hơn?
    Giống mỗi người một nửa. Không phải công tử với nhà quê mà người điên với nhà nho.
 
Bài thơ của nhà thơ nào anh cảm thấy tâm đắc nhất?
   Tình Già của Phan Khôi và To Edith của Bertrand Russell viết khi ông 90 tuổi!
 
Anh đã bao giờ bị bí ý tưởng khi viết chưa?
   Chưa. Vì khi có ý rồi mới viết. Để đó, cho nó “hoai” đi. Mấy hôm rồi đọc lại. Lúc đó, cần thì sửa. Tôi có học Văn với thi sĩ Vũ Hoàng Chương, lớp 11, ông nói, có những bài thơ ông sửa đến 36 lần! Nhà thơ Giả Đảo, đời Đường nổi tiếng “thôi xao” chúng ta đều biết!
 
Anh có nghĩ rằng một nhà văn có thể viết hay mà không cần có cảm xúc không?
   Có. Đó là những nhà văn chuyên nghiệp, họ có thể cùng lúc viết nhiều feuilleton… cho nhiều tờ báo.
 
Anh đã viết nhiều bài về tuổi già, vậy anh có thể tóm tắt bí quyết “già sao cho sướng” được không?
   Là “biết mình già”, OK với nó. Welcome nó.
 
Anh có thể giải thích chữ “Không” trong Phật học một cách dễ hiểu không?
   Đừng hiển lầm “Không” là không có gì nhe. Không trong Phật học là “trống rỗng”, là không có “tự tính” riêng biệt. Mọi “pháp” đều do Duyên sinh. Hiểu vậy, ta hiểu tại sao Vô thường, Vô ngã… Và, giải thoát khổ đau, dính mắc.
 
Anh hiểu thế nào là “quay về nương tựa chính mình”?
    Không lẽ nương tựa vào ai bây giờ? Ai có thể thở giùm mình, ai có thể khổ đau giùm mình, ai có thể si mê giùm mình?
 
Anh viết: “Một người mà không thể từ bi với chính mình thì làm sao có thể từ bi với người khác được?” Từ bi với chính mình là sao?
    Là “Biết ơn mình”. Nhiều người oán ghét mình lắm. Sáng sáng nhìn vào gương thấy ghét. Già nua, nhăn nhúm… Rồi so sánh mình với người khác nữa… Nhờ đó mà các cơ sở “thẩm mỹ” giả mọc lên như nấm không thấy sao?
 
Anh nói “Thiền là Thở”, đơn giản vậy sao?
    Phải. Phật dạy trong kinh Anapanasati. Một phương pháp Thiền hiệu quả và khoa học nhất. Không sợ “tẩu hỏa nhập ma”. Qua hơi thở, ta thực hiện cả Samatha (thiền chỉ) và Vipassana (thiền quán). Đời sống chỉ là một hơi thở. Thân và tâm cùng trong hơi thở. An lạc hay khổ đau nằm trong hơi thở đó thôi.
 
Anh khen phương pháp Thở của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện rất hiệu quả. Anh có thể cho biết cách anh thực hành?
    Bs NKV bị mổ phổi 7 lần ở Pháp (năm 1946), chỉ còn 2/3 lá phổi trái. Các bác sĩ Pháp bảo ông chỉ có thể sống 2 năm. Vậy mà với phương pháp thở bụng, ông đã sống thêm được… 50 năm, chẳng thú vị sao? Phương pháp thở bụng (abdominal breathing, diaphragmatic breathing) không lạ. Người xưa ở Đông phương gọi là đưa hơi xuống huyệt “đan điền” đó thôi. Bs NKV là cố vấn Bộ môn Tâm lý - Xã hôi học ở Đai học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, do tôi là Trưởng Bộ môn, ông cũng chia sẻ với tôi nhiều lần nhưng tôi không mấy quan tâm, đến khi tôi bệnh nặng phải mổ sọ não thì tôi mới đem ra ứng dụng. Hay chớ! Tôi đã viết lại đầy đủ trong cuốn Thiền và Sức khoẻ.
 
