Saturday, August 14, 2021

GẶP LƯ Ở TUY HÒA

Huyền Chiêu
 
Phạm Ngọc Lư. Huyền Chiêu vẽ
 
Chén rượu quê người sao mà bạc
Ân tình đất khách lắm đa đoan (Phạm Ngọc Lư)
 
Thuở trai trẻ, Lư từ Huế vào dạy học ở Củng Sơn, xứ ấy ít ai dám đến nhận nhiệm sở.. Củng Sơn là một  quận miền núi, heo hút,  nằm dựa lưng vào dãy Trường Sơn cách Tuy Hòa khoảng  ba mươi cây số:
 
“Bốn phía rừng xanh màu nước độc
Đông tây nam bắc núi chận đường
Một lũng đất bằng khu chén nhỏ
Trói chân ta vào chân  Trường Sơn (1)
 
Thời đó,  ít ai dám xuôi con đường độc đạo từ Củng Sơn xuống Tuy Hòa. Chiến tranh đang hồi ác liệt và thầy giáo Phạm Ngọc Lư đành:
 
“Bó đời ta trong manh chiếu rách
Đêm nằm mộng lớn nuốt mộng con
……………………………………..
Nằm chi đây, thân tàn đất trích
Chờ ai  đây, đói lả chết mòn (1)
 
Nhưng cũng nhờ cái xứ  “Canh khuya cọp gầm vang núi  Lá” (1) ấy mà chúng ta có được tuyệt tác “Biên Cương Hành” của Phạm Ngọc Lư.
 
Trong phim Cầu Sông Kwai, ở cuối phim, hình ảnh người  bác sĩ quân y gầy gò,  đứng than thờ,  lặng  nhìn dòng sông loang máu hàng trăm xác lính, những xác người mà ông đã từng  tận tụy cứu chữa  trước đây khi họ bị thương cứ làm tôi nhớ mãi.
 
  không cầm súng, nhưng nơi đất trích Củng Sơn, chứng kiến thảm kịch máu đổ vì bom đạn cứ tiếp diễn ngày nọ qua ngày kia một cách phi lý, trái tim anh đã nghẹn ngào nhỏ lệ:
 
“Đây  biên cương ghê thay biên cương!
Tử khí bốc lên dày như sương
Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu
Rừng núi ơi, ta đến chia buồn
Buồn quá giả làm con vượn hú
Nào ngờ ta con thú bị thương”
…………………………….
Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt
Núi chập chùng như dãy mồ chôn
Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
Thổi lấp rừng già bạt núi non” (2)
 
Thơ Lư thật buồn và… khổ nữa. Lư muốn đời mình trôi đi như dòng nước nhưng dòng sông của Lư lúc nào cũng  như muốn ngừng lại ở những bến sông buồn bã nhất:
 
“Chảy đi chảy đi
Hỡi sông buồn lắm
Nước thôi chờ chi
Thuyền xưa đã đắm
……………………..
Chảy mau chảy mau
Đời  nông tình cạn
Mà nước quá sâu
Trăm chiều khổ nạn
………………………
Đưa ai tiễn ai
Phai hình mất bóng
Khổ lắm người ơi
Qua sông mất nón (3)
 
Sau 1975, dòng sông của Lư  lênh đênh đưa  Lư vào tận Long Khánh. Chàng quyết chí “Ra đi mưu cầu y thực” (5). Chợ Long Khánh là nơi Lư thử thời vận:
 
“Ngày mấy bận áo khô áo ướt
Trời trớ trêu chợt nắng chợt mưa
…………………………………
Ma xui quỷ khiến ra ngồi chợ
Bán gió rao trăng một núi dừa!
……………………………..
Bán mua mua bán người đen trắng
Hơn thiệt thiệt hơn thói lọc lừa.
 
