Monday, January 21, 2013

KÝ ỨC SƠ SÀI


Nguyễn Anh Khiêm


14.

      Một trong những chuyện chúng tôi hay đem ra “thảo luận” tại café vỉa hè bên gốc cây (bọn tôi nói giỡn lúc này ngồi bất cứ chỗ nào dưới bóng cây Sài Gòn, kêu cho ly đen là có người bưng tới ngay) là cái cách diễn ý, cách nói tiếng Việt của viên chức, cán bộ chính quyền mới, hay dở không bàn, chỉ thấy nó nhất quán một kiểu vô cùng đặc biệt, nghe riết quen tai nhưng ai đó cố tình lặp lại là gây cười ngay. Lại nữa, chúng tôi khó quen với kiểu lý luận, cách đặt vấn đề đầy thâm ý và hết sức độc đoán. Luôn luôn trong bất cứ tài liệu học tập gì, câu hỏi căn bản nhất vẫn là “Tại sao nói…?”. Chẳng hạn “Tại sao nói giai cấp công nhân nước ta có vai trò quyết định trong thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc vừa qua?”. Cách đặt câu hỏi vậy mặc nhiên khiến người ta phải thừa nhận giai cấp công nhân ở VN trong thế kỷ trước là một lực lượng có thật, đông đảo, lớn mạnh nhất, không cần bàn cãi, trong khi thực tế, thành công của hai trận chiến lớn đó là do nông dân đóng vai trò quyết định chứ công nhân chỉ loe hoe đám thợ cạo mủ cao su; xứ thuần nông như Việt nam ta lấy đâu công trường nhà máy gì mà có lắm công nhân. Dư biết vậy mà vẫn nói trớ đi vậy chẳng qua cho đúng sách, không dễ “thuyết phục” được ai. Quả tình câu nói của Jean Giraudoux, thâm thuý và thấm thía hơn bao giờ hết, cuối cùng thì “Bao giờ lời nói cũng thuộc về nhà thơ phe thắng trận”. (Ôi, nỗi thiệt thòi và cay đắng của nông dân cao dài không kém dãy Trường Sơn hùng vĩ sau ngày tan cuộc chiến.)
       Chúng tôi đọc hằng ngày trong tài liệu học tập, trong sách giảng dạy, trên báo chí qua bài viết của mấy ông trùm Tr B Đ, Tr V G một cách ngán ngẩm thứ biện chứng pháp duy vật căn bản cho lý luận thời này, Lâm Ngữ Đường có lần nói rằng đó là lối lý luận mà bất cứ người có trí óc trung bình nào cũng biết rằng “sự thật không phải thế”. Cái lối lý luận này đôi khi đưa người ta đi xa một cách không ngờ, lắm lúc dễ trở nên hài hước, tỉ như có lần Nguyễn T  Cường “khẳng định”với bọn tôi rằng đọc sử của CM riết rồi đâm ra thấy rõ Nguyễn Trãi là bí thư chi bộ Côn Sơn trong lúc Lê Lợi mới chỉ được cảm tình đảng, điều này nghe ra có thể chấp nhận được vì hợp “lô gich”! ( Cũng như nói Thuý Kiều chưa “quán triệt” về ý thức giai cấp nên tha Hoạn Thư là một sai lầm rất đáng phê phán-Trong khi ông ĐặngTiến nói rằng Kiều tha Hoạn Thư vì thông cảm phận đàn bà hay ghen tuông, huống chi Hoạn Thư lại kém tài, thua sắc nên càng cay nghiệt là lẽ thường)
         Lại còn lịch sử nữa, sợ nhất sử vì cũng là trái chua  từ gốc cây này mà ra. Tôi nhớ đọc chuyện cười đâu đó người ta định nghĩa địa ngục là nơi người Mỹ nấu ăn, người Pháp làm chính trị, người Anh làm tình và người Liên Xô …viết sử. Mấy nước kia thì quả thật không chắc đúng sai chứ riêng người Liên Xô viết sử thì phải nói trúng y bon, vô phương chối chạy. Đành rằng chế độ nào cũng có đám sử quan nịnh hót, phương pháp sử chỉ đơn giản tụng ca và phịa chuyện cho vừa ý kẻ cầm quyền nhưng dẫu sao phong kiến có bẻ cong bẻ quẹo sự việc cũng chừng mực, vẫn còn đôi chút tự trọng, không đến nỗi bất chấp mọi sự thật, bất kể mọi qui luật khách quan. Đã thế bàn ghế kê không ngay ngắn mà “bàn đá chông chênh”, làm sao tránh hàng chữ này trồi sụt qua hàng nọ. Ngay giờ này đây sách giáo khoa sử trường phổ thông còn cho học sinh học rằng dân ta ngoài chuyện lên rừng tìm ngà voi, xuống biển mò ngọc trai… còn phải gánh trái vải từ Nghệ Tĩnh qua tận kinh đô Tàu để cống nạp. Có người chỉ ra rằng trái vải Nghệ Tĩnh từ xưa tới giờ chua lòm, nhấm vào mặt nhăn như khỉ, mà đường qua Tàu vạn dặm, chở chuyên cách nào cho kịp khỏi thối. Nhà chế tác sử hàng đầu liền “lý luận” phản bác rằng thời nay trái vải Nghệ Tĩnh chua lè nhưng biết đâu mấy thế kỷ trước thì nó…ngọt, còn chuyện vận chuyển thì biết đâu thời đó, tuy còn bận khố nhưng tổ tiên ta có phương pháp “bảo quản” khiến trái cây để trăm ngày không thối, cũng tựa như người Chàm thời đó (?) xây tháp không cần vữa đến nay vẫn là điều bí mật! Phải chăng chính biện chứng duy vật là thủ phạm chắp cánh cho trí tưởng tượng hoang đường khiến người ta lý luận dễ như trở bàn tay để chứng minh chân lý theo ý mình không? Có lần ghé Hưng yên đi thăm Phố Hiến, người ta chỉ tôi cây nhãn mấy trăm tuổi từng là nhãn tiến vua, tôi ngờ ngợ. Nhãn chín mà vận chuyển đường bộ từ Bắc vào Huế thời bấy giờ e cũng là điều bất khả, chẳng rõ có thật không, nói gì gánh vải từ Hà tĩnh qua Tàu!
