Sunday, February 10, 2019

TRI ÂN


Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

… ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế

     “Trời trở lạnh…” Danh lẩm bẩm như vậy rồi bật cười. Ba mươi độ C, vậy mà gọi là lạnh ư? Chắc mình sắp thành cụ già rồi! Anh nhớ bà ngoại anh, cứ vào tháng cuối năm là bà “quàng quấn” rất kỹ. Bà nói: “Trời trở lạnh…” Còn anh, hiện giờ vẫn chưa thấy mình cần phải mặc thêm gì nhiều. Cuối năm, trời có hơi mát hơn một chút, thấy thoải mái, chứ không thấy lạnh.
     A! Nhưng có một điều Danh để ý. Đó là cảm giác nhức trong xương. Nhức xương, nghĩa đen hoàn toàn. Thuở nhỏ anh nghe cha mẹ nói người già yếu hay nhức xương lúc trở trời. Anh có là người già yếu không? Anh đứng lên, nhìn mình trong gương. Mình… vẫn trông như một thanh niên đấy chứ! Rồi anh thở dài, bật cười: “vẫn” có nghĩa là “không còn” nếu suy ra.
     Lắm khi anh có những ý nghĩ vòng vo như vậy. Cũng vui, anh tự an ủi. Cuộc đời mình còn có gì đáng nói? Có chăng là những phút giây hoài niệm về một thuở xa xăm. Có xa lắm không? Bốn mươi mấy năm thôi!
     Anh vói lấy đôi nạng, bước ra ngoài. Ngay trước cổng, anh thấy trên cành của cây mai đã có những nụ hoa bé tí xíu. Lòng anh chợt rộn ràng chút cảm giác của tuổi mới lớn. Ôi, điều gì làm mình cảm động đến thế này? Có phải đất trời vẫn cứ bước đi theo nhịp của thời gian? Vậy thì không có cớ gì con người dừng lại.
      Ghé thăm anh bạn cái đã. Giờ này lớp học của Toàn đã xong rồi. Đúng vậy, Toàn đang sắp xếp mấy cuốn sách trên bàn cho ngay ngắn. Nghe tiếng động, bạn nhìn ra, nói ngay:
      “Là Danh đó hở?”
      “Ừ.”
      “Tôi mới xong. Vào đây uống chút cà phê đi ông.”
      Danh đùa:
      “Giờ này thì uống rượu chứ uống cà phê gì?”
      “Rượu thì cũng có.”
      Danh ngồi xuống bên bạn, cười:
      “Nói vui thôi, tôi uống chút trà có sẵn đây được rồi. Ông biết đó, tôi có thích rượu đâu! Nếu có, thì tôi chỉ muốn có…”
      Toàn ngắt lời:
      “Rượu Trung Sơn phải không?”
      “Phải.”
      “Hai thằng mình giống nhau.”
      Toàn đứng lên pha hai tách trà, bằng một tay. Rồi Toàn khề khà ngâm thơ:
      “Có rượu Trung Sơn cho lũ tớ,
      Tỉnh ra hỏi đã thái bình chưa.”(*)
      Danh cười vang:
      “Nghe cứ như ông lão.”
      “Không ông lão sao được? Trên sáu mươi rồi ông ạ!”
      Cả hai im lặng. Danh mở một cuốn sách trên bàn ra đọc. Còn Toàn vặn cái máy CD để nghe một bài nhạc cũ. Họ vẫn như thế, nói ít. Có khi họ ghé nhà nhau, cũng chỉ để ngồi yên lặng, mỗi người một việc.  Nhưng Danh cảm thấy mình rất may mắn còn có người bạn thân như thế này, cùng lớn lên ở một làng quê nghèo, cùng lên Sài Gòn đi học, cùng đi lính…
       Toàn bây giờ có một lớp kèm trẻ. Học phí có khi là tiền, cũng có thể là bánh, xôi, gà, vịt… Phụ huynh có gì gửi nấy, thầy giáo hoan hỉ nhận. Toàn đã sống như một thầy đồ xưa. Còn Danh ngày ngày phụ vợ mua bán lặt vặt kiếm tiền để sống, “giật gấu vá vai” qua ngày.
      Toàn bỗng cất tiếng:
      “Danh, ông với tôi đi đến nơi này nhé, tôi muốn biết…”
      “Biết gì?”
      Toàn cho Danh xem lá thư của một người bà con, gửi qua bưu điện. Nghe nói thời buổi này người ta dùng internet, email gì đó, tiện lợi lắm, nhưng họ còn dùng thư kiểu cũ. Danh lướt nhanh bức thư. Toàn hỏi:
      “Ông đi chứ?”
      “Đi.”
      “Quyết định nhanh thế?”
      “Phải. Vì cái địa chỉ này, Nhà Thờ này. Tôi muốn trở lại nơi đó.”

