Wednesday, May 30, 2012


NHẬT THỰC

Lưu Na



Hai tuần trước đi bộ ngoài biển chợt sững sờ rồi tức tối.  Trăng mới, vàng to như cái mẹt vừa nhô lên giữa hai cột ống khói của nhà máy lọc dầu.  Khói trắng cuồn cuộn bay theo gió, ánh trong vàng tỏa với lên không.  Tôi đã lỡ dịp chụp siêu trăng của năm này.  Không cam lòng, qua ngày mai tôi trở lại với máy với nón với áo.  Và mây.  Mây đen kịt bầu trời, lấp ánh trăng mới và quả tôi phải đành mình đã lỡ.

Bây giờ, tôi vớt vát với nhật thực.  Mỹ nói solar eclipse, mặt trời bị trăng bấm một miếng, có thể mỏng như mẩu móng tay, hay toàn phần thành vòng lửa.  Mình nói nhật thực là nghĩa trời bị xơi chăng?  Sao không là Nguyệt Thực, trăng xơi?  Tôi chịu, không biết nói sao là đúng.  Nhưng chắc chắn phải gỡ huề mới cam.

Cho chắc cú, tôi lái xe lên Griffit Park ở Los Angeles với cơ hội được thấy gần 80 phần trăm cảnh thiếm xực.  Bốn mươi lăm phút lái xe, nhưng phải đậu lề đường vì loa đã ông ổng báo không còn chỗ đậu.  Hạ xe đạp xuống, khoác ba lô lên vai, 2 đứa tôi bắt đầu đạp.  Được 5 thước tôi nhảy xuống thở vì đường dốc, dầu không dốc lắm nhưng mình thuộc loại lực sĩ lười nên không kham nổi.  Bạn xúi dắt xe, ok.  Thêm 5 thước nữa tôi bỏ cuộc.  Bắt ngang một con đường nhỏ tìm cột sắt có bảng chỉ đường, chúng tôi cột xe đạp lại rồi bắt đầu đi bộ.  Được 100 thước thì mồ hôi ướt áo, tôi lại phải nghỉ.  Bên lề, một cô cao và chắc như lực sĩ điền kinh đang ngồi nghỉ cùng đứa con gái.  Cô nói với con, nhưng như nói với tôi, uống chút nước có electrolytes, ăn tí ngọt rất cần cho việc đi bộ như vầy.  Đảo mắt, twinkies (tôi đang xơi) thì cũng tạm, nhưng trái cây chắc tốt hơn_nhét một trái dâu vào tay con…

Chúng tôi đi tiếp.  Thêm trăm thước nữa, cái ba lô máy ảnh chưa tới 10 pounds nay thành trăm pounds trên lưng, tôi dừng lại thở dốc.  Cái vóc dong dỏng cao với đứa con gái cõng trên lưng cũng lên tới.  Tôi tặng cô chai nước.  Cô hỏi phải tôi gốc Thái.  Việt Nam đấy.  Ừ, để tôi chia sẻ cùng bạn một điều mà không chừng bạn đã biết rồi vì đất của bạn là đất Phật.  Đó là, tôi chỉ biết từng bước mình đặt chân, không nghĩ xa hơn không cần biết khi nào sẽ tới.  Tôi cũng nối lời, chăm chú vào phút giây hiện tại, đúng không.  Gật đầu.  Lòng tôi chợt nhói đau  -tôi vẫn còn nợ 2 người 1 quyển sách, người đưa bản tiếng Anh người cho bản dịch Việt ngữ, cuốn The Power Of Now.  Thôi, cũng đành, có nhiều khi giữ lời lại hại cho lời.




Tôi cắm đầu đi tiếp, đi cho quên lời hứa cho kịp cảnh chiều tà.  Đi, mình còn được đi còn đi được, không phải là ân sủng hay sao.  Bucket list của tôi ngày một dài, e khi tôi chết nó sẽ thành sớ.  Đường lên đỉnh Griffit dầu sao cũng dễ lên hơn một khi bặm môi rảo bước, không theo lối cong của đường mà phải vạch thẳng lối dốc cho ngắn nỗi nhọc nhằn.  Nắng đổ lên tóc lên vai, mồ hôi tuôn rơi nhớp nháp, tôi cảm như mình đang bị lột trần dưới ánh mặt trời, từ thể xác trần tục đến lòng u mê của kiếp con người.  5:30 tôi lên đến đỉnh.  “Giáo chúng Minh giáo” ham vui đã tụ đầy trên đỉnh chờ phút mặt lửa thiêng bị liếm !!!  Giáo chúng 2 tuổi với cái tã to hơn người thì chạy văng vào các bà mẹ đang ngồi trên thảm cỏ.  Các nhóc tì rượt nhau ơi ới, teens thì đua nhau chui đầu vào thùng giấy.  Thấy lạ tôi xà vào hỏi đó là gì.  Một em đội ngay vào đầu tôi chiếc thùng.  Chả thấy gì.  Em khác chỉ, hãy hướng đốm sáng từ một lỗ nhỏ trên góc thùng vào trang giấy trắng dán ở mặt đối diện.  Ồ, thấy rồi, hình ảnh mặt trời bị bấm một miếng nhỏ hiển hiện.  Khoa học thực dụng là đây, vui chơi là đây.  Mà, ủa, vậy đã bắt đầu thiếm xực rồi à?  Yes, already started.

Tôi ngó quanh.  Đứa nhởn nhơ cứ nhởn nhơ.  Đứa chăm chú cứ chăm chú.  Vói miệng hỏi một đại ca súng ống dài ngoằng_bạn set up sao đó?  F tối đa, speed tối đa, máy của bạn được tới đâu?  Của tôi được F32, speed 1/4000.  Thì bạn phải chịu vậy, chứ tôi được F32, speed 1/6000.
Tạm yên lòng, tôi lên thang vòng qua sân thượng, vồ tạm cảnh người chen người trên thảm cỏ với xa xa là núi đồi trong khói bụi và biển chữ Hollywood mờ mờ.  Nhân viên đài thiên văn thông báo 6 giờ 38 phút sẽ nhật thực toàn phần.  Tôi ngước lên, dẫu nhật thực đã nửa giờ vẫn chả thấy gì ngoài ánh sáng chói chang làm mắt mù lóa thật lâu.  Có em trai cho tôi mượn tấm kính giấy tựa như loại để xem phim 3D, thật đẹp là thiên nhiên kỳ diệu.  Bên trái, một cặp Ấn Độ đứng thong dong.  Họ tự chế ra 3 tấm kính khổ 4x6 inches dán mấy lớp giấy phim tinting trông đen thui nhưng dơ lên xem thì cảnh solar eclipse thật đã.  Cũng nhờ những tấm kiếng đó mà tôi chụp được vài bức hình trời khuyết khi họ cho tôi mượn để áp trước ống kính hầu lược bớt ánh lửa mặt trời.  Cặp này ung dung, họ chỉ hưởng gió mát tắm nắng vàng và vui ngắm quang cảnh chứ không chộn rộn chụp hình như bọn chúng tôi, họ chả cần lưu niệm với lại nghệ thuật nghệ thiếc gì cả.  Lưu niệm, là ở lòng mình biết đã có phút huy hoàng.  Nghệ thuật, là ở nơi mắt mỗi người rồi, chúng ta ai chả biết vậy.  The Power of Now đấy.  Nhưng tôi thì tôi phải lăng xăng phải sân si, tôi phải làm giáo chủ của giáo chúng ham vui trên đỉnh Griffit !!!


