Đợi tàu ngược
Ý Nhi
Cây hoa gạo bên tòa miếu cổ ở một làng Miền Bắc
Nhà ga nằm trên một nền đất khá cao, so với nơi đỗ tàu. Đó là một gian phòng hình chữ nhật, có 4 cửa đối diện với nhau, 2 cửa để ra tàu và 2 cửa cho khách xuống tàu. Các cánh cửa đều có màu xanh biển, màu đồng phục của tất cả các ngôi nhà, các công sở, các trường học một thời. Ở khoảng giữa phòng có mươi chiếc ghế gỗ, kê song song thành 2 dãy. Trên chiếc ghế sát tường có 1 người đang nằm ngủ, đầu gối lên chiếc túi vải màu cỏ úa, chân co lại, chiếc mũ cối ôm khư khư trước bụng. Ba người còn lại, một thiếu nữ, một thanh niên và 1 ông cụ râu tóc bạc phơ, mỗi người một ghế, lơ đãng nhìn anh, người khách mới. Họ bình thản như kiểu sau một ngày làm việc, ngồi trên thềm nhà ngó mung lung ra mảnh vườn quen thuộc của mình, xem chim chóc chuyền cành, nhìn gió bay lá rụng vậy. Anh đến bên ông cụ, nhà ga có báo lúc nào tàu đến không ạ. Ông cụ không đáp, ngoảnh mặt về phía chiếc bảng ghi giờ tàu. Trên tấm bảng, anh nhìn thấy mấy hàng chữ lớn bằng phấn viết đè lên các dòng kẻ. Anh cố đọc nhưng ngoài 2 chữ Thông báo, anh không sao có thể đọc được những nét vẽ ngoằn ngèo kỳ lạ đó. Anh lẩm bẩm, chữ nghĩa gì mà như ma vầy thế. Ông cụ đưa cả bàn tay lên che miệng, suỵt, chớ nói năng phạm thượng ở nơi này. Anh quay lại, nhận ra nỗi sợ hãi trong mắt ông. Anh hỏi, cụ đợi tàu xuôi hay tàu ngược ạ. Ông cụ đang mải lục tìm thứ gì đó trong chiếc túi vải bạt sờn cũ, không còn rõ màu, quay lại, ánh mắt đã trở nên bình thản, tôi có đợi gì đâu. Tàu xuôi, tàu ngược thì ăn nhằm gì đến tôi. Ông lôi ra một chai rượu có dán nhãn Lúa mới nhưng lại được nút bằng một nùi lá chuối khô. Có lẽ, Lúa mới chỉ là cái vỏ còn rượu trong chai là thứ rượu mà mọi người thường gọi là rượu cuốc lủi, nấu ở các lò thủ công. Đặt chai rượu sang bên cạnh, ông lại khoắng tay vào túi, vẻ bí mật như kiểu các nhà ảo thuật thường làm nhưng thay vì lôi ra một hoặc hai con bồ câu trắng muốt để tung lên trời, ông lại lôi ra 2 chiếc cốc thủy tinh lợn cợn hạt, đã ngả sang màu nâu đất, một chiếc đĩa bằng thiếc mỏng, một gói lạc rang, một gói muối ớt, một quả dưa chuột, một con dao nhỏ, lưỡi mòn vẹt. Bàn tay ông cụ đen đúa, nổi gân chằng chịt, hơi run run khi mở nút chai, rót rượu vào hai chiếc cốc. Xong xuôi, ông từ tốn vấn lại nùi lá vàng úa tả tơi, tém gọn những mảnh nhỏ thò ra ngoài, xé bỏ những mảnh đã mục để có một chiếc nút gọn gàng, xinh xắn. Ông vừa lấy ngón tay cạy cạy chỗ nhãn mác còn sót lại trên vỏ chai vừa nói, thứ rượu này chỉ hợp với cái nút bằng lá chuối khô thôi. Đậy chiếc nắp kim loại lên trông chẳng ra ngô ra khoai gì ráo, cứ như mặc đồ bộ mà đội khăn đóng vậy. Nói cậu đừng để bụng, anh Lúa mới này chỉ được cái đẹp mã, uống thì nhạt toẹt, tệ hơn nước lã. Ấy là của thằng con đem về dịp giỗ mẹ nó chứ tôi chẳng dại bỏ tiền ra mua. Mà ngẫm ra thì tất tần tật mọi thứ ở đời cũng là bởi thói quen thôi cậu ạ, ví như cái sự uống chè ở làng tôi đấy. Làng tôi là làng trồng chè. Người ta thu