Thursday, August 25, 2016

TẢN MẠN BTCP. TỪ NHỮNG GIỌT MƯA…


nguyễn xuân thiệp

Trần Vàng Sao

Mấy hôm, bỗng nhiên nhận được nhiều thư của bạn bè ở Vỹ Dạ Huế thời gia đình Phật Tử Chơn Tuệ, lòng mình chợt bồi hồi nhớ lại những hình bóng xưa. Buổi sáng, trời Garland lại nhiều mây và có mưa thưa. Ngồi nhìn những giọt mưa rơi trên lá lại nghĩ tới Trần Vàng Sao với bài thơ Đứa Bé Thả Diều Trên Đồng Và Vắt Cơm Cúng Mả Mới. Không biết giờ này những giọt mưa có rơi trên cánh đồng trước trường Thế Dạ của mình và bạn bè?

Vâng. Nhìn những giọt mưa, nghĩ tới Trần Vàng Sao và tuổi nhỏ trên cánh đồng làng Lại Thế. Ôi, cả một thời bỗng sống lại. Lại thêm vừa được đọc email của Vĩnh Tiền bạn thời nhỏ nhắc tới Nguyễn Đính hồi ở gia đình Phật Tử mà mình là đội trưởng đội thiếu niên ở đó. Thì ra không có gì mất đi cả từ thời ấy. Vĩnh Tiền viết như sau.

“Nguyễn Đính có bút hiệu Trần Vàng Sao.  Đã đọc bài hồi ức những ngày bị các đồng chí đì cho tưởng phải ra nằm với cóc nhái, giun dế khi bị cô lập trong một căn nhà hoang, ruộng đồng ngập nước ngoài bắc và bài thơ "Tau Chưởi" trứ danh.  Trần Vàng Sao uất ức chán nản khi thấy rõ bộ mặt thật chế độ.  Thuở ấy, Trần Vàng Sao mặt vàng khè mắt tóe 36 ông sao "cứ vô được qua khỏi cầu Mỹ Chánh là cứt cả" (nguyên văn của Đính).  Còn nhớ Đính là Đồng Niên vì một lần đi trại liên đoàn khi về chùa Ba La.  Ngang trước trường Thế Dạ bắt gặp chú bé Đính trong y phục Đồng Niên hai tay xách đồ đi trại, cổ đeo cái mền tòn teng trước ngực như đeo máy ảnh khi chụp.  Phải sửa thế đeo qua hông cho Đính thoải mái.  Trao duyên tướng cướp thấy mà thương.”

Nhớ một lần mình có viết, thuở ấy ở Vương Phủ Vỹ Dạ có ba người làm thơ: Võ Ngọc Trác, mình và Trần Vàng Sao. Riêng cuộc đời Trần Vàng Sao buồn và oan khốc. Buồn và oan khốc. Đúng vậy. Buồn từ lúc tuổi còn thơ. Vì gia đình nghèo, cha chết sớm, mẹ tần tảo đầu sông cuối chợ. Mơ mộng của tuổi thơ chết theo cánh diều trên cánh đồng đầy những mồ mả… Trần Vàng Sao, tên thật là Nguyễn Đính sinh năm 1941, sống từ thuở ấu thời đến bây giờ tại phường Vỹ Dạ, thành phố Huế. Năm 1961 ông thi đỗ tú tài rồi vào Đại học Huế, tham gia các phong trào đấu tranh của sinh viên cùng thế hệ với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Ngô Kha. Từ 1965 đến 1970, ông lên chiến khu và công tác tại Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế, viết báo với các bút danh Nguyễn Thiết, Lê Văn Sắc, Trần Sao. Năm 1970 ông được đưa ra miền Bắc an dưỡng, chữa bệnh. Ở nơi đây, ông có viết nhật ký ghi lại những suy nghĩ của ông về cái gọi là ‘hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa’. Sau đó bị tố cáo, đấu tố và cô lập đến nỗi ông có cảm giác ông không còn được coi là con người mà đã thành ‘một con vật, một con chó’, theo như Hồi ký ‘Tôi bị bắt’ ông viết sau này.