          Nói thật, tôi cạch môn sử. Nhất là sử của các sử quan, viện sử học này nọ. Chuyện gần đây thôi, khi về dạy trường Nguyễn Trung Trực Rạch Giá, tôi vào đền thờ ông xem chơi, thấy tấm chân dung ông là một người già sáu bảy mươi trong khi sử chép Nguyễn Trung Trực chết mới ngoài 30 tuổi. Tôi có hỏi thăm một vị cao niên, cụ nói rằng không có ai tên Nguyễn Trung Trực, chỉ nghe nói cụ Nguyễn lãnh đạo kháng chiến thôi chứ không biết tên thật là gì. Sơn Nam cũng quyết đoán chân dung người đàn ông trong đền thờ đó không phải  Nguyễn Trung Trực. Tôi nghĩ vị lãnh tụ giấu tên tuổi tông tích để tránh giặc Pháp truy lùng vô tình để lại nét mờ thân thế mình trong lịch sử. Ông bạn Phạm Huy Viên, cuồng sĩ Tây đô, còn chứng minh rằng không có cử nhân Phan Văn Trị mà chỉ có ông Phan Văn Đạt, ngôi mộ Phan Văn Trị ở Bến tre ghi năm sinh năm mất hoàn toàn sai lạc với ông Phan Văn Trị trong “chính sử”. Còn mười bài hoạ thơ Tôn Thọ Tường chỉ là thơ cầu cơ! Tôi ít tín nhiệm môn sử nên khá dốt, nghe vậy biết vậy, chẳng rõ thiệt hư. Có điều thấy như mười bài thơ hoạ đó, về nghệ thuật, kém xa mấy bài của Tôn Thọ Tường thật.
         Chuyện gẫu của bọn tôi thường rơi vào những kết luận dễ dãi về đặc tính người tỉnh này miền nọ, biết là chưa chắc đúng nhưng vẫn cãi nhau, vẫn bảo vệ ý kiến của mình. Ví như Cường bảo:
      - Này, tao nói thật nghe, Quảng nam mày mười thằng thì tao thấy hết chín đứa liều mạng rồi. Nói thế cũng không đúng hẳn, tao thấy thật ra là …chín thằng rưỡi!
       Tôi nhận điều này có vẻ đúng. Thật ra cũng là liều mạng thôi những đấng anh hùng lẫm liệt Hoàng Diệu, Trần Quí Cáp, Trần Cao Vân, Nguyễn Duy Hiệu, Lê Cơ, Thái Phiên…Trần Quí Cáp đậu tiến sĩ… cho mẹ vui, đeo đuổi hành động hầu thoả mãn khát vọng xã hội công bằng để rồi bị Phạm Ngọc Quát (ông nội Phạm Ngọc Thạch) chém ngang lưng lập công với Pháp. Hoàng Diệu khăn gói ra tận Bắc kỳ  bảo vệ thành Hà Nội, tàn cuộc, lực bất tòng tâm, treo cổ đền nợ nước cũng là liều mạng chứ gì? Phan Chu Trinh, Phan Khôi cũng cả đời hy sinh thân thế đấu tranh quyền làm người cho dân Việt, đến nay vẫn còn mù mù tăm tăm chưa thấy đâu bờ bến, cũng liều mạng cả! Quả thật cái chết tự nguyện còn dễ hơn nhiều sống cuộc đời Phan Khôi đã sống, ông đơn độc chiến đấu lẫm liệt trong tương quan trứng chọi đá, chết trong âm thầm, nhưng chắc ông không hề tủi phận và hẳn tin có một ngày dân tộc sẽ hiểu lòng ông. Rồi con cháu ông, con cháu những văn nô bôi bẩn ông, ai ngẩng lên, ai cúi gằm mặt xuống trong bẽ bàng xấu hổ, đã thấy mỗi ngày một rõ. Quả thật ông bà gieo chi thì cháu con gặt nấy. Đọc bài của Trần Duy và nhiều người khác kể lại những đau đớn tủi hờn Phan Khôi phải nhận chịu trong đoạn cuối đời, tôi không khỏi không uất hận và kinh tởm bọn văn nghệ sĩ gian manh nịnh bợ bạo quyền như bầy kên kên bu vào ông rỉa rói. Lâm H Tài thì bảo rằng mấy ông Quảng nam đó thất bại tại vì …có học. Không biết tại sao bậc thức giả thường mất khả năng lãnh đạo nên chỉ còn lãnh phần thua thiệt. Cỡ như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Trần Quí Cáp, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Tường Tam…chung qui chỉ tại học thức, chẳng nên cơm cháo gì ngoài việc phải đem thân đền nợ nước. Phải chăng có học và tử tế thì ghê tởm chuyện bạo tàn, không biết lấy máu xương xây nền thì mong gì dựng nghiệp lớn, mấy ông cứ chịu khó nhìn lại chuyện dựng nghiệp các triều đại cũ lẫn mới thì thấy, khỏi cãi. Dân Quảng nam ngang tàng, làm dân đã khó, làm quan còn khó hơn! Phải thừa nhận người phương Bắc có khiếu làm quan hơn hết, chính ông Bắc kỳ di cư Nguyễn Gia Kiểng viết trong tác phẩm xuất sắc “Tổ quốc ăn năn” rằng phần nhiều họ khôn lắm, kỳ khu học tập chỉ để làm quan.