Không thành công trên đường kinh doanh …dừa,  Lư chán ngán ngồi uống rượu:
 
“Uống say ném áo ..lên nóc quán
Hết nợ hết duyên vĩnh biệt dừa” (4)
 
Lang thang mấy bận, lần này trở về Phá Tam Giang  lòng Lư nặng trĩu:
 
“Mười năm dong ruổi mòn đất khách
Về cố hương chiều xế nắng tàn
Bỏ nón, tháo giày, xăn tay áo
Rửa phong trần thẹn với Tam Giang”
………………………………..
Mưa miền Nam nắng miền Nam
Trông mây thấp thỏm, nghe gió bàng hoàng
Mười mấy mùa trôi qua không nhớ
Quá đỗi mưa đau
Quá nhiều nắng khổ
Lẽ nào trời bỏ ta chăng?
……………………………..
Thôi rửa hết phong trần nơi bến vắng
Để trở về đứng khóc dưới hương quan” (5)
 
Anh Khuất Đẩu và tôi gặp Lư lần đầu ở nhà Nguyễn Lệ Uyên. Nhà Nguyễn Lệ Uyên ở tận Hòa An cách ga xe lửa gần năm cây số. Anh Nguyễn Lệ Uyên đón và chở tôi, một ông xe ôm chở anh Khuất Đẩu. Xe chạy băng băng qua những cánh đồng lúa chín vàng. Xa xa núi Chóp Chài in bóng.
 
Xe ngừng đã thấy Phạm Ngọc Lư đứng đón trước cổng nhà. Lư dáng thư sinh nho nhã, áo sơ mi trắng cài khuy trịnh trọng. Trong không gian thoảng mùi hương lúa, dưới bóng cây mận già, trong nếp nhà cổ kính, mọi người vui mừng  như đã  quen nhau từ lâu .
 
Chị Hoa, vợ anh Nguyễn Lệ Uyên rủ tôi đi chợ. Bữa cơm có đậu rồng hái trong vườn nhà, có rau lang luộc mọc đầy dưới gốc mai, có cá lóc um chuối non.
 
Chiều xuống có thêm vài người bạn của Nguyễn Lệ Uyên đến đến chơi bàn luận chuyện văn chương ngày tháng cũ, uống rượu với nem Ninh Hòa  và nghe Phạm Ngọc Lư ngâm thơ. Lư vốn con nhà nho, giỏi thơ Đường, biết làm bài Hành, bài Phú  vì vậy giọng ngâm mang vẻ hào sảng của  một “Nho sinh  lỡ vận”:
 
“Ta mím môi chỉ Tam Giang thề hẹn
Không là Tương Như mà khí khái dâng tràn”
Bước xuống thuyền nhìn trời cao dõng dạc:
Gõ mạn thuyền ngâm khúc Hành Phương Nam”
……………………………………………..
Phá Tam Giang ôi Phá Tam Giang!
Gió hiu hiu sóng gợn mơ màng
Nước vẫn mặn mòi mây quen thuộc
Sao lòng ta sóng ly tan” (5)
 
Trời khuya, rượu cạn, chàng nho sinh bỗng biến thành cuồng sĩ:
 
“Cô hồn một lũ nơi quan tái
Có khi đã hóa thành thú muông
Cô hồn một lũ nơi đất trích
Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng”
………………………………
Sát khí đằng đằng rừng dựng tóc
Ma thiêng còn ngán bọn cô hồn” (2)
 
Lư có  bề ngoài hiền lành, nhỏ nhẹ nhưng trò chuyện lâu mới hiểu tính anh rất cương trực, ghét thói xu thời.
 
Mờ sớm, mọi người đã dậy, cùng ngồi bên nhau dưới gốc mận trong sân vườn,  ăn chén cháo nóng chị Hoa nấu, uống với  Nguyễn Lệ Uyên chén trà tạm biệt.
Xe taxi đón Lư anh Khuất Đẩu và tôi xuống bến xe đò. Đưa tay vẫy chào chúng tôi, Lư bước vội về hướng bến xe Đà Nẳng.
 