Dường như anh chưa bao giờ viết nhiều về “tham, sân, si”, “thân, khẩu, ý”, “nghiệp và nhân quả”. Anh coi trọng việc thở, ăn và hiện diện trong giây phút hiện tại hơn, có đúng không?
   Thở, Ăn, Biết sống Ở đây và Bây giờ chẳng đã đủ rồi sao? Đó chính là chánh niệm, tỉnh giác. Còn tham sân si… gì nữa cho mệt! Hiểu Phật là hiểu Duyên sinh. “Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên” (Trần Nhân Tông) nhớ không? Biết tuỳ duyên, thuận pháp là đã đủ cho nếp sống “cư trần lạc đạo” rồi đó vậy.
 
Có thể hiểu điều Phật dạy và thực hành giỏi mà không cần thuộc nhiều kinh kệ không?
    Thuộc một vài câu Kinh Kệ là đủ. Lục tổ Huệ Năng chỉ nghe câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” mà giác ngộ tức khắc. Ngày nay, thời AI, Internet, deep fakes… thì cũng chỉ cần thuộc câu đó và ứng dụng vào đời sống. Luôn nhớ rằng “Nói vậy mà không phải vậy!”. Ai ngây thơ, “tưởng thiệt” sẽ lãnh đủ!
 
Trao đổi lai rai đến đây là… hết.
 
Cảm ơn các bạn.
ĐỖ HỒNG NGỌC
(Saigon 11.3.2025)
 
 

Thursday, April 3, 2025

BÀI CA NHƯỢC TÍM

Hoàng Xuân Sơn
 
Hoa soan
 
Một lần tôi nghe tím soan
Mà tóc em chải vô vàn sầu đông
Chúng ta bơi xuôi nghịch dòng
Nên đời vô lượng nỗi long đong tình
Tím thu mình mỗi điêu linh
Trong vạt chiều nắng nguyên hình tím than
Dấu chấm kia. ôi. địa đàng
Tôi và em bước lang thang mãi hoài
Khi rừng mù xuống thân vai
Thì tím đã nhạt đông đoài dấu xưa
 
@hxs.april0125

HƯƠNG ÂM

Vũ Hoàng Thư
 
Mùi hương mưa
 
           *Gửi Lê Lạc Giao, Hoàng Xuân Sơn
 
Mưa cuối tháng ba. Những giọt phất phơ lăn tròn vào tháng tư u ám. Tháng tư luôn có những cơn mây. Cơn mây đen bay thật trong bầu trời và những cơn mây hấp đen trí nhớ. Âm ỉ băng tầng lên men phún thạch, rìn rịn nhỏ giọt vào đáy thinh không. Cuồng lưu tích tụ dù âm thanh chưa hề bật tiếng. Như thế, giọng Astrud Gilberto nhừa nhựa bossa nova nhấn nhá bập bùng thăm thẳm. Âm jazz thắm xanh, quyện hồn samba ba tây ngất ngưỡng. Người rã rời như vã vào cơn mưa dù mưa chưa hề đến. Tất cả thỏm lọt trong toan tính dự phòng, dật dờ đối phó dù chẳng có gì nhất thiết xảy ra, How unmoved and cold / I must have seemed. Hình như thể, bất động trong lạnh hàn. Hình như thể, mất em mà em nào đã mất. Bất động hay băng cứng là trạng thái của những ngày đầu tháng tư.
 