        Chuyện đặc tính vùng miền khá chủ quan, rất dễ…xa nhau. Tôi cũng nêu lên mấy cái xấu dễ thấy ở người đất Quảng. Dám xin bạn bè nơi quê kiểng tha tội, tôi không vạch áo thì người cũng thấy lưng. Chắc ở gần Huế quá hay sao mà dân chúng còn nặng đầu óc phong kiến …hơn Huế nữa. Đàn ông khá gia trưởng, luôn ngoan cố bác bỏ khái niệm nữ quyền. Có tin được không, làng quê tôi đàn ông vẫn gọi vợ bằng “mi”(mày) ngay cả lúc thân ái bình thường chứ không đợi hồi giận dỗi! Thanh niên lấy vợ rồi thì chỉ biết…phía mình. Mẹ chồng thường xem con dâu là đối lập. Người bạn tôi lấy vợ Nam kỳ thấy mấy đứa cháu vợ bị cô bác la rầy gì luôn im lặng nhận lỗi, thậm chí oan cũng không hề tìm cách chống chế hay trả treo, chẳng bù với cháu anh ngoài Quảng, phải quấy gì mà nói động đến chúng, chúng cũng… cãi lại trước rồi sau hẵng hay. Cũng như thật hợm hĩnh và vô lối, tưởng mình bao giờ cũng ngon hơn thiên hạ khi dân Quảng vẫn lưu truyền rộng rãi một “cảnh báo” hết sức chủ quan: “Không giao thương với Bắc kỳ, không kết bạn với Huế, Không cưới vợ Quảng Ngãi, không chơi đá gà với Bình Định”. Chắc cũng dựa vào vài kinh nghiệm đơn lẻ nào đó rồi cho là cái chung nhất. Ở xa  không chơi, ở gần cũng nghỉ chơi, chắc dân Quảng nam chỉ còn chơi với…Cà Tu. Chuyện phong thổ chẳng biết đáng tin tới đâu và còn yếu tố gì khác nữa không chớ đất này cách Quảng Ngãi có bao xa, sông nước núi non cũng chẳng khác gì, giọng nói cũng y chang (trừ cách phát âm lơ lớ nửa Bắc nửa Quảng của ông Phạm Văn Đồng), vậy mà từ bé tôi đã nghe Quảng Ngãi là đất làm quan (Trương Đăng Quế, Nguyễn Thân, Phạm V Đồng…toàn đại thần lừng lẫy), trong khi Quảng Nam chỉ làm loạn. Chuyện cũng tình cờ hay tại truyền thống hoặc phong thổ ảnh hưởng trên con người, kể cũng khó chắc chắn được gì. Thôi thì bắc chước thầy Trần Văn Tấn nói người Bắc mấy anh chỉ có phở là coi được, tôi cũng thấy người Quảng mình chỉ… mì Quảng là khá nhất!
        Nhưng chuyện khả năng và đặc tính bộ tộc, dân tộc thì có thể thấy rõ. Lúc còn ở Rạch Giá, tôi hay đi chơi lang thang với Ngô Đ Thục, dân sử địa, quản thủ thư viện, vào xóm người Khơ Me nghèo khó vùng ngoại vi thị xã. Trước  khi tới trường Nguyễn Trung Trực, rẽ phải một con đường rộng chừng bốn mét, con đường nhỏ này đất đỏ pha sỏi hệt đất núi dẫn tới ngôi chùa Miên cổ vô cùng tĩnh lặng, đẹp một vẻ đẹp tiêu sơ, hoang phế. Gạch Tàu lót sân, viên còn viên vỡ nát, cỏ dại úa tàn mọc chen giữa khe đất đỏ như máu bầm, cháy héo dưới nắng lửa cuối hè. Trái dầu nâu già khô bay tấp tới, đậu kín mặt sân. Mái chùa cong tối thấp, bên trong treo lủng lẳng bầy dơi quạ, dãy hành lang tối ám toả mùi phân dơi ngai ngái. Con chim lạ nào trên ngọn cây dầu cao buông tiếng kêu thảng thốt trong chiều muộn không hiểu sao tự nhiên gợi một nỗi thê lương, tang tóc. Mấy vị sư sãi Khơ Me trẻ già đều ốm nhom, đen đúa, mắt nhìn ngờ vực, đi từ gian chùa này qua gian khác êm ru, lướt nhẹ như những chiếc bóng. Tôi vốn không có tâm thức tu hành nên tưởng tượng cuộc đời họ buồn chán tẻ nhạt biết bao cứ lẩn quẩn qua lại trong cảnh tiêu sơ đó năm này qua năm khác cùng những bữa cơm khất thực quấy quá đạm bạc, không biết họ có đợi gì một chút đổi thay? Sự tu hành khắc nghiệt liệu ảnh hưởng được gì trên đám nhân quần ô trọc một thời chiến chinh ly loạn, một xã hội mỏi mệt rã rời vì chết chóc, lìa tan. Ngay buổi sáng hôm đó, chúng tôi buồn bã đưa anh bạn Nguyễn Đăng Hùng, giáo sư Anh ngữ ở trọ chung nhà ra bến xe về Sài Gòn vì nhận được hung tín anh ruột vừa tử trận, trung uý phi công Nguyễn Đăng Khôi lái máy bay thả trái sáng bị trúng hoả tiễn tầm nhiệt tại chiến trường tỉnh Định Tường. Ôi những chàng trai trẻ độc thân tuấn tú đành phận “diêm quẹt không xài vứt xuống dòng sông, mới gặp hôm nào đã chết hôm nay” (Tô Thuỳ Yên). Những cái chết thình lình, dễ ợt cách bi thảm, quá sức chịu đựng khiến khó tin vì cứ tưởng chỉ là mộng dữ. Bọn giáo sư trung học chúng tôi không khỏi thấy mình may mắn như đứng ngoài cuộc chiến, sống như sống sót trong cảnh máu sông xương núi. Nghe đâu bạn bè khoá 4/70 bộ binh Thủ Đức ngoài mấy tên biệt phái về dạy học nay đã tử trận gần hết!