Điểm qua như vậy ta thấy được Trần Vàng Sao là người yêu nước với tâm hồn ngây thơ trong sáng và nhiệt tình của tuổi trẻ nhưng rồi ông bị vỡ mộng khi nhìn thấy bộ mặt thật của Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa và sự tham lam, tàn ác và dã tâm của những người Cộng Sản. Những tác phẩm của ông như Hồi ký Tôi bị bắt (1976), Cương lĩnh chính trị diễn ca, Bài thơ của một người yêu nước mình (19-12-1967), Người đàn ông 43 tuổi nói về mình (1984), Buổi trưa giữa đường tôi ngồi núp mưa (1990), Tau chửi… là những bức tranh màu xám của xã hội đồng thời là bản cáo trạng lên án chế độ với “những con người bằng máy / đầy gân thiếu trái tim”.

Trở lại với bài thơ “Đứa Bé Thả Diều Trên Đồng…”  Bài thơ gây ấn tượng mạnh cho Nguyễn. Với Trần Vàng Sao, hình ảnh con diều bay trên cánh đồng, thương thay, không phải là hạnh phúc của tuổi thơ nữa. Bởi bên nó lởn vởn sự nghèo đói và những nấm mộ trên cồn đất cao. Cậu bé thả diều trong bài thơ nằm trên cỏ mà nhớ tới những miếng sắn khô luộc chấm với muối sống. Cậu đang đói. Muốn chợp mắt ngủ cho quên cơn dày vò của cái dạ dày nhưng không được. Cậu vẫn mở mắt nhìn con diều bay trên bầu trời. Nằm một lát thấy chán cậu đứng dậy đi lên cồn cao ngồi nhìn người ta đi cúng viếng mộ. Có cả trẻ con nữa. Chúng cũng nhìn theo cánh diều của Trần Vàng Sao. Bao nhiêu hình ảnh chập chờn trên cánh đồng tha ma. Và, mấy cây hương còn cháy trên vắt cơm cúng mả mới…

“tôi ngồi xuống đất
những hột cơm trắng và khô
tôi ăn cả tàn hương phẩm đỏ vào bụng
liệu ai ở nhà tôi chết có được một vắt cơm to
trắng thế này để trên mả không

tôi phủi hai bàn tay vào nhau
đến chiều gió rất to
hai cái đuôi con diều muốn đứt
nhưng tôi không còn dây nữa”

Rời khỏi cái không gian của tuổi thơ nghèo đói cô đơn, Trần Vàng Sao đi vào thời trung niên bão tố và bầu khí quyển ngột ngạt một thời sau khi đất nước chuyển mình đỏ rực. Bây giờ, ngày ngày ngồi nhìn cảnh nhà nghèo, Trần Vàng Sao lấy giấy bút vẽ Bồ Đề Đạt Ma.

Nghĩ tới cánh diều của Trần Vàng Sao rồi nghĩ tới tuổi nhỏ ngày nào. Tuổi nhỏ của Nguyễn ở Vương Phủ vậy mà còn có những ngày vui. Với hình ảnh cây bàng lá đỏ, mái ngói thâm nâu ở Vương Phủ, và con bé Thỏ ngày ngày cùng chơi đùa. Với cánh đồng trước trường Thế Dạ nhìn qua biệt thự Mai Trang có Diệu Uyển ở đó, với những buổi thả diều và đá banh cùng đám trẻ đồng trang lứa. Ký ức ơi, còn gì nữa? Còn những ngày sinh họat trong gia đình Phật Tử Chơn Tuệ ở chùa Ba La Mật. Còn đình làng Lại Thế với ao sen và bóng người đánh xe ngựa mặc áo màu vỏ lựu ngồi nghỉ chân uống trà. Còn nữa với những buổi tắm sông ở bến nhà Dạ Khê, những đêm trăng chạy chơi trong xóm. Một thời rong chơi với mái đầu húi cua rồi cũng khép lại. Xin cám ơn, cám ơn tuổi nhỏ của tôi.
NXT

No comments:

Post a Comment