Sáng hôm ấy Tuy Hòa cuối  tháng giêng trời  thật đẹp. Ngồi trên xe, tôi lật vài trang trong tập thơ Đan Tâm mà Lư vừa tặng. Gặp mấy câu thơ đọc thấy lòng rưng rưng:
 
“Chong đèn thức với mưa khuya
Hồn thơ xác chữ đầm đìa mưa xanh
Mộng con mộng lớn tan tành
Chỉ còn bút mực đan thanh tươi màu” (6)
 
Ninh Hòa 4 tháng 5 2016
HUYỀN CHIÊU
 
(1) Đất Trích
(2) Biên Cương Hành
(3) Bên Sông
(4) Ngồi Chợ
(5) Trở Về Phá Tam Giang
(6) Chỉ Còn Đan Tâm
 
 
Trở về phá Tam Giang 
thơ PHẠM NGỌC LƯ
 
Phá Tam Giang phá Tam Giang!
Gió hiu hiu sóng gợn mơ màng
Trời vẫn xanh màu xanh cố cựu
Mây trầm ngâm khói nước miên man
 
Mười năm rong ruổi mòn đất khách
Về cố hương chiều xế nắng tàn
Bỏ nón, tháo giày, xăn tay áo
Rửa phong trần thẹn với Tam Giang
 
Kè đá rêu xưa ngâm bến cũ
Còn người đi người đợi đò ngang
Còn xóm chài lưa thưa mành lưới
Còn nhấp nhô thuyền thúng thuyền nan
 
Không còn người chèo đò năm xưa tóc bạc
Cô lái đò chiều nay trán nhăn
Trừng mắt nhìn ta trách móc:
“Mười mấy năm chú mới về làng!”
 
Mười mấy năm? Phải rồi, ta quên mất!
Cái thuở áo cơm trở mặt phũ phàng
Điêu đứng năm Mùi ra đi năm Tuất
Ra đi mưu cầu y thực
Trở về nặng trĩu gian nan
 
Nhớ buổi ra đi thân tình đưa tiễn
Vợ xếp câu thơ chị gói khúc đàn
Đệ tử mươi người tung hô dâng rượu
Thôn nữ vài em gởi gắm gió trăng
Mẹ tóc trắng nhìn theo lặng lẽ
Con tóc xanh hai đứa dùng dằng
Ta mím môi, chỉ Tam Giang thề hẹn
Không là Tương Như mà khí khái dâng tràn
Bước xuồng thuyền nhìn trời cao dõng dạc
Gõ mạn thuyền ngâm khúc Hành phương Nam
 
Hành phương Nam, hành phương Nam!
Mười mấy năm tấm cám thau vàng
Thấp cao danh lợi
Chí khí dở dang
Tơi tả bao phen buồn thân thế
Đắng cay mấy bận khiếp hồng nhan
Mưa miền Nam, nắng miền Nam
Trông mây thấp thỏm, nghe gió bàng hoàng
Mười mấy mùa trôi qua không nhớ
Quá đỗi mưa đau
Quá nhiều nắng khổ
Lẽ nào Trời bỏ ta chăng?
Đọc thơ Nguyễn Bính chua tâm sự
Đọc lại thơ mình thẹn gió trăng
Chén rượu quê người sao mà bạc
Ân tình đất khách lắm đa đoan
 
Chiều nay về… bên phá Tam Giang
Phía bờ Đông vẫn xóm vẫn làng
Mười mấy năm còn ai trông ngóng
Mười mấy năm mỏi mòn ước vọng
Mẹ có thương con gió bụi lầm than?
Chị có xót em một đời thất chí?
Em không buồn ta?
Sao lòng ta phai nhạt đá vàng!
 
Phá Tam Giang, ôi phá Tam Giang!
Gió hiu hiu sóng gợn mơ màng
Nước vẫn mặn mòi mây quen thuộc
Sao lòng ta sóng gió ly tan
Xin xấu hổ với lời thề ngày trước
“Không công danh bất phục hoàn!”
Xin biết ơn cô lái đò nhân hậu
Còn thương ta mời ta quá giang
Thôi rửa hết phong trần nơi bến nước
Để trở về đứng khóc dưới hương quan!
 
PHẠM NGỌC LƯ,
1996
 
Phạm Ngọc Lư
 
Phá Tam Giang

No comments:

Post a Comment