         Thật đáng ngạc nhiên lại có một vùng đất bazan nổi cao, toạ lạc ngôi chùa tách biệt như từ cõi khác, chỉ cách bờ biển nửa cây số, nơi sông Cái Bé, Cái Lớn đổ ra  vịnh đục ngầu toàn phù sa bồi đắp một thứ đất bùn nâu màu mỡ. (Tay Ngô Đ Thục giỏi địa lý, giải thích cách hình thành địa chất chỗ này …một cách rắc rối rất khó nhớ). Đi hút con đường trước cổng chùa là xóm người Khơ Me nghèo khó. Nhà tranh vách lá, nền đất nện trống hoang. Miệt này không có ruộng, đất rẫy cọc cằn, không có dấu hiệu họ theo nghề chài lưới. Đàn ông quấn xà rông nhàu bẩn, ngồi xỗm ngó ra đường cái, không hiểu họ làm gì để sống, coi bộ chỉ có khiếu chờ chực lên chùa đi tu. Hình như họ không mấy siêng năng, ngại buôn bán đã đành, lại ít ham trồng trọt, có tâm lý xa lánh người Việt cách tiêu cực. Chẳng hạn thấy xóm Khơ Me bắt đầu đông đúc, vài gia đình VN dọn tới lập quán buôn bán, người Khơ Me lại rục rịch dời dọn đi vùng sâu hơn hòng né tránh. Đất Rạch Giá xưa là của họ, ai cũng biết vậy nhưng ngạc nhiên thay, đố tìm đâu ra bất cứ cửa hàng hoặc gian nhà kha khá nào do họ làm chủ chỗ chợ Rạch Giá, đa phần của người Hoa và người Việt. (Mà lạ thiệt, ngay như Pnom penh nay cũng hiếm hoi nhà hàng sang hoặc shop buôn bán lớn của người Cambodge, chỉ toàn Tàu hoặc Bắc Việt). Có phải từ mấy trăm năm trước họ cứ dọn đi từ từ một cách hoà bình như thế để cho chúa Nguyễn mở nước không? Bỗng liên tưởng tới chuyện Chúa Nguyễn. Dân đàng trong, người vô học cũng biết chuyện Trạng Trình khuyên chúa chạy vào Nam qua câu “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng…trật lất. “Vạn đại” đâu không thấy, mới mấy đời oán hận, không nhận quan lại gốc Bắc, theo Nguyễn Q Thắng, cả con ở (ô -sin) cũng không mướn, nay cuối cùng thì sao? Sau hai trận chiến khiến nhân loại bàng hoàng khiếp đảm, tiếp theo cuộc di dân như thác lũ,  nay thì Tân Sơn Nhứt đã là Tân Sơn Nhất và đố ai tìm ra chỗ phi trường đó hoặc Bãi sau Vũng Tàu, vùng Đơn Dương Lâm Đồng…chẳng hạn, một người nào nói giọng Nam! Hội An cũng lo khiếp bọn trọc phú  lắm tiền nhiều của mua đứt mấy gian nhà cổ, lần hồi làm tiêu tan nếp sống dân lành còn sót lại (văn hoá phi vật thể?). Đất Nam Kỳ quái dị, người người cũng có tâm lý “dọn đi” đâu khác gì dân tộc Khơ Me. Hình như họ quá dễ tổn thương, không biết lỳ một chút, không thể đeo đuổi cái gì dài lâu, khó chút là bỏ. Thời trước đọc nhật trình, buồn cười thỉnh thoảng lại thấy nhân sĩ của họ dù đương quyền nhưng động cái là đòi nghỉ, đòi từ chức. Lâm H Tài hay nhắc câu nói rất “đặc trưng” Nam Kỳ của cụ Phan Khắc Sửu: “Mấy em chớ nói gì phiền phức tới qua, qua từ chức à nghen!”



15.