Cô bé bên cạnh lúng túng không biết phải set up ra sao, chỉ luôn cho cô, cô cười toe.  Vui nữa là cặp sinh viên người Tàu đứng xế bên.  Máy hình thiệt to thiệt tốt, mà cứ dùng màn ảnh để ngắm thì sao ghì sát tay cho chắc máy?  Lại than ống Macro là ống dùng chụp cận ảnh không chụp được hình xa.  Tôi dân lờ vờ không hiểu ra sao, nhưng chụp xong thì cũng tháo ống kính ra cho họ mượn chụp đỡ vài bức gỡ vốn.  Đúng giờ, giáo chúng ham vui reo hò dữ dội, tôi ngó lên, vẫn sáng choang choang đâu có mịt mờ gì như đoạn hỗn chiến của Tạ Tốn với cao tăng Thiếu Lâm Tự trong truyện Cô Gái Đồ Long.  (Biết truyện chưởng là dóc mà vẫn cứ say mê).  Bây giờ tôi giơ máy chĩa lên trời bấm túi bụi, mắt hoa lên vì bị chói đến lòa. 

Hết một cuộc vui.  Xuống dốc, cái ba lô 10 pounds đẩy tôi đi như chạy, đĩa thắng trong đầu gối coi bộ cũng mòn rồi, tôi chạy băng băng dẫu mắt vẫn còn hoa. Đường về thong thả hơn, tôi ngồi trong xe hơi mới thấm mệt và thấy ê mông vì lên dốc.  Quả là no pain no gain.  Vào nhà, tôi chưa chuyển xong hình lên máy thì thấy mình có 4 lá thư của cô Hà.

Thư cô gửi lúc 5:18 pm, tôi đang ì ạch phơi thân dưới lửa mặt trời.  Tôi đọc thư trong cái êm mát của đêm nhưng một lần nữa thấy mình bị lột trần trong cõi thế, trần trụi trước mắt cô. Mỗi lá thư là một tấm gương cho tôi thấy tôi trong mắt ai, một cái tôi xa lạ bất ngờ, một cái tôi của kiếp nào khác mà tôi chưa bao giờ được biết.  Tôi có thực biết sống, tôi có thực biết yêu?  Cái tôi viết nói với cô như vậy, nhưng tôi có biết tôi chăng?  Cõi tạm, đã gọi là tạm, thì viết thực được bao nhiêu và sẽ lưu được gì?  Rối ren quanh quẩn…  Thoáng buồn, tôi nghĩ hiểu được người thì chính hồn mình cũng là một bể đau, thấy được tha nhân là thấy được chính mình, và như vậy dưới nụ cười hồn nhiên rạng ánh mặt trời của cô có dấu một liềm trăng, có dấu một chút sương, và lòng cô không phải lúc nào cũng đơn sơ tràn tin yêu tươi sáng.  Tôi ước được nắm lấy bàn tay xương của cô tìm chút hơi ấm…  Tựa như anh bạn viết phương xa mà tôi chưa lần đối diện, cô đã tặng cho tôi món quà quí thật quí là sự cảm thông, và tôi an lòng dẫu cô đã thấy tôi rõ hơn tôi đã thấy mình. 
Lưu Na
5/20/2012

*Hình sử dụng trong bài là của Lưu Na chụp.

Tuesday, May 22, 2012


thơ nguyễn xuân thiệp
trò chuyện với hải âu



                                                       Photo Lưu Na

hải âu ơi
thời gian. như biển và trời. xanh mãi xanh
như ngày nào
trong chiều. vừa tắt nắng
tôi cùng người trăm năm
đứng nhìn
mảnh trăng. như một cánh bướm mỏng trôi đi. lạc vào trí tưởng
có thêm hải âu nữa chứ. bay trong trời chiều lộng gió
và hai chúng tôi
ngồi uống cà phê dưới bóng dù
nhìn trăng. và hải âu
tiếng cười. đâu đó. cũng chợt bay lên
nay người về đâu
cánh bướm mặt trăng. tiếng cười buổi ấy. về đâu
tình yêu. của tôi. về đâu
hải âu ơi. bay qua ngàn sóng biếc. và mặt đất và những mái nhà
có thấy gì không. có thấy gì không
chỉ cho tôi tìm đến

NXT

Lời Hát Xa Xưa Trở Lại

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh



                                                     Cello by Amedeo Modigliani

   Phải nói là “Những lời hát xa xưa của tôi” mới đúng. Bởi trong thời niên thiếu, trong những năm tháng tuổi teen của tôi, những lời hát như đã gắn vào trong tâm. Thuở lên trung học, tôi nghe lời anh cả “học Anh văn, tốt nhất là hát nhạc tiếng Anh cho nhiều”. Mà với bất cứ ngôn ngữ nào cũng vậy chăng" Tôi nghĩ thế. Mấy anh em cứ nghe radio và hát theo những bản nhạc mình yêu thích, rồi thì đi mua nhạc về tập, mãi rồi thành một thói quen khó bỏ. Anh em tôi có cả một tủ nhạc thuộc loại “top hits”. Còn chị tôi và tôi, có những đêm thức thật khuya, châu đầu lại bên chiếc radio pin, sợ ba má nghe nên vặn rất nhỏ, có khi còn trùm mền lại đến vã mồ hôi chỉ để nghe cho hết một bản nhạc.

   Vậy thì cũng không hẳn là chỉ vì thích học Anh văn. Đúng ra là mấy anh chị em thích nhạc. Thuở ấy... tôi hay ôm cây đàn guitar hát những bản nhạc của The Beatles. Cả nhà ai cũng nói là tôi mê nhạc “yeah yeah”. Mà “dé dé” thiệt! Nghe dễ thương lắm! Đa số các bản nhạc “dé dé” chỉ có vài lời rất đơn giản, nhưng cô đọng, đủ nói lên cái ý của cả bài, cộng thêm nét nhạc vui nhộn làm cho mỗi bản có một nét độc đáo riêng. Mà không chỉ ban nhạc The Beatles, thời đó thịnh hành những ban nhạc bốn hoặc năm người nổi tiếng khắp thế giới, trong đó có ban nhạc The Byrds mà tôi cũng rất thích. Bản “Turn! Turn! Turn!” của ban nhạc này, lời lẽ đơn giản, kết cấu mỗi câu như kiểu văn đối xứng của Việt Nam nên dễ nhớ và dễ thấm. Đây là một trong những bài “nhiều lời” nhất mà đứa bé con như tôi thích và nhớ cho đến bây giờ:

Turn! Turn! Turn!
(To Everything There Is a Season)

To everything - turn, turn, turn
There is a season - turn, turn, turn
And a time to every purpose under heaven

A time to be born, a time to die
A time to plant, a time to reap
A time to kill, a time to heal
A time to laugh, a time to weep…

   Sao mà đáng yêu thế! Cái ý niệm “xoay” nhiều nghĩa, đen và bóng, khiến tôi thích dịch ra tựa bài hát là “Xoay! Xoay! Xoay!”

