Thursday, October 7, 2021

NHỮNG BỨC ẢNH NHỨC NHỐI LÒNG NGƯỜI!

Nguyễn Quang Chơn
 
Cậu bé Syrie

Hai cha con mùa dịch
 
Một giải thưởng cao quí dành cho Ảnh Báo Chí là giải Pulitzer do ông Joseph Pulitzer, chủ bút báo New York World đề xướng trong di chúc của ông năm 1904.
Chiến tranh Nam Bắc VN đã có 3 giải với những hình ảnh rất đau lòng. Đó là bức chụp tướng Loan sau tết Mậu Thân. Bức cô bé Kim Phúc bị bom napalm đốt cháy, và bức ảnh một người đàn ông ôm đứa bé đã chết trên tay bên xe tăng gần biên giới Campuchia. Ba bức ảnh này đã đem lại vinh quang cho người chụp, đem lại đau xót cho người xem và đem lại đớn đau (lẫn buồn vui) cho người được (bị) chụp!...
 
Về cá nhân, tôi không thích những bức hình ấy. Nó có thể lên án chiến tranh nhưng nó cũng đã vô tình (hoặc cố tình) giúp sức cho những kẻ lợi dụng hình ảnh này để tăng tốc chiến tranh, ngạo nghễ giết hại đồng loại…
Và nói cho cùng, những bức chụp này chỉ có thể thực hiện và phổ biến ở vùng đất giao tranh và vùng đất tự do, chứ với những không gian độc tài, độc trị, đố Nick Út, đố Eddie có được một nửa bức ảnh sinh động như trên mà kiếm giải!…
 
Gần đây có một bức hình mà khi xem, tôi đã không cầm được nước mắt. Đó là hình em bé Syrie trên bờ biển Bodrum Thổ Nhĩ Kỳ. Em bé vượt biển di dân cùng cha mẹ, và kết quả thế nào không biết, nhưng hình ảnh em chết nằm úp, khuôn mặt nghiêng một bên, mang giày thể thao, áo thun đỏ, mông nhô cao. Hiền hoà làm sao, thiên thần làm sao. Em như đang yên ngủ…
 
Tuổi tác, vóc dáng, áo quần của em rất giống một đứa cháu của tôi, và có lẽ cũng giống cháu của nhiều người khác nữa trên thế giới. Vì thế nó đã gây cho tôi niềm xúc động lạ thường. Và tôi mong rằng sẽ không có giải được trao cho người chụp, chỉ mong bé được yên ả vui chơi tại một cõi trời uyên nguyên nào đó như vẻ yên bình hiển hiện trên khuôn mặt trong sáng của em!...
 
Và gần đây nhất, cuộc tháo chạy “về quê” của hàng ngàn lao động tạm trú làm ăn, sinh sống tại Sài Gòn, khi “công trình” ngăn chận triệt để con virus vũ hán bất thành. Hàng trăm hình ảnh về cuộc “ra đi” bất đắc dĩ, đầy đau thương này toả khắp trên mạng xã hội, trên truyền thông, báo chí. Nhưng không hiểu sao lòng tôi quặn thắt khi xem bức hình khuôn mặt hai cha con trên đường “tháo chạy”. Cô bé cỡ chừng 5 tuổi, ôm cổ cha sau xe máy. Cả hai đều đội mũ bảo hiểm, mang khẩu trang che kín mũi miệng chỉ chừa đôi mắt. Chỉ có hai đôi mắt thôi, nhưng hai đôi mắt thất thần nhìn về phía trước, vô vọng, hoang mang, đã nói lên tất cả mọi nỗi niềm!...
 
Tôi thương người cha quá. Tôi yêu cô bé quá. Đôi mắt người cha buồn đăm đăm nói lên điều gì về con đường đang đi, về tương lai mờ mịt của gia đình? Và bé con, với tuổi này, làm sao con biết cuộc đời là sướng hay khổ, là vui hay buồn? Mà sao ánh mắt con mang mang vô vọng, một chút sợ hãi, như đã mơ về một ông bụt xuất hiện mà không có bụt, chỉ thấy cô hồn cát đảng, với quỉ và ma!…
 
Về nghệ thuật, phải công nhận đây là một cú bấm máy với ánh sáng, bố cục, con người tuyệt đẹp. Lần này tôi muốn trao giải cho người chụp lẫn người bị chụp!...
 
NGUYỄN QUANG CHƠN
05.10.21 

No comments:

Post a Comment