***
       Trở lại, vâng, Danh đã trở lại! Chốn thân quen này chìm sâu trong tâm tư lâu lắm rồi, tưởng đã quên mất. Nhưng nay nhìn thấy lại như được trở về cái thời học sinh của mình, không phải là xa xăm, mà gần gũi lắm, hiển hiện trước mắt. Danh thấy mình là cậu học sinh áo trắng quần xanh, tay cắp cặp vở mới tinh, đi thơ thẩn trong sân nhà thờ sau những buổi học chiều. Anh thường đứng ở cửa bên hông, nghe những lời giảng của vị linh mục già. Rồi anh đi vòng ra phía hang đá có tượng Đức Mẹ Maria đứng chắp tay như cùng cầu nguyện với con người. Quanh chân tượng, người ta đã đặt những bó hoa, những tấm biển nhỏ với các dòng chữ tạ ơn Mẹ.
       Cũng nơi đây, có khi anh dõi mắt nhìn theo một tà áo trắng. Cô bạn chắc cũng là học sinh như mình, tan trường vào đây cầu nguyện. Không hẹn mà hai người thường đến trước hang đá cùng một lúc. Có khi họ như không để ý đến nhau, hòa lẫn vào đám đông. Có khi, trong vài phút giây tĩnh lặng, họ thoáng nhìn nhau, như nhận ra nhau quen thuộc. Anh hơi mỉm cười, khẽ gật đầu chào. Cô bạn cũng hơi mỉm cười, gật đầu chào lại. Vậy thôi. Ngày tháng trôi qua. Rồi đến ngày anh đi lính. Họ mất nhau.
Anh thở dài. Mình đã gặp biết bao nhiêu người trong đời, và cũng đã mất biết bao nhiêu người. Nhưng tự dưng đứng trong khung cảnh này anh thấy rất nhớ cô bạn nhỏ ấy.
       Toàn xuất hiện phía con đường dẫn vào dãy nhà lớn, gọi:
       “Danh, vào đây mau!”
       Danh đi theo Toàn. Trong khuôn viên Nhà Thờ đã có khá đông người. Danh như khựng lại trước cảnh ấy. Bỗng chốc Danh tưởng như mình đang ở trong một bệnh viện, mà những người trước mặt mình đây là những bệnh nhân. Chính xác hơn, là trong một quân y viện, và họ là những thương bệnh binh. Ý tưởng chạy vùn vụt về một thời máu lửa. Những tiếng hò hét khi ra trận… Những tiếng đạn bom vang rền nhức tai… Một thời máu xương… Một thời bạn bè gục ngã… Và Danh, Danh chạy lên một ngọn đồi,   Danh vác một anh bạn bị thương trên vai mình, chạy băng băng về lều cứu thương. Đạn réo bên tai.   Tiếng người bạn rên siết đớn đau nghe quặn ruột. Ráng lên! Ráng lên! Gần tới nơi rồi. Mày phải sống! Danh nghe một cái gì chém thật ngọt ở chân mình. Anh quỵ xuống. Chuyện gì vậy? Chúa, Phật ơi, sao đau thế này? Bây giờ mới biết cái đau là thế nào. Mắt tối lại. Và hết, không còn cảm giác gì nữa…
       Danh đứng lặng trong vài giây mà nghe lâu như mấy mươi năm. Đúng là mấy mươi năm, cảm giác đã trở lại. Đau lắm! Anh nhìn xuống chân mình, nơi thiếu mất lâu nay.
       Chưa tìm thấy một người nào quen, trừ Toàn. Nhưng bỗng Danh đi nhanh đến chào từng người. Danh muốn ôm hết tất cả họ trong vòng tay của mình. Anh em tôi đây mà! Nếu có một ai đó mình đã từng quen, chắc cũng khó nhận ra ngay. Bởi ai cũng khắc khổ, yếu mòn, phong sương. Mấy mươi năm dãi dầu, cực khổ, đâu còn nét thanh tú, đâu còn dáng nhanh nhẹn, hào hùng.
Và… cũng đã có người quen. Người nhận ra trước không phải là Danh, mà là một người mù cả hai mắt.   Nghe câu chào của Danh, người ấy nhướng đôi mắt, chỉ là hai cái hố sâu hoắm, hơi nghiêng đầu, có lẽ vì một bên tai đã bị điếc, rồi thốt lên:
      “Có phải… là Danh không?”
      Danh hỏi lại:
      “Phải… Còn anh, xin lỗi, anh là… ôi, là Nghi phải không?”
      “Phải, Nghi đây!”
      “Tôi cũng nhận ra nhờ giọng nói.”
      “Đúng rồi! Chỉ nhờ giọng nói thôi. Danh nhìn tôi đi, không còn gì của ngày xưa phải không?”
       Đôi mắt của Nghi càng nhướng thêm như cố gắng nhìn người bạn cũ. Danh ôm chặt lấy bạn. Cái hình hài xa lạ ngồi trên chiếc xe lăn với đôi chân không còn, với đôi mắt không còn, là bạn mình, là người bạn cùng lăn lóc trên chiến trường với mình. Hai người không gặp lại nhau từ khi Nghi chuyển về đơn vị khác. Và cũng đã bặt tin nhau sau cái ngày định mệnh tháng Tư. Vâng, sau ngày đó, nhiều người đã không còn thấy lại nhau, do thiếu liên lạc, do cuộc sống khó khăn, ai cũng phải trần thân kiếm sống. Nhiều lý do lắm. Họ tự trách, nhưng cũng không làm được gì hơn.
      Toàn cũng đến bên Nghi, ôm lấy bạn. Cũng nhờ giọng nói, Nghi nhận ra Toàn. Và, bằng một giọng khôi hài, Nghi hỏi:
     “Sao ông ôm tôi có một tay?”
     Toàn trả lời:
     “Thì có một tay.”
     “Ông đưa cho tôi hết cả hai tay coi nào!”
       “Có đâu mà đưa?”
       “Ha ha, hiểu, hiểu.”
       Nghi quay qua Danh:
       “Ông này thì còn đủ hai tay, nhưng đưa cho tôi mượn bớt cây nạng.”
       Danh đấm nhẹ vào lưng Nghi, cười vang:
       “Ha ha, không thoát khỏi đôi mắt thần của ông.”
        Ba người bạn vui quá, không nén được những tiếng cười hân hoan.
        Mọi người được mời vào một khoảng sân rộng, nơi đã kê sẵn những chiếc bàn vuông và ghế nhựa.    Cùng với họ, những người khác cũng lần lượt đến ngồi. Có những người đã đến bằng xe lăn như Nghi thì ngồi luôn ở xe lăn. Kìa, một người mất cả hai chân đã dùng hai chiếc ghế đẩu thấp cột vào chân để làm “chân giả” khi di chuyển. Kìa, một người mù đang đi nương theo vai của đứa con trai, mà trên hai vai của ông thì vắt vẻo hai xâu bàn chải. Hôm nay hẳn là ông đã bỏ một buổi đi bán hàng rong để về tham dự buổi tiệc này. Và kia, một người mang theo cây đàn ghi-ta, đang ngồi so dây để chuẩn bị một bài hát. Đây có phải là một trong hàng ngàn người “nghệ sĩ đường phố”, “nghệ sĩ bến xe”, “nghệ sĩ bến phà” ngày ngày đàn hát những bài nhạc quê hương để kiếm sống, mà cũng để hoài niệm về một quê hương đã mất? Họ đang đứng trên mảnh đất quê hương của họ, nhưng đã trở thành kẻ xa lạ khi xã hội không dành cho họ một chút tình thân.
      Những câu hỏi han, những lời mừng rỡ khi nhận ra nhau, cùng ngưng lại khi vị linh mục bắt đầu lời chào. Một bài diễn văn ngắn gọn nhưng rất xúc động. Là thông điệp của tình thương. Là sự tri ân dành cho họ. “Tri Ân Quý Ông Thương Phế Binh VNCH.” Đã nghe câu này khi người bạn loan báo. Vậy mà khi nghe trực tiếp từ vị linh mục, Danh thấy một cảm giác rất lạ đến với mình. Mình có nghe lầm không? Bốn mươi năm trên quê hương xa lạ của mình, có bao giờ nghe ai nói đến “tri ân người lính VNCH” hay “tri ân người thương phế binh VNCH” đâu! Ngày ba mươi tháng Tư năm 1975 chúng tôi bị đuổi ra khỏi các quân y viện, người mù cõng người què, người còn sức cõng người đuối sức, rất nhiều người không có tiền