mua hàng tạ hàng tấn, sao chế toàn bằng máy móc hiện đại, đóng gói, đóng hộp đẹp đẽ, xuất đi ta bà tứ xứ, nghe đâu được thiên hạ khen nức nở, thế nhưng tôi và nhiều nhà trong làng chỉ uống thứ chè trồng ở vườn, sao bằng cái chảo gang sứt mẻ, pha bằng nước giếng mới thấy thấm thía. Anh không đáp lời ông cụ bởi chỉ nghe tiếng được tiếng mất, câu chăng câu chớ, lòng chợt buồn rười rượi khi nhìn ông tự bày biện mâm nhậu sơ sài của mình giữa cái nhà ga hiu hắt như tách rời khỏi thế gian này. Ông cụ nheo mắt nhìn anh hồi lâu rồi xoa tay vào nhau, khà một tiếng thật to, ra vẻ khoan khoái, mời cậu. Ông nhoài người, đặt chén rượu vào tay anh, rượu xịn đấy, cậu đừng sợ. Uống với nhau một chén, khề khà vài câu mới nên bạn nên bè được. Rồi tôi sẽ nói cho cậu biết tôi đợi gì ở nhà ga này. Ông nuốt ực chén rượu, im lặng một lúc rồi đặt đánh cạch cái chén xuống mặt ghế, giọng dứt khoát, tôi không đợi tàu. Làng tôi chỉ cách đây non cây số. Cả đời tôi chưa ra khỏi đất này. Anh nhấp một chút rượu đáp lễ, nghe tê tê nơi đầu lưỡi, mắt không rời khỏi ông cụ, cố hiểu câu nói của ông. Ông cụ bỗng cất tiếng cười, một tiếng cười khô khan, rời rạc, cậu đoán làm sao nổi. Mà tôi có đánh đố cậu đâu. Tôi không ưa đánh đố người khác, làm cho việc nhẹ thành nặng, việc dễ thành khó, chẳng ích chi. Ông mở nút, rót thêm rượu vào ly nhưng không uống, mắt nhìn lạc đi đâu đó, ngoài xa kia, quá tầm nhìn của anh, tôi ra đây chỉ vì bà nhà tôi mất ở đây, ở ngay cái ga này này. Hôm đó, đi làm về, bà nhà tôi tạt qua ga tìm mớ cỏ mực để về rịt vết thương cho thằng cháu nội. Không hiểu làm sao mà thứ cỏ ấy lại mọc um tùm lấn hết các loại cỏ khác ở đây. Cả làng, ai cần cũng ra vặt mà chúng vẫn xanh um, tươi tốt quanh năm. Cậu có biết loại cỏ đó không. Vò ra, nó có nước màu xanh đen. Có lẽ vì thế mà người ta gọi là cỏ mực. Đó là thứ thuốc quý cậu ạ. Trẻ con bị trắng lưỡi, vò ra, lấy nước rơ lưỡi vài lần là hết. Người nóng nảy rôm sảy, vò tươi để tắm hoặc phơi khô sắc nước uống. Ai trầy tay sướt chân, nhai mấy cộng lá, đắp vào vết đau là yên trí sẽ liền da liền thịt. Hôm đó, thằng cháu vô ý dẫm vào con dao thái chuối mẹ nó để quên ngoài sân, rách một đường ngay chỗ gót chân. Bà ấy đi lấy cỏ mực cho cháu. Ai dè, chiều muộn rồi mà chúng còn đi thả bom. Chúng muốn phá cái nhà ga này nhưng khốn nỗi, ga chỉ rơi vài viên ngói còn bà nhà tôi và 2 đứa trẻ chăn trâu thì trúng mảnh, không cứu được. Từ cái ngày oan nghiệt đó tôi thấy như có một sợi dây ràng rịt chân tay tôi, tâm trí tôi với nơi này. Phần mộ của bà ấy ở nghĩa trang của làng nhưng tôi vẫn muốn ra đây, cứ như nghe thấy bà ấy gọi vậy. Ngày nào có việc bận, không ra được, lòng tôi bồn chốn lo lắng, đứng ngồi không yên, cả đêm trằn trọc, chốc chốc lại dậy châm đóm hút thuốc, mong cho chóng sáng. Tôi ra đây, uống vài chung rượu, đợi lúc mặt trời sắp lặn, được nhìn thấy bà ấy đang lúi húi chỗ vạt cỏ xanh rì kia, mới yên ổn ra về. Ông cụ nấc lên, rồi ho khan một lúc lâu, mặt đỏ rựng, mắt dân dấn