Xoay! Xoay! Xoay!

Việc gì cũng có lúc, có thời của nó
Mọi việc dưới trời đều có kỳ định
Xoay! Xoay! Xoay!

Có lúc sinh, có lúc tử
Có lúc gieo, có lúc gặt
Có lúc giết hại, có lúc chữa lành
Có lúc cười, có lúc khóc

Có lúc dựng xây, có lúc đạp đổ
Có lúc múa ca, có lúc than khóc
Có lúc ném những hòn đá đi
Có lúc gom những hòn đá lại

Có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình
Có lúc yêu thương, có lúc thù ghét
Có lúc bạn ôm hôn
Có lúc bạn tránh né

Có lúc được, có lúc mất
Có lúc xé nát, có lúc vá khâu
Có lúc yêu, Có lúc ghét
Có lúc dành cho hòa bình, tôi thề, không quá trễ đâu!

   Một cô nhóc, hát những lời hát này, thấy thấm, nhưng thấy thấm một cách… rất ngây thơ. Tôi biết gì là chiến tranh! Tôi biết gì là hòa bình! Tôi biết gì là cuộc sống! Tôi biết gì là cõi chết! Ấy vậy mà hát say mê. Người ta bảo: “Những bản nhạc trong thời niên thiếu sẽ in rất đậm trong cả cuộc đời của chúng ta”. Không tin, xin bạn cứ thử nhớ lại.
   Rồi đến những nhóm nhạc hai người, thuở đó cũng một thời tôi yêu thích. Trong số đó, tôi say mê với những bản nhạc của nhóm “Simon and Garfunkel”, hai người ca nhạc sĩ hát với cây đàn guitar. Không chỉ riêng tôi đâu, mà hầu như ai cũng thích đôi song ca này. Có lẽ vì những “tiếng lặng thầm” của họ nói lên được nỗi niềm khắc khoải của cả một thế hệ đã quá quen với chiến tranh, với những câu hỏi chưa bao giờ được giải đáp. Họ đã tự giải đáp.

The Sound Of Silence

Hello darkness, my old friend,
I've come to talk with you again,
Because a vision softly creeping,
Left its seeds while I was sleeping,
And the vision that was planted in my brain
Still remains
Within the sound of silence.

Tiếng lặng thầm

Chào bóng đêm, người bạn cũ
Tôi lại đến chuyện trò cùng bạn
Bởi một ảo ảnh đang nhẹ len về
để lại hạt mầm trong khi tôi đang ngủ
Và ảo ảnh ươm mầm trong óc tôi, vẫn còn đó
trong tiếng lặng thầm

Trong những đêm thao thức tôi cô đơn bước đi
qua những con đường đá cuội
Dưới vầng sáng của đèn đường
Tôi kéo cổ áo che giá rét và ẩm ướt
Khi đôi mắt tôi bị một tia sáng đèn nê-ông xoáy vào, xé màn đêm
Và chạm đến… tiếng lặng thầm

Và trong ánh sáng trần trụi tôi đã thấy
Mươi ngàn người hoặc hơn
Người ta đang chuyện trò mà không nói ra lời
Người ta nghe mà không cần lắng tai
Người ta viết những bài hát không có tiếng
Và không ai dám khuấy động tiếng lặng thầm

Khờ quá, bạn không biết đâu
Sự yên lặng như ung nhọt nẩy lên
Nghe những lời tôi có thể bảo bạn
Nắm lấy cánh tay tôi sẽ vươn đến bạn
Nhưng những lời của tôi, như những giọt mưa lặng lẽ rơi xuống
và vang vọng
trong bể lặng thầm…

   Như vậy đó, nhiều rất nhiều, những bản nhạc trong thời tôi còn nhỏ, thấm vào lòng, tự nhiên đến nỗi tôi không còn nhớ nó là tiếng Anh. Khi buồn thì hát, cảm nhận cũng lớn dần theo với tuổi tác của mình. Nhưng nói chung, tất cả đều nguyên vẹn.

**

   Trong đời người, có những bài hát đến với chúng ta trong những hoàn cảnh đặc biệt, và chúng ta nhớ nhiều nhất, nhưng có khi không còn nghe lại. Và cũng có những bài hát chúng ta biết trong những hoàn cảnh không có gì đặc biệt, nhưng có một ngày nào nghe lại trong một bối cảnh khác thường, chúng ta sẽ thấy cảm động nhiều.
   Tôi không nghĩ rằng mấy mươi năm sau, tôi nghe lại hai bản nhạc trên, trong một dịp rất đặc biệt. Qua màn ảnh ti-vi, tôi nghe lại những lời của “Turn! Turn! Turn!” nhưng không phải với phần trình diễn của The Byrds, mà là qua lời nói của cựu Thị trưởng Thành phố New York Rudy Giuliani… khi ông đọc bài diễn văn, mà thật như một “điếu văn”, vì ông đang tưởng niệm những nạn nhân trong biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001:
   “Việc gì cũng có lúc, có thời của nó. Mọi việc dưới trời đều có kỳ định. Có lúc sinh, có lúc tử. Có lúc gieo, có lúc gặt. Có lúc giết hại, có lúc chữa lành. Có lúc cười, có lúc khóc. Có lúc dựng xây, có lúc đạp đổ. Có lúc múa ca, có lúc than khóc. Có lúc ném những hòn đá đi, có lúc gom những hòn đá lại. Có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình. Có lúc yêu thương, có lúc thù ghét…”

   Kẻ ngoại đạo như tôi, nay đã biết đó là những lời từ trong Kinh Thánh.
   Mà cũng rất giống với ý niệm trong đạo Phật. Điều gì hiện có, đã có ngày xưa. Điều gì sẽ xảy ra, đã xảy ra tự lâu rồi. Trong vòng xoay của thế giới, có những điều thật khó hiểu nhưng đã hiển nhiên.

   Và rồi thật xúc động, tôi thấy lại Paul Simon.
   Không có người bạn Garfunkel cùng song ca bên cạnh, Simon ôm cây đàn guitar, đội chiếc mũ lưỡi trai có in số 9/11, giản dị như ông đã từng. Simon 70 tuổi hát “The Sound of Silence”. Không chỉ với những người sống đang hiện diện quanh ông, đang rơi nước mắt nghe ông và hát theo ông, mà hồ như cả ba ngàn người bỏ mình trong cuộc khủng bố cũng về chia sẻ với ông “tiếng lặng thầm”. Tôi thuở là bé con hiểu lời bài hát này theo kiểu bé con. Tôi lớn lên nhìn thế giới với hai bộ mặt của nó: náo nhiệt và sâu lặng. Mỗi người khám phá “tiếng lặng thầm” theo cách của mình. Còn nơi đây, trên khởi điểm của những cái đã từng mất đi, “tiếng lặng thầm” cất lên có một âm vang lạ thường của nó.
   Khi con người còn lấy sự đau thương của kẻ khác làm niềm vui sướng cho mình, thì mọi thứ tiếng nói sẽ trở thành vô nghĩa. Chỉ còn lại một thứ. Tiếng lặng thầm. The sound of silence…