về quê nhà xa lắc, đã phải sống như những người hành khất. Từ đó đến nay chúng tôi như bị đặt ngoài lề xã hội. Tệ hại hơn, chúng tôi bị gọi là “có tội với nhân dân.” Chúng tôi sống nương nhờ gia đình nếu may mắn còn có gia đình. Chúng tôi sống bên cạnh sự bạc bẽo của xã hội. Chúng tôi sống thiếu bạn bè. Và vì cuộc sống lam lũ, chúng tôi đã thu mình lại. Chúng tôi làm lao động, khuân vác, làm ruộng, làm ông đồ, đi hát dạo… Đôi lúc gặp lại bạn bè, thấy có anh thất chí, có anh uống rượu quên đời, nhưng đa số chúng tôi vẫn giữ lòng tự trọng, vẫn luôn muốn đứng thẳng trên đôi chân dù đã mất của mình. Chúng tôi vẫn muốn sống, sống có ý nghĩa.
      Nhìn quanh đây, những con người thương tật. Họ đã có một khoảng đời đẹp cống hiến cho đất nước. Khi đó, họ là những thanh niên tràn đầy sức sống. Một ngày, họ ngã xuống, gửi xương thịt mình vào đất. Họ trở thành thương phế binh. Chúng tôi, những học trò chăm chỉ ở ghế nhà trường, thuộc lòng những vần thơ của người xưa…
“Có rượu Trung Sơn cho lũ tớ,
Tỉnh ra hỏi đã thái bình chưa.”
       Danh không uống, chỉ mong có “rượu Trung Sơn” để uống cho say ngàn vạn ngày. Vâng, chúng tôi như “lão say” Nguyễn Khuyến, sống lặng thầm mong chóng qua giấc ngủ bốn mươi năm, hay còn phải qua bao nhiêu năm nữa…
       Bây giờ thì cũng có rượu, nhưng là một chút rượu nhẹ được dọn ra trong bữa cơm. Những người mang thức ăn tới mời các thương phế binh là những bạn rất trẻ. Chắc chắn họ là những tình nguyện viên. Họ không chỉ đơn giản là làm việc bác ái, mà hẳn còn do tấm lòng tri ân. Họ đến từ nhiều môi trường trong xã hội, từ mọi tôn giáo, theo lời của vị linh mục.
      Trước khi ra về, mỗi người được tặng một phần quà. Vị linh mục cho biết đó là tấm lòng của những người trong nước và ở hải ngoại đóng góp. Danh nhận phần quà của mình từ một tình nguyện viên.   Người phụ nữ này trạc tuổi Danh. Khi chị mỉm cười, cúi đầu và nói “cám ơn anh”, Danh bàng hoàng, tâm trí chạy vùn vụt về những ngày tháng cũ, như một cuộn phim. Những ngày vui vẻ hồn nhiên “mài đũng quần trên ghế nhà trường”, nghịch phá nô đùa, chọc ghẹo bạn bè. Những buổi chiều thơ thẩn nơi khuôn viên Nhà Thờ, mơ mộng nhìn theo một tà áo dài trắng. Những ngày trong quân trường, bạn bè là những chàng trai cùng từ giã mái trường như mình. Những ngày lăn lóc trong chiến trận, cái sống gần ngay bên cái chết. Những ngày trong quân y viện, nỗi đau đớn khôn cùng, mất mát một phần thân thể.  Những năm tháng lam lũ chốn quê nghèo… Nhưng mình vẫn sống, vẫn chống chịu.
       Danh bỗng bật khóc. Nước mắt anh dào dạt rơi. Ô hay, khi mất cái chân, anh đã cắn răng chịu đựng, nào có nhỏ một giọt nước mắt! Thế mà giờ đây anh lại khóc. Anh khóc trước nghĩa tình “tri ân.” Anh biết mình, và các bạn mình, không cô đơn. Những tấm lòng “tri ân” đó sẽ giúp anh và các bạn anh đứng vững “trên những đôi chân đã mất” của mình.
      Trên những cành cây trong sân Nhà Thờ, anh thấy vô số chồi non. Mùa xuân sẽ đến!
(*) Thơ Nguyễn Khuyến

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Thư Quán Bản Thảo, số 78, tháng 2/2018

No comments:

Post a Comment