      Tôi được gặp anh Thanh Tâm Tuyền tại nhà anh Tô Thùy Yên lần đầu đâu khoảng năm 85,86. Lối dẫn vào nhà Tô thi hào có ngõ trúc mát rượi, hàng rào chè tàu quanh co, buổi chiều tối dế gáy rộn vang. Chắc là quê nhà ghi dấu trong thơ anh không ít, mỗi lúc qua đây không quên được những câu thơ của anh như:
      Cây yên, cỏ lặng, trăng thiu ngủ.
      Giường cũ, nằm nghe tiếng dế khuya.
      (Lão Trượng)
      Đêm tối êm ru lời thủ thỉ,
      Bên hè có tiếng dế ca ran.
      Vầng trăng ta thấy thời thơ ấu,
      Mọc lại cho ta buổi xế tàn.
      (Hề ta trở lại gian nhà cỏ)
      Khắc khoải chim kêu mùa xóa giải,
      Hành nhân về bên giếng quê nhà.
      Ngõ trúc chiều ngát cơm gạo mới.
      Ngọn đèn thắp đợi đã rền hoa.
      (Chim kêu bãi quạnh)
     
Gò vấp hồi đó còn sót chút nét quê giống hệt xóm làng vùng đất cát pha dọc sông Thu bồn ngoài Quảng, chắc vì vậy mà Bùi Giáng hay lang thang ăn đường ngủ chợ vùng này hẳn để đỡ nhớ về “cố quận”. Bữa đó có anh Nguyễn Xuân Thiệp, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Thanh Châu…Tôi ngồi im dựa cột nghe mấy anh nói về cuốn Antimémoire của Malraux, Thanh Tâm Tuyền còn đọc bản dịch của anh bài thơ Aux Arbres của Yves Bonnefoy, nghe đã lắm.
      Mấy bữa sau, anh kêu tôi xuống nhà anh uống café sáng, ăn mỗi người nửa mẩu bánh mì Kinh đô mềm, hơi ngọt. Anh chép cho tôi bản dịch bài thơ Aux Arbres, mấy bài dịch thơ Emily Dickinson, bài lục bát Trú Mưa Trên Phố Hòa Hưng mênh mang một niềm u uẩn.Thời gian dài về sau, cứ bốn năm bữa tôi tới anh uống café sáng một lần, coi bộ anh thích thứ bánh mì đó dùng với café nóng. Hạng tôi chẳng phải bạn anh trước kia nhưng chắc vì đi tù về, bằng hữu tan lạc, trong quạnh vắng anh cũng cần người chuyện trò văn thơ chữ nghĩa tàm tạm cho qua tháng ngày tẻ nhạt. Đề cập tới Phan Khôi, tôi thấy anh chỉ chú ý tới con người học giả, con người phản kháng thời cuộc mà ít quan tâm tới con người văn nghệ của  cụ, tôi đưa anh mượn cuốn Chương Dân Thi Thoại có lời đề tặng cùng chữ ký của cụ Phan tặng ông dượng tôi. Vài bữa sau, anh đạp xe lên nhà tôi ở Phú nhuận, nói chuyện nhiều về quyển sách mỏng nọ. Anh bảo đọc cuốn đó thú vị không ngờ. Anh có vẻ đồng ý rằng tài thơ của Phan Khôi chưa chắc kém gì Tản Đà nhưng hồi đó cái bóng Tản Đà quá lớn nên Phan Khôi né.(Chính cụ có lần nói thẳng hãy dang ra cho Tản Đà tiên sinh đi mà!). Anh phục lối diễn đạt bằng một thứ tiếng Việt mới mẻ vượt thời đại khi Phan Khôi dịch thơ Tàu, cười thích thú khi biết cụ còn dịch cả thơ Tây nữa. Tôi nói với anh chính cụ Phan dịch mấy chương thi ca cổ Do Thái không chỗ chê như Châm Ngôn, Thi Thiên, Nhã Ca… trong Kinh Thánh của Hội Tin Lành. Anh đặc biệt thích hai bài bát cú Phan Khôi dịch từ cuốn Tùy Viên Thi Thoại. Tôi xin chép luôn ra đây, độc giả nào chưa có dịp, xin đọc cho vui.

      Cùng Vợ Nhà Ngắm Hoa Mẫu Đơn
       Dưới hoa người về, con cái reo,
      Vợ già đem rượu thách thơ nghèo.
      Nói rằng hôm trước hoa vừa nở,
      So với năm kia nhánh lại nhiều.
      Hương sắc ban đêm nhìn vẫn đẹp,
      Gió mưa cơn sáng chịu làm sao!
      Phải chi về sớm ba ngày trước,
      Hàm tiếu coi còn thích biết bao!
      Chúc Thọ Vợ Nhà
      Vất vả vườn quê hai chục thu,
      Ra tay rau cháo đỡ đần nhau.
      Ngày không giờ rảnh hòng soi kiếng,
      Năm mất mùa luôn đến bạc đầu.
      Én liệng cửa ngoài hơi biển lạnh,
      Nhà như xuồng nhỏ bóng khe chao.
      Chúc mình mà tớ không mua rượu,
      Vẫn cứ chìa tay: mẹ nó nào!