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Friday, May 18, 2012


thơ hoàng xuân sơn

V I Ế T  R Ờ I  Ở  SAN JOSÉ



                                Tặng cô Đoan Trang Quỳnh Giao
Sơn dương bóng chiều vách núi thảm
đường mòn độc đạo rượi buồn lên non
hú dội vang . lãnh trời râu tóc tua tủa
cánh chuồn quay mộng thực chưa tròn

Mặt đất lụi dần tâm tướng
chợt thèm nghe hát vỗ bề thinh không

Vắng muộn chưa từng
ôi tiếng hát mảnh như tơ
mở then chiều đêm . rót nguyệt
nguyệt cầm nguyệt cầm sợi trăng uống tóc
những lọn khói mê hồn
rớt nằm cung vãn
không liêu trai huyền sử xanh

Ở đường Tully những cây cọ đứng già trân
có phải buồn Tuy Lý
lưu ly thành quách
lòng đôi khi tựa mảnh sành
lóng lánh trên nóc vương phủ thời nào
thì thào chuỗi sóng . đêm
Vỹ Dạ
ngất ngất hát chài qua sông lửa hương vàng bến

Đốm má hồng au dương cầm phiếm
nữ nhi về đâu bát ngát đại hồ cung bậc sáng nao hồn lý ngư
chiếc vảy bạc đeo sương cổ ngấn
đan kịp tay mười ngón thao chuyên khuôn dạng trẻ thơ

đàn bà
hát thoảng lay
huơng rù quyến

HOÀNG XUÂN SƠN
sáu . tháng chín . không sáu


Ra mắt sách Nguyễn Đình Toàn


Chiều Chủ Nhật 13 tháng 5 vừa qua đã có buổi ra mắt sách ấm cúng và thân tình tại Hội Trường báo Người Việt ở Nam Cali. Sách được giới thiệu là bộ ‘Bông Hồng Tạ Ơn’ gồm 2 cuốn của tác giả Nguyễn Đình Toàn. Đây là bộ sách viết về 234 tác giả và nghệ sĩ của một thời kỳ văn học nghệ thuật có nhiều đóng góp và khai phá.
Buổi ra mắt sách được một số đông bạn bè của tác giả trong giới văn nghệ hỗ trợ. Sau đây là một vài nét ghi nhận của nhà văn Lưu Na.

                                                          Nguyễn Đình Toàn


                          xxx, Phạm Quốc Bảo, Nguyễn Xuân Hoàng, NĐT, Bùi Bảo Trúc,
                                     Ngọc Hoài Phương, Nguyên Khai, Phan Nhật Nam



SÁCH CŨ NGƯỜI XƯA
Lưu Na

Sách là sách cũ, người là người xưa.  Ra mắt sách chỉ là cớ để người thân đến với nhau, bạn bè tìm lại nhau, để người đọc biết người viết. Để người của thuở tiếng còi tàu Nam Định lồng trong gió năm xưa là Phan Lạc Tiếp gặp cô bé viết nhật ký vào hư không của thời nay là Ngọc Lan.  Chương trình gói ghém, toàn bộ do bè bạn thân quen đồng giới góp tay thực hiện.  Chia sẻ đôi lời xong thì nghe hát đôi câu.  Gợi nhớ một câu hát năm nào, thuở mới lớn mới gặp lúc đổi đời:

Anh đi nghe tiếng người xưa vọng
Một giọng thơ ngâm một giọng đàn.

Sách thực ra cũng kén người đọc, vì thời e-book với mọi sự qua đi theo một cái quệt tay trên màn ảnh thì ít ai muốn cầm một cuốn sách dầy trên tay để trầm ngâm để hòa vào không gian của tác giả. Nhưng thiếu, e thiếu luôn một quãng đời đã qua. Tác giả chia sẻ đôi điều. Những người đã đóng góp vào kho tàng văn hóa của chúng ta xứng đáng được nhắc nhở dù chỉ một vài tác phẩm.  Cũng có tác giả hiện còn có mặt với chúng ta không được nhắc, không phải vì không quí, nhưng chúng ta vẫn còn cơ hội và còn có nhiều những ngòi viết khác sẽ nối tiếp công việc. Nguyễn đình Toàn nói, đại khái, trong khi ghi chép lại, gom góp lại chút văn hóa đang bị xóa bỏ, nếu chúng ta gạt những tác giả tác phẩm xuất phát từ miền Bắc thì chúng ta có khác gì họ, và hai miền xóa bỏ nhau thì chúng ta còn được gì? Sự trân trọng đó cũng đáng ngẫm nghĩ.

LN
5.15.2012

Saturday, May 12, 2012


Serenata

Hoàng Xuân Sơn



                                         Sunflowers by Charuk

rồi úa cả trong sân chiều
bánh mật gai tràng dây kẽm
chiến tranh đi qua tình yêu
còn lại sắc hồng rón rén

phượng đứng một mình. áo não
hồn quyên lên rưng trời xao
giọt buồn trôi mắt ấu tím
tháng năm. phương án tiềm đào

cứ ngỡ tình còn luyện thất
vàng thu khép lá phong hờ
cho cuống sững đau vời vợi
nên hội mùa rất đỗi thơ

cà khêu chân dài cũng thể
bước không qua khỏi đầm lầy
lượng thanh như triều chín rụng
vẫn thồ trái đắng lên cây

vương đằng tinh tươm áo trắng
là lượt êm ru cuối miền
con đường thơm hoa tĩnh lặng
đã góa liều sương khóc đêm

hình ảnh đẹp buồn. da diết
là khi mây hứng giữa dòng
nước không buồn trôi bình tịnh
phương tần một áng soi chung

mỗi chuyến đi về miên ải
đau đáu người phục dương còn
bạn ta hôm nao cười nói
đại mộng chào giấc cỏn con

ừ thôi đời như khúc nhạc (*)
trường canh gẫy nốt lặng thầm
cứ hát. trầm cung thứ hát
cho môi rền một phiến âm

13 mai 2011
(*) Phạm cao Hoàng – “Đời như một khúc nhạc buồn”
Hoàng Xuân Sơn


Quá nhanh

Lưu Na


                                                          Thiếu nữ. Tranh Hồ Hữu Thủ

Tháng 2, mùa Xuân êm đềm đi qua.  Trong cái êm đềm của những cành đào nở muộn, cành mộc lan vẫn rộ những cánh hoa tím trắng trên cội cây khô.  Thời tiết thật lạ lùng.  Cứ một tuần nóng điên thì một tuần lạnh lẽo.  Đang nắng khô chợt dưng mưa xám trời đất vài ngày.  Loay hoay mà ngày tháng cứ lao đi.  Chúng tôi ngồi bên nhau bàn dóc lác một chuyến đi Texas trong tháng Tư, một buổi hát cho nhau trong tháng Ba.  Đâu đó có người đề nghị in sách.  Tất cả, chỉ là nói cho qua ngày lặng lẽ. 