nước, trời ơi, bao nhiêu người đi lấy cỏ mực, sao chỉ mình bà ấy gặp nạn. Nghĩ rằng ông cụ sẽ ngưng câu chuyện, anh định đứng dậy thì nghe ông hỏi, cậu có vợ chưa. Nhưng ông cụ không đợi câu trả lời, ông nói nhỏ, mặc cho thiên hạ nói sao thì nói, tôi thì nghĩ, người phụ nữ mới là trụ cột của gia đình cậu ạ. Người đàn bà tử tế thì cái gia đình ấy tử tế, người đàn bà hư hỏng thì cái gia đình ấy hư hỏng. Phải quấy, vui buồn, hay dở đều ở nơi họ. Ấy vậy nên khi nhà tôi mất, gia đình tôi như nghiêng ngả, liêu xiêu, không sao gượng lại được. Nó lỏng lẻo như người không có cột sống, như chân tay không có khớp xương vậy. Tôi xù lông xòe cánh che chở cho hai đứa con, đến khi chúng khôn lớn thì tôi sụp hẳn, lại còn mắc chứng nghẹn, chẳng nuốt nổi cơm. Mỗi ngày chỉ vài hột lạc, vài xị rượu là xong bữa. Ở làng tôi, cứ 10 nhà lại có 1 nhà nấu rượu. Rượu gạo, rượu nếp, rượu sắn, rượu ngô…đủ cả. Gọi là rượu lậu nhưng lại bán công khai. Cả làng cả xã uống rượu thì chả công khai là gì. Tôi vẫn gặp thằng cu con lão chủ tịch đến lấy rượu đấy thôi. Tôi hỏi nó, lấy làm gì nhiều thế. Nó bảo, có các bác ở huyện về. Sự thể là thế đấy cậu ạ. Nhưng tôi chỉ lấy rượu của lão Khả, người xóm dưới. Rượu của lão lạ lắm, uống xong, người nhẹ nhàng lâng lâng như ở cõi khác vậy, quên hết ưu phiền, mệt mỏi. Đã đành, cũng chỉ là một cách lừa mình thôi nhưng ai mà chẳng có lúc cần như vậy. Mãi rồi đâm thành tật, không uống không chịu nổi. Mà cậu uống đi chứ. Đàn ông dứt khoát là phải biết uống rượu. Để làm gì hả, thì tôi nói rồi, để tự lừa mình ấy mà. Đàn bà không uống rượu vì họ không cần điều đó. Anh lại nhấp môi vào chén rượu. Ông cụ hất cằm, khoe mấy sợi râu phơ phất, mà sao cậu lại lưu lạc đến xứ này. Nhìn cách cậu cầm chén rượu, tôi biết ngay cậu là dân thành phố. Dân quê không điệu đà được vậy. Anh mỉm cười, cúi nhìn ly rượu được kẹp hờ hững giữa ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa, ngón đeo nhẫn và ngón út hơi cong lên, cháu về quê dạy học cụ ạ. Ông cụ đập tay vào trán, ấy đấy, dân quê thì lại ào ào kéo ra thành phố. Con trai, con rể, cháu nội, cháu ngoại tôi bỏ làng đi hết ráo. Làng tôi bây giờ chỉ còn rặt người già và trẻ nhỏ. Nháo nhào hết cả. Sao đời khổ thế nhỉ. Mấy chữ cuối cùng nghe đã nhừa nhựa, mắt đã hơi díu lại nhưng ông cụ vẫn thoăn thoắt thu dọn mấy hạt lạc, chút muối ớt cho vào túi ni-lon, buộc lại cẩn thận. Ông còn vặn đi vặn lại cái nút chai lá chuối xem đã kín chưa rồi cho tất cả vào chiếc túi vải bạt. Chai rượu đã vơi khoảng một phần tư. Anh đồ chừng, ông cụ đã mời rượu nhiều người, đã nói đi nói lại câu chuyện với nhiều người ở nhà ga này. Ông cần nói hơn là cần người nghe. Lúc không có ai để trò chuyện, ông sẽ nói một mình, vừa uống rượu vừa nói, vừa đặt ra câu hỏi vừa tự trả lời, rồi cười, rồikhóc. Anh đứng dậy, nói như dỗ dành, bác ngả lưng một chút cho đỡ mỏi, cũng quá trưa rồi. Ông cụ lấy khăn phẩy bụi trên chiếc ghế rồi quay lại, nghe như cũng sắp có tàu. Mà cậu đợi tàu xuôi hay tàu ngược.