    
     Theo lời cụ, hai bài này cụ phải dịch năm đêm trường và làm xong thì phát ngán vì thấy vô ích nhưng anh có cảm tưởng cụ dịch dễ dàng, mạch thơ trôi tuồn tuột, lời tự nhiên mà mượt mà nữa. Anh chú ý lối tính thời gian chính xác: Ông chồng về muộn một ngày sau khi hoa mãn khai nên bà vợ mới nói phải chi về sớm ba ngày trước thì được chiêm ngưỡng hoa hàm tiếu! Anh còn nói câu phá đề, thơ thật là thơ, chữ người hết sức tôn kính mà vẫn đầy thân ái. Bài thứ hai mới kỳ thú. Toàn bài giọng điệu bình dị, tình cảm thiết tha, chữ nghĩa thuần Nôm đơn giản. Hai câu thực thì tận cùng…hiện thực, cặp luận tân kỳ và đầy ảnh tượng…Đọc mà cảm phục Phan Khôi mới mẻ và tinh tế, cũng như thấy người xưa sao thanh cao quá đỗi!
      Quả thật Thanh Tâm Tuyền cuối thập niên 80 khác nhiều thời trai trẻ. Anh tỏ ý tiếc nhóm Sáng Tạo đã làm cụ Nhất Linh buồn, cảm thông Nhất Linh ngán ngẩm chính trị nên trốn vào vẻ đẹp văn chương vĩnh cửu cũng có lý của cụ. Khi anh xuất cảnh qua Mỹ, tôi tặng anh luôn cuốn thi thoại đó. Chẳng là lúc còn ở nhà tôi hay biếu anh bơ đậu phộng tôi học được cách làm từ mấy ông bà giáo sĩ Hội Ngữ Học nên trong mấy bức thư gửi cho tôi lúc anh mới qua, anh nói có hai điều khiến nhớ đến tôi, ấy là mỗi lúc đi siêu thị Mỹ thấy bán đầy bơ đậu phộng và mỗi lần mở  ngăn kéo nhìn thấy cuốn Chương Dân Thi Thoại.
      Trước vụ Thiên An Môn hơn năm, Thanh Tâm Tuyền kể với tôi vừa đọc cuốn truyện tình đầu tay tuyệt vời của Nabokov, tên tiếng Anh là Mary. Tôi nói:
      - Hay là anh dịch đi, tôi nhờ ông bạn Đào Hiếu đang làm nhà xuất bản in cho anh, kiếm tí tiền còm cho vui!
      Chỉ mấy tuần sau anh đem bản dịch viết tay tới tôi, tựa sách là Tình Một Thuở, anh nói đó là một đoản ngữ trong thơ Hồ Dzếnh, tên dịch giả ghi Từ Trí, theo tôi biết đó là tên hai con trai của anh. Tôi giao liền cho Đào Hiếu nhưng gần Tết năm 89 sách mới phát hành. Giấy đen thui, tối om như mọi cuốn sách lúc đó, hình bìa cũng in màu nhưng ai đó chép lại một bức tranh của Chagall cứng ngắt, vụng về, xấu tệ. Thanh Tâm Tuyền nhìn bìa sách, lật qua đọc lời nói đầu thấy sai mấy lỗi chính tả, anh cười méo xẹo! Sau it hôm, người ta nhờ tôi chuyển cho anh tiền thù lao, nhớ đâu vài ba trăm ngàn gì đó, nay tôi không thể hình dung giá trị số tiền trong thời điểm đó thế nào, nhưng hình như anh thấy thế cũng đuợc rồi! Tết năm đó anh chạy xe đạp lên nhà, mang cho tôi hai chiếc bánh chưng. Ra giêng gặp lại, anh bảo:
      - Này, ăn có được không đó? Mấy đứa nhỏ quên bỏ muối mất!
      Tôi ngạc nhiên là cho tới giờ này, những nhà phê bình văn học vẫn chỉ nói về thơ của tác giả này mà chưa một ai đề cập tới văn xuôi của anh cho tới nơi tới chốn. Cụ Nguyễn Hiến Lê thì chỉ đề cập tới ý nghĩa các tác phẩm của anh chứ không nhắc tới văn chương trong hồi ký của cụ.Tôi vốn không đủ sở học để có thể phân tích rốt ráo cái hay, nhất là cái mới trong văn xuôi của anh. Chỉ là độc giả bình thường, đọc thì cảm nhận được vẻ đẹp, lối văn tân kỳ, ngôn từ mới mẻ cùng nhạc điệu và nhịp điệu tinh tế, nghĩ văn xuôi đó chính là thơ trá hình. (Nhiều trang tùy bút của Nguyễn Tuân tiền chiến cũng có đặc điểm này nhưng theo một cách khác). Biên giới giữa thơ và văn xuôi của Thanh Tâm Tuyền thật mờ nhạt. so sánh với bút pháp các nhà khác thì thấy rõ nhưng chỉ ra cho minh bạch thì quả gian nan. Không những anh mới lạ trong sáng tác, ngay như trong dịch thuật, đặc điểm tân kỳ cũng vô cùng nổi trội. Xin độc giả đọc đoạn anh dịch Nabokov tả chàng người Nga lưu vong kiếm sống trên một đô thị Tây phương:
      “Không có việc gì bị coi là hèn kém đối với anh; hơn một lần anh đã mang bán luôn cả hình bóng riêng của mình, như nhiều kẻ trên đời này cũng thường làm. Nói cách khác, anh từng lặn lội ra vùng ngoại thành làm chân tài tử chầu rìa của một cuốn phim xi-nê trong một phân cảnh, dàn dựng tại một nhà kho chứa thóc, ở đấy ánh sáng réo sôi phát tiếng kêu rít bí hiểm từ những mặt đèn khổng lồ rọi nhắm, giống như họng đại bác, chỉa vào đám đông chầu rìa, thiêu đốt như hỏa ngục. Một thác lửa bắn vãi thứ ánh sáng sát sinh, soi hiện lớp sáp môi trát trên những gương mặt chết trân, rồi phụt tắt ngấm sau tiếng khóa cách – nhưng một hồi sau trong những bầu đèn pha lê chế tạo công phu vẫn còn lóe vầng hoàng hôn đỏ ngầu hấp hối – lấp đi mối hổ ngươi của đời người. Việc thu hình hoàn tất và hình bóng của đám nhân quần lúc nhúc được tung hê khắp thế giới.”(Tình Một Thuở,trang 18,nhà xuất bản Đồng nai,1989)
      Những câu văn dài, khó phân tích theo cấu trúc chủ – vị. (Có lẽ theo đề – thuyết cua Cao Xuân Hạo thì dễ hơn). Hầu như tất cả giá trị miêu tả chỉ nằm ở phần phụ bổ ngữ và định ngữ. Câu dài nhưng đọc vẫn thấy gọn, cô đọng và hàm súc. Nghe như mâu thuẫn nhưng quả đúng như vậy.