Rồi tháng Ba có người ghé thăm.  Rồi bắt đầu in sách.  Rồi lại đòi hát cho nhau trong tháng Tư.  Chúng tôi còm cõi ngồi cò bản thảo mà không biết bao giờ mới xong 1000 trang giấy.  Tôi bắt gặp mình làm việc thật nghiêm cẩn như đang làm research hay term paper cho trường.  (Vớ vẩn !!!)  Rồi tháng Tư được gặp gỡ người xa, tôi vồ được lố hình ưng ý dẫu hối tiếc sao mình chộn rộn.  Chương trình nhạc tháng Tư bị đẩy qua tháng Năm.  Bây giờ, sách đã cò xong, giao lại cho nhà in.  Khi cuốn sách thứ 2 đã giao đi, chúng tôi ngồi bên nhau, trống hoác.  Chữ và giấy, nó không là gì cả mà dưng không thấy nó lấy mất hồn mình.  Tôi im lặng đọc một cái gì đó, ông bâng quơ ngó ra cửa sổ.  Ông vẫn ngồi yên như tượng mà không biết sao tôi cảm thấy như ông hụt hẫng chông chênh, như ông là bà bầu vừa mới sanh con, cái bụng mang ì ạch chợt phút giây thiếu rỗng và thấy người mất thăng bằng.  Tôi vẫn có tật cảm nghĩ một điều gì đó về người mà không biết vì đâu cũng như không chắc đó là cảm nhận hay tưởng tượng.  Nhưng cái nhàn nhạt buồn tênh của buổi chiều hôm ấy khi anh Khuê chủ nhà in tới lấy sách về để hoàn tất chuyện in ấn vẫn theo tôi cho đến lúc vào giường.

Bây giờ, tôi cắm cúi hoàn tất bài điểm sách trước khi quên, trước khi mọi ý nghĩ nó bỏ chạy khỏi đầu mình.  Mắc đánh lộn với chữ nghĩa tôi tạm quên cái gì đó mơ hồ của buổi sách lấy đi in.  Viết nhiều khi cũng như bị đồng nhập phải viết cho xong dù cái ý muốn viết tuôn ra thành một cái gì khác; rồi có lúc bị đồng thăng bất tử, không kịp hoàn tất một ý nghĩ, lúc phải hậm hực cái chuyện đứng lên ngồi xuống không thể xuôi rót một ý cho trọn, một câu cho êm tai.  Những lúc đó tôi bỏ.  Khi xưa viết nhật ký tôi không bao giờ phải lấn cấn chuyện viết cái gì như bây giờ.  Nhưng gắng sức thì cũng vá víu xong được đôi trang chữ.  Lòng vẫn như có điều trống vắng, có một cái gì thúc nhẹ vào lòng.

Từ việc thầy cò, tôi bắt sang làm tài xế !!!  Rảnh rang, tôi đưa ông ra nhà in xem việc in sách tới đâu.  Nhà in thì cũng vừa phải, năm bảy cái máy in, một cái máy cắt, máy đóng gáy, phòng soạn giấy tờ, vài ba cái laptops.  Nhưng nhân viên thực ra gần như là one-man-band.  Anh Khuê và một người bạn lo tất cả mọi việc: layout sách, trình bày bìa, cò bản in, đi mua giấy mực, đi giao sách, và sửa máy.  Kỹ thuật mới cho phép người ta làm việc hữu hiệu với chỉ một vài người.  Tôi đứng xớ rớ một góc, thấy ông cầm điếu thuốc tay rờ rẫm những trang giấy, mũi như đang lắng một mùi hương.  Chỉ có mùi keo nóng khen khét.  Ông lẩm bẩm gật gù nhớ cái mùi mực trên giấy mới những năm xưa.  Anh Khuê cũng điếu thuốc trên tay, chạy qua lại giữa những cái máy in và bàn computer.  Như thợ viết mừng thấy chữ mình hiển hiện, như thợ in sướng thấy những trang giấy trắng được tuôn ra thành những trang sách với nét chữ dòng mực thắm tươi.

Ông đứng nơi nhà in xúi tôi in sách.  Tôi?  In cái gì?  Thì cái gì mình đã viết.  Anh Khuê cười cười, ngẫm nghĩ, rồi cho giá.

Về lại căn gác hẹp, tôi tự trả công nửa chung rượu, ông tự thưởng một ống thuốc.  Nhẹ nhàng thong thả, ông nói, giá đó thì cũng rẻ. ???  Là nói chú mày cứ in đi.  Nhưng cháu có gì đâu để in, ai đọc?  Cái đó thì không lo.  Việc cần trước mắt là nhà in đòi phải in tối thiểu 100 cuốn, (hắng giọng dò dẫm) có list để tặng 100 người không?  Nếu chưa thì về mà lo kết thêm bạn.  Rồi mua thẻ cà phê Starbucks mà tặng kèm, bảo đảm có người đọc.  Grrr.  Tôi quày quả ra về, tiếng cười khà khà còn vọng theo xuống thang.

Lên máy, tôi tự “mi” sách của tôi.  Tôi lựa năm bảy bài cùng một chủ đề gom vào, được một cuốn mong mỏng.  Layout bằng Micro Soft Word cái khó nhất với tôi là sắp trang sao cho thành như sách in.  Mở kho hình ảnh lục một tấm hình thích hợp, tôi mò mẫm làm bìa, cũng trong Word 2003.  Xong.  In thử cuốn đầu.  Hóa ra công đoạn cực nhất là cắt xén sao cho đều và sắp trang đừng lộn.  Hì hụi cả đêm, tôi sản xuất ra được cuốn sách đầu tiên, và ngay hôm sau có người đòi rước ngay tắp lự.  Thằng nhỏ đó không biết đọc văn tiếng Việt.  Nó đọc chữ Việt tàm tạm và viết tiếng Việt thường bỏ dấu lộn.  Nhưng cái đó chỉ riêng tôi biết, không cần phải khai với ai.  Thừa thắng tôi xông lên làm cuốn khác, bìa càng mỹ thuật hơn (trong mắt tôi).  Thằng nhỏ đó theo xin luôn.  Ok, cho.  Tôi in thêm 2 cuốn khác.  Vừa lúc máy in hết mực.  Tôi tính thầm một con số và quyết không khai với ông để khỏi bị bêu riếu là bần tiện. 

Và tôi vác sản phẩm của mình qua khoe với ông.  Gật gù.  Thì kể cũng khéo tay.  Tôi chặn ngay, cháu sẽ tặng anh bạn bên Wichita, để mua vui thôi.  Tôi hả hê lắm cho 2 cuốn sách lem nhem nham nhở ấy, tự bảo, handmade là tác phẩm nghệ thuật, không phải là sản phẩm công nghệ như sách in !!!  Lại tự thưởng nửa chung. 

Hôm nay ông gọi tôi qua, “hàng về !!!”  Trong ánh chiều tà, chúng tôi mừng sách mới_một nửa chung rượu một ống khói mờ - mừng sách đại kỹ nghệ của ông và sách thủ công nghệ của tôi.  Ông lôi ra một bộ, của tôi.  Ông lôi thêm bộ nữa, của Wichita.  Sao trần trụi một chữ ký vậy?  Thì còn phải chừa chỗ cho chú mày viết vài hàng chứ.  Tay chân tôi hậu đậu không thể viết vô cái chỗ hẹp té đó được, tôi xê xuống khúc dưới.  Ngó lại, thấy trang ký tặng nó lỏng khỏng làm sao ấy.  Nheo mắt cười cười, anh ấy biết tình của chú mày mà.  Tôi ôm chồng sách, sách của tôi làm, sách của ông dành cho tôi và Wichita, ra về.  Vẫn như quên như thiếu một cái gì.  Tưởng bể bầu rỗng bụng chỉ mình ông thôi chứ?