Now she's gone away
And I'm alone with the memory of her last look
Vague and drawn and sad
I see it still
All her heartbreak in that last look
 
Why she must have asked
Did I just turn and stare in icy silence (*)
 
Giờ đây người xa khuất mù khơi
Bời bời ký ức tôi dung nhan nàng lần chót
Mơ hồ quyến rũ lẫn buồn tênh
Tôi thấy rõ như hiện tiền
Nỗi đoạn trường nàng trào dâng khóe mắt hôm nao
 
Sao người không hề lên tiếng
Khi tôi quay lưng với ánh mắt vô tâm
            (VHT phỏng dịch)
 
Bài hát không gọi về hình bóng một người nữ nào trong hồn tôi, chỉ thấy bập bùng một nỗi ray rứt không nguôi. Về một thứ vô hình nhưng trói buộc, xa khuất mà vẫn hiển hiện từ tâm, thứ mạng lưới không có dây đan, thâm trầm trói kín. Như Hương âm. Như tiếng quê nhà một ngày u mù tháng tư bật dậy. Như tên gọi Hibiki, giọt vàng óng chảy dài theo thực quản sau khi bào xước tê dại đầu lưỡi và cơn hậu chấn bốc rần vị giác từng vị ngọt.
Tôi nhớ những đêm đối ẩm với nhà văn Lê Lạc Giao. Anh thật lãng mạn và tài tình khi gọi tên chai rượu whiskey Nhật “Hibiki” là Hương Âm. Hibiki, tiếng Nhật 響, có nghĩa là cộng hưởng, hay âm vọng. Khi hơi men cộng hưởng cùng nỗi nhớ nhà bật lên một lời vọng, tiếng đó nào khác gì hương âm? Nghe anh Lê Lạc Giao nói chuyện tôi nhớ hàng dương liễu hát giọng Nhatrang những ngày mơn man gió, êm đềm sóng vỗ về đêm, vọng lại một thổ ngữ hiền hòa nơi người dân xứ biển, như âm tiếng khánh gõ nhịp hòa vang. Khánh Hòa. Tôi không cần biết nghĩa thật của Khánh Hòa là gì những giây phút đó, tôi chỉ muốn nhắm mắt rồi lăn dài trên bãi cát. Chút hương rêu, vị mằn mặn của muối lâng nồng dâng mũi. Tôi nhớ Nhatrang cực độ những lần nâng chén cùng anh.
Rồi tôi nhớ mẹ, nhớ tiếng buồn Nam Ai muôn thuở trong chiều mưa, những trận mưa khi rỉ rả, khi dồn dập bão bùng xứ Huế những lúc nói chuyện với nhà thơ Hoàng Xuân Sơn. Có đủ thăng trầm, chịu đựng trong giọng Huế của anh. Ký ức chiều Đông Am nhìn Cầu Hai trong màn mưa, mũi Chân Mây sương mờ cuối chân trời mồn một trở về một thời chinh chiến. Những người bạn bên trời lưu xứ, thân thiết mỗi lần nghe họ nói tiếng quê mình. Ôi hương âm. Gặp gỡ là những lần hồi tưởng, hương âm thành diệu âm, thứ nước cam lồ xoa êm nỗi nhớ. Chữ quê đi với chữ nhà thành quê nhà quen thuộc. Nhà, nơi có người ở, có họ hàng thân thuộc với nhau. Quê nhà là người, chính vì vậy. Người Việt xa quê nửa thế kỷ vẫn không tìm thấy quê nhà, muôn đời chốn mới vẫn là quê người.
 
ô kìa !
liền lạc xương da
hồng ân vẽ một quê nhà nắng mưa
Hoàng Xuân Sơn
 
Tôi đã quay lưng ra đi một chiều cuối tháng tư. Quê hương đó, xa tít đà 50 năm, buồn tênh, trong quyến rũ, trong mơ hồ. Có chăng một hương mật chạy về sau cơn cồn cào bức rách như hậu vị giọt Hibiki? Tôi vẫn mãi tìm. Chiều nay nghe Insensatez, ngang ngang giọng Gilberto bỗng dưng quay quắt nhớ một chốn xưa đã không còn.
 
Ôi cô độc như sợi nắng chiều trong rừng ng.
Quê hương vn những đêm gấm. Bạn v trong chiu lụa.
Thi Vũ
 
 
VŨ HOÀNG THƯ
Đầu tháng tư năm thứ 50 lưu xứ. (2025)
------------------------------------------------------------
Insensatez (How Insensitive), Astrud Gilberto hát:
https://www.youtube.com/watch?v=GnOPih_ZB60