      Và đây là vài đoạn khác trích trong chương III của cuốn Tình Một Thuở:
      “Đêm ấy, giống như mọi đêm, một ông lão gầy gò, đội mũ dạ lưỡi trai nặng nhọc lê bước bên lề vỉa hè đại lộ hun hút vắng vẻ, khua đầu gậy quăn queo trên mặt nhựa như mò kiếm đầu mẩu thuốc lá, tiền, nút chai hay giấy lộn và xì gà liệng bỏ. Chốc chốc, rú rống như hóa dại, một chiếc xe hơi lao vút qua, hay có sự tình nào đó diễn xảy mà thường chẳng khách bộ hành nào của đêm phố thị để mắt thấy: một đóm sao, nhanh hơn ý nghĩ, lặng thinh hơn cả một ngấn lệ, băng rớt. Rạng rỡ, nô nức hơn những đóm sao dòng chữ bật cháy sáng từng chữ một liên tiếp nhau trên nóc nhà cao tối, diễu một hàng dài rồi vụt biến bay cùng lúc trong bóng đêm.”…
       “ Và rồi trên  những đường phố ấy, bấy giờ hoang vắng như biển im mướt, vào giấc khuya về sáng lúc những quán bia sau cùng đã đóng cửa, một kẻ sinh trưởng ở đất Nga, bỏ ngủ, đầu trần, trên mình chỉ khoác chiếc áo mưa cũ dạo bước trong cơn ngây tỉnh táo; vào giấc khuya về sáng, trên những đường phố hoang vu ấy chập chờn qua những thế giới lạ lẫm với nhau đến kỳ cùng; bấy giờ không còn phải là một dân chơi trác táng nữa, không còn phải là một người đàn bà nữa hay không còn đơn thuần chỉ là một khách qua đường nữa, mà mỗi con người là một cõi sống biệt lập, mỗi con người là một tổng thể những kỳ diệu cùng quỷ quái. Năm cỗ xe ngựa đậu trên đại lộ dài bên nhà vệ sinh công cọng hình trông giống cỗ trống cái khổng lồ; năm cõi thiêm thiếp, trùm ấm, xám xịt trong đồng phục mã phu; và năm cõi khác đứng trên vó chồn mỏi lim dim mơ màng chỉ nghe quanh quẩn tiếng dòng thóc tuôn chảy rào rào êm ru từ bao đựng xuống máng ăn.
        Chính trong những lúc như bấy giờ mọi sự vật trở nên huyền hoặc, sâu kín khôn dò, lúc đời sống hiện dạng kinh dị nhưng cái chết lại còn kinh dị gấp bội. Và bây giờ khi người ta lang thang vơ vẩn phơi phới xuyên qua những quãng đêm của phố phường; ngửng trông ánh đèn sáng qua màn lệ mỏng, kiếm tìm ở đó kỷ niệm lộng lẫy chói chang của hạnh phúc ngày qua – một dung mạo mỹ miều đột hiện về sau bao năm quên lãng hờ hững – thình lình trên bước mê mải mù quáng người ta bị cầm chân đứng lại bởi một kẻ qua đường lịch sự hỏi thăm lối về phố này phố nọ, hỏi bằng giọng thường tình nhưng là một giọng nói người ta sẽ chẳng bao giờ nghe thấy lần nữa.”
       Những câu văn dài thích hợp với kiểu độc thoại nội tâm, khó xác định chủ ngữ, nối nhau dìu dặt, một thứ poésie en prose không thể chối cãi. Thanh Tâm Tuyền đã chuyển ý của Nabokov sang văn xuôi Việt ngữ bằng ngôn từ đầy hình ảnh và nhạc điệu đẹp đẽ của thi ca.
      Tất nhiên muốn nói gì về văn xuôi Thanh Tâm Tuyền thì phải nhận xét phần sáng tác chứ không phải dịch thuật. Chẳng qua nhắc tới một kỷ niệm với anh liên quan tới dịch thuật nên tôi dài dòng một chút, hơn nữa cuốn sách này cũng đang hiếm vì in đã lâu và chắc it người giữ, dù không ký tên thật nhưng dẫu sao cũng là công lao của thủ lãnh thơ tự do của miền Nam và tiên phong làm mới câu văn xuôi tiếng Việt nên tôi mạnh dạn nhắc tới.
