Friday, February 28, 2014

CÂU LẠC BỘ KHAI TRÍ



Phòng đọc sách  của đồng hương atlanta hoạt động

Nguyễn Thị Thảo An



                                         Phòng đọc sách và thân hữu

    

                                                    Những người đến đọc sách

   Vào ngày Chúa Nhật,  lúc 10 giờ 30 phút sáng ngày 23 tháng 2 vừa qua phòng đọc sách của Câu Lạc Bộ Khai Trí đã chính thức bắt đầu hoạt động. Ngày đầu tiên mở cửa hoạt động không phải là ngày ra mắt hay khai trương CLB nên chúng tôi không mời khách, đây chỉ là ngày để người đọc sách bắt đầu đến đọc và mượn sách. Tuy vậy chúng tôi đã có khá nhiều những gương mặt thân quen đến viếng thăm, họ mang theo những tiếng cười và những trái tim ấm áp theo đúng nghĩa đồng hương.
   Từ sáng sớm, ông Cao Ngọc, một vị nhân sĩ thâm niên của cộng đồng đã đến chờ sẵn trước cửa văn phòng. Tuy là một thân hữu mới của nhóm Câu Lạc Bộ, nhưng ông mang đến cho chúng tôi những nụ cười tràn đầy nhiệt tình qua những câu chuyện kể về một thời quá khứ. Những câu chuyện về miền quê Miền Nam từ Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau,... Qua những mẩu chuyện hóm hỉnh, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên nhận ra ông là cả một kho tàng cho chuyện đồng quê Việt Nam. Ông giải thích tại sao mỗi một địa danh Miền Nam lại thường có chữ Long kèm theo, ví dụ như Vĩnh Long, Hàm Long, Long An. Ông nói, vì mỗi nơi vua Gia Long ngày xưa đi qua nên người ta đặt tên địa danh kèm theo chữ Long, vì Long là Rồng, một linh vật biểu tượng cho các vị đế vương. Tại sao Bến Tre lại có tên Cổ Chiên, Hàm Luông,.. Những mẩu chuyện của ông vô cùng hữu ích khi ông nói về những phương thuốc dân gian Miền Nam như cách sử dụng mật ong, dấm trắng, và về những kinh nghiệm trong đời sống Miền Nam và cả những thời quá khứ mà ông đã trải qua.
  Câu chuyện đang rôm rả thì Dung Krall, tác giả cuốn Ngàn Giọt Lệ Rơi bước vào. Đây là một gương mặt thân quen của đồng hương của tiêu bang Georgia. Chị mang theo một giỏ sách gồm 22 cuốn để mang tới tặng cho phòng đọc. Chúng tôi mở ra xem và phân loại ngay tại chỗ.
  Đang phân loại sách thì có một vị thân hữu mới là ông Đỗ Diễn Cam tới. Ông là người đầu tiên tặng 60 cuốn sách cho CLB ngay những ngày ra thông báo quyên sách trên báo. Đây cũng là một “con mọt sách” nên tuy mới gặp mà chúng tôi nói chuyện như người đã quen biết lâu. Thế mới biết sách vở đã kéo con người xích lại với nhau. Ông báo động, theo thống kê trong nước thì hiện nay bình quân mỗi đầu người chỉ đọc  có 0.7% cuốn sách trong một năm, có nghĩa là bình quân mỗi người Việt một năm chưa đọc hết 1 cuốn sách. Đó là một thực trạng rất đau lòng, cho thấy tình trạng dân trí xuống rất thấp. Điều này tương phản với một thống kê khác của chính quyền trong nước. Theo thống kê của ngành Giáo Dục, toàn quốc có 15,000 người đã được cấp bằng tiến sĩ, thạc sĩ vượt hẳn các nước trong vùng.
   Đang lúc vừa buồn cười vừa rầu rĩ về những thống kê trái ngược nhau thì anh Hương, chủ nhân nhà hàng Nam Phương tới. Anh là một thành viên của nhóm CLB vừa là một thân hữu nhiệt tình và là người có trái tim nhân hậu, bao dung với tất cả mọi người. Từ sáng sớm anh đã mang bao nhiêu là bánh trái, vật dụng tới cho mọi người điểm tâm. Chúng tôi uống trà và nói chuyện vui như tết.
  Câu chuyện chưa ra chuyện thì anh Minh tới. Rồi một vị khách nữa là chị Xuân Mai tới. Chị hỏi mượn cuốn Biến Động Miền Trung của Liên Thành. Anh Minh thì đem cho CLB một lô sách 20 cuốn và một số kinh Phật. Anh là một cư sĩ tại gia, một người mộ đạo, chuyên đọc kinh Phật nhiều hơn bất kỳ ai trong chúng tôi.
  Đang trò chuyện và nhâm nhi trà nóng thì anh Lê văn Thành tới. Món quà anh trao tặng kỷ niệm ngày thành lập phòng đọc sách là một bức tượng con rồng Việt Nam rất đẹp. Tôi nhìn dáng dấp nhận ngay ra đây là con rồng Việt Nam. Có lẽ rồng Việt Nam khác với rồng Tàu qua nét vẽ hay qua điêu khắc. Nhưng con rồng trong các đình chùa miếu mạo của Việt Nam đều thon thả, ốm o và khá dài, trong khi rồng Tàu tròn trịa, đầy đặn và ngắn hơn.
  Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh những vấn nạn Phật Giáo trong nước, rồi lan ra ngoài nước. Phật giáo ở Việt Nam có nguồn gốc lâu năm và mọc rễ rất sâu trong văn hóa Việt nên câu chuyện nói hoài không hết.
   Câu chuyện Phật giáo cuối cùng đành ngắt ngang khi có cô Dung tới. Cô là một nhân vật mà ai mới qua định cư đều biết. Cô làm việc cho sở An Sinh Xã Hội, và là một người có nhiệt tình với đồng hương qua những công tác xã hội, công tác cộng đồng.
  Cả hai vợ chồng người bạn mới của tôi, Dung Nguyễn ( tôi không thích gọi ngược tên của người Việt theo lối Mỹ nhưng vẫn phải gọi Dung là Dung Nguyễn để phân biệt với chị Dung Krall, Dung Vũ, Hạnh Dung), và anh Thắng đều đã bỏ công cả 1,2 ngày để đóng kệ sách, sắp xếp sách và trang trí.
 Buổi chiều hôm đó nhà thơ Nguyễn Ngọc Châu dẫn theo một nhóm bạn Ba Đứa Chúng Mình gồm có chú Phùng Quang Chiêu (cựu giám đốc IRC, mà hồi xưa đám dân tỵ nạn thập niên 80, 90 gọi đùa là IRC là hội Tôi Rửa Chén), và anh Cao Thọ Mân của văn phòng Việt Family Center. Anh họ Cao này tuy họ Cao nhưng lại không được cao cho lắm, nhưng ở đâu có anh là ở đó có tiếng cười.
Câu chuyện xoay quanh về vấn đề sách vở. Tôi kể về những nỗi khó nhọc của thày Võ văn Lượng, thày Lê Vũ Cứ, cô Hoàng Thị Toàn cùng nhiều người đã bỏ công ra ngồi phân loại và viết phiếu sách trong những ngày thời tiết giá lạnh từ ngày sau mùa Giáng Sinh năm ngoái. Câu chuyện làm thế nào để hình thành một cái phòng đọc sách, phòng sinh hoạt văn hóa cho đồng hương tại địa phương.
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Châu vẫn cứ phân vân trước một nan đề: Làm thế nào quản lý những cuốn sách quý, những cuốn sách bây giờ đã tuyệt bản? Làm thế nào để tránh nạn làm hư sách hay mất trang,...
Chúng tôi xin thưa, những cuốn sách quý đã tuyệt bản, hay những cuốn mới xuất bản, sách quý, sách hiếm chúng tôi đành yêu cầu quý bạn đọc chỉ đọc tại chỗ, phòng đọc sách mở cửa mỗi Chúa Nhật từ 10:30AM- 3:30PM. Còn vấn đề làm hư sách hoặc mất trang thì chúng tôi chỉ hy vọng vào ý thức của bạn đọc. Sự mất mát nếu có, chúng tôi đành phải chấp nhận. Bât kỳ một thứ vật chất nào trong trời đất đều có sự hao hụt của nó. Ví như một ly nước để trên bàn, dù chưa ai uống nhưng một vài giờ sau nước cũng sẽ không còn đầy vì bị bốc hơi. Nhưng sự thất thoát đó là cái giá phải trả vì đó là định luật của tạo hóa. Như con người qua thời gian hình hài thân xác cũng hao mòn vì già đi và chết. Con người chúng ta phải biết chấp nhận. Và vì vậy chúng tôi vui vẻ chấp nhận mọi sự thất thoát.
   Nhóm bạn BA ĐỨA CHÚNG MÌNH cuối cùng cũng ra về với những nụ cười tươi rói. Rất tiếc là anh Cao Thọ Mân chưa kịp hát bài Và Con Tim Đã Vui Trở lại để tặng cho chú Chiêu.
  Người khách cuối cùng trong ngày là ông cựu dân biểu Trần Quý Phong. Ông là người giàu có nổi tiếng của Sài Gòn trước 75. Sau 75, ông đi tù rồi qua Mỹ. Điều tôi ngưỡng mộ ở ông là phong thái an nhiên tự tại của một người từng có tất cả và rồi nay mất tất cả. Có lẽ tiền bạc đối với ông đúng nghĩa chỉ là một thứ phương tiện để sống. Đây là một điều rất hiếm. Đó là phong thái sống của kẻ sĩ trong thời loạn. Điềm nhiên và tự tại. Một phong cách của Đạo học Đông Phương mà lạ lùng thay một người học trường Tây, nghiên cứu triết Tây như ông lại đạt được.
   Ông nhắc về Hoàng Hải Thủy, công tử Rừng Phong và rất nhiều chuyện khác. Chúng tôi trò chuyện mãi không ngừng. Hôm nay, ông tuyên bố chính thức gia nhập làm thành viên của CLB. Thật là vui.
  Trời đã sập tối. Giờ đóng cửa đã trễ hơn 2 tiếng mà câu chuyện và những thân tình vẫn còn nồng ấm nên chúng tôi mời tất cả mọi người qua Nam Phương để dùng bữa tối trước khi ra về.
  Nhân bài báo này, chúng tôi xin chân thành cảm ơn anh Đỗ Xuân Quang (văn phòng Pro-Travel bán vé máy bay) đã gửi tặng một bộ Đặc san Sông Thu. Đặc biệt nhất là chúng tôi trân trọng cảm ơn văn phòng BPSOS đã vui lòng giúp chúng tôi có địa điểm để tạo cơ hội cho đồng hương có nơi sinh hoạt văn hóa thuận lợi.
Trân trọng cảm ơn quý vị đã đến với Phòng Đọc Sách Khai Trí.
TM. Ban Chủ Nhiệm
nguyễn thị thảo an

No comments:

Post a Comment