Anh đợi tàu ngược, ga cuối cùng. Đó
là nơi Tứ, em cùng cha khác mẹ của anh đang sống. Hồi anh lên bốn,
đang ngồi chơi với chị Vân và anh Hải ở trước nhà thì bố anh đưa Tứ
về. Ông bảo, em của các con đấy, cho em chơi cùng nhé. Tứ là một đứa
trẻ mảnh khảnh, có đôi mắt to hơi buồn. Tứ ngồi xuống bên mọi người,
im lặng cho đến khi mẹ gọi cả bọn vào ăn cơm. Mãi sau này, khi đã
lớn, anh mới biết Tứ là con riêng của bố và một phụ nữ khác. Nghe
nói mẹ Tứ rất đẹp. Bố say mê bà nên đã giấu việc mình có vợ con ở
quê. Khi biết chuyện, mẹ anh dứt khoát đòi đưa Tứ về để bà nuôi
dưỡng, dạy dỗ. Không hiểu bà khuyên giải thế nào mà mẹ Tứ bằng
lòng giao con và xa hẳn bố anh. Mẹ anh chăm nom, thương yêu Tứ chẳng
khác gì các con ruột của mình. Dù vậy, Tứ rất ít lời và luôn giữ
khoảng cách với mọi người trong gia đình, nhất là với mẹ anh. Tứ
vâng lời, lễ phép nhưng không bao giờ vòi vĩnh, nũng nịu với bà. Anh
Hải, người sau này trở thành một nhà vật lý, cho rằng, trong con
người Tứ có một lực đẩy nào đó mà có thể chính nó cũng không tự
biết. Chị Vân, vốn là người yêu văn chương, thì lại bảo, nó không
muốn người khác nhìn thấy vết đau của mình. Tứ thân với anh vì hai
anh em chỉ cách nhau vài tháng tuổi và cũng vì anh rất thương yêu,
chiều chuộng Tứ. Nhiều lần anh thấy Tứ đứng một mình trước cửa
hoặc tha thẩn ngoài vườn sau, vẻ mặt buồn bã, trống vắng. Thế nhưng
nếu anh hỏi tới, thế nào Tứ cũng lảng chuyện rồi bá lấy vai anh,
cười gượng gạo hoặc rủ anh đi câu.Tứ có thể ngồi vài tiếng đồng hồ
bên đầm, mắt nhìn đăm đăm xuống mặt nước, không nói một lời. Có lần
Tứ câu được con trắm to, đem về
cho mẹ anh. Bà mừng lắm, rối rít
hỏi Tứ muốn ăn món gì để bà nấu nhưng Tứ chỉ nói, tùy mẹ ạ. Tùy, sao cũng được là lời đáp thường xuyên của Tứ. Hồi tốt
nghiệp phổ thông, bố tặng Tứ một bộ đồ đi câu và tặng anh một chiếc
máy ảnh. Tốt nghiệp đại học, Tứ xin đến X. Trong bữa cơm chia tay, Tứ
cám ơn mọi người và hứa sẽ giữ liên lạc. Thế nhưng, từ ngày bố mẹ
qua đời, Tứ chỉ còn giữ liên hệ với anh. Cách đây vài ngày, vợ
Tứ ra trạm kiểm lâm, gọi nhờ điện
thoại báo tin chồng ốm nặng. Với vốn tiếng phổ thông ít ỏi, cô không
sao có thể diễn đạt rõ ràng bệnh trạng của chồng, ngoài việc lặp
đi lặp lại mấy chữ nặng lắm, lo lắm sau những tiếng thút thít,
những tiếng nấc khe khẽ. Vợ Tứ là một cô gái mồ côi, không biết từ
đâu lưu lạc tới X rồi được vợ chồng một người Mông nuôi dạy. Cô xinh xắn, hiền hậu và cũng rất ít lời,
gần như cả ngày chỉ nói vài câu khi thật cần thiết như mời mọi
người ăn cơm, uống nước hoặc chào hỏi khách khứa. Phần lớn thời
gian, cô ngồi bên đống lửa, nhìn chăm chăm vào mấy thanh củi cháy dở
như đang niệm chú hoặc đang nhìn ngắm một thế giới khác, của riêng
cô. Hồi họ đám cưới, anh có lên dự. Anh nhìn Tứ, cố tìm một nét hân
hoan, bối rối của chú rể nhưng chỉ nhận thấy vẻ bình thản đến lạnh
lẽo trên khuôn mặt thanh tú. Tứ tiễn anh ra ga. Trong lúc đợi tàu, hai
anh em đứng tựa vào hàng rào gỗ của nhà ga trò chuyện. Anh hỏi Tứ,
sao em chọn nơi này. Tứ đáp, em cần sự yên tĩnh. Con người chất phác,
cảnh trí thâm u, vắng lặng, đó là tất cả những gì em cần. Anh nghĩ,
vợ Tứ cũng được lựa chọn theo cái chuẩn ấy. Khi anh sắp lên tàu, Tứ
bỗng nói, mẹ em cũng mất rồi, sau mẹ cả ít lâu. Em kịp về thăm mẹ
mấy ngày. Em có 2 người em nữa nhưng em không thích bố dượng nên cũng
ít liên hệ. Anh giật mình, Tứ biết tất cả mọi chuyện sao. Tứ đáp,
vâng, rồi im lặng cho đến khi bắt tay từ biệt mới nói thêm, tội
nghiệp mẹ, cả đời chẳng được mấy ngày vui. Khi tàu chạy, anh nhoài
người ra ngoài khung cửa tìmTứ.