      Ngoài những tác phẩm văn xuôi đã in, Thanh Tâm Tuyền còn cho đăng trên bán nguyệt san Văn thời Trần Phong Giao hai truyện dài: Ung Thư và Đêm Xóm Lách Mịt Mùng. Ung Thư được độc giả hâm mộ tới nỗi tác giả đau bệnh nghỉ một kỳ, Trần Phong Giao phải chụp lại (hay thời đó phải làm bản kẽm?) thư viết tay xin nghỉ của tác giả rồi in lên báo để độc giả tin! Cả hai tác phẩm đều bị anh bỏ dở, tuy Ung Thư được đăng nhiều kỳ hơn. Theo tôi, Ung Thư  thể hiện xác thực nhất thiên tài Thanh Tâm Tuyền. Đọc Ung Thư, ai rồi cũng phải tin vào khả năng diễn đạt kỳ diệu của ngôn từ tiếng Việt. Thanh Tâm Tuyền mới mẻ với Bếp Lửa từ thuở đôi mươi, cùng với thời gian, anh càng ngày càng mới mẻ. Tôi tiếc chẳng còn giữ được tờ Văn, chỉ kiếm được một số, xin ghi ra đây một đoạn bất kỳ trong truyện Ung Thư:
      “Lân đến đón Ngọc đi phố. Người đàn ông gầy gò, khuôn mặt bội bạc, nước da xanh mái trác táng, cặp mắt nhỏ lanh lẹn, đôi môi mỏng, cử chỉ không thành thật, chẳng mảy may nào giống cái hình ảnh mơ mộng của Ngọc thường tâm sự, trên toa tàu bẩn thỉu trống gió và nắng triền miên như cơn buồn bã hiu quạnh trong tiếng động quen tai nối liền ngày tháng.
       Thử đặt đoạn văn này cạnh một đoạn tả người nào đó của các tác giả Tự Lực Văn Đoàn, ta có thể thấy được khoảng cách cũ mới. Có lần đọc câu này, tới nay tôi chưa quên: “Trời mùa thu lao đao với những cơn heo may tẩm lạnh”. Không biết có phải không quên chỉ tại chữ lao đao và chữ tẩm lạnh không nữa.  (Cũng xin ghi chú, đoạn văn trên là nhận xét của người bạn gái của Ngọc cùng đi buôn chuyến hằng ngày trên xe lửa, phần phụ cuối đoạn văn là cảm tưởng của người bạn này?)
      Thanh Tâm Tuyền còn có những đoản văn xuất sắc in rải rác trên báo Vấn Đề của Vũ Khắc Khoan, báo Thời Tập của Viên Linh…nay, đau xót thay, hẳn đà tuyệt tích.*
      Thế hệ thanh niên, sinh viên VN bây giờ không biết Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên là ai. Một bà giảng viên  nào đó còn bảo Tự Lực Văn Đoàn là tên một đoàn cải lương. Thế thì thôi!
      Biết bao giờ đất nước có tự do, con quái vật chính trị ngừng nhai xương văn học. Các nhà phê bình, nhà biên khảo hiểu được lẽ công bình, còn chút lương thiện cùng trách nhiệm, thôi cố tình chôn vùi danh tính những con người hiếm hoi vốn xứng đáng là tinh hoa, ưu tú nhất của văn học nghệ thuật nước nhà!
      * Một đoạn văn ngắn của TTT trong cuốn Tạp Ghi:
      Không biết ai đã bày trò cho bọn trẻ nhỏ lấy cái dọc đu đủ nhúng một đầu vô nước xà-bông để thổi thành những chiếc bong bóng.
       Những quả tròn đủ sắc cầu vồng rung rinh trên đầu ống rồi bay bổng lên không trung trong một vài giây trước khi vỡ tan không còn một dấu tích nào. Em bé chơi trò ấy thích thú vì cái vẻ rực rỡ giản dị của những chiếc bóng nối nhau bay lên, tan vỡ êm đềm trong bóng nắng ngoài sân. Đó là trò chơi mùa hè. Trời thường cao và nhẹ gió nhưng những chiếc bong bóng mỏng manh chẳng bao giờ bay cao. Em nhỏ ngây thơ cố công thổi cho thật khéo, giữ bóng trên đầu ống cho nó phồng to bao nhiêu hay bấy nhiêu. Trái cầu lớn có thể vỡ trước khi bay nhưng nếu nó bay được lên thì chính đó là niềm vui sướng của trò chơi. Trẻ nhỏ đùa với những chiếc bóng. Chúng không chơi một mình, chúng reo hò cùng nhau và đuổi theo những chiếc bóng bay, quơ tay đập vỡ nếu chiếc nào dai dẳng hoài – của đứa khác va của chính mình.
       Trẻ con chơi đùa hồn nhiên nhưng bọn người lớn nhìn để thấy trong trò chơi cái ý nghĩa ngậm ngùi: bong bóng xà bong, niềm vui của đứa trẻ – hạnh phúc của đời người -  mong manh, dễ vỡ biết bao! Sự rực rỡ, sự huyền ảo của bảy sắc cầu vồng chỉ la những sự thật thoáng chốc.
(còn tiếp)
NAK

No comments:

Post a Comment