Buổi tối tôi lơ mơ nằm xem phim  We Bought A Zoo.  Đoạn cuối, anh Matt Damon đang dở lại những hình ảnh cũ của người vợ trẻ vừa qua đời cách đây sáu tháng.  Anh cười với những khúc phim gia đình, anh khóc với những hình ảnh thân thương.  Rồi anh dẫn 2 con qua những nơi từng có kỷ niệm với mẹ của nó, từ buổi đầu gặp gỡ.  Màn ảnh lóe sáng những nét cười rồi phủ trùm một màn đen kết thúc.  Lúc đó bao nhiêu điều trong tôi nối lại, như bằng một ánh chớp diệu kỳ.

Từ bông lúa vàng tóe cọ vào thành xe đò Sài Gòn - Vũng Tàu ngày tôi học tiểu học, nối đến cái màu nắng vàng đục trên lưng được cơn gió thoảng hắt đi như cất bớt nỗi nhọc nhằn của kiếp sống khi tôi còng lưng đạp xe vào Chợ Lớn chỉ để thấy một bóng hình.  Đường đi đã dài, đường về thêm dịêu vợi.

Từ ánh trăng vàng trong bên lưới mắt cáo, ánh trăng huyền hoặc đêm Thủ Thiêm, đến ánh trăng xanh tàn đêm phủ dầy khi tôi đứng ôm người ở cầu tàu mờ sương.  Giọng đơn sơ thiệt thà của Anh Tài hát Ánh Trăng Tan mang mang nỗi buồn nhẹ nhàng mà dai dẳng.
Rồi chuyến xe đò chở tôi lên miền Long Khánh xa lạ, đất đỏ quánh mắt lèo tèo quán chợ buồn tênh.  Tôi đi tìm và đã may mắn gặp người, nhưng niềm vui tưởng vỡ tim ấy như tà đi với ánh mắt ngơ ngác của người trung niên quê mùa đạp xe thong thả băng ngang.  Niềm yêu bùng vỡ đã dập tắt tức thời trong một cái liếc mắt thờ ơ.  Thiên địa vô tình?

Còn những ấm áp hơi người rát làn da, có thực chúng ta yêu và tình yêu là tất cả?  Nếu phải, thì sao bóng mờ tình phai, nếu không sao tôi cứ nhớ hoài cảm giác lúc mình đang yêu lúc biết được yêu?  Tình là chi mà nhiều khi chôn được ở lòng ta … 

Và tử sinh ngắn ngủi, có ngắn bằng một giây chia cắt, bằng 2 ngón tay ông y sĩ để lên mạch cổ tay, mắt nhìn đồng hồ, rồi không một cái rùng mình ánh mắt khép hờ ấy như thoát đi sinh khí và tấm hình hài trên cánh tay tôi thành một cỗ xương với tiếng đọc giờ phút nện xuống như đinh…

Tất cả những mảnh vụn tào lao của 50 năm trên dương thế cứ quẩn quanh trong tôi như những mảnh tuyết giả nằm nơi đáy trái cầu tuyết-Giáng-sinh, mỗi khi có tay ai cầm lên lắc nhẹ thì những mảnh trăng trắng dật dờ ấy dấy lên rồi trôi lờ vờ trong bầu chất lỏng.  Năm mươi năm ấy dài như hai tháng mới qua, từ lúc tôi để mắt nhìn vào trang bản thảo cho đến buổi chiều nhàn nhạt trống không.  Trong đêm tối tôi bật thầm tiếng kêu, it all comes too fast.


Lưu Na
4/23/2012

Món Tóc Tình Yêu

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh





1
   Người phụ nữ, một phụ nữ da trắng đã đứng tuổi, đi nhanh lướt ngang trước mặt Thi, rồi bỗng quay đầu lại, thốt lên:
   - Ồ! Tóc đẹp làm sao!
    Người qua kẻ lại trước thư viện rất đông vào buổi chiều giờ tan sở, ai cũng vội vàng. Và không ai nghe kịp một câu nói cũng được thốt ra vội vàng. Người phụ nữ đi ngược lại một chút, nhìn Thi, lập lại:
   - Tóc đẹp lắm!
   Thi ngơ ngác.., chợt hiểu kịp là bà đang khen mình. Đúng ra, là bà khen mái tóc của mình. Thi cười một nụ cười khiêm tốn:
   - Dạ! Cám ơn bà.
   Người phụ nữ hơi nghiêng đầu, vui vẻ:
   - Tôi muốn ngắm một chút. Mái tóc đen và mượt lắm! Tôi đoán... cô không có nhuộm tóc.
   - Dạ thưa không ạ.
    - Hay lắm! Tôi thích ngắm những mái tóc tự nhiên. Chắc hẳn mẹ của cô... cũng có mái tóc đẹp"
   - Dạ, Thi đáp hãnh diện, mẹ tôi có mái tóc dày và mượt hơn tóc tôi nhiều ạ.
   - Chúc mừng cô! Tạm biệt cô nhé!
   - Cám ơn bà. Tạm biệt.
    Thi còn giữ nụ cười trên môi, nhìn theo người phụ nữ với mái tóc bạch kim dần đi khuất. Một cảm giác thật bồi hồi sau những câu trao đổi ngắn ngủi với một người lạ khiến Thi muốn dừng lại lâu hơn trước những hàng tăm tắp hoa Oải Hương. Trông suốt bề dài của luống hoa, chỉ thuần một dải mầu tím. Loài hoa Lavender này, Thi thích gọi là "tóc tím", vì qua những lần đi chơi xa về vùng Nam California, Thi nhìn rất mê say những đồi hoa tím ngắt, trông như những làn tóc màu tím mơ mộng uốn cong ẻo lả tận chân trời.   Thi ngắm những bông hoa, nghe lòng lâng lâng vui.
    Về đến nhà, Thi vẫn chưa muốn kể lại mẩu chuyện ngắn thú vị đó cho ai nghe. Thi muốn giữ riêng cho mình trước đã. Cho đến khi ăn cơm tối xong, một mình, Thi cầm điện thoại lên, gọi về cho má. Thi phải khoe má câu chuyện vui ban chiều.
   - A lô, má ơi, con Thi đây!
   - Con Thi hả" Mấy giờ rồi mà gọi má vậy con"
   - Dạ bên con là chín giờ đêm, bên nhà là mười một giờ sáng há má!
   Lúc nào gọi về, Thi cũng "dịch" ngay giờ giấc cho má. Má cười bên kia đường dây:
   - Nói ít ít, kẻo tốn tiền.
   - Má làm gì đó má" Có ai ở nhà với má không"
   - Có ai đâu! Em con đi làm rồi, tối mới về. Má có một mình đây thôi!
   Cổ họng Thi nghẹn lại. Thi không nói được. Má rất tinh ý. Má nói:
   - Sao vậy con"
   - Má...
   - Lại sắp ca bài cải lương cho má nghe phải không" "Má, má ơi qua bên này chơi với con"... Má không sao đâu!
    - Má ơi, con không yên tâm... Má ở có một mình...
    - Khổ quá! Đến tối có em con về mà!
    - Nhưng má cứ thui thủi một mình cả ngày như vậy, buồn lắm!...
    - Má có cái ti-vi làm bạn đây! Thiếu gì tiết mục hay để coi.
    - Má qua bên này... có con cháu đông đúc, má không phải ở nhà một mình...
    - Ở đâu cũng vậy thôi con ơi! Ở bên này, má còn có ba.
    Má còn có ba, ở bên này. Mỗi sáng má vẫn uống cà phê sữa với ba. Ba uống trước, má đem xuống uống sau. Ngày trước thì khác, mỗi lần má pha cà phê cho ba, má thường hớp trước một ngụm, gật gù khen "Ngon!", rồi mới trao cho ba, tủm tỉm cười. Mấy mươi năm vẫn là như vậy. Ba với má hầu như rất ít khi rời nhau. Kể cả bây giờ, sau năm năm má uống cà phê sau ba, vẫn như không thể rời nhau. Ở bên này, má còn có ba. Tro cốt của ba, má gửi bên chùa. Bàn thờ của ba mấy năm nay vẫn tỏa hương khói ấm cúng. Có gì khác với ngày xưa đâu! Mấy đưa con ở Mỹ dụ má đi qua ở, đem "ba" qua luôn. Má từ chối nguầy nguậy:
     - Thôi! Má không thay đổi đâu! Các con cứ lo phần mình đi, nuôi con cái cho giỏi, cho chúng nó học hành nên người. Lúc ba còn sống, ba cũng nói muốn ở Việt Nam chứ không đi đâu cả. Ba má đã qua Mỹ chơi rồi, biết hết rồi, cho ba má về sống tại quê nhà, chết tại quê nhà. Tụi con và các cháu còn trẻ, đường còn dài, cứ đi theo ý nguyện của mình. Má ở đây, có lối xóm, có chùa chiền, má quen rồi!
     Nói mấy cũng bằng không. Chị em Thi đành chịu thua má.
     Hôm nay, sau khi kể cho má nghe về chuyện người phụ nữ trước thư viện khen mái tóc của Thi, Thi hân hoan nói tiếp:
     - Má ơi! Con được khen, con nghĩ tới má liền. Con được hưởng di truyền từ má đó má!
     - Di truyền hả" Ờ. Nhưng di truyền gì thì tóc má cũng đã bạc muối tiêu rồi.
     - Tóc má bạc trễ đó! Mẹ của các bạn con đã bạc tóc trước má mấy mươi năm nay.
     - Ừ! Chắc má cũng được di truyền từ bà ngoại.
    Hai mẹ con cười với nhau. Đêm đó, Thi chìm trong giấc ngủ có suối tóc đen nhánh của má. Suối tóc như một chiếc võng êm ái, và Thi như con sóc nhỏ nằm gọn trong đó.

2
    Má có một món tóc, một lọn tóc thật là dài. Má nói ngày trước các bà thường hay có "đầu tóc mượn". Nghe gì mà kỳ vậy má" "Đầu tóc mượn" chính là lọn tóc xin hoặc mua từ một người khác, có thể là vì mình quá ít tóc không đủ để bới thành một búi. Nhưng má thì không phải mua hoặc xin ai. Thật ra, cần phải hồi tưởng một vòng theo lời má kể thì mới thú vị. Má nói khi xưa, lúc cả nhà theo đoàn dân chúng "tản cư" vào nơi rừng sâu nước độc, má đã mắc bệnh thương hàn. Qua cơn đau, tóc má rụng chỉ còn lưa thưa. Mái tóc dày mượt thời con gái giờ đây nắm lại chỉ bằng cọng đũa. Má ra chợ mua một món "tóc mượn" để chắp thêm vào cho dễ bới tóc. Đêm hôm đó chắc là do "thần hồn nát thần tính", bị ám ảnh bởi lời của bạn bè, má nằm mơ thấy có người đàn bà lạ mặt đến bên cạnh, đòi lại đầu tóc. Thế là sáng hôm sau má đem món tóc tặng lại người bán hàng. Bà nội khuyên cạo hết tóc đi, tóc sẽ mọc ra đều. Má vâng lời. Từ đó, má có lại mái tóc đen dài óng ả. Mỗi khi chải tóc, rụng ra sợi nào, má đều nhặt lấy và vuốt lại thành một lọn tóc, má cột chặt một đầu, và dùng lọn tóc ấy làm đầu tóc "mượn" của chính mình.
     Má gội đầu bằng bồ kết, giống như bà ngoại. Cho đến khi sinh ba bốn đứa con, má vẫn dùng nước bồ kết. Loại trái màu đen, dài, vỏ giòn cứng, phơi khô, má nấu cả trái hoặc bẻ ra nhiều khúc. Mấy anh chị em thấy nước bồ kết đen thui, đứa nào cũng le lưỡi. Sau này má cũng dùng dầu gội đầu như đám con cháu, nhưng má vẫn hay trầm trồ khi nói về trái bồ kết, cho rằng nhờ đó mà tóc má luôn xanh đen.
    Nếu chỉ nói về một mái tóc thì chắc cũng mau hết chuyện. Thế nhưng Thi hay liên tưởng dòng tóc như một dòng đời. Cũng là một ý nghĩ không có gì mới mẻ cho lắm. Chỉ có ý nghĩa vì Thi đã xa má nửa vòng trái đất. Những giây phút được sống bên má thật hiếm hoi. Thuyết phục, năn nỉ, giận hờn... đủ cách rồi mà cũng chẳng được gì đâu! Má giảng hòa:
    - Má theo lũ con bên đó thì bỏ lũ con bên này" Theo cái lũ bên này thì lũ con bên đó lại buồn... Thôi, để má yên, cái nhà này là của ba má tạo dựng, dù sao má sống trong đó cũng được tự do hơn.
    Mà thật, đám con chín đứa thì một nửa ở hải ngoại, một nửa ở Việt Nam. Thôi đành vậy! Đứa nào về thăm má được thì thăm. Không giành nhau nữa.
    Sau khi ba mất, mái tóc của má bạc thêm nhiều. Dòng đời đã nhuốm những u buồn. Với các con, má trẻ mãi. Má trẻ như cô gái ngày xưa xinh đẹp thông minh, hát hay. Ba đi học về ngang nhà, tỏ tình bằng một câu độc đáo:
    - Này cô ơi! Về nói giùm với mạ...
    - Dạ, chi ạ"
    - Nói mạ đừng có gả cô cho ai hết, để dành đó... cho tôi.
    Mỗi lần nhắc lại, ba và má đều cười ngặt nghẽo.
    Má trẻ như người mẹ tay dắt ba đứa con đầu, tung tăng trong hội chợ. Má trẻ như người đàn bà lam lũ những năm tháng bắt chước người ta đi buôn vì trong nhà hết tiền, cái gì cũng mang ra bán. Má đi buôn gạo, buôn trà, buôn cả gà. Nói "buôn" cho oai chứ mỗi người một cái túi, mắt lấm lét nhìn trước ngó sau, có lúc cũng nếm mùi bị bắt hàng và ngồi cả giờ trong trạm thuế vụ. Má trẻ như người vợ 50 năm, cùng ba đứng cho con cháu chụp hình. Một thoáng má như trẻ thơ, thấy ngón tay mình đụng vào cái bánh làm dính kem, má hồn nhiên đưa ngón tay lên mút. Lũ quỷ sứ được dịp cười chọc quê má.
Má trẻ như khi đã làm sui, như khi đã làm bà, như khi đã làm cố.

3
     Một hôm, khi gọi về thăm má, Thi hỏi má đang làm gì, má nói má đang ngồi với chị Hoa hàng xóm. Chị ấy đang chải tóc cho má, và hai người sẽ chuẩn bị đi chùa. Chị Hoa ấy thường chở má đi chùa bằng xe Honda, có nghĩa là xe gắn máy. Tiện thể, má khen chị Hoa là người con gái rất tốt, không lập gia đình, chỉ thích đi chùa nên hợp với má lắm. Đi đâu má cũng gọi chị ấy đi cùng, vì con cái bên nhà cũng bận bịu đi làm, bận bịu gia đình riêng. Má nhờ có chị Hoa nên đỡ cô độc. Chị ấy đỡ đần cho má như người thân thuộc vậy. Thi nghe mừng. Nhưng không hiểu sao, khi bỏ điện thoại xuống, nước mắt Thi trào ra. Một cảm giác kỳ lạ như là có chút ganh tị. Ồ! Tại sao" Thi không biết!
     Sáng hôm sau, khi ngồi xuống trước máy vi âm, lòng ngập tràn thương nhớ xen lẫn chút tủi thân, Thi có cảm giác không muốn làm việc. Nhưng rồi, như một nhịp sống không gọi nhưng cũng đã gõ, những ánh đèn xanh chớp sáng lòe, nhấp nháy trên hệ thống điện thoại, như nóng lòng, như thúc giục. Một động tác quen thuộc: Thi bấm một nút xanh để nhận người bên đầu kia của đường dây, từ một nơi nào Thi không biết.
    - A-lô, Hà Thi xin kính chào...
    - Cô Hà Thi! Ôi, "gặp" được cô tôi mừng lắm! Sáng nào chưa nghe tiếng của cô thì tôi cảm thấy thiếu thốn làm sao! Cô như là người thân của tôi vậy. Hà Thi ơi, xin cô cho tôi nghe một bản nhạc, bản...
     Một người khác:
    - Thưa cô Hà Thi, tôi lần đầu tiên gọi cho cô. Nhưng cô ơi, tôi là thính giả thầm lặng của cô đã mấy năm nay rồi đó! Tuy tôi chưa được trực tiếp nói chuyện với cô, nhưng mỗi ngày tiếng nói của cô đã an ủi tôi rất nhiều. Tôi là một người già sống trong tòa building 8 tầng của San Diego đây cô! Tôi ở có một mình, không con cháu...
     Thi chợt nghe nhẹ lòng. Mọi cái như đã có câu trả lời.

4
     Diệu Hạnh từ một thiền viện nhỏ ở Rescue về ghé qua thăm Thi. Hai người từng là bạn thân thuở còn viết báo học trò. Gặp Thi, Diệu Hạnh kêu lên:
    - Chao ôi! Thi để tóc dài quá nhỉ!
    - Hạnh thấy dài nhiều chưa" Thi vẫn còn thấy ngắn, chưa đủ...
    - Quá dài rồi! Trước giờ chỉ thấy Thi để dài lắm là ngang vai, sao bây giờ đã đến lưng" Có tâm nguyện gì không"
    Thi cười trêu bạn:
    - Người ta có tâm nguyện thì thường xuống tóc, chứ để dài làm chi! Cũng như...
    - Như mình đây phải không", Diệu Hạnh ngắt lời ngay.
    - Tâm nguyện của Hạnh thì lớn lắm, Thi chẳng dám bì đâu!
    - Có hay không cũng được. Thi để tóc dài lại càng thấy giống bác gái. Mình nhớ ngày xưa mỗi lần đến chơi, mình mê mái tóc của bác khi xõa ra dài gần đến gót. Bác bới tóc lên trông thật hay!
    Thi bâng khuâng tâm sự:
   - Hạnh có biết không, xa mẹ là điều mà Thi khó chấp nhận. Thuở nhỏ, có bao giờ Thi đi xa mẹ nửa bước, trừ những khi đi học thôi. Mẹ mình vất vả nhiều với đàn con. Vậy rồi, từ lúc ra trường, Thi là đứa bay nhảy nhiều nhất trong mấy anh chị em. Mẹ mình nói mình có nốt ruồi ở bàn chân nên là cái chân chạy. Bây giờ thì... đã chạy xa mẹ nửa vòng trái đất. Già đầu rồi vậy mà mỗi khi đau ốm, mình vẫn có cái khao khát là nằm ở cái giường của mình ngày còn bé, được bàn tay mẹ sờ trán thật là mát...
   Thi chợt im bặt khi thấy Diệu Hạnh xoa hai bàn tay và chắp lại để trước ngực. Một thoáng lặng yên. Thi nói nhỏ:
    - Hạnh! Xin lỗi...
   Hạnh cười thật hiền từ:
    - Có gì đâu! Mình mất mẹ gần hai mươi năm nay, Thi cũng đã biết rồi. Quá sớm phải    không Thi" Nhưng cái ý niệm "có mẹ" vẫn nguyên vẹn. Thật ra, mình đã phải chiến đấu thật gay gắt với chính mình để thắng được cái sự thật "mất mẹ". Bây giờ thì yên rồi! Những đêm mình ngồi thiền xong, đi vào giường ngủ, cũng như những lúc giật mình dậy với tiếng kiểng thức chúng, mình thấy mẹ mình vẫn luôn ở bên cạnh mình, vỗ về an ủi.
Hai người bạn ngồi yên lặng...

5
    Bàn tay người thợ uốn tóc nhẹ nhàng thắt một cái bím cho Thi sau khi đã cột tóc lại thành một cái "đuôi sơ-van" thấp*. Và cũng thật thành thạo với công việc này, anh dùng chiếc kéo sắc, cắt phía bên trên sợi dây thun cột tóc. Thi đã có một mái tóc "bom bê". Thi nâng niu bím tóc của mình, cho vào một túi "ziploc". Ngày mai sẽ cho vào phong bì và gửi bưu điện đến tổ chức "Lock of love" ở Florida. Một em bé nào đó sẽ nhận mái tóc thật làm từ tóc của mình đây! "Món tóc tình yêu", món tóc của mẹ, của cha. Một bác sĩ đã cho biết rằng ngày nay những gì gọi là "prosthesis", những bộ phận nhân tạo, đều không thiếu. Tóc cũng vậy. Tóc làm bằng vật liệu tổng hợp cũng giống y hệt tóc thật, không hiếm và cũng không đắt tiền. Nhưng những món tóc tình yêu khi được nuôi dưỡng cả năm trời rồi mới cắt mang tặng, sẽ có ý nghĩa rất khác. Người mang mái tóc ấy sẽ cảm nhận được tình yêu của một người xa lạ gửi cho mình. Cảm giác bệnh tật sẽ giảm đi rất nhiều, như vị bác sĩ nói, người nhận sẽ "not only look good, but also feel good".
    Dòng đời của ba má vẫn chảy hoài trên chính con người của con.  "Lock of love"! Món tóc của tình yêu! Thi hài lòng với tâm nguyện của mình.

Mother’ s Day, 2010
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

(*) đuôi ngựa, queue de cheval, ponytail