Thursday, October 10, 2013

TẠP BÚT ĐẶNG MỸ HẠNH


Nobody!
 


                                                                 Đặng Mỹ Hạnh

Đồng cảm - là một sự bắt sóng cùng “tần số” với ai đó. Nguồn gốc của từ “đồng cảm” (empathy) có từ những năm 1880, khi một nhà tâm lý học người Đức Theodore Lipps đặt tên cho một khái niệm chung “einfhlung”, nghĩa là cảm-thấy-từ-bên-trong (in feeling).

Bất chợt một ngày gió, tôi cảm giác cùng tần sóng với thi văn: 

“I’m nobody! Who are you?
Are you nobody, too?
Then there’s a pair of us - don’t tell!
……….”



                                                        Emily Dickinson

Emily Dickinson - một “nobody” - một khuôn mặt ẩn dật nhất trong nền văn học Mỹ. Tài năng, nhưng an phận. “I’m nobody! Who are you?” là một trong số khoảng 2000 bài thơ của bà. Tiểu đoạn của 4 câu thơ, tác giả tự nghĩ mình là “nobody”- một vô danh tiểu tốt. Đến khi, một “tần số” khác cũng tự nhận là “nobody” thì họ hiển nhiên trở thành “liên minh” của những tâm hồn vô danh. Emily Dickinson, hẳn nhiên đã không là nobody như bà tự mong muốn!

“Tôi là người vô danh tiểu tốt
Bạn là ai?
Cũng là kẻ vô danh tiểu tốt?
Vậy, ta sẽ thành đôi bạn tri âm…”

Như nỗi cô đơn của chàng Werther trong tác phẩm “Die Leiden des jungen Werther” của văn hào Đức J.W Goather. Cuộc đời, sự bấn túng cảm xúc trước cuộc sống. Chàng Werther đã chẳng thể chia sẻ điều này với bất kỳ ai, dù đó là những người chàng yêu thương nhất. Đứng nhìn. Ghi nhận. Bế tắc. Những ẩn ức. Và rồi chấm dứt cuộc đời như một sự giải thoát đau đớn. Trong suốt hai trăm năm sau khi tác phẩm ra đời, hội chứng tự sát như một hiện tượng “Hiệu ứng Werther” diễn ra trong giới thanh niên thời ấy. Cuốn tiểu thuyết gây “ấn tượng lớn, và thực chất sâu rộng” như chính lời luận bàn của tác giả J.W Goather.

 
Còn tôi. Tôi là lãng tử phiêu du trong chính hồn tôi. Yes, tôi cũng là một nobody - với nỗi cô độc - một cảm giác không thể gọi thành tên. Những suy cảm cứ mênh mang trong cảnh vực lẻ loi, nhưng đó là cảnh vực trong sáng, yên lành, thi vị và đầy sáng tạo. Một bạn đọc, thắc mắc rằng, “Cái thế giới riêng của ĐMH dường như trắc ẩn những ưu tư, cô độc đằng sau cái dí dỏm…” Tôi chỉ cảm giác, nếu không thể trốn chạy nỗi cô đơn, thì hãy tạm học cách… khóc bằng nụ cười!

Tôi bắt chước Hàn Mặc Tử, không Trăng thì bán… quách cái Cô đơn cố hữu. Nghiệt nỗi, cô đơn là cho đi mà không có người nhận (đừng nói bán!) Là muốn nhận mà chẳng ai cho. Cái triết lý huề tiền này tôi “lượm” được trên một trang mạng. Chưa hết, “Cô đơn là chờ đợi, mà cái mình chờ đợi chẳng bao giờ đến. Như hai bến bờ nhìn nhau và vẫn nghìn trùng xa cách bởi dòng sông…”




Tôi - một nobody, sẽ chấp nhận những nỗi cô đơn như một thứ gia vị của cuộc đời. Chuyển hóa, thăng hoa với nỗi cô đơn và nó trở thành một thứ cảm xúc thú vị - một khoảng lặng thinh cần thiết cho đời sống nội tâm. Marguerite Duras - nhà văn, đạo diễn Pháp danh tiếng. Năm 1984, Duras đoạt giải thưởng Goncourt với Người Tình (L’Amant), cuốn tiểu thuyết viết về cuộc tình nồng nàn lãng mạn giữa tác giả và nhân vật Huỳnh Thủy Lê là một chàng trai người Hoa sống tại Sa Đéc. Duras đã tuyên bố, “Không có cô đơn sẽ không có tác phẩm”. Thiếu cô đơn, người ta sẽ không thể biểu hiện cái riêng của mình. Chỉ có cô đơn mới (có thể) xác lập một cái nhìn cá biệt.  Sự tách biệt với thế giới quanh tôi, vẫn chưa hẳn là nỗi cô đơn thực sự. Một ẩn sĩ trong núi, chưa hẳn đã cô đơn nếu người ấy vẫn sống bằng ý thức của người khác. Con người, có thể cô đơn ngay cả khi không chạy trốn các mối tương quan liên hệ. Và càng trưởng thành với khả năng “đảm nhận” nỗi cô đơn của chính mình. Cô đơn giờ đây chính là sức mạnh tích cực và sáng tạo.
Có những nỗi cô đơn ngưng đọng, bế tắc, đớn đau. Nhưng có những nỗi cô đơn gần gũi, ngọt ngào. Tôi (tạm gọi) giá trị của nỗi cô đơn của  chính mình là “những mơ mộng của người đi dạo cô độc…”. Trầm tư và cô độc là những khoảnh khăc duy nhất, là lúc tôi trọn vẹn và thuộc về tôi - Cô đơn đã thuộc hóa một phần giá trị của đời sống tinh thần của một nobody, như tôi. 

Tôi không là ai cả - I’m nobody! hẳn nhiên tôi muốn nói rằng, “Tôi nén chặt mình trong hư vô…”, giữa một xã hội đầy biến chuyển, náo động, quay cuồng… Con người dễ lệch lạc tính cách và mất khả năng quân bình hóa cuộc sống. Tìm lại chính mình trong sự thật, và sự thiện để phấn khởi sáng tạo. Và Bình lặng trong nỗi Cô đơn. 
Một tay gàn gàn trên mạng, cũng triết lý về đời tôi cô đơn, rang:
“I’m nobody! Who the hell are U?”
 
ĐMH

 

 

No comments:

Post a Comment