Nhiều năm sau trong tâm trí anh vẫn lưu giữ hình ảnh nhỏ bé, đơn chiếc
của Tứ trên sân ga. Chưa khi nào anh thấy Tứ thân thiết với mình như
buổi sáng ấy ở ga X, một nhà ga làm bằng những thân gỗ lớn, không
sơn phết, đẽo gọt. Giờ đây, khi ngồi thu mình trong góc phòng để đợi
tàu, vừa nhắm mắt anh đã lại nhìn
thấy Tứ của buổi sớm mùa đông ấy. Anh choàng dậy, lục tìm gói
thuốc mua cho Tứ. Chỉ là những viên thuốc bổ xoàng xĩnh có được ở
phố huyện. Anh thở dài, cảm thấy rã rời vì chờ đợi.
Trời đột nhiên tối sầm lại rồi một
tiếng sét dữ dội xé tan không khí tù đọng của nhà ga. Ông cụ choàng
dậy, mưa à. Sao lại mưa vào mùa này. Đôi nam nữ lúc này đã dồn vào
một ghế đang rủ rỉ chuyện trò cũng rời nhau ra, ngơ ngác nhìn quanh. Người ngủ bật ngồi dậy như người máy, đội mũ lên
đầu, khoác túi lên vai. Ông cụ khoát tay, chưa, chưa có tàu đâu. Tàu
đến thì cách cả cây số lão cũng nghe thấy. Ông chỉ tay về phía tấm
bảng, thông báo rành rành kia kìa: vì
lý do đặc biệt:1.Không biết tàu
đến vào lúc nào. 2.Không biết
sẽ chạy được đến đâu. Anh quay lại, không hiểu sao dòng chữ rõ
ràng từng nét thế kia mà sáng nay anh không thể nào đọc được. Anh
hỏi, thế nhân viên nhà ga đâu ạ. May ra họ có thể giải thích rõ hơn
cái thông báo kia. Ông cụ chỉ tay sang phía bên phải, ở kia, ở cái
chái nhà ghép thêm kia. Rồi ông thủng thẳng, gọi là nhân viên nhà ga
cho oai vậy chứ thực ra chỉ có 3 mống, một trưởng ga, một bán vé
kiêm soát vé, một bẻ ghi, phất cờ. Đang túm tụm đánh chẵn lẻ bên ấy.
Rồi ông thở dài, chứ còn biết làm gì nữa. Nắm hai bàn tay lại, đưa
ra trước mặt người đối diện, chẵn hay lẻ. Một trò ít tốn kém, đơn
giản, buồn tẻ nhưng cũng không dễ ăn đâu cậu. Làm sao biết có những
gì trong tay người khác. Nó là may rủi thôi, như mọi thứ ở cái đời
này. Ông quay sang anh, cậu đã chơi trò này chưa. Tôi có đồ nghề đây.
Đôi lúc buồn quá, cũng qua đó chơi vài ván. Ông cụ lôi từ túi quần
ra 5 viên bi, tráo qua tráo lại rồi hỏi anh, bên nào chẵn, bên nào lẻ.
Nhận thấy mắt ông cụ đã lại hoe hoe đỏ, anh không dám tiếp tục câu
chuyện, xin lỗi bác, cháu phải chạy đi tìm trưởng ga. Ông cụ ngẩng
lên, chỉ tay ra ngoài trời mưa, ông ấy kia, sắp có tàu đấy. Theo hướng
tay ông, anh nhìn thấy một người mặc áo mưa kín mít đang co một chân
lên, nhảy qua các thanh tà-vẹt, kiểu như trẻ con nhảy lò cò qua những
ô vuông kẻ trên mặt đất trong trò chơi
nhặt chì trước sân đình.
Trong màn mưa dày đặc, hình ảnh đó có cái gì kỳ quặc, hư ảo khiến
người ta cảm thấy hoang mang, lo ngại. Nhưng quả là có tiếng còi tàu
rít lên đâu đó rất gần. Cả 5 người ào ra, chen nhau chỗ khung cửa
hẹp. Một cái đầu tàu to lù lù chạy vụt qua, chỉ để lại tiếng bánh
sắt nghiến sát sao trên đường ray. Tất cả cùng à lên thất vọng.
Anh hỏi Người ngủ, anh ngược hay xuôi. Hắn vừa ngáp vừa trả lời
cụt lủn, xuôi, rồi quày quả đi về chiếc ghế của mình. Thấy hắn đặt
túi, bỏ mũ xuống, anh chạy vội tới, ở đây có cách nào khác để đi
ngược lên X không. Hắn nhìn anh, đáp gọn lỏn, xe trâu. Tưởng hắn đùa
nhưng hắn không cười, ánh nhìn nghiêm nghị, chỉ có xe trâu thôi, đi từng
đoạn một, tới đâu hay tới đó. Mà cậu lên X làm gì, cái xứ rừng
thiêng nước độc. Thấy hắn có vẻ khó chịu, anh đã định bỏ đi nhưng
rồi lại quay lại, cố bám lấy cuộc trò chuyện. Cảm giác cô độc, bất
lực khiến anh thấy băn khoăn, lo sợ, muốn nói, muốn nghe một ai đó,
muốn tìm một hy vọng hay ít ra, một chia xẻ. Anh hỏi, anh biết X ư.
Người kia ngồi, ôm chiếc mũ trước bụng, biết đến phát sốt phát rét
khi nhớ đến nó. Tôi ở đó 3 năm 3 tháng 11 ngày, làm thợ xẻ gỗ. Cậu
có hiểu như thế là thế nào không. Là một mình với cái cưa, một
mình vật lộn với cây cỏ, rừng rú, đất dưới chân thì ẩm mục, trời
trên đầu thì u ám, người như rã ra từng tí một. Tuy vậy, ba năm đầu
cũng tạm ổn, mình là dân quê, sức lực cũng khá, mãi đến 3 tháng 11
ngày sau mới quỵ hẳn. Suốt ngày nhìn chăm chắm cái lưỡi cưa sáng
loáng ăn vào thớ gỗ. Đêm nằm, nhắm mắt lại là nghe tiếng rít của
lưỡi cưa, là nhìn thấy những thân cây gãy đổ lao ầm ầm vào mình,
làm sao mà ngủ. Cuối cùng, tôi ngã vật ra bên một gốc cây đang cưa
dở. Người ta cho tôi uống thuốc ngủ, người ta bày tôi uống các loại
lá, các loại rễ cây. Ai cũng bảo uống xong sẽ ngủ như chết nhưng tôi
vẫn không sao ngủ được. Có người nghi tôi vô tình phạm phải chốn cấm
kỵ nên bị phạt. Người khác thì lại bảo rằng tôi đã cưa phải loại
linh mộc nào đó. Họ mời thầy về làm lễ, cúng kiếng suốt mấy ngày
đêm. Nhưng sau tất cả mọi việc, tôi vẫn trơ ra. Người ta đành đưa tôi
về nhà với một khoản tiền công tàm tạm. Cha mẹ, anh em, làng xóm
đều thất kinh khi nhìn thấy tôi. Tôi gầy như một que củi, mắt lại mở
thao láo như thằng dở. Anh gợi chuyện, từ lúc đến đây tôi thấy anh
ngủ say lắm mà. Hắn cười lớn, ấy đấy, cái gì cũng có giới hạn
của nó. Sau 3 tháng không ngủ, vào một đêm mùa hạ, tôi lăn ra ngủ
ngoài hiên nhà, không trở dậy nữa. Ông bà, cô bác, anh em, làng xóm
kéo đến xem như xem một đám bán thuốc dạo vậy. Hắn cười khục một
tiếng, đời tôi cũng vài lần được thiên hạ chiêm ngưỡng đấy chứ, cũng
có fan hâm mộ đấy chứ. Anh tò mò hỏi, thế bây giờ anh đi đâu. Hắn
ngáp, về xuôi. Nghe nói ở N có thầy giỏi lắm, cái gì liên quan đến
chuyện ngủ nghê là ông ấy chữa khỏi tất. Ấy là nghe thiên hạ đồn
đoán vậy, ai biết được thực hư thế nào. Kỳ thực thì bị bố mẹ bắt
ép chứ tôi thấy chả cần thầy cần thuốc. Cùng tắc biến, nắng chán
rồi mưa, hạn chán rồi lũ, ngủ chán sẽ dậy thôi. Anh dè dặt đưa đẩy,
ấy đấy, vấn đề là ở chỗ mọi thứ không chịu ở trạng thái bình
thường, chắc các cụ sợ anh dậy rồi lại không chịu ngủ nữa. Hắn đưa
tay nắn nắn chiếc túi gối đầu, ngáp rõ to, đáp dấm dẳng, ờ, đời
mà, biết thế quái nào, rồi cúi xuống cởi đôi dép nhựa màu nâu còn
mới, co chân lên ghế. Anh hỏi, cố kéo dài câu chuyện, thế lúc ngủ anh
có nằm mơ không. Hắn nhướn cặp mắt sưng húp lên nhìn anh, cậu có làm
sao không đấy, không mơ thì ngủm củ tỏi rồi, không mơ thì làm sao còn
ngồi đây trò chuyện nhăng nhít với cậu. Anh không dám ừ hử gì, sợ
hắn phật ý nhưng hắn bỗng cười lớn, mơ đủ thứ, mơ uống rượu với
cha, mơ ăn cơm với mẹ, thấy cả món canh riêu nòng hổi, mơ thấy nhà
thấy cửa, mơ tắm sông, mơ thả diều, mơ đá bóng, mơ hàn huyên với bạn
hữu, mơ cãi nhau với thằng nhỏ phụ việc, mơ nhà cháy, mơ lũ cuốn cả
cánh rừng, mơ thấy bạn gái cũ, dù đã bỏ mình đi lấy chồng vẫn đến
thăm nom, chung chạ, mơ đánh thằng cai một trận thừa sống thiếu chết…
cái thằng cai này chuyên ăn chặn của cánh thợ rừng, uất lắm mà lúc
thức đâu có dám ho he gì, mơ thì đánh nó đã đời, võ tàu, võ tây đủ
cả …Hắn im lặng, đưa mu bàn tay xoa xoa lên trán như cố nhớ lại những
giấc mơ của mình, rồi đột ngột nhìn thẳng vào anh, ấy đấy, cậu đã thủng chưa, rốt cục thì ngủ cũng
là một cách thức, thức cũng là một cách ngủ, ngủ cũng là…mấy
tiếng cuối cứ lả dần đi rồi cả người hắn bất thần đổ dúi dụi
xuống ghế như một cái cây vừa bị đốn, tay vẫn ôm khư khư chiếc mũ
trước bụng. Nhìn kỹ thì đó là loại mũ bảo hộ của cánh thợ rừng.
Trời nhá nhem tối. Ông cụ tay cầm ly
rượu, mắt chăm chú nhìn ra vạt cỏ bên sân ga, nơi cụ bà đang lúi húi
hái cỏ mực. Sợ phiền ông, anh đi thẳng ra hiên, ngồi nhìn khoảnh sân
nhỏ sau cơn mưa. Trên nền xi măng cũ kỹ, nửa xám nửa đen, cỏ dại mọc
lôm nhôm ở những chỗ bị tróc lở, nứt nẻ. Nơi góc sân xa nhất, hai
chậu vạn thọ đang gắng gỏi nở những bông vàng còi cọc cho buổi
chiều, trông thật tội nghiệp. Đôi thanh niên nam nữ cũng dắt díu nhau
theo ra. Cô gái rụt rè hỏi, anh có biết xem tướng không ạ. Anh ngạc
nhiên nhìn cô, định từ chối rồi không hiểu sao lại nói, vâng, nhưng
chỉ xem chuyện tình duyên thôi, còn công danh sự nghiệp thì không
tường. Cô gái reo khẽ, hay quá, anh xem giúp em với. Cô chìa bàn tay ra
trước anh. Một bàn tay khỏe mạnh, các ngón tay tròn trịa, nằm khít
bên nhau. Anh nhìn hồi lâu, ra chiều suy nghĩ, rồi phán, đường tâm đạo
của cô có phần không được suôn sẻ. Cô có 2 hố nước mắt đây này, một
lần vào khoảng năm 18 tuổi, một lần mới gần đây, có lẽ vào cuối năm
vừa rồi. Việc không thành không do lỗi ở nơi cô mà cũng chẳng phải ở
người ta, chỉ là chưa đến duyên đến số mà thôi. Hai má cô gái ửng
hồng, đôi môi hơi mím lại, khoe một lúm đồng tiền nơi khóe miệng. Có
vẻ như cô đang muốn phân trần, giải thích điều gì đó nhưng rồi chỉ
lí nhí cám ơn. Chàng trai ngồi bên cạnh, chăm chú lắng nghe lời thầy nhưng hoàn toàn không có phản
ứng nào. Cô gái cầm lấy tay anh ta, anh ơi, anh xem luôn cho anh ấy nhé.
Anh cười, cậu này tôi nhìn tướng là được rồi. Cậu là người có chí
hướng, có trách nhiệm, giàu tình cảm nhưng hình như cũng lại không
thật may mắn trong chuyện tình duyên. Nếu tôi không lầm thì cậu vừa
trải qua một cú sốc tương đối nặng, cậu đang rất buồn. Nhưng cậu chớ
lo lắng, nhìn thần thái của cậu thì chỉ ít lâu nữa nhất định cậu
sẽ tìm ra người cậu muốn tìm, có khi người đó đang ở rất gần cậu
cũng không chừng. Chàng trai lắc lắc đầu, xòe năm ngón tay lùa vào mái
tóc dày như phản đối lời phán nhưng lại nói, giọng khàn xuống, cám
ơn anh. Họ không hề ngờ rằng những gì anh nói chỉ là những điều
chính anh đã trải qua, đang trải qua mà thôi. Nhìn vẻ bối rối, cảm
động của hai người trẻ, anh có cảm giác mình đã làm điều chi không
phải. Anh ân cần hỏi họ, cô cậu xuôi hay ngược. Cả 2 cùng đáp, ngược,
đến Y anh ạ. Chàng trai nói thêm, em đi chơi thôi. Cô gái chen vào, còn
em thì đi nhận việc ạ. Lòng nhẹ nhõm đôi phần, anh vỗ vai chàng trai,
vậy là ta đồng hành một đoạn cũng khá dài.
Ông cụ khoác túi, ra đứng sau lưng
họ, tôi về làng đây. Chúc mọi người xuôi ngược bình yên. Tàu sắp tới
đấy. Anh quay lại, định chào ông một câu nhưng ông đã đột ngột tan vào
ánh sáng mờ ảo của buổi chạng vạng. Trên chiếc ghế ông đã ngồi
không còn một hạt muối, một chiếc vỏ lạc để lưu dấu sự có mặt của
ông. Có phần hoang mang, anh quay tìm Người
ngủ. Hắn vẫn ngủ. Trong lúc anh ngắm nhìn những ngón tay vuông
vức của hắn đan vào nhau để giữ chiếc mũ trước bụng thì hắn bật
dậy, kêu toáng lên, tàu đến, tàu đến. Cùng lúc, đèn trong nhà bật
sáng, không khí bỗng nhốn nháo, sinh động hẳn. Trước sân, người
trưởng ga gọn gàng trong bộ đồng phục, đang bước xuống những bậc cấp
phủ đầy hoa xấu hổ màu tím.
Ngay sau ông ta là một người nhỏ bé, chạy lon ton, tay không ngừng vung
vẩy lá cờ nhỏ xíu vào khoảng không.
Anh ngoảnh nhìn căn phòng, ngạc nhiên
khi trông thấy một cây đèn chùm màu hồng được treo hững hờ ngay trên
đầu người bán vé. Anh không thể biết nó vốn có từ trước đó hay chỉ
vừa xuất hiện khi anh cùng hai người trẻ ra ngoài.Vật trang trí kỳ
lạ này dù không được dẫn điện vẫn lộng lẫy với vô số những chiếc
bóng nho nhỏ, những cái chao đèn uốn lượn điệu đà, phản chiếu ánh
sáng của 2 ngọn đèn vàng treo chỗ cửa ra vào. Có một chút gì như
sự thách đố hợm hĩnh của nó với khung cảnh điêu tàn của nhà ga,
với khuôn mặt buồn bã của cô nhân viên bán vé còn trẻ đang hướng ánh
nhìn tới các hành khách hiếm hoi của mình. Có lẽ chiều nay cô thua
đậm trong cuộc chơi chẵn lẻ, anh nghĩ